Nguyên Tắc 25

Luôn Tái Tạo Mình

Đừng chấp nhận vai trò mà xã hội đã đặt để cho ta. Hãy tái tạo mình bằng cách dựng lên một đặc tính nhân dạng mới có khả năng thu hút chú ý và không bao giờ làm người ta chán. Hãy làm chủ hình ảnh của mình thay vì để người khác làm chủ. Hãy lồng nhiều mảng miếng sâu sắc vào những hành động và động tác nơi công cộng – quyền lực của ta sẽ được tăng cường, và tính cách của ta sẽ trông vĩ đại hơn đời thường.

TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

Julius Caesar để lại dấu ấn quan trọng đầu tiên trong xã hội La Mã vào năm 65 TCN, khi ông nhận chức aedile, chuyên trách việc cấp phát ngũ cốc và tổ chức những cuộc vui chơi giải trí. Caesar bắt đầu xuất hiện trước mắt công chúng bằng cách tổ chức một loạt những cuộc biểu diễn được chăm sóc rất chu đáo – săn thú rừng, giác đấu, thi tài sân khấu. Đã nhiều lần ông tự móc tiền túi cho những cuộc vui như thế. Người dân thường lập tức đồng hóa Caesar với những cuộc vui ấy. Ông đã tạo ra hình ảnh của một bầu sô vĩ đại cho bản thân mình.

Năm 49 TCN, La Mã đang trên bờ nội chiến giữa hai vị chỉ huy kình địch nhau là Caesar và Pompey. Trong giai đoạn căng thẳng lên đến đỉnh cao, một đêm kia khi đi xem kịch về không biết lơ đãng thế nào mà Caesar bị lạc trong đêm tối và mò mẫm về đến doanh trại bên bờ sông Rubicon. Rubicon là dòng sông biên giới giữa Italia và nước Gaul, nơi Caesar đang đóng đại quân. Nếu đưa quân vượt sông này trở về Italia thì có nghĩa là Caesar đã tuyên chiến với Pompey.

Trước mặt bộ tổng tham mưu, Caesar đưa ra mọi lý lẽ, trình bày tựa như một diễn viên trên sân khấu, như một tiền thân của Hamlet. Cuối cùng để kết thúc màn độc thoại, ông ta chỉ tay về phía bờ sông – nơi một chiến binh cao to đang thổi dứt hồi còi rồi rảo bước trên chiếc cầu bắc qua sông Rubicon – và kết luận: “Hãy xem hình ảnh này như là dấu hiệu của thần linh vẫy tay réo gọi chúng ta, tiến quân đánh trả kẻ thù lòng dạ hai mang. Số phận đã an bài”.

Tất cả những điều này, Caesar đều trình bày thật khéo, ngoạn mục và đậm màu sân khấu, khoa tay hùng tráng chỉ về hướng dòng sông và nhìn thẳng vào mắt các vị tướng lĩnh. Ông ta biết rằng họ không thật nhiệt tâm, nhưng tài hùng biện của ông đã phủ chụp lên họ một màn sương bi tráng của khoảnh khắc, và sự nhạy bén khi cờ đã đến tay. Nếu ai đó phát biểu một cách nôm na bình thường hơn hẳn đã không đạt hiệu quả tương tự. Tất cả các vị tướng nhất trí ủng hộ nghĩa lớn của Caesar. Ông đã cùng họ vượt qua dòng Rubicon, và từ đó đánh bại Pompey, đưa ông lên vị trí độc tài La Mã.

Trong chiến sự, Caesar luôn đóng vai lãnh tụ với tất cả bầu nhiệt huyết. Cầm gươm cưỡi ngựa không thua bất kỳ binh sĩ hoặc tướng lĩnh nào, nhiều khi ông còn chứng tỏ mình gan dạ và chịu đựng giỏi hơn họ. Trên lưng tuấn mã, miệng động viên binh sĩ xung phong, ông luôn xông pha vào giữa trận mạc, nơi cuộc chiến đang cao trào nhất, tựa một biểu tượng thần thánh, làm gương cho tướng sĩ noi theo. Trong số tất cả các binh đoàn La Mã, binh đoàn của Caesar trung kiên nhất. Giống như những người dân thường khác từng tham dự các cuộc vui do ông tổ chức, tướng sĩ của Caesar cuối cùng đã đồng hóa mình với Caesar và với đại nghĩa của ông.

Sau khi đại thắng Pompey, Caesar càng tổ chức giải trí đình đám gấp bội. Nhân dân thành La Mã chưa bao giờ chứng kiến những hội hè long trọng như vậy. Đua xe ngựa kéo khủng khiếp hơn, sa trường giác đấu đẫm máu hơn, sân khấu được tổ chức đến vùng sâu vùng xa của La Mã. Những đám đông từ khắp nơi đổ về xem những màn biểu diễn ấy, dọc đường dẫn về La Mã là hàng hàng lớp lớp những mái lều du khách. Vào năm 45 TCN, để cho việc nhập thành thêm phần long trọng bất ngờ, Caesar đưa Cleopatra từ Ai Cập về La Mã, kèm theo đó là nhiều màn trình diễn ngất trời.

Những màn trình diễn đó còn mục đích khác hơn là giải trí đám đông. Chúng tăng cường nhận thức quần chúng về vai trò của Caesar làm chủ được hình ảnh công cộng của minh, một hình ảnh mà lúc nào ông cũng ý thức. Ông luôn xuất hiện trước công chúng trong cái áo khoác màu đỏ tía thật ấn tượng. Không ai có thể “ăn” sân khấu bằng ông. Ông nổi tiếng về việc chăm sóc dáng vẻ bên ngoài - người ta đồn sở dĩ nhân dân và viện nguyên lão trọng thị ông là vì mỗi lần ông xuất hiện trước họ, ông đều đội vòng nguyệt quế, chẳng qua là để cho bớt chỗ hói trên đầu.

Ngoài ra Caesar còn là một nhà hùng biện tuyệt vời, biết dùng ít lời để nói thật nhiều điều, và trực giác bén nhạy cho biết lúc nào nên dừng bài nói để đạt hiệu quả tối đa. Ông luôn đưa vào một bất ngờ gì đó mỗi khi xuất hiện trước công chúng, chẳng hạn như một tuyên bố gây ngạc nhiên để tăng cường tính kịch.

Được nhân dân yêu mến nhưng kẻ thù thì vừa ghét vừa sợ, Caesar bị ám sát vào ngày 15 tháng 3 năm 44 TCN. Sau khi bị đứa con nuôi Brutus đâm, ông vẫn giữ ý thức về sự bi tráng. Caesar cố gắng kéo áo choàng phủ cả người để ngay cả chết ông vẫn giữ vẻ lịch sự và tề chỉnh. Theo sử gia La Mã Suetonius, khi đang hấp hối và Brutus sắp đâm thêm nhát nữa, Caesar nói những lời sau cùng bằng tiếng Hy Lạp, như thể là những lời tập tuồng dành cho phút cuối: “Ngay cả người nữa sao, con của ta?”

Diễn giải

Sân khấu La Mã là một sự kiện quần chúng, với những đám đông khổng lồ tham dự mà ngày nay chúng ta không hình dung nổi. Dân chúng chen chúc nhau trong những hội trường mênh mông để xem đủ loại bi hài kịch. Sân khấu có vẻ như chứa đựng chất cốt yếu của cuộc sống ở dạng cô đọng và bi kịch. Tựa như một nghi lễ tôn giáo, sân khấu có sức mời gọi mạnh mẽ và tức thì đối với hạng phàm nhân trong xã hội.

Julius Caesar có lẽ là gương mặt của công chúng đầu tiên thấy được mối liên kết sinh tử giữa quyền lực và sân khấu. Đó một phần cũng là vì ông quá mê kịch nghệ. Ông thăng hoa sự đam mê này bằng việc tự biến mình thành diễn viên và đạo diễn trên trường quốc tế. Những lời ông nói ra nghe giống như từ kịch bản, những động tác của ông giữa đám đông đều mang ý thức vai diễn. Caesar còn đưa sự bất ngờ vào tiết mục của mình, lồng tính bi tráng vào diễn văn, và dàn dựng những lần xuất hiện trước công chúng. Qua sự chuẩn bị như vậy, tính quần chúng của ông tăng lên mạnh mẽ.

Caesar là hình ảnh lý tưởng của mọi lãnh tụ và người quyền lực. Bạn nên bắt chước ông để tăng cường hành động bằng các kỹ thuật sân khấu chẳng hạn như tính bất ngờ, sự hồi hộp, tạo ra sự đồng cảm và làm cho mọi người đồng hóa bạn với hình ảnh biểu trưng. Cũng như Caesar, bạn phải luôn ý thức về công chúng của mình, biết rõ những gì họ hài lòng và điều gì làm họ chán. Bạn phải xoay sở đặt mình vào tâm điểm chú ý, và đừng bao giờ để người khác “ăn” mất tính sân khấu của bạn.

GEORGE SAND

Năm 1831, một phụ nữ tên Aurore Dupin Dudevant bỏ nhà cửa chồng con ở tỉnh để lên kinh thành Paris. Bà ta muốn trở thành văn sĩ, và cảm thấy hôn nhân còn tệ hơn cả ngục tù, bởi vì bổn phận tề gia không bao giờ dành cho bà thời gian theo đuổi niềm đam mê. Tới Paris, bà dự định sẽ được độc lập hơn và sinh sống bằng ngòi bút.

Tuy nhiên khi đến kinh đô rồi Dudevant mới chạm chán những sự thật chua cay. Bởi vì ở đó, muốn được bất kỳ cấp độ độc lập nào, bạn cũng phải có tiền. Đối với một phụ nữ, muốn có tiền thì phải làm vợ hoặc làm gái giang hồ. Hồi ấy chưa có phụ nữ nào có thể sinh sống bằng nghề viết lách. Phụ nữ có thể cầm bút vào những lúc rảnh rỗi, với điều kiện là có tài trợ của đức phu quân hoặc từ việc thừa hưởng gia tài. Lần đầu tiên khi trình bày tác phẩm cho chủ nhà xuất bản, ông ta bảo: “Thưa bà, bà nên thai nghén trẻ con, chứ đừng thai nghén văn chương”.

Rõ ràng là Dudevant đã lên Paris để thử điều không thể. Tuy nhiên cuối cùng bà đã nghĩ ra một cách mà chưa phụ nữ nào dám làm – một chiến lược tái tạo hoàn toàn con người mình, tự tác một hình ảnh công chúng. Các nữ sĩ trước Dudevant đều buộc phải sắm một vai trò được dành sẵn, đó là cây bút hạng hai chủ yếu viết cho phụ nữ khác đọc. Về phần mình, Dudevant quyết định rằng nếu phải là con cờ, thì mình sẽ lật ngược thế cờ: Bà sẽ giữ vai đàn ông.

Năm 1832 có nhà xuất bản chấp nhận quyển tiểu thuyết tầm cỡ đầu tiên của Dudevant, với tựa đề Indiana. Bà đã khéo chọn bút danh là George Sand, và tất cả Paris đều cho rằng văn sĩ tầm cỡ này là nam giới. Trước khi tạo ra nhân vật George Sand, Dudevant đã từng ăn mặc kiểu đàn ông, và cho rằng quần tây áo sơ-mi đàn ông thoải mái hơn y phục phụ nữ. Giờ khi trở thành hình ảnh của quần chúng, bà còn chơi đậm đà hơn nữa: áo khoác, nón xám, ủng to, cà-vạt dân chơi. Tác giả George Sand thậm chí còn hút cả xì-gà và phát biểu mạnh dạn như nam giới, không ngần ngại lớn tiếng khống chế một cuộc tranh luận bằng vài từ ngữ nặng ký.

Nhà văn nửa nam nửa nữ lạ lùng ấy hấp dẫn được công chúng. Và không như những nữ sĩ khác, Sand được nhận vào tập thể những nghệ sĩ nam. Bà ăn nhậu hút hít với các đồng nghiệp nam, thậm chí còn dan díu ái tình với những người nổi tiếng nhất châu Âu như Musset, Liszt, Chopin. Chính bà ve vãn họ trước, và cũng chủ động bỏ rơi họ khi cần.

Những người hiểu Sand sẽ hiểu rằng cái hình ảnh nam giới ấy đã bảo vệ bà chống lại những cặp mắt soi mói. Bước ra đường thì bà chơi xả láng, nhưng ở chốn riêng tư thì bà vẫn là mình. Bà còn ý thức rằng cái nhân vật “Geogre Sand” để lâu sẽ cũ và nhàm chán nên thỉnh thoảng bà đổi mới nó: thay vì luyến ái với những người nổi tiếng, bà bắt đầu đàm luận chính trị, dẫn đầu biểu tình, kích động sinh viên nổi loạn. Lâu sau khi bà qua đời, và khi hầu hết mọi người đều ngưng đọc tác phẩm của bà, nhân vật George Sand lớn hơn đời thường ấy vẫn tiếp tục mê hoặc và khơi nguồn cảm hứng ở nhiều người khác.

Diễn giải

Khi tiếp xúc với George Sand nơi công cộng, phần đông những người quen biết đều có cảm giác là mình đang đối diện với một nam nhi. Nhưng trong nhật ký và với những bạn bè thân thiết nhất, chẳng hạn như Gustave Flaubert, Sand luôn thú nhận rằng mình không muốn làm đàn ông chút nào, nhưng phải đóng một vai như thế cho đúng với nhu cầu của quần chúng. Điều bà thực sự cần thiết chính là cái quyền để khẳng định tính khí của mình. Sand không bằng lòng với những giới hạn mà xã hội áp đặt. Tuy nhiên bà biết nếu chỉ là chính mình thì sẽ không thể đạt được quyền lực, vì vậy bà tạo ra một nhân vật để có thể thay đổi tùy thích, một nhân vật có khả năng thu hút chú ý và giúp bà thực sự hiện diện.

Bạn có thể hiểu như thế này: Thế giới này muốn gán cho bạn một vai trò và khi chấp nhận, xem như bạn đã bị kết án. Quyền lực của bạn sẽ bị giới hạn trong cái vai trò nhỏ bé mà bạn đã chọn hoặc bị gán cho. Nhưng nếu là diễn viên thì bạn sẽ được nhiều vai trò. Bạn hãy hưởng quyền lực muôn mặt ấy, và nếu trước mắt quyền lực đó vẫn còn ngoài tầm tay thì ít ra bạn vẫn có thể tạo một “lý lịch” mới, do chính bạn dựng lên, một nhân vật không phải hứng chịu những gì mà cái xã hội ganh tỵ và đố kỵ này gán cho. Được như vậy, bạn sẽ toàn quyền đối với nhân vật bạn đã tạo ra.

Lý lịch mới ấy sẽ bảo vệ ta chính vì đó không thực sự là ta, mà chỉ là mớ nghi trang ta tùy lúc mặc vào và cởi ra, và nếu cần, ta tùy ý không để cái tôi mình trong đó. Lý lịch mới giúp ta nổi bật, tạo cho ta sự hiện diện mang tính sân khấu. Khán giả ngồi những hàng ghế sau cùng vẫn có thể nghe thấy ta, còn những ai ngồi hàng đầu sẽ trầm trồ vì sự táo bạo của ta.

Há mọi người trong xã hội chẳng bảo kẻ kia là diễn viên xuất sắc đấy sao? Ý họ không ám chỉ điều anh ta cảm thấy, nhưng khen anh ta giỏi làm bộ, mặc dù anh ta chẳng cảm xúc gì.

(Denis Diderot, 1713-1784)

CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

Không nhất thiết ta phải là nhân vật mà có vẻ như luôn có mặt với ta từ khi ta chào đời. Ngoài những đặc điểm bẩm sinh, thì cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp đã góp phần định hướng tính cách ta. Việc làm sáng tạo của kẻ quyền lực là làm chủ được tiến trình định hướng đó, không cho phép người khác giới hạn và hình thành tính cách của riêng mình. Ta hãy tự tái tạo thành một tính cách quyền lực. Nhào nặn chính mình như thỏi đất sét nên là một trong những công việc vĩ đại và thích thú nhất của đời người. Công việc này làm ta trở thành nghệ sĩ – nghệ sĩ tạo ra chính mình.

Ý tưởng tự tạo đến từ thế giới nghệ thuật. Từ nhiều ngàn năm nay, chỉ có vua chúa và những triều thần cao cấp nhất mới có điều kiện định dạng hình ảnh công cộng và xác định đặc tính của mình. Tương tự như vậy, chỉ có bậc đế vương và lãnh chúa hùng mạnh nhất mới có thể ngắm hình ảnh của chính mình qua nghệ thuật và chủ động thay đổi hình ảnh ấy. Phần còn lại của nhân loại phải chịu vai trò bị giới hạn mà xã hội gán cho họ, cái vai trò mà họ ít khi tự ý thức.

Sự chuyển đổi vị trí như thế có thể thấy trong bức Las Meninas do Velázquez thực hiện vào năm 1656. Trong tranh, họa sĩ xuất hiện ở bên trái, đứng trước một khách hàng mà ông đang vẽ, nhưng chúng ta chỉ thấy được phần sau lưng của tranh nên không biết ông vẽ gì. Đứng cạnh ông là một công chúa, những người hầu, một trong vài anh lùn của buổi chầu, tất cả mọi người đều đang nhìn họa sĩ làm việc. Chúng ta không trực tiếp thấy những người làm mẫu cho họa sĩ, nhưng lại thấy họ lờ mờ qua phản chiếu từ tấm gương trên tường – đó là vua và hoàng hậu Tây Ban Nha, ngồi đâu đó ở tiền cảnh, xem như lọt ra ngoài bức tranh.

Bức tranh này cho thấy một thay đổi lớn lao về mặt động lực học của quyền lực và khả năng xác định vị trí của mình trong xã hội. Với Velázquez thì người họa sĩ được định vị nổi bật hơn cả vua và hoàng hậu. Nhìn theo góc độ nào đó thì Velázquez có quyền lực hơn hai nhân vật kia, vì rõ ràng là ông đang kiểm soát được hình ảnh – hình ảnh của họ. Ông không còn xem mình là nô lệ, là người bị lệ thuộc. Ông tái tạo mình thành người quyền lực. Và hiển nhiên là ngoài giai cấp quý tộc ra, những người đầu tiên công khai tung hứng hình ảnh của họ trong xã hội Tây phương chính là họa sĩ và văn sĩ, rồi sau này mới đến những tay chơi công tử và những kẻ lãng du phóng túng. Ngày nay ý niệm tự tái tạo đã dần ngấm vào các tầng lớp còn lại của xã hội, và trở thành lý tưởng để vươn tới. Giống như Velázquez, bạn phải đòi được quyền lực xác định vị trí của mình trong bức tranh, để tự tạo hình ảnh của chính mình.

Bước đầu tiên trong tiến trình tự tạo là tự nhận thức – biết rằng mình là một diễn viên, làm chủ bề ngoài và cảm xúc của mình. Như Diderot đã nói, người nào luôn trung thực thì người ấy là diễn viên tồi. Người nào bước vào xã hội mà ruột để ngoài da thì rất phiền hà và cản trở những người khác. Cho dù họ có trung thực thì ta cũng khó mà tin chắc. Những giọt lệ ở chốn đông người có thể gây thương cảm tạm thời, nhưng chẳng bao lâu lòng trắc ẩn ấy sẽ chuyển thành sự bực mình và khinh rẻ vì sự thái quá của họ - ta sẽ có cảm giác là họ khóc là để được cho bú và những người láu lỉnh trong chúng ta lại không muốn cho họ bú.

Diễn viên giỏi thì sẽ làm chủ bản thân. Họ có thể làm ra vẻ trung thực và thành tâm, có thể vờ rơi nước mắt hoặc làm bộ thương cảm, nhưng thật ra họ không hề cảm xúc. Họ chỉ biểu lộ cảm xúc theo cách mà người khác có thể hiểu được. Đóng kịch đúng phương pháp là cực kỳ quan trọng trong thế giới này. Không có lãnh tụ hay vua chúa nào có thể thành công nếu tất cả những cảm xúc ông bày tỏ đều là cảm xúc thật. Vậy bạn hãy tập làm chủ mình. Hãy học sự mềm dẻo của họ để có thể sắm được khuôn mặt thích hợp với loại xúc cảm cần diễn tả.

Bước thứ hai trong tiến trình tự tạo là một biến thể của chiến lược của George Sand: tạo ra một nhân vật khó quên, một nhân vật thu hút chú ý, nổi bật hơn hẳn khi so với các nhân vật khác trên sân khấu. Đó là tấn tuồng mà Abraham Lincoln đã đóng. Ông biết rằng trước đây nước Mỹ chưa bao giờ có một tổng thống nào dạng giản dị chân quê, và do đó sẽ thích thú đầu phiếu cho một người như vậy. Mặc dù đang sẵn có những nét đó một cách tự nhiên, Lincoln vẫn phóng đại chúng lên – bằng quần áo, kiểu nón, râu quai hàm chẳng hạn. (Trước Lincoln chưa có tổng thống nào để râu quai hàm). Ông cũng là vị tổng thống đầu tiên sử dụng ảnh chụp để quảng bá hình ảnh của mình về một “tổng thống chất phác”.

Tuy nhiên đóng kịch giỏi không chỉ là có bề ngoài thu hút, hoặc một phút giây nổi bật. Tấn tuồng kéo dài theo thời gian như một tấm thảm trải dần ra. Bạn phải tính toán thời điểm cho thật nhịp nhàng. Một trong những yếu tố quan trọng nhất của nhịp độ bi kịch chính là việc làm cho người khác hồi hộp đợi chờ, hay còn gọi là lũng tim. Chẳng hạn như Houdini, vốn có thể thoát thân chỉ trong vài giây, nhưng ông cố ý kéo dài màn diễn này đến vài phút để làm khán giả rịn mồ hôi.

Muốn làm cho cử tọa phải thấp thỏm, bạn nên để cho sự kiện từ từ hé mở, rồi chờ đúng lúc bấm nút cho sự kiện diễn biến nhanh, theo một khuôn mẫu nhịp điệu mà bạn làm chủ. Những vị lãnh tụ lớn, từ Napoléon đến Mao Trạch Đông đều sử dụng nhịp điệu của kịch nghệ để làm cho công chúng ngạc nhiên vui thích. Franklin Delano Roosevelt hiểu rõ tầm quan trọng của việc tổ chức các sự kiện chính trị theo một thứ tự và nhịp độ nhất định.

Năm 1932 vào thời điểm bầu cử tổng thống, nước Mỹ đang giữa hồi khủng hoảng kinh tế. Sau khi đắc cử, Roosevelt gần như rút lui về ở ẩn. Ông không nói gì về kế hoạch cải cách hoặc bổ nhiệm thành viên chính phủ. Thậm chí ông không chịu gặp tổng thống đương nhiệm là Herbert Hoover để thỏa luận việc bàn giao. Thời điểm Roosevelt nhậm chức là thời điểm cả nước đang hết sức lo âu.

Trong diễn văn nhậm chức, Roosevelt sang số. Ông đọc một bài rất hùng hồn, tỏ rõ ý định lèo lái đất nước theo một hướng hoàn toàn mới, xua tan những động thái e dè của các vị tiền nhiệm. Kể từ thời điểm đó, nhịp độ diễn thuyết và hành động mạnh mẽ lần lượt diễn ra rất nhanh chóng. Sau này mọi người gọi giai đoạn sau khi nhậm chức là “Một trăm ngày”. Giai đoạn đó đã thành công trong việc chuyển đổi tâm trạng của cả nước, và có lẽ điểm xuất phát từ việc Roosevelt đã khôn khéo tính toán từng điểm rơi. Ông đã khiến toàn dân hồi hộp đợi chờ, rồi lại làm họ bất ngờ bằng một loạt những hành động táo bạo, vốn lại càng hiệu quả hơn khi chúng được thực hiện quá đột xuất. Bạn nên phối hợp các sự kiện theo cách ấy, không bao giờ cho người khác cùng lúc biết hết các lá bài, mà nên từ từ hé lộ chúng, sao cho hiệu ứng bi tráng của chúng đạt mức tối đa.

Trong số những hiệu ứng đặc biệt dành cho ta diễn kịch còn có cái gọi là beau geste – một hành động thực hiện đúng lúc cao trào, tượng trưng cho vinh quang hoặc sự táo bạo của ta. Việc Caesar vượt sông Rubicon là một beau geste – một hành động vừa làm tướng sĩ sửng sốt, vừa phủ lên người Caesar một quy mô hùng tráng. Ta cũng nên biết tầm quan trọng của thời điểm bước ra sân khấu hoặc lui vào cánh gà. Lần đầu tiên khi diện kiến Caesar ở Ai Cập, Cleopatra cho người quấn mình vào một tấm thảm lớn rồi đặt nguyên cuộn dưới chân vị tướng. George Washington đã hai lần giã từ quyền lực theo cách thật hoa hòe và kèn trống (lần đầu với tư cách một vị tướng, lần sau như là một vị tổng thống từ chối nhiệm kỳ thứ ba), chứng tỏ ông biết tận dụng thời điểm, khiến cho hành động của mình tăng thêm tính bi tráng và biểu trưng.

Nhưng hãy nhớ là nếu diễn thái quá thì sẽ phản tác dụng, giống như khi ta phí phạm quá nhiều công sức để thu hút sự chú ý. Ngay từ khi khởi đầu sự nghiệp, diễn viên Richard Burton khám phá ra rằng nếu đứng hoàn toàn bất động trên sân khấu, ta sẽ thu hút chú ý về mình và làm cho khán giả bớt quan tâm đến những diễn viên khác. Rõ ràng là cách thức bạn thể hiện sẽ quan trọng hơn là nội dung thể hiện trên sân khấu xã hội.

Điều cuối nên nhớ là bạn phải tập đóng được nhiều vai, vào bất kỳ lúc nào. Tùy tình thế mà bạn thay đổi màu da cho phù hợp, như một con tắc kè. Bismarck đóng kịch thật khéo: Đi với chính khách theo khuynh hướng tự do thì ông cổ xúy chính kiến này, còn đi với diều hâu thì ông cũng là diều hâu thứ thiệt.

Hình ảnh:

Thủy thần Proteus của Hy Lạp. Quyền lực ông ta xuất phát từ khả năng biến động tùy thích. Khi Menelaus định bắt ông, Proteus biến mình thành con sư tử, rồi thành con rắn, con beo, gấu, thành dòng nước chảy, và cuối cùng là một cái cây.

Ý kiến chuyên gia:

Hãy học cách biến đổi mình theo từng hoàn cảnh. Một Proteus kín đáo – giữa các học giả mình là học giả, giữa các thánh mình là thánh. Đó là nghệ thuật lôi cuốn mọi người, bởi vì người giống nhau sẽ tìm nhau. Hãy để ý tính tình người khác và tự thích nghi với tính tình của mỗi người bạn gặp – với người nghiêm chỉnh thì ta nghiêm chỉnh, với người vui nhộn ta cũng vui nhộn theo, ta kín đáo thay đổi nét tâm lý của mình.

(Baltasar Gracián, 1601-1658)

NGHỊCH ĐẢO

Nguyên tắc này thực sự không có phép nghịch đảo. Diễn xuất tồi là diễn xuất tồi. Ngay cả tỏ vẻ tự nhiên cũng là một nghệ thuật – nói cách khác, đó là diễn xuất. Diễn xuất tồi thì tổ làm bạn lúng túng mà thôi. Tất nhiên bạn không được quá bi thảm – hay tránh những động tác quá kịch. Nhưng dù sao như thế cũng là diễn xuất tồi, vì những động tác như thế đã vi phạm quy tắc cổ xưa là không được phản ứng quá mức. Nguyên tắc này cốt yếu không có nghịch đảo.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện