Chương 12: Tengo
Xin cho nước Người trị đến
Thầy giáo quay sang Fukaeri, nói: “Eri, phiền con đi pha cho chúng ta ấm trà được không?”
Cô gái trẻ đứng lên, bước ra khỏi phòng khách. Cánh cửa lặng lẽ khép lại. Thầy giáo im lặng đợi Tengo điều hòa nhịp thở và khôi phục ý thức. Ông gỡ cặp kính gọng đen xuống, lau mắt kính bằng một chiếc khăn tay nhìn không được sạch sẽ lắm, rồi đeo lại. Ngoài cửa sổ, một vật thể màu đen bay vụt qua. Có lẽ là một con chim. Cũng có lẽ là linh hồn người nào đó bị thổi bay đến nơi tận cùng thế thới.
“Xin lỗi,” Tengo nói, “Tôi đỡ rồi. Không sao cả. Xin ông nói tiếp.”
Thầy giáo gật đầu, kể tiếp: “Sau trận đấu súng nảy lửa đó, công xã ly khai Akebono bị tiêu diệt, đó là chuyện xảy ra năm 1981, tức là cách đây ba năm. Bốn năm sau khi Eri đến đây. Nhưng vấn đề của Akebono tạm thời chưa liên quan đến sự việc lần này.”
“Khi bắt đầu sống với chúng tôi, Eri mới mười tuổi. Xuất hiện trước hiên nhà tôi mà không báo trước, Eri khi đó hoàn toàn khác với Eri mà tôi từng biết. Nó vốn là đứa trẻ ít lời, không bao giờ làm thân với người lạ. Nhưng từ khi nó còn nhỏ, chúng tôi đã rất thân thiết, thường hay nói chuyện. Vậy mà lúc đó, Eri lại rơi vào tình trạng không thể nói chuyện với bất cứ ai. Dường như nó đã mất đi khả năng ngôn ngữ. Hỏi nó, nó chỉ biết có gật đầu và lắc đầu.”
Thầy giáo nói hơi nhanh hơn trước, giọng cũng rõ ràng hơn. Hiển nhiên, ông muốn nhân lúc Fukaeri đi khỏi, đẩy nhịp độ câu chuyện nhanh hơn.
“Trên đường đến đây, hình như nó đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Trên người tuy có mang theo ít tiền mặt và mảnh giấy ghi địa chỉ nhà tôi, nhưng phải biết là con bé lớn lên trong môi trường khép kín hoàn toàn, nói gì cũng chẳng ai hiểu. Vậy mà, với mỗi mảnh giấy ấy, nó đã đổi mấy lần tàu xe để cuối cùng cũng đến được trước cửa nhà tôi.”
“Vừa nhìn là biết nó đã gặp phải chuyện gì đó rất không ổn. Được chị giúp việc ở nhà tôi và Azami tận tình chăm sóc, mấy ngày sau Eri cơ bản đã bình tĩnh trở lại, vậy là tôi gọi điện đến Sakigake, yêu cầu được nối máy với Fukada, nhưng họ nói ông ta giờ không thể nghe điện thoại được. Tôi hỏi ông ta đang làm gì mà không nghe được thì họ không chịu nói. Tôi đòi nói chuyện với vợ ông ta, nhưng những người đó bảo vợ ông ta cũng không nghe điện thoại được. Kết quả là tôi chẳng gặp được ai hết.”
“Lúc đó ông có nói với họ rằng mình đang giữ Eri ở nhà không?”
Thầy giáo lắc đầu. “Không. Lúc đó tôi nghĩ rằng, trừ phi trực tiếp nói với Fukada, còn không thì chuyện Eri ở đây với tôi tốt nhất không nên nhắc đến. Đương nhiên, sau đó tôi từng thử liên lạc với Fukada mấy lần, dùng đủ mọi cách, nhưng không cách nào hiệu quả.”
Tengo nhíu mày. “Có nghĩa là, đã bảy năm nay không thể liên lạc được với cha mẹ cô ấy?”
Thầy giáo gật đầu. “Chẵn bảy năm bặt vô âm tín.”
“Trong bảy năm đó, cha mẹ Fukaeri cũng không có ý tìm kiếm con gái mình sao?”
“Ừm, tôi nghĩ mãi mà không thể lý giải được chuyện này. Vì vợ chồng Fukada hồi trước rất yêu thương Eri. Nếu Eri phải đi nhờ cậy ai, thì cũng chỉ có chỗ tôi đây thôi. Vợ chồng họ đều đã cắt đứt quan hệ với cha mẹ, Eri lớn chừng này rồi mà chưa từng gặp ông bà nội ngoại lần nào cả. Con bé chỉ có thể đến nhà tôi. Mà bọn họ cũng luôn dặn dò Eri rằng ngộ nhỡ xảy ra chuyện gì thì phải đến tìm tôi. Nhưng bọn họ không hề liên lạc với tôi dù chỉ một lần. Chuyện này thật sự không sao hiểu nổi.”
Tengo hỏi: “Vừa này ông bảo, Sakigake là một công xã mở.”
“Đúng vậy. Từ khi được thành lập, Sakigake luôn vận hành theo mô hình công xã mở. Nhưng trước khi Eri chạy khỏi đó không lâu, Sakigake bắt đầu dần dần cắt đứt quan hệ với thế giới bên ngoài. Lần đầu tiên tôi nhận ra dấu hiệu này là khi việc liên lạc với Fukada bắt đầu xuất hiện những trở ngại. Fukada xưa nay vẫn là người chăm viết lách, thường hay viết cho tôi những lá thư dài, kể những chuyện xảy ra trong nội bộ công xã và tâm trạng của mình khi đó. Nhưng một dạo, không có thư gửi đến nữa, tôi viết thư cho ông ta cũng không nhận được hồi âm. Gọi điện tới cũng không được nối máy. Mà có được nối mày thì thời gian nói chuyện cũng bị hạn chế. Hơn nữa, kiểu nói chuyện của Fukada lúc nào cũng cụt lủn, như biết có ai nghe trộm vậy.”
Thầy giáo khép hai bàn tay trên đầu gối lại.
“Tôi đã đến Sakigake một vài lần. Tôi cần bàn chuyện của Eri với Fukada, mà viết thư gọi điện đều không được, chỉ còn cách đến gặp trực tiếp. Nhưng họ không cho tôi đặt chân vào địa bàn công xã. Ngay từ ngoài cửa tôi đã bị chặn lại, đuổi đi không thương tiếc. Bất kể điều đình thế nào, họ cũng lờ đi. Khu đất của Sakigake không biết từ lúc nào đã bị xây tường bao kín lại, người ngoài không ai được vào trong.”
“Bên trong công xã rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì, bên ngoài không thể nào biết được. Nhóm ly khai Akebono cần bí mật thì còn lý giải được. Đó là vì bọn họ theo đuổi cách mạng vũ trang, có những thứ buộc phải che giấu. Nhưng Sakigake chỉ đơn thuần làm nông nghiệp hữu cơ một cách hòa bình, ngay từ đầu đã giữ thái độ thân thiệt với thế giới bên ngoài. Vì vậy mà người trong vùng cũng rất có thiện cảm với họ. Nhưng giờ đây, nơi đó giống như một cái lô cốt vậy. Thái độ và vẻ mặt của những người bên trong đó đã hoàn toàn thay đổi. Những người dân sống xung quanh cũng giống tôi, ai nấy đều hết sức khó hiểu trước sự thay đổi của Sakigake. Cứ nghĩ vợ chồng Fukada có thể đã gặp chuyện gì chẳng lành, tôi lại lo lắng không yên. Nhưng lúc ấy, ngoài việc nuôi dưỡng Eri nên người, tôi chẳng làm được gì khác. Cứ như vậy, bảy năm trôi qua, mọi thứ vẫn chìm trong sự mù mờ như thế.”
“Thậm chí Fukada còn sống hay đã chết cũng không rõ?”
Thầy giáo gật đầu: “Đúng thế. Chẳng có đầu mối nào. Tôi luôn cố gắng không nghĩ theo chiều hướng xấu, nhưng đã bảy năm ròng mà không có lấy một liên lạc nào từ Fukada thì không thể hiểu nổi theo lẽ thường. Chỉ có thể cho rằng đã có gì đó xảy ra với họ.” Nói tới đây, ông hạ thấp giọng xuống: “Có lẽ là bị giam cầm ở bên trong. Hoặc thậm chí còn nghiêm trọng hơn.”
“Nghiêm trọng hơn?”
“Ý tôi là, hoàn toàn không loại trừ khả năng xấu nhất. Sakigake đã không còn là cộng đồng nông nghiệp ôn hòa như trước kia nữa.”
“Ông muốn nói cộng đồng Sakigake này bắt đầu phát triển theo chiều hướng nguy hiểm?”
“Tôi cảm thấy vậy. Nghe người địa phương kể, số người ra vào Sakigake đã tăng lên đáng kể so với trước đây. Xe cộ tấp nập vào ra. Có nhiều xe mang biển Tokyo. Cũng thường xuyên bắt gặp những chiếc xe cao cấp cỡ lớn hiếm thấy ở vùng quê. Nghe đâu số lượng thành viên công xã cũng tăng lên đột ngột. Các công trình kiến trúc và cơ sở vật chất khác cũng tăng cả về số lượng lẫn nội dung. Bọn họ tích cực thu mua thêm đất đai xung quanh với giá rẻ, đầu tư máy kéo, máy đào đất và máy trộn bê tông. Các hoạt động kinh doanh nông nghiệp vẫn tiếp tục như trước, đây có lẽ là một nguồn thu nhập đáng kể của họ. Rau xanh hiệu Sakigake càng lúc càng được nhiều người biết, được trực tiếp bán cho các quán ăn sử dụng thực phẩm tự nhiên. Họ còn ký hợp đồng với các siêu thị cao cấp. Lợi nhuận chắc chắn cũng tăng lên. Nhưng cùng với đó, có vẻ như có thứ gì khác ngoài nông nghiệp cũng đang tiến triển. Chỉ dựa vào bán nông sản thì không thể nào đủ vốn cho công việc mở rộng quy mô như thế được. Cho dù thứ đang diễn ra bên trong Sakigake là gì, thì đó chắc hẳn là những thứ không thể công khai với bên ngoài nếu xét từ chủ nghĩa bí mật tuyệt đối của họ. Đây chính là ấn tượng của người trong vùng về Sakigake hiện tại.”
“Bọn họ lại bắt đầu tham gia hoạt động chính trị?” Tengo hỏi.
“Chắc chắn không phải hoạt động chính trị,” Thầy giáo đáp ngay, “Sakigake không thay đổi về mặt quan điểm chính trị. Chính vì vậy, đến một thời điểm, họ mới không thể không để Akebono tách ra.”
“Nhưng rồi trong nội bộ Sakigake đã xảy ra chuyện gì đó để đến nỗi Eri phải bỏ trốn.”
“Chắc chắn là đã xảy ra chuyện gì đó,” Thầy giáo nói, “Một biến cố có ý nghĩa trọng đại. Một chuyện khiến con bé buộc phải từ bỏ cha mẹ, chạy trốn một mình. Nhưng Eri tuyệt nhiên không bao giờ nhắc đến chuyện này.”
“Liệu có khi nào cô bé bị sốc, hoặc bị tổn thương tâm lý khiến cho mất khả năng diễn đạt bằng lời nói không?”
“Không. Không dấu hiệu gì cho thấy con bé bị sốc, hay sợ hãi thứ gì đó, hay bất an vì phải sống xa cha mẹ. Chỉ là không có cảm giác mà thôi. Nhưng Eri vẫn thích ứng được với cuộc sống ở nhà chúng tôi một cách thuận lợi, thuận lợi đến mức khiến người ta thấy chưng hửng.”
Thầy giáo liếc nhìn ra phía cửa phòng khách, sau đó lại đưa mắt hướng về gương mặt Tengo.
“Dù Eri đã gặp phải chuyện gì, tôi cũng không muốn bóc trần tâm hồn nó ra mà nhìn vào. Tôi nghĩ có lẽ con bé cần thời gian, nên không hỏi gì. Khi nó im lặng, tôi giả bộ như không hề để ý đến. Eri lúc nào cũng bám chặt lấy Azami, Azami vừa tan học về nhà là hai đứa chẳng buồn ăn cơm đã chui tọt vào phòng. Tôi không hề biết hai đứa chúng nó làm gì bên trong ấy. Có lẽ giữa hai đứa đã hình thành thứ gì đó gần giống như trò chuyện. Nhưng tôi không hỏi nhiều, mà để mặc chúng làm gì tùy thích. Hơn nữa, ngoại trừ việc không nói chuyện ra, Eri không hề có vấn đề gì trong cuộc sống chung. Nó là đứa bé thông minh, biết nghe lời. Nó và Azami là bạn thân duy nhất của nhau. Nhưng trong khoảng thời gian này, Eri không đi học. Vì cậu không thể nào đưa một đứa trẻ không biết nói tới trường học.”
“Trước đây chỉ có ông và Azami sống với nhau thôi ạ?”
“Vợ tôi mất mười năm rồi,” Thầy giáo nói, sau đó thoáng ngừng lại, “Tai nạn xe hơi, tử vong tại chỗ. Để lại hai bố con chúng tôi. Tôi có một người họ hàng xa ở gần đây, chuyện trong nhà đều do chị ấy lo liệu giúp. Chị ấy còn giúp trông nom cho mấy đứa con gái. Cái chết của vợ tôi đối với cả tôi và Azami đều là nỗi đau rất lớn. Bà ấy chết bất ngờ quá, hai bố con chúng tôi đều không kịp chuẩn bị tâm lý. Vì vậy, bất kể nguyên nhân là gì thì chúng tôi cũng cảm thấy vui mừng khi Eri đến đây. Chỉ cần con bé ở bên cạnh dù không nói với nhau lời nào, là chúng tôi đã cảm thấy lòng mình bình lặng lạ thường. Hơn nữa trong bảy năm nay, dù sao Eri cũng đã từng bước hồi phục khả năng ngôn ngữ. So với hồi mới đến, khả năng trò chuyện của con bé đã tiến triển rõ rệt. Trong mắt người khác thì con bé nói năng khác người, kỳ quặc, còn với chúng tôi thì đó đã là tiến bộ không nhỏ.”
“Eri giờ vẫn đi học chứ ạ?”
“Không, nó không đi học. Chỉ đăng ký trên hình thức thôi. Việc tiếp tục đi học về mặt thực tế là không thể. Vì vậy, tôi và các sinh viên thường hay đến nhà tôi cố gắng tranh thủ thời gian rảnh dạy cho con bé. Nhưng chỉ là những kiến thức vụn vặt, không thể coi là giáo dục có hệ thống được. Con bé gặp khó khăn khi đọc, thế nên khi rảnh tôi đều đọc sách cho nó nghe, mua cả cho nó các băng cát xét đọc truyện bán trên thị trường. Đây gần như toàn bộ sự giáo dục mà con bé nhận được. Nhưng Eri là đứa trẻ cực kỳ thông minh. Bất cứ thứ gì nó quyết định sẽ tiếp thu, thì đều có thể tiếp thu nhanh chóng và hiệu quả. Nhưng nếu không hứng thú thì nó chẳng thèm để mắt một lần. Khoảng cách rất lớn.”
Cửa phòng khách vẫn chưa mở ra. Có lẽ phải cần nhiều thời gian để đun sôi nước và pha trà.
“Vậy là Eri đã kể Nhộng không khí với Azami, phải vậy không ạ?” Tengo hỏi.
“Vừa nãy tôi có nói, cứ đến tối là Eri và Azami lại đóng cửa trong phòng với nhau. Không biết bọn chúng làm gì trong ấy. Đó là bí mật của hai đứa. Nhưng không rõ từ khi nào, việc Eri kể chuyện trở thành một chủ đề quan trọng trong sự giao tiếp của hai đứa. Azami ghi lại hoặc ghi âm những gì Eri kể, rồi dùng máy xử lý văn bản trong phòng làm việc của tôi gõ lại. Từ dạo đó, Eri dường như cũng dần dần hồi phục lại cảm xúc. Sự thờ ơ như một lớp màng bao phủ mọi thứ đã biến mất, trên gương mặt đã xuất hiện lại chút nét biểu cảm, bắt đầu gần giống với Eri trước kia.”
“Sự hồi phục bắt đầu từ sau đó ạ?”
“Không hoàn toàn. Chỉ một phần thôi. Nhưng đúng như cậu nói. Có lẽ chính nhờ việc kể chuyện mà Eri mới bắt đầu hồi phục.”
Tengo nghĩ ngợi giây lát, sau đó chuyển chủ đề.
“Chuyện vợ chồng ông Fukada biến mất, ông có báo với cảnh sát không?”
“À. Tôi đã đi tìm cảnh sát địa phương. Không nhắc đến chuyện về Eri, chỉ nói là có người bạn ở trong đó, đã lâu rồi mà không liên lạc được, không biết có phải bị giam cầm hay không. Nhưng ở thời điểm đó, bọn họ cũng không giúp gì được. Đất của Sakigake là tài sản tư hữu, nếu không nắm được chứng cứ xác thực rằng trong đó đã xảy ra hànhi phạm tội, cảnh sát cũng không thể tự tiện xông vào. Tôi nằn nì thế nào họ cũng làm lơ. Hơn nữa, kể từ năm 1979, về mặt thực tế là đã không thể vào bên trong khám xét được nữa.”
Thầy giáo như đang nhớ lại sự việc lúc ấy, lắc đầu mấy cái.
“Năm 1979 đã xảy ra chuyện gì?” Tengo hỏi.
“Năm đó, Sakigake được công nhận pháp nhân tôn giáo.”
Tengo ớ người hồi lâu. “Pháp nhân tôn giáo?”
“Thực đáng kinh ngạc,” Thầy giáo nói, “Không biết từ lúc nào, công xã Sakigake đã biến thành pháp nhân tôn giáo Sakigake, được tỉnh trưởng tỉnh Yamanashi chính thức công nhận. Một khi trở thành pháp nhân tôn giáo, cảnh sát rất khó vào đất của họ để khám xét. Vì hành vi này bị coi là đe dọa quyền tự do tín ngưỡng được hiến pháp bảo vệ. Chẳng những vậy, hình như Sakigake còn có người chuyên trách về pháp luật, đã tạo được thế trận phòng thủ rất vững chắc. Cảnh sát địa phương không phải là đối thủ của bọn họ.”
“Khi nghe chuyện pháp nhân tôn giáo ở chỗ cảnh sát, tôi hết sức kinh ngạc. Giống như sấm nổ bên tai. Mới đầu tôi còn không thể tin được, khi xem tận mắt các văn bản liên quan, đích thân kiểm tra rồi mà vẫn không sao hiểu nổi. Tôi và Fukada là bạn bè lâu năm, biết rất rõ tính cách và con người ông ta. Cậu biết đấy, tôi nghiên cứu nhân học văn hóa, đã tiếp xúc khá nhiều với tôn giáo. Nhưng Fukada thì khác, ông ta là một nhân vật chính trị từ đầu đến cuối, là một người chuyện gì cũng chỉ chăm chăm thuyết phục người khác bằng lý luận, theo lẽ thường phải có cảm giác căm ghét với tất cả các tôn giáo mới đúng. Cho dù là lý do chiến lược, thì cũng không thể có chuyện đăng ký pháp nhân tôn giáo được.”
“Hơn nữa, chắc chắn là không dễ để được công nhận pháp nhân tôn giáo.”
“Cái đó chưa chắc,” Thầy giáo nói, “Đúng là có rất nhiều vòng xét duyệt điều kiện, và phải vượt qua các thủ tục phức tạp của chính quyền. Có điều, nếu đi cửa sau, tác động bằng biện pháp chính trị, qua được cửa ải ấy thì mọi việc sẽ trở nên đơn giản. Còn thế nào là tôn giáo nghiêm túc, thế nào là tà giáo thì ranh giới ấy vốn hết sức mong manh. Mà hễ chỗ nào có khoảng trống để giải thích thì sẽ có chỗ trống cho chính trị và đặc quyền len vào. Khi đã có được chứng nhận pháp nhân tôn giáo, thì vừa được hưởng ưu đãi thuế, lại được pháp luật bảo vệ.”
“Tóm lại, Sakigake không còn là một công xã nông nghiệp đơn thuần, mà trở thành một tổ chức tôn giáo. Hơn nữa còn là một tổ chức tôn giáo cực kỳ khép kín.”
“Tôn giáo mới. Nói trắng ra thì là một tổ chức tà giáo.”
“Không thể hiểu nổi. Phải có nguyên nhân gì ghê gớm lắm mới xảy ra chuyển biến lớn như thế.”
Thầy giáo cúi nhìn mu bàn tay mình. Trên đó mọc rất nhiều sợi lông măng màu xám loăn xoăn. “Cậu nói đúng. Rõ ràng là có bước ngoặt gì đấy dẫn đến biến chuyển to lớn này. Tôi vẫn luôn suy nghĩ, tính đến tất cả các khả năng có thể xảy ra. Nhưng vẫn hoàn toàn không sao hiểu được. Bước ngoặt này rốt cuộc là gì? Bọn họ lại áp dụng chủ nghĩa bí mật tuyệt đối, không để người ngoài biết được nội tình của mình. Kể từ đó, tên của lãnh tụ Sakigake, Fukada, cũng không còn xuất hiện công khai nữa.”
“Và rồi, cách đây ba năm đã xảy ra sự kiện đấu súng, Akebono bị tiêu diệt,” Tengo nói.
Thầy giáo gật đầu. “Trên thực tế, Sakigake sau khi tách Akebono ra, lại may mắn tiếp tục tồn tại, đồng thời ổn định phát triển dưới danh nghĩa một tổ chức tôn giáo.”
“Vậy có nghĩa là, trận đấu súng đó không gây tổn thất gì lớn cho Sakigake?”
“Đúng thế,” Thầy giáo nói, “Không chỉ vậy, thậm chí chuyện ấy còn tuyên truyền thêm cho bọn họ. Đây là một đám những kẻ rất chịu động não, chuyện gì cũng xoay chuyển theo chiều hướng có lợi cho mình. Nhưng tóm lại, đây là những chuyện xảy ra sau khi Eri chạy trốn khỏi Sakigake. Như tôi vừa nói, có lẽ những sự kiện này không liện quan trực tiếp đến con bé.”
Dường như ông đang yêu cầu đổi chủ đề câu chuyện.
“Ông đọc qua Nhộng không khí chưa?” Tengo hỏi.
“Đương nhiên là rồi.”
“Ông thấy sao?”
“Một câu chuyện thú vị,” Thầy giáo nói, “Đặc sắc, và đầy ẩn dụ. Nhưng rốt cuộc ám chỉ điều gì, nói thực lòng, tôi cũng không hiểu lắm. Con dê núi mù mắt nghĩa là gì? Người Tí Hon và Nhộng không khí có ý nghĩa gì?”
“Ông có cho rằng câu chuyện này ám chỉ thực tế mà Eri từng trải qua hoặc tận mắt chứng kiến khi ở Sakigake không?”
“Có lẽ vậy. Nhưng rất khó phán đoán, rốt cuộc đâu là hiện thực, đâu là ảo tưởng. Vừa giống chuyện thần thoại, lại vừa có thể hiểu như một phỏng dụ khéo léo.”
“Eri nói với tôi, Người Tí Hon thực sự tồn tại.”
Thầy giáo nghe xong, nét mặt liền trở nên nghiêm túc, giây lát sau ông mới nói: “Có nghĩa là, cậu cho rằng câu chuyện được miêu tả trong Nhộng không khí là sự thật?”
Tengo lắc đầu: “Điều tôi muốn nói là, mỗi một chi tiết trong câu chuyện đều được miêu tả hết sức chân thật, rõ ràng, tỉ mỉ, đây là một điểm rất mạnh của cuốn tiểu thuyết này.”
“Và cậu định viết lại câu chuyện này theo văn phong của mình, chuyển những thứ có tính ám chỉ sang một hình thái rõ nét hơn, phải vậy không?”
“Nếu như thuận lợi.”
“Chuyên ngành của tôi là nhân học văn hóa,” Thầy giáo nói, “Tuy từ lâu tôi đã không còn làm nghiên cứu nữa, nhưng tinh thần ấy đến giờ vẫn thấm sâu vào cốt tủy. Một trong những mục đích của ngành học này là so sánh hình ảnh cá biệt của mọi người, từ đó phát hiện ra điểm chung mang tính phổ biến của nhân loại, sau đó lại xét ngược trở lại trên mỗi cá nhân. Làm như vậy, con người có thể tìm được một vị trí vừa độc lập vừa lệ thuộc vào một thứ gì đó. Cậu hiểu ý tôi không?”
“Tôi nghĩ là hiểu.”
“Có lẽ phải yêu cầu cậu cũng làm như vậy.”
Tengo xòe hai tay trên đầu gối. “Có vẻ sẽ rất khó.”
“Nhưng cũng đáng thử một phen.”
“Thậm chí tôi còn không biết mình có tư cách ấy không nữa.”
Thầy giáo chăm chú nhìn Tengo. Trong mắt ông chợt lóe lên một thứ ánh sáng kỳ lạ.
“Tôi muốn biết rằng ở Sakigake, rốt cuộc đã có chuyện gì xảy ra với Eri. Vợ chồng Fukada đã trải qua số phận như thế nào. Trong bảy năm nay, tôi đã gắng sức tìm cách giải mã sự thật ấy, nhưng không hề có lấy một manh mối. Có một bức tường khổng lồ mà tôi không cách nào lay động được luôn án ngữ trước mặt. Biết đâu trong Nhộng không khí có ẩn chứa điều mấu chốt để giải câu đố này. Cho dù khả năng chỉ là rất nhỏ, nhưng chỉ cần có khả năng thôi, tôi tình nguyện đánh cược một phen. Còn chuyện cậu có tư cách làm việc đó hay không, tôi không biết. Nhưng cậu đã đánh giá cao Nhộng không khí, lại bị hút hồn vào trong tác phẩm. Có lẽ đây đã là một thứ tư cách rồi.”
“Có một chuyện tôi muốn xác nhận lại, câu trả lời là YES hay NO,” Tengo nói, “Hôm nay tôi đến làm phiền cũng chính vì chuyện này. Thầy giáo Ebisuno, ông có cho phép tôi viết lại tác phẩm Nhộng không khí không?”
Thầy giáo gật đầu, rồi nói: “Tôi cũng muốn đọc thử Nhộng không khí do cậu viết lại. Eri hình như cũng rất tín nhiệm cậu. Không ai được nó đối xử như vậy đâu. Đương nhiên, phải trừ tôi và Azami ra. Vì vậy, cậu cứ làm đi. Chúng tôi hoàn toàn giao phó tác phẩm ấy cho câu. Câu trả lời của tôi là: YES.”
Cuộc trò chuyện vừa ngừng lại, sự im lặng liền bao trùm lên cả căn phòng như thể vận mệnh đã được định đoạt. Đúng lúc đó, Fukaeri bưng trà bước vào, tựa như đã tính toán chuẩn xác thời gian hai người nói chuyện xong.
Trên đường về chỉ có một mình Tengo, Fukaeri đã ra ngoài dắt chó đi dạo. Thầy giáo gọi taxi đưa Tengo đến ga tàu điện Futamatao. Sau đó ở ga Tachikawa anh đổi sang chuyến về Tokyo.
Ở ga Mitaka, Tengo ngồi đối diện với hai mẹ con. Bà mẹ và cô con gái ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ. Quần áo hai người chắc chắn không phải loại đắt tiền, cũng không mới. Nhưng sạch sẽ, và được chăm chút chu đáo. Chỗ nào cần trắng thì trắng như tuyết, là ủi phẳng phiu. Đứa con gái áng chừng học lớp hai hoặc ba, đôi mắt mở to, gương mặt xinh xắn. Người mẹ gầy, tóc búi ra sau đầu, đeo kính gọng đen, cầm theo chiếc túi xách bằng vải dày đã bợt màu. Hình như bên trong đầy các thứ lỉnh kỉnh. Gương mặt cô rất cân đối, có điều ở đuôi khóe mắt thấp thoáng vẻ mệt mỏi về tinh thần, khiến vẻ bề ngoài của cô nhìn già hơn tuổi thực. Đang là giữa tháng Tư, nhưng cô lại mang theo ô che nắng. Ô che nắng cuộn chặt lại, trông giống một cây gậy khô quắt queo.
Hai người ngồi lặng yên trên ghế, không nói gì. Người mẹ dường như đang nghĩ ngợi chuyện gì đó. Đứa con gái ngồi bên cạnh không có việc gì làm, chốc chốc cúi nhìn xuống mũi giày, rồi nhìn sàn tàu, hay ngẩng đầu lên nhìn những mảnh giấy quảng cáo trên trần toa xe rủ xuống, hoặc liếc sang chỗ Tengo ngồi đối diện, như thể xem một loại động vật quý hiếm vô hại. Thân hình và đầu cô bé gần như không nhúc nhích, chỉ có cặp mắt là hoạt bát đảo qua đảo lại, quan sát sự vật ở xung quanh.
Hai mẹ con xuống tàu ở ga Ogikubo. Tàu điện vừa bắt đầu giảm tốc, người mẹ đã cầm ô đứng dậy. Tay trái cầm ô che nắng, tay phải xách túi vải. Đứa con gái cũng lập tức đứng lên theo mẹ. Lúc đứng dậy, cô bé lại liếc mắt nhìn Tengo. Đôi mắt ánh lên một t nhìn kỳ lạ, như đang yêu cầu, lại như thể muốn thổ lộ. Tuy chỉ là một ánh nhìn yếu ớt, nhưng Tengo cảm nhận được rất rõ ràng. Cô bé ấy đang phát đi tín hiệu… anh cảm thấy thế. Nhưng chẳng cần nói, dù tín hiệu ấy có phát đến. Tengo cũng không làm gì được. Anh không hiểu nội tình, cũng chẳng có tư cách gì để can dự. Cô bé và mẹ cùng xuống tàu ở ga Ogikubo, cửa toa đóng lại, Tengo ngồi bất động, tiếp tục tiến về ga sau. Chỗ cô bé vừa ngồi lúc nãy có ba học sinh cấp hai, có vẻ như đang trên đường về nhà sau kỳ thi thử, bắt đầu nói chuyện ầm ĩ. Nhưng trong một khoảnh khắc, dư ảnh lặng lẽ của cô bé vẫn còn lưu lại nơi ấy.
Đôi mắt cô bé ấy khiến Tengo nhớ đến một cô bé khác. Đó là cô bé cùng lớp với anh trong hai năm lớp ba, lớp bốn. Cô có đôi mắt to giống như cô bé ban nãy. Cô đã từng dùng cặp mắt ấy nhìn chăm chú vào Tengo. Rồi sau đó…
Cô bé kia và cha mẹ là tín đồ của một tổ chức tôn giáo tên là “Chứng nhân Jehovah”. Đó là một nhánh của đạo Cơ Đốc, tin theo thuyết ngày tận thế, rất nhiệt tình với các hoạt động truyền giáo, và nhất nhất tuân theo mọi điều được viết trong Kinh Thánh. Chẳng hạn như hoàn toàn không chấp nhận truyền máu. Vì vậy, nếu gặp tai nạn giao thông mà bị thương nặng thì tỷ lệ sống sót sẽ giảm xuống còn rất thấp. Cũng không được chấp nhận cho làm đại phẫu. Bù lại, khi đến ngày tận thế, họ sẽ được Thượng đế chọn làm những kẻ sống sốt. Có thể sống mãi ở thế giới cực lạc.
Cô bé ấy cũng như cô bé vừa rồi, có đôi mắt to tròn rất đẹp. Một đôi mắt khiến người ta khó mà quên nổi. Gương mặt cũng rất xinh xắn. Trên gương mặt cô dường như lúc nào cũng phủ một lớp màng mỏng trong suốt. Để loại trừ cảm giác bản thân mình tồn tại. Nếu không cần thiết, cô không bao giờ mở miệng trước mặt người khác, cũng không hề bộc lộ xúc cảm qua nét mặt. Cặp môi mỏng lúc nào cũng mím chặt thành một đường tơ.
Khi đó Tengo chú ý đến cô, vì cuối tuần nào cô cũng cùng mẹ đi truyền giáo. Trong gia đình tín đồ Chứng nhân Jehovah, trẻ con từ khi biết đi đã được yêu cầu tham gia hoạt động truyền giáo cùng cha mẹ. Bắt đầu từ khoảng ba tuổi, chủ yếu là đi bộ với mẹ, gõ cửa từng nhà, phát cho họ một tập sách nhỏ tên là Trước đại hồng thủy, truyền bá giáo lý của giáo phái Chứng nhân Jehovah. Họ giải thích với mọi người một cách dễ hiểu rằng trên thế giới đã xuất hiện bao nhiêu điềm báo của sự diệt vong. Họ gọi Chúa là “Đức Ngài”. Dĩ nhiên, gần như lần nào họ cũng bị từ chối, đóng cửa đánh “sầm” một tiếng ngay mũi. Vì giáo lý của họ quá hẹp hòi, chỉ nghĩ đến mình mà xa rời hiện thực… ít nhất là cũng khác xa với hiện thực mà hầu hết mọi người trên thế giới này nhận biết. Nhưng rất hiếm thấy, thi thoảng cũng có người nghiêm túc lắng nghe bọn họ truyền đạo. Trên đời lúc nào cũng có những người muốn tìm đối tượng chuyện trò, cho dù đối phương nói chuyện gì đi chăng nữa. Hơn nữa, cũng hết sức hiếm, trong đó ngẫu nhiên cũng có người đến tham gia các buổi tụ họp với họ. Vì một phần nghìn khả năng này, họ đi khắp các ngõ phố, ấn chuông cửa từng nhà một. Bọn họ cứ nỗ lực không ngừng nghỉ như thế, dù hiệu quả rất thấp, để giúp thế giới này giác ngộ, đó chính là sứ mệnh thần thánh họ được ơn trên ban cho. Sứ mệnh này càng khó khăn, ngưỡng cửa càng cao, thì phúc lành ban cho họ sẽ càng lớn.
Cô bé ấy theo mẹ đi khắp nơi truyền giáo. Người mẹ một tay xách chiếc túi vải nhét đầy các tập Trước đại hồng thủy, tay kia thường cầm ô che nắng. Cô bé đi cách mấy bước phía sau, lúc nào cũng mím chặt môi thành một đường thẳng, nét mặt vô cảm. Khi theo cha đi khắp các nhà thu phí đài NHK, Tengo từng mấy lần đi ngang qua cô bé. Tengo nhận ra cô, cô cũng nhận ra Tengo. Mỗi lần như thế, trong mắt cô đều có thứ gì đó ánh lên thầm lặng. Dĩ nhiên bọn họ chưa bao giờ nói chuyện, thậm chí cả một câu chào hỏi cũng không. Cha Tengo bận rộn với việc nâng cao hiệu suất thu phí, còn mẹ cô bé thì bận việc tuyên truyền ngày tận thế định mệnh sắp giáng xuống. Cậu bé và cô bé chỉ trao đổi ánh mắt trong một khoảnh khắc, khi lướt qua nhau ở góc phố ngày Chủ nhật.
Cả lớp đều biết cô bé là tìn đồ của giáo phái Chứng nhân Jehovah. Vì “lý do giáo lý” nên cô không dự các hoạt động mừng Giáng sinh, cũng không tham gia các cuộc dã ngoại hoặc tham quan ở đền thờ Thần đạo, chùa chiền. Cô không bao giờ tham dự đại hội thể thao, cũng không hát bài ca của trường và cả quốc ca. Cách làm chỉ có thể gọi là “cực đoan” ấy khiến cô càng lúc càng bị cô lập trong lớp. Hơn nữa, mỗi lần trước khi ăn cơm trưa, cô đều phải đọc một lời cầu nguyện đặc biệt, và phải đọc to và dõng dạc, để mọi người đều có thể nghe thấy. Tất nhiên, lũ trẻ xung quanh đó đều cảm thấy lời cầu nguyện này nghe rợn tóc gáy. Chắc chắn cô bé cũng không muốn làm vậy trước bao nhiêu con mắt nhìn mình chằm chằm, nhưng cô được huấn luyện để tin rằng cần phải đọc lời cầu nguyện trước khi ăn, dù không có những tín đồ khác ở bên cạnh, cũng không thể làm qua quýt được. “Đức Ngài” ở trên cao, mọi chuyện dù nhỏ nhặt nhất cũng không thể qua nổi mắt Người.
Lạy Chúa của chúng con ở trên Trời, xin cho danh Người cả sáng, xin cho nước Người trị đến. Xin Người thứ tội chúng con. Xin Người ban phúc cho những tiến bộ nhỏ nhoi của chúng con. Amen.
Ký ức là thứ thật kỳ lạ, chuyện từ hai mươi năm trước, vậy mà Tengo vẫn còn nhớ được y nguyên lời cầu nguyện ấy. Xin cho nước Người trị đến. Mỗi lần nghe câu đó, cậu học sinh tiểu học Tengo lại bất giác thầm nghĩ: “Đó là đất nước như thế nào nhỉ?” Ở đó có đài NHK không? Chắc là không có rồi. Nếu không có đài NHK thì cũng không có người đi thu phí. Nếu như vậy, đất nước ấy đến sớm một chút thì hay.
Tengo chưa lần nào nói chuyện với cô. Tuy học cùng lớp nhưng cậu chưa bao giờ có cơ hội bắt chuyện. Cô lúc nào cũng rời xa tập thể, cô độc một mình, nếu không bắt buộc, cô chẳng mở miệng với ai. Tất nhiên không thể tự dưng đi tới trước mặt mà chào cô được. Nhưng trong lòng, Tengo cảm thấy thông cảm với cô. Giữa họ còn có một điểm chung đặc biệt, đó là ngày nghỉ đều phải theo cha mẹ đi khắp nơi ấn chuông cửa nhà người ta. Mặc dù việc truyền giáo và chuyện thu phí không giống nhau, nhưng Tengo hiểu việc ép buộc trẻ con đóng những vai như thế sẽ gây tổn hại tới tâm hồn chúng nghiêm trọng đến mức nào. Ngày Chủ nhật, trẻ con lẽ ra phải được thỏa thích vui chơi cùng chúng bạn, chứ không phải đi dọa dẫm người ta đòi tiền truyền hình, cũng không phải đi khắp nơi tuyên truyền về ngày tận thế đáng sợ. Những chuyện ấy… nếu thực cần phải làm… thì để người lớn đi làm là được rồi.
Chỉ một lần, vì chút tình cờ, Tengo đã chìa tay ra giúp cô bé. Đó là mùa thu năm lớp bốn, trong giờ thực hành khoa học tự nhiên, người bạn chung bàn thí nghiệm đã buông những lời nặng nề với cô. Vì cô nhầm các bước thí nghiệm. Tengo không nhớ cô mắc sai lầm gì. Khi ấy có một bạn nam đã nhắc chuyện cô tham gia hoạt động truyền giáo Chứng nhân Jahovah để chế giễu cô. Rằng cô đi từ nhà nọ đến nhà kia, phát những cuốn sách nhỏ ngu ngốc. Và gọi cô là “Đức Ngài”. Đây là chuyện rất hi hữu. Vì bình thường mọi người không bắt nạt cũng không chòng ghẹo cô, chỉ coi cô như một thứ gì đấy không hề tồn tại, hoàn toàn không cần để mắt tới. Nhưng trong các bài tập đòi hỏi hợp tác như thí nghiệm khoa học, không thể gạt một mình cô bé ấy ra ngoài được. Những lời nhiếc móc khi ấy cũng khá ác độc. Tengo vốn ở một tổ khác, dùng bàn thí nghiệm bên cạnh, nhưng anh không thể nhắm mắt làm ngơ. Không hiểu vì sao, nhưng anh chỉ cảm thấy mình không nên bỏ mặc như thế.
Tengo bước đến chỗ cô bé, bảo cô đổi sang tổ mình. Không nghĩ ngợi gì nhiều, cũng không do dự, anh làm gần như theo phản xạ. Rồi anh tỉ mỉ chỉ cho cô các điểm quan trọng khi làm thí nghiệm. Cô bé chăm chú nghe Tengo giải thích, cố gắng lý giải, rồi không phạm phải sai lầm tương tự lúc nãy nữa. Học cùng lớp hai năm, đó là lần đầu tiên (cũng là lần cuối cùng) Tengo nói chuyện với cô. Tengo học giỏi, lại cao lớn khỏe mạnh, mọi người đều nhìn anh với ánh mắt khác. Vì vậy không ai trêu chọc anh vì đã đứng ra bảo vệ cô bé, ít nhất là trong trường hợp ấy. Nhưng vì đã che chở cho “Đức Ngài”, uy tín của anh trong lớp vô hình trung bị giảm xuống một cấp. Có lẽ anh bị cho là đã dính bùn nhơ vì liên quan đến cô bé ấy không chừng.
Nhưng Tengo hoàn toàn không để ý, vì anh biết rõ cô là một cô bé hết sức bình thường. Nếu cha mẹ cô không phải là tín đồ của Chứng nhân Jehovah thì cô sẽ trưởng thành như mọi cô bé bình thường khác, được mọi người chấp nhận, chắc chắn sẽ có những người bạn tốt. Nhưng vì cha mẹ là tín đồ Chứng nhân Jehovah, nên ở trường cô bị đối xử như người vô hình, không ai nói chuyện, thậm chí là không ai buồn để mắt nhìn tới. Tengo cảm thấy như vậy thật không công bằng.
Sau chuyện đó, Tengo và cô bé không nói chuyện gì với nhau nữa. Không cần thiết phải nói chuyện, và cũng không có cơ hội để nói. Nhưng mỗi lần ánh mắt tình cờ gặp nhau, nét mặt cô liền thoáng hiện lên một vẻ căng thẳng khó nhận ra. Anh lại thấy rất rõ. Có lẽ hành động của Tengo trong giờ thí nghiệm khoa học khiến cô cảm thấy phiền toài. Cũng có thể cô phẫn nộ, thấy anh thật lắm chuyện. Tengo không biết. Khi ấy anh vẫn còn là một đứa trẻ, không thể nhận ra những biến đổi tâm lý tinh tế từ nét mặt của người khác.
Sau đó, có một hôm, cô bé đã nắm tay Tengo. Đó là một buổi chiều nắng ráo đầu tháng Mười hai, ngoài cửa sổ có thể trông thấy bầu trời cao và những áng mây thẳng tắp màu trắng. Trong lớp học đã được quét dọn sạch sẽ sau giờ tan lớp, tình cờ chỉ còn lại Tengo và cô bé ấy, không còn ai khác. Cô bé quả quyết rảo bước đi ngang lớp học đến trước mặt Tengo, đứng bên cạnh anh. Sau đó cô không do dự nắm lấy tay Tengo, ngẩng mặt nhìn anh chăm chú (Tengo cao hơn cô chừng mười xăng ti mét). Tengo giật mình kinh ngạc, cùng chăm chú nhìn lại cô, ánh mắt hai người gặp nhau. Tengo thấy đôi mắt cô sâu thẳm lạ thường. Cô bé ấy cứ lặng lẽ nắm tay anh thật lâu, nắm chặt, không buông lơi ra dù chỉ trong chớp mắt. Sau đó, cô buông tay, vạt váy tung lên phấp phới, chạy thẳng ra khỏi lớp học.
Tengo không hiểu gì cả, trợn tròn mắt đứng yên bất động. Ý nghĩ đầu tiên của anh là, may mà không ai nhìn thấy. Ngộ nhỡ có ai trông thấy, có trời mới biết chuyện sẽ ầm ĩ lên thế nào. Anh đảo mắt nhìn quanh, trước tiên là thở phào nhẹ nhõm. Sau đó lại chìm vào cảm giác bối rối sâu sắc.
Hai mẹ con ngồi đối diện với anh từ ga Mitaka đến ga Ogikubo biết đâu cũng là tín đồ của Chứng nhân Jehovah đang đi truyền giáo ngày Chủ nhật. Cái túi vải phồng lên đó có vẻ như cũng đang nhét đầy những tập Trước đại hồng thủy nhỏ bé. Cái ô che nắng trong tay người mẹ và ánh sáng lóe lên trong mắt cô bé gợi Tengo nhớ tới cô bạn cùng lớp ít nói năm xưa.
Không, hai người trên tàu điện có lẽ không phải tín đồ của Chứng nhân Jehovah, có thể chỉ là một cặp mẹ con bình thường đang tới một lớp học ngoại khóa nào đó. Trong túi vải ấy chỉ là nhạc phổ cho đàn dương cầm, hoặc bộ đồ để luyện thư pháp. Chắc là mình quá mẫn cảm với mọi sự vật hiện tượng rồi, Tengo thầm nhủ. Anh nhắm mắt, chầm chậm thở nhẹ ra. Ngày Chủ nhật dòng chảy thời gian cũng kỳ lạ, vô số cảnh tượng đều bị bóp méo một cách quái dị.
Về đến nhà, Tengo nấu mấy món đơn giản ăn cho qua bữa. Nghĩ kỹ lại, thực ra anh còn chưa ăn trưa. Sau bữa tối, anh sực nhớ ra phải gọi điện cho Komatsu, chắc chắn anh ta muốn biết kết quả cuộc gặp gỡ hôm nay. Nhưng hôm nay Chủ nhật, anh ta không đi làm. Tengo không biết số điện thoại nhà Komatsu. Thôi vậy. Nếu muốn biết tình hình, chắc anh ta sẽ gọi điện.
Kim giờ đồng hồ vừa chạy qua số mười, Tengo đang định lên giường ngủ thì chuông điện thoại reo. Anh đoán là Komatsu, cầm ống nghe, không ngờ lại là tiếng của người tình lớn tuổi.
“A lô, chiều ngày kia em qua chỗ mình một lúc được không? Nhưng không ở lâu được đâu,” cô ta nói.
Sau lưng có thể nghe thấy tiếng dương cầm khe khẽ. Hình như chồng cô chưa về nhà. Được thôi, Tengo trả lời. Nếu cô đến, việc viết lại Nhộng không khí sẽ phải tạm ngừng lại. Nhưng nghe giọng cô, Tengo cảm thấy mình đang khát khao thân thể đó một cách mãnh liệt. Sau khi gác máy, anh vào bẰ, rót rượu whiskey Bourbon Kentucky vào ly thủy tinh, đứng trước bồn rửa bát nốc một hơi cạn sạch. Sau đó leo lên giường, đọc mấy trang sách rồi mệt mỏi ngủ thiếp đi.
Ngày Chủ nhật kỳ lạ dài dằng dặc của Tengo đã kết thúc như vậy.