Chương 1 - Phần 3

Tổng quan về 7 thói quen

“Mỗi người thể hiện mình qua những việc thường làm.

Thế nên, sự xuất sắc của một con người không phải là ở hành động, mà là thói quen.”

- Aristotle

....

Về cơ bản, tính cách của chúng ta là một bộ phận của thói quen. Ngạn ngữ có câu: “Gieo suy nghĩ, gặt hành động; gieo hành động, gặt thói quen; gieo thói quen, gặt tính cách; gieo tính cách, gặt số phận”.

Có thể nói, thói quen là khuôn mẫu nhất quán, đôi khi vô thức, thể hiện tính cách của chúng ta một cách thường xuyên, hàng ngày và quyết định tính hiệu quả hay không hiệu quả trong mọi hoạt động, tạo nên sức mạnh bên trong của chúng ta. Horace Mann, một nhà sư phạm vĩ đại từng nói: “Thói quen cũng giống như dây thừng. Hàng ngày chúng ta bện từng sợi nhỏ và bện càng nhiều thì sợi dây thừng càng khó đứt”. Bản thân tôi không đồng ý với phần cuối của câu nói này. Tôi cho rằng nó có thể bị đứt, cũng như thói quen là thứ có thể học và cũng có thể từ bỏ, nhưng việc đó đòi hỏi phải có một quá trình và một quyết tâm cao.

Những ai từng theo dõi hành trình đổ bộ của con người từ tàu Apollo 11 lên mặt trăng rồi trở về trái đất chắc hẳn đều sững sờ trước sự kiện lịch sử này. Họ sẽ thốt lên “Thật là phi thường!” hay “Không thể tin được!”. Thế nhưng, những ngôn từ đó vẫn chưa đủ để diễn tả những giây phút đáng ghi nhớ đó. Để có được thành công vĩ đại ấy, các nhà du hành vũ trụ đã phải vượt qua sức hút cực lớn của trái đất. Năng lượng bỏ ra trong vài phút đầu tiên khi con tàu rời khỏi bệ phóng và trong những dặm đầu tiên của cuộc hành trình còn nhiều hơn tổng số năng lượng được dùng trong nhiều ngày sau đó để thực hiện cuộc hành trình dài nửa triệu dặm.

Thói quen cũng vậy, nó có sức hút rất lớn – lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể nhận thấy. Một chút ý chí hay một vài thay đổi trong cuộc sống chưa đủ để xóa bỏ những thói quen đã ăn sâu vào bản thân như: sự thiếu quyết tâm, thiếu kiên nhẫn, tính kiêu ngạo và ích kỷ. Mọi sự “cất cánh” đều cần một nỗ lực phi thường. Chỉ cần vượt qua được sức hút của thói quen, sự tự do của chúng ta sẽ được đẩy lên một tầm cao mới.

Cũng như các nguồn năng lượng tự nhiên khác, sức hút của trọng lực có thể có lợi hoặc có hại. Lực hút của trọng lực có thể cản trở con người đến với vũ trụ đầy bí ẩn nhưng cũng chính nó lại có khả năng liên kết thế giới này thành một thể thống nhất, và giữ trái đất nằm đúng quỹ đạo, tạo ra một trật tự nhất định trong vũ trụ. Thói quen cũng vậy. Đó là một lực hút rất lớn, nếu biết sử dụng một cách hiệu quả, chúng ta có thể dùng nó để tạo sự gắn kết và trật tự cần thiết nhằm mang lại thành công trong cuộc sống của chúng ta.

1. “THÓI QUEN” LÀ GÌ?

Trong phạm vi cuốn sách này, chúng ta xem thói quen là giao điểm của tri thức, kỹ năng và khát vọng. Trong đó, tri thức là một mô thức lý thuyết, tức làm gì và tại sao; kỹ năng là làm như thế nào; còn khát vọng là động cơ, là ý muốn hành động. Muốn tạo một thói quen trong cuộc sống, chúng ta cần phải có cả ba yếu tố này.

Quan hệ của chúng ta với các đồng nghiệp, vợ/chồng, con cái không mấy tốt đẹp có thể là vì chúng ta có thói quen áp đặt ý kiến của mình mà không bao giờ thực sự lắng nghe họ. Nhưng dù biết cần phải lắng nghe người khác đi nữa, có kỹ năng lắng nghe đi nữa thì tôi cũng cần có mong muốn giao tiếp thực sự, nếu không, tôi cũng không thể rèn luyện được thói quen này. Vì vậy, để xây dựng được một thói quen cần phải có cả ba yếu tố: tri thức - kỹ năng – khát vọng.

Sự thay đổi của hiện tượng/bản chất là một quá trình đi lên. Bản chất làm thay đổi hiện tượng, và ngược lại, hiện tượng cũng có thể làm thay đổi bản chất. Chúng ta phát triển theo một đường xoắn ốc. Nhờ có tri thức, kỹ năng và khát vọng, chúng ta có thể phá bỏ được những mô thức cũ - vốn là chỗ dựa giả tạo trong nhiều năm qua – để đạt được các bước tiến mới của bản thân và trong mối quan hệ với người khác.

https://i.imgur.com/XJIuoqD.jpg

Các nguyên tắc và mô hình ứng xử được lĩnh hội

Đôi khi, sự thay đổi là một quá trình đầy gian truân, nhưng nó được thúc đẩy bởi một mục đích cao cả hơn, bởi mong muốn hy sinh cái hiện tại để đạt được thành tựu lớn trong tương lai và nó mang lại hạnh phúc – mục tiêu để chúng ta tồn tại. Hạnh phúc có thể được định nghĩa là kết quả của khát vọng và khả năng hy sinh hiện tại cho những điều tốt đẹp trong tương lai.

2. TÍNH LIÊN TỤC CỦA QUÁ TRÌNH TRƯỞNG THÀNH

Bảy thói quen không phải là một tập hợp các công thức tâm lý rời rạc, chắp vá mà đó là phương pháp tiếp cận tịnh tiến, liên tục và được kết hợp chặt chẽ nhiều mặt trong việc nâng cao tính hiệu quả của từng cá nhân, của các mối quan hệ. Kết hợp hài hòa với những quy luật phát triển tự nhiên, 7 thói quen giúp chúng ta liên tục tiến lên trong các bước của quá trình trưởng thành, từ phụ thuộc sang độc lập rồi đến tương hỗ.

Khi bắt đầu cuộc sống, mỗi chúng ta đều là một đứa trẻ sơ sinh, hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ (hoặc người đỡ đầu). Được dạy dỗ, nuôi dưỡng và nâng đỡ, theo năm tháng, chúng ta trở nên cứng cáp hơn, độc lập hơn – về thể chất, tinh thần và cả về tài chính – cho đến khi chúng ta có thể tự chăm sóc bản thân mình và trở thành một con người tự chủ, tự lực.

Càng trưởng thành, chúng ta càng nhận thức được rằng mọi sự vật trên đời đều tác động qua lại lẫn nhau, rằng có một hệ sinh thái chi phối cả tự nhiên và xã hội. Chúng ta phát hiện ra rằng việc nâng mình lên một tầm cao mới phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ với những người xung quanh – nghĩa là cuộc sống của con người luôn có sự tương hỗ.

Nhìn tổng thể, sự phát triển của con người từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành là phù hợp với quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, có nhiều chiều hướng phát triển. Chẳng hạn, sự trưởng thành về thể chất không nhất thiết đi liền với trưởng thành về tình cảm hay trí tuệ. Mặt khác, một người chậm phát triển về thể chất không hẳn là kém trưởng thành về mặt trí tuệ hay tình cảm.

Trên con đường phát triển liên tục của sự trưởng thành, phụ thuộc là mô thức thuộc về người khác – anh chăm sóc tôi, anh đến hoặc không đến với tôi, tôi trách anh về hậu quả xảy ra… Còn độc lập mới chính là mô thức của tôi - tôi có thể làm việc này, tôi chịu trách nhiệm, tôi biết tự lực, tôi có quyền lựa chọn…

Nhưng, tương thuộc là mô thức thuộc về chúng ta – chúng ta có thể cùng làm việc, chúng ta có thể hợp tác với nhau, chúng ta có thể kết hợp tài năng và năng lực lại để cùng làm những việc lớn hơn.

Người phụ thuộc dựa vào người khác để đạt điều mình muốn. Người độc lập luôn có được cái mình muốn bằng chính nỗ lực của bản thân. Còn Người tương thuộc thì biết kết hợp nỗ lực của mình với những nỗ lực của người khác để đạt thành công lớn nhất.

Nếu bị phụ thuộc về thể chất, chẳng hạn bị bại liệt hay tật nguyền, tôi sẽ phải cần đến sự giúp đỡ của người khác. Nếu bị phụ thuộc về tình cảm, tôi sẽ cần đến nhận xét của người khác để cảm thấy mình có giá trị và an tâm. Nếu là người phụ thuộc về trí tuệ, tôi sẽ phải nhờ người khác suy nghĩ hộ mọi vấn đề trong cuộc sống.

Ngược lại, nếu là một người độc lập, về mặt thể chất, tôi có thể tự mình làm lấy mọi việc; về trí tuệ, tôi có thể tự suy nghĩ, tư duy một cách sáng tạo, có óc phân tích và sắp xếp cũng như trình bày ý kiến của mình một cách dễ hiểu; về tình cảm, tôi sẽ tự làm chủ bản thân, cảm nhận được chính mình và sẽ không bị chi phối bởi câu hỏi tôi có được người khác yêu mến hay đối xử tốt không.

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng người có tính độc lập tỏ ra chín chắn hơn nhiều so với người có tính phụ thuộc. èn luyện được tính độc lập là một thành công lớn nhưng đó không phải là tất cả.

Hiện nay, tính độc lập đang là mô thức được xã hội đề cao. Hầu hết sách, báo viết về cách sống đều sùng bái tính độc lập – như thể giao tiếp, làm việc nhóm, hay hợp tác đều kém giá trị hơn. Họ xem tính độc lập như mục tiêu tối thượng mà mọi cá nhân và xã hội cần hướng tới. Nhưng thực chất, việc nhấn mạnh tính độc lập phần nhiều xuất phát từ phản ứng trước sự phụ thuộc, như một cách chống đối việc kiểm soát, chi phối và khống chế của người khác đối với chúng ta.

Nhiều người hiểu không thấu đáo về khái niệm tương uộc, thường liên tưởng, thậm chí đồng nhất nó với sự phụ thuộc. Vì vậy, chúng ta thấy có những người nhân danh độc lập, giải phóng con người, nhưng thực chất là vì ích kỷ cá nhân, tư lợi mà ly hôn, bỏ rơi con cái và lảng tránh mọi trách nhiệm xã hội.

Phản ứng ở những người có tham vọng thoát khỏi sự gò bó – để “tự khẳng định mình” và “làm những việc mình muốn” – thường bộc lộ nhiều sự phụ thuộc cơ bản. Trong khi cố gắng đạt được mục tiêu, họ lại bộc lộ nhiều điểm yếu: để những sự kiện nằm ngoài khả năng kiểm soát của bản thân chi phối.

Tất nhiên, chúng ta cần phải thay đổi hoàn cảnh. Thế nhưng, phụ thuộc lại là một vấn đề thuộc về quá trình trưởng thành của từng cá nhân mà ít liên quan đến hoàn cảnh. Ngay cả trong hoàn cảnh thuận lợi hơn thì sự phụ thuộc vẫn thường được duy trì. Tuy nhiên, nó có thể được giải phóng bằng sự độc lập thật sự trong tính cách chúng ta, khiến cho chúng ta có thêm sức mạnh để chủ động hành động hơn là bị động đối phó. Đó là một mục tiêu tốt đẹp nhưng không phải là mục tiêu tối thượng của một cuộc sống thành đạt.

Tư duy độc lập đơn thuần không thể phù hợp với thực tại có tính tương thuộc. Những người có tính độc lập mà không đủ trưởng thành để suy nghĩ và hành động một cách tương thuộc thì họ chỉ có thể là những cá nhân tốt, chứ không thể là những nhà lãnh đạo hay đồng đội tốt. Vì họ không xuất thân từ mô thức của sự tương thuộc cần thiết cho sự thành công trong các mối quan hệ hôn nhân, gia đình, tổ chức.

Về bản chất, cuộc sống có tính tương thuộc cao nên việc tìm cách đạt được hiệu quả tối đa bằng tính độc lập thì chẳng khác nào tìm cách chơi quần vợt bằng chiếc gậy đánh gôn – nghĩa là phương pháp không thích hợp với thực tiễn.

Tính tương thuộc là một khái niệm chín chắn và tiến bộ hơn nhiều so với tính độc lập. Nếu tương thuộc về thể chất, dù là người tự lực và có khả năng, chúng ta cũng sẽ liên kết sức mạnh để có được kết quả tốt hơn trong công việc. Nếu tương thuộc về tình cảm, dù nhận ra ý nghĩa của bản thân, chúng ta cũng cần chia sẻ tình cảm với người khác. Nếu tương thuộc về trí tuệ, chúng ta sẽ biết kết hợp những ý tưởng tuyệt vời nhất của người khác với những ý tưởng của riêng mình.

Do đó, nếu có tính tương thuộc, chúng ta sẽ có cơ hội để chia sẻ bản thân mình với người khác một cách sâu sắc và có ý nghĩa, sẽ tiếp cận được các nguồn lực và tiềm năng lớn lao của những người xung quanh.

Chỉ có những người sống độc lập mới rèn luyện được tính tương thuộc. Người phụ thuộc thường không có được những mối quan hệ tương thuộc vì họ không thể liên kết với người khác trong khi chưa đủ khả năng làm chủ bản thân. Đó cũng là lý do vì sao các thói quen 1, 2, 3 trong các chương tiếp theo lại xoay quanh vấn đề làm chủ bản thân. Nhờ các thói quen này, người ta có thể chuyển từ phụ thuộc sang độc lập trước khi có thể có được tính tương thuộc. Chúng là những thành tích cá nhân – cốt lõi của sự phát triển tính cách – và thành tích cá nhân sẽ dẫn đến thành tích tập thê. Cũng như gieo hạt rồi mới thu hoạch được, bạn không thể đảo ngược quá trình này. Đó là một quá trình “bắt đầu từ bên trong”.

Khi thật sự độc lập, bạn sẽ có nền tảng vững chắc cho tính tương thuộc, có một tính cách cơ bản giúp bạn đạt được những “thành tích tập thể” theo định hướng nhân cách khi làm việc nhóm, hợp tác, giao tiếp xã hội… được nêu trong các thói quen 4, 5, 6. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn phải rèn luyện các thói quen 1, 2, 3 một cách hoàn hảo trước khi tập luyện các thói quen 4, 5, 6. Nắm được sự liên tục của các thói quen sẽ giúp bạn làm chủ được sự phát triển của mình một cách hữu hiệu. Bạn có thể luyện tập cùng một lúc cả 6 thói quen.

Là một phần của thế giới tương thuộc, hàng ngày, chúng ta vẫn giao tiếp với thế giới đó. Tuy nhiên, các vấn đề nổi cộm ở đó có thể dễ dàng làm lu mờ những thói quen hình thành nên tính cách. Hiểu được tác động của bản thân đến các mối quan hệ có tính tương thuộc giúp bạn tập trung nỗ lực theo đúng trình tự và phù hợp với các quy luật phát triển tự nhiên.

Thói quen thứ bảy là thói quen của sự đổi mới – một sự đổi mới thường xuyên và có tính cân đối bốn chiều – gồm ba chiều không gian và chiều còn lại là thời gian – của cuộc sống. Nó xoay quanh và bao hàm tất cả các thói quen khác. Đó là thói quen hoàn thiện không ngừng, tạo ra một quá trình phát triển theo đường xoắn ốc để nâng bạn lên một trình độ hiểu biết mới và sống theo từng thói quen khi bạn nhìn nhận nó ở góc độ cao hơn.

Biểu đồ dưới đây là sự thể hiện bằng hình ảnh theo trình tự và tính tương thuộc của 7 thói quen. Nó sẽ được sử dụng xuyên suốt cuốn sách này, khi chúng ta khảo sát cả hai khía cạnh: mối quan hệ có trình tự giữa các thói quen và sự kết hợp vận động của chúng. Khi liên kết với nhau, 7 thói quen sẽ tạo ra được những hình thức mới của nhau và làm tăng giá trị cho nhau. Mỗi khái niệm hay mỗi thói quen sẽ được trình bày rõ ràng trong những phần tiếp theo.

https://i.imgur.com/aoZV9WP.jpg

MÔ THỨC 7 THÓI QUEN

3. ĐỊNH NGHĨA VỀ TÍNH HIÊU QUẢ

Bảy thói quen chúng ta sẽ đề cập trong cuốn sách này là những thói quen của sự thành đạt, bởi vì chúng được xây dựng dựa trên các nguyên tắc, mang lại cho chúng ta những lợi ích tối đa và lâu dài. Chúng trở thành nền tảng của tính cách con người, tạo nên một trung tâm cung cấp những “tấm bản đồ” chính xác. Đồng thời, những thói quen này là cơ sở để mỗi cá nhân có thể tự giải quyết các vấn đề của mình một cách hiệu quả, tận dụng tối đa các cơ hội, không ngừng học tập cũng như kết hợp được các nguyên tắc khác trong quá trình phát triển của mình.

Bảy Thói quen để thành đạt cũng được xây dựng dựa trên mô thức của tính hiệu quả, phù hợp với một quy luật tự nhiên, một nguyên tắc tôi gọi là sự cân bằng P/PC. Để dễ dàng hiểu được nguyên tắc này, chúng ta có thể liên hệ với câu chuyện ngụ ngôn Ngỗng đẻ trứng vàng của Aesop.

Một bác nông dân nghèo một hôm phát hiện một quả trứng bằng vàng lấp lánh trong ổ con ngỗng của mình. Lúc đầu, ông nghĩ ai đó muốn chơi khăm ông. Nhưng khi nhặt lấy quả trứng định ném đi, ông đã kịp nghĩ lại.

Quả trứng đúng là bằng vàng thật! Người nông dân không thể tin nổi vào vận may lớn đang đến với mình. Cứ mỗi ngày trôi qua, ngay sau khi thức dậy, ông lại chạy bổ đến ổ ngỗng và thu được một quả trứng vàng. Chẳng mấy chốc, bác nông dân trở nên giàu có.

Tuy nhiên, càng giàu thì lòng tham của ông càng lớn, ông không còn đủ kiên nhẫn để chờ từng ngày trôi qua nữa. Ông quyết định giết chết con ngỗng để lấy tất cả số trứng trong bụng nó. Nhưng khi ông mổ bụng con ngỗng ra thì bên trong trống rỗng, tuyệt nhiên không có quả trứng àng nào. Và, điều tồi tệ hơn nữa là từ đó về sau ông không còn lấy được quả trứng vàng nào nữa vì đã giết chết con ngỗng rồi.

Ẩn đằng sau câu chuyện ngụ ngôn này là một quy luật tự nhiên, một nguyên tắc – một định nghĩa cơ bản về tính hiệu quả. Nhiều người nhìn hiệu quả từ mô thức “quả trứng vàng”: Càng sản xuất, càng thu lợi nhuận thì hiệu quả đạt được càng cao.

Câu chuyện ngụ ngôn trên cho thấy tính hiệu qua phụ thuộc vào hai yếu tố: sản phẩm (các quả trứng vàng) và phương tiện/năng lực (con ngỗng) để sản xuất ra sản phẩm đó.

Nếu bạn chọn kiểu sống chỉ chú trọng vào “những quả trứng vàng” mà bỏ qua “con ngỗng”, bạn sẽ sớm mất đi phương tiện sản xuất ra các quả trứng vàng Mặt khác nếu bạn chỉ chăm sóc con ngỗng mà không có mục đích đạt được các quả trứng vàng, bạn sẽ sớm không còn gì để nuôi sống bản thân hay con ngỗng.

Tính hiệu quả nằm trong sự cân bằng tôi gọi là sự cân bằng P/PC. P là sản phẩm (Production), mà ở đây là “những quả trứng vàng”. Còn PC là chữ viết tắt của năng lực sản xuất (Production Capability), tức “con ngỗng” – năng lực tạo ra “những quả trứng vàng”.

4. BA LOẠI TÀI SẢN

Về cơ bản, có ba loại tài sản: tài sản vật chất, tài sản tài chính và tài sản con người. Chúng ta cùng lần lượt xét từng loại một.

Cách đây vài năm, tôi mua một tài sản vật chất – đó là một chiếc máy cắt cỏ. Tôi sử dụng thường xuyên chiếc máy này mà chẳng hề bảo dưỡng gì cả. Thế nên, sau hai vụ mùa, nó bắt đầu hỏng hóc. Trong lần sửa chữa đầu tiên, động cơ chỉ còn một nửa công suất ban đầu. Như vậy, về cơ bản, chiếc máy không còn dùng được nữa.

Tôi nhận ra rằng, giá như chịu đầu tư vào PC (năng lực sản xuất) – tức chăm sóc và bảo dưỡng chiếc máy, thì tôi có thể được hưởng P (sản phẩm) của nó – một sân cỏ đẹp. Vì không sớm nhận ra điều đó nên hậu quả là tôi phải bỏ ra nhiều thời gian và tiền bạc hơn để mua một chiếc máy cắt cỏ mới. Rõ ràng đây là một việc không hiệu quả.

Vì theo đuổi các lợi ích hay kết quả trước mắt, chúng ta thường hủy hoại những tài sản vật chất có giá trị như một chiếc xe hơi, một cái máy vi tính, máy giặt, thậm chí cả cơ thể và môi trường sống của chúng ta. Giữ cân bằng giữa P và PC sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong việc sử dụng có hiệu quả các tài sản vật chất.

Sự cân bằng P và PC cũng tác động mạnh mẽ đến việc sử dụng có hiệu quả các tài sản tài chính. Chúng ta thường lẫn lộn giữa vốn gốc và lãi ở mức nào? Có bao giờ bạn sử dụng thâm vào vốn gốc của mình để tăng mức sống? Trong kinh doanh, nếu chúng ta giảm vốn gốc thì thường kéo theo khả năng giảm lợi nhuận, tức là giảm thu nhập, và nguồn vốn sẽ ngày càng cạn dần cho đến khi không còn đủ để cung cấp cho các nhu cầu cơ bản nữa.

Loại tài sản tài chính quan trọng nhất chính là khả năng tạo ra thu nhập của mỗi chúng ta. Nếu không đầu tư liên tục vào việc tăng PC, khả năng lựa chọn của chúng ta sẽ bị giới hạn rất nhiều. Chúng ta sẽ bị trói buộc vào hoàn cảnh, sợ phải nghe ý kiến của mọi người từ cấp trên đến đồng nghiệp và cấp dưới, sợ bị phụ thuộc về kinh tế và rơi vào thế bị động. Và đây cũng là một việc không hiệu quả.

Trong lĩnh vực con người, sự cân bằng P và PC còn quan trọng hơn nữa vì con người là chủ thể kiểm soát tài sản vật chất và tài sản tài chính. Ví dụ, nếu hai người kết hôn với nhau chỉ vì “những quả trứng vàng” – vì lợi ích – mà không quan tâm đến việc xây đắp mối quan hệ tình cảm thì họ thường trở nên thiếu nhạy cảm và thiếu suy nghĩ, bỏ qua những cử chỉ quan tâm, chăm sóc tuy nhỏ nhưng rất quan trọng đối với mối quan hệ sâu sắc. Họ trở thành đối thủ của nhau, kiểm soát nhau, chỉ quan tâm đến nhu cầu của riêng mình, để biện bạch cho mình và “bới lông tìm vết” sai lầm của người kia. Tình yêu, sự dịu dàng và thanh thoát tàn lụi dần. “Con ngỗng vàng” bị bệnh ngày càng nặng hơn.

Còn mối quan hệ cha mẹ với con cái thì sao? Khi còn nhỏ, bọn trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào người lớn và chúng rất dễ bị tổn thương. Người lớn dễ lơ là nhiệm vụ PC – tức dạy dỗ, trao đổi, trò chuyện và lắng nghe con cái. Các bậc phụ huynh thường cho rằng họ được quyền làm những điều họ muốn. Một số người thường xuyên quát mắng, áp đặt con cái; số khác lại quá nuông chiều, sẵn sàng đáp ứng mọi đòi hỏi, dù vô lý, của chúng. Trong cả hai trường hợp đó, bọn trẻ sẽ lớn lên mà không hề ý thức được về các chuẩn mực hay sự kỳ vọng, không có quyết tâm, kỷ luật và trách nhiệm với mọi người, với chính cuộc đời của chúng.

Dù bằng cách nào đi nữa – độc đoán hay dễ dãi – người ta đã mang trong mình tâm lý “quả trứng vàng”. Hoặc là làm theo ý mình muốn hoặc là theo cách mình được ưa thích. Nhưng trong khi đó cái gì sẽ xảy ra cho “con ngỗng”? Nếu đứa bé lang thang ngoài đường vài năm thì tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác, niềm tin vào năng lực của mình để có sự lựa chọn đúng hay đạt được những mục tiêu quan trọng sẽ như thế nào? Và còn mối quan hệ của cậu bé với cha mẹ thì sao? Khi bước sang một bước ngoặt mới, đó là tuổi thiếu niên, thì sẽ nảy sinh vấn đề về nhân dạng. Liệu cậu bé có cho rằng cha mẹ sẽ lắng nghe mình mà không phán xét, rằng cha mẹ sẽ thực sự quan tâm đến mình như một con người, rằng cha mẹ là người đáng tin cậy trước bất cứ điều gì xảy ra? Liệu mối quan hệ có đủ mạnh để cha mẹ trao đổi, trò chuyện và tạo ảnh hưởng với cậu?

Giả sử bạn muốn con mình tự tay dọn dẹp sạch sẽ căn phòng của nó. Khi đó, căn phòng sạch sẽ là P (sản phẩm hoặc “quả trứng vàng”) và đứa con chính là PC (năng lực làm ra sản phẩm hoặc “con ngỗng”). Khi P và PC cân bằng nhau, nghĩa là con bạn dọn dẹp căn phòng một cách vui vẻ mà không cần bạn phải nhắc nhở thì nó là tài sản có giá trị (tức là một con ngỗng có thể đẻ ra những quả trứng vàng). Nhưng nếu mô thức của bạn tập trung vào P (sản phẩm) - một căn phòng ngăn nắp, có thể bạn sẽ la rầy và bắt buộc con bạn phải làm việc đó. Điều này có nghĩa là để đạt được mong muốn của mình là quả trứng vàng, bạn đã xem nhẹ, thậm chí làm hao tổn sức khỏe và năng lực (PC) của con ngỗng.

Tôi muốn chia sẻ một kinh nghiệm PC thú vị của tôi với con gái mình.

Tôi muốn nói chuyện riêng với con gái mình nên đã lên kế hoạch cho cuộc gặp. Tôi cứ đinh ninh rằng sẽ không gặp trở ngại gì.

Do đó, khi gặp con, tôi bảo: “Hôm nay là buổi tối bố dành cho con. Con thích đi đâu nào?”.

“Ồ, bố, sao bố trịnh trọng thế?”, con gái tôi tỏ vẻ ngạc nhiên.

“Thật đấy, bố nói nghiêm túc mà!”

“Vâng ạ… Nhưng…”, con bé ấp úng, “Điều con muốn làm… chắc bố không thích đâu”.

“Vậy sao?”, tôi nói sốt sắng, “Tối nay, bố sẽ làm mọi thứ con muốn”.

“Con muốn đi xem phim Chiến tranh giữa các vì sao”, con bé trả lời, “Nhưng con biết bố không thích. Lần trước đi xem, bố cứ ngủ suốt. Bố không thích phim giả tưởng… Nhưng thôi, mình không đi cũng được bố ạ!”.

“Ồ, không, nếu con thích, bố con mình sẽ cùng đi.”

“Bố đừng bận tâm. Đâu phải lúc nào bố con mình cũng có thời gian với nhau thế này đâu”, con bé ngừng một lúc rồi nói tiếp, “Nhưng bố có biết tại sao bố không thích phim đó không? Vì bố không hiểu được triết lý của Chiến binh Jedi”.

“Con nói sao?”

“Bố còn nhớ những gì bố thường giảng dạy không? Đó chính là những gì Chiến binh Jedi được huấn luyện.”

“Thật thế sao? Vậy thì bố con mình phải đi xem Chiến tranh giữa các vì sao mới được!”

Thế là chúng tôi đến rạp chiếu phim. Con bé ngồi cạnh tôi và truyền cho tôi mô thức đó. Tôi trở thành học trò của nó. Điều đó thật kỳ diệu. Tôi bắt đầu nhận ra một mô thức mới mà toàn bộ triết lý cơ bản và sự luyện tập của Chiến binh Jedi được thể hiện trong những hoàn cảnh khác nhau.

Kinh nghiệm này không phải là kinh nghiệm về P được vạch sẵn. Đó là kết quả bất ngờ của việc đầu tư vào PC. Đó là sự gắn bó và rất đáng hài lòng. Nhưng chúng tôi cũng được hưởng cả những quả trứng vàng nữa, khi mà con ngỗng – chất lượng của mối quan hệ – được nuôi dưỡng tốt.

5. NGUYÊN TẮC PC TRONG TỔ CHỨC

Một trong những khía cạnh có giá trị lớn lao của bất kỳ một nguyên tắc đúng đắn nào là nó hợp lý và có thể áp dụng được trong mọi hoàn cảnh. Trong cuốn sách này, tôi muốn chia sẻ với các bạn một số cách áp dụng các nguyên tắc trong một tổ chức, gia đình hay bản thân bạn.

Khi không tôn trọng sự cân bằng P/PC trong việc sử dụng các tài sản vật chất của một tổ chức, người ta sẽ làm giảm đi hiệu quả hoạt động của tổ chức đó và thường để lại cho người khác hậu quả – “những con ngỗng” đang giãy chết.

Ví dụ, một người phụ trách tài sản vật chất là một chiếc máy sản xuất. Do đang háo hức gây ấn tượng với cấp trên nên anh ta đã cho chiếc máy làm việc với công suất tối đa, cả ngày lẫn đêm – không cho máy nghỉ hay bảo dưỡng. Sau một thời gian ngắn, sản lượng tăng lên đáng kể, chi phí sản xuất giảm, và lợi nhuận tăng vọt, đồng thời anh ta được thăng chức. Đúng là “những quả trứng vàng”!

Nhưng nếu bạn là người kế nhiệm của anh ta. Bạn sẽ thừa hưởng một “con ngỗng” ốm yếu, kiệt sức – một cái máy đã đến lúc bị gỉ sét và bắt đầu hỏng hóc. Bạn phải đầu tư nhiều chi phí và thời gian cho việc bảo trì, bảo dưỡng. Sản lượng không đáp ứng yêu cầu, chi phí tăng vọt, lợi nhuận giảm xuống đột ngột. Vậy ai là người bị lên án vì đã gây tổn thất những quả trứng vàng này? Chính là bạn.

Người tiền nhiệm của bạn mới thật sự là người gây tổn thất cho tài sản, nhưng hệ thống kế toán chỉ báo cáo đơn vị sản lượng, chi phí và lợi nhuận mà thôi.

Sự cân bằng P/PC cũng đặc biệt quan trọng khi áp dụng vào tài sản con người trong một tổ chức – cả nhân viên lẫn khách hàng.

Tôi biết có một hiệu ăn phục vụ món xúp trai tuyệt hảo và luôn chật cứng người vào mỗi buổi trưa. Nhưng vì một lý do cá nhân, người chủ đã bán lại cửa hàng cho người khác. Người chủ mới chú trọng vào “những quả trứng vàng”: ông ta quyết định pha thêm nước vào món xúp. Trong tháng đầu tiên, chi phí giảm xuống và doanh thu không đổi nên lợi nhuận tăng lên. Nhưng tháng tiếp theo, khách hàng bắt đầu vắng đi. Sự tin cậy không còn và doanh số gần như bằng không. Người chủ mới cố gắng một cách tuyệt vọng để khôi phục lại uy tín nhưng vô phương cứu chữa. Nguyên do là vì ông ấy đã xem thường khách hàng, đánh mất lòng tin và sự trung thành của họ. Ông ấy không còn “con ngỗng” để sản sinh ra “những quả trứng vàng” nữa.

Có nhiều tổ chức rất quan tâm đến khách hàng nhưng lại hoàn toàn xem nhẹ những nhân viên làm việc trực tiếp với khách hàng. Nguyên tắc PC là luôn luôn cư xử với các nhân viên của bạn như cách bạn muốn họ cư xử với những khách hàng thân thiết nhất.

Người ta có thể mua được “cánh tay” của người khác, nhưng không thể mua được trái tim. Trái tim chính là nơi chứa đựng sự nhiệt tình và lòng trung thành. Người ta có thể mua “đôi vai” của người khác, nhưng không thể mua được khối óc của họ. Nơi đó ẩn chứa sức sáng tạo, trí thông minh và tài tháo vát. Nhiệm vụ PC trong trường hợp này là cư xử với nhân viên như những người tình nguyện, cũng như bạn cư xử với khách hàng như những người tình nguyện. Họ sẽ tình nguyện dâng hiến cả con tim và khối óc cho bạn cũng như cho công việc mà họ đang đảm trách.

Lần nọ, khi chúng tôi đang họp nhóm thì có người đưa ra vấn đề: “Các anh sẽ làm gì để trị những nhân viên lười biếng và kém năng lực?”. Một người đáp: “Cho họ hình phạt đích đáng!”. Và nhiều người khác cũng đồng tình với lối quản lý theo quan điểm “chấn chỉnh – tống khứ” này. Cuộc tranh luận bắt đầu và trở nên sôi nổi.

Nhưng một người khác trong nhóm lại đặt câu hỏi: “Thế ai là người đi tuyển những của nợ đó?”.

“Họ không phải là của nợ!”, một người phản đối.

“Được rồi, thế tại sao anh không làm như vậy với các khách hàng của anh? Ví dụ anh có thể nói ‘Nghe này, nếu ông không mua thì mời ông đi khỏi đây cho.’”

“Dù sao cũng không được làm thế với khách hàng!”

“Thế tại sao anh lại làm như vậy với nhân viên của mình?”

“Vì họ là người làm thuê cho tôi.”

“Thế à? Thế nhân viên của anh có tận tụy làm việc cho anh không? Tốc độ thay người ở công ty anh như thế nào?”

“Anh đùa à? Thời buổi này làm sao tìm được người tốt? Tốc độ thay thế nhân viên phải nói là quá lớn, rồi vắng mặt và nghỉ không phép, tôi buộc phải cho tăng ca vào ban đêm. Tôi thấy họ chẳng màng gì tới công việc cả.”

Việc chú trọng vào “những quả trứng vàng” ở những người có quan điểm “chấn chỉnh và tống khứ” như trên hoàn toàn không đủ để khai thác nguồn năng lượng to lớn trong mỗi trái tim và khối óc của nhân viên. Lợi nhuận trước mắt là quan trọng nhưng không phải là tất cả.

Tính hiệu quả nằm trong sự cân bằng. Nếu quá tập trung vào P thì sẽ làm tổn hại sức khỏe, làm hư hỏng máy móc, làm cạn kiệt vốn liếng và phá vỡ các mối quan hệ. Nếu quá tập trung vào PC thì cũng giống như một người chạy ba hay bốn giờ mỗi ngày, rồi khoác lác về việc kéo dài thêm tuổi thọ 10 năm, mà quên rằng ngần ấy thời gian cũng chỉ dùng để chạy.

Giữ được sự cân bằng P/PC – sự cân bằng giữa “quả trứng vàng” (sản lượng) với sức khỏe và năng lực của “con ngỗng” (năng lực sản xuất) – thường là một việc khó. Nhưng đó thực chất là điều cốt lõi của tính hiệu quả. Nó cân bằng lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, cân bằng giữa việc lấy điểm và đóng học phí khi đi học, cân bằng giữa ý muốn có một căn phòng sạch sẽ và việc xây dựng mối quan hệ với đứa trẻ để nó làm công việc đó một cách vui vẻ, tự nguyện, không cần người khác chỉ bảo.

Có một nguyên tắc luôn hiện diện trong cuộc sống của mỗi chúng ta: nếu gắng sức làm việc để có được nhiều “quả trứng vàng” thì sẽ chuốc lấy sự ốm đau và kiệt sức. Ngược lại, nếu làm việc một cách khoa học, chúng ta sẽ có một cơ thể khỏe mạnh, một giấc ngủ ngon – nguồn năng lượng cho một ngày làm việc mới.

Bạn có thể nhìn thấy sự tồn tại của nguyên tắc này khi cố áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác và cảm thấy sự trống rỗng trong mối quan hệ; hay khi bạn thực sự bỏ thời gian để đầu tư vào mối quan hệ để rồi tìm thấy ý muốn và khả năng làm việc cùng nhau, hay quan hệ giao tiếp có một bước tiến đột phá.

Sự cân bằng P/PC chính là cốt lõi của tính hiệu quả. Nó có giá trị trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Chúng ta có thể làm theo nó hoặc chống lại nó, nhưng nó vẫn cứ tồn tại. Nó là một ngọn hải đăng. Nó là định nghĩa, là mô thức của sự thành đạt, và là cơ sở hình thành 7 Thói quen được trình bày trong cuốn sách này.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện