4. Chăm sóc

Có thể bạn cho rằng những người già chúng tôi sẽ nổi loạn, rằng chúng tôi sẽ tức điên đến mức phóng hỏa những cái nhà dưỡng lão đáng ghét thành tro bụi. Rất tiếc là không, chúng tôi không thể làm điều đó, bởi chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác, khi mà giờ đây chúng tôi quá yếu ớt và mong manh đến nỗi việc sống một mình không cần ai giúp là chuyện hoàn toàn bất khả thi. Chuyện nổi loạn và phá hoại hoàn toàn nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi.

Do vậy, gia đình chính là phương án thay thế khả dĩ nhất. Việc bạn có khả năng phải sống những ngày cuối đời trong nhà dưỡng lão hay không phụ thuộc vào số con cái mà bạn có; và mặc dù chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh điều này, việc có ít nhất một đứa con gái có thể đảm bảo phần nào khả năng bạn sẽ có người chăm lo cho mình khi về già. Nhưng thời nay, sự gia tăng tuổi thọ diễn ra đồng thời với xu hướng mỗi gia đình phụ thuộc vào chỉ một hoặc hai trụ cột kinh tế chính trong nhà bất chấp số lượng thành viên đông đúc lại đã và đang dẫn đến nhiều hệ lụy đau lòng khác.

Cụ ông Lou Sanders bước sang tuổi tám mươi tám khi ông và cô con gái Shelley của minh phải đối mặt với một quyết định khó khăn về tương lai. Trước đó ông đã có một cuộc sống rất ổn. Vốn dĩ ông là người sống giản dị với một vài thú vui nho nhỏ trong một gia đình hòa hợp và những mối quan hệ bạn bè tốt đẹp. Là con trai của một cặp vợ chồng người Do Thái nói tiếng Nga nhập cư vào nước Mỹ từ Ukraine, ông lớn lên ở Dorchester, một khu dân cư gồm toàn những người thuộc tầng lớp lao động bình dân ở Boston. Suốt Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, ông phục vụ trong lực lượng không quân ở Nam Thái Bình Dương. Đến khi trở về, ông lập gia đình và định cư ở Lawrence, một thị trấn công nghiệp nằm ngoài Boston, ông và vợ mình, bà Ruth, có một con trai và một con gái; sau đó, ông gia nhập lĩnh vực kinh doanh thiết bị gia dụng cùng một người anh của vợ. Làm ăn khấm khá, ông tậu cho gia đình một căn nhà ba phòng ngủ trong một khu dân cư xinh đẹp và một tay lo cho hai đứa con học đến đại học. Cả hai vợ chồng ông đã cùng nhau chia sẻ ngọt bùi lẫn đắng cay qua bao thăng trầm của cuộc sống. Người con trai của họ mắc phải chứng nghiện bia rượu và chất kích thích, làm mất mát tiền của và có dấu hiệu của chứng rối loạn tâm lý lưỡng cực. Anh ta qua đời ở tuổi bốn mươi vì tự tử. Công việc kinh doanh của Lou đang ăn nên làm ra suốt nhiều năm bỗng chốc phá sản cùng hàng loạt những chuỗi cửa hiệu đi kèm. Ở tuổi năm mươi, Lou gần như phải làm lại từ đầu. Dù vậy, mặc cho tuổi tác đã cao, mặc cho sự thiếu hụt kinh nghiệm và học vấn thấp, ông vẫn nỗ lực hết mình và trúng tuyển vào vị trí kỹ thuật viên điện tử ở công ty Raytheon, và rồi ông làm việc lâu bền ở đó cho đến tận khi về hưu ở tuổi sáu mươi bảy, với hai năm làm thêm để được hưởng thêm 3 phần trăm trong khoản trợ cấp hưu trí của Raytheon dành cho ông.

Trong khi đó, sức khỏe của bà Ruth sa sút trầm trọng. Vốn là một quý bà nghiện thuốc lá nặng, bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi. Bà vượt qua căn bệnh, rồi lại tiếp tục hút thuốc (điều mà ông Lou không thể nào hiểu nổi). Ba năm kể từ sau khi ông Lou về hưu, một cơn đột quỵ xảy đến bất ngờ khiến bà không thể sống cuộc sống bình thường như trước. Mọi sinh hoạt của bà phụ thuộc gần như hoàn toàn vào chồng - di chuyển, đi mua sắm, dọn dẹp nhà cửa, tất cả mọi việc. Rồi sau đó, bà phát hiện một bướu nhỏ dưới cánh tay mình, và một cuộc sinh thiết cho thấy đó là một khối u ung thư có nguy cơ di căn. Bà qua đời vào tháng Mười năm 1994 ở tuổi bảy mươi ba. Khi đó, ông Lou bảy mươi sáu tuổi.

Cô con gái Shelley lo lắng cho cha. Cô không biết liệu cha sẽ sống thế nào khi mẹ không còn. Kỳ thực, chính khoảng thời gian tự tay chăm sóc bà Ruth trong những năm cuối đời của bà đã giúp ông Lou học được cách tự lo cho bản thân; và mặc dù ông vô cùng đau khổ trước sự ra đi của vợ, ông nhận ra rằng mình không có gì phải quá e sợ với cuộc sống đơn thân. Suốt mười năm sau đó, ông vẫn có một cuộc sống yên vui và mỹ mãn ở tuổi già. Thói quen sinh hoạt của ông cũng đơn giản. Ông dậy sớm vào buổi sáng, tự lo bữa ăn sáng rồi ngồi đọc báo. Rồi ông ra ngoài đi bộ, vào siêu thị mua sắm những thứ cần thiết, rồi về nhà làm bữa trưa. Đến buổi chiều, ông thường có sở thích đi đến thư viện của thị trấn. Đó là một không gian ấm cúng, yên tĩnh và ngập tràn ánh sáng, và ông có thể dành hàng giờ ở đó để đọc những cuốn báo và tạp chí ưa thích, hoặc chúi mũi vào một cuốn truyện trinh thám hồi hộp. Về đến nhà, ông vớ ngay cuốn sách vừa mượn ở thư viện để đọc, hoặc ngồi xem phim, hoặc nghe nhạc. Cứ vài buổi tối trong tuần, ông lại ngồi chơi bài kíp-bi[4] với mấy người bạn hàng xóm trong khu căn hộ.

“Bố tôi có nhiều mối quan hệ bằng hữu thú vị,” Shelley bảo. “Ông có thể làm bạn với bất kỳ ai.”

Một trong những người bạn mới của ông là một anh chàng người Iran làm công việc bán hàng tại một cửa hiệu băng đĩa trong thị trấn - nơi cụ Lou thường ghé qua. Anh ta tên Bob, tuổi chừng ngoài hai mươi. Mỗi khi vào đó, cụ Lou nhảy tót lên chiếc ghế quầy bar mà Bob đã sắp đặt sẵn cho ông, để rồi sau đó hai người họ - một chàng thanh niên người Iran và một cụ ông người gốc Do Thái - có thể hàn huyên suốt hàng giờ. Họ trở thành đôi bạn thân thiết nhau đến nỗi từng cùng nhau đi “phượt” đến Las Vegas một lần. Cụ Lou rất thích đến các sòng bạc và đi chơi cùng những người bạn của mình.

Rồi đến một ngày năm 2003, ông bất ngờ lên cơn đau tim. Nhưng may mắn mỉm cười với ông. Ông được đưa đến bệnh viện bằng xe cứu thương, và các bác sĩ đã kịp thời đả thông động mạch vành của ông. Sau khi nằm dưỡng bệnh suốt vài tuần trong trung tâm hồi sức tim mạch, ông lại khỏe mạnh trở lại như thể cơn đau tim chưa bao giờ xảy ra. Tuy nhiên, ba năm sau, ông bị một cú ngã nặng - khởi đầu cho một chuỗi ngày sống mòn không thể tránh khỏi của tuổi già. Shelley để ý thấy rằng cha mình có dấu hiệu run rẩy tay chân, và một bác sĩ thần kinh đã chẩn đoán ông mắc bệnh Parkinson. Mặc dù các toa thuốc phần nào giúp ông kiểm soát được căn bệnh này, ông lại tiếp tục gặp rắc rỗi với chứng sa sút trí nhớ. Theo lời kể của Shelley, cứ mỗi khi cụ Lou trò chuyện hoặc kể một câu chuyện dài, ông rất dễ quên mất mình đang nói đến đâu. Những lần khác, ông lại lúng túng không nhớ những gì mình vừa nói xong. Nhưng nhìn chung ông vẫn được xem là ổn so với độ tuổi tám mươi tám của mình. Ông vẫn lái xe binh thường. Ông vẫn thắng bài kíp-bi như chẻ tre. Ông vẫn biết tự mình chăm sóc nhà cửa và quản lý tài chính cá nhân. Nhưng rồi một ngày nọ, ông lại có một cú “vồ ếch” nguy hiểm khiến ông bắt đầu thực sự lo sợ cho bản thân mình. Ông bắt đầu cảm thấy sức nặng của tuổi già cũng như quá trình lão hóa đã và đang ngày càng chồng chất hành hạ mình. Ông tâm sự với Shelley rằng rồi đến một lúc nào đó, ông sẽ lại tiếp tục ngã, chấn thương sọ não, và chết. Ông không sợ chết, mà ông sợ cái viễn cảnh mình sẽ chết một mình mà chẳng ai hay.

Cô con gái hỏi cụ Lou rằng ông nghĩ thế nào về việc vào nhà dưỡng lão hoặc các cộng đồng hưu trí. Ông bảo mình chẳng thích ý tưởng đó chút nào. Ông đã từng nhìn thấy nhiều người bạn của mình ở trong đó.

“Mấy chỗ đó toàn người già cả lọm khọm,” ông bảo. Ông không muốn mình sống như thế. Ông buộc Shelley phải hứa danh dự rằng cô sẽ không bao giờ đưa ông đến những nơi đó.

Nói là vậy, nhưng điều đó không thể thay đổi sự thật rằng ông không còn khả năng tự chăm lo cho bản thân nữa. Lựa chọn còn lại và duy nhất của ông là chuyển đến sống chung với con gái và gia đình cô. Và đó cùng là điều mà Shelley đang dàn xếp cho ông.

Tôi hỏi Shelley và Tom – chồng cô - rằng họ cảm thấy thế nào về việc này. “Tốt mà,” cả hai người trả lời. “Tôi không an tâm khi để mặc ông ấy sống một mình,” Shelley nói, và Tom gật đầu đồng ý. Lou từng có tiền sử đau tim bất ngờ. Ông cũng sắp chín mươi tuổi rồi. Cả hai vợ chồng muốn chăm lo cho ông nhiều hơn thế, nhưng chính họ cũng phải thừa nhận và đối mặt với thực tế rằng: Liệu mình còn có thể lo được cho ông trong bao lâu nữa?

-o0o-

Tom và Shelley đang sống yên vui trong một căn nhà có lối kiến trúc thực dân ở phía Bắc Reading, một vùng ngoại ô của Boston. Nhưng cũng như bao gia đình khác, cuộc sống gia đình họ không phải lúc nào cũng chỉ có tiếng cười. Shelley đang làm trợ lý giám đốc cho một công ty nọ. Tom từng thất nghiệp suốt một năm rưỡi sau một đợt cắt giảm nhân sự của công ty cũ. Hiện giờ anh đang làm việc cho một công ty du lịch lữ hành với mức lương khiêm tốn đáng kể so với công việc trước. Ngoài ra, trong nhà còn có hai đứa trẻ đang đến tuổi dậy thì, và căn nhà gần như không còn phòng trống cho cụ Lou. Vì thế, Shelley và Tom chuyển chức năng phòng khách thành phòng ngủ cho ông, bằng cách dời vào đó một chiếc giường, một chiếc ghé tựa lưng, tủ quần áo của Lou, và một chiếc tivi màn hình phẳng. Những đồ dùng khác của ông thì được đem bán bớt hoặc cất vào kho.

Việc sống chung đòi hỏi nhiều sự điều chinh từ các bên. Mọi người trong nhà bắt đầu ngộ ra những lý do vì sao người ta không còn thích sống kiểu đại gia đình nữa. Cha mẹ và con cái hoán đổi vai trò cho nhau, còn cụ Lou thì cảm thấy không vui tí nào khi tiếng nói của ông không có trọng lượng trong nhà. Ông cũng nhận ra mình thậm chí còn cô đơn hơn thuở còn sống độc lập. Giữa những con hẻm và đường nội bộ nhỏ hẹp của khu ngoại ô, ông không có hàng xóm để làm quen cũng như để giết thời gian một cách vui vẻ cùng nhau, ông cũng chẳng có nơi nào để đi - không thư viện, không cửa hiệu băng đĩa, và siêu thị cũng không nốt.

Shelley cố gắng thuyết phục ông đến tham gia chương trình sinh hoạt của địa phương dành cho những công dân cao tuổi. Cô dẫn ông đến ăn sáng chung với những cụ ông cụ bà khác trong đó. Nhưng ông chẳng thích thú tí nào. Cô khám phá ra là họ thường tổ chức các buổi đi chơi đến Foxwoods, một sòng bạc nằm cách Boston hai giờ chạy xe. Cụ Lou không thích chỗ đó lắm, nhưng đồng ý đi. Cô đã rất lo lắng. Cô hy vọng là ông có thể có được những người bạn mới ở đây.

Cô kể lại rằng, “Cứ như thể tôi đang dẫn một đứa trẻ lên xe buýt” - điều khiến ông Lou không thoải mái cho lắm. “Xin chào mọi người. Đây là cha tôi, Lou. Đây là lần đầu tiên ông được đi chơi cùng mọi người, rất hy vọng được mọi người đón nhận.” Đến khi ông trở về nhà, cô hỏi rằng ông có thêm được người bạn mới nào chưa. Ông trả lời không. Ông ở đó chơi bài một mình.

Dần dà, cụ Lou cũng học được cách thích nghi. Shelley và Tom có nuôi một chú chó nhăn thuộc giống Sa Bì tên Beijing (nghĩa là “Bắc Kinh”); Lou và chú cún nhanh chóng trở thành đôi bạn thân. Cô chó nằm ngủ chung với ông mỗi đêm, ngồi cùng ông mỗi khi ông đọc sách báo hoặc xem TV. Mỗi khi đi bộ, ông không quên dắt Beijing theo. Những khi cô chó vô tình ngồi trên ghế bành của ông, ông sẵn sàng lội bộ vào nhà bếp lấy chiếc ghế khác để ngồi chứ không nỡ làm phiền bạn cún.

Cụ Lou cũng có thêm những người bạn mới theo nghĩa đen. Mỗi ngày ông đều chào hỏi người đưa thư, và thế là họ trở thành bạn. Anh chàng đưa thư này cũng biết chơi bài kíp-bi, và thế là cứ mỗi Thứ Hai đầu tuần, anh lại đến nhà ông vào giờ ăn trưa để cùng ông chơi vài ván. Shelley cũng thuê một chàng trai trẻ tên Dave để ở nhà trò chuyện với Lou. Cách này thường không hiệu quả trong nhiều trường hợp khác, nhưng ở đây, nó thực sự phát huy tác dụng. Nhờ tài kết bạn đỉnh cao của Lou, Dave cũng trở thành bạn chơi bài kíp-bi của ông, nhiệt tình đến chơi với ông vào các buổi chiều.

Lou bắt đầu ổn định được cuộc sống mới ở nhà con gái và tin tưởng rằng mình sẽ được sống yên vui như thế này đến cuối đời. Nhưng kỳ thực, nguyện vọng của ông đang càng lúc càng trở nên bất khả thi với cô con gái Shelley. Cô vừa phải đi làm, vừa phải chăm sóc nhà cửa, vừa phải chăm lo con cái, chưa kể bọn trẻ cũng đang trải qua nhiều khó khăn nhất định với việc học. Và giờ cô còn phải kiêm thêm cả việc chăm sóc người bố yêu thương nhưng dã già cả và phụ thuộc. Đó quả là một gánh nặng quá sức. Cụ Lou vẫn không ngừng té ngã, từ phòng riêng cho đến phòng tắm, từ nhà bếp cho đến bất kỳ vị trí nào trong nhà, những nơi có thể khiến ông trượt chân và đổ người xuống như một cái cây bị đốn hạ. Trong một năm mà ông “được” xe cứu thương đưa đến phòng cấp cứu của bệnh viện đến bốn lần. Các bác sĩ không cho ông uống thuốc trị bệnh Parkinson nữa vì cho rằng chính các tác dụng của thuốc khiến ông mất thăng bằng và thường xuyên té ngã. Ấy vậy mà điều này chỉ khiến chứng run rẩy của ông thêm trầm trọng, làm cho những bước đi uể oải của ông thêm khó khăn. Rốt cuộc, ông được chẩn đoán mắc phải chứng giảm huyết áp do thay đổi tư thế - một tình trạng thường xảy ra ở người cao tuổi, được đặc trưng bởi sự tụt huyết áp khi chủ thể thay đổi tư thế, đặc biệt mỗi khi đứng lên ngồi xuống, và điều này khiến cho cơ thể không tạo đủ áp lực để bơm máu lên não. Điều duy nhất mà các bác sĩ có thể làm là căn dặn Shelley phải thận trọng và để mắt đến ông nhiều hơn.

Ban đêm, cô ấy phát hiện ra rằng cha mình rất thường xuyên gặp ác mộng. Lou thường mơ thấy chiến tranh và những cảnh chém giết. Ông chưa bao giờ đánh nhau ngoài đời, nhưng trong giấc mơ, ông nhìn thấy một kẻ thù nào đó cầm gươm tấn công ông, đâm ông hoặc chặt đứt cánh tay ông. Những hình ảnh đó hiện lên rất rõ ràng và đáng sợ trong giấc mơ của ông. Vì vậy mà mỗi khi ngủ, ông thường xuyên gào thét, vẫy đập tay chân và liên tục vỗ mạnh vào tường. Cà nhà có thể nghe thấy những tiếng la thất thanh của ông như “Khôôông!”, “Mày muốn gì?”, “Đồ khốn!”

“Cả đời tôi chưa bao giờ nghe bố nói những lời như thế,” Shelley bảo. Ông khiến cho cả nhà giật mình và mất ngủ nhiều đêm liền.

Gánh nặng trên vai Shelley càng lúc càng chồng chất. Ở tuổi chín mươi, cụ Lou không còn đứng vững và đủ minh mẫn để tự tắm cho mình nữa. Nghe theo lời khuyên của một chương trình tư vấn về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, Shelley cho lắp đặt thêm tay vịn trong phòng tắm của Lou, lắp đặt loại bồn cầu mà ông có thể ngồi vừa vặn và ghế để ông ngồi tắm, nhưng nhiêu đó vẫn chưa đủ. Thế là cô phải thuê thêm một người giúp việc đến làm công việc rửa chén bát và nhiều việc khác. Điều tréo ngoe là cụ Lou lại không thích tắm vào ban ngày - thời gian mà người giúp việc có thể đến để dọn dẹp nhà cửa và tiện thể chăm sóc ông luôn, ông muốn tắm vào ban đêm, và người giúp ông lúc đó chỉ có thể là Shelley. Thế là mỗi ngày cô ấy phải đảm đương thêm công việc mệt mỏi này nữa.

Một việc khác mệt nhọc không kém chính là thay quần áo cho ông sau khi ông tè dầm. Tuyến tiền liệt của ông không ổn, và mặc dù vị bác sĩ tiết niệu đã kê toa thuốc cho ông, ông vẫn thường xuyên gặp vấn đề mỗi khi đi vệ sinh, tè ướt cả quần áo trước khi kịp vào nhà tắm. Shelley cố gắng thuyết phục ông mặc tã cho người lớn để cô đỡ cực, nhưng ông không chịu. “Thứ đó là của con nít,” ông chê bai.

Kể từ khi cụ Lou chuyển đến sống chung với gia đình, gánh nặng trách nhiệm của Shelley vừa lớn lại vừa nhỏ. Ông không thích những món ăn mà cô làm cho cả nhà. Ông chẳng bao giờ phàn nàn. Ông chỉ đơn giản là ngồi đó và quyết không ăn. Thế là cô phải nấu đồ ăn riêng cho ông. Ông bị lãng tai nặng, và sẵn sàng vặn âm thanh tivi đến mức đinh tai nhức óc. Những thành viên khác trong gia đình yêu cầu đóng cửa phòng của ông để đỡ ồn, nhưng ông không chịu - làm thế thì chú cún thân yêu của ông không thể ra vào chơi với ông được. Nhiều khi Shelley ức chế đến mức muốn bóp cổ ông. Cuối cùng, cô tìm được một cặp thiết bị trợ thính gọi là “Tai nghe TV” dành cho người lãng tai. Ban đầu cụ Lou ghét chúng, nhưng cô buộc ông phải sử dụng chúng. “Chúng có khả năng cứu mạng người đấy bố ạ,” Shelley mỉa mai nói. Tôi thì nghĩ cô ấy ám chỉ rằng cặp tai nghe đó không chỉ trợ thính cho Lou, mà còn “cứu” cô và cả gia đình khỏi tiếng ồn tivi trong phòng ông.

Việc chăm lo cho một người già cà bệnh tật là một sự kết hợp vô cùng phức tạp và kỳ công giữa nghệ thuật chăm sóc, kiến thức và kỹ năng y học. Cụ Lou phải uống rất nhiều thuốc mỗi ngày, và các toa thuốc này phải được thường xuyên theo dõi, sắp xếp và thay mới. Ông có hẳn một thời khóa biểu đi khám bác sĩ dày đặc - có những khi tần suất đi khám lên đến hàng tuần - gồm hàng loạt các cuộc xét nghiệm, chụp phim, và trò chuyện tham vấn. Ông có sử dụng một thiết bị điện tử có chức năng báo động mỗi khi ông té ngã, và bản thân thiết bị này cũng phải thường xuyên được kiểm tra và thử lại hiệu quả hoạt động. Và Shelley phải đảm đương hết tất cả những việc này, hoàn toàn đơn độc với trách nhiệm chăm sóc cha mình. Kỳ thực, công việc chăm sóc gia đình ngày nay có khối lượng và áp lực nặng nề hơn hẳn thời trước. Shelley bỗng dưng trở thành một người quản lý gia đình kiêm luôn hàng tá công việc tay chân khác như phu khuân vác, tài xế, y tá, hộ lý, đầu bếp, giúp việc và nội trợ, bên cạnh trách nhiệm kiếm tiền. Từ khi cô không còn thuê các nhân viên chăm sóc tại gia, trách nhiệm chăm sóc cụ Lou và dẫn ông đi khám bệnh thường xuyên đã khiến cô làm việc kém hiệu quả trong công ty, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, khủng hoảng và về nhà với tâm trạng muốn phát điên. Kể cả với một sinh hoạt nhỏ nhặt thường ngày là cùng chồng con ra ngoài hóng mát vào buổi tối, cô cũng phải tìm người hoặc thuê người trông coi cụ Lou, và chỉ một sự cố nhỏ là đủ khiến cho cả một chuyến đi thư giãn bị “xôi hỏng bỏng không”. Một lần nọ, hai vợ chồng cô và lũ trẻ tổ chức đi nghỉ mát ở vùng biển Ca-ri-bê, nhưng họ không thể chơi bời đã đời như hồi trước, bởi ba ngày sau là phải thu dọn hành lý về nhà. Cụ Lou không thể sống thiếu Shelley.

Càng lúc, Shelley càng cảm thấy cuộc sống của mình... chẳng còn ra hồn người. Cô muốn làm một đứa con hiếu thảo. Cô muốn chăm lo tốt cho cha mình và muốn ông vui vầy. Nhưng cô cũng có cuộc sống của riêng mình. Một đêm nọ cô tâm sự với chồng, liệu họ có nên chuyển ông vào viện dưỡng lão? Cô cảm thấy xấu hổ ngay khi ý nghĩ đó chợt lóe lên trong đầu. Bởi làm thế đồng nghĩa với việc cô thất hứa với cha mình.

Tom cũng chẳng thể giúp gì được cho cô. “Quyền quyết định là của em,” anh bảo. “Còn bao nhiêu thời gian nữa đâu!”

Lạnh lùng là thế, nhưng lòng anh cũng nặng trĩu. “Tôi biết mình có phần vô ý với cô ấy,” Tom vừa kể tôi nghe vừa nhớ lại khoảng thời gian ba năm vừa qua. Giờ mọi chuyện đã vượt quá giới hạn chịu đựng của Shelley.

Cô có một người anh họ làm việc trong một tổ chức về chăm sóc người cao tuổi. Anh ta đề nghị Shelley nên mời một y tá ở đó đến nhà trò chuyện với cụ Lou và đánh giá tình trạng của ông, nhờ đó mà cô không phải đóng vai ác. Người y tá bảo rằng việc chăm sóc tại nhà không còn đảm bảo đối với tình hình sức khỏe hiện tại của Lou. Cô ta nói ông không nên ở nhà một mình suốt ngày nữa.

Ông nhìn Shelley một cách van nài, và cô con gái cũng biết cha mình đang nghĩ gì. Tại sao cô lại không thể xin nghỉ việc để toàn tâm toàn ý chăm sóc ông? Câu hỏi đó chợt hiện lên như một nhát dao đâm vào tim cô. Shelley bật khóc và nói với ông rằng cô không thể cho ông điều ông cần được nữa - cả về mặt tình cảm lẫn tài chính. Một cách lưỡng lự, ông đồng ý để cô đưa ông vào viện dường lão. Mọi chuyện diễn biến cứ như một quy luật không thể tránh khỏi, rằng một khi người ta già đi đến mức cơ thể đầy bệnh tật và lọm khọm, hạnh phúc chỉ còn là một giấc mơ hão huyền...

-o0o-

Nơi họ đến không phải là viện dưỡng lão, mà là một trung tâm trợ sinh. Ngày nay, khái niệm trợ sinh được xem là một bước trung chuyển giữa cuộc sống độc lập với việc sống trong nhà dưỡng lão. Nhưng hồi bà Keren Brown Wilson - một trong những người khai sinh ra khái niệm trợ sinh - xây dựng nhà trợ sinh đầu tiên ở bang Oregon vào những năm 1980, mục đích ban đầu của bà là tạo ra một nơi chốn tốt hơn dành cho người cao tuổi nhằm xóa sổ nhà dưỡng lão. Bà nỗ lực xây dựng nó chính là để hoàn toàn thay thế nhà dưỡng lão, chứ không phải là một “trạm trung chuyển” như cách hiểu của chúng ta ngày nay. Wilson tin rằng bà có thể kiến tạo ra một nơi chốn để những người cao tuổi như Lou Sanders vẫn có thể sống một cuộc sống tự chủ và tự do bất kể tình trạng sức khỏe thể chất của họ thế nào. Bà cho rằng già yếu không thể bị xem là cái tội, rằng không thể vì thế mà bạn phải sống những ngày cuối đời của mình trong một nơi không khác gì nhà thương điên. Bà ấp ủ và khao khát hiện thực hóa tầm nhìn rằng việc có một cuộc sống tốt hơn đúng nghĩa dành cho người cao tuổi là điếu hoàn toàn khả thi. Và bà có được tầm nhìn đó cũng chính từ những trải nghiệm cuộc đời tương tự như những gì mà cụ Lou và Shelley đang phải đối mặt - sự lệ thuộc bất đắc dĩ và trách nhiệm chăm sóc nặng nề vượt mức chịu đựng của con người.

Sinh ra ở Tây Virginia, từ nhỏ Wilson đã là một cô bé “mọt sách”, là con gái của một thợ mỏ và một phụ nữ làm nghề giặt ủi, cả hai đều không học hết lớp tám. Nhờ đam mê sách vở mà Wilson sớm hình thành tư tưởng cấp tiến. Khi bà đến tuổi đi học, cha bà qua đời. Rồi khi bà mười chín tuổi, người mẹ Jessie của bà hứng chịu một cơn đột quỵ khủng khiếp. Khi đó bà Jessie năm mươi lăm tuổi. Cơn đột quỵ khiến bà liệt nửa người kể từ đó mãi mãi trở về sau. Bà không thể đứng hay đi lại. Bà thậm chí không thể nhấc tay lên. Khuôn mặt bà mỗi lúc một gầy mòn tái nhợt. Giọng nói bà càng lúc càng líu nhíu. Mặc dù tâm trí bà vẫn còn sáng suốt và minh mẫn, bà không thể tự mình đi tắm, nấu ăn, làm vệ sinh cá nhân hay giặt giũ gì được nữa - việc đi làm trở nên bất khả thi. Bà cần phải được chăm sóc, trong khi Wilson chỉ mới là một tân sinh viên. Cô gái trẻ Wilson chưa kiếm ra tiền và không có điều kiện chăm sóc mẹ, khi mà chính cô đang phải ở trọ chung với một người bạn. Các anh chị em của cô cũng không khá khẩm gì hơn. Chỉ còn cách duy nhất là gửi mẹ cô vào viện dưỡng lão. Wilson tìm được một nhà dưỡng lão gần trường đại học của mình và đưa mẹ vào đó. Nó có vẻ là một cơ sở an toàn và thân thiện. Nhưng kể từ khi sống trong đó, bà Jessie không ngừng van nài con gái “Cho mẹ được về nhà!”

“Làm ơn mang mẹ ra khỏi đây,” bà nói đi nói lại một cách khẩn thiết.

Sống trong hoàn cảnh đó, Wilson hình thành mối quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực chính sách cho người cao tuổi. Sau khi ra trường, bà tìm được một công việc thuộc lĩnh vực dịch vụ chăm sóc người già ở bang Washington. Suốt nhiều năm trời, bà Jessie liên tục đổi nhà dưỡng lão sao cho được ở gần nhất với các con của mình. Bà chẳng thích nơi nào cả. Thời gian đó, Wilson kết hôn, và chồng bà - một nhà xã hội học - khuyến khích bà tiếp tục theo đuổi việc học. Bà trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ ở khoa lão khoa thuộc Đại học Portland State ở Oregon. Bà kể cho mẹ nghe rằng mình sẽ học lão khoa để được nghiên cứu sự già đi của con người, bà Jessie đáp lại bằng một câu hỏi làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của con gái mình: “Tại sao con không làm điều gì đó giúp ích được cho những người như ta?”

“Mong ước của mẹ tôi đơn giản lắm,” Wilson từng viết:

Mẹ muốn được sống trong một nơi có một căn nhỏ với một phòng tắm. Trong phòng có những thứ bà yêu thích, bao gồm con mèo của bà, những công còn đang dang dở, lọ kem Vicks VapoRub, ấm pha cà phê và thuốc lá. Xung quanh có vài người giúp việc có thể giúp bà làm những công việc mà bà không thể tự mình làm lấy. Trong cái nơi chốn tưởng tượng này, bà có quyền khóa cửa phòng riêng, điều chỉnh nhiệt độ máy điều hòa theo ý muốn, và bài trí những vật dụng và bàn ghế theo ý thích.

Không một ai có quyền đánh thức bà khi bà chưa muốn dậy, cất đi những bánh xà phòng bà ưa thích hoặc làm hỏng quần áo của bà. Không một ai được phép vứt đi những tờ tạp chí cũ và những món đồ Goodwill mà bà yêu thích chỉ vì chúng bị phán là không an toàn. Bà có quyền được riêng tư khi cần, và không ai có quyền ra lệnh bà mặc quần áo, uống thuốc hoặc tham gia các hoạt động mà bà không thích. Bà vẫn sẽ lại là một Jessie năng nổ, một con người sống độc lập trong nhà của mình, chứ không phải một bệnh nhân nắm liệt giường.

Wilson không biết phải làm gì khi mẹ bà nói ra những điều đó. Những yêu cầu của Jessie là chính đáng, nhưng lại bất khả thi đối với nơi bà đang sống. Wilson có thể thông cảm với đội ngũ y tá và nhân viên chăm sóc, bởi lẽ họ đã cố gắng chăm sóc mẹ bà hết sức có thể, bởi họ chỉ đơn giản là đang làm thật tốt công việc mình được giao, và bà cảm thấy có tội vì mình không thể giúp gì hơn được. Trong suốt khoảng thời gian đi học, câu hỏi day dứt của mẹ không ngừng ám ảnh bà. Càng tìm hiểu và khám phá lĩnh vực lão khoa, bà càng nhận ra rằng không một nhà dưỡng lão nào lúc bấy giờ có thể đáp ứng được những mong mỏi của Jessie. Tất cả chúng chỉ là những tòa nhà khép kín, với từng chi tiết trong đó được thiết kế ra chỉ để giám sát tối đa những người sống trong đó. Mang tiếng là được lập ra để chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an toàn cho người cao tuổi, nhưng toàn bộ cấu trúc được dựng nên kỳ thực chính là để phục vụ lợi ích kinh tế của các người chủ nhà dưỡng lão, và điều này càng khiến cho những nơi đó thêm ngột ngạt và không thể thích ứng với đổi thay. Thế là Wilson quyết định phác thảo ra một ý tưởng thay thế giúp cho người cao tuổi vừa được chăm sóc lại vừa có quyền làm chủ cuộc đời mình hết mức có thể, thay vì để cho bản thân bị kiểm soát hoàn toàn bởi những chế độ chăm sóc nghiêm ngặt và phi nhân bản.

Wilson bắt tay thực hiện ý tưởng với một từ khóa ấm áp trong tâm trí: tổ ấm. Tổ ấm - ngôi nhà đích thực của mỗi con người - là nơi mà những mối quan tâm của chúng ta được đặt lên hàng đầu. Chỉ có trong tổ ấm, bạn có quyền quyết định tối cao trong việc mình làm gì, sử dụng thời gian như thế nào, bố trí không gian ra sao, và quản lý mọi thứ đồ đạc tài sản của mình. Chỉ cần ra khỏi tổ ấm, bạn bị tước hết tất cả những quyền đó. Sự mất tự do tự chủ này chính là điều mà những người như Lou Sanders hay bà Jessie - mẹ của Wilson - sợ nhất.

Ngồi ngay tại bàn ăn tối của gia đình, Wilson và chồng phác thảo từng đặc tính của một ngôi nhà mới dành cho người cao tuổi, một tổ ấm thực sự mà mẹ bà hằng mong ước. Họ tìm kiếm đội ngũ nhân lực để xây dựng nó và thử nghiệm hiệu quả hoạt động của nó. Để làm được điều này, họ liên lạc với các cộng đồng hưu trí và giới nhà thầu xây dựng. Không một ai quan tâm. Ý tưởng của họ nghe có vẻ ngớ ngẩn và phi thực tế. Thế là hai vợ chồng quyết định tự mình xây dựng ngôi nhà, hiện thực hóa ý tưởng.

Cả hai người đều là những học giả trí thức chưa bao giờ phải động tay động chân làm những công việc như thế. Nhưng họ nỗ lực học hỏi từng bước một. Họ làm việc với một kiến trúc sư để thiết lập các bản vẽ mặt bằng chi tiết. Họ thân chinh đi hết ngân hàng này đến ngân hàng khác để vay tiền xây nhà. Không thành công, họ tìm một nhà đầu tư tư nhân ủng hộ việc họ làm, nhưng với điều kiện là họ phải để cho ông ta sở hữu phần lớn dự án này, và tự chịu mọi trách nhiệm nếu nó thất bại. Hai vợ chồng đồng ý và ký cam kết. Rồi chính quyển bang Oregon đe dọa rút giấy phép hoạt động của tòa nhà bởi các bản vẽ mặt bằng cho thấy đây là nơi ở của người tàn tật. Thế là Wilson bỏ ra nhiều ngày gõ cửa các cơ quan công quyền cho đến khi bà xin được giấy miễn trừ. Đây quả là một kỳ tích phi thường khi hai vợ chồng họ đã chinh phục được mọi rào cản, khi mà ý tưởng của họ tưởng chừng bất khả thi như thế. Và thế là vào năm 1983, “trung tâm trợ sinh” dành cho người cao tuổi đầu tiên ra đời - được đặt tên là Park Place - ở thành phố Portland, bang Oregon.

Cho đến ngày khai trương của mình, tầm vóc của Park Place không chỉ dừng lại với tư cách là một dự án lý thuyết học thuật trọng điểm. Nó là một dự án bất động sản tầm cỡ với 112 đơn vị, và tất cả các phòng này được lấp đầy ngay sau ngày khánh thành công trình. Ý tưởng của nó vừa cấp tiến lại vừa thu hút được sự quan tâm của cộng đồng. Mặc dù rất nhiều người sống trong đó là người bệnh nặng, tàn tật hoặc khuyết tật, không ai bị gọi là bệnh nhân. Họ chỉ đơn giản là những cư dân, những thành viên của “tổ ấm” và được đối đãi một cách xứng đáng với vị trí đó. Họ được sống trong những căn hộ riêng với đẩy đủ nhà tắm, nhà bếp và một cánh cửa ra vào có thể khóa từ bên trong (điều không tưởng đối với nhiều người lúc bấy giờ). Họ được phép nuôi thú cưng, lựa chọn thảm lót sàn và đồ đạc bàn ghế theo ý thích cá nhân. Họ có quyền tự điều chỉnh nhiệt độ trong phòng, những loại thức ăn mình ăn, cũng như quyết định những người được phép ra vào nhà của họ. Họ là những cư dân chính thức của tòa nhà - như Wilson không ngừng nhắc đi nhắc lại. Với những cư dân càng lúc càng già yếu hơn, họ sẽ được chăm sóc và giúp đỡ giống như cách ông nội tôi được gia đình chăm lo suốt những năm cuối đời. Những cư dân cao tuổi đó sẽ được hỗ trợ trong những sinh hoạt căn bản như ăn uống, chăm sóc bản thân và uống thuốc theo toa. Có một y tá trực tổng đài ở trung tâm trợ sinh, và các cư dân được trang bị nút bấm khấn cấp để gọi đội ngũ nhân viên bất cứ khi nào và bất kể ngày hay đêm. Ngoài ra, trung tâm còn nỗ lực hết mình sao cho các cư dân trong đó được tận hưởng một cuộc sống chất lượng thực sự - kết bạn, giữ liên lạc với thế giới sôi động bên ngoài, duy trì những thói quen và các hoạt động mà họ yêu thích.

Các dịch vụ ở trung tâm trợ sinh gần như tương đồng với những dịch vụ được cung cấp ở nhà dưỡng lão. Nhưng ở trung tâm này, các nhân viên được huấn luyện rằng mỗi một căn hộ là nhà riêng của cư dân, và chính điều này giúp thay đổi căn bản mối tương quan quyền lực giữa nhân viên và cư dân. Mỗi cư dân có quyền làm chủ lịch sinh hoạt của bản thân, những điều họ nên và không nên làm, và cả những rủi ro họ muốn hoặc không muốn nhận lấy. Nếu họ muốn thức trắng đêm và đi ngủ vào ban ngày, nếu họ muốn cho một người bạn từ bên ngoài của mình vào ở qua đêm, nếu họ muốn loại bỏ một toa thuốc nào đó khiến họ cảm thấy không ổn, nếu họ muốn ăn bánh pizza và nhai kẹo sô-cô-la M&M kể cả khi họ đã rụng gần hết răng, có vấn đề về cổ họng hoặc được bác sĩ yêu cầu là chỉ nên ăn thức ăn nghiền sẵn - họ có toàn quyến làm những việc đó. Nếu trí nhớ của họ sa sút đến mức họ không thể ra quyết định một cách sáng suốt được nữa, thì gia đình của họ - hoặc một người thân nào đó họ để cử - có thể đến thương thảo những rủi ro có thể xảy ra và những lựa chọn có thể chấp nhận được. Với khái niệm “trợ sinh” do Wilson thiết lập, người cao tuổi có thể an hưởng tuổi già mà không phải sống cuộc sống như ở tù.

Ngay lập tức, khái niệm đó đã hứng phải búa rìu dư luận. Lực lượng những người ủng hộ trường phái bảo vệ an toàn sức khỏe người cao tuổi bằng mọi giá cho rằng đó là một ý tưởng nguy hiểm. Làm sao mà đội ngũ nhân viên có thể đảm bảo sự an toàn của những người cao tuổi đằng sau những cánh cửa phòng bị khóa từ bên trong? Chuyện tồi tệ gì có thể xảy ra khi những người khuyết tật hoặc có ván đề về thần kinh được phép sử dụng bếp điện, dao cắt thức ăn, bia rượu, và những thứ đại loại như thế? Ai có thể đảm bảo rằng vật nuôi của những cư dân đó là hoàn toàn vô hại? Làm sao mà các nhân viên có thể làm vệ sinh thảm lót sàn, khử mùi nước tiểu và vi khuẩn khi mà chúng là tài sản riêng của cư dân mà họ không được phép đụng tay vào? Làm thế nào mà các y tá biết được rằng tình trạng sức khỏe của một cư dân nào đó đang biến đổi hoặc trở nên xấu đi?

Đó đều là những câu hỏi chính đáng. Một người không cho nhân viên đến lau dọn nhà cửa, liên tục hút thuốc lá và ăn kẹo đến mức tự chuốc lấy bệnh tiểu đường thực sự là gì: một hình mẫu của cuộc sống tự do, hay một nạn nhân của sự hờ hững thờ ơ để rồi kết cuộc cũng phải vào bệnh viện chữa bệnh? Giữa hai thái cực ấy không hề tồn tại một lằn ranh rõ ràng nào, và câu trả lời của Wilson cũng không thể đơn giản hay dễ dàng gì. Cả bà lẫn đội ngũ nhân viên của mình phải tìm mọi cách để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn tối đa cho các cư dân trong trung tâm trợ sinh. Đồng thời, bà làm việc với triết lý rằng đây là một nơi mà các cư dân trong đó được quyền thụ hưởng tối đa sự tự chủ và riêng tư khi được sống trong những căn hộ dành cho mình và thuộc về mình - bao gồm cả quyền được khước từ những sự áp đặt không cần thiết.

Ngay cả chính quyền bang cũng theo dõi sát sao dự án trung tâm trợ sinh này. Khi dự án mở rộng quy mô bằng việc xây dựng một cơ sở trợ sinh thứ hai ở một địa điểm khác cũng trong thành phố Portland - gồm 142 căn hộ dành cho những người già nghèo khổ neo đơn đang phải sống bằng trợ cấp chính phủ, chính quyền bang đã yêu cầu hai vợ chồng Wilson phải theo dõi tình trạng sức khỏe, khả năng nhận thức, những sinh hoạt căn bản và mức độ hài lòng của các cư dân. Vào năm 1988, kết quả khảo sát được công bố, cho thấy rằng không hề có chuyện các cư dân ở đây “bán rẻ” sự an toàn sức khỏe để đổi lấy cuộc sống tự do tự chủ như nhiều người đã nghĩ. Mức độ hài lòng của họ càng lúc càng tăng cao trong khi sức khỏe của họ vẫn được đảm bảo tốt. Khả năng nhận thức và chất lượng sinh hoạt cá nhân của họ thậm chí được cải thiện và tiến bộ. Tỉ lệ trầm cảm giảm mạnh. Và chi phí tài trợ của chính phủ để duy trì hoạt động của trung tâm trợ sinh thì thấp hơn 20 phần trăm so với nhà dưỡng lão. Dự án nhà trợ sinh của hai vợ chồng Wilson gặt hái thành công ngoài sức tưởng tượng.

-o0o-

Trọng tâm ý tưởng của Wilson giúp chúng ta giải quyết được phần nào một vấn đề đơn giản mà nhân văn: Làm thế nào để duy trì một cuộc sống đáng sống khi mà chúng ta mỗi lúc một già yếu và mất dần khả năng tự chăm sóc bản thân? Vào năm 1943, nhà tâm lý học Abraham Maslow công bố một công trình khoa học có ảnh hưởng sâu rộng đến tận ngày nay: “Lý thuyết về Động Lực Con Người”, trong đó, ông miêu tả rằng con người sống trên cơ sở một hệ thống các nhu cầu được xếp theo cấp bậc thường được biểu diễn dưới dạng kim tự tháp. Đáy tháp là những nhu cầu căn bản hàng ngày của chúng ta - những điều kiện thiết yếu giúp chúng ta tần tại (ăn, uống và hít thở không khí) và đảm bảo sự an toàn về mặt thể xác (chẳng hạn như luật pháp, trật tự, và sự ổn định.) Lên một nấc là nhu cầu được gắn kết và yêu thương. Trên nữa là khát khao được phát triển và khôn lớn - hiện thực hóa những mục tiêu cuộc sống, làm chủ kiến thức và kỹ năng, nhu cầu được tôn trọng và tưởng thưởng cho những nỗ lực và thành tựu của bản thân. Cuối cùng, đỉnh tháp là một khao khát tối cao của con người được Maslow đặt tên là “Hiện thực hóa bản thân” - thể hiện bản thân thông qua việc theo đuổi sự sáng tạo và các lý tưởng đạo đức vì chính những giá trị bên trong của chính chúng chứ không phải vì mưu lợi cá nhân.

Maslow lập luận rằng sự tần tại và an toàn vẫn luôn là những nhu cầu cũng như mục tiêu chủ đạo và mang tính nền tảng của cuộc sống con người, kể cả khi chúng ta trở nên già yếu, không còn nhiều sự lựa chọn cũng như khả năng sống còn. Nếu quả đúng như vậy, việc các chính sách về nhà dưỡng lão luôn tập trung vào vấn đề sức khỏe và an toàn của người cao tuổi chính là sự công nhận và hiện thực hóa những mục tiêu đó. Chúng luôn được xem là mối quan tâm hàng đầu của mọi con người.

Tuy vậy, thực tế thường không mấy đơn giản như sách vở. Con người thời nay thường sẵn sàng bỏ quên hoặc hy sinh sự an toàn và sức khỏe bản thân vì những thứ vượt trên bản thân họ, chẳng hạn như gia đình, tổ quốc, hoặc công lý. Và điều này vẫn luôn diễn ra bất chấp tuổi tác.

Hơn thế, sự ổn định không còn là động lực sống chủ yếu của phần lớn chúng ta ngày nay. Theo thời gian, các động lực thúc đẩy của con người không ngừng thay đổi và không còn phù hợp hoàn toàn với mô hình tháp nhu cầu kinh điển của Maslow nữa. Khi còn trẻ, hầu hết mọi người chăm lo học tập để phát triển và tìm kiếm cách thức thể hiện bản thân mình, như chính Maslow đã miêu tả. Chúng ta càng lớn, cuộc sống chúng ta càng rộng mở ra thế giới bên ngoài. Chúng ta tìm kiếm những trải nghiệm mới, những mối quan hệ xã hội rộng hơn, và lùng sục những cách thức giúp bản thân mình để lại dấu ấn nổi bật trên thế gian này. Tuy nhiên, đến nửa sau của cuộc đời, những mối quan tâm của chúng ta biến đổi mạnh mẽ, gần như đảo ngược một trăm tám mươi độ. Người ta không còn dành quá nhiều thời gian cho việc theo đuổi các thành tựu sự nghiệp và những mối quan hệ xã hội nữa. Họ thu hẹp cuộc sống. Nếu được lựa chọn, phần lớn người trẻ thích gặp gỡ và làm quen với càng nhiều bạn mới càng tốt, hơn là dành thời gian cho gia đình hoặc anh chị em; trong khi người già thì ngược lại. Nhiều cuộc nghiên cứu đã cho thấy càng lớn tuổi, người ta càng tương tác với ít người hơn, chủ yếu dành nhiều thời gian cho gia đình và những mối quan hệ bạn bè thân thiết hoặc lâu năm. Họ bắt đầu chăm lo cho bản thân nhiều hơn công việc, và học cách hài lòng với hiện tại hơn là hướng về tương lai.

Việc hiểu được sự chuyển dời nhu cầu này là cần thiết để chúng ta hiểu được tuổi già của con người. Rất nhiều lý thuyết đã được thiết lập nhằm giải thích vì sao sự chuyển dời đó lại xuất hiện. Một số người lập luận rằng sự từng trải và già đời theo năm tháng khiến con người thay đổi suy nghĩ. Số khác thì cho rằng đó là hệ quả nhận thức từ những sự thay đổi diễn ra trong mô não suốt quá trình lão hóa. Vài nhà khoa học lại thấy rằng sự thay đổi hành vi đó được áp đặt lên người cao tuổi chứ không hẳn là điều họ muốn làm trong thâm tâm. Họ phải thu hẹp cuộc sống bởi sự sa sút về mặt thể chất và trí não khiến họ không thể theo đuổi các mục tiêu cuộc đời một cách năng động và nhiệt huyết như hồi trẻ, hoặc bởi chính quy luật tự nhiên buộc họ phải sống chậm lại, đơn giản vì họ đã già. Thay vì chống lại tự nhiên, họ chọn cách thích nghi - hoặc nói một cách thẳng thắn và đáng buồn hơn, họ buông súng đầu hàng trước quyền năng vô song của tự nhiên.

Suốt vài thập kỷ qua, một trong những nhà khoa học hiếm hoi có những công trình nghiên cứu sáng tạo để đời giúp xác thực lại những vấn đề trên chính là nhà tâm lý học Laura Carstensen đến từ Đại học Stanford. Trong một công trình nghiên cứu quan trọng của bà, Carstensen cùng các cộng sự của mình đã theo dõi diễn biến trải nghiệm cảm xúc của gần hai trăm người liên tục suốt nhiều năm trời. Các đối tượng khảo sát có thành phần xuất thân đa dạng và thuộc nhiều độ tuổi khác nhau (người trẻ nhất là mười tám tuổi, người già nhất là chín mươi tư tuổi tại thời điểm bắt đầu khảo sát.) Ngay từ thời điểm tiến hành khảo sát và cứ sau đó năm năm, mỗi đối tượng nghiên cứu được phát một chiếc máy điện liên để mang theo suốt hai mươi bốn giờ mỗi ngày liên tục trong một tuần. Những đối tượng khảo sát này được luân phiên ngẫu nhiên ba mươi lăm lần trong tuần, và được yêu cầu chọn ra một cảm xúc trong bảng danh sách tất cả các cảm xúc họ trải nghiệm để miêu tả chính xác những gì họ cảm nhận trong khoảnh khắc dó.

Nếu tháp nhu cầu của Maslow là đúng, sự thu hẹp cuộc sống khi về già hẳn là sẽ khiến con người đánh mất nhiều nguồn cảm hứng và những hoạt động giúp họ thể hiện bản thân, và thế là tuổi càng cao, người ta càng cảm thấy bất hạnh và bất mãn. Tuy vậy, kết quả nghiên cứu của Carstensen không chỉ hoàn toàn trái ngược, mà lại còn rất rõ ràng dứt khoát. Các đối tượng khảo sát không hề cảm thấy bất hạnh khi họ lớn tuổi, mà họ kể rằng tuổi cao mang lại cho họ nhiều cảm xúc tích cực hơn hẳn. Họ không còn thường xuyên lo âu, trầm cảm, hay dễ nổi nóng như hồi trẻ. Họ đã biết nhân quả, trải qua nhiều thử thách lẫn đắng cay thăng trầm - những trải nghiệm bao gồm nhiều cảm xúc tiêu cực lẫn tích cực trộn lẫn vào nhau. Nhưng nhìn chung, họ cảm thấy cuộc sống của mình càng lúc càng ổn định và viên mãn hơn theo thời gian, bất chấp thực tế rằng tuổi cao làm thu hẹp các hoạt động và trải nghiệm của họ.

Những khám phá trên đặt ra một vấn đề khác sâu xa hơn. Nếu chúng ta thay đổi nhu cầu cuộc sống theo hướng biết hài lòng với những gì mình có, vui với những niềm vui nho nhỏ và các mối quan hệ đơn giản nhưng sâu sắc và chân tình thay vì bị ám ảnh bởi công danh, sự thành đạt hay giàu có về mặt tài sản, và nếu chúng ta tìm thấy ý nghĩa đích thực từ sự chuyển đổi này, thế thì tại sao hầu hết chúng ta mất quá nhiều năm cuộc đời để ngộ ra điều đó? Câu trả lời được nhiều người chấp nhận là: Đó là những bài học cuộc sống không dễ gì nhận ra được. Sống cũng có thể xem là một kỹ năng. Sự bình tĩnh và thông thái cần được hình thành và tích lũy theo thời gian bằng trải nghiệm sống phong phú.

Nhưng Carstensen thì lại bị hấp dẫn bởi một cách giải thích khác. Sẽ thế nào nếu sự thay đổi về mặt nhu cầu, nhận thức và mong ước bản thân không hề liên quan đến tuổi tác? Kỳ thực, nó chỉ phụ thuộc vào quan điểm - cách mỗi người nhận thức về sự hữu hạn của cuộc sống và bản thân mình trên thế gian. Trên phương diện khoa học, đây quả là một ý tưởng lạ kỳ. Nhưng Carstensen có lý do riêng của mình khi cho rằng thứ quan trọng nhất ở đây chính là quan điểm cá nhân của mỗi người - từ một trải nghiệm thập tử nhất sinh đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời bà kể từ đó.

Biến cố đó xảy ra vào năm 1974. Khi đó, cô gái trẻ Carstensen mới hai mươi mốt tuổi, vừa hạ sinh một em bé và đang sống chung với một ông chổng sắp ly dị. Cô chỉ có bằng tốt nghiệp trung học và một cuộc sống bần cùng đến nỗi một sự nghiệp khoa học thành công như ngày hôm nay chỉ là chuyện không tưởng đối với cô vào thời điểm ấy. Vào một đêm nọ, cô để đứa con ở nhà cho cha mẹ trông để đi ra ngoài đàn dúm với bạn bè và xem ban nhạc Hot Tuna biểu diễn. Sau khi buổi văn nghệ kết thúc, cả nhóm đi về trên chiếc buýt VW nhỏ vốn đã chật ních hành khách như ép cá mòi; và, trên một đoạn đường ở Rochester, New York, bác tài say rượu bị mất lái, khiến xe tông vào một dải đất đắp cao bên đường.

Carstensen vẫn còn sống. Cô bị chấn thương đầu, xuất huyết bên trong, với nhiều chiếc xương bị gãy trong người. Cô phải nằm viện suốt nhiều tháng liền. “Lúc đó trông tôi thảm lắm, người thì nằm liệt giường, chân thì bị cố định chổng lên trời,” Carstensen kể tôi nghe. “Suốt ba tuần đầu nằm viện, tôi đã có rất nhiều thời gian suy nghĩ về sự đời, khi mà mọi chuyện trở nên thật kinh khủng, và tôi thì cứ nửa tỉnh nửa mê, tỉnh xong lại hôn mê, hôn mê rồi lại tỉnh.”

“Tôi nhận ra rằng suýt chút nữa là mình có thể đã mất mạng, và tồi bắt đầu nhìn nhận mọi thứ rất khác. Tôi nhận ra những người xung quanh mình quan trọng với mình thế nào. Khi đó tôi chỉ mới hai mươi mốt tuổi. Chứ trước đó, đầu óc tôi chỉ toàn những câu hỏi như: Tôi sẽ làm gì trong thời gian tới? Làm thế nào để thành công trong cuộc sống? Liệu mình sẽ tìm được một người bạn đời lý tưởng chứ? Rất nhiều những câu hỏi mà tôi cho là dễ hiểu đối với một cô gái đôi mươi.”

“Vậy mà chỉ sau biến cố bát ngờ đó, cứ như thể tôi vừa chết đi sống lại giữa đường. Khi tôi nhìn lại những điều quan trọng với mình, mọi thứ trông rất khác.”

Lúc đó, Carstensen đâu biết rằng quan điểm sống mới vừa hình thành của cô ấy lại tương đồng với suy nghĩ của những người cao tuổi đến thế. Nhưng bốn người bệnh nhân khác nằm cùng phòng với cô đều là những phụ nữ lớn tuổi - chân của họ cũng bị bó bột và cố định trên không do nứt xương hông, và thế là Carstensen đồng cảm với họ.

“Tôi nằm đó, chung quanh là những người già. Tôi muốn bắt chuyện với họ, muốn biết vì sao họ lại bị như thế.” Cô gái trẻ nhận ra rằng những người phụ nữ kia được đối xử khác với mình. “Các bác sĩ liên tục ghé thăm tôi và hỏi chuyện tôi cả ngày, trong khi với bác Sadie ở giường bên cạnh, họ chỉ vẫy tay và nói, ‘Mọi việc vẫn ổn, bà tiếp tục cố gắng nhé!’ rồi rời đi.” Thông diệp ở đó là: Cuộc đời của cô gái trẻ kia còn dài, vẫn còn rất nhiều hy vọng và nhiều điều phải làm. Còn những người phụ nữ cao tuổi kia thì không.

“Chính biến cố đó đã dẫn dắt tôi đến với ngành lão khoa,” Carstensen bảo. Nhưng tại thời điểm sau tai nạn đó, cô gái trẻ Carstensen vẫn chưa có quyết định gì cụ thể đến thế. “Tôi chưa bao giờ tưởng tượng đến ngày mình trở thành giáo sư đại học Stanford như bây giờ; lúc đó, nó là một ý niệm chưa bao giờ tồn tại trong đầu tôi.” Khi ấy, cha cô nhận ra con gái mình buồn chán thế nào khi phải nằm lì một chỗ suốt một thời gian dài như vậy, thế là ông tranh thủ đăng ký hộ cô một khóa học ngắn hạn ở một trường cao đẳng địa phương. Ông tham dự đầy đủ các buổi học, ghi âm lại toàn bộ các bài giảng, và mang những cuốn băng đến cho Carstensen. Chính những kiến thức đầu tiên được nghe từ các cuốn băng của cha đã khiến cô quyết định khởi đầu con đường học đại học của mình ở khoa chỉnh hình thuộc một bệnh viện nọ.

Vậy cái khóa học đâu tiên mang tính bước ngoặt đó của Carstensen là gì thế nhỉ? Câu trả lời: Nhập môn Tâm lý học. Tại khoa chỉnh hình, cô được trải nghiệm thực tế tất cả những gì mình học trong sách vở. Ngay từ năm đâu tiên, cô đã nhận ra rằng ngay cả các chuyên gia trong ngành không phải lúc nào cũng đúng, rằng vẫn còn vài lỗ hổng trong những gì họ biết.

Mười lăm năm sau, khi đã trở thành học giả, Carstensen liên tưởng lại biến cố ngày ấy và hình thành một giả thuyết: Cách chúng ta sử dụng quỹ thời gian của mình phụ thuộc vào suy nghĩ của mỗi người về việc mình đang có bao nhiêu thời gian để sống. Khi bạn còn trẻ và khỏe mạnh, bạn tin rằng mình sẽ mãi mãi được sống như thế. Bạn chưa lo nghĩ đến viễn cảnh một mai mình sẽ mất đi vài khả năng cũng như nguồn sức trẻ dồi dào đó.

Người ta bảo bạn rằng: “Cả thế gian này là con sò của bạn”[5], “Giới hạn duy nhất là bầu trời”, vân vân và vân vân… Và thế là bạn trì hoãn việc hài lòng – đầu tư thời gian tuổi trẻ để tạo giá trị, chẳng hạn như đầu tư cho việc học hỏi, trau dồi kỹ năng, nguồn lực và vốn sống để có một tương lai tươi sáng hơn. Bạn không ngừng tìm kiếm và hòa mình vào những dòng tri thức hùng vĩ hơn. Bạn mở rộng vòng tròn bè bạn và có thêm nhiều mối quan hệ xã hội thay vì ở nhà bám váy mẹ. Khi mà cuộc sống của bạn vẫn còn có thể được đếm bằng số thập kỷ - một khoảng thời gian còn quá dài để mà con người ta phải lo nghĩ, bạn thường khao khát những thứ nằm trên đỉnh tháp nhu cầu của Maslow - sự thành đạt, sự sáng tạo, và nhiều những thuộc tính khác của công cuộc “hiện thực hóa bản thân”. Nhưng khi thời gian của bạn càng lúc hữu hạn - khi bạn nhận ra tương lai mình càng lúc càng vô định và không chắc chắn, bạn bắt đầu học cách hài lòng với hiện tại, tận hưởng từng ngày trôi qua và dành thời gian cho những người thực sự quan trọng trong cuộc sống của mình.

Carstensen đặt cho giả thuyết của mình một cái tên vững chãi và không thể chối cãi: “Lý thuyết về tính chọn lọc cảm xúc xã hội”. Hiểu một cách đơn giản, lý thuyết này gắn liền với quan điểm cũng như góc độ nhìn nhận của chủ thể trong cuộc sống. Bà thực hiện hàng loạt các cuộc khảo sát và thí nghiệm để thể nghiệm tính xác thực của ý tưởng mình đề ra. Trong một cuộc khảo sát nọ, Carstensen và các cộng sự của bà làm việc với những đối tượng nghiên cứu là nam giới từ hai mươi ba đến sáu mươi sáu tuổi. Vài người đàn ông trong số đó là người khỏe mạnh. Số còn lại là những người bị nhiễm HIV/AIDS. Các đối tượng nghiên cứu được phát những tấm thẻ mà trong đó miêu tả những người họ quen biết, từ các thành viên thân thuộc trong gia đình cho đến nhà văn họ yêu thích, và họ được yêu cầu sắp xếp những tấm thẻ đó theo một thứ tự đâu là người mà họ sẵn sàng dành nửa tiếng để trò chuyện hoặc ở bên cạnh người đó nhất. Nhìn chung, các đối tượng nghiên cứu càng trẻ tuổi càng không có xu hướng dành thời gian cho gia đình hoặc những người thân thiết với họ về mặt cảm xúc, mà họ sẽ ưu tiên thời gian cho những người có tiềm năng mang lại cho họ những tri thức mới hoặc các mối quan hệ mới. Tuy nhiên, trong nhóm những đối tượng nghiên cứu mắc bệnh, sự khác biệt về mặt tuổi tác gần như không còn tồn tại. Những mối ưu tiên của các bệnh nhân AIDS trẻ tuổi gần như tương đồng với suy nghĩ của những bệnh nhân AIDS cao tuổi.

Carstensen cố gắng tìm kiếm những lỗ hổng chưa hoàn thiện trong lý thuyết của mình và không ngừng mài giũa nó. Trong một cuộc nghiên cứu khác, bà và các cộng sự khảo sát một nhóm người khỏe mạnh trong độ tuổi từ tám đến chín mươi ba tuổi. Khi các nhà khoa học hỏi họ rằng họ thường thích làm gì trong nửa tiếng rảnh rỗi, sự khác biệt về mặt tuổi tác lại thêm một lần nữa hiện rõ. Nhưng khi họ được yêu cầu tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ phải đi thật xa khỏi những gì thân thuộc với mình, lần này thì các câu trả lời của mọi lứa tuổi lại tương đồng. Người trẻ có những lựa chọn giống với người già. Kế tiếp, các nhà nghiên cứu yêu cầu họ tưởng tượng xem mình sẽ làm gì nếu y học vừa phát minh ra một công nghệ mới giúp kéo dài tuổi thọ con người thêm hai mươi năm nữa. Sự khác biệt về mặt tuổi tác lại biến mất - khi mà người già cũng trả lời gần giống người trẻ.

Sự khác biệt về mặt văn hóa cũng không tác động đáng kể lên suy nghĩ của mỗi người về những vấn đề đó. Kết quả nghiên cứu ở Hồng Kông tương tự như kết quả khảo sát ở Mỹ. Yếu tố duy nhất mang tính quyết định chỉ là quan điểm hay góc độ nhìn nhận. Một năm kể từ sau cuộc khảo sát ở Hồng Kông, giới truyền thông đưa tin rằng lãnh thổ này sẽ được trao trả lại cho Trung Quốc. Người dân ở đây bắt đâu lo lắng cùng cực về việc chuyện gì sẽ xảy ra với bản thân và gia đình mình dưới sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc. Nhóm nghiên cứu của Carstensen nhận ra đây là một cơ hội tốt để tái lập cuộc nghiên cứu ở đây. Quả thật, họ khám phá ra rằng tình hình chính trị biến đổi khiến cho hầu hết người dân già trẻ lớn bé bắt đầu thu hẹp các mối quan hệ xã hội đến mức cách biệt tuổi tác gần như biến mất. Một năm sau sự kiện trao trả Hồng Kông, khi mà tình trạng mập mờ âu lo không còn, nhóm nghiên cứu lại thực hiện khảo sát thêm một lần nữa. Lần này, sự khác biệt quan điểm giữa các lứa tuổi tái xuất. Họ lặp lại cuộc khảo sát ở Mỹ sau sự kiện khủng bố ngày 11/9, và một thí nghiệm tương tự ở Hồng Kông trong thời gian dịch bệnh SARS hoành hành vào mùa xuân năm 2003 khiến cho ba trăm người tử vong chỉ trong vòng vài tuần. Kết quả của các cuộc khảo sát là tương tự nhau. Các nhà nghiên cứu rút ra kết luận, rằng: Trong những tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”, những động cơ và mục tiêu sống của con người bỗng dưng thay đổi hoàn toàn. Nhân tố quyết định vẫn luôn là quan điểm hay góc độ nhìn nhận, chứ không phải tuổi tác.

Đại văn hào Tolstoy đã sớm nhận ra điều đó. Khi tình trạng sức khỏe của Ivan Ilyich mỗi lúc một xấu đi và ông ta bắt đâu ngộ ra rằng thời gian của mình hữu hạn đến dường nào, mọi niềm kiêu hãnh và tham vọng hư danh của ông đều biến mất. Lúc đó, ông chỉ cần một ai đó an ủi và bầu bạn với mình. Vậy mà cái nguyện vọng đơn giản đó của ông lại chẳng được ai hiểu - từ gia đình, bạn bè thân thiết, cho đến một loạt các thầy lang được vợ ông trả tiền mời đến để chữa bệnh cho ông.

Tolstoy vạch trần cho chúng ta thấy cái hố sâu ngăn cách giữa một người đang phải đấu tranh giành giật sự sống và những người đang được tận hưởng cuộc sống ấm êm. Đại văn hào đã thấu hiểu được nỗi thống khổ của một con người khi phải chịu đựng thực tế cay nghiệt đó một cách lẻ loi đơn độc. Nhưng ông còn nhìn thấy một điều khác nữa: Kể cả khi nhận thức về cuộc sống hữu hạn khiến chúng ta phải thay đổi hoàn toàn những mong ước và khát khao của mình, những khao khát mới này vẫn có thể được hiện thực hóa. Mặc dù không một ai trong gia đình, bạn bè và các thầy lang của Ivan Ilyich chịu hiểu cảm nhận của ông, có một người khác đã đồng cảm với ông - người đầy tớ Gerasim. Chứng kiến Ivan Ilyich giãy giụa trong đau đớn, sợ hãi và cô độc, Gerasim cảm thấy xót thương cho chủ nhân của mình và nhận thức được rằng sớm muộn gì kết cuộc đó cũng sẽ đến với mình. Trong khi những người khác tìm cách lảng tránh Ivan Ilyich, Gerasim luôn bên cạnh trò chuyện với ông. Đáp lại, Ilyich nhận ra rằng khoảnh khắc duy nhất giúp ông cảm thấy an tâm và vơi bớt mọi nỗi đau chính là những khi được đặt đôi chân suy kiệt yếu ớt của mình lên vai Gerasim. Người đầy tớ tốt bụng sẵn sàng ngồi chăm lo cho chủ nhân của mình suốt những đêm dài để ông yên tâm nghỉ ngơi. Họ chẳng còn quan tâm đến địa vị, vai vế hay sự cách biệt giai cấp giữa hai người. Gerasim không ngại việc tự tay chăm sóc Ilyich, bê ẵm ông mỗi khi ông cần tiểu tiện hoặc đại tiện, để rồi sau đó lau dọn sạch sẽ cho chủ của mình. Người đầy tớ này tự nguyện chăm sóc chủ nhân mà không một chút toan tính hay mưu lợi, và cũng không áp đặt bất kỳ mong muốn cá nhân nào lên nguyện vọng của Ivan Ilyich. Chính nghĩa cử nho nhỏ này đã tạo ra một sự thay đổi lớn chưa từng có trong những ngày cuối đời của Ivan Ilyich:

Gerasim chăm sóc ông bằng cả sự nhiệt tình, dịu êm, giản đơn, và một sự tử tế khiến cho Ivan Ilyich cảm động đến tận tâm can. Trong khi sức khỏe, quyền lực, và sự sống của những kẻ khỏe mạnh lành lặn ngoài kia đang từng ngày khiến ông hao mòn, thì sức mạnh và trái tim của Gerasim là những thứ duy nhất có quyền năng làm vơi đi mọi nỗi đau của ông.

Chính cái sự quan tâm chăm sóc giản đơn nhưng đầy tình người đó - sự thấu hiểu nỗi đau của một người sắp chết cũng như nhu cầu cần được an ủi, bầu bạn, và cần những sự giúp đỡ nho nhỏ nhưng chân thành - mới là điều mà những người cao tuổi thực sự khao khát, nhưng nó lại thiếu sót và hiếm hoi hơn bao giờ hết ở cái thời buổi công nghiệp hiện đại nhưng vô cảm này. Đó là điều mà bà Alice Hobson thực sự cần, nhưng lại chẳng thể nào tìm thấy cho đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay. Đó cũng là điều mà con gái của ông Lou Sanders nhận ra sau hàng mấy năm trời chăm nom mệt mỏi, rằng một mình cô không đủ sức đem đến cho cha mình những điều ông thực sự cần. Nhưng với sự ra đời của khái niệm trợ sinh, Keren Brown Wilson chứng minh rằng một ngôi nhà, một tổ ấm đích thực cho người già là điều hoàn toàn khả thi.

-o0o-

Ý tưởng nhà trợ sinh nhanh chóng được phổ biến khắp nơi. Vào khoảng năm 1990, trên cơ sở những thành công ban đầu của Wilson, chính quyền Oregon ban hành chính sách khuyến khích việc xây dựng nhiều hơn nữa những cơ sở trợ sinh giống như thế trên toàn bang. Cùng với chồng mình, Wilson giúp nhân rộng mô hình và hỗ trợ các dự án xây dựng nhà trợ sinh khác. Họ tìm thấy một thị trường đầy tiềm năng cho ý tưởng của họ. Rất nhiều người dân sẵn sàng chi trả nhiều tiền để không phải sống những ngày cuối đời mình trong viện dưỡng lão, và nhiều chính quyền bang khác thậm chí tài trợ cho nhiều người già neo đơn được sống trong đó.

Không lâu sau đó, Wilson đến Wall Street để tìm kiếm tài trợ cho các dự án nhà trợ sinh kế tiếp. Công ty riêng của bà - Asssisted Living Concepts - được lên sàn. Nhiều thương hiệu khác như Sunrise, Atria, Sterling, Karrington, cũng như lĩnh vực nhà trợ sinh trở thành một trong những loại hình bất động sản phát triển nhanh nhất nước Mỹ lúc bấy giờ. Cho đến năm 2000, từ một doanh nghiệp dưới một trăm nhân viên, công ty của Wilson phát triển mạnh và mở rộng quy mô lên hơn ba nghìn người, điều hành 184 cơ sở trợ sinh ở mười tám bang. Đến năm 2010, số người chuyển đến ở trong nhà trợ sinh bằng với số người sống trong các viện dưỡng lão.

Nhưng rồi một điều không may đã xảy ra. Khái niệm trợ sinh phổ biến rộng khắp đến nỗi nó trở thành một cụm từ bị các tay bất động sản lạm dụng nhiều nhất để câu khách. Ý tưởng tốt đẹp ban đầu của Wilson với tư cách là một sự thay thế hoàn hảo cho viện dưỡng lão bị biến tướng thành hàng loạt những khu ở ít dịch vụ và kém chất lượng. Tình trạng này trở nên nghiêm trọng đến nỗi Wilson phải điều trần trước Quốc hội và toàn thể người dân Mỹ để cảnh báo mọi người về sự phổ biến ngoài tầm kiểm soát của nhà trợ sinh.

“Trong khi chúng tôi nỗ lực làm cho nhà trợ sinh trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của mỗi người dân, bỗng dưng nó bị biến tướng thành một phiên bản lỗi của nhà dưỡng lão, hay một cơ sở y tế mười sáu giường núp bóng cái tên ‘nhà trợ sinh’ để rút hầu bao của khách,” bà trình bày. Bất chấp vô vàn nỗ lực của bà trong việc duy trì và phát triển triết lý nhà trợ sinh, chẳng có mấy người mặn mà với những điều bà đang làm.

Giờ đây, trong mắt công chúng, nhà trợ sinh chỉ đơn giản là một “trạm trung chuyển” giữa cuộc sống độc lập và viện dưỡng lão. Nó trở thành một ý tưởng được nhiều người biết đến thuộc quy trình “chăm sóc liên tục”, một cụm từ nghe rất ổn và hợp lý, nhưng lại nhằm mục đích duy trì những điều kiện chăm sóc người cao tuổi như thể họ là trẻ mẫu giáo. So với ý tưởng ban đầu của Wilson, các quy định trong luật pháp cùng những mối quan tâm về sự an toàn càng lúc càng hạn chế những gì mà cư dân nhà trợ sinh được phép làm trong căn hộ riêng của mình, với nhiều hoạt động chung trở thành bắt buộc đối với mọi cư dân, và nhiều nội quy ngặt nghèo mà cư dân phải tuân thủ nếu không muốn bị xếp vào loại “cá biệt” để rồi được chuyển thẳng đến nhà dưỡng lão. Lần nữa, thứ ngôn ngữ chuyên môn cứng nhắc của y học - nhằm đảm bảo những thứ mà nó định nghĩa là sự tồn tại và an toàn của con người - lại thống trị. Wilson giận dữ lý luận rằng ngay cả trẻ con còn được phép trải nghiệm rủi ro hơn cả người cao tuổi. Nhà trẻ chí ít còn có sân chơi và xích đu để đảm bảo cho lũ trẻ được sống đúng nghĩa.

Vào năm 2003, một cuộc khảo sát được thực hiện trên một nghìn năm trăm cơ sở trợ sinh cho thấy chỉ có 11 phần trăm trong số những nơi đó là cung cấp đầy đủ các tiện nghi, dịch vụ và đảm bảo sự riêng tư để người già yếu có thể duy trì cuộc sống ở đó dài lâu. Ý tưởng nhà trợ sinh với tư cách là một sự thay thế hoàn hảo cho nhà dưỡng lão giờ chỉ còn là dĩ vãng. Ngay cả ban giám đốc công ty của Wilson - sau khi phải chứng kiến những công ty tương tự khác cũng từ bỏ dần lý tưởng ban đầu và chuyển sang những hướng đi khác an toàn và ít tốn kém hơn - cũng bắt đầu nghi ngờ những tiêu chuẩn và triết lý của bà. Bà chỉ muốn xây những tòa nhà nhỏ hơn, ở những thị trấn nhỏ nơi người cao tuổi không còn lựa chọn nào khác ngoài nhà dưỡng lão, và bà muốn thiết lập những căn hộ dành cho người già nghèo khổ bằng vốn tài trợ của Medicaid[6]. Trong khi đó, hướng đi an toàn là xây dựng những khu trợ sinh thật lớn đặt trong những thành phố lớn đông đúc với tiện nghi vừa phải và dẹp hẳn đối tượng khách hàng thu nhập thấp. Wilson phát kiến ra ý tưởng nhà trợ sinh chính là để giúp những người cao tuổi như mẹ mình, bà Jessie, có một cuộc sống tốt hơn, và bà đã chứng minh rằng đó là một ý tưởng kinh doanh sinh lời. Nhưng ban giám đốc của bà và cả Wall Street thì lại muốn kiếm được nhiều tiền hơn thế. Cuộc chiến giữa bà và họ dâng cao cho đến năm 2000, khi bà quyết định rời chiếc ghế CEO và bán toàn bộ cổ phần công ty cho người khác.

Hơn mười năm đã trôi qua kể từ ngày đó. Keren Wilson giờ đã sang tuổi trung niên. Hồi tôi trò chuyện với bà cách đây không lâu, tôi để ý thấy bà nở nụ cười với hàm răng đã rụng vì lão hóa, đôi vai bà gầy sệ xuống. Bà phải đeo kính lão để đọc sách, và mái tóc bạc khiến bà trông như một quý bà trí thức lão làng chứ không giống một nhà khởi nghiệp, một nhà cách mạng từng làm chấn động thế giới với một ý tưởng kinh doanh trước thời đại. Là một chuyên gia lão khoa, bà háo hức mỗi khi cuộc trò chuyện chuyển sang chủ đề về các câu hỏi nghiên cứu, và bà luôn đảm bảo những thông tin mình nói ra là xác thực. Bất chấp tuổi tác và công việc hiện tại, bà vẫn giữ được phong thái của một nhà khởi nghiệp năng động, bị cuốn hút bởi những vấn đề to tát và tưởng chừng bất khả thi. Công ty đã giúp hai vợ chồng bà trở nên giàu có, và với số tiền có được, họ lập ra Quỹ từ thiện Jessie F. Richardson - được đặt theo tên của mẹ bà - để tiếp tục sứ mệnh chăm sóc người cao tuổi.

Wilson thường dành nhiều thời gian đi đến các khu vực khai thác than gần nơi chôn nhau cắt rốn của bà ở Tây Virginia - những nơi như Boone, Mingo và McDowell. Miền Tây Virginia là nơi có những địa phương thuộc nhóm nghèo nhất nước Mỹ. Và cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, những người trẻ ở đó có xu hướng rời khỏi quê nhà để tìm kiếm cơ hội đổi đời và bỏ lại sau lưng những người già. Ở đó - cái nơi “vùng trũng” mà Wilson được sinh ra và lớn lên - bà đang nỗ lực hết sức để giúp đỡ các cư dân, để họ có thể được an hưởng tuổi già mà không phải lựa chọn giữa sự thờ ơ và kết cuộc sống như ở tù trong nhà dưỡng lão. Nó vẫn là một trong những câu hỏi lớn không lời đáp mà chúng ta phải đối mặt.

“Tôi muốn anh biết rằng tôi vẫn còn rất yêu ý tưởng trợ sinh của mình,” bà bảo, và không quên lặp lại, “Tôi yêu nhà trợ sinh.” Theo bà, nó đã khơi dậy hy vọng và giúp người ta tin tưởng rằng luôn có thể có một nơi nào đó tốt hơn nhà dưỡng lão, và điều này luôn luôn đúng. Khỏng ai có thể tước đoạt hay phá hủy một ý tưởng khỏi tay người sáng tạo ra nó. Giống như một đứa trẻ, một khi đã được sinh ra, nó sẽ không ngừng phát triển, dù không phải lúc nào cũng đúng như ý mình mong muốn. Và thế là Wilson không ngừng tìm đến những vùng đất nơi mà ý tưởng tốt đẹp của bà có thể đơm hoa kết trái.

“Tôi yêu cái cảm giác được chứng kiến những ngôi nhà trợ sinh của mình giúp cho cuộc sống của mọi người trở nên tốt hơn,” bà nói.

Chỉ là ở hầu hết các nơi mà nhà trợ sinh được xây dựng, thực tế không phải lúc nào củng lý tưởng như thế.

-o0o-

Đối với Lou Sanders, nhà trợ sinh khiến cuộc sống tuổi già của ông thêm nặng nề. Shelley cảm thấy thật may mắn khi tìm thấy một trung tâm trợ sinh gần nhà chịu nhận ông cùng khoản tiền ít ỏi mà ông có thể đóng. Tiền tiết kiệm của ông đã gần hết sạch, trong khi hầu hết những trung tâm khác yêu cầu khách hàng phải đặt cọc trước từ hàng trăm đến hàng nghìn đô-la. Trung tâm trợ sinh mà cô chọn cho cụ Lou được chính phủ tài trợ nên có mức giá phải chăng. Nó có một hàng hiên xinh xắn, nhà cửa vừa được sơn mới, khu sảnh ngập tràn ánh sáng, một thư viện đáng yêu, và những căn hộ rộng rãi dành cho người cao tuổi. Mọi thứ ở đó trông rất chuyên nghiệp và khó cưỡng. Shelley đã thích nơi này ngay từ lần đầu đến tìm hiểu. Nhưng cụ Lou thì không thích, ông bảo rằng thật hãi hùng khi nhìn xung quanh thấy ai ai cũng phải chống gậy hoặc đi bộ bằng khung tập đi cả.

“Ta sẽ là người duy nhất ở đây đứng bằng hai chân,” ông nói. “Nơi này không dành cho ta.” Thế là hai cha con quay về nhà.

Tuy vậy, không lâu sau đó, Lou lại gặp nạn. Ông loạng choạng khi di chuyển trong nhà xe, và thế là một pha té ngã đã xảy ra, khiến đầu ông chấn động mạnh với nhựa đường. Suốt một khoảng thời gian sau đó ông không thể hồi tỉnh. Ông được chuyển đi bệnh viện để theo dõi. Mãi đến sau đó, cụ Lou mới chịu thừa nhận rằng mọi thứ đã thay đổi. Ông cho phép Shelley ghi tên mình trong danh sách đặt chỗ của trung tâm trợ sinh nọ. Họ bảo rằng nếu ông không đặt cọc sớm, tên ông sẽ nằm ở cuối danh sách và ông sẽ phải chờ rất lâu. Họ chụp lấy tay ông rồi điền tên ông vào đó mặc ông đang lưỡng lự.

Sau sự việc đó, ông không nổi giận với Shelley. Nhưng ngay cả bản thân cô cũng đã quen với việc chịu đựng những cơn nổi nóng của ông. Ông chỉ đang rất buồn, và một đứa trẻ sẽ làm gì trong tình huống đó?

Theo cảm nhận của cá nhân Shelley, khó khăn đến từ việc họ phải thích nghi với đổi thay. Tuổi cao sức yếu, “thay đổi” quả là một cụm từ ác mộng với cụ Lou. Nhưng cô con gái cũng đủ tinh tế để nhận ra rằng vấn đề không dừng lại ở đó. Trông Lou thật lạc lõng ở đó. Ông không thể tìm thấy một người bạn tâm giao, thậm chí ở đó gần như chẳng có bóng dáng một cụ ông nào. Ông thường nhìn quanh rồi suy nghĩ, “Một gã như tôi nên làm cái quái gì ở nơi này - với những khóa học kết chuỗi hạt, trang trí bánh cupcake, và một cái thư viện gồm toàn truyện ngôn tình của Danielle Steel và những tựa sách thị trường rẻ tiền?” Không còn gia đình bên cạnh, không còn bằng hữu, không còn anh đưa thư quen thuộc, chẳng còn chú chó Beijing đáng yêu ngày nào. Ông không thuộc về nơi đó. Shelley hỏi người tổng phụ trách văn thể mỹ rằng liệu họ có thể tổ chức một vài hoạt động phù hợp với cả hai giới, như mở một câu lạc bộ đọc sách chẳng hạn. Nhưng chẳng ích gì.

Điều khiến cho Shelley lo lắng nhất chính là việc những nhân viên ở đó không hề đếm xỉa gì đến cảm nhận của cụ Lou khi ông phải từ bỏ nhiều điều quan trọng và thân thương để đến sống trong đó. Chính những người đó còn không biết rằng họ đang hành xử rất vô cảm. Họ vỗ ngực tự xưng mình là những nhân viên trợ sinh mẫn cán, nhưng không một ai trong số đó thực sự hỗ trợ Lou để ông có cuộc sống tốt nhất có thể - giúp ông thiết lập và duy trì những niềm vui và sự kết nối có ý nghĩa đối với cuộc sống của ông. Thái độ vô cảm của họ xem ra bắt nguồn từ sự thiếu quan tâm chứ không hẳn là sự độc ác, nhưng - như Tolstoy đã nói - kết cuộc thì hai thứ đó có khác gì nhau đâu chứ?

Thế là cụ Lou và Shelley thỏa thuận với nhau. Cô sẽ lái xe mang ông về nhà ở từ Chủ Nhật đến Thứ Ba mỗi tuần. Điều này sẽ giúp cho cuộc sống của ông còn chút ý nghĩa để trông đợi, và bản thân cô cũng cảm thấy an tâm hơn. Ít ra thì giải pháp này giúp Lou còn có vài ngày đáng sống trong tuần.

Tôi hỏi Wilson về lý do vì sao mà các nhà trợ sinh hiện nay lại bị biến tướng đến thế. Bà chỉ ra khá nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, trợ giúp người cao tuổi có một cuộc sống tốt là một việc “nói dễ hơn làm”, bởi thật khó để huấn luyện và định nghĩa cho các nhân viên chăm sóc hiểu về ý nghĩa thực sự của việc chăm sóc người khác cũng như công việc đó phải đảm bảo gồm những gì. Bà cho một ví dụ đơn giản là việc giúp người già mặc quần áo. Về mặt lý thuyết, bạn nên để cho họ tự xoay xở để họ không quên kỹ năng sinh hoạt căn bản này, cũng như duy trì được một cuộc sống có ý nghĩa và không vô dụng. Nhưng bà nói thêm, “Nhưng thật ra, mặc quần áo cho người ta dễ dàng hơn nhiều so với việc để họ tự mặc. Làm giùm người ta luôn thì bao giờ cũng nhanh và đỡ bực mình hơn.” Và thế là, thay vì làm đúng chức năng trợ sinh, tức giúp đỡ người cao tuổi có cuộc sống dễ dàng và có ý nghĩa hơn, phần lớn các nhân viên chăm sóc lao vào mặc quần áo giùm các cụ luôn, cứ như thể các cụ là “búp bê giẻ rách”. Và sự vơi dần chất lượng cũng như ý nghĩa tốt đẹp ban đầu bắt đầu từ đấy. Lần nữa, công việc vô tri lại được xem trọng hơn con người.

Chưa kể, chúng ta không có những thông số để đo lường chính xác hiệu quả hoạt động của một nhà trợ sinh. Trái lại, chúng ta có hàng hà sa số những tiêu chuẩn chính xác về sức khỏe thể chất và mức độ an toàn để đánh giá chất lượng của một cơ sở y tế. Giờ thì bạn có thể hiểu một nhà quản lý cơ sở chăm sóc người già thường dựa vào đâu để kiểm soát mọi hoạt động trong đó rồi đấy: cụ kia có bị sút cân hay không, có sót toa thuốc nào không, hoặc có bị té ngã không, chứ làm sao họ quản được việc cụ ấy có buồn bã hay cô độc không?

Nhưng theo Wilson, lý do quan trọng và khó chịu nhất chính là việc khái niệm trợ sinh của bà được khai sinh ra chính là để phục vụ những người cao tuổi - chứ không phải con cháu của họ. Trên thực tế, chính con cháu và gia đình mới là những người quyết định việc ông bà sẽ sống ở đâu, và bạn có thể thấy rõ sự tréo ngoe này trong các mẩu quảng cáo nhà trợ sinh hoặc viện dưỡng lão. Các tay quảng cáo tập trung quảng bá những yếu tố mã ngoài “trực quan”, chẳng hạn như cái khu cổng vào hoành tráng và đẹp như khách sạn đã hấp dẫn Shelley. Họ “chào hàng” bằng hình ảnh những phòng vi tính hiện đại, phòng tập thể dục thể thao, và những chuyến đi được tổ chức định kỳ đến các bảo tàng hoặc buổi hòa nhạc - những điều mà con cháu và gia đình các cụ muốn thấy chứ không phải bản thân các cụ. Nhìn chung, các nhà trợ sinh cố gắng chứng tỏ rằng họ là những trung tâm chăm sóc con người an toàn và chất lượng. Họ không bao giờ tuyên bố điều gì đả động đến quyền lựa chọn của những khách hàng thực sự - những người cao tuổi sẽ trực tiếp sống trong đó, cũng như những điều mà các cụ mong muốn khi quyết định vào đó. Cũng dễ hiểu khi trong hầu hết các trường hợp, chính sự cáu kỉnh, gắt gỏng và khó chiều của các cụ là nguyên nhân khiến cho con cháu nghĩ đến việc “quẳng” họ vào các trung tâm chăm sóc người cao tuổi. Và thế là ở khía cạnh này, ý nghĩa của nhà trợ sinh chẳng khác gì các viện dưỡng lão.

Wilson dẫn lời một đồng nghiệp rằng: “Chúng ta mưu cầu cuộc sống tự chủ cho bản thân và sự an toàn cho những người chúng ta yêu thương.” Đây vừa là vấn đề lại vừa là nghịch lý đối với người cao tuổi. “Rất nhiều thứ chúng ta áp đặt cho những người mình yêu thương lại là những điều mà bản thân chúng ta không thích hoặc kiên quyết khước từ, bởi chúng sẽ xâm phạm đến sự tự chủ và cái tôi của chúng ta.”

Bà cũng cho rằng bản thân những người cao tuổi không phải không có lỗi: “Các cụ cũng có một phần trách nhiệm ở đây, bởi lẽ chính họ đã phó mặc quyền quyết định cuối cùng cho con cái. Kế đến là những quan niệm không thực sự chính xác về tuổi già, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ ông bà sang con cháu. Kiểu như, ‘Giờ là đến phiên con quyết định rồi đấy.”’

Nhưng Wilson cũng nói thêm, “Cũng chẳng có mấy đứa con đủ tinh tế để tự hỏi xem cha hoặc mẹ mình có thích hoặc cần thiết phải ở trong cơ sở chăm sóc đó hay không? Cứ như thể họ nhìn vấn đề của các cụ chỉ bằng lăng kính cá nhân của mình.” Thay vào đó, phần lớn những người con chỉ quan tâm đến một điều là, “Liệu đây phải là nơi mà mình có thể yên tâm để mẹ mình ở đó?”

Phải mất đến một năm, cụ Lou mới làm quen được với cuộc sống trong trung tâm trợ sinh. Ông nỗ lực tìm thấy niềm vui sống trong đó. Ở đó một thời gian, ông cũng tìm được một cụ ông người Do Thái tên George để bầu bạn. Ngoài việc thường xuyên chơi bài kíp-bi với nhau, họ còn cùng nhau đi chùa vào mỗi Thứ Bảy - một điều mà cả đời Lou chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ làm. Nhiều cụ bà bắt đầu để ý đến ông, nhưng ông không quan tâm. Nhưng ông cũng không hoàn toàn lảng tránh họ. Tối hôm đó, ông tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ tại căn hộ riêng của mình và mời hai cụ bà trong số những “người hâm mộ” kia đến chung vui. Để khai tiệc, ông quyết định tự mình khui một chai rượu mạnh.

“Thế rồi cha tôi bất ngờ ngất xỉu, ngã đập đầu lên sàn nhà và được đưa đến bệnh viện,” Shelley kể. Đến khi ra viện, cụ Lou cười khẩy mỗi khi nghĩ vẽ sự cố đó. “Nhìn xem,” Shelley dẫn lại lời của Lou lúc ông xuất viện, “Chung quanh ta là những quý bà xinh đẹp. Vậy mà chỉ một ngụm nhỏ, ta ngất.”

Trong ba ngày mỗi tuần được ở nhà, ông được Shelley chăm sóc tận răng, thì với những ngày còn lại ở nhà trợ sinh, ông phải tự lo thân mình một cách đầy khó khăn. Phải mất nhiều tháng trời ông mới có thể đi lại được bình thường. Ở tuổi chín mươi hai, ông phải luyện tập lại từ những việc cá nhân nhỏ nhất để có thể lấy lại cuộc sống bình thường.

Hiển nhiên, cơ thể già yếu của ông không còn dễ điều khiển và tuân phục ông như hồi trẻ. Chứng giảm huyết áp mỗi khi thay đổi tư thế của ông mỗi lúc một trở nặng. Ông bắt đầu bất tỉnh thường xuyên hơn ngay cả những lúc đang bình thường - chứ không cần phải “nhờ” đến một ngụm rượu như hồi bữa tiệc nọ. Thời điểm ông bỗng dưng ngất xỉu có thể là bất cứ lúc nào, ban ngày, ban đêm, lúc đang đi qua đi lại hoặc khi đang ngồi dậy khỏi giường. Ông trở nên quen mặt với các nhân viên cứu thương, thường xuyên phải đến bệnh viện để chụp X-quang. Đỉnh điểm là việc ông không còn đủ sức tự mình đi hết cái hành lang dài đằng đẵng để đến chiếc thang máy dẫn xuống nhà ăn chung của mọi người. Đã ngoài chín mươi mà ông vẫn không chịu sử dụng khung đi bộ bởi tính kiêu hãnh có thừa của mình. Shelley phải chất đầy tủ lạnh của ông bằng thức ăn nấu sẵn, ông chỉ việc lấy ra rồi bỏ vào lò vi sóng là có thể dùng ngay.

Shelley nhận ra mình chưa thể nào thôi lo lắng cho cha cô. Ông không còn ăn uống đầy đủ như trước. Cụ Lou càng lúc càng lú lẫn hơn. Kể cả những khi các nhân viên chăm sóc ở đó đến kiểm tra sức khỏe của ông định kỳ mỗi buổi tối, việc duy nhất ông làm là ngồi thừ một chỗ một mình trong phòng - một điều không giống với tính cách năng động của ông. Cô cảm thấy rằng chế độ chăm sóc của nhà trợ sinh không còn có thể kiểm soát được sự già yếu và tình trạng sức khỏe mỗi lúc một hao mòn của cha mình nữa. Đã đến lúc cô phải chuyển ông đến một nơi mà người ta có thể chăm sóc ông hai mươi bốn tiếng một ngày.

Cô tìm hiểu một nhà dưỡng lão cũng ở gần đó. “Nơi này hẳn là sẽ tốt hơn chỗ cũ,” cô nói. “Nó rất sạch sẽ.” Điểm trừ duy nhất: Nó là nhà dưỡng lão. “Nhìn đâu cũng thấy các cụ già ngồi xe lăn ì ạch qua lại rải rác khắp các hành lang. Thật khủng khiếp.” Shelley bảo những nơi như thế khiến cha cô rùng mình khiếp sợ. “Cả đời ông không bao giờ muốn cuộc sống của mình bị trói buộc trên chiếc giường, cái chạn, một chiếc TV nhỏ, và một nửa căn phòng được ngăn cách với người cùng phòng bằng một tấm màn.”

“Nhưng,” cô nói tiếp khi vừa bước ra từ nhà dưỡng lão mình đã chọn, “Đây là điều tôi phải làm.” Vâng, cô sẽ đưa cha mình vào đó bất chấp sự sợ hãi và phản đối của ông.

“Tại sao phải như thế?” - tôi hỏi.

“Đối với tôi, an toàn vẫn là trên hết. Nó phải luôn là điều kiện quan trọng nhất tôi phải nghĩ cho sự an toàn của cha tôi,” cô bảo. Keren Wilson đã đúng khi vạch trần sự thật về diễn biến tâm lý của con người khi đứng trước tình cảnh như thế này. Dẹp tình yêu thương và sự tận tụy sang một bên, Shelley không còn cách nào khác ngoài việc đưa cha mình đến nơi mà ông khiếp sợ nhất.

Tôi tiếp tục chất vấn cô ấy. Tại sao lại phải như vậy? Ông ấy vừa mới thích nghi với trung tâm trợ sinh chưa được bao lâu kia mà. Ông đã nỗ lực vượt trên cả tuổi già để chắp nối lại những điều quan trọng của đời mình - một người bạn, một nếp sinh hoạt vui vầy, và những sở thích nho nhỏ. Quả thật khi sống như vậy, ông sẽ không được an toàn như khi ở trong nhà dưỡng lão. Cũng như bao người khác, ông vẫn lo sợ những cú ngã bất ngờ khiến ông nằm bất động mà chẳng ai hay biết. Nhưng điều quan trọng là ông thấy hạnh phúc với cuộc sống đó. Nếu được phép lựa chọn, ông chắc chắn sẽ chọn nơi nào khiến ông hạnh phúc hơn. Thế thì tại sao phải làm khác đi?

Shelley không biết trả lời thế nào. Cô chỉ cảm thấy mình không thể chịu đựng hơn được nữa. Cha cô cần được chăm sóc toàn diện. Ông không được an toàn ở nơi cũ. Nhưng rõ ràng là thay vì đổi chỗ, cô vẫn có thể để ông tiếp tục ở đó kia mà?

Mọi chuyện đã được phơi bày ra như thế. Không phải ai cũng được như ông nội tôi ở Ấn Độ, khi ông có cả một gia đình con đàn cháu đống để nhờ cậy khi về già, và gia đình có nghĩa vụ chăm sóc ông và cho ông quyền được sống cuộc sống như mong muốn. Phần lớn người cao tuổi ngày nay bị bỏ mặc trong các tòa nhà khép kín được cai quản và kiểm soát nghiêm ngặt không khác chi nhà tù - một câu trả lời chuyên môn bài bản và rập khuôn cho vài vấn đề không có cách giải quyết, một cuộc sống tuy an toàn về mặt xác thần nhưng lại buồn tẻ và trống rỗng - nơi mà người ta không còn gì để trông cậy, tin tưởng, để yêu thương và được yêu thương.

--------------

Chú thích:

[4] Cribbage, hay Crib, là một trò chơi đánh bài Tây được thiết kế dành cho hai người chơi, nhưng ngày nay, người ta thường chơi ba hoặc bốn người để vui hơn. Người chơi gia tăng điểm cho mình bằng cách có các nước đi và nhóm các lá bài sao cho có giá trị nhất định. Bên cạnh bộ bài Tây, bộ trò chơi Cribbage còn bao gồm một bảng đặc trưng để tính điểm, một chiếc hộp Cribbage dành cho người chia bài, hai lượt tính điểm riêng biệt (phần chơi và phần trình diễn), và một hệ thống tính điểm riêng biệt của trò chơi này, với các số điểm được quy định dành cho những nhóm bài có giá trị trên 15.

[5] Nguyên văn: “The world is your oyster”. Xét về nghĩa bóng, câu thành ngữ có nghĩa “Cả thế giới nằm trong tay bạn”, là nơi bạn có toàn quyền kiểm soát và tự do làm những gì mình muốn. Câu thành ngữ này có nguồn gốc từ một câu thoại trong vở kịch “Những cô vợ vui vẻ nhà Windsor” của kịch tác gia người Anh William Shakespeare.

[6] Medicaid là chương trình bảo hiểm xã hội dành cho các cá nhân và gia đình thu nhập thấp hoặc có nguồn lực hạn hẹp trong cuộc sống. Tương tự như chương trình bảo hiểm Medicare dành cho người cao tuổi, Medicaid được tài trợ bởi chính phủ Hoa Kỳ. Viện Bảo Hiểm Y Tế Hoa Kỳ đã định nghĩa Medicaid là “chương trình bảo hiểm của chính phủ dành cho mọi cá nhân thuộc đủ mọi lứa tuổi không có đủ thu nhập hoặc điều kiện để thanh toán các chi phí chăm sóc sức khỏe”.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện