Chương 4
Nghĩ tới đây, cô vội rút di động ra kiểm tra. Vừa mở máy đã thấy tin nhắn than khóc của Nhuế Vân:
– Hôm nay tôi lại bị mất mặt nữa rồi! Nôn thốc nôn tháo ở phòng mổ.
Thanh Hoành thoáng rùng mình.
Sao Nhuế Vân có thể thi đậu ngành pháp y được nhỉ?
Buổi chiều, sau khi dì Trần ra về, Thanh Hoành rảnh rang, bèn đến Sở.
Áo blouse trắng đã được giặt là sạch sẽ, treo ngay ngắn trong buồng thay đồ. Thanh Hoành cầm áo, bước về phía phòng mổ. Nhuế Vân và Cửu Thiều đang ở bên trong. Nhân viên đánh máy nhìn thấy cô thì cười bảo:
– Phải tặng bằng khen chiến sỹ thi đua cho cô mới được, ngày nghỉ mà vẫn không quên tăng ca.
Thanh Hoành cười, đáp:
– Tôi chỉ đến tham quan thôi, không có ý định động tay động chân.
Nhân viên đánh máy chỉ về phía Nhuế Vân, vẻ mặt cảm thông:
– Cô ấy sắp nôn ra cả mật xanh mật vàng mà vẫn gắng gượng đấy, tinh thần làm việc thật đáng khen ngợi!
Những người làm trong ngành pháp y thường phải tiếp xúc với đủ mọi loại thi thể, với đủ mọi hình dáng khủng khiếp. Ai cũng mất một khoảng thời gian để thích nghi, nhưng Nhuế Vân lại là trường hợp đặc biệt, cô ấy mãi vẫn không thể thích nghi. Giọng Cửu Thiều vẳng tới:
– Theo kết quả xét nghiệm máu và nội tạng thì không có dấu hiệu của chất độc hay chất gây mê.
– Tử vong trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo, chậc chậc, còn gì đáng sợ hơn!
Kỹ thuật viên vừa đánh máy vừa lẩm nhẩm.
Cửu Thiều ngẩng lên, trông thấy cô, anh thoáng ngạc nhiên, nhưng lập tức tỏ ra như không, lẳng lặng cởi áo choàng, tháo găng tay bỏ vào thùng chứa, giẫm chân lên công tắc cửa xả gió, rồi bước ra ngoài.
Nhuế Vân mặt cắt không còn giọt máu nào, lắc lắc cánh tay dường như đã kiệt sức, lặng lẽ lủi đi mất.
Cửu Thiều rửa tay xong, ngồi xuống chiếc ghế dài ngoài cửa phòng mổ. Anh tháo kính, xoa bóp huyệt thái dương. Vẻ mỏi mệt hiện rõ trên gương mặt anh. Thanh Hoành tựa người cạnh ghế, bắt chuyện:
– Anh tăng ca bao lâu rồi?
– Hơn hai tháng, chính xác là bao nhiêu tôi cũng không nhớ.
Thanh Hoành sợ hãi líu cả lưỡi, dẫu có là mình đồng da sắt cũng chẳng chịu nổi cường độ làm việc khủng khiếp như vậy. Cô đứng thẳng, định bước vòng qua chiếc ghế dài, đúng lúc ấy, cặp kính cận của Cửu Thiều rớt từ đầu gối xuống đất. Âm thanh răng rắc vang lên, chiếc kính vỡ vụn.
– …. Xin lỗi, tôi sẽ mua đền cho anh.
Cửu Thiều ngẩng đầu nhìn cô, gương mặt không mảy may cảm xúc. Thanh Hoành bỗng thấy chột dạ, thực ra cô không cố ý gây sự với anh. Cô vội nói đùa để làm dịu lại bầu không khí:
– Nếu anh mang theo số đo mắt kính, tôi sẽ đi mua trả anh ngay bây giờ. Anh thích thương hiệu nào?
– Không cần đâu.
Anh tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt. Lúc đứng lên, anh hơi chao đảo, vội bám vào tay vịn để giữ thăng bằng.
– Anh sao vậy?
Thanh Hoành lo lắng hỏi:
– Anh bị đau dạ dày hay là hạ đường huyết?
Cửu Thiều đưa tay lên bóp mũi, đoạn đưa chìa khóa phòng cho cô:
– Phiền cô vào phòng lấy giùm tôi thuốc giảm đau cất trong ngăn kéo thứ nhất.
Thanh Hoành chưa đến phòng làm việc của Cửu Thiều bao giờ.
Theo lẽ thường, một người tiền đồ sáng lạn như anh, cô nên năng qua lại, gây dựng quan hệ mới phải. Nhưng cô đâu phải hạng người ưa nịnh bợ. Huống hồ người ta đồn anh là kẻ khác người, lập dị, chẳng sợ cứng chẳng ưa mềm, khó mà lấy lòng anh được.
Cô mở cửa bước vào. Văn phòng của Cửu Thiều nằm tách biệt. Bàn làm việc của anh gồm hai chiếc bàn dài ghép lại với nhau, trên bàn bày la liệt đủ mọi loại giấy tờ tài liệu. Tủ sách nằm sát tường cũng lèn chặt các loại sách và tài liệu. Cô mở ngăn kéo thứ nhất, bên trong chỉ có một lọ aspirin. Loại thuốc này chỉ giúp giảm đau thức thời, không thể chữa trị tận gốc.
Cô cầm lọ thuốc và khóa ngăn kéo lại, đang định rời khỏi đó thì chợt thấy vật gì lóe sáng từ thùng đựng giấy lộn. Cô cúi xuống rất tự nhiên, nhặt vật đó lên: một chiếc nhẫn bạc. Xét kiểu dáng thì có vẻ là nhẫn đôi. Tôi lật xem logo và chữ khắc trên chiếc nhẫn.
Cô cúi xuống thùng giấy lộn, tìm kiếm một hồi thì thấy chiếc hộp màu xanh bạc hà, thì ra đó là bộ nhẫn đôi nhãn hiệu Tiffany. Mãi đến lúc đó Thanh Hoành mới nhận ra hành động kỳ quặc của mình. Nếu Cửu Thiều hoặc ai đó bước vào và trông thấy cô đang lục tung thùng giấy lộn, không biết sẽ có suy nghĩ thế nào?
Trong các vụ án, Thanh Hoành từng gặp một số bệnh nhân mắc bệnh thích nhìn trộm. Những người này thường có các hành vi như lục lọi thùng rác. Cô mong rằng, dù bản thân có mắc chứng bệnh này thì cũng đừng nghiêm trọng quá mức.
Cô bỏ chiếc hộp vào thùng rác, lấp liếm bằng vài mẩu giấy vụn, mục đích là trả lại nguyên vẹn hiện trường. Nhưng chưa kịp trả cặp nhẫn đôi về chỗ cũ, thì cửa phòng nhẹ nhàng mở ra. Cửu Thiều xuất hiện sau cánh cửa, vẻ mặt bình thản, không hề tỏ ra ngạc nhiên, ngay cả ánh mắt cũng không gợn chút xao động.
Cặp nhẫn đôi nằm trên ngón cái và ngón trỏ của Thanh Hoành. Đúng vào khoảnh khắc nhìn thấy anh, bàn tay rung động, cặp nhẫn rơi tọt vào lòng bàn tay cô. Thanh Hoành khẽ nắm tay lại, lòng hoang mang không biết Cửu Thiều có nhận ra hành động kỳ cục của cô không. Mặc dù cô biết cô chỉ quá ư tò mò, nhưng dẫu vậy, gương mặt cô đã hiện rõ bốn chữ “có tật giật mình”, chẳng thể biện bạch.
Thanh Hoành đứng dậy, hắng giọng, ngụy tạo lý do:
– Thùng rác của anh đầy rồi, tôi định đem đổ giùm anh.
Cửu Thiều vẫn thinh lặng, chỉ dùng ánh mắt quan sát cô, tuy ánh mắt anh không thể hiện vẻ nghiêm khắc, tức giận, nhưng cũng không mảy may cảm xúc thân thiện, mà giống như một chiếc máy scan quét qua người cô. Thanh Hoành cầm thùng rác lên, đặt lọ thuốc aspirin xuống bàn:
– Thuốc này chỉ giúp giảm đau tức thời thôi, anh không nên lạm dụng.
Cô bước ra cửa, Cửu Thiều vẫn không hé răng nói nửa lời, anh khẽ nghiêng người, nhường lối cho cô.
Cuối hành lang có thùng trữ rác sạch bên cạnh cửa thoát hiểm, Thanh Hoành đứng đó, mở bàn tay, nhìn lại cặp nhẫn đôi bằng bạc trắng, mặt trong khắc chữ nhỏ xíu, đã có dấu hiệu mài mòn do được đeo trên tay thường xuyên. Cô đoán mãi mới ra dòng chữ: forever love (yêu em mãi mãi). Cô nắm tay lại, siết cặp nhẫn đôi trong tay một lúc, cuối cùng, cô quyết định, mở ví, nhét cặp nhẫn vào trong.
Cửu Thiều dường như không phát hiện ra hành vi của cô, hoặc giả anh đã nhìn thấy nhưng vờ như không.
Thanh Hoành lái xe về nhà, trên đường, cô đột nhiên nhận được thư điện tử của Arthur. Dạo này họ thường xuyên trao đổi tin tức với tần suất cao hơn hẳn trước kia, cứ đà này chẳng mấy chốc họ sẽ trở thành bạn tri kỷ trên mạng. Xe đến ngã tư thì gặp đèn đỏ, Thanh Hoành mở hòm thư:
– Nếu người yêu cũ muốn quay lại với cô, cô sẽ làm gì?
Thanh Hoành mỉm cười, cô vốn nghĩ Arthur là một người lạnh lùng, lí trí, nào ngờ anh ta cũng có lúc rối bời vì tình yêu. Ngẫm ngợi một lát, cô đáp:
– Hoàn cảnh của mỗi người mỗi khác, nhưng nếu là tôi, tôi sẽ đi tiếp và không quay đầu lại.
Một lúc sau, Arthur lại gửi thư cho cô:
– Nếu là trước kia, tôi sẽ cho cả hai một cơ hội làm lại, nhưng bây giờ, tôi nghĩ mình đã thích người khác.
Đèn đỏ chuyển sang xanh, Thanh Hoành rẽ vào khu phố nơi cô ở. Chỉ qua một ngã rẽ nữa là tới nơi. Gửi xe xong, cô nhấn nút thang máy, đồng thời lôi điện thoại ra trả lời thư:
– Tôi đã chứng kiến nhiều người chọn cách yêu người mới, nhưng không quên được tình xưa. Có lẽ dù chọn lựa thế nào, họ vẫn thấy luyến tiếc.
– Cô tin vào tình yêu không?
Thanh Hoành phì cười. Cô lấy làm lạ, vì sao những người có chỉ số IQ rất cao lại thường dễ dàng vướng vào vòng suy nghĩ luẩn quẩn? Hoặc có thể vì gần đây anh ta đọc quá nhiều tiểu thuyết của Raymond Carver cũng nên.
Ngày đầu tiên vào đại học, cô quen cậu hai nhà họ Tạ, Doãn Luy. Trước đó, cô chỉ biết anh ta là người mà cô phải kết hôn trong tương lai. Người đời ai cũng bảo Doãn Luy là cậu ấm con nhà giàu ăn chơi hoang tàng, thay người yêu như thay áo. Nhưng như thế thì đã sao? Cô vốn chẳng bận tâm, cũng không tin đám cậu ấm cô chiêu con nhà giàu hiểu được tình yêu là gì. Sau đó, cha mẹ cô qua đời trong một tai nạn thảm khốc, cuộc hôn nhân vì lợi ích gia tộc ấy cũng theo đó mà đứt đoạn.
Thanh Hoành mỉm cười gõ thư trả lời:
– Tôi nghĩ tình yêu giống như việc hai người đứng trên vách núi, nắm tay nhau nhảy xuống vực sâu. Tất nhiên, tôi không tin vào bản thân tình yêu.
– Vì sao?
– Anh có biết lời giải cho câu hỏi ngàn đời này là gì không? Đó là phủ nhận thẳng thừng. Trời đất cao rộng là thế, không có tình yêu cũng chẳng hề gì, nhưng nếu thiếu không khí, nước và lương thực, thì chúng ta chết chắc.