Chương 10: Tengo

Cuộc cách mạng đổ máu thực sự

“Đổi tàu,” Fukaeri nói, rồi lại nắm tay Tengo lần nữa. Đó là lúc tàu điện sắp đến ga Tachikawa.

Xuống tàu, lên cầu thang rồi lại xuống cầu thang, đến một ke tàu khác, suốt quãng thời gian ấy Fukaeri vẫn nắm chặt tay Tengo không rời. Trong mắt những người xung quanh, hai người chắc chắn trông giống một cặp tình nhân quấn quýt. Tuổi tác tuy chênh lệch khá nhiều, nhưng vẻ ngoài của Tengo luôn trẻ hơn tuổi thực. Sự khác biệt về chiều cao hẳn cũng khiến những ánh mắt xung quanh ánh lên vui vẻ. Một cuộc hẹn hò hạnh phúc buổi sớm Chủ nhật mùa xuân.

Nhưng bàn tay Fukaeri nắm chặt tay anh không có cảm giác nào giống như là tình yêu với người khác giới. Cô luôn nắm tay anh với một lực nhất định. Các ngón tay cô có gì đó gần với sự chuẩn xác chuyên nghiệp của bác sĩ bắt mạch cho bệnh nhân. Có lẽ cô thiếu nữ này đang thông qua sự tiếp xúc giữa các ngón tay hoặc bàn tay, trao đổi với mình những thông tin không thể truyền đạt bằng lời. Tengo đột nhiên nghĩ như vậy. Nhưng kể cả có cách làm như vậy thì cũng không phải là trao đổi, mà giống phát tín hiệu một chiều hơn. Có lẽ Fukaeri đang hấp thu và cảm nhận qua lòng bàn tay cô những thứ trong tâm trí Tengo, còn Tengo lại không thể đọc được nội tâm cô. Tengo chẳng lo lắng. Bởi dù cô có đọc được gì, trong lòng anh cũng chẳng có thông tin và xúc cảm nào đáng để anh phải bối rối khi bị Fukaeri nắm được.

Dẫu sao, tuy cô thiếu nữ này hoàn toàn không có ý thức gì về người khác giới, nhưng hẳn là cũng có chút thiện cảm với mình, Tengo suy đoán. Ít nhất thì có thể khẳng định là không có ấn tượng xấu. Bằng không, bất luận là có dự định gì, chắc cô cũng chẳng nắm tay mình lâu đến thế.

Hai người tới ke đi tuyến Oume, lên con tàu đang đợi ở đó. Vì là Chủ nhật, trong toa chật kín các ông bà già ăn mặc kiểu leo núi và hành khách dẫn theo cả nhà đi chơi, chật chội hơn so với Tengo tưởng tượng. Hai người không ngồi xuống ghế, mà đứng cạnh nhau gần cửa toa.

“Cứ như đi dã ngoại ấy,” Tengo đưa mắt nhìn phía trong toa, nói.

“Nắm tay anh liệu có sao,” Fukaeri hỏi Tengo. Sau khi lên tàu, cô vẫn nắm tay Tengo không rời.

“Đương nhiên là được,” Tengo đáp.

Fukaeri hình như đã yên tâm, vẫn nắm chặt tay Tengo. Bàn tay cô vẫn khô ráo, không ra giọt mồ hôi nào. Dường như cô vẫn đang tiếp tục tìm kiếm, xác nhận điều gì đó bên trong anh.

“Không sợ nữa à,” cô hỏi mà không thêm dấu chấm hỏi.

“Anh nghĩ là không sợ nữa,” Tengo đáp. Anh không nói dối.

Có lẽ do được Fukaeri nắm tay, nỗi sợ luôn tấn công anh mỗi buổi sáng Chủ nhật rõ ràng đã chùn lại. Mồ hôi không ra nữa, tiếng nhịp tim cứng nhắc cũng không còn nghe thấy. Ảo giác không xuất hiện. Hơi thở đã điều hòa trở lại.

“Tốt quá,” Fukaeri nói với giọng không trầm không bổng.

Tốt quá. Tengo cũng cảm thấy thế.

Tiếng loa phát thanh nhanh và gọn vang lên, thông báo tàu điện chuẩn bị xuất phát. Vậy là, như thế các loài động vật lớn ngủ đông rùng mình sau giấc ngủ dài, cánh cửa phát ra những tiếng rùng rùng ầm ĩ rồi đóng sập lại. Đoàn tàu như cuối cùng cũng hạ được quyết tâm, chầm chậm rời ga.

Tengo và Fukaeri nắm tay nhau, ngắm nhìn phong cảnh ngoài cửa sổ. Ban đầu là những khu nhà ở quen thuộc, nhưng tàu càng đi, cảnh trí bằng phẳng của Msashino dần chuyển thành những núi non nổi bật. Từ ga Đông Oume, đường ray thành đơn tuyến, chuyển sang xe điện bốn toa, và núi non xung quanh càng lúc càng sống động. Từ đây trở đi không còn thuộc tuyến đường đi làm của dân công sở trung tâm Tokyo nữa rồi. Trên triền núi, sắc khô héo của mùa đông vẫn còn rơi rớt nhưng màu xanh tươi mới của những loài cây không rụng lá đã đập vào mắt. Mỗi khi vào ga, cửa toa mở ra, là có thể cảm nhận được mùi của không khí thay đổi. Cả tiếng vọng của âm thanh như cũng đổi khác. Những thửa ruộng ven đường trở nên nổi bật hơn, kiến trúc mang phong cách nông gia mỗi lúc một nhiều. Xe tải hạng nhẹ nhiều hơn hẳn xe con. Chỗ này xa thật! Tengo nghĩ. Rốt cuộc là muốn đến tận đâu đây?

“Không cần lo lắng,” Fukaeri dường như đọc được tâm tư của Tengo, liền nói với anh.

Tengo lặng lẽ gật đầu. Cũng hơi giống đi đến ra mắt cha mẹ người yêu, nói chuyện cưới xin với người ta, anh nghĩ.

Hai người xuống ở một ga tên là “Futamatao”. Anh chưa từng nghe đến tên ga này, một cái tên khá kỳ lạ[1]. Ở nhà ga bằng gỗ cũ kỹ này, ngoài hai người bọn họ, năm sáu hành khách khác cũng xuống tàu. Không có ai lên. Người ta muốn tản bộ trên con đường núi giữa bầu không khí trong lành nên mới đến Futamatao. Chứ chẳng ai vì buổi công diễn vở nhạc kịch Kỵ sĩ xứ Mancha, những sàn disco nổi đình đám hoang dại, phòng trưng bày xe Aston Martin, hay quán ăn kiểu Pháp nổi tiếng với món tôm hùm hấp mì ống mà lại đến Futamatao này. Chỉ cần nhìn qua cách ăn mặc của những nguồi xuống tàu cũng đủ biết điều đó.

[1] Trong tiếng Nhật, tên này có nghĩa là cái đuôi chẻ ra làm đôi.

Xung quanh ga không có nơi nào đáng được gọi là cửa hàng, một bóng người cũng không có, nhưng lại có một chiếc taxi đậu ở đó, có lẽ lái xe đã tính thời gian tàu điện tới, nên đến để đợi khách. Fukaeri gõ nhẹ lên kính xe, cánh cửa bật mở, cô ngồi vào trong, rồi vẫy tay gọi Tengo. Cửa xe đóng lại, Fukaeri nói nơi đến, tài xế gật đầu.

Thời gian taxi không lâu lắm, nhưng đường đi thì phức tạp vô cùng. Phải men theo một con đường nhỏ hẹp như bờ ruộng đến tránh nhau còn khó, hết lên đèo lại xuống dốc rất hiểm trở. Đường vòng và chỗ rẽ nhiều vô kể. Thế nhưng tài xế hầu như không giảm tốc độ khi đi qua những chỗ như thế, và Tengo giật mình thon thót, chỉ biết túm chặt vào tay nắm trên cửa xe. Ngồi taxi mà chẳng khách nào ngồi tàu lượn siêu tốc trong công viên giải trí. Tengo chìa hai tờ một nghìn Yên trong ví ra, lấy lại tiền lẻ và biên lai.

Phía trước căn nhà cũ kiểu Nhật ấy, có một chiếc Mitsubishi Pajero màu đen và một chiếc Jaguar màu xanh lục. Chiếc Pajero được lau chùi bóng loáng, còn chiếc Jaguar là kiểu cũ, phía trên đóng một lớp bụi dày, không còn nhận ra được màu sắc ban đầu. Kính chắn gió bẩn ghê gớm, hẳn lâu lắm rồi không có ai lái. Bầu không khí trong lành đến ngạc nhiên, xung quanh im lìm, tĩnh mịch. Tĩnh mịch đến độ phải điều chỉnh lại thính giác mới thích ứng được. Bầu trời cao vút, những phần da để hở dễ dàng cảm nhận được ánh nắng ấm áp. Thi thoảng lại vẳng lên những tiếng chim cao vút lạ tai. Nhưng chẳng thấy bóng dáng chim đâu.

Đây là một căn nhà rộng rãi rất có phong cách. Có vẻ như đã xây dựng từ nhiều năm trước, nhưng được bảo quản tốt. Cây cối trong sân được cắt tỉa đẹp đẽ. Và vì cắt tỉa quá nên mấy cây trồng thậm chí còn hơi giống cây giả bằng nhựa. Những cây to đổ bóng lớn xuống nền đất. Tầm nhìn khá rộng, nhưng trong tầm mắt nhìn chẳng thấy nếp nhà nào. Người cố ý chọn một nơi bất tiện thế này để ở, chắc chắn phải là nhân vật không muốn qua lại với người khác, Tengo đoán.

Fukaeri mở cánh cửa lớn không khóa làm phát ra những tiếng kèn kẹt, bước vào trong, rồi ra hiệu cho Tengo đi theo. Không ai ra đón. Họ cởi giày ở tiền sảnh rộng rãi và yên tĩnh lạ thường, bước trên sàn nhà lạnh buốt được lau sạch bóng, vào phòng khách. Từ cửa sổ phòng khách có thể nhìn thấy núi non trùng điệp kéo dài như một bức tranh toàn cảnh. Dòng sông ngoằn ngoèo, sóng hắt ánh nắng loang loáng đập vào mắt. Phong cảnh đẹp vô cùng, nhưng Tengo chẳng còn lòng dạ dể ngắm. Fukaeri bảo Tengo ngồi xuống chiếc sofa rộng, rồi không nói gì đi ra khỏi phòng. Chiếc sofa toát lên thứ mùi của thời xưa. Nhưng rốt cuộc cổ đến mức nào thì Tengo không biết.

Một gian phòng khách mộc mạc lạ thường. Trên cái bàn thấp làm từ nguyên một tấm gỗ dày, không bày biện bất cứ thứ gì. Không có gạt tàn, không có khăn trải bàn. Trên tường không treo tranh. Không có đồng hồ và lịch. Không có lọ hoa. Cũng không có tủ để đồ trang trí. Rồi chẳng thấy cuốn sách hay tạp chí nào. Chỉ trải độc một tấm thảm cũ kỹ đã phai màu đến mức không thể nhận ra kiểu hoa văn ban đầu, cùng một bộ sofa cổ lỗ. Gồm cái sofa to như bè gỗ Tengo đang ngồi và ba ghế đơn. Một cái lò sưởi lớn kiểu mở, nhưng không có dấu vết mới được sử dụng. Tuy đã giữa tháng Tư, nhưng trong phòng vẫn lạnh toát. Dường như hơi lạnh của mùa đông vẫn đang ngự trị nơi đây. Hẳn đã từ rất lâu căn phòng này không còn có ý định tiếp đãi bất cứ người nào nữa. Fukaeri quay lại, vẫn không nói một lời, lẳng lặng ngồi xuống bên cạnh Tengo.

Một lúc lâu, hai người không nói tiếng nào. Fukaeri đắm chìm trong thế giới bí ẩn của mình, Tengo thì chỉ lặng lẽ thở sâu, điều hòa cảm xúc. Ngoại trừ tiếng chim thi thoảng vọng tới, cả gian phòng tĩnh lặng như tờ. Tengo thấy như thể nếu dỏng tai lắng nghe, sự tĩnh mịch này đang hàm chứa một vài ý nghĩa khác nhau. Đây không đơn giản chỉ là tĩnh lặng, mà chính bản thân sự im lặng như đang kể điều gì đó về mình. Tengo vô tình liếc nhìn đồng hồ đeo tay, rồi lại ngước lên nhìn phong cảnh ngoài cửa sổ, sau đó lại nhìn đồng hồ. Thời gian như đã ngừng trôi. Sáng ngày Chủ nhật, thời gian bao giờ cũng trôi thật chậm.

Chừng mười phút sau, không có dấu hiệu gì báo trước, cánh cửa bật mở, một người đàn ông gầy gò dáng điệu vội vã bước vào phòng khách. Ông ta chừng sáu lăm tuổi, chỉ cao khoảng một mét sáu, nhưng nhờ có phong thái đường hoàng nên không gây ra cảm giác mờ nhạt. Lưng ưỡn thẳng như gắn cốt thép, cằm thu về sau. Lông mày rậm, đeo một cặp kính gọng đen to tướng được làm ra như để dọa người khác. Cử động của ông ta có gì đó khiến người ta liên tưởng đến một cỗ máy được chế tạo hết sức tinh vi, mọi bộ phận đều được nén lại thật nhỏ gọn. Không có chỗ nào thừa thãi, các linh kiện đều được ghép nói với nhau sao cho hiệu quả nhất. Tengo đang định đứng dậy chào thì ông đã nhanh nhẹn xua tay ra hiệu cho anh ngồi yên đó. Tengo vừa ngồi xuống theo yêu cầu của ông sau khi mới nhổm lên nửa chừng thì ông cũng vội vàng ngồi xuống cái ghế đơn đối diện như thể muốn ganh đua với anh. Sau đó, ông ta chẳng nói chẳng rằng, cứ nhìn chằm chằm Tengo một lúc lâu. Ánh mắt tuy không sắc bén, nhưng là ánh mắt nhìn thấu từng ngóc ngách không chút lơi lỏng. Đôi mắt khi thì nheo nheo, lúc lại mở to, như thể nhà nhiếp ảnh đang điều chỉnh khẩu độ của máy ảnh.

Người đàn ông mặc áo sơ mi trắng, bên ngoài khoác áo len màu xanh đen, quần vải dạ có màu xám tro. Mỗi món đồ thoạt nhìn đều như đã mặc thường xuyên và liên tục trong mười năm, rất vừa vặn, nhưng hơi cũ. Có lẽ ông không thuộc kiểu người chú ý đến chuyện ăn mặc, hoặc giả bên cạnh không có ai để ý giúp. Tóc đã lưa thưa, khiến cho hình dạng dài từ trước ra sau của cái đầu càng nổi bật. Hai má hóp lại, cằm vuông vức, duy chỉ đôi môi nhỏ nhắn dày dặn như của trẻ con là không hài hòa lắm với tổng thể. Khuôn mặt vẫn còn những chỗ râu ria lởm chởm chưa cạo hết, hoặc cũng có thể do ánh sáng nên thoạt nhìn có vẻ như vậy. Ánh nắng vùng núi chiếu qua cửa sổ hình như có chút gì đó hơi khác so với ánh nắng Tengo thường thấy.

“Xin lỗi đã phiền cậu phải đi xa thế.” Ngữ điệu của người đàn ông này có sự du dương trầm bổng đặc biệt. Đó là kiểu nói của người đã quen trình bày trước đám đông trong một thời gian dài, với những câu chuyện hẳn có tính logic rất cao. “Vì lý do bất đắc dĩ khiến tôi khó lòng rời khỏi nơi này, nên đành phải phiền cậu tới đây.”

Chuyện nhỏ thôi ạ, không cần khách sáo, Tengo đáp, rồi xưng tên mình. Xin lỗi vì không có danh thiếp.

“Tôi họ Ebisuno,” ông ta nói, “Tôi cũng không có danh thiếp.”

“Ông Ebisuno?” Tengo hỏi lại lần nữa.

“Mọi người đều gọi tôi là thầy giáo. Cả con gái ruột chẳng hiểu sao cũng gọi tôi là thầy giáo nốt.”

“Chữ viết thế nào ạ?”

“Họ này rất ít gặp, khá hiếm đấy. Eri, con viết cho cậu ấy xem.”

Fukaeri gật đầu, lấy một cuốn trông giống sổ ghi chép, dùng bút bi chầm chậm viết vào một trang trắng chữ “Ebisuno”, chữ viết như dùng mũi đinh vạch lên gạch. Nhưng cũng có phong cách riêng.

“Nói bằng tiếng Anh thì là field of savages[2]. Hồi trước tôi làm trong ngành nhân học văn hóa, cái tên này và môn ấy thành ra rất hợp nhau.” Thầy giáo nói, khóe miệng hiện lên một thứ tương tự như nụ cười, nhưng ánh mắt vẫn không chút lơi lỏng, “Có điều, tôi đoạn tuyệt với cuộc đời nghiên cứu từ lâu lắm rồi. Giờ việc tôi làm chẳng liên quan gì nữa, đã chuyển sang một field of savages khác.”

[2] Cánh đồng hoang. Âm Hán (Kanji) là Nhung Dã.

Tên này đúng là hiếm gặp, nhưng Tengo thấy rất quen. Cuối thập niên sáu mươi, hình như có một học giả nổi tiếng tên là Ebisuno, từng xuất bản mấy cuốn sách, tiếng tăm nổi như cồn vào thời đó. Không biết nội dung mấy cuốn sách ấy là gì, nhưng cái tên này vẫn lưu lại ở một góc trong ký ức anh. Nhưng rồi không biết từ khi nào, cái tên ấy không còn xuất hiện trở lại nữa.

“Hình như tôi có nghe qua tên ông,” Tengo thử thăm dò.

“Có lẽ,” Thầy giáo như đang nói về một người không liên quan nào đó, đưa mắt nhìn xa xăm. “Dù sao cũng thành chuyện quá khứ cả rồi.”

Tengo có thể cảm nhận được hơi thở tĩnh lặng của Fukaeri ngồi bên cạnh. Những nhịp thở sâu, chầm chậm.

“Cậu Kawana Tengo,” Thầy giáo nói như thể đang đọc lớn một cái tên trên danh thiếp.

“Vâng,” Tengo đáp.

“Thời đại học anh theo chuyên ngành toán, giờ đang dạy tại một trường dự bị ở Yoyogi,” Thầy giáo nói, “Đồng thời cũng viết tiểu thuyết. Những chuyện này tôi đã nghe Eri kể qua rồi, không sai chứ?”

“Hoàn toàn chính xác,” Tengo trả lời.

“Nhưng nhìn câu không giống thầy giáo dạy toán, cũng chẳng giống tiểu thuyết gia chút nào.”

Tengo gượng cười đáp: “Cách đây không lâu tôi cũng bị người ta nói thế. Có thể là do thân hình chăng.”

“Tôi không có ác ý gì đâu,” Thầy giáo nói, rồi lấy tay đẩy gọng kính đen lên. “Nhìn bề ngoài không giống cái gì đó hoàn toàn không phải chuyện xấu. Chẳng qua cái bên trong chưa ăn khớp cái khung bên ngoài thôi.”

“Ông nói thế dĩ nhiên là vinh dự cho tôi quá. Có điều tôi chưa thể được coi là tiểu thuyết gia, chỉ mới đang thử viết tiểu thuyết.”

“Thử?”

“Nghĩa là đang dò dẫm.”

“Ồ,” Thầy giáo nói, sau đó như mới nhận ra cái lạnh trong phòng, liền khẽ xoa tay vào nhau, “Ngoài ra, tôi còn được biết, cuốn tiểu thuyết của Eri sẽ do cậu viết lại cho hoàn thiện, hòng tranh giải Tác giả mới của một tạp chí văn nghệ. Và biến con bé thành một tác giả để lăng xê với công chúng. Tôi hiểu như vậy có đúng không?”

Tengo thận trọng lựa chọn từ ngữ: “Về cơ bản thì giống như ông nói. Đây là kế hoạch do một biên tập viên tên là Komatsu vạch ra. Tôi không biết kế hoạch này thực tế có thể tiến hành thuận lợi không, cũng không rõ có đúng về mặt đạo đức hay không. Phần của tôi trong kế hoạch chỉ là viết lại câu chữ của tác phẩm Nhộng không khí. Nói toạc ra thì chỉ là một kẻ làm kỹ thuật. Còn lại toàn bộ đều do nhân vật có tên Komatsu ấy chịu trách nhiệm.”

Thầy giáo lặng lẽ suy nghĩ giây lát. Trong căn phòng tĩnh lặng, dường như có thể nghe thấy cả âm thanh của dòng tư duy trong đầu. Một lúc sau, ông cất tiếng: “Kế hoạch do biên tập viên tên Komatsu nghĩ ra, còn cậu phối hợp trên phương diện kỹ thuật.”

“Đúng thế.”

“Tôi vốn là học giả, nên nói thực, tôi không thích đọc mấy thứ tiểu thuyết đó. Vì vậy, tôi không rõ nội tình của giới nhà văn thế nào, chỉ có điều, tôi thấy việc các cậu định làm giống như một hành vi lừa đảo. Có phải tôi đã hiểu lầm không?”

“Không, ông không hiểu lầm. Tôi cũng cảm thấy thế,” Tengo đáp.

Thầy giáo khẽ chau mày. “Nhưng nếu nghi ngờ khía cạnh đạo đức của kế hoạch này, tại sao cậu vẫn chủ động tham gia?”

“Chủ động thì không hẳn, nhưng muốn tham gia thì là sự thật.”

“Tại sao?”

“Đây cũng chính là câu hỏi mà tôi không ngừng tự hỏi đi hỏi lại chính mình suốt một tuần nay,” Tengo thành thực trả lời.

Thầy giáo và Fukaeri đều im lặng đợi Tengo nói tiếp.

Tengo nói: “Lý trí, thường thức và bản năng đều cảnh bảo tôi rằng cần phải rút ra khỏi vụ này càng nhanh càng tốt. Tôi vốn chỉ là một kẻ thận trọng, bình thường. Không ưa đánh bạc và mạo hiểm. Nói là kẻ nhát gan cũng được. Nhưng riêng lần này, trước kế hoạch mạo hiểm do Komatsu đề xuất, thì tôi không sao đáp nổi một tiếng “không”. Lý do chỉ có một, đó là trái tim tôi đã bị Nhộng không khí cuốn hút một cách mãnh liệt. Nếu là một tác phẩm khác, có lẽ tôi đã từ chối ngay từ đầu.”

Thầy giáo tò mò nhìn Tengo một lúc. “Tức là anh không hứng thú với khía cạnh lừa đảo trong kế hoạch này, mà say mê với việc viết lại tác phẩm. Phải vậy không?”

“Đúng như vậy. Thậm chí còn hơn cả say mê. Nếu buộc phải viết lại Nhộng không khí, tôi sẽ không nhường công việc đó cho bất cứ ai khác.”

“Thì ra thế,” Thầy giáo nói, sau đó để lộ nét mặt như vừa bất cẩn cho thứ gì đó rất chua vào miệng. “Tôi thấy đại để cũng lý giải được tâm trạng của cậu. Vậy thì, mục đích của người tên Komatsu kia là gì? Tiền? Hay danh vọng?”

“Thú thực tôi cũng không hiểu rõ được lòng dạ của Komatsu,” Tengo đáp, “Có điều tôi thấy, động cơ của anh ta e rằng còn lớn hơn cả tiền và danh vọng.”

“Ví dụ là gì?”

“Điểm này có thể Komatsu không thừa nhận: thực ra anh ta cũng là người bị văn học ám ảnh. Người như vậy chỉ theo đuổi một thứ, đó là, dù chỉ một lần trong đời, phát hiện được tác phẩm chân chính, đưa nó lên để hiến dâng cho đời.”

Giây lát sau, Thầy giáo nhìn thẳng vào gương mặt Tengo, nói: “Nghĩa là các cậu đều có động cơ khác nhau. Một động cơ nào đó không phải tiền, cũng không phải danh vọng.”

“Tôi cũng cảm thấy thế.”

“Nhưng bất luận động cơ thế nào, như cậu đã nói, đây là một kế hoạch hết sức nguy hiểm. Nếu sự thật bị bại lộ ở một khâu nào đó, chắc chắn sẽ thành bê bối, người bị cả xã hội lên án e rằng không chỉ có hai cậu. Cuộc đời Eri có thể sẽ bị tổn thương chí mạng ở tuổi mười bảy. Đây là điều tôi lo nhất trong kế hoạch của các cậu.”

“Ông thấy lo lắng là lẽ đương nhiên,” Tengo gật đầu tán đồng, “Ông nói hoàn toàn chính xác.”

Khoảng cách giữa hai hàng lông mày rậm rạp của người đàn ông rút ngắn lại chừng một xăng ti mét. “Dù như vậy, dù kết quả có thể sẽ khiến Eri gặp nguy hiểm, cậu vẫn mong có thể chấp bút viết lại Nhộng không khí?”

“Vừa nãy tôi đã nói với ông, nguyện vọng này phát xuất từ nơi mà lý trí và lẽ thường không thể chạm đến. Ở góc độ của mình, tôi cũng muốn hết sức bảo vệ Eri. Nhưng tôi không dám cam đoan sẽ không nguy hiểm gì đến cô ấy. Bởi vì như vậy là nói dối.”

“Tôi hiểu,” Thầy giáo nói, sau đó như muốn phân đoạn cho luận đề, đằng hắng một tiếng, “Tạm không nói đến những chuyện khác, hình như cậu là người rất thành thực.”

“Ít nhất tôi cũng cố gắng làm một người thẳng thắn.”

Thầy giáo chăm chú nhìn hai bàn tay đặt trên đầu gối mình một lúc lâu như đang quan sát một vật thể lạ, hết ngắm nghía mu bàn tay, rồi lật ngược lại nhìn lòng bàn tay, sau đó ngẩng đầu lên: “Vậy là, cậu biên tập Komatsu ấy thực sự cho rằng kế hoạch này không có sơ suất?”

“Ý kiến của anh ta là, ‘bất cứ sự vật gì cũng có hai mặt’, Tengo nói, ‘mặt xấu và mặt tốt’.”

Thầy giáo bật cười. “Kiến giải độc đáo lắm. Tay Komatsu này là loại người lạc quan, hay là một kẻ quá tự tin? Là loại nào thế?”

“Chẳng phải loại nào cả. Chỉ là căm ghét thế tục thôi.”

Thầy giáo khẽ lắc đầu. “Người này ban đầu căm ghét thế tục, sau đó sẽ trở thành người lạc quan, hoặc sẽ thành kẻ quá tự tin. Phải vậy không?”

“Có thể có khuynh hướng ấy.”

“Hình như là một tay phức tạp.”

“Khá phức tạp,” Tengo đáp, “Nhưng không ngu xuẩn.”

Thầy giáo chầm chậm thở một hơi, sau đó ngoảnh mặt sang phía Fukaeri: “Tức là, để người này viết lại Nhộng không khí cũng không vấn đề gì, phải không?”

“Không vấn đề,” Fukaeri nói.

“Nhưng vì chuyện này, về sau rất có thể con sẽ gặp phiền phức.”

Fukaeri không trả lời, chỉ khép hai vạt áo len lại. Động tác này đã thể hiện quyết tâm không thể lay chuyển của cô.

“Có lẽ con đúng,” Thầy giáo nói như thể đã nhận thua.

Thầy giáo chăm chú nhìn đôi bàn tay nhỏ nhắn đang nắm chặt lại của Fukaeri.

“Song vẫn còn một vấn đề nữa,” Thầy giáo nói với Tengo, “Cậu và người tên là Komatsu kia định giới thiệu Nhộng không khí với mọi người, biến Eri thành tiểu thuyết gia. Nhưng con bé mắc chứng khó đọc. Các cậu có biết không?”

“Lúc trên tàu điện tới đây, tôi cũng nắm được sơ qua tình hình.”

“Đấy có lẽ là bệnh bẩm sinh. Vì nguyên nhân này, ở trường nó luôn bị coi là đứa chậm phát triển trí tuệ, nhưng thật ra là một cô bé rất thông minh. Một trí tuệ rất sâu sắc. Song chứng khó đọc này, dù nói giảm nhẹ đến mấy, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch các cậu đang dự tính.”

“Tổng cộng có bao nhiêu người biết sự thực này?”

“Ngoài bản thân con bé, tổng cộng có ba người,” Thầy giáo đáp. “Tôi và con gái Azami, sau đó là cậu. Ngoài ra không còn ai.”

“Giáo viên ở trường Fukaeri không biết?”

“Không. Đó là một ngôi trường làng rất nhỏ, đến cả từ ‘chứng khó đọc’ có khi họ cũng chưa từng nghe qua bao giờ. Vả lại, nó cũng không đi học được mấy ngày.”

“Nếu là thế, có lẽ chúng ta có thể khéo léo giữ kín được.”

Thầy giáo nhìn Tengo trong giây lát như để đánh giá.

“Eri hình như rất tin tưởng cậu.” Một lúc sau, ông nói với Tengo, “Lý do thì tôi không rõ, nhưng có điều…”

Tengo im lặng đợi ông nói tiếp.

“Có điều tôi tin tưởng Eri. Nếu nó nói có thể phó thác tác phẩm cho cậu, thì tôi chỉ còn cách chấp nhận. Tuy nhiên, nếu cậu thực sự định tiến hành kế hoạch này, thì cần phải hiểu vài điều về con bé trước đã.” Thầy giáo dường như phát hiện ra mấy vụn chỉ nhỏ, lấy móng tay búng khẽ mấy lần lên đùi phải, “Con bé trải qua thời thơ ấu ở đâu, vì nguyên do gì mà đến chỗ tôi. Chuyện kể ra cũng dài lắm.”

“Tôi xin lắng nghe.”

Fukaeri ngồi bên cạnh Tengo đổi lại tư thế, vẫn nắm chặt tay vào vạt áo lên, khép lại nơi cổ.

“Được rồi,” Thầy giáo nói. “Chuyện bắt đầu từ hồi 1960. Cha Fukaeri và tôi là bạn bè thân thiết đã nhiều năm, tôi lớn hơn ông ấy chừng mười tuổi. Chúng tôi dạy cùng khoa ở một trường đại học, tính cách, thế giới quan đều khác xa nhau, nhưng không hiểu sao lại rất hợp. Hai chúng tôi đều kết hôn muộn, lấy vợ không lâu thì sinh được một con gái, vì cùng ở trong khu tập thể giáo viên, nên hai nhà thường xuyên qua lại. Công việc cũng thuận lợi. Lúc đó, chúng tôi đều được lăng xê như những ‘học giả xuất sắc đầy triển vọng’. Thi thoảng còn xuất hiện trên phương tiện truyền thông. Thời ấy quả thực có nhiều thứ thú vị.”

“Sau đó, cùng với sự hạ màn của thập niên sáu mươi, thế giới dần trở nên nồng mùi thuốc súng. Năm 1970, phong trào sinh viên đấu tranh chống điều ước Anpo[3] bùng phát, trường đại học bị phong tỏa, rồi xung đột với cảnh sát cơ động, và xảy ra những cuộc đấu tranh nội bộ đẫm máu, có cả người chết. Chán nản mọi thứ, tôi quyết định rời khỏi trường đại học. Tôi vốn không hợp với thứ chủ nghĩa kinh viện trong nhà trường, lúc ấy càng thấy nản. Ủng hộ hay phản đối thể chế, sao cũng được. Mấy chuyện này chẳng qua chỉ là sự đấu tranh giữa tổ chức với tổ chức. Tôi thì hễ là tổ chức, dù lớn hay nhỏ, tôi đều không tin tưởng. Tôi đoán lúc ấy chắc cậu vẫn chưa phải là sinh viên?”

[3] Điều ước về quan hệ đồng minh ký năm 1960 giữa Mỹ và Nhật.

“Lúc tôi vào đại học, sóng gió đã hoàn toàn lắng xuống.”

“Thế là sau khi vở kịch đã khép màn.”

“Đúng vậy.”

Thầy giáo nâng hai bàn tay lên cao giây lát, sau đó đặt lại xuống đầu gối. “Tôi bỏ trường đại học, cha Fukaeri cũng rời trường hai năm sau đó. Khi ấy, ông ta tin sùng tư tưởng cách mạng của Mao Trạch Đông, ủng hộ Đại cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc. Còn mặt tàn khốc và phi nhân tính của cuộc Cách mạng văn hóa ấy như thế nào thời bấy giờ hầu như không đến được tai chúng tôi. Trích lời Mao Trạch Đông làm khẩu hiệu thậm chí đã từng là một thứ thời thượng của một bộ phận trí thức. Ông ta tập trung một số sinh viên, lập ra một đội ngũ cực đoan theo mô hình Hồng vệ binh, tham gia bãi khóa. Các trường đại học khác cũng có sinh viên tin theo ông ta. Vì thế, có một dạo quy mô tổ chức do ông ta lãnh đạo khá lớn mạnh. Do có yêu cầu từ phía đại học, cảnh sát cơ động đã đột kích vào trường, ông ta và đám học sinh kiên quyết chống cự nhưng đều bị bắt và bị truy cứu hình sự. Nên về thực chất, ông ta bị trường đại học đuổi việc. Lúc ấy Fukaeri vẫn còn rất nhỏ, hẳn là không có chút ký ức nào về những chuyện này.”

Fukaeri im lặng không nói gì.

“Fukada Tamotsu là tên cha con bé. Sau khi rời khỏi trường đại học, ông ta dẫn theo mười mấy sinh viên thành phần chủ chốt của đội Hồng vệ binh, gia nhập ‘Trường Takashima’. Hầu hết các sinh viên đều bị đuổi học, họ cần một nơi nương thân tạm thời, mà Takashima cũng không phải chỗ quá tệ. Việc này từng trở thành chủ đề nóng trên phương tiện truyền thông lúc đó. Cậu biết chứ?”

Tengo lắc đầu.

“Gia đình Fukada cũng đi theo ông ta. Tức là vợ ông ta và Eri. Cả nhà họ đều gia nhập Takashima. Chắc cậu biết Trường Takashima này?”

“Cũng sơ sơ thôi ạ,” Tengo đáp, “Nghe nói đó là một tổ chức tương tự như công xã, sống theo kiểu cộng đồng, dựa vào nông nghiệp làm kế sinh nhai, ngoài ra còn chăn nuôi, quy mô hình như trải rộng trên toàn quốc. Họ không thừa nhận tài sản tư hữu, tất cả mọi thức đều thuộc công hữu.”

“Hoàn toàn chính xác. Fukada muốn tìm kiếm một Utopia[4] ở hệ thống Takashami này,” Thầy giáo nói với nét mặt không vui, “Không cần nói cũng biết, trên thế giới này không hề tồn tại những thứ kiểu như thế, cũng giống như thuật giả kim và động cơ vĩnh cửu vậy. Nếu cho phép tôi nói thì xin thưa rằng những gì cộng đồng Takashima ấy thực hiện kỳ thực là nhằm tạo ra những người máy không biết suy nghĩ. Cắt đứt khả năng tự tư duy của con người. Chẳng khác nào thế giới mà George Orwell mô tả trong tiểu thuyết của ông ấy. Nhưng có lẽ cậu cũng biết, trên đời này vẫn còn rất nhiều kẻ một lòng theo đuổi trạng thái chết não ấy. Vì làm như vậy sẽ dễ dàng hơn. Không cần phải nghĩ ngợi chuyện gì phiền phức, chỉ cần theo chỉ thị của cấp trên mà làm là được rồi. Lo gì không có cơm ăn. Đối với những kẻ theo đuổi một môi trường như vậy, Takashima có lẽ đúng là Utopia của họ.”

[4] Thế giới không tưởng được Sir Thomas More khắc họa trong tác phẩm Utopia (1516), lấy bối cảnh một hòn đảo biệt lập không có thật giữa Đại Tây Dương, nơi tồn tại một xã hội mơ ước không có tư hữu, không phân chia giai cấp, ai cũng tham gia lao động và được hưởng hạnh phúc.

“Nhưng Fukada không phải hạng người như thế. Ông ta trăm phần trăm là người biết tự suy nghĩ. Là một kẻ lấy việc suy nghĩ làm nghề nghiệp. Vì thế, ông ta không thể nào thỏa mãn với một nơi như Takashima được. Tất nhiên, ngay từ đầu Fukada đã hiểu rõ điểm này, nhưng ông ta và đám sinh viên đi theo đều đã bị trường đại học khai trừ, một đám sinh viên đầu óc không tưởng, không chốn dung thân, vậy là đành phải chọn chỗ đó làm nơi nương náu. Tiến thêm một bước nữa, ông ta cũng muốn có được các bí quyết của cộng đồng Takashima này. Đầu tiên, họ buộc phải nắm bắt được các kỹ thuật nông nghiệp. Fukada và sinh viên của ông ta đều là người thành phố, hoàn toàn không biết gì về sản xuất nông nghiệp. Cũng như tôi không biết gì về công nghệ tên lửa vậy. Vì vậy bọn họ cần phải học từ đầu, tìm cách nắm bắt các tri thức thực tế và kỹ thuật. Ngoài ra còn có rất nhiều thức phải học hỏi như cơ chế lưu thông hàng hóa, khả năng và giới hạn của mô hình tự cấp tự túc, quy tắc cụ thể của cuộc sống tập thể … Họ sống trong cộng đồng Takashima hai năm, những thứ cần học họ đều đã học hết. Bọn họ là những kẻ có khả năng học tập rất nhanh một khi đã muốn. Sau khi phân tích một cách chuẩn xác những điểm mạnh và điểm yếu của cộng đồng Takashima, Fukada dẫn theo người của mình rời khỏi đó và ra độc lập.”

“Ở Takashima vui lắm,” Fukaeri nói.

Thầy giáo mỉm cười. “Với trẻ còn thì chắc hẳn là vui lắm. Nhưng khi lớn lên, đến một độ tuổi nhất định, ý thức tự ngã đã trưởng thành, rất nhiều đứa trẻ sẽ cảm thấy cuộc sống ở Takashima thực chẳng khác nào địa ngục trần gian. Bởi vì đương nhiên, mong muốn được tự suy nghĩ sẽ bị cấp trên nghiền nát. Có thể ví đó như tục bó chân của bộ óc vậy.”

“Bó chân?” Fukaeri hỏi.

“Hồi xưa ở Trung Quốc, người ta ép các bé gái phải đi những đôi giày rất nhỏ, không cho chân chúng lớn lên,” Tengo giải thích.

Fukaeri im lặng tưởng tượng ra cảnh ấy.

Thầy giáo lại nói tiếp: “Fukada dẫn theo những phần tử hạt nhân của nhóm ly khai, tất nhiên đều là những sinh viên trước kia từng theo ông ta bắt chước mô hình Hồng vệ binh, nhưng cũng có một số người khác muốn đi theo ông ta nữa, nên nhóm ly khai lớn dần lên như quả cầu tuyết, quân số đông hơn dự tính rất nhiều. Không hề ít kẻ ôm hoài bão gia nhập Takashima, nhưng rồi chán chường và thất vọng với thực trạng ở đó. Trong số đó, có cả những kẻ theo đuổi cuộc sống công xã của dân hippy lẫn những kẻ cánh tả bị thất bại trong phong trào sinh viên và những người gia nhập Takashima vì không thỏa mãn với cuộc sống hiện thực bình lặng, muốn theo đuổi một thế giới tinh thần mới. Có người độc thân, cũng có người dắt theo cả gia đình như Fukada. Đó là một đại gia đình quần cư, có đủ các loại thành viên khác nhau. Fukada là thủ lĩnh của họ. Ông ta là lãnh tụ trời sinh, như là Moses dẫn dắt người Israel vậy. Tư duy nhạy bén, giỏi nói năng, khả năng phán đoán hơn người. Lại sở hữu sức cuốn hút trời sinh của người cầm đầu. Dáng người cao lớn. Phải rồi, tầm vóc cũng cỡ như cậu đấy. Mọi người tôn ông ta vào vị trí trung tâm của quần thể ấy như một lẽ đương nhiên, và tuân theo mọi phán đoán của ông ta.”

Thầy giáo dang hai tay ra, phác họa thân hình của người ông nói tới. Fukaeri ngước nhìn hai tay ông, rồi lại nhìn sang phía Tengo, vẫn không nói một lời.

“Fukada và tôi, tính cách và ngoại hình hoàn toàn khác nhau. Ông ta là người lãnh đạo bẩm sinh, còn tôi lại là con sói lạc bầy trời sinh. Ông ta là nhân vật chính trị, còn tôi là kẻ phi chính trị triệt để. Ông ta cao lớn, tôi nhỏ thó. Ông ta đẹp trai phóng khoáng, còn tôi chỉ là một học giả nghèo có cái đầu hình dáng quái dị. Mặc dù thế, chúng tôi là bạn bè chí cốt. Trân trọng và tin tưởng lẫn nhau. Nói không khoa trương chút nào, chúng tôi là tri kỷ duy nhất của nhau trong cuộc đời này.

“Fukada Tamotsu dẫn mọi người đến vùng núi sâu ở Yamanashi, tìm được một ngôi làng vắng vẻ lý tưởng. Người trẻ tuổi đã bỏ đi hết, giờ chỉ còn lại những ông bà già lo liệu việc nhà nông, ruộng đồng gần như đã hoang hóa. Bọn họ mua lại đất đai và nhà cửa ở đó với giá gần như cho không, thậm chí còn tặng kèm cả một đống lều lán bằng nhựa. Chính quyền địa phương cũng đồng ý trợ cấp với điều kiện người mua tiếp tục canh tác nông nghiệp, ít nhất là trong mấy năm đầu có thể được hưởng chính sách ưu đãi về thuế. Hơn nữa, hình như Fukada vẫn còn một nguồn vốn khác. Tiền ấy từ đâu ra, là loại tiền gì, ngay thầy giáo Ebisuno cũng không biết.

“Fukada giữ bí mật nguồn gốc số vốn đó, không tiết lộ với bất cứ ai. Tóm lại, Fukada đã xoay xở ở đâu đó một số tiền không nhỏ để lập công xã. Bọn họ dùng số vốn này mua sắm máy móc nông nghiệp, nguyên vật liệu xây dựng, giữ lại một số tiền để dành. Họ tự tay sửa chữa nhà cửa, xây dựng các công trình cần thiết để phục vụ cho cuộc sống của ba mươi thành viên. Đó là chuyện của năm 1974, công xã mới ra đời ấy được đặt tên là Sakigake[5].”

[5] Tiên phong.

Sakigake? Tengo thầm nhẩm lại trong đầu. Cái tên này hình như anh đã nghe qua ở đâu rồi thì phải, nhưng không tài nào nhớ chính xác được. Không thể lục lại ký ức. Điều đó khiến thần kinh anh bỗng trở nên bồn chồn.

Thầy giáo tiếp tục nói:

“Fukada đã chuẩn bị tâm lý trước là công xã sẽ phải trải qua vài năm khó khăn trước khi quen với vùng đất mới. Nhưng mọi việc lại tiến triển tốt đẹp hơn ông ta dự đoán. Phần vì thời tiết thuận lợi, phần vì người dân xung quanh cũng đến trợ giúp. Mọi người đều có thiện cảm với tính cách thành thực của lãnh tụ Fukada, lại thấy những thành viên trẻ của Sakigake mồ hôi thấm đẫm lung, chăm chỉ làm việc trên ruộng đồng, nên hoàn toàn bị chinh phục. Người dân trong vùng thường tới chỉ cho họ nhiều điều hữu ích. Cứ vậy, bọn họ đã nắm được các kiến thức thực tiễn về nông nghiệp, học được cách sống chung với đất.”

“Sakigake về cơ bản vẫn tiếp tục kế thừa các bí quyết học được ở Takashima, nhưng có những sửa đổi mang tính sáng tạo ở vài điểm. Chẳng hạn như hoàn toàn chuyển sang phương thức canh tác tự nhiên. Không dùng chất hóa học để phòng trừ sâu hại, chỉ trồng rau bằng phân bón hữu cơ. Và rồi, bắt đầu bán thực phẩm qua đường bưu điện cho đối tượng là tầng lớp giàu có trong thành phố. Vì như thế được giá hơn. Đây chính là tiền thân của nông nghiệp sinh thái ngày nay. Hầu hết các thành viên của công xã đều là người thành phố, họ biết rõ người thành phố cần gì. Để có được các loại rau tươi ngon không ô nhiễm, người thành phố sẵn sàng trả giá cao. Bọn họ ký hợp đồng với người đưa hàng chuyên nghiệp, đơn giản hóa quá trình lưu thông, lập ra một hệ thống riêng giúp nhanh chóng chuyển thực phẩm vào thành phố. Chính họ là những người đầu tiên coi loại ‘rau có hình dáng xấu, vẫn còn dính đất” là lợi thế cạnh tranh.”

“Tôi từng đến thăm nông trường của Fukada mấy lần, trò chuyện với ông ta,” Thầy giáo nói, “Vì có được môi trường mới, được thử nghiệm những khả năng mới, nên ông ta có vẻ tràn trề nhựa sống. Thời kỳ ấy đối với Fukada cũng là những năm tháng bình yên nhất, tràn đầy hy vọng nhất. Gia đình ông ta dường như cũng đã thích ứng với cuộc sống mới.”

“Những người nghe tiếng nông trường Sakigake muốn đến tham gia cũng tăng lênThông qua việc bán hàng bằng đường bưu điện, danh tiếng nông trường dần dần được nhiều người biết đến, phương tiện truyền thông cũng giới thiệu họ như một ví dụ thành công của mô hình công xã. Trong xã hội, có không ít người muốn trốn chạy khỏi thế giới hiện thực bị thao túng bởi vật chất và thông tin, trở về với thiên nhiên để được đổ mồ hôi lao động. Sakigake đã thu hút được tầng lớp này. Mỗi khi có người muốn tham gia, họ sẽ phỏng vấn và xét duyệt, nếu khả dụng thì được tiếp nhận làm thành viên. Không phải ai đến cũng được nhận. Cần phải duy trì chất lượng và đạo đức của các thành viên ở mức cao. Công xã cần những người hiểu biết về kỹ thuật nông nghiệp và những người có sức khỏe chịu đựng được công việc lao động nặng nhọc. Phụ nữ cũng được chào đón nhằm giữ cho tỷ lệ nam nữ luôn ở mức cân bằng. Cùng với số lượng thành viên mỗi lúc một nhiều, quy mô nông trường cũng ngày càng mở rộng, cũng may ruộng đất và nhà cửa để không gần đó vẫn còn nhiều, nên không khó để mở rộng thêm cơ sở. Ban đầu thành viên nông trường đa phần là các thanh niên chưa chồng chưa vợ, về sau những người dẫn theo cả gia đình con cái gia nhập rất đông. Trong những thành viên tham gia về sau, không ít người từng được giáo dục trình độ cao và làm công việc chuyên môn. Ví dụ như bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, kế toán… Những người này rất được cộng đồng hoan nghênh. Vì kỹ thuật chuyên môn rất cần thiết.”

“Công xã này có theo chế độ cộng sản nguyên thủy kiểu như Takashima không?” Tengo hỏi.

Thầy giáo lắc đầu. “Không, Fukada đã từ bỏ chế độ công hữu tài sản. Tuy ông ta rất cực đoan về mặt chính trị, nhưng lại là một nhà hiện thực chủ nghĩa tỉnh táo. Thứ ông ta theo đuổi là một thiết chế cộng đồng lỏng lẻo hơn. Mục tiêu của ông ta không phải là xây dựng một xã hội kiểu tổ kiến. Phương pháp ông ta lựa chọn là phân chia toàn thể cộng đồng thành một số đơn vị, trong mỗi đơn vị lại thực thi cuộc sống cộng đồng tương đối lỏng lẻo. Thừa nhận tài sản tư hữu, thù lao cũng được phân phối ở một mức nhất định. Nếu một cá nhân nào đó bất mãn với đơn vị của mình thì có thể được chuyển đến một đơn vị khác, thậm chí còn cho phép tự do rời khỏi Sakigake. Việc giao lưu với bên ngoài cũng được tự do, việc kiềm chế tư tưởng hay tẩy não hầu như không được thực hiện. Áp dụng một thể chế tự nhiện thông thoáng như vậy sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất, đây là điều ông ta học được ở Takashima.”

“Dưới sự lãnh đạo của Fukada, hoạt động của nông trường Sakigake đi vào quỹ đạo một cách thuận lợi. Nhưng không lâu sau, công xã bị chia rẽ thành hai phe rõ rệt. Sự chia rẽ này là điều khó tránh khỏi khi áp dụng chế độ đơn vị lỏng lẻo mà Fukada thiết kế. Một phái chủ trương đấu tranh vũ trang, là nhóm chủ trương cách mạng với hạt nhân gồm những người tham gia tổ chức Hồng vệ binh do Fukada thành lập hồi trước. Bọn họ chỉ coi cuộc sống công xã nông nghiệp này như giai đoạn chuẩn bị của cách mạng. Một mặt canh tác nông nghiệp, mặt khác vẫn ẩn mình đợi thời cơ sẽ vùng lên cầm vũ khí làm cách mạng… đây là thái độ kiên quyết không dao động của họ.”

“Phe còn lại chủ trương ôn hòa, họ có điểm chung với phe đấu tranh vũ trang là cùng phản đối chế độ tư bản chủ nghĩa, nhưng luôn giữ khoảng cách nhất định với chính trị, chỉ coi việc sống tự cấp tự túc giữa thiên nhiên là lý tưởng. Xét về số lượng thì phe này chiếm đa số ở nông trường. Phe đấu tranh vũ trang và phe ôn hòa đối đầu như nước với lửa. Bình thường, khi lao động trên ruộng đồng, vì mọi người có mục đích chung nên không xảy ra vấn đề gì, nhưng khi đưa ra các quyết định về phương châm hoạt động của công xã thì ý kiến hai bên luôn chia rẽ. Đã nhiều lần hai phe không thể đi đến thống nhất. Những lúc như thế, các cuộc tranh luận dữ dội luôn được đẩy đến cao trào. Cứ tiếp tục như vậy, sự tan rã của công xã chỉ còn là vấn đề thời gian.”

“Thời gian dần trôi, chỗ trống cho quan điểm trung lập mỗi lúc một hẹp lại. Cuối cùng, Fukada cũng bị dồn đến bước không thể không chọn lựa một trong hai. Lúc ấy, ông ta cũng nhận ra rằng ở Nhật Bản hồi thập niên bảy mươi của thế kỷ hai mươi ấy vốn không tồn tại điều kiện và cơ hội để phát động cách mạng. Và thứ ông ta tưởng tượng ra trong đầu chỉ là một cuộc cách mạng mang tính khả năng, nói rõ hơn là một cuộc cách mạng ví von, một cuộc cách mạng trong giả thuyết. Ông ta tin rằng, đối với một xã hội lành mạnh, những ý chí phản thể chế mang tính phá hoại này là thứ không thể thiếu, giống như là gia vị để hoàn thiện món ăn. Song điều các sinh viên đi theo ông ta mong muốn lại là một cuộc cách mạng có đổ máu thực sự. Dĩ nhiên Fukada cũng phải chịu trách nhiệm. Chính ông ta là người đã nương theo thời thế, phát biểu những luận điệu kích động, gieo vào đầu sinh viên câu chuyện thần thoại vô vọng đó. Nhưng ông ta chưa từng nói với họ rằng đó chẳng qua chỉ là cuộc cách mạng ở trong dấu ngoặc kép. Fukada là con người thành thực, tư duy nhạy bén. Là một học giả ưu tú. Nhưng đáng tiếc vì quá giỏi hùng biện, nên ông ta thường có khuynh hướng đắm chìm trong chính ngôn từ của mình, do đó có thể thấy ông ta vẫn còn thiếu sự tự thức tỉnh và kinh nghiệm thực tiễn.

“Cứ như vậy, công xã Sakigake bị chia làm hai. Phe ôn hòa vẫn giữ nguyên tên gọi Sakigake và tiếp tục ở lại ngôi làng ban đầu, còn phe đấu tranh vũ trang thì rời đến một ngôi làng bỏ ang cách đấy năm cây số, coi đó là căn cứ địa để hoạt động cách mạng. Gia đình Fukada và nhừng người có gia đình khác đều ở lại Sakigake. Về cơ bản, đây có thể coi là một cuộc chia ly hữu hảo. Số vốn cần để xây dựng công xã mới ly khai vẫn do Fukada xoay xở. Sau khi chia tách, hai nông trường vẫn duy trì quan hệ hợp tác trên bề mặt và có những trao đổi vật tư khi cần thiết, vì lý do kinh tế, sản phẩm vẫn được phân phối qua một kênh lưu thông chung. Hai cộng đồng nhỏ đó nếu muốn tiếp tục sinh tồn thì buộc phải giúp đỡ lẫn nhau như thế.”

“Nhưng không lâu sau, sự qua lại thực tế giữa Sakigake và công xã ly khai cũng ngừng hẳn, vì mục tiêu mà họ theo đuổi thực sự khác nhau quá xa. Chỉ riêng Fukada và những sinh viên cực đoan trước đây ông ta dẫn dắt là vẫn tiếp tục qua lại. Fukada cảm thấy cần phải có trách nhiệm với bọn họ. Những người này vốn do Fukada tổ chức, dẫn đến vùng núi ở Yamanashi này sinh sống, ông ta không thể vì bản thân mà bỏ mặc họ được. Hơn nữa, công xã mới cũng cần đến nguồn vốn bí mật mà ông ta nắm giữ.”

Có thể nói Fukada bị rơi vào một trạng thái giằng co,” Thầy giáo nói. “Sâu thẳm trong lòng ông ta không còn tin vào khả năng và sự lãng mạn của cách mạng. Song ông ta lại không thể hoàn toàn phủ định nó. Phủ định cách mạng, có nghĩa là phủ định cả cuộc đời chính ông ta từ trước đến nay, chẳng khác nào tự thừa nhận mình đã sai lầm trước mặt mọi người. Ông ta không thể làm được điều đó. Sự tự tôn quá lớn của Fukada không cho phép ông ta làm vậy. Mặt khác, ông ta cũng lo sợ việc ông ta rút ra có thể sẽ khiến đám sinh viên ấy trở nên hỗn loạn. Ở giai đoạn này, xét về mặt nào đó, Fukada vẫn còn sở hữu sức mạnh kiểm soát đám sinh viên ấy.”

“Vậy là, ông ta cứ qua lại giữa Sakigake và công xã ly khai. Fukada đảm nhiệm vai trò lãnh tụ của Sakigake, đồng thời giữ vị trí cố vấn cho công xã chủ trương dùng bạo lực cách mạng kia. Tức là, một người từ sâu thẳm trong lòng đã không còn tin vào cách mạng nữa, lại vẫn phải tiếp tục tuyên truyền lý luận cách mạng cho những người khác. Các thành viên công xã của phe ly khai một mặt vẫn làm nông nghiệp, mặt khác thì tiến hành huấn luyện quân sự và giáo dục tư tưởng hết sức nghiêm khắc, về chính trị cũng hoàn toàn rời xa ý tưởng ban đầu của Fukada, mỗi lúc một trở nên cực đoan. Công xã này thi hành chính sách bí mật tuyệt đối, không cho phép bất cứ ai bên ngoài thâm nhập vào. Nhóm chủ trương làm cách mạng vũ trang ấy bị cảnh sát liệt vào đối tượng cần chú ý và bị đặt dưới sự theo dõi.”

Thầy giáo lại chăm chú nhìn xuống đầu gối, sau đó ngẩng mặt lên.

“Sakigake chia tách vào năm 1976. Một năm sau đó, Fukaeri rời khỏi công xã, đến nhà tôi. Đồng thời từ đó, công xã của phe ly khai bắt đầu có tên mới: Akebono.”

Tengo ngẩng mặt lên, nheo mắt. “Đợi chút đã,” anh nói. Akebono. Cái tên này rõ ràng anh cũng nghe ở đâu đó rồi, nhưng không hiểu sao ký ức lại trở nên hết sức mơ hồ, không sao nắm bắt được. Những gì anh với tới, chỉ là những mảng lờ mờ thoạt nhìn có vẻ là sự thực. “Tổ chức Akebono này mới đây hình như đã gây ra chuyện gì lớn lắm phải không?”

“Đúng thế,” Thầy giáo Ebisuno đáp, đoạn nhìn Tengo bằng ánh mắt nghiêm túc lạ thường, “Đúng thế, chính tổ chức Akebono nổi tiếng đã đấu súng với cảnh sát và lực lượng phòng vệ ở khu rừng gần hồ Motosu.”

Đấu súng. Tengo thầm nhẩm lại. Sự kiện này anh có nghe nói là một vụ rất lớn. Nhưng không hiểu sao không thể nhớ tường tận. Thứ tự của sự việc cứ rối tinh hết cả. Cố gắng nhớ lại, anh có cảm giác toàn thân bị vặn xoắn dữ dội. Tựa như nửa thân trên và nửa thân dưới bị vặn theo hai hướng ngược nhau. Sâu tít trong đầu đau nhói, không khí xung quanh nhanh chóng loãng hẳn đi. Mọi âm thanh đều trở nên đùng đục như khi bị chìm xuống nước vậy. Cơn “bột phát” ấy có lẽ lại sắp tới rồi.

“Cậu sao vậy?” Thầy giáo lo lắng hỏi. Âm thanh tựa hồ như vẳng đến từ một nơi xa xăm nào đó.

Tengo lắc đầu, rồi cố rặn ra thành tiếng: “Không sao cả. Đỡ ngay thôi mà.”

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện