Nguyên Tắc 22

Chiến Thuật Quy Hàng: Biến Nhược Thành Cường

Khi lực đang yếu, đừng bao giờ khăng khăng chiến đấu vì danh dự, ngược lại ta nên đầu hàng. Đầu hàng xong rồi ta có thì giờ phục hồi, thì giờ chọc tức và phiền nhiễu kẻ thù, chờ cho quyền lực đối phương tàn lụi. Đừng biếu cho hắn sự khoái chí khi đánh bại ta - hãy nhanh chóng quy hàng. Khi giơ luôn má bên kia cho hắn đánh, xem như ta làm cho hắn bất ngờ và tức tối. Hãy biến sự quy hàng thành vũ khí quyền lực.

VI PHẠM NGUYÊN TẮC

Đảo Melos có vị trí chiến lược giữa Địa Trung Hải. Vào thời Thượng cổ, thành phố Athens thống trị biển cả và vùng duyên hải quanh Hy Lạp, nhưng chính cư dân Sparta mới là những người đầu tiên khai hoang Melos. Vì vậy trong thời kỳ chiến tranh Peloponnese, cư dân Melos trung thành với Sparta và chống lại Athens. Năm 416 TCN phe Athens cho quân tiến công Melos. Tuy nhiên trước khi dốc hết toàn lực cho trận sống mái, họ gửi phái đoàn đến phủ dụ Melos quy hàng để trở thành đồng minh, còn hơn là chịu cảnh hoang tàn chết chóc.

“Các vị cũng biết rõ như chúng tôi,” các phái viên nói, “rằng các chuẩn mực công lý tùy thuộc vào sự bình đẳng của quyền lực mà ta phải tuân thủ, và thật ra kẻ mạnh tùy ý hành động theo quyền lực của mình, và người yếu đành chấp nhận những gì phải chấp nhận”. Khi cư dân Melos bảo rằng như thế không phải là quân tử, phía Athens trả lời chính những ai nắm quyền lực mới định đoạt như thế nào là quân tử. Phía Melos lại lý luận rằng quyền định đoạt ấy thuộc về những vị thần, chứ không phải của loài người. “Quan niệm của chúng tôi về thần thánh và sự hiểu biết của chúng tôi về loài người,” một phái viên Athens đáp, “đưa chúng tôi đến kết luận rằng có một quy luật tự nhiên rất phổ quát và cần thiết, đó là hãy thống trị những đối tượng nào mình có thể thống trị”.

Nhưng Melos vẫn khăng khăng vì tin rằng Sparta sẽ đến bảo vệ họ. Phái đoàn Athens nhắc nhở rằng cư dân Sparta là những người bảo thủ và thực dụng, rằng họ sẽ không cứu giúp Melos bởi vì họ chẳng được gì mà còn có thể mất mát nhiều.

Cuối cùng khi phe Melos lại bắt đầu nói về danh dự và nghĩa cử chống lại hung tàn, đoàn Athens khuyên họ không nên chệch hướng vì cách hiểu sai lầm về danh dự: “Danh dự thường dẫn người ta đến chỗ diệt vong khi họ phải đối mặt với một nguy hiểm hiển nhiên ảnh hưởng ít nhiều đến sự tự hào của họ. Không có gì xấu khi các vị nhượng bộ thành phố hùng mạnh nhất Hy Lạp, nhất là khi thành bang này chào mời các vị bằng những điều kiện rất chính đáng”. Cuộc thương thảo chấm dứt. Phe Melos bàn bạc nội bộ và cuối cùng quyết định tin vào sự trợ giúp của Sparta, vào ý trời, và vào đại nghĩa của họ. Họ lịch sự từ chối đề nghị của Athens.

Vài ngày sau Athens xâm chiếm Melos và cư dân đảo này chiến đấu rất anh dũng, nhưng Sparta tuyệt nhiên không cứu viện. Cuối cùng khi Melos đã đầu hàng, Athens lập tức tàn sát tất cả những ai trong độ tuổi cầm gươm, còn đàn bà và trẻ con bị bán làm nô lệ, kế tiếp đưa dân Athens đến định cư ở Melos.

Diễn giải

Dân Athens có tiếng là thực tiễn nên cố gắng đưa ra những lý luận thực tiễn nhất với cư dân Melos, và thuyết phục họ rằng khi anh yếu hơn thì không việc gì phải dấn thân vào một cuộc chiến hoàn toàn vô ích. Sẽ chẳng có ai đến cứu kẻ yếu, bởi vì như thế chỉ đưa mình vào thế kẹt mà thôi. Kẻ yếu luôn cô đơn và phải phục tùng. Chiến đấu sẽ không mang lại được gì, ngoài cái tiếng tử vì đạo và kèm theo đó rất nhiều người sẽ phải chết cho dù họ không tin vào cái đại nghĩa của bạn.

Yếu không phải là cái tội, mà thậm chí còn có thể trở thành sức mạnh nếu ta biết vận dụng thế yếu cho đúng cách. Phải chi ngay từ đầu dân đảo Melos bằng lòng quy hàng, sau đó biết đâu họ sẽ có cơ hội phá hoại phe Athens một cách tinh vi và sau này họ sẽ trở cờ khi phe Athens suy yếu – điều đã xảy ra vài năm sau đó. Thời cơ luôn thay đổi và kẻ mạnh sẽ xuống chó. Động tác đầu hàng ẩn chứa một sức mạnh lớn: Dụ đối thủ vào trạng thái tự mãn, ta sẽ có cơ phục hồi, cơ phá hoại, cơ báo thù. Đừng bao giờ phí phạm những cơ hội ấy vì chút danh dự hão trong một cuộc chiến mà ta biết trước sẽ thua.

Kẻ yếu không bao giờ hàng thuận khi lẽ ra họ phải hàng.

(Hồng y De Retz, 1613-1679)

TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

Hồi thập niên 1920 nhà văn Đức Bertolt Brecht thay đổi chính kiến và theo chủ nghĩa Cộng sản. Từ đó về sau các tác phẩm của ông đều chuyển tải nhiệt tình cách mạng, và ông cố gắng làm rõ những tuyên bố mang tính ý thức hệ. Khi Hitler lên nắm quyền, Brecht và các đồng chí trở thành mục tiêu. Ông ta có nhiều bạn bè ở Mỹ - những người Mỹ có cảm tình với niềm tin của ông, cùng với nhiều nhà trí thức Đức trốn thoát gọng kềm của Hitler. Vì vậy năm 1941 Brecht di trú sang Mỹ, chọn thành phố Los Angeles làm nơi sinh sống bằng nghiệp điện ảnh.

Vài năm sau đó Brecht sáng tác những kịch bản sắc bén với quan điểm chống chủ nghĩa tư bản. Ông không thành công ở Hollywood nên năm 1947 sau khi chiến tranh kết thúc, Brecht quyết định quay về châu Âu. Tuy nhiên cùng năm đó, tiểu ban chuyên trách các hành động chống Mỹ thuộc Quốc hội lại bắt đầu điều tra về những hoạt động được cho là Cộng sản thâm nhập Hollywood. Vì đã công khai cổ xúy thuyết Mác-xít, nên Brecht bị điều tra vào tháng 9 năm 1947, chỉ một tháng trước khi rời Mỹ theo kế hoạch, ông nhận trát buộc trình diện tiểu bang nói trên. Ngoài Brecht ra còn một số nhà văn, đạo diễn, nhà sản xuất cũng nhận được trát, và tập thể đó được mệnh danh là nhóm Hollywood 19.

Trước khi đến Washington, nhóm Hollywood 19 cùng lập ra kế hoạch hành động. Họ sẽ dùng chiến thuật đối đầu. Thay vì xác nhận mình có là đảng viên Cộng sản hay không, họ sẽ có những phát biểu thách thức thẩm quyền của tiểu bang để chỉ rõ rằng hoạt động của tiểu bang là vi hiến. Cho dù sau đó có đi tù, song họ khẳng định như thế thì đại nghĩa của họ sẽ lại càng được nhiều người biết đến.

Brecht không đồng ý. Ông hỏi liệu có ích gì khi sắm vai tử vì đạo để mua được tí cảm tình của công chúng, rồi sau đó lại không còn cơ hội dựng vở hoặc bán kịch bản? Ông nói nhóm Hollywood 19 chắc chắn là thông minh hơn tiểu ban của Quốc hội, vậy cớ gì tự hạ mình xuống thấp bằng với chúng qua việc lý luận với họ? Tại sao ta không qua mặt họ bằng cách giả hàng, rồi sau đó tinh vi châm biếm họ? Nhóm im lặng nghe lý giải của Brecht nhưng sau đó lại quyết theo kế hoạch đối đầu, để Brecht đi con đường của riêng ông.

Cuối cùng Brecht phải trình diện tiểu ban vào ngày 30 tháng Mười. Họ dự kiến ông sẽ hành động hệt như những gì nhóm Hollywood 19 đã hành động: lý luận, từ chối trả lời các câu hỏi, thách thức quyền lực của tiểu ban, thậm chí la ó và chửi rủa. Tuy nhiên họ ngạc nhiên khi Brecht lại hết sức dễ thương. Hôm ấy ông mặc bộ com-lê (điều hiếm thấy), ngậm điếu xì-gà (vì nghe đồn là vị trưởng ban là người mê xì-gà), lễ phép trả lời các câu hỏi, và nói chung là tuân thủ thẩm quyền của tiểu ban.

Ông khẳng định mình không là đảng viên cộng sản. Trước đó vì đã viết nhiều vở công khai chuyển tải thông điệp cộng sản nên Brecht bị hỏi điều này sự thật ra sao. Ông trả lời: “Tôi có viết một số thơ nhạc và vở kịch khi chiến đấu chống lại Hitler và tất nhiên vì vậy, những tác phẩm đó có thể được xem là mang tính cách mạng bởi vì, hẳn nhiên là tôi muốn lật đổ chính quyền ấy”. Tiểu ban không thể vặn vẹo gì đối với câu trả lời này.

Mặc dù nói tiếng Anh rành rẽ, nhưng khi ra đối chứng Brecht vẫn sử dụng thông dịch viên, nhằm có thể vận dụng trò chơi tinh vi của ngôn ngữ. Khi tiểu bang chỉ ra những dòng mang khuynh hướng cộng sản trong tác phẩm của Brecht xuất bản bằng tiếng Anh, Brecht liền đọc lại bằng tiếng Đức cho thông dịch viên nghe. Khi anh chàng này dịch lại thì rõ ràng những câu đó vô thưởng vô phạt. Một thành viên tiểu bang liền đọc một bài thơ cách mạng của Brecht đã dịch sang tiếng Anh và hỏi phải chăng chính ông đã sáng tác. “Không,” ông khẳng định, “tôi viết bài đó bằng tiếng Đức, và nguyên văn rất khác điều ông vừa đọc”. Những câu trả lời đại loại như vậy làm cho cả tiểu bang hụt hẫng, nhưng họ không thể cáu với Brecht được vì ông có thái độ lễ phép và tỏ ra hợp tác hoàn toàn.

Do đó chỉ sau một giờ chất vấn, tiểu ban đã chán phèo. “Cảm ơn ông rất nhiều,” vị chủ tịch tuyên bố, “ông là ví dụ tốt cho những nhân chứng khác”. Họ không chỉ trả tự do cho Brecht mà còn hứa sẽ can thiệp khi ông gặp rắc rối với các viên chức cơ quan di trú. Ngày hôm sau Brecht rời nước Mỹ để không bao giờ trở lại.

Diễn giải

Chiến thuật đối đầu của nhóm Hollywood 19 thu hoạch cho họ nhiều cảm tình và vài năm sau họ được xác minh. Nhưng trước đó họ bị lên danh sách đen, và đã mất đi nhiều năm tháng quý giá trong cuộc đời sáng tác nghệ thuật. Về phía mình, Brecht biểu lộ sự chán ghét đối với tiểu bang điều tra bằng một cách gián tiếp hơn. Và rõ ràng là ông đâu có thay đổi chính kiến hoặc thỏa hiệp với đạo đức cá nhân. Ngược lại trong một giờ đối chất ngắn ngủi, ông luôn ở thế thượng phong, khi ra vẻ nhượng bộ nhưng thật ra là cứ vờn tới vờn lui bằng các câu trả lời mơ hồ, bằng những lời nói dối thẳng thừng mà không bị phanh phui vì chúng được bọc kỹ trong màn sương bí ẩn của chữ nghĩa. Cuối cùng Brecht gìn giữ được quyền tự do tiếp tục những bài viết cách mạng (thay vì phải ở nhà tù Mỹ) và tinh vi giễu cợt cả tiểu bang và quyền lực của tiểu bang bằng cái bộ dạng vâng dạ của mình.

Bạn hãy luôn nhớ rằng người nào muốn chứng tỏ mình có quyền lực rất dễ bị lừa bởi chiến thuật quy hàng. Vẻ tuân phục của ta làm bản thân họ cảm thấy tăng phần quan trọng. Tự mãn vì được người khác nể phục, họ trở thành mục tiêu dễ dàng cho ta phản công, hoặc để ta chế giễu kiểu như Brecht đã làm. Hãy lấy thời gian làm tiêu chuẩn đánh giá quyền lực của mình, bạn đừng hy sinh kế hoạch dài hơi chỉ vì chút vinh quang phù du của việc tử vì đạo.

Khi quan lớn ráo qua, người nông dân khôn ngoan cúi rạp

mình chào và âm thầm đánh rắm. (Tục ngữ Ethiopia)

CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

Ở lĩnh vực quyền lực, ta thường bị rắc rối là vì phản ứng thái quá đối với những hành động của địch thủ. Phản ứng thái quá đó tạo ra các vấn đề mà lẽ ra ta đã tránh được nếu biết suy xét kỹ hơn. Và hậu quả có thể nảy bật liên tục hoài hoài, bởi vì đối thủ cũng có thể phản ứng quá trớn, như trường hợp phe Athens phải ứng lại dân đảo Melos. Bản năng đầu tiên của ta là phản ứng, đáp lại sự gây hấn bằng một hình thức gây hấn khác. Nhưng lần sau nếu có ai đó huých cùi chỏ bạn một cái và bạn định huých lại, thì bạn thử toa này xem: Đừng kháng cự, đừng đánh lại, nhưng nhượng bộ, cúi mình, đưa luôn cái gò má bên kia ra. Bạn sẽ thấy phản ứng này thường khi lại làm cho cách ứng xử của đối phương bị vô hiệu hóa – họ dự đoán, thậm chí là họ muốn bạn phải phản ứng lại mạnh bạo, chính vì vậy họ sẽ rất hẫng và bối rối khi thấy bạn không thèm kháng cự. Khi nhượng bộ, thật ra ta lại kiểm soát tình hình, vì động tác quy hàng là một phần của kế hoạch lớn hơn nhằm dụ họ tin rằng họ đã thắng ta.

Đó chính là cốt lõi của chiến thuật quy hàng: ngoài mềm trong cứng. Không còn lý do để nổi giận, đối phương sẽ hoang mang, và như thế sẽ ít có khả năng họ phản ứng mạnh bạo hơn. Qua đó ta sẽ có thời gian và không gian để bày mưu lập kế hạ gục họ. Trong cuộc chiến giữa trí thông minh và bạo lực, chiến thuật quy hàng là vũ khí số một. Vũ khí này đòi hỏi sự làm chủ bản thân: Ai thật thà đầu hàng xem như mất hết tự do và có thể bị sự nhục nhã nghiền nát. Hãy nhớ là ta chỉ giả vờ quy hàng, giống như con oppossum giả chết để bảo toàn mạng sống.

Chúng ta đã thấy rằng giả vờ quy hàng thì hay hơn là chiến đấu. Đối diện với đối thủ hùng mạnh hơn, ta biết chiến đấu sẽ thua, vậy thường khi tốt hơn là nên hàng thuận thay vì bỏ chạy. Bỏ chạy thì có thể cứu ta thoát được trong lúc đó, nhưng cuối cùng kẻ hung bạo sẽ đuổi kịp ta. Ngược lại nếu quy hàng, sau này ta có thời cơ quấn quanh kẻ thù và bất ngờ cắm phập móng vuốt vào hắn ở tầm gần.

Năm 473 TCN tại Trung Quốc, Việt Vương Câu Tiễn nước Việt bị vua nước Ngô đánh bại ở trận Thái Hồ. Câu Tiễn đã bỏ bộ hạ để tẩu thoát nhưng một cận thần khuyên ông nên quy hàng và đặt mình dưới trướng Ngô Vương Phù Sai, lợi dụng vị trí đó để nghiên cứu kẻ thù và mưu đồ phục hận. Nghe theo lời khuyên, Câu Tiễn dâng nộp tất cả tiền tài của cải rồi cúi đầu đi làm người rửa chuồng gia súc. Ba năm luồn cúi ròng rã của Câu Tiễn đã làm đẹp lòng vua Ngô nên vua cho Câu Tiễn hồi hương. Khi nước Ngô bị đại hạn, nội loạn nổi lên cùng khắp, Câu Tiễn dấy binh xâm chiếm ngay. Đó là sức mạnh nằm phía sau động tác vờ quy hàng: ta được thời cơ và sự linh hoạt để chuẩn bị phương cách giáng trả đòn báo thù khủng khiếp. Nếu lúc đó bỏ chạy, Câu Tiễn hẳn đã bỏ qua thời cơ đó rồi.

Vào giữa thế kỷ XIX khi ngoại thương bắt đầu đe dọa nền độc lập của đất nước, dân Nhật bàn cách đánh trả ngoại bang. Đại thần Hotta Masayoshi viết một giác thư có tầm ảnh hưởng quan trọng suốt nhiều năm: “Vì vậy tôi tin rằng chính sách của ta là phải ký kết nhiều liên minh hữu nghị, phải gửi tàu thuyền đi đến tất cả các nước ngoài để tiến hành mậu dịch, để bắt chước những gì tốt nhất của ngoại nhân nhằm bổ sung những khiếm khuyết của ta, ta phải tập trung sức mạnh của cả nước và kiện toàn vũ trang và từ đó dần dà đặt bọn ngoại nhân trong tầm ảnh hưởng của ta, cho đến khi tất cả các nước trên thế giới biết ra những lợi điểm của tình hình yên ổn hoàn toàn, khi bá quyền của ta đã được nhìn nhận trên toàn cõi địa cầu”.

Đây là một cách áp dụng khôn ngoan quy luật giả vờ nhượng bộ. Ta quan sát đường lối của địch, từ từ tiến sát đến bên hắn, bề ngoài ứng xử đúng theo thói quen của hắn, nhưng bên trong ta vẫn giữ bản sắc. Cuối cùng ta sẽ thắng, vì trong khi hắn tưởng ta yếu kém hơn nên không cẩn thận đề phòng, ta dùng khoảng thời gian này để đuổi kịp và vượt qua hắn. Hình thức xâm chiếm một cách mềm mỏng như vậy thường là cách tốt nhất, vì kẻ thù không có đối tượng nào để phản ứng, để chuẩn bị, hoặc để kháng cự. Và trước đây nếu đã dùng sực để kháng cự phương Tây, hẳn Nhật Bản sẽ phải chịu một cuộc xâm lăng tàn phá, có khả năng thay đổi vĩnh viễn nền văn hóa Nhật.

Giả vờ quy hàng cũng là cách để chế giễu đối thủ, dùng gậy ông đập lại lưng ông, như Brecht đã làm. Trong tác phẩm The Joke (Trò đùa), Milan Kundera kể lại sinh hoạt trong trại cải tạo ở Séc, nơi các quản giáo tổ chức thi chạy đua giữa tù nhân và quản giáo. Đây là dịp để cho các cán bộ chứng tỏ mình khỏe hơn tù nhân. Các tù nhân biết là mình còn phải thua nên cố đóng kịch thật đạt – cố tình chạy chậm, giả vờ gắng sức nhưng vẫn thua. Chấp nhận tham gia cuộc đua và chịu thua, tù nhân đã làm hài lòng quản giáo, và sự “vâng lời cường điệu” đó đã biếm nhã cuộc thi chạy đua. Ở đây, sự vâng lời cường điệu – đầu hàng – là để chúng tỏ ai hơn ai, nhưng theo cách ngược lại. Nếu cứng đầu kháng cự, các tù nhân chỉ sa vào một chu kỳ bạo lực, và hơn nữa còn hạ mình xuống bằng trình độ những quản giáo. Sự vâng lời quá mức đó đã giễu cợt nhóm quản giáo mà họ không thể trừng phạt tù nhân, vì tù nhân đã làm theo lệnh.

Quyền lực luôn đổi chiều – vì bản chất cuộc chơi là dòng chảy linh động và là đấu trường thường trực, những người ở đỉnh cao quyền lực hầu như rốt cuộc cũng trở về ở cuối cầu đu. Nếu ta tạm thời lọt vào thế yếu thì chiến thuật này ngụy trang tham vọng của ta, dạy ta kiên nhẫn và tự chủ, vốn là hai kỹ năng chủ chốt cho cuộc chơi – giúp ta trụ ở vị trí tốt nhất có thể, để vùng lên khi đối thủ bất ngờ tuột dốc. Nếu bỏ chạy hoặc kháng cự, về lâu về dài ta sẽ không thể chiến thắng. Nếu quy hàng, hầu như lúc nào ta cũng thắng cuộc.

Hình ảnh:

Một cây sồi. Cây sồi nào kháng lại cuồng phong sẽ bị tước mất từ cành lá, rồi cuối cùng sẽ bị bật gốc. Nhưng cây nào chịu oằn cong sẽ sống sót lâu hơn, thân cây ngày càng to ra, rễ đâm càng sâu.

NGHỊCH ĐẢO

Mục đích của việc đầu hàng là cứu lấy mạng sống của mình để sau này còn cơ mà phục hận. Ta đầu hàng chính là để tránh trở thành người tử vì đạo, nhưng có nhiều khi đối thủ vẫn không nương tay, và việc phải chết vì đại nghĩa có vẻ là cách duy nhất. Ngoài ra, nếu sẵn sàng hy sinh thì sự hy sinh của ta cũng có thể trở thành sức mạnh và nguồn cổ vũ cho nhiều người khác.

Tuy nhiên việc tử vì đạo, nghĩa là điều ngược lại với hình thức quy hàng, lại là chiến thuật rối bời, không chính xác, và cũng tàn bạo như tính bạo tàn mà hành động tử vì đạo muốn chống lại. Trong số hàng ngàn người tử vì đạo thì chỉ có một người nổi tiếng, nhưng hàng ngàn người kia lại không cổ vũ được bất kỳ cuộc nổi dậy hay tạo cảm hứng hình thành một tôn giáo nào, vì vậy nếu đôi lúc việc tử vì đạo có tạo ra ít nhiều sức mạnh, thì đó cũng là điều không hoạch định trước được. Quan trọng hơn, lúc ấy bạn đâu còn trên cõi đời này để hưởng sức mạnh ấy. Và cuối cùng những kẻ tử vì đạo cũng có chút gì đó ích kỷ và ngạo mạn, chừng như họ cảm thấy những người theo gót mình lại không quan trọng bằng vinh quang của chính họ.

Khi nào trong tay không còn quyền lực, tốt hơn ta nên phớt lờ phép nghịch đảo của quy luật này. Đừng đả động gì đến việc tử vì đạo. Trước sau gì thì quả lắc cũng đong đưa lại phía ta, và ta phải sống để nhìn thấy thời điểm ấy.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện