Chương 3: Chân trần trên kim loại
Tai nạn bài trắc nghiệm đã nhen nhóm lại sự hiếu học trong ba đứa chúng tôi suốt một khoảng thời gian. Ryan trở nên im lặng hơn mỗi khi học nhóm, cố kìm chế việc thảo luận những chủ đề nóng hổi từ phim ảnh, ẩm thực cho tới các bộ phim khoa học viễn tưởng mới ra lò, khiến cho những buổi học trở nên năng suất hơn hẳn. Mặc dù điểm số đang nhích dần tới mức trung bình của cả lớp, nhưng những bài tập về nhà ngày trở nên tẻ nhạt như khoai độn, và chúng tôi cần giải lao. Ryan thường gà gật lúc chuyển qua làm bài tập tiếp theo, hoặc nhìn mông lung lên tường, miệng lầm rầm chửi thề mỗi khi phải mở một cuốn sách mới.
“Được rồi,” một ngày nọ cậu ta thở dài, tay dập ghim xấp bài tập. “Tớ đã xử xong cái đống phân ngày hôm nay. Còn hai cậu định tiếp tục cày hay sao đây?”
“Sao cậu cứ phải gọi việc học hành là cái đống phân thế nhỉ?” Alok thắc mắc.
“Thử đoán xem nào,” Ryan thảy xấp giấy lên bàn như một tờ giấy ăn dùng rồi.
“Nhưng tại sao?” Alok hỏi, “ý tớ là, chắc chắn cậu cũng đã từng phải ôn tập rất nhiều để thi vào IIT đúng không?”
“Ừ, nhưng nói thẳng, cái chốn này làm tớ quá thất vọng. Đây nào có phải là đỉnh cao của khoa học kỹ thuật như họ vẫn huênh hoang, phải thế không?”
Tôi gấp sách lại để tham gia vào. “Sếp ơi, cày bừa là cái giá ta phải trải cho tấm bằng IIT. Anh cày, anh tốt nghiệp, anh kiếm được việc. Có gì mà thất với vọng?”
“Đó chính là vấn đề đấy, là sự tồn tại của bộ máy ngốc nghếch này và những con người ngốc nghếch như cậu đấy.”
Tôi ghét Ryan. Một khi cậu ấy mở miệng rao giảng thì ai nấy đều hóa thành ngốc nghếch.
“Cày, thi, làm bài không ngơi nghỉ. Làm gì còn thời gian thử nghiệm những ý tưởng mới? Chỉ toàn ngồi lết bết cả ngày và trở nên béo ú như Hari.”
Chỉ vì Ryan không thích ôn bài mà tôi bị nói là ngốc nghếch và béo ú. Những người như cậu ấy lúc nào cũng nghĩ mình là quà của Thượng đế ban cho nhân loại. Tệ hơn nữa, điều đó lại là sự thật cơ chứ.
“Tớ làm gì có ý tưởng nào mới. Mà tớ béo đến mức đấy kia à?” tôi quay sang hỏi Alok. Nhìn cậu này lập tức tôi cảm thấy được an ủi hơn.
“Này Ông Béo, nhìn vào gương đi thì biết. Phải tìm cách gì đi thôi.”
“Là di truyền đấy, tớ xem phim tài liệu trên ti vi một lần rồi,” tôi tự vệ yếu ớt.
“Di truyền cái mông. Tớ có thể khiến cậu giảm mười kí lô trong tích tắc.” Cậu ấy bật hai ngón tay “tách” một tiếng.
Tôi không biết Ryan có kế hoạch gì, nhưng chắc chắn nó sẽ không hề khiến tôi thư thái. Với tôi, béo ú còn hơn là phải chạy bộ theo xe buýt trường hoặc trèo cầu thang năm mươi lần mỗi ngày. “Ryan, cậu cứ quên tớ đi. Nếu cậu không muốn cày thì mình đi xuống căng tin ăn parantha vậy?”
“Đấy sếp thấy chưa, vấn đề nằm ở chính đây – cạp suốt ngày mà chẳng thể thao. Tớ đã quyết định rồi, Hari sẽ phải tuân theo một thời khóa biểu thể dục,” Ryan nhảy lên. “Bắt đầu từ sáng mai luôn.”
Ryan lúc nào cũng quyết định thay người khác. Tôi không biết có phải vì vẻ đẹp mã hay sự tốt tính của cậu ấy mà người ta thường cho qua, nên cậu ấy cứ tung hoành mãi.
“Gượm đã Ryan, cái quái gì…” tôi lên tiếng.
“Mà thực ra cả Alok cũng nên theo luôn. Đồng ý chứ?”
“Đi chết đi,” Alok lầm bầm rồi lại chúi đầu vào chồng sách như con sóc cắm vào hạt dẻ.
Tôi cân nhắc về việc giảm mười kí lô. Từ nhỏ đến lớn tôi vẫn bị gọi là Ông Béo, đến mức cái sự mập mạp đã trở thành một phần bản sắc của cá nhân tôi. Đương nhiên, tôi ghét cay đắng cái góc bản sắc đó, và có vẻ như Ryan biết rõ mình đang làm gì thật, vì dáng cậu ấy chuẩn thế cơ mà. Mặc xác, tôi nghĩ, cũng đáng thử một lần xem sao.
“Thế mình sẽ làm gì?” tôi đầu hàng.
“Chạy bộ sáng sớm vòng quanh khuôn viên, chừng bốn cây số.”
“Dở người à, tớ đi bộ còn chẳng được bốn cây nữa là,” tôi gạt đi.
“Đồ nhát như cáy, ít ra phải thử chứ. Chạy xong rồi thấy sảng khoái lắm,” Ryan nói.
Và thế là đúng năm giờ sáng hôm sau, Ryan đá cửa phòng tôi không thương tiếc. Tôi hét Ryan. Gì thì gì, tôi cũng mở cửa, và cậu ấy đứng ngáng ở đó chờ cho tôi thay sang áo thun và quần đùi.
“Bốn cây số à?” tôi vừa ngái ngủ vừa sợ sệt.
“Cứ thử đi, cứ thử đi,” Ryan động viên.
Khi tôi bước ra khỏi Kumaon, trời vẫn còn tối. Tôi thầm cảm ơn vì niềm may mắn nho nhỏ ấy – sẽ không ai phải thấy một sinh vật hình quả địa cầu nặng tám chục cân nảy tưng tưng trên vệ đường. Để hoàn thành chặng đường bốn cây số nghĩa là tôi phải chạy tới đầu bên kia của khuôn viên, băng qua dãy ký túc, sân thể thao, tòa học viện và khu biệt thự của cán bộ trường. Tôi đã toan ăn gian và chạy đường tắt, nhưng lại muốn cho Ryan một cơ hội, tuy rằng điều này không có nghĩa là tôi ít ghét cậu ta hơn.
Cả thân hình tôi rên rỉ khi những múi cơ tôi chưa từng biết bắt đầu hiện diện. Chỉ sau mười phút, tôi đã hổn hển như một nhà leo núi trên đỉnh Everest bị thiếu dưỡng khí, và sau mười lăm phút thì tôi thấy như sắp bị đột quỵ đến nơi. Tôi ngừng lại thở dốc trong vài phút và tiếp tục chạy cho tới khi vượt qua học viện rồi chạy vào trong khu nhà cán bộ.
Bình minh hé rạng, làm lộ ra những thảm cỏ được tỉa xén nắn nót trước những căn biệt thự đẹp như trong bưu thiếp của những con người tra tấn chúng tôi trên giảng đường. Tôi chạy ngang qua nhà giáo sư Dubey. Thật khó để tưởng tượng ông giáo như một người bình thường sống trong nhà, xem ti vi, đi tiểu, ăn bên bàn ăn. Tới đây thì tôi đã mướt mải mồ hôi, mặt đỏ hơn cả màu đỏ, sắp chuyển sang một loạt sắc tím hiếm có.
Tôi dừng lại, đang hổn hà hổn hển thì đột nhiên đầu gối bị cái gì tông phải từ sau. Loạng choạng vì bất ngờ, tôi chúi người về phía trước, hai tay chỉ kịp huơ huơ ra lấy thăng bằng, suýt nữa thì ngã dập mặt. Tôi ngồi phịch ngay giữa lòng đường, cố trấn tĩnh để hoàn hồn sau cú sốc và hụt hơi, rồi quay đầu ra sau.
Một chiếc xế hộp Maruti đỏ chính là thủ phạm! Tôi vừa thở hồng hộc vừa nheo mắt nhìn xem ai ngồi ở ghế lái xe sau làn kính chắn gió. Ai lại còn muốn giết tôi trong khi tôi đã thoi thóp sẵn rồi? Tôi tự hỏi, đợi cho hơi thở ổn định lại.
“Tôi hết sức, hết… sức… xin lỗi,” một giọng nữ cất lên. Một cô gái trẻ trạc tuổi tôi, bận áo thụng và quần ngố, toàn đồ mặc ở nhà. Cô ta lóng ngóng chạy về phía trước, có lẽ định tiến về phía tôi. Tôi để ý thấy đôi chân trần.
“Tôi hết sức xin lỗi. Anh không sao chứ?” cô ta hỏi han, tay đưa lên vén tóc qua một bên mang tai.
Không sao cái gì chứ, và là lỗi chết tiệt ở cô ta chứ ai. Nhưng khi một cô gái trẻ hỏi một chàng trai có bị sao không, thì bao giờ ta chả phải nói là không sao.
“Chắc không sao đâu,” tôi đáp, co duỗi bàn tay.
“Anh có cần tôi cho đi nhờ xe không?” cô ta bồn chồn hỏi, chìa bàn tay ra để đỡ tôi dậy.
Khi cô ấy tiến đến gần, tôi chăm chú quan sát gương mặt cô. Chẳng biết có phải vì đã lâu lắm rồi tôi mới được chiêm ngưỡng một thành viên phái nữ không, nhưng tôi thấy cô ấy quả thật rất xinh xắn. Và tôi cảm nắng luôn cái vẻ ngoài vừa-bước-ra-khỏi-giường ấy. Chỉ các cô gái mới giữ được vẻ nóng bỏng trong bộ đồ ngủ: hãy nhìn Alok chẳng hạn, trông có khác gì một bệnh nhân đổ bệnh hiểm nghèo trong chiếc áo khoác rách bươm và bộ pyjama của cậu ta.
“Thực ra tôi đang chạy bộ,” tôi đáp, rồi nắm lấy tay cô ta để cố tình đứng dậy thật chậm. Ai mà muốn buông tay một cô gái xinh xắn? Nhưng dù sao tôi cũng phải buông ra khi đã đứng lên rồi.
“Chào anh, tôi tên là Neha. Anh à, tôi hết sức xin lỗi,” cô ta lại đưa bàn tay tôi vừa nắm lên sửa tóc.
“Chào cô, tôi là Hari, vẫn còn sống đây nên không sao đâu,” tôi toét miệng cười.
“Vâng, anh xem, tôi đang học lái xe,” cô ta chỉ tay vào tấm biển ghi chữ “L” dán trên tấm kính chắn gió. Vậy thì cũng dễ thông cảm thôi, tôi nghĩ, bạn được phép tông vào người ta nếu bạn đang tập lái xe, và nhất là khi bạn lại xinh tuyệt trần.
Mà nói thật lòng, tôi có bị xước xát gì đâu. Bởi một mặt, chắc cô ta lái với vận tốc rùa bò hai cây số/ giờ, mặt khác tôi có thừa mô mỡ để giảm sóc hơn hầu hết mọi người. Tuy vậy tôi vẫn muốn lợi dụng cơ hội này.
“Anh chắc là anh không cần tôi chở chứ? Tôi cảm thấy thật có lỗi,” cô ta vặn vẹo hai bàn tay.
“Thật ra tôi cũng hơi hơi muốn được đi nhờ về Kumaon,” tôi đáp.
“Chuyện nhỏ. Mời anh lên xe,” cô ta khúc khích, “đấy là nếu anh tin tưởng ở tài lái xe của tôi.”
Chúng tôi lên xe. Tôi thấy cô ấy ngồi hết sức thận trọng ở ghế lái xe, như thể đang lái con tàu vũ trụ Thương gia hay sao ấy. Rồi cô ấy đặt bàn chân trần lên bàn đạp. Không biết có phải vì tôi là kỹ sư hay không, nhưng cảnh tượng này quả rất nóng bỏng. Làn da trần của phụ nữ trên bề mặt kim loại là đỉnh điểm của bốc lửa. Móng chân cô ấy sơn màu đỏ thẫm, trong đó có một vài ngón xỏ nhẫn bạc cong queo, loại thời trang chỉ con gái mới hiểu. Tôi chỉ muốn nhìn bàn chân cô ấy mãi, nhưng cô ấy bắt đầu bắt chuyện.
“Ký túc Kumaon, nghĩa là sinh viên nhỉ?”
“Vâng. Năm đầu, kỹ sư cơ khí.”
“Cừ đấy. Thế anh thấy mọi thứ thế nào, môi trường đại học này nọ ấy? Vui chứ?”
“Cũng chẳng có gì nhiều, chỉ kịp quay đi quay lại đã hết ngày rồi.”
“Nghĩa là bọn anh phải học nặng thế cơ à? Mọi người hay gọi là gì nhỉ - cày bừa.”
“Đúng rồi phải cày chứ. Có nhiều ông thầy chết tiệt chỉ thích hành hạ cho sinh viên phát điên lên…”
“Bố tôi cũng đứng lớp đấy,” Neha nói.
“Thật á?” tôi suýt thì nhảy lên khỏi ghế. Thật may vì tôi chưa kịp giãi bày hết quan điểm sâu sắc của mình về những ông thầy, và tôi chỉ mong sao cô ấy không phải con của giáo sư Dubey.
“Vâng, ở trong khu cán bộ mà,” cô đáp. Lúc này xe đã bỏ lại khu cán bộ và tiến tới tòa học viện.
“Còn kia là văn phòng bố tôi,” cô trỏ tay về một trong hàng tá phòng.
“Thật à?” đầu tôi tua mòng mòng xem nãy giờ mình có làm gì mạo phạm không. “Ông ấy tên là gì?” tôi hỏi xã giao.
“Giáo sư Cherian. Chắc anh không biết ông ấy đâu, ông ấy chỉ dạy từ năm ba trở đi.”
Tôi lắc đầu. Tôi đã từng nghe nhắc tới tên thầy Cherian, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy thầy. Rồi tôi nhớ tới tiết học đầu tiên. “Có phải thầy là trưởng khoa Cơ khí không?” tôi hỏi, cặp mắt tiu nghỉu rời khỏi bàn chân cô.
Cảm nhận được sự lo âu của tôi, cô vỗ cánh tay tôi khi giậm ga lên số ba. “Đúng rồi. Nhưng đừng căng thẳng thế, bố tôi là giáo sư chứ có phải tôi đâu. Anh cứ thả lỏng đi.” Rồi cô bật cười khanh khách một tràng như thể đã biết tỏng nỗi si mê của tôi với bàn chân mình.
Chúng tôi tán gẫu thêm vài phút nữa dọc theo đường về ký túc. Cô kể cho tôi nghe về trường đại học mình đang theo, nơi cô học thiết kế thời trang. Cô đã sống ở khuôn viên này được hơn mười năm và quen gần hết giáo viên.
Khi sắp tới Kumaon, cô lại xin lỗi một lần nữa, và hỏi xem liệu còn có thể giúp gì được cho tôi không.
“Không, thực sự tôi không sao đâu,” tôi trấn an.
“Chắc chắn nhé Hari? Thế nghĩa là tôi sẽ còn gặp anh chạy bộ lần sau chứ?”
“Vâng chắc vậy,” tôi đáp, trong lòng đã thấy hãi đợt huấn luyện tiếp theo của Ryan.
“Tuyệt rồi. Có lẽ khi nào đó tôi sẽ chở anh đến công viên nai ngoài trường, nhiều người chạy bộ ở đó lắm. Lại còn có nhiều quán bán trà và đồ điểm tâm sáng rất ngon. Tôi nợ anh một bữa,” cô nói.
Tôi thấy lo khi sẽ phải gặp lại con gái thầy trưởng khoa. Nhưng lời mời của cô, và lý do chính là bản thân cô, thật quá khó lòng cưỡng lại.
“Nghe tuyệt lắm,” tôi nhảy ra khỏi xe, “đồ ăn miễn phí luôn được đón mừng. Lần sau cô cứ tông vào tôi đi.”
Cô mỉm cười, vẫy tay chào và lái chiếc xe đỏ biến mất hút. Hình ảnh cô gái vẫn còn vấn vương trong tâm trí khi tôi bước qua thảm cỏ ngoài sân Kumaon. Ryan đã đợi sẵn ở đây, đang chống lên đẩy xuống gì đó. Cậu ấy đã thấy tôi bước ra khỏi xe và yêu cầu một lời giải thích tường tận. Sau đó tôi lại phải lặp lại từ đầu cho Alok. Mặc dù tỏ rõ vẻ háo hức hợp lý, tra hỏi tôi xem cô ấy trông thế nào, vân vân và vân vân, nhưng cả hai cũng cảnh báo tôi nên tránh cô ấy ra vì là con thầy giáo.
Nhưng đó là vì cả hai đều chưa thấy cô và trò chuyện trực tiếp với cô. Tôi đang mòn mỏi mong chờ gặp lại cô đây, đang da diết đợi cho tới lần sau được gặp cô và chiêm ngưỡng hai bàn chân trần ấy!