Chương 08
CHƯƠNG VIII: VÌ GẶP GỠ ANH, THANH XUÂN MỚI BẮT ĐẦU
Tư Đồ Quyết từng đọc nhiều tiểu thuyết xuyên không gian thời gian, trong tiểu thuyết không nói rõ những nữ chính là xui xẻo hay may mắn, nhưng lúc nào cũng là vượt qua hàng vạn năm ánh sáng và gặp được hoàng tử của mình. Cô rất thích những câu chuyện có những cảnh như vậy, giống như sau khi cô miệt mài với công việc ở phòng thí nghiệm trở về nhà, dùng rượu brandi mạnh, vừa uống vừa nghiêng ngả trên sô pha xem phim truyền hình —- đương nhiên, làm bạn cùng cô còn có những viên thuốc ngủ trợ giúp nữa.
Theo Tư Đồ Quyết nhìn nhận, những tình tiết khoa trương đến mức không thể tưởng tượng đó vốn không thể khiến người khác tin được, ý nghĩa tồn tại duy nhất của nó chính là giúp cô trong thực tại u tối đau buồn này có thêm vài phần sắc thái vui vẻ tưởng tượng để tự làm mình vui thôi.
Nhưng Tư Đồ Quyết cũng không có hứng thú với việc quay trở lại vương triều nào đó, cô tha thiết với cuộc sống văn minh hiện đại nên nếu mất điện chắc sẽ không sống nổi. Thời thiếu nữ trẻ, cô thường nghĩ nếu một người thật sự có thể xuyên không, cô chỉ mong muốn có thể lén đến khi trưởng thành rồi nhìn xem mình có thể nắm tay ai. Sau này những ảo tưởng đó cũng tan biến, vì trong những lúc đen tối nhất của đời người, cô thường nhắm mắt lại, hi vọng mình có thể vượt qua giai đoạn này, tránh những đau thương. Nhưng mỗi lần tỉnh lại, mở mắt ra, trời đã sáng, mọi thứ vẫn như cũ, những thứ phải đối mặt vẫn chưa qua đi. Nếu thực sự có thần tiên chi phối thời gian và vận mệnh, thế thì ngày xưa ngay cả nguyện cầu thành kính của một cô gái, thần tiên cũng chỉ quay mặt làm ngơ, có thể thấy cô thật sự không có vận mệnh này. Vì thế cô chuyển sang nghĩ ngược lại, nếu không thể đi tới tương lai, vậy có thể quay về quá khứ cũng tốt rồi.
Nếu có thể quay về quá khứ, cô có thể làm gì chứ?
Có lẽ cô thật sự nên trở về quá khứ, để nói với Tư Đồ Quyết năm đó từng cắn răng chịu đựng nếm vị mặn nước mắt rằng: Hãy nhớ, anh ta cũng có thể có một ngày như thế.
Có lẽ cô còn nên ở cạnh Tư Đồ Quyết ngày đó bỏ đi khỏi nhà, cùng cô ấy một mình dẫn theo hành lý đứng trên sây bay rộng lớn, có thể sẽ không cô đơn và bế tắc như thế. Lúc Tư Đồ Quyết ngày đó nhẹ nhàng vứt điện thoại vào thùng rác của chiếc máy bay, cô sẽ khi nhìn lại con đường đã qua, an ủi người con gái lúc ấy: Không cần mất cả cuộc đời để hoài niệm, sẽ nhanh thôi, có thể sẽ tiêu tan hết chỉ trong vài năm thôi, tất cả cuối cùng sẽ qua.
Hoặc là cô nên quay trở lại ngay từ lúc đầu, lúc vẫn chưa bắt đầu, sẽ nói với Tư Đồ thời thanh xuân ngây dại rằng: Hãy rời thật xa người đó, nhất định không được yêu anh ta.
Nhưng mà nếu vận mệnh đã có quĩ đạo của nó thì con người với vận may lớn nhất, cũng như dũng khí có được, chẳng phải là ngay từ đầu đã không thể biết trước kết cục sao?
Tư Đồ Quyết ngày xưa thực ra là một cô bé lớn sau tuổi, có thể tất cả những đứa trẻ được hạnh phúc dưới sự bảo bọc của bố mẹ lớn lên đều như vậy. Khi mười lăm tuổi, cô học năm nhất cao trung, các bạn nữ cùng trang lứa đều mê mẩn các loại truyện tranh thần tượng Nhật Bản, bạn cùng lớp Mĩ Mĩ đã lén lút có bạn trai đầu tiên, nhưng Tư Đồ Quyết vẫn giống như khi còn nhỏ, tụ tập bạn bè, chơi đùa thoải mái, đối với thứ gọi là mơ mộng hay phiền não hoàn toàn không có cảm giác gì cả.
Cô cũng thích “Bầu trời sông Hoàng Hà” lấy được từ chỗ Mĩ Mĩ, rồi mỗi tập “Câu chuyện tình yêu Tokyo” nổi tiếng thời ấy cô đều xem, nhưng đối với cô mà nói, xem cũng chỉ là xem thôi, đó là câu chuyện của người khác, nên ngay cả cảm xúc cũng không có. “Thất long châu” và “Thợ săn thành phố” mà đám con trai yêu thích cô cũng không thích. Trên đường đi vào trong trường, hàng loạt ánh mắt đặc biệt của đám nam sinh trẻ tuổi nhìn cô không phải là không nhận ra, nhưng chỉ cảm thấy buồn cười mà thôi.
Ngô Giang vẫn giống như khi còn nhỏ, ngày ngày đi cùng cô, gần như ngày nào cũng ở cùng một chỗ với nhau. Anh lớn hơn cô một tuổi, mẹ của hai người cùng làm việc trong nhà thuốc của một bệnh viện, bố cô khi đó buôn bán qui mô ở mức vừa vừa, còn bố anh là một nhân viên bình thường. Hai nhà cách nhau không xa, hai gia đình đều hiểu rõ nhau, tuổi hai người lại tương đương nhau, gia thế xứng nhau, tính cách cũng hợp. Vào lúc giữa hè, bọn họ thường cùng nhau ngồi dựa dưới bóng cây cách không xa nhà lắm, túi sách để cạnh chân, mỗi người một nửa quả dưa hấu, dựa lưng vào nhau không để ý đến hình tượng mình ra sao mà ngồi gặm dưa hấu, ve sầu trên đầu lười biếng kêu râm ran.
Ngô Giang luôn đem hạt dưa hấu dính lên mặt cô, sau đó ca ngợi: “Tư Đồ, nốt tàn hương của em phải to ra mới đẹp”, hoặc là “Ồ, nhiều nốt mụn ruồi hơn nhìn em giống bà mai đấy.”
Phản ứng của Tư Đồ Quyết đầu tiên thường là lau lau mặt, sau đó một chân đá Ngô Giang lăn trên mặt đất.
Hai người cãi nhau ầm ĩ, trong lúc rất nhiều bộ phận cơ thể tiếp xúc với nhau, nhưng không ai cảm thấy xấu hổ. Đối với chuyện yêu đương đẹp đẽ, cô cũng giống như tất cả con gái đều hướng đến, nhưng cô luôn cảm thấy nó rất xa xôi, và vốn là chuyện rất xa xôi.
Có thể nói, toàn bộ thời thơ ấu của Tư Đồ Quyết, thậm chí là cả nửa thời kì thanh xuân của cô đều rất vô tư lự từng ngày trôi qua, cho đến khi gặp Diêu Khởi Vân. Nếu nói tuổi thanh xuân tiêu biểu cho phiền não, bối rối, nghi ngờ và nỗi buồn khó gọi thành tên, thì hoàn toàn có thể nói việc Diêu Khởi Vân xuất hiện đã khơi dậy sự bắt đầu tuổi thanh xuân của Tư Đồ Quyết, tuy rằng sự bắt đầu này hoàn toàn không liên quan đến chuyện yêu đương.
Trước nay thân thể cô đều vô cùng khoẻ mạnh, nhưng ngày Diêu Khởi Vân được đem đến trước mặt cô, Tư Đồ Quyết lại lần đầu tiên bị “mụ dì cả”[1] tra tấn một cách kì lạ, mỗi tháng mấy ngày đó đều bình an vô sự, đau ốm gì đều không thấy, nếu không do mẹ Tiết Thiểu Bình luôn ở bên tai nhắc nhở thì cô cũng không vì chuyện này mà phải xin nghỉ tiết thể dục. Nhưng duy nhất lần này, từ sáng sớm tỉnh dậy đã phát hiện trên giường một mảng màu, bụng dưới liền đột nhiên đau dữ dội, thắt lưng đau, chân bị chuột rút, trán vã mồ hôi. Cô cảm giác như mình nhất định sắp chết, nhưng mẹ cô là dược sĩ lại chỉ đưa cho cô mấy túi ích mẫu và mấy lọ ô kê bạch phượng hoàn.
Sau này Tư Đồ Quyết cũng nghĩ qua, bản thân mặc dù không đợi gặp Diêu Khởi Vân, nhưng đem tội danh này đặt lên đầu anh ta phải chăng có chút “không phúc hậu”, nhưng cô lại suy nghĩ cẩn thận rất lâu mới phát hiện vấn đề này với anh ta không phải là không có liên quan. Ít nhất nguyên nhân cũng là anh ta, buổi tối trước hôm đau bụng một ngày, cô không ngủ ngon bởi vì nhìn thấy bố mẹ xưa nay vẫn ân ái hoà thuân, hôm nay lại bỗng dưng đóng cửa cãi nhau cả buổi tối.
Sự tình bắt đầu từ một ngày trước, lúc ở bàn ăn trưa, Tư Đồ Cửu An đã nghiêm túc tuyên bố một quyết định.
Tư Đồ Cửu An là người làm ăn, là một trong những người đầu tư sớm nhất vào ngành kinh doanh y dược sau cải cách mở cửa, đương nhiên gặt hái được không ít thành công. Nhưng ngoài thân phận thương nhân, ông cũng không quên được xuất thân quân nhân của mình. Là con gái duy nhất, với nỗi vất vả, đắng cay ngọt bùi của bố mình, Tư Đồ Quyết đã sớm nghe qua. Vốn là một đứa trẻ rất khổ, từ năm mười bảy tuổi Tư Đồ Cửu An đã từ quê nhà sơn cước mà tòng quân, dựa vào sự thông minh và chăm chỉ, ở trong quân đội mười mấy năm đều làm cán bộ, sau đó vẻ vang xuất ngũ, “rất có khí phách” từ chối công việc vô vị ở địa phương, chỉ dựa vào số tiền sau xuất ngũ mà dựng nghiệp, có được sự nghiệp cho riêng mình, sau đó kết hôn với Tiết Thiểu Bình – một người vợ trong thành phố tốt bụng, có giáo dục, rồi sinh ra Tư Đồ Quyết.
Sau này, trên trang Thiên Nhai – Ngôi nhà chung trên mạng của người Hoa trên toàn thế giới, Tư Đồ Quyết có thấy rất nhiều bài viết, cuối cùng đều khẳng định cha cô là người đàn ông “phượng hoàng.”[2] Cũng may nhà Tư Đồ Cửu An đơn bạc, rất ít bất hoà, tình cảm vợ chồng cũng khá tốt. Điều duy nhất vợ ông không chịu được chính là ông rất quyến luyến tình cảm đồng đội thời chiến.
Mà Tư Đồ Cửu An tòng quân nhiều năm, chưa đánh một trận chiến nào, nhưng tình cảm đối với cấp dưới và bạn chiến đều nặng như nhau. Với những người bạn sau xuất ngũ, ông đều không tính toán, vì thế mỗi khi có người gặp khó khăn, người ta còn chưa mở miệng thì ông đã nhiệt tình ra tay viện trợ giúp đỡ rồi.
Nhiều năm rồi, Tư Đồ Quyết không nhớ đã có bao nhiêu “chú bộ đội” của bố đến nhà chơi, đã có bao nhiêu tiền của mang đi giúp bạn của bố, Cửu An Đường từ khi tạo dựng đến giờ đã nhận bao nhiêu cấp dưới cũ của bố. May mắn mẹ cô cũng không phải người hẹp hòi, bà rất hiểu chồng, thường không tính toán, những lúc không thể chịu đựng được cũng chỉ nói đôi ba câu. Mà Tư Đồ Quyết từ nhỏ đã được bố mẹ dạy phải trọng tình trọng nghĩa, trọng nghĩa khinh tài, nên càng không để tâm mấy chuyện này.
Mâu thuẫn bắt nguồn thật sự khi ngày hôm đó Tư Đồ Cửu An trên bàn ăn đã nghiêm túc nhắc đến thời ông còn trong binh ngũ, có một người lính cấp dưới rất tốt. Người lính này là một người thật thà, theo lời Tư Đồ Cửu An là một người nói ít làm nhiều, không có người lính nào có thể tốt hơn anh ta, nhưng người này trong doanh trại quân đội cũng không nhận được nhiều chú ý. Dưới sự dìu dắt của Tư Đồ Cửu An, vất vả lắm mới lên đến chức Phó trung đội trường, kết quả sau khi xuất ngũ được phân đến một nhà xưởng nhỏ kinh doanh không tốt lắm. Cuối cùng khi xí nghiệp đóng cửa, về nhà làm nông nghiệp, cuộc sống hàng ngày rất vất vả.
Đây vẫn là việc ăn năn nhất trong lòng Tư Đồ Cửu An, ông luôn cảm thấy người anh em tốt không có tiền đồ cũng có trách nhiệm của mình, cho nên luôn nghĩ cách giúp đỡ bạn về mặt kinh tế. Nhưng người bạn họ Diêu này lại là một người có tính cách cố chấp (Sau này Tư Đồ Quyết tổng kết tính tình kỳ quặc, xấu xa của ai đó là do di truyền, thâm căn cố đến, khó lòng thay đổi được). Tư Đồ Cửu An đi thăm người bạn ấy, anh ta chào đón, nhưng dùng bất kể phương pháp nào để đưa tiền anh ta cũng không chịu nhận, dù cuộc sống gia đình anh ta đã rơi vào tình cảnh túng quẫn khiến người khác nhìn không đành lòng.
Sau khi Cửu An Đường từng bước phát triển, Tư Đồ Cửu An không chỉ một lần mời anh ta đến công ty, nhưng người bạn này vẫn từ chối. Anh ta nói anh ta không có duyên với công việc làm ăn buôn bán, nên không muốn theo chân Tư Đồ Cửu An, tăng thêm gánh nặng cho ông, chỉ có làm ruộng mới là việc am hiểu của anh ta, một đời nghèo khó như vậy cũng chấp nhận.
Vốn dĩ chấp nhận thì cũng chấp nhận rồi, ai cũng có số mệnh của mình, vậy cũng là hết cách rồi. Nhưng môi trường sống tồi tệ và đau khổ kéo dài khiến sức khoẻ của người bạn họ Diêu này ngày càng sa sút, lúc bắt đầu không khoẻ nhưng luôn cố chịu đựng, chỉ vì con trai nhiều lần yêu cầu mới đi bệnh viện kiểm tra, kết quả là bị ung thư gan giai đoạn cuối, dù cho Hoa Đà tái thế cũng không có cách chữa trị.
Đến khi Tư Đồ Cửu An theo thường lệ gọi điện hỏi thăm, người bạn kia trong nhà vốn đã bần hàn nay vì căn bệnh kia mà bán hết đồ đạc trong nhà, không còn gì cả. Người vợ không chịu được, trên danh nghĩa là ra ngoài làm việc nhưng từ đó cắt đứt liên lạc, bặt vô âm tín, chỉ còn lại một đứa trẻ đã bỏ học, ngày ngày bên cạnh giường bệnh.
Tư Đồ Cửu An lúc đó có quen biết với bệnh viện chữa trị về ung thư tốt nhất trong thành phố, hạ quyết tâm phải cho người bạn mình có được cách chữa trị tốt nhất, kết quả vẫn chậm một bước, chỉ kịp tiễn bạn một đoạn đường mà thôi, trong lòng đau thương tiếc nuối vạn phần, một khoảng thời gian dài không nhìn thấy ông cười. Tiết Thiểu Bình dùng lời lẽ khuyên bảo, Tư Đồ Quyết khi đó cũng không dám trước mặt bố mẹ gây náo loạn, sợ lại bị xui xẻo. Ngày hôm đó, Tư Đồ Cửu An ngồi ở bàn ăn, tràn đầy vui vẻ, đây cũng là một thời gian sau khi bạn ông qua đời. Mẹ con Tư Đồ Quyết mới đầu cho rằng cuối cùng ông đã trở lại bình thường, trong lòng nhẹ nhõm, ai biết được ông lại định đem đứa con mồ côi của người bạn kia từ quê ra đây, thay bạn nuôi nấng chăm sóc.
Tư Đồ Quyết nghe bố mình thao thao nói về thân thế đáng thương, sự thông minh, hiếu thuận, hiểu việc, cần cù… một loạt các tính cách tốt của người con trai kia mà kinh ngạc đến mức quên cả gắp đồ ăn. Cô không phải là người không có tấm lòng thương cảm, mỗi lần bố cô nói đến chú Diêu đáng thương, Tư Đồ Quyết cũng có chút đau xót, nhưng cuộc sống và con người như thế vẫn cách xa với cô quá, giống như những câu chuyện trên báo, mà con người trong câu chuyện đó rõ ràng lại muốn bước vào nhà cô, cùng chung sống với cô, điều này không tránh khỏi có chút không tưởng tượng được.
Phản ứng của Tiết Thiểu Bình dữ dội hơn một chút, bà lặng lẽ nghe chồng nói xong, cho đến khi ông nhắc đến chuyện đã liên lạc với nhà trường, ngày mai đi xe đến đón đứa bé kia, bà mới hiểu rõ chồng mình nói với mình chuyện này không phải là có ý cùng bà bàn bạc, mà là đã quyết định rồi, đây chẳng qua chỉ là thông báo mà thôi.
Điều này làm cho tính tình vốn tốt đẹp, luôn tôn trọng chồng của Tiết Thiểu Bình lúc này ngay cả trước mặt con cũng tan vỡ. Bà có thể chấp nhận chuyện chồng mình nhiều năm luôn coi trọng tình cảm với bạn chiến, cũng có thể chấp nhận chuyện ông vì mất đi một người bạn tốt mà sầu não không vui. Theo bà, một người đàn ông tốt cần phải như vậy, nhưng Tư Đồ Cửu An không quan tâm đến cảm giác của một người vợ như bà, ngay cả việc chưa bàn bạc gì mà đã quyết định đem đứa con của người khác về nhà nuôi nấng, mặc kệ đứa trẻ đó có bao nhiêu điểm tốt, đáng thương như thế nào, điều này vẫn khiến bà vô cùng phẫn nộ mà phản đối.
Đối mặt với cơn thịnh nộ của vợ, Tư Đồ Cửu An cũng đã dự đoán được, chẳng qua là bất đắc dĩ mà thôi, có thể sở dĩ ông đến cuối cùng mới nói với vợ và con gái chính vì sợ phản ứng của họ có thể khiến ông do dự. Nhưng ngày đưa tiễn lão Diêu, đứa trẻ đó từ đầu đến cuối đều rất lặng lẽ và hiểu chuyện, sự tuyệt vọng ánh lên trong đôi mắt trưởng thành sớm ấy khiến ông không thể nào quên được. Từ đó, ông đã ở trước mộ bạn thề là sẽ coi đứa trẻ đó như người thân của mình, nuôi dưỡng lớn lên, không để bạn mình phải hối tiếc.
“Anh có biết trong nhà bỗng dưng thêm một người có nghĩa gì không? Đứa trẻ đó đã mười sáu tuổi rồi, không phải sáu tuổi hay sáu tháng gì cả, chúng ta làm sao có thể ở chung với nó? Đối với em và con gái, nó chỉ là một người lạ mà thôi. Còn đây là nhà của em, không phải cô nhi viện!” Tiết Thiểu Bình phẫn nộ to tiếng với Tư Đồ Cửu An.
Lúc ấy, Tư Đồ Cửu An né tránh đề tài của Tiết Thiểu Bình, quay sang nói với Tư Đồ Quyết nãy giờ vẫn chưa gắp thức ăn: “Sao có thể nói là người lạ chứ? Con gái, con không phải là không biết chú Diêu đúng không? Còn có anh trai đó, con cũng gặp qua rồi…” Thấy dáng vẻ mơ hồ của con gái, Tư Đồ Cửu An nhíu mày nói, “Không phải con đã đến nhà chú Diêu cùng với bố rồi sao? Anh trai đó còn cùng con ăn cơm, nói chuyện rồi mà, sao có thể quên chứ?”
Thực ra, biểu hiện trên mặt của Tư Đồ Quyết lúc này không phải là không nhớ, chỉ là bị từ “anh trai” buồn nôn trong câu nói hùng hồn của bố làm cảm thấy khó chịu, đang cố gắng điều chỉnh mình mà thôi.
[1] Ngày kinh nguyệt của con gái
[2] Từ “phượng hoàng” này xuất phát từ câu “Phượng hoàng vàng bay ra từ khe núi”, ý chỉ sự lột xác, trải qua gian khổ mới có thành tựu. Ngoài ra, còn một ý nghĩa nữa, ám chỉ người đàn ông nghèo khổ ở nông thôn, sau này chuyển ra thành phố và cưới một người vợ thành phố