THÍ NGHIỆM 5: Nguyên tắc Abby đáng yêu

Kết nối của bạn với Trường tạo ra những hướng dẫn chính xác và khả năng vô tận

"Tôi thường ao ước rằng, khi phải đấu tranh với một quyết định hay một vấn đề nan giải nào đó, những đám mây sẽ rẽ sang hai bên và một giọng nói từ vũ trụ kiểu Charlton Heston sẽ mời tôi lên tầng 2, nơi những người nắm giữ sự sống sẽ ngồi với chúng tôi trong vài giờ đồng hồ, kiên nhẫn trả lời các câu hỏi và đưa ra những lời khuyên."

- Henriette Anne Klauser, tác giả cuốn Write It Down,

Make It Happen (Tạm dịch: Viết nó ra, biến nó thành hiện thực)

Tiền đề:

Những chỉ dẫn từ trong nội tâm luôn sẵn sàng. Bất kỳ lúc nào bạn cũng có thể tìm thấy được sự trợ giúp từ bên trong cho bất cứ việc gì.

Phụ thuộc vào bất kỳ công cụ ra quyết định nào một lúc nào đó cũng sẽ gây ra rắc rối. Cái gọi là "Tâm viên" (monkey mind) - thuật ngữ trong Đạo Phật, ý nói suy nghĩ của chúng ta không ngừng nhảy lung tung như con vượn, Tôi-cần-làm-gì-Tôi-nên-làm-gì?

- chưa bao giờ được dùng để giải quyết vấn đề (giống như việc chẳng có ai dùng cái cắt móng tay để cắt cỏ vậy). Vâng, nhưng đó lại là nơi hầu hết chúng ta tìm kiếm lời khuyên từ bán cầu não trái có xu hướng phán xét sai, hiểu không đúng và bịa đặt.

Tư duy có ý thức được lập ra chỉ dành cho hai việc: xác định vấn đề và hình thành các mục tiêu. Bất kỳ ai biết cách khai thác tư duy hợp lý cũng sử dụng nó để xác định vấn đề và thiết lập ý định. Vâng, đó chính là vai trò của vỏ bán cầu não: Gieo hạt. Nhưng thay vì làm như vậy, tư duy ý thức quyết định can thiệp vào việc cân nhắc những lý lẽ tán thành và phản đối để rồi đưa ra các quyết định hợp lý mà không cần đến sự tham gia của cảm xúc.

Ngay khi tư duy có ý thức xác định được vấn đề và thiết lập ý định, nó bắt đầu gây ồn ào, liên tục phàn nàn rằng vấn đề này quan trọng như thế nào, rằng tại sao lại chưa giải quyết ngay vấn đề đó, rằng ý định đó nghe có vẻ hay, nhưng ...Chà! Tôi đã ở đó, đã làm việc đó và chắc chắn nó chẳng có kết quả gì cả. Phải nói rằng bộ phận truyền thông này của não bộ không phải là nguồn lực tốt nhất của bạn. Nó phán xét, bóp méo thực tế và gây ra những cảm xúc tiêu cực không cần thiết.

Lấy ví dụ, khi Jane muốn dùng tư duy có ý thức của mình để thiết lập ý định cải thiện mối quan hệ với chồng. Đáng ra mọi việc sẽ hoàn hảo nếu Jane tạm gác tư duy ý thức sang một bên và sử dụng phương pháp khác có hiệu quả hơn. Tư duy có ý thức của Jane lại bắt đầu tạo ra những kết luận "sáng suốt", bắt đầu xem xét các khả năng. Chẳng bao lâu sau nó bắt đầu gào thét những tiếng lộn xộn:

"Mối quan hệ của hai vợ chồng tôi thật ngớ ngẩn."

"Chồng tôi là kẻ hay đòi hỏi và lười biếng."

"Tôi chẳng bao giờ có được thứ mình muốn."

Nói cách khác, tư duy có ý thức bắt đầu dịch nghĩa. Vấn đề ở đây là "tầm nhìn" của nó không vượt qua được những quyết định đã có từ trước, trong khi nó đủ khả năng để thực hiện tốt hơn. Và kết quả nhận được là một mớ lộn xộn, thất thường và tàn nhẫn.

Một giải pháp tốt hơn là sử dụng cái bấm móng tay vào đúng mục đích của nó, đặt chúng lại đúng vị trí trong tủ thuốc và lấy ra đúng loại dụng cụ để cắt cỏ. Đây chính là chỉ dẫn nội tâm.

Chỉ dẫn nội tâm đến theo nhiều cách khác nhau

"Tôi không biết nguồn gốc tiếng nói bên trong của mình từ lâu. Nhưng tôi chắc chắn nó không phải là tiếng nói của Chúa hay của một người quá cố nào đó với âm rung trong tiếng Ireland, hay của những thiên sứ gửi từ không trung - mặc dù ý tưởng cuối cùng nghe có vẻ khá hài hước."

- D. Patrick Miller, người sáng lập Nhà sách Fearless

Đôi khi những chỉ dẫn nội tâm đến một cách hoàn toàn tự nguyện, giống như vào cái đêm tôi lo lắng cho cô con gái mới sinh bị sốt 39 độ. Lúc đó là khoảng 3 giờ sáng, tôi đi đi lại lại trong nhà, bế con bé trên tay và phát điên lên vì lo lắng, lúng túng không biết làm cách nào để hạ sốt cho con. Mặc dù bạn bè tôi luôn dặn "Cứ gọi tớ bất cứ khi nào cậu cần" và thực sự họ có thiện ý như vậy, nhưng tôi không làm được điều đó. Tôi cứ đi đi lại lại trong nhà. Đột nhiên một giọng nói vang lên trong đầu tôi rằng: Tôi không tặng cho cô món quà quý giá như vậy để cô bỏ mặc nó ra đi đâu. Kể từ giờ phút đó, tôi biết mọi việc rồi sẽ tốt đẹp.

Đôi khi chỉ dẫn nội tâm đưa ra những thông điệp rất rõ rệt. Cô bạn Darlene của tôi có lúc đã có một chỉ dẫn khá ngớ ngẩn là nộp đơn xin vào vị trí chỉ đạo âm nhạc ở nhà thờ khu vực Bắc Carolina. Ý định đó nghe có vẻ hay chỉ trừ một chi tiết nhỏ: cô chưa bao giờ được đào tạo về âm nhạc và nhạc cụ duy nhất mà cô có thể chơi là alto sax18. Cô ấy yêu ca hát nhưng thích hát là một chuyện, còn chỉ đạo một nhóm các nhạc công và các ca sĩ lại là chuyện khác. Tư duy có nhận thức của cô bắt đầu công việc cố vấn:

Darlene, cô bị dở hơi à? Làm gì có ai muốn cô chỉ đạo một nhóm nhạc cơ chứ?

Vì thế cô cố gắng để xác định xem sau ý tưởng đó có chắc chắn phù hợp với bản thân hay không.

Cô thầm ra điều kiện với chỉ dẫn nội tâm của mình: Nếu ngươi thật sự muốn ta chỉ đạo nhóm nhạc, hãy để ta chạm mặt với mục sư, hay người chơi piano trong ngày hôm nay. Vì hôm đó là thứ Hai và nhà thờ đã đóng cửa, cô nghĩ cô đã được an toàn. Hơn nữa, cô phải làm việc cả ngày và khả năng chạm mặt một trong số những người đó gần như là con số 0.

Trên đường đi làm về, cô ghé qua cửa hàng tạp hóa quen thuộc. Khi đang xếp hàng chờ đến lượt mình thanh toán cô chợt nghe tiếng nói: "Ồ, Darlene. Cô đang làm gì ở đây thế?"

Đó không phải là một giọng nói thoát tục cất lên từ trong thinh không mà là giọng của Mary Jenkins, chủ tịch hội đồng giáo hội, người đang chờ cùng hàng với Darlene.

Vấn đề ở đây là những chỉ dẫn thường đến trọn gói. Trong nhiều năm liền, trước khi đi ngủ, Napoleon Hill, tác giả cuốn sách kinh điển 13 nguyên tắc nghĩ giàu, làm giàu đã có những cuộc gặp tưởng tượng với Ralph Waldo, Emerson, Thomas Paine, Thomas Edison, Charles Darwin, Abraham Lincoln, Luther Burbank, Henry Ford, Napoléon, Andrew Carnegie,... Vì là "chủ tọa" của "hội đồng" tưởng tượng này, nên Hill có cơ hội đặt ra các câu hỏi và nhận được nhiều lời khuyên.

Sau vài tháng, Hill kinh ngạc khi phát hiện thấy các thành viên trong "hội đồng" tưởng tượng của ông bắt đầu phát triển tính cách cá nhân của họ. Ví dụ như Lincoln bắt đầu đến muộn, sau đó đi qua đi lại một cách trang nghiêm. Trong khi đó Burbank và Paine lại thường xuyên đối đáp với nhau một cách dí dỏm.

"Những trải nghiệm này trở nên thật đến nỗi tôi bắt đầu sợ các hậu quả của nó và quyết định chấm dứt việc tưởng tượng đó", Hill thú nhận trong cuốn 13 nguyên tắc nghĩ giàu, làm giàu.

Giống như nhiều người đã nhận được những chỉ dẫn nội tâm bất thường, Hill miễn cưỡng thừa nhận những cuộc họp "hội đồng" tưởng tượng của mình.

Nhưng ông có nói: "Các nhân vật trong hội đồng của tôi có thể chỉ là tưởng tượng... nhưng họ đã dẫn tôi qua những cuộc phiêu lưu lý thú, nhen nhóm sự cảm kích về những điều vĩ đại thực sự, khuyến khích sự nỗ lực sáng tạo và thể hiện những suy nghĩ chân thực."

Những chỉ dẫn nội tâm có thể đến trọn gói nếu như bạn sẵn sàng cởi mở để lắng nghe. Một vài người trong số chúng ta lại cần một cú đánh mạnh vào đầu. Những người khác như Gary Renard, tác giả cuốn The Disappearance of the Universe (tạm dịch: Sự biến mất của vũ trụ), với tư duy cực kỳ cởi mở đã nhận được chỉ dẫn từ những thiên sứ xuất hiện vào một buổi tối khi ông đang xem tivi.

Michael Beckwith, trước khi trở thành một lãnh đạo Tân tư duy đầy quyền lực ở Trung tâm Tâm linh Quốc tế Agape gần Los Angeles, đã nhìn thấy hình ảnh của một cuộn giấy có viết "Michael Beckwith nói chuyện ở nhà thờ của Khoa học Tôn giáo". Sau đó khi linh mục của nhà thờ Tacoma gọi điện và nói với ông: "Chào Michael, chúng tôi muốn mời ông đến nói chuyện ở nhà thờ chúng tôi," Michael nói: "Tôi biết."

Chúng ta đặt những chỉ dẫn nội tâm vào danh sách "Không gọi"

"Một trong những chức năng chính của tôn giáo chính thống là bảo vệ mọi người khỏi một trải nghiệm trực tiếp của Chúa."

- Carl Jung, nhà tâm lý học người Thụy Sĩ

Không may hầu hết chúng ta đều đặt ra hạn chế cho những chỉ dẫn mà chúng ta nhận được. Chúng ta quyết định rằng, những biển hiệu, điện tín và những phong thư dán kín từ Chúa trời là điều bình thường, còn những thứ khác thì hơi đáng sợ.

Chúng ta sẽ sợ hết hồn nếu đột nhiên một cuộn giấy mở ra trước mắt hay một thiên sứ bước ra trước tivi khi chúng ta đang xem phim Mad Men (tạm dịch: Gã điên). Não bộ của chúng ta nói: "Ôi, không phải tôi! Tôi không xứng đáng với điều đó." Nếu một thiên thần xuất hiện phía cuối giường, chắc chúng ta sẽ gọi cảnh sát.

Điều đó gây khá nhiều trở ngại cho những chỉ dẫn nội tâm của chúng ta. Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu ai đó hỏi ý kiến bạn rồi quay lưng lại với bạn, bỏ qua những điều bạn nói? Chúng ta sẽ giống như những đứa trẻ 5 tuổi lấy tay bịt tai, còn miệng thì hát "la-la-la-la-la" vậy.

Khi nghe chuông điện thoại, bạn không nhấc máy rồi nói một thôi một hồi. Bạn lại "A-lô" và lắng nghe xem người ở đầu dây bên kia nói gì. Ở đây chúng ta chỉ biết đổ lỗi cho sức mạnh siêu nhiên đã không cho chúng ta những năng lực, trong khi chính chúng ta lại là người để kênh máy điện thoại.

Khi Neale Donald Walsch lần đầu tiên ngồi xuống, lăm lăm cây bút trong tay với những câu hỏi khó nhằn sẵn trong đầu, ông đã choáng váng khi nghe thấy một tiếng nói mà ông cho là của Chúa. "Ngươi có thật sự muốn biết câu trả lời không? Hay ngươi chỉ đang gào lên?" Walsch, lúc đó miễn cường đồng ý và nói: "Vâng, cả hai. Và nếu Ngài có các câu trả lời thì con rất sẵn lòng nghe."

Chúng ta đã quan niệm dại dột rằng, chỉ dẫn nội tâm chỉ dành cho một số kẻ may mắn? Rất nhiều trong số đó thuộc về những chuyện thần thoại mà chúng ta tin là do sự can thiệp của Chúa. Phần quan trọng bị bỏ qua lại chính là chỉ dẫn nội tâm của chúng ta đáng tin cậy và luôn sẵn sàng xuất hiện. Nó luôn ở đó khi bạn thật sự muốn lắng nghe, cũng giống như kênh CNN lúc nào cũng luôn phát sẵn, chỉ cần bạn bật tivi lên.

Và bạn cứ tự do sử dụng nó, để đòi hỏi những câu trả lời rõ ràng. Ngay bây giờ!

Ví dụ dẫn chứng

"Cho dù bạn có bao nhiêu bằng chứng đi nữa, dần dần theo thời gian bạn cũng có xu hướng giấu đi những trải nghiệm không bình thường."

- Martha Beck, người phụ trách chuyên mục tạp chí O

Một ngày nọ, Michael Beckwith (người có tưởng tượng về một cuộn giấy mà tôi đề cập ở phần trước) đang nhìn vào một chiếc cối xay gió đó là thời điểm ông cần quyết định là có đi theo con đường phụng sự Chúa hay không. Ông nói thẳng thừng: "Này Chúa, nếu Ngài đang lắng nghe, nếu là điều Ngài thực sự muốn con làm, Ngài hãy cho chiếc cối xay gió kia chỉ về phía con đi."

Mặc dù hôm đó là một ngày nhiều gió và chiếc cối xay gió kia đang quay rất nhanh theo hướng ngược lại với Michael Beckwith, nhưng chẳng mấy chốc sau khi ông nói, chiếc cối xay gió ngừng quay theo trục thông thường và quay hướng chỉ thẳng vào ông.

Tất nhiên, trước đó thì ông đã có đôi lần trải nghiệm những điều kinh ngạc. Để đủ tiền trang trải học phí (lúc đó ông muốn trở thành bác sĩ), Beckwith đã bán thuốc gây nghiện - tất nhiên là chỉ cho những người bạn. Vì là người thích giao du, cởi mở nên việc làm ăn của ông diễn ra khá tốt. Việc phân phối cần sa của ông phát triển rộng rãi và điều đó giúp ông tin rằng nếu thuận lợi, ông có thể nghỉ hưu ở năm 24 tuổi.

Nhưng ông biết có gì đó không ổn. Chỉ dẫn nội tâm của ông liên tục nhắc nhở, mang đến ông những giấc mơ kỳ lạ, thúc giục ông đi tìm con đường khác tốt hơn. Ông quyết định từ bỏ việc buôn bán cần sa để đi con đường "tốt hơn" đó. Ông nói với bạn bè rằng, mọi việc đã chấm dứt, ông sẽ rút lui. Nhưng trong vụ mua bán cuối cùng (mà ông định sau đó sẽ hoàn toàn cắt đứt quan hệ với nhà cung cấp), ông bị cảnh sát liên bang tóm. Lúc đó ông mang theo trên người không chỉ 5kg cần sa mà còn rất nhiều tiền mặt và súng nữa.

Nhưng giọng nói từ bên trong ông vẫn bảo: "Mọi việc sẽ ổn thôi."

Khi chuẩn bị ra tòa, bạn bè ông nghĩ rằng ông bị điên. "Tại sao cậu không lo lắng gì cả, không tìm cách để thoát khỏi tình hình này đi?", họ hỏi ông.

"Tớ có tội", ông trả lời. "Nhưng Chúa đã mách với tớ rằng tớ sẽ không sao cả."

Lúc đó ông đã thấy trước được rằng tình hình sẽ khả quan. Ông tới phiên tòa (thẩm phán phiên tòa đó là Robert Shapiro, lúc đó mới bắt đầu sự nghiệp của mình), cảm giác rất yên lòng và tin tưởng rằng cho dù chuyện gì xảy ra đi nữa thì ông vẫn sẽ được Đấng tối cao che chở. Và đúng vậy, ông được trắng án! Khi thẩm phán Robert Shapiro tuyên bố ông vô tội, ngài còn nói rằng không muốn gặp lại ông lần nào nữa. Và Michael biết chắc rằng ông cũng sẽ không gặp lại ngài thẩm phán lần nào nữa.

Đôi khi Trường các khả năng vô tận cũng xảy ra với những người không tin vào nó. Vào năm 1975, Gerald Jampolsky, lúc đó là một nhà tâm lý học thành công ở California về lĩnh vực "thế giới bên ngoài" (outside) đang trong giai đoạn khó khăn. Cuộc hôn nhân kéo dài 20 năm của ông mới chấm dứt. Ông uống rất nhiều rượu. Bệnh đau lưng kinh niên của ông tái phát. Tất nhiên, ông chưa từng có ý tưởng tìm kiếm chỉ dẫn từ Đấng tối cao.

Ông nói: "Tôi là người cuối cùng trên trái đất này quan tâm đến hệ thống tư duy với những từ kiểu như Chúa trời và Tình yêu. Tuy nhiên, khi ông lần đầu tiên đọc cuốn Một khóa học về những điều kỳ diệu (mà tôi đã từng đề cập với các bạn ở những phần trước vài lần), ông thấy rằng nó dạy người ta cách chuyển hóa bản thân bằng cách lựa chọn tình yêu thay vì nỗi sợ. Ông nghe thấy một giọng nói rất rõ ràng mách bảo mình: "Bác sĩ, hãy tự chữa cho mình. Đây là con đường trở về của ông."

Và tất nhiên, đúng là như thế. Jampolsky sau đó đã viết rất nhiều sách. Ông giảng giải, phân tích nhiều về các nguyên tắc trong cuốn Một khóa học về những điều kỳ diệu, thậm chí ông còn thiết lập một trung tâm trị liệu ở Sausalito, California dành cho những người bị bệnh nặng.

Những chỉ dẫn tức thời và trực tiếp luôn sẵn sàng 24/7. Nhưng thay vì chú ý đến nó thì chúng ta lại tạo cho mình thói quen không lắng nghe nó. Giống như một sinh viên của chương trình trao đổi văn hóa, không quen với công nghệ thông tin nên không biết rằng chiếc điện thoại để ở đầu giường mình có thể giúp anh nói chuyện làm quen với cô bạn xinh xắn học cùng lớp chứ không phải chờ cho đến tiết học ngày mai. Nó cũng giống như việc tôi không để ý đến cái lò sưởi mà tôi đã nhắc đến ở phần mở đầu.

Thêm ví dụ thực tiễn

"Giá như Chúa có thể cho tôi một dấu hiệu rõ ràng.

Ví dụ như một tài khoản với số tiền lớn mang tên tôi tại một ngân hàng Thụy Sĩ."

- Woody Allen, nhà làm phim người Mỹ

Năm 25 tuổi, diễn viên Jamie Lee Curtis tiếp bạn của mình là cô Debra Hill, nhà sản xuất bộ phim Halloween - bộ phim kinh dị đã làm nên tên tuổi của Curtis - trong căn hộ mới mua tại Los Angeles. Debra Hill khi đó mang theo cuốn tạp chí Rolling Stone mới nhất làm quà tặng tân gia. Khi cả hai vừa xem tạp chí vừa vui vẻ nói chuyện thì nhìn thấy bức ảnh có ba người đàn ông.

Jamie Lee Curtis chỉ vào người bên phải mặc chiếc áo sơ mi kẻ sọc và nói với nụ cười tự mãn: "Tớ sẽ lấy anh chàng này."

Cô chưa bao giờ gặp anh ta trước đây và không biết anh ta là ai cả, nhưng có điều gì đó mách bảo cô rằng anh ta chính là "người ấy".

"Đó là Christopher Guest", Debra nói. "Anh ta đang tham gia đóng một bộ phim hài mang tên This Is Spinal Tap (tạm dịch: Đây là ban nhạc Spinal Tap). Tớ có quen người đại diện của anh ta."

Ngày hôm sau Jamie Lee Curtis thấy bất an khi có dấu hiệu nôn nao trong dạ dày của mình, cô đã gọi điện cho người đại diện của Christopher Guest, nhờ nói với anh ta gọi lại cho cô, nếu anh ta quan tâm. Nhưng Christopher Guest đã không gọi lại.

Vài tháng sau đó, khi đang ở Hugo's - một nhà hàng nổi tiếng ở Tây Hollywood - Jamie Lee Curtis bất ngờ nhìn thấy Christopher Guest (anh chàng trong tờ tạp chí) đang ngồi cách mình ba bàn. Anh ta vẫy tay với cô như thể muốn nói: "Tôi là anh chàng mà cô đã muốn gặp đây." Cô vẫy tay lại với anh ta.

Hmm, cô nghĩ, thú vị đây. Nhưng vài phút sau, anh ta đứng dậy, nhún vai, vẫy chào cô và rời khỏi nhà hàng. Jamie Lee Curtis xấu hổ nhìn xuống đĩa của mình và tự trách thầm mình thật ngu ngốc khi tin tưởng vào cái gọi là "chỉ dẫn nội tâm".

Nhưng ngày hôm sau cô nhận được điện thoại từ Christopher Guest và anh ta muốn hẹn gặp cô. Bốn ngày sau tại Chianti Ristorante ở Melrose, họ cùng nhau ăn tối. Cho đến khi Guest bay đến New York để quay bộ phim Saturday Night Live, nghĩa là chỉ một tháng sau đó họ đã yêu nhau thắm thiết.

Và họ cưới nhau vào ngày 18 tháng 12 năm 1984, nghĩa là 8 tháng sau khi Jamie Lee Curtis nghe được chỉ dẫn nội tâm đó.

Phương pháp

Trong thí nghiệm này chúng ta sẽ chứng minh rằng những mách bảo mà Jamie Lee Curtis và những người khác nhận được không phải là việc gì đó kỳ lạ, dị thường như trong phim Twilight Zone (Miền ảo ảnh), mà là một phương tiện thật sự mà chúng ta có thể dùng bất cứ lúc nào.

Bạn sẽ có 48 tiếng để chờ đợi một câu trả lời rõ ràng cho một câu hỏi rõ ràng. Nó có thể chỉ đơn giản như việc có nên nuôi một chú mèo tam thể không? Hay phức tạp như việc có nên nhận công việc đó không? Với mỗi câu hỏi, hãy cho chỉ dẫn nội tâm của bạn thời gian 48 tiếng để đưa ra câu trả lời. Nhưng hãy cẩn thận. Tôi đã thử việc này một lần và đã bị mất việc. Tuy nhiên, sau này ngẫm lại, tôi lại thấy đó là câu trả lời hoàn hảo vì câu hỏi lúc đó của tôi là: "Đã đến lúc tôi phát triển sự nghiệp viết văn tự do của mình chưa?"

Hãy lựa chọn một vấn đề đang khiến bạn đau đầu, vấn đề gì đó có thể đưa ra các phương án trả lời "có" hoặc "không", vấn đề khiến bạn thực sự bối rối và không biết phải làm gì. Tôi biết trong đầu bạn đang có câu hỏi rồi, nó là gì không thành vấn đề. Sẽ có câu trả lời. Bạn hãy bắt đầu tính giờ đi!

Hãy hỏi xin một câu trả lời rõ ràng và không gây tranh cãi, trong vòng 48 giờ tới. Có thể chỉ mất 1 ngày thôi, nhưng trong vòng 48 giờ hãy cứ hy vọng sẽ có một tín hiệu trả lời cho câu hỏi của bạn.

Việc của bạn là thiết lập ý định và khung thời gian. Trường tiềm năng sẽ làm các công việc còn lại.

Stan (bạn còn nhớ anh chàng cựu vận động viên lướt sóng dễ thương ở Esalen mà tôi đã nhắc đến trong phần mở đầu chứ?) bị mất việc. Đúng thời điểm đó, người bạn gái mà anh đã yêu 3 năm đột nhiên đòi làm đám cưới. Khỏi phải nói bạn cũng biết anh ta đã phải đau đầu như thế nào. Đầu tiên, Stan quyết định phải tìm việc làm để có tiền. Nhưng anh ta lại không biết mình muốn làm gì. Tôi nhắc anh ta rằng có một kế hoạch hoàn hảo cho cuộc đời anh và kế hoạch đó sẽ xuất hiện, chỉ cần anh thiết lập ý định và đưa ra một thời hạn rõ ràng.

Stan nói câu đại loại như: "Này ông già, nếu thật là ông có một kế hoạch tốt cho cuộc đời của tôi thì hãy cho tôi vài lời khuyên đi. Tôi không có nhiều thời gian đâu, vì thế hạn chót là sáng ngày thứ 6 tôi muốn biết kế hoạch đó là gì."

Vào chiều ngày thứ 5, Stan đang ngồi bên suối nước nóng với một người đàn ông mà anh chưa gặp bao giờ. Người này tình cờ nói chuyện anh ta đang mở một trung tâm trị liệu ở Pennsylvania's Laurel Highlands và đang cần một người điều hành nơi đó. Stan đột nhiên cảm thấy rất phấn chấn và chỉ chưa đầy 30 phút sau, anh đã được đồng ý nhận vào làm việc, cho dù tất cả kinh nghiệm anh ta có ở một trung tâm trị liệu chỉ là công việc lau dọn.

Trường tiềm năng đã ghi điểm!

Báo cáo thí nghiệm

Nguyên tắc: Abby yêu quý.

Lý thuyết: Kết nối của bạn với Trường sẽ đưa ra những chỉ dẫn chính xác và khả năng vô tận.

Câu hỏi: Liệu tôi có thể thật sự nhận được những chỉ dẫn tức thời?

Giả thuyết: Nếu tôi xin chỉ dẫn, tôi sẽ nhận được câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi dạng "có - không" sau:

Thời gian thực hiện: 48 tiếng

Hôm nay ngày: __________ Giờ: __________

Thời hạn nhận được câu trả lời: __________

Cách tiếp cận: "Chỉ dẫn nội tâm, tôi muốn biết câu trả lời cho câu hỏi này. Anh có 48 tiếng. Nhanh lên đấy nhé!"

Ghi chép:..............................................................................................................................

"Con người bị bao quanh bởi những thực tế, nên đánh mất sự ngạc nhiên trước ánh sáng trực giác, giống như bị nhốt trong một chiếc lồng. Dù thế nào, tâm trí cũng không dễ bị che khuất. "

- Albert Einstein, nhà vật lý lý thuyết người Đức

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện