Nguyên Tắc 7

Chiếm Đoạt Công Sức Người Khác

Hãy lợi dụng trí thông minh, sự khôn ngoan, và công sức của người khác để vinh thân. Nhờ vậy ta sẽ không chỉ tiết kiệm được nhiều thời gian và sức lực, mà còn giúp ta đạt được vầng hào quang thần thánh về năng lực và tốc độ. Cuối cùng, những người giúp ta sẽ bị lãng quên còng ta thì được nhớ mãi. Đừng bao giờ tự làm điều gì mà người khác có thể làm thay ta.

VI PHẠM VÀ TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

Năm 1883 một nhà khoa học trẻ người Serbia mang tên Nikola Tesla đang làm việc trong phân ban Âu châu của Continental Edison Company. Tesla là nhà phát minh tài năng, và Charles Batchelor, viên quản lý nhà máy đồng thời là bạn thân của Thomas Edison khuyên Tesla nên thử thời vận ở nước Mỹ, và trao cho ông bức thư giới thiệu với Edison. Từ lúc đó bắt đầu một đoạn đời đau buồn và khổ não, kéo dài đến khi Tesla qua đời.

Gặp Edison tại New York, Tesla được nhà khoa học này tuyển dụng ngay lập tức. Mỗi ngày Tesla làm việc 18 tiếng để tìm cách cái tiến những bộ dynamo ban đầu của Edison. Cuối cùng ông đề nghị tự mình thiết kế lại toàn bộ. Với Edison, đó có vẻ là một công việc quá đồ sộ, có thể ngốn mất nhiều năm công sức và không đẻ ra tiền, song ông cũng vỗ vai Tesla: „Nếu thành công, năm mươi ngàn đôla sẽ chờ anh trong đó.“ Tesla nhiệt tình lao động ngày đêm và chỉ sau một năm ông đưa ra được phiên bản cải tiến lớn lao của cái dynamo, với phần điều chỉnh hoàn toàn tự động. Ông đến gặp Edison để báo tin mừng và nhận số tiền thưởng. Edison rất hài lòng về tiếng bộ khoa học kỹ thuật đó vì bản thân ông và công ty sẽ hưởng lợi, nhưng khi nghe đề cập đến vấn đề tiền bạc, ông nói với chàng thanh niên người Serbia: „Tesla, rõ ràng anh không hiểu được máu khôi hài của người Mỹ chúng tôi!“.

Nỗi ám ảnh của Tesla là phải tạo cho bằng được hệ điện xoay chiều (AC). Edison lại đặt hết niềm tin vào hệ một chiều (DC), và không chỉ không ủng hộ nghiên cứu của Tesla mà sau đó còn phá hoại anh ta. Tesla bèn đầu quân cho ông trùm ở Pittsburgh là George Westinghouse, người vừa thành lập công ty điện. Westinghouse tài trợ toàn bộ nghiên cứu của Tesla và ký với anh một thỏa thuận tác quyền trên lợi nhuận phát sinh. Hệ AC do Tesla triển khai đến nay vẫn là hệ chuẩn – nhưng sau khi Tesla vừa nộp đơn xin cấp patent, các nhà khoa học khác lên tiếng nhận là đồng tác giả, cho rằng chính họ đã thiết lập những cơ sở ban đầu cho Tesla. Tên tuổi anh ta lạc mất trong cơn hỗn loạn ấy và cuối cùng công chúng lại gắn liền phát minh điện AC với bản thân Westinghouse.

Một năm sau Westinghouse bị vướng chân trong vụ J. P. Morgan mua lại cổ phiếu công ty này. Morgan buộc Westinghouse phải hủy bỏ hợp đồng chia tác quyền béo bở cho Tesla. Westinghouse giải thích cho nhà khoa học biết rằng công ty không thể sống nếu phải chi cho anh toàn bộ số tiền tác quyền, và thuyết phục anh chỉ nhận 216.000 USD. Tất nhiên số tiền này rất lớn, nhưng ít hơn nhiều so với toàn bộ khoản 12 triệu mà lẽ ra công ty phải chi. Bọn tài phiệt đã truất của Tesla hết tiền, patent, và cơ bản nhất là cái danh tiếng và công trạng của phát minh vĩ đại nhất cả sự nghiệp.

Cái tên Guglielmo Marconi vĩnh viễn gắn liền với phát minh radio. Nhưng ít ai biết rằng khi giới thiệu phát minh – ông ta phát đi một tín hiệu qua radio băng qua eo English Channel vào năm 1899 – Marconi đã sử dụng một patent mà Tesla đã đăng ký hai năm trước đó, và rằng phần việc của Marconi đặt trên cơ sở nghiên cứu của Tesla. Một lần nữa Tesla mất cả tiếng lẫn miếng. Tesla phát minh một động cơ điện cảm ứng cũng như hệ điện AC, và ông ta thực sự là „cha đẻ của radio“. Nhưng không phát minh nào được mang tên ông. Đến tuổi già, ông sống rất nghèo khổ.

Năm 1917 trong giai đoạn nghèo khó ấy, Tesla nghe tin mình được thưởng huy chương mang tên Edison do American Institute of Electrical Engineers cấp. Tesla từ chối, nói rằng “Các ông muốn tôn vinh tôi bằng một huy chương để tôi cài lên áo và vênh váo trong vòng một giờ đồng hồ phù phiếm trước những thành viên của Viện ông. Các ông muốn trao huy chương cho thân xác tôi nhưng tiếp tục để cho trí não tôi và những sản phẩm sáng tạo của trí não đó phải chết lần mòn vì khao khát, bởi các ông bất lực trong việc công khai nhìn nhận cái trí não và sản phẩm đã tạo nên nền móng, mà nhờ đó một phần quan trọng của Viện các ông mới hiện diện.”

Diễn giải

Nhiều người lầm tưởng rằng khoa học, vì luôn xử lý những việc thật, sẽ vượt lên trên mọi sự ganh đua nhỏ nhen đang làm rối tung phần còn lại của thế giới. Nikola Tesla là một trong số người đó. Ông ta tin rằng khoa học không dính dáng gì đến chính trị và tuyên bố là mình không màng danh lợi. Tuy nhiên khi ông lớn tuổi thì thái độ này lại tổn hại đến công trình khoa học của ông. Vì tên tuổi không được gắn liền với bất kỳ khám phá khoa học nào nên các ý tưởng của ông không thể hấp dẫn giới đầu tư. Trong khi ông mải tư duy về các sáng kiến tương lai thì những người khác liền ăn cắp các patent mà ông đã triển khai, và họ nhận hết vinh quang về mình.

Tesla muốn tự tay làm hết mọi việc, nhưng cuối cùng ông chỉ kiệt sức và nghèo khổ dần.

Edison hoàn toàn khác Tesla. Thật ra ông không phải là nhà tư duy hay sáng chế khoa học xuất sắc gì cho lắm. Ông từng nói mình không phải là nhà toán học vì vẫn có thể mướn một nhà toán học khi có nhu cầu. Đó là phương pháp chính của Edison. Ông thực sự là một doanh nhân và kẻ rao hàng, nghe ngóng mọi khuynh hướng và cơ hội ngoài xã hội rồi mướn người giỏi nhất trên lĩnh vực hữu quan làm việc cho ông. Nếu cần ông sẽ đánh cắp từ các phe cạnh tranh. Vậy mà ông lại nổi tiếng hơn Tesla, và tiên tuổi được gắn liền với nhiều phát minh hơn.

Bài học rút ra ở đây có hai điểm: Thứ nhất, cái công trạng về một phát minh hay sáng chế cũng quan trọng như bản thân phát minh ấy, nếu không muốn nói là quan trọng hơn. Bạn phải giữ lấy cái công trạng ấy cho mình, không để người khác cướp phần hoặc phỗng tay trên. Muốn được vậy bạn phải luôn cảnh giác và tàn nhẫn, giữ kín phát minh cho đến khi chắc chắn rằng không còn con kền kền nào đang lượn vòng quanh. Thứ nhì, hãy học cách lợi dụng công sức người khác để vinh thân mình. Thì giờ rất quý và cuộc sống thật ngắn ngủi. Nếu cứ muốn tự tay làm hết mọi việc, bạn sẽ phí phạm sức lực, hao tâm tổn trí và cuối cùng xơ xác tả tơi. Tốt hơn bạn bên để dành sinh lực, chờ cơ hội vồ lấy công sức người khác, rồi tìm cách biến nó thành của mình.

Trong thương mại và công nghiệp ai ai cũng đánh cắp.

Bản thân tôi từng đánh cắp nhiều thứ. Nhưng tôi

biết phải đánh cắp như thế nào.

(Thomas Edison, 1847-1931)

CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

Nhìn ở khía cạnh động lực, thế giới quyền bính cũng giống như chốn rừng xanh: Có kẻ sống bằng cách săn mồi và giết chóc, bên cạnh đó có đông đảo kẻ khác (như kền kền, sài lang) chuyên sống nhờ vào mớ thịt thừa do bọn săn bắt bỏ đi. Bọn kền kền này không đủ trí óc và sức lực để tạo ra quyền bính. Tuy nhiên ngay từ đầu, chúng hiểu rằng nếu đủ kiên nhẫn chờ lâu thì sẽ có con khác làm việc đó cho mình. Vì vậy bạn đừng quá ngây thơ: Ngay từ lúc bạn đổ mồ hôi sôi nước mắt với một dự án nào đó thì bọn kền kền luôn lượn lờ quanh quẩn, tìm cách sống qua ngày bằng công sức của bạn, thậm chí vinh thần phì gia nhờ vào công sức ấy. Than khóc cũng không ích gì, và đừng để cho nỗi đắng cay nó nhấm nháp tả tơi mình như trường hợp Tesla. Tốt hơn bạn nên phòng thủ sẵn và chấp nhận cuộc chơi. Một khi đã thiết lập xong cơ sở quyền lực, bạn hãy biến thành con kền kền để tiết kiệm cho mình khá nhiều thời gian và sức lực.

Trò này có hai cực, và chúng ta bắt đầu bằng việc minh họa cho cực thứ nhất với trường hợp của nhà thám hiểm Vasco Núñez de Balboa. Balboa cũng có nỗi ám ảnh, đó là phải tìm cho bằng được vùng El Dorado, vốn là một thành phố truyền thuyết ngập tràn ngọc ngà châu báu.

Vào đầu thế kỷ XVI, sau bao thử thách và đối đầu với thần chết, ông ta phát hiện một đế chế vĩ đại và giàu có nằm về phía nam Mexico, thuộc đất nước Peru ngày nay. Nếu chiếm được đế chế Inca này và thu giữ của cải, Balboa sẽ trở thành một Cortéz mới. Vấn đề là khi ông ta vừa phát hiện ra thì tin tức lan truyền đến những tên âm mưu xâm chiếm khác. Balboa chưa kịp ý thức rằng quy luật quan trọng của cuộc chơi là phải giữ kín thông tin và để phòng những người xung quanh. Chỉ vài năm sau phát hiện ấy, Francisco Pizarro, một binh sĩ dưới quyền ông đã thông đồng với người khác để chém đầu ông về tội tạo phản. Pizzaro chiếm đoạt những gì Balbor đã bỏ ra hàng bao nhiêu năm để kiếm tìm ra.

Ở cực bên kia là trường hợp họa sĩ Peter Paul Rubens. Khi đã có công danh, Rubens bị tràn ngập bởi những đơn đặt hàng, và vì không vẽ kịp nên ông tạo ra hệ thống như sau: Trong xưởng vẽ mênh mông, ông tuyển mộ vài chục họa sĩ hàng đầu, người này chỉ vẽ y phục, kẻ kia lại chuyên trị bối cảnh, vân vân. Rubens đã thiết lập một dây chuyền sản xuất rộng lớn, với một số lượng lớn tranh được xử lý đồng thời. Khi có khách sộp viếng xưởng, Rubens cho tất cả họa sĩ nghỉ phép. Mời khách đứng ở bao lơn từ xa nhìn xuống, ông ta biểu diễn vẽ với tốc độ kinh hồn, bằng năng lực không thể tin nổi. Khi kiếu từ, khách nào cũng kính sợ họa sĩ phi thường ấy, người có thể thực hiện biết bao kiệt tác trong khoảng thời gian ngắn nhất.

Đó chính là cái tinh túy của nguyên tắc: Tìm cách xui khiến người khác thực hiện công việc cho bạn trong khi bạn thụ hưởng mọi công lao, lúc ấy bạn sẽ toát ra vẻ hùng mạnh quyền uy phi thường. Nếu cho rằng điều quan trọng là tự tay làm lấy mọi việc thì bạn sẽ không bao giờ đi xa và sẽ chịu chung số phận với những Balbor và Tesla trên thế giới này. Hãy tìm ra những người có tài năng và óc sáng tạo mà bạn đang thiếu. Hoặc bạn thuê mướn họ và đặt tên mình trên tên họ, hoặc bạn tìm cách chiếm đoạt công sức của họ làm thành quả của mình. Tài sáng tạo của họ trở thành của bạn và mọi người sẽ xem bạn là thiên tài.

Nguyên tắc này còn một ứng dụng khác không đòi hỏi bạn phải lợi dụng công sức lao động của người đương thời: Sử dụng kho tri thức và hiền triết mênh mông của quá khứ. Isaac Newton gọi động tác này là “đứng trên vai những người khổng lồ”. Ông ám chỉ những khám phá được xây dựng trên thành tựu của kẻ khác. Ông biết rằng một phần lớn vầng hào quang thiên tài của mình đều do khả năng tận dụng những ý hay của các nhà khoa học từ thời Thượng cổ, Trung cổ và Phục hưng. Shakespeare vay mượn cốt truyện, tính cách nhân vật, thậm chí lời thoại của những tác giả khác, nhất là Plutarch, vì ông biết rằng để soạn ra những lời thoại “trí tuệ” và chi tiết tâm lý tinh tế thì không ai có thể hay hơn Plutarch. Liệu sau này đến lượt mình, có bao nhiêu soạn giả đã vay mượn – đạo văn – Shakespeare?

Tất cả chúng ta điều biết trong giới chính khách hiện nay ít ai tự soạn thảo diễn văn. Lời lẽ của họ chắc chắn sẽ không thu hút được lá phiếu nào. Cho dù có sắc sảo hay hùng biện, họ vẫn nhớ đến người viết diễn văn chuyên nghiệp. Người khác bỏ ra công sức, còn họ thừa hưởng công trạng. Mặt tốt của kho tàng vừa kể: đó là thứ sức mạnh sẵn dùng cho bất kỳ ai. Bạn hãy học cách sử dụng tri thức của quá khứ và mọi người sẽ xem bạn là thiên tài, trong khi thật ra bạn chỉ là một kẻ vay mượn khôn ngoan.

Các văn hào từng nghiên cứu sâu về bản chất con người, những bậc thầy chiến lược trong quá khứ, giới sử gia từng ghi chép những điều ngớ ngẩn và ngông cuồng của nhân loại, những ông hoàng bà chúa từng trả giá đắt để xử lý gánh nặng của quyền năng – sự hiểu biết đang nằm trong kho dưới lớp bụi mờ chờ bạn đến để leo lên vai họ. Sự minh mẫn và kỹ năng của họ sẽ trở thành của bạn, và họ sẽ chẳng bao giờ mách lẻo với ai rằng bạn đã học lỏm. Bạn có thể lê bước nặng nhọc suốt cuộc đời này, gây ra hết sai phạm này đến sai phạm khác, phí phạm bao nhiêu thời gian và công sức để tự tay thử làm việc này việc nọ. Hoặc bạn có thể tận dụng cổ học tinh hoa. Như có lần Bismarck đã nói: “ Người khờ bảo rằng mình học từ kinh nghiệm. Còn tôi thích lợi dụng kinh nghiệm của người khác.”

Hình ảnh:

Con kền kền. Trong thế giới loài thú, kền kền là thứ sống phây phây nhất. Chúng lợi dụng công sức nặng nhọc của con khác. Con nào chết đi sẽ trở thành mồi ngon cho kền kền. Hãy dè chừng bọn kền kền – chúng luôn quần đảo phía trên đầu những kẻ lao động nặng nhọc. Bạn đừng chống lại chúng, mà hãy nhập bầy với chúng.

Ý kiến chuyên gia:

Cuộc sống quá ngắn ngủi, còn tri thức thì mênh mông, và sẽ không là cuộc sống nếu không có tri thức. Vì vậy biết tiếp thu tri thức từ người khác là một kế sách tuyệt vời. Nhờ vào giọt mồ hôi trên trán kẻ khác, bạn được tiếng là thánh nhân.

(Baltasar Gracián, 1601-1658)

NGHỊCH ĐẢO

Đôi khi chiếm lấy công trạng của người khác cũng không phải là khôn ngoan: Nếu uy quyền của mình chưa được xác lập chắc chắn, bạn sẽ bị lên án là cướp cơm chim. Muốn trở thành bậc thầy bóc lột, bạn phải có vị trí vững vàng, ngược lại thiên hạ bảo bạn là tên lừa đảo.

Bạn nên biết đâu là lúc nên để cho người khác chia sẻ công trạng của mình. Điều quan trọng là bạn không nên tham lam khi còn sư phụ ở phía trên. Chuyến viếng thăm Trung Quốc mang tính lịch sử của tổng thống Nixon có thể không bao giờ hiện thực nếu không có sự ngoại giao khéo léo của Henry Kissinger. Và cũng có lẽ sẽ không thành công nếu không nhờ tài năng của Kissinger. Tuy nhiên đến lúc ghi công thì vị ngoại trưởng khôn ngoan để cho Nixon hưởng trọn phần của chúa. Biết rằng trước sau gì thiên hạ cũng biết ra sự thật, Kissinger không muốn phương hại đến vị trí của mình bằng cách giành hết ánh đèn sân khấu. Ông đã chơi trò này thật lão luyện: Chiếm lấy công sức của nhân viên cấp dưới mình, trong khi ân cần dâng hết công trạng của mình cho sư phụ. Đó là cách mà bạn phải chơi.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện