Chương 12

Già kén kẹn hom - Không nhà không cả mái che - Hari muốn từ giã cõi đời - Thiên thần chân đất - Bữa tối gọn nhẹ - Ăn sáng - Kho báu và lọ mù tạc - Cuộc đấu sống chết - Ba lão ngư.

Sau bữa sáng tôi ngồi trên bờ sông nghĩ ngợi về lịch sử miền đất chúng tôi đang đi qua nhưng Jord không để cho tôi yên, hắn bảo nếu như tôi thấy nghỉ đã đủ rồi, thì liệu có sẵn lòng tham gia vào việc rửa bát đĩa chăng, tôi đành phải bò vào thuyền rửa chảo bằng bàn chải với một dúm cỏ, cuối cùng thì đánh bóng bằng cái áo sơ mi ướt của Jord.

Đoạn sông tiếp theo ít hấp dẫn hơn, chỉ khi gần đến Bo-ven mới đẹp trở lại. Tôi cùng Jord kéo thuyền bằng dây chão ngang qua công viên Ho-um, công viên này kéo dài theo bờ phải sông từ cầu An-be-rơ đến cầu Vich-to-ri. Khi qua Đet-tre-rơ Jord hỏi tôi có nhớ chuyến du hành theo sông Thêm lần đầu, cái lần chúng tôi đổ bộ lên Đet-tre-rơ vào quãng mười giờ tối và khốn khổ khốn nạn vì chuyện ngủ đêm hay không.

Tôi đáp là vẫn nhớ. Chuyện như vậy sao có thể quên được!

Lần đó là vào hôm thứ bảy truớc kì nghỉ hè tháng tám. Chúng tôi - vẫn bộ ba như hiện giờ - đến được Đet-tre-rơ thì đã đói và mệt. Ba tên kéo từ lòng thuyền ra các thứ rương, làn, khăn, khố… chia nhau lôi xách đi tìm chỗ nghỉ đêm. Chúng tôi tìm thấy một khách sạn nhỏ tuyệt đẹp, giàn cây phủ đầy trường xuân và tơ hồng, chỉ không có hoa kim ngân nhưng không hiểu sao tự dưng tôi lại thích có cây kim ngân nên nói với tụi chúng:

- Không, không dừng ở đây các câụ ạ! Bọn mình đi thêm tí nữa tìm xem có khách sạn nào có dàn kim ngân thì hơn.

Chúng tôi đi mãi cho đến khi gặp một khách sạn trông cũng rất xinh xắn và có dàn hoa kim ngân. Nhưng Hari không ưa dáng vẻ của cái tay đang đứng tựa cửa ra vào. Hắn bảo tay này có cái đầu trông rất tởm, hắn không thích tí nào vậy nên chúng tôi tiếp tục hành trình. Cả bọn đi rạc cẳng nhưng không thấy thêm một khách sạn nào, gặp một người đi đường liền hỏi thăm. Nguời này nói :

- Xin thứ lỗi, nhưng tôi e rằng các vị đi sai hướng rồi. Các vị hãy quay lại, cứ đi thẳng là tới “Con Hươu Đực ” ngay!

- Chúng tôi đã đến đấy rồi và không ưng ý khách sạn đó, không có dàn kim ngân nào cả.

- Thế ư - người này nói - Vậy thì còn “Me-no-hay” đối diện “Hươu đực”. Các vị đã tới đó chưa?

Hari đáp rằng bọn tôi không muốn tới đó - không thích cái tay đứng ở đó, trông cái sọ trọc với mấy sợi tóc hoe của hắn mất cảm tình lắm.

- Vậy thì tôi chịu không biết các vị ưng thứ gì. Ở đây chả còn khách sạn nào nữa đâu.

- Không còn khách sạn nào?! - Hari kinh ngạc.

- Vâng - Thưa quí vị. Nhẵn rồi đấy!

- Mình đi đâu bây giờ? - Hari băn khoăn.

Đến lúc này Jord giành quyền phát biểu. Hắn bảo tôi với Hari tự xây lấy khách sạn mà ở cho thật vừa ý, còn hắn thì quay về với hươu đực hươu cái gì cũng được.

Ngay những thiên tài của nhân loại cũng chẳng phải luôn luôn thực hiện được điều mình muốn, vậy nên tôi và Hari đành lếch thếch đi theo sau tay Jord. Chúng tôi kéo lê ba lô hành lý tới “ Hươu Đực” đặt một đống ở nền hiên.

Chủ khách sạn ra gặp và nói:

- Chào các quí ông

- Chào ông - Jord đáp lời - Tôi hy vọng có thể tìm được ba giường trống ở khách sạn của ông.

- Tôi rất lấy làm tiếc, thưa quí ông, nhưng tôi e rằng không tìm được đâu ạ.

- Biết làm sao nhỉ - Jor đáp - Thôi hai giường cũng được, hai trong số bọn tôi sẽ nằm chung một giuờng… có phải không? - Hắn hướng cái nhìn sang hỏi Hari và tôi.

- Hẳn thế - Hari tán thành với tính toán là một giuờng cũng đủ cho tôi và Jord.

- Rất là tiếc thưa qúi ông - tay chủ khách sạn nhắc lại - Nhưng khách sạn của tôi không còn một giuờng trống nào. Nếu các vị muốn biết thì tôi phải nói thật là mỗi giuờng giờ đã nằm hai người, có giường ba người…

Việc đó đầu tiên làm cả ba tên hoang mang, nhưng Hari tỏ ra là một du khách từng trải, dễ dàng vượt qua tình thế, hắn cười vui vẻ, nói:

- Được rồi, ông cũng chẳng có cách nào khác. Đành chịu đựng với nhau vậy thôi. Có thể thu xếp cho chúng tôi trong phòng bi-a được chăng?

- Tôi thực sự lấy làm tiếc, thưa quí ông. Đã có ba ông ngủ trong phòng bi-a, hai ông khác nằm ở phòng khách. Không còn khả năng nào để thu xếp chỗ nghỉ cho các quí ông đêm nay.

Ba tên nhặt nhạnh đồ đạc lếch thếch kéo sang Me-no-hay. Lúc nãy khách sạn này trông rất hay, tôi bảo là mình ưng nó hơn Con Hươu, Hari nói :

- Lại còn thế nữa! - Hắn nói thêm lúc này chẳng cần quan tâm đến chuyện nọ chuyện chai làm chi, đầu thằng cha ấy hói thì việc quái gì đến cánh ta, hơn nữa thằng gù đâu có lỗi vì cái bướu nó mang trên lưng!

Hắn gói ghém vấn đề khá gọn và có lý ra phết!

Ở Me-no-hay người ta không để chúng tôi kịp mở miệng. Nữ chủ đón chúng tôi ở ngưỡng cửa thông báo rằng chúng tôi là nhóm thứ mười bốn mà bà ta bắt buộc phải từ chối tính từ một tiếng rưỡi trước đây. Nhắc nhở rụt rè của chúng tôi về gầm cầu thang, chuồng ngựa, phòng bi-a được bà chủ đáp trong tiếng cười như nắc nẻ: tất cả những chỗ có thể ngả lưng đã được người ta chiếm cứ từ lâu rồi.

- Liệu nữ chủ có thể gợi ý một hướng giải quyết nào cho đêm nay được chăng?

Không, bà ta không nghĩ ra cách nào… nhưng cách đây một dặm rưỡi nghe đâu còn có một khách điếm…

Không kịp nghe hết câu nói của bà chủ khách sạn Me-no-hay ba tên đã chộp đồ lề rương, làn, bị, gậy biến nhanh như chớp. Cự ly có thể còn hơn con số một dặm rưỡi nhưng bọn tôi đã nhanh chóng lướt qua, thở hổn hển khi ập vào tửu quán.

Ở đây chúng tôi không được ai đón chào niềm nở. Chủ quán đang bận, còn những người quanh đấy cười diễu nói rằng quán có ba chiếc giuờng nhưng đã thu xếp cho bảy người đàn ông độc thân và một cặp vợ chồng, chỉ có một người khuyên chúng tôi nên vào tìm chỗ trú ở quầy thực phẩm bên cạnh “Con Hươu Đực” xem sao. Chúng tôi đành lộn ngược hành trình.

Quầy thực phẩm cũng đã lèn cứng như cá hộp. Có một bà cụ nhận dẫn chúng tôi đến nhà người quen ở cách đó một phần tư dặm, nhà này đôi khi cũng nhường giường cho khách.

Ba tên lếch thếch đến hai mươi phút mới đến được ngôi nhà đó vì bà cụ đi đứng rất khó nhọc, dọc đường cụ bà giải khuây cho cả bọn bằng câu chuyện kể về những tật bệnh của cụ, đặc biệt là những cơn đau nhói ở thắt lưng. Căn hộ bà cụ đưa chúng tôi đến đã chặt cứng người ở nhờ qua đêm. Họ dẫn chúng tôi sang số nhà No. 27, nhà này cũng đông như nêm cối nên lại sang nhà No. 32 và nhà này cũng chẳng khác gì những nhà kia.

Ba tên đành quay ra đường cái, Hari ngồi phịch xuống một chiếc rương nói rằng sẽ không đi đâu nữa. Hắn bảo hắn muốn được chết trong cái góc nhỏ yên tĩnh này và nhờ tôi với Jord chuyển cái hôn vĩnh biệt đến bà già hắn, nhờ nói với tất cả bà con họ hàng tha thứ những lỗi lầm và nói với họ rằng hắn rất sung sướng được chết đi, để khỏi phải hành hạ thân xác thêm ít năm tháng nữa!

Đúng vào giây phút đó thiên thần đã xuất hiện trong lốt của một thằng cu con (tôi không hề có chút phóng tác lãng mạn nào trong khi nói câu này). Một tay giữ bình bia, tay kia có một đoạn giây, đầu chót của nó buộc một thứ kì quái gì đó.

Thằng bé cứ thả vật đó xuống mỗi hòn đá phẳng phiu gặp được trên đường đi rồi lập tức giật phắt lên tạo ra những âm thanh thống thiết làm máu chúng tôi muốn đông thành cục trong huyết quản.

Chúng tôi hỏi vị sứ giả của bầu trời đó (cả ba không nhận ra được ngay đó đích thực là sứ giả của tiên ông tiên bà nào đó) xem cậu ta có biết ở quanh đâu đây có một ngôi nhà khuất nẻo nào ít người (chỉ có một bà lão móm mém hoặc một cụ già bại liệt chẳng hạn, những người chẳng có gì phải sợ sệt người lạ) có thể cho chúng tôi trú ngụ một đêm, hay có thể chỉ cho chúng tôi một chiếc chuồng lợn hoặc lò vôi bỏ hoang nào đó. Cậu bé không biết một thứ nào chúng tôi vừa hỏi nhưng bảo nếu chúng tôi muốn thì cứ đi theo cậu ta, bầm của cậu có một căn nhà trống sẽ cho chúng tôi nghỉ đêm.

Chúng tôi nhảy bổ đến ôm cổ cậu ta cám ơn, mặt trăng tròn vành vạnh đang sáng chiếu, thật là một cảnh tượng hết sức cảm động, nếu như những thứ đồ đạc đeo trên vai chúng tôi không làm cậu bé sụm chân ngồi phệt xuống đất. Hari vừa từ cõi chết quay về mừng quá tí nữa thì chết thật, phải mượn bình nước cam lồ-bia của cậu bé để giúp cho hắn hồi tỉnh kịp thời. Sau đó hắn nhảy nước kiệu nhỏ đi trước để mặc tôi và Jord tha lôi tất cả rương hòm bị gậy.

Cậu bé sống trong một ngôi nhà nhỏ có bốn buồng, mẹ cậu - một bà tiên quí hóa - cho chúng tôi ăn bữa tối với thịt sấy rán. Ba tên vét nhẵn đĩa - tất cả hơn hai kí lô! - lại còn bánh nhân mứt, hai ấm trà đầy có ngọn, sau đấy đi ngủ. Có hai chiếc giưòng, chiếc to tôi và Jord cùng nằm sát nhau để chống lạnh, chiếc giường trẻ con giành cho Hari độc quyền khò một mình. Sáng hôm sau chúng tôi nhìn thấy hai cẳng chân dài hàng mét của thằng cha thò ra ngoài liền dùng ngay chúng làm chỗ phơi khăn mặt.

Sau có lần chúng tôi lại qua Đet-tre-rơ, lần này thì chúng tôi không ngước mắt lên nhìn xem khách sạn có cây cỏ hoa hoét gì ráo trọi.

★★★

Quay về với cuộc đi hiện tại: chúng tôi dong thuyền bình yên không có sự cố nhỏ nào, gần đến đảo Khỉ thì ghé vào bờ chuẩn bị bữa trưa. Bọn tôi có thịt bò lạnh nhưng mù tạc thì té ra đã để quên ở nhà. Cả đời tôi, trước kia và sau này, chưa bao giờ quan tâm đến mù tạc như lúc này. Nói cho chính xác tôi không khoái cái trò cay mũi đó, chẳng bao giờ dùng đến mù tạc nhưng lúc này dù có mất cả kho vàng, tôi cũng sẵn sàng đổi lấy lọ nhỏ tương hạt cải vì không chịu đựng được vẻ mặt thảm hại của hai tên kia, khi nghe tin sét đánh về vấn đề quên không mang nó theo.

Tôi không tưởng tượng được trên thế gian này có bao nhiêu kho báu, nhưng vào thời điểm gay cấn này giá ai cho tôi một thìa mù tạc tôi sẵn sàng cho họ quyền sở hữu tất cả các kho báu đó ngay. Khi cần đạt được thứ mình mong muốn cũng chẳng nên điều độ làm chi.

Hari cũng nhất trí với tôi, giả sử có tay buôn mù tạc nào gặp được chúng tôi lúc này thì hắn đã có được vụ kinh doanh một vốn bốn… lờ… Không, phải bốn tỷ lời là ít.

Nhưng những vụ kinh doanh như vậy chắc chắn phải chấp nhận mạo hiểm lớn. Tôi sợ rằng sau khi đã có mù tạc để chế biến món thịt bò rồi thì tôi và Hari lại xoay xở để vô hiệu hóa thương vụ. Thông thường con người ta trong lúc bốc đồng dễ dàng đánh đổi tất cả mọi thứ nhưng sau đó, khi đã có thời gian suy nghĩ lại hối tiếc ngay. Tôi được nghe kể về một tay leo núi trong lúc khát nước đã tuyên bố đổi cả kho báu lấy một cốc bia. Nhưng khi lên đến đỉnh núi, sau khi uống thoải mái bia trong một căn nhà nhỏ hắn giẫy nẩy lên kêu đắt vì người ta tính giá năm phơ-răng một chai. Tay này đã gọi người chủ nhà là quân trấn lột, còn định kiện đến hội đồng hàng tỉnh!

Sự thiếu vắng tương hạt cải đã phủ bức màn ảm đạm lên bữa ăn. Chúng tôi im lặng nhá thịt bò, cảm thấy cuộc đời này sao mà tẻ nhạt. Tuy nhiên khi chuyển sang món bánh nhân trứng đã thấy tinh thần được nâng lên ít nhiều, đến khi Jord lục lọi moi được từ giữa chiếc rương bự ra một hộp dứa thì nhân sinh quan thay đổi hẳn.

Chúng tôi - cả ba tên - thích món dứa kinh khủng. Ngắm nghía mãi nhãn bọc ngoài vỏ hộp, tưởng tưọng ra vị chua ngọt quyến rũ của nước quả, cười toét với nhau, tay Hari đã cầm sẵn chiếc thìa.

Chỉ còn việc đi tìm con dao mở đồ hộp. Ba tên moi tung các thứ trong rương làn, lộn trái chiếc bị da, lật ván la-canh để xem nó có rơi xuống đáy thuyền không. Chúng tôi quăng những thứ đã tìm rồi lên bờ để đỡ lẫn lộn nhưng con dao mở đồ hộp chả thấy đâu cả.

Thế là Hari đành dùng con dao nhíp để thử mở hộp, hắn làm gẫy mũi dao và chảy khá nhiều máu tay. Đến lượt Jord dùng kéo để tham gia cuộc chiến, chiếc kéo bị oằn một bên lưỡi nên lưỡi kia tí nữa thì chọc mù mắt Jord để trả thù. Trong khi hai tên đang băng bó tôi dùng mũi nhọn của câu liêm bổ thử xem sao: chiếc câu liêm cán dài trượt đi làm tôi loạng choạng phải nhảy khỏi thuyền rơi vào lớp bùn ngập đến đầu gối, còn hộp dứa vẫn nguyên lành lăn long lóc tông vào ấm sứ pha trà khiến chiếc ấm vô can bị vỡ làm đôi.

Lúc này thì cả hội đã điên tiết lắm. Chúng tôi đưa hộp dứa lên bờ, Hari đi vào bãi tìm được một hòn đá có mũi nhọn, tôi quay lại thuyền lấy cây cột căng buồm. Jord giữ hộp dứa, Hari kê đầu nhọn hòn đá vào nắp hộp để tôi giương thẳng cánh cột buồm nện xuống.

Mãi sau này Jord vẫn giữ chiếc mũ rơm rách để ghi nhận công lao, trong lần nó đã dũng cảm đỡ chiếc gậy của tôi đập trượt, vì vậy mạng sống của hắn vẫn được duy trì. Chiếc mũ được truyền tay nhau như một chứng nhân lịch sử và sau mỗi lần kể các chi tiết càng được bổ xung, sống động hơn lên.

Hari thoát thân, chỉ bị một vết xây sát nhẹ.

Sau cú đó tôi lên cơn điên, chộp chiếc gậy nện vào hộp dứa mất dạy liên hồi kì trận, mãi đến lúc phải buông cây cột buồm thở như con cá khốn khổ bị quăng lên bờ cát.

Trải qua kiếp nạn, cái hộp ngoan cố lúc thì bẹt như chiếc bánh bèo, lúc ra hình vuông, nó được chúng tôi cho mang đủ các kiểu dạng hình học nhưng không hề thủng lỗ nào! Hiện giờ nó nằm đó, những vết nhăn tạo thành khuôn của người đàn ông mang bộ mặt cười,nhăn nhở khốn kiếp đến mức tên Jord phải chộp lấy nó, lấy hết sức bình sinh quăng ra giữa sông Thêm. Ba tên gửi theo không biết bao nhiêu câu nguyền rủa, sau đó đẩy thuyền chèo một mạch đến tận vũng sông gần Cu-ke-mơ mới dừng lại uống trà.

Lúc đó trời đã ngả chiều. Gió mạnh nổi lên - thật lạ là cùng chiều với hướng đi của chúng tôi. Thường thì gió trên sông bao giờ cũng thổi táp vào mặt người ta, dù các ngài có chèo theo hướng nào cũng vậy. Nó thổi ngược hướng vào lúc sáng tinh mơ khi các ngài vừa tách bến, cả ngày phải cong lưng mà chèo, tuy vậy vẫn hy vọng lúc về sẽ có gió thuận chiều. Nhưng tới chiều khi quay về gió thế nào cũng đổi hướng, vậy là không còn cách nào khác ngoài việc tiếp tục hành hạ cơ vai nếu các ngài muốn trở về nhà.

Nhưng khi mà ngài quên không mang theo buồm thế nào nó cũng sẽ thổi thuận cả lúc đi, lúc về. Tôi cam đoan là thế! Biết làm sao đuợc. Thế gian này là miền đất đọa đày, con người ta sinh ra là để chịu khổ hạnh cũng như mặt trời sinh ra để mà chiếu sáng.

Tuy vậy lần này rõ ràng gió có suy tính điều gì đó không bình thường, nên nó thổi vào lưng thay cho việc thốc vào mặt chúng tôi như mọi khi. Không hề bối rối, chúng tôi giương buồm tắp lự trước khi thiên nhiên nhận ra sai lầm của nó, sau đấy ba tên nằm dài thoải mái, buồm reo phần phật, cột buồm cót két, con thuyền cứ thế lao đi.

Tôi ngồi giữ lái. Theo tôi không có cảm giác gì thú vị hơn khi thuyền chúng ta đi bằng cánh buồm căng gió. Chỉ khi ngồi trên con thuyền như vậy - và còn ở trong mơ nữa - ta mới có cảm giác được bay bổng. Cảm giác đó tạo cho các bạn thấy mình không phải là ngọn cỏ yếu đuối bất lực truớc ngọn gió đùa. Ta cảm thấy mình là đứa con kiêu hãnh của thiên nhiên, là ông Con Trời không cần phải mất mát chút sức lực gì mà thuyền cứ đi vùn vụt!

Hầu như chỉ có mỗi con thuyền của chúng tôi trên dòng sông Thêm. Tít tắp mãi đằng xa mới có một con thuyền đáy bằng thả neo mà thôi. Gần hơn chút nữa tôi thấy có ba người ngồi câu trên thuyền đáy bằng, ba lão ngư đáng kính, họ đang chăm chú vào việc thả câu.

Tôi vẫn ngồi giữ lái, con thuyền của chúng tôi hiện rõ nét trên nền trời đang ngả chiều khá nhanh, hoàng hôn mặc áo đen đang xà xuống bờ sông phủ cây rừng xanh thẫm, chúng tôi có cảm giác mình là những hiệp sĩ trong câu chuyện thần thoại cổ xưa, đang bơi trên mặt hồ huyền bí tới vương quốc của bà tiên Hoàng Hôn.

Nhưng ba tên không tới vương quốc Hoàng Hôn mà tông vào chiếc thuyền đáy bằng của ba lão ngư. Đầu tiên chúng tôi không biết xảy ra chuyện gì vì cánh buồm tụt xuống che hết cả mặt mũi, khi Hari nâng được nó lên tôi thấy thuyền mình đã hất ba ông lão vào thành một cụm, cùng với mảnh lưới túm mấy con cá mắc câu, hai chiếc ghế dài đổ chỏng trơ.

Ba ông câu cá trút sang thuyền chúng tôi những câu chửi có ngành có ngọn, rất cổ kim bài bản, liên quan từ quá khứ đến mai hậu, từ họ hàng gần đến họ hàng xa, thân bằng cố hữu.

May mà con thuyền tiếp tục được gió thổi đi càng lúc càng xa. Jord giành lấy tay lái, hắn tiếp tục rủa xả tôi thay cho ba ông lão câu cá, hắn bảo một thằng cha thơ thẩn thẩn thơ như tôi không thể nào giao cho nhiệm vụ cầm lái, chỉ được phép kéo dây chão lôi con thuyền đi như con bò kéo cối xay mía mà thôi. Hắn đưa thuyền tới Ma-rơ-lo. Chúng tôi dừng thuyền ở chân cầu rồi vào nghỉ trọ ở khách sạn “Vương miện”.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện