Chương 6: Loại năm phẩy
“Có kết quả rồi!” Alok lay vai gọi Ryan dậy vào một sáng thứ Bảy như thể Ấn Độ đã thắng Cúp Thế giới hay đang có đám phụ nữ khỏa thân lăn lộn ngoài sân cỏ. “Có kết quả thi cuối kỳ rồi!”
“Tớ muốn ngủ,” Ryan vùi sâu vào dưới tấm chăn mà Alok cuối cùng cũng giật được xuống.
Khi chúng tôi tới giảng đường, một đám đông sinh viên đã bâu vào bảng thông báo kết quả học kỳ đầu. Những điểm số này sẽ giúp tính ra điểm trung bình, gọi tắt là GPA, trên thang điểm 10 của học kỳ đầu tiên. Những đứa đứng đầu sẽ có điểm gần 10.00, và điểm trung bình là khoảng 6.50. Nhưng chúng tôi lại ở nấc gần bét. Alok bấm lia lịa chiếc máy tính bỏ túi.
“Này nhé, Hari được 5.46 và… Ryan là 5.01 còn tớ… tớ là 5.88,” Alok nói.
“Nghĩa là cả ba bọn mình đều thuộc loại năm phẩy rồi,” tôi nhận xét như nhà phân tích.
“Chúc mình Alok, cậu đứng đầu cả nhóm,” Ryan nói.
Đứng đầu nhóm, tôi nghĩ. Cứ như thể nhóm này là nhóm thần đồng ấy. Điểm số quá nhục nhã: cả khóa có 300 đứa thì chúng tôi ở đâu đó nửa sau 200. Alok tính lại một lần nữa như hy vọng sẽ có phép lạ khiến cho điểm mình cao hơn. Nhưng ở IIT này làm gì có phép lạ, chỉ có điểm số lẹt đẹt thôi.
“Dẹp ngay đi. Chết tiệt, tớ chỉ được 5.88. Dưới trung bình quá xa.”
“Biết rồi khổ lắm, được chưa?” Ryan nói. “Kệ đi. Alok, ta đi ăn mừng ở quán gà thôi.”
“Ăn mừng” Alok phun ra. “Tớ vừa mới để vuột mất mọi cơ hội giật học bổng đi Mỹ hoặc một việc làm tốt, mà cậu lại muốn đi ăn mừng cái nỗi gì?”
“Trưởng thành lên đi Béo. Cậu muốn làm gì chứ? Cày bừa trong cơn vật vã à?”
“Đệch mẹ!” Alok chửi.
Đây là lần đầu tiên cậu ấy dùng từ “Đ.”. Cậu ấy chửi nghe mới kỳ cục làm sao. Ý tôi là, cậu ấy vẫn là một cậu nhóc chứ mấy.
Sự ôn hòa của Ryan biến mất nhanh hơn cả nụ cười của ông giáo sư. “Cậu vừa nói gì?” Rồi quay sang tôi, “Béo vừa nói gì đấy?”
Sao cái cậu chết tiệt này lại lôi tôi vào? Ryan đã nghe quá rõ lời Alok rồi đấy thôi. Mà thật ra tất cả đám sinh viên đang xì xào quanh chúng tôi cũng nghe rõ mồn một.
“Thôi nào hai cậu, có chuyện gì về ký túc rồi nói,” tôi can. Tôi chẳng quan tâm nếu hai cậu này có thủ tiêu nhau đi chăng nữa, nhưng với tôi chuyện riêng là chuyện riêng. Nhưng cả hai đều lờ tôi đi, và trong chốc lát tôi cứ ngỡ hai đứa sẽ nhảy vào tẩn nhau túi bụi. Tôi biết ngay rằng đây không phải là một trận chiến Ryan-Alok như thường nhật nữa; mà cốt lõi của vấn đề là sự bùng nổ của hai cá tính đối lập cơ bản.
“Ta đi thôi,” tôi nhắc lại và kéo cả hai về phía chiếc xe. Ryan lái xe đèo chúng tôi về ký túc một cách cẩu thả hết mức, cố tình húc vào mọi ụ đất trên đường. Cậu này có một kiểu sưng sỉa rất riêng.
Sau bữa tối, chúng tôi ngồi trong phòng Ryan và không hề mở miệng nói một lời nào về chuyện xảy ra ở trường. Tôi đã ngẫm nghĩ đôi chút về điểm GPA của mình. Vâng, bị năm phẩy quả là một vố đau. Từ giờ trở đi, tất cả các ông thầy sẽ đều biết tôi là một đứa dưới trung bình và điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới điểm số các môn học sau của tôi. Tôi có biết mấy cựu sinh viên năm-phẩy khóa trước bị nhận xét rất nặng nề ở đợt tuyển việc làm trong trường năm ngoái. Thật như đống phân, sao tôi lại để bị rơi vào tình trạng này cơ chứ? Có phải tôi không đủ thông minh? Trong bữa tối ở căng tin, những đứa khác đều tỏ ra ủ rũ ra mặt, hoặc vô cùng phấn khích. Có cả Venkat cần cù, một kẻ không bao giờ rời khỏi phòng và luôn im lặng khi ăn. Hôm nay, cậu ấy cứ tủm tỉm cười suốt. Cậu ấy được chín phẩy năm. Đã thế lại còn ngồi cạnh Alok, và cứ thao thao kể chuyện đứng đầu bốn trong sáu môn. Alok chỉ nói chuyện với cậu này và lờ tịt bọn tôi. Rồi còn có những đứa khác. Ngay cả Ông Hớn Hở ở dãy nhà tôi cũng xoay sở kiếm được điểm bảy phẩy ba đáng kính. Tôi nghĩ ba đứa chúng tôi có khi phải đứng bét ở Kumaon này ấy. Lẽ ra tôi có thể cứ ủ dột nghĩ về tương lai của mình, đúng hơn là về sự ảm đạm của nó, nhưng hai khuôn mặt bí xị của Ryan và Alok cứ đập thẳng vào mắt tôi.
Chúng tôi tập hợp trong phòng Ryan và cứ ngồi im lặng suốt nửa tiếng đồng hồ. Không ai buồn mở sách ra, nhìn nhau hoặc nói một lời. Tôi tự hỏi không biết cả ba có định im lặng đến vĩnh cửu không. Ý tôi là, như thế cũng không hẳn quá tệ. Chúng tôi có thể đi lên lớp, ôn bài và ăn uống cùng nhau, im như thóc. Có khi điểm số lại tiến bộ thì sao. Trò chuyện với nhau có gì là quan trọng đâu.
Nhưng ước vọng về sự im lặng của tôi cuối cùng cũng bị Ryan phá vỡ.
“Thế nào, cậu có định xin lỗi không?” cậu ấy hỏi đầy khiêu khích.
“Xin lỗi? Tớ á? Cậu mới là đứa phải xin lỗi Ryan ạ,” Alok đáp.
“Cậu là đứa nói ‘đệch mẹ’ trước cả trường,” Ryan nói. “Thế mà tớ phải xin lỗi à? Hari, cậu có tin được không? Tớ mà phải xin lỗi!”
Việc này chẳng liên quan gì tới tôi, nên tôi lờ Ryan đi. Cứ để cho hai đứa dở hơi tự giải quyết lẫn nhau.
“Cậu vẫn chả chịu hiểu cái đệch gì à?” Alok nói, lặp lại cái tần suất “đệch” như cái lần cậu ấy nói “chết tiệt”.
Ryan lặng im.
“Hiểu cái gì?” tôi hỏi. Ý tôi là, tôi thực sự muốn biết xem có phần nào trong cuộc cãi nhau trẻ con này tôi còn chưa hiểu không.
“Hiểu cái này này. Hôm nay tớ ăn một quả GPA 5.88. Chết tiệt, 5.88! Thấp hơn tận 200 đứa khác! Các cậu có biết trong suốt mười hai năm học tớ chưa bao giờ bị tụt xuống hạng hai.”
Ở hầu hết các nơi trên thế giới, một tuyên bố như vậy là một tuyên bố dở hơi. Việc khoe toáng lên rằng mình là một đứa mọt sách ở trường thì có gì đáng tự hào. Nhưng Alok là thế đấy.
“Thế thì sao?” Ryan nói, “điểm đại học của cậu bí bét. Mà cũng chẳng ai quan tâm cậu đã cày bừa nhiều thế nào. Việc quái gì tớ phải xin lỗi chứ?”
“Bởi vì… chết tiệt… bởi vì đó là cái lỗi chết tiệt của cậu,” Alok đứng dậy.
Cú đòn thật đau. Ryan tội nghiệp vừa mới nhận một con năm, và giờ phải nhận tiếp cơn thịnh nộ từ Alok.
“Lỗi của tớ?” Ryan bắt đầu cười phá lên. “Hari nghe kìa. Béo ăn điểm kém, mà lỗi lại là ở Ryan. Lỗi của tớ? Này Alok, cậu bị chập mạch à?”
“Nói gì đi,” Alok quay sang tôi.
“Nói gì bây giờ?” Tôi quay mặt tránh cả hai.
“Không vấn đề gì. Nếu Hari không có gan nói thì tớ sẽ nói. Cậu và cái mớ ý tưởng của cậu, Ryan ạ. Học ít hơn, vạch ra ranh giới, hưởng thụ những năm tháng tươi đẹp nhất đi, hệ thống này là một cỗ máy, một đống phân, phân nữa, phân mãi.”
Ryan cũng nhấc người khỏi ghế; có lẽ việc đứng lên sẽ khiến bạn có thêm lợi thế khi tranh luận, kiểu như nghiêm túc và có mục đích hơn.
“Tớ biết cậu chán nhưng không việc gì phải làm quá lên như thế. Chỉ là những điểm số ngu ngốc…”
“Tớ không làm quá,” Alok ngồi xuống trở lại. “Và với tớ đó không chỉ là những điểm số ngu ngốc. Tớ không có bố mẹ thu nhập đếm bằng đô la như cậu. Tớ vào trường này học với một mục đích. Để học tốt, kiếm được việc tốt và chăm sóc bố mẹ tớ. Thế mà cậu coi nó chả ra cái đệch gì.”
Lại thêm một từ Đ; chắc Alok vẫn còn đang bực lắm.
“Đừng có động một tí là nói đệch,” Ryan nói.
“Tớ thích nói thì tớ cứ nói. Đó là vấn đề với cậu đấy Ryan. Chẳng ai được phép phản đối cậu điều gì. Cậu đề xuất ra một thứ, Hari mù quáng nghe theo và thế là cả ba đứa đều nhảy vào. Cậu chỉ là một thằng công tử được nuông chiều. Một đứa thích gì làm nấy mà chả nghĩ gì đến bạn bè xung quanh.”
“Cái gì? Cậu nói cái gì? Rằng tớ không quan tâm đến bạn bè á?” Ryan nói. Dù giọng cậu ấy vẫn giữ vẻ hung hăng, nhưng tôi để ý thấy hai bàn tay cậu ấy đã bắt đầu run run.
“Không, cậu chả quan tâm đến gì hết – học hành không, trường học không, bố mẹ không và bạn bè cũng không. Cậu chỉ thích chơi bời cho xả láng thôi.”
“Này cậu đi quá giới hạn rồi nhé,” Ryan cảnh cáo.
“Giờ thì đến lượt tớ vạch ra ranh giới. Từ giờ trở đi, tớ sẽ không giao du với cậu nữa, quyết định công khai luôn.”
Đến mức này thì quá rõ, Alok đang phản ứng quá đà. “Cậu nói gì thế?” tôi hỏi.
“Tớ nói là làm đấy. Tớ đã nghe lời hai cậu suốt cả học kỳ đâm ra làm be bét hết mọi thứ rồi,” Alok nói.
“Thế cậu định làm gì?”
“Tớ nói rồi đấy, tớ không chơi với Ryan nữa. Từ giờ trở đi, tớ sẽ chơi với Venkat. Cậu ấy đã đồng ý cho tớ tới học chung. Cậu có biết cậu ấy được chín phẩy năm không?”
Tôi thấy thật kinh tởm. Trong cả cái ký túc Kumaon này chẳng ai nói chuyện với Venkat cả; chắc nếu được lựa chọn thì ngay cậu ấy có khi cũng chẳng nói chuyện với bản thân mình. Ừ thì cậu ấy được điểm cao, nhưng cậu ấy gần như chẳng phải là con người. Venkat thức dậy lúc bốn giờ sáng hằng ngày để ôn bài được thêm bốn tiếng trước giờ lên lớp. Tối nào cũng dành ba tiếng trong thư viện trước khi ăn tối. Rồi ăn tối xong, cậu ấy lại lên giường học tiếp mấy tiếng nữa trước khi đi ngủ. Làm gì có ai trên trái đất này muốn giao du với người như thế?
“Cậu bệnh hoạn quá Alok,” Ryan nói, “cậu chỉ là kẻ bệnh hoạn.”
Tôi tới khoác vai Alok; thầm cảm thấy cậu ấy cần sự an ủi trong cơn bĩ cực này. “Thôi nào Alok, bọn mình có thể học nhiều hơn…”
“Đừng có Alok này Alok nọ với tớ nữa được không?” Alok hẩy tay tôi ra, giọng nấc lên. “Đủ lắm rồi đấy,” cậu nói, gương mặt mếu máo nhăn nhúm lại y hệt ba mẹ.
Tôi thấy cái gene di truyền này thật thú vị; có gene nào điều khiển cách khóc không nhỉ? Hay đây là điệu bộ cậu ấy học được trong quá trình trưởng thành? Có thể cả nhà Alok đã nhiều lần túm tụm lại khóc cùng nhau; ba mẹ con cậu ấy cùng rưng rức khóc bên cạnh ông bố, người vẫn có khả năng rón ra những giọt lệ từ một bên mắt bình thường.
“Cậu không hiểu được rằng tớ còn có nhiều trách nhiệm phải gánh vác. Tớ bắt buộc phải học tốt để còn phụ giúp gia đình. Một nửa lương tháng của mẹ tớ đã tiêu vào tiền thuốc thang cho bố rồi. Đã năm năm rồi bà chưa may nổi một bộ sari mới cho mình,” Alok nghẹn ngào trong nước mắt, vừa nói vừa xì mũi.
Ryan ngồi xuống, ngạc nhiên quan sát Alok. Cậu ấy có thể chịu đựng được bị chửi “đệch mẹ” mười lần một phút, nhưng khóc lóc lại là một chiêu khác hẳn. Và ai có thể cãi lại được cái lý lẽ năm-năm-chưa-may-nổi-một-bộ-sari? May mấy bộ một năm thì mới là chuẩn? Tôi chả biết, và chắc chắn Ryan cũng chịu chết.
“Còn chị tớ phải đi lấy chồng nữa,” Alok tiếp tục, “cả nhà đều trông cậy vào một mình tớ. Các cậu chẳng hiểu nổi đâu. Ryan muốn chơi cờ, xem ti vi, hưởng thụ những năm tháng tuổi trẻ của cậu ấy. Tớ ghét việc hưởng thụ.”
“Nếu tớ xin lỗi thì cậu có thấy đỡ hơn không? Ý tớ là, cậu nói lý lẽ chả đâu vào đâu. Và cái mớ trách nhiệm với bố mẹ này – cậu biết rõ tớ chả hiểu được còn gì.” Ryan dịu xuống thấy rõ.
Nhưng điều này lại đẩy Alok lên một nấc cao hơn. “Chứ còn gì nữa, cậu hiểu thế nào được? Cậu đã bao giờ có bố mẹ đâu.”
“Tớ đã có chứ. Ý tớ là tớ vẫn còn bố mẹ. Nhưng tớ không ngồi khóc tu tu về họ.”
“Vì cậu không yêu họ.”
“Đúng, tớ không yêu họ. Nhưng ít ra tớ không khóc như một đứa trẻ con.”
“Cậu im đi!” Alok hét lên và khóc tiếp.
“Cậu là một đứa trẻ con. Một đứa trẻ con béo ú và ẽo ợt. Xin lỗi bé con ẽo ợt nhé, thôi hãy lau mũi đi nào,” Ryan bắt đầu cười. Hễ không nghĩ ra gì để nói là cậu ấy lại cười phá lên như để lấp khoảng trống.
“Cậu câm đi… cậu…” Alok nói.
“Tớ muốn mẹeeeeeeeeeee,” Ryan bắt chước giọng điệu nấc nghẹn của Alok.
“…câm đi, đồ mồ côi bị bỏ rơi!”
Im lặng bao trùm. Vâng, đôi khi người ta thốt ra những điều quá be bét tới mức mọi thứ đều tắt ngúm. Nụ cười trên môi Ryan vụt tắt trong một phần triệu giây. Tôi ngồi thẳng dậy, không rõ tai mình nghe có rõ không. Ngay cả Alok cũng nhận ra sự thay đổi trên khuôn mặt Ryan và đứng im như đá. Kéo theo đó là hai mươi giây đông đặc, chậm rãi, dài dằng dặc.
“Mồ côi. Hari, cậu ấy gọi tớ là đồ mồ côi,” Ryan nói.
Tôi lặng im. Alok lặng im.
“Cậu biến đi. Đi gặp Venkat hoặc bất kỳ đứa lỏi con nào cậu muốn. Cuốn xéo đi,” Ryan nói.
“Tớ chẳng cần cậu phải đuổi. Hari?” Alok nói, giờ đã thôi khóc.
“Ừ?” tôi nói.
“Cậu có đi với tớ không?”
“Đi đâu?”
“Cậu muốn đi với tớ hay ở với Ryan?”
Sau bất công thế nhỉ. Tôi có liên quan gì đến trò này đâu. Thế mà lại bị bắt phải chọn bạn.
“Phải rồi, đi với kẻ kém tắm này đi, Hari, đi mà nắm tay an ủi nó.”
“Tớ chẳng đi đâu cả,” tôi nói.
“Nghĩa là cậu chọn Ryan,” Alok nói với giọng điệu của kẻ bại trận.
“Tớ chẳng chọn ai. Cậu mới là người muốn đi. Cậu thích gì thì cứ làm đi,” tôi nói, cảm thấy kinh tởm với cả hai đứa này.
Thế rồi không ai nói câu gì nữa. Alok đứng dậy và rời khỏi phòng. Ryan vận hết sức dập cửa phòng. Chỉ là một hành động hoàn toàn mang tính ẩn dụ, vì chúng tôi vốn chả bao giờ đóng cửa phòng mình.
“Cậu xem cậu ấy làm gì rồi đấy. Thế mà lại còn cứ nghĩ cậu sẽ đi theo, ha!” Ryan nói.
“Đệch mẹ cậu,” tôi nói.
Chỉ ngay sau đó tôi đi gặp Neha, dù tôi đã ngán tận cổ cái quán kem đó cùng vị kem dâu ngọt lừ đến phát bệnh. Neha vẫn xinh đẹp bá cháy, nhưng tôi chẳng có bụng dạ nào tán gẫu với cô. Sự thực là tôi chẳng muốn trò chuyện với bất cứ ai.
“Có chuyện gì thế?”
“Ai nói là có chuyện?” tôi nói. Nếu muốn, tôi có thể làm mình làm mẩy ra phết.
“Nhìn mặt anh là đủ biết. Thế có muốn kể cho em nghe hay không đây?”
Con gái là thế đấy. Dù họ có nhỏ bé bằng một nửa bạn, nhưng một khi họ biết bạn thích họ, họ sẽ tha hồ ra lệnh cho bạn làm đủ thứ. Cô ấy nghĩ cô ấy là ai chứ?
“Chẳng có chuyện gì đâu.”
Cô bèn đưa tay lên vai tôi, và sự kiêu hãnh trong tôi tan chảy nhanh còn hơn ly kem; cứ như những con bọ u ám trong người tôi vừa bị xịt Baygon.
“Hai thằng Alok với Ryan chết giẫm ấy mà, Neha.”
“Từ với chả ngữ!”
“Xin lỗi, ý anh là bạn anh, hai đứa bạn chí cốt, cãi nhau một trận tung tóe và giờ bộ ba đã bị tan đàn xẻ nghé rồi.”
“Cãi nhau về gì?”
“Về điểm số. Alok đổ lỗi cho Ryan đã khiến cả nhóm ăn điểm kém.”
“Thật à, kém là bao nhiêu?”
Tôi kể về mớ điểm năm phẩy của cả bọn.
“Chết tiệt, gì cơ, năm phẩy à?” cô hỏi.
“Từ với chả ngữ!” tôi nói,
“Ôi xin lỗi. Ý em là thế thì thấp thật, so với mặt bằng đại học.”
Đấy bạn thấy chưa. Một khi bạn tiết lộ điểm GPA ở IIT của bạn, thì ai nấy đều muốn nêu quan điểm của mình về điểm số đó và về bạn, ngay cả khi đó là một sinh viên thiết kế thời trang.
“Anh biết,” tôi nói, “nhưng đó không phải lý do anh chán. Mà là cái trường này. Anh ghét nó.”
Neha cười giòn giã. Tôi đã bảo với bạn là cô ấy có lúc hơi dở người mà lị. “Thế thì có gì mà buồn cười?” tôi thấy khó chịu.
“Chẳng có gì. Chỉ là bao nhiêu người sống chết muốn vào mà chẳng được ấy.”
“Anh biết, nhưng vẫn chán quá. Anh phải học một núi bài, điểm số thì lệt sệt, bạn bè thì rơi rụng hết.”
“Vậy là Alok muốn cày bừa và nhập hội với anh chàng chuyên gia cày bừa,” cô tóm tắt lại sự kiện sau khi nghe tôi kể tường tận, “nhưng sao anh lại chọn Ryan?”
“Anh có chọn đâu, Alok bỏ đi thì có,” tôi đính chính.
“Giờ anh định làm gì?”
Tôi nhún vai.
“Anh biết không, hồi sinh viên bố em đạt 10 tuyệt đối đấy.”
“Ông ấy từng là sinh viên à?” Tôi chưa bao giờ có ý niệm đặt Cherian vào bất kỳ vị trí nào thấp kém hoặc trẻ trung hơn.
“Vâng, thủ khoa đấy. Chắc hẳn ông sẽ chẳng vui nổi đâu nếu biết em đang cặp kè với một anh chàng năm phẩy,” cô nhí nhảnh.
“Thế ra giờ em cũng muốn thôi nói chuyện với anh hả,” tôi nói.
“Ngốc ạ, em đùa đấy,” cô cười lớn. Sao lúc nào cô ấy cũng tự đùa tự cười thế này nhỉ?
“Sao cũng được.”
“Lại đây,” cô gọi, đập tay vào ghế ngồi bên cạnh.
“Sao?”
“Thì cứ lại đây.”
Như một con thú cưng đã qua huấn luyện, tôi đứng dậy khỏi ghế đối diện và tới ngồi cạnh cô; những cô gái xinh bao giờ cũng có phép hóa thân thành Mẹ Mary để biến người ta thành con chiên ngoan đạo.
Cô nắm lấy tay tôi, quay sang và nói. “Em thích anh chàng năm phẩy này,” rồi thơm lên má tôi.
“Một, hai, ba, bốn, năm,” cô vừa đếm vừa hôn chụt lên má bên phải của tôi. “Thấy chưa, giờ thì mọi chuyện không quá tồi tệ đúng không.”
Chết tiệt, tôi lại tan chảy ra mất rồi. “Anh thơm em lại có được không?”
“Không, em làm gì có điểm GPA,” cô chỉ ra vấn đề.
Tôi yêu tất cả những ai không có điểm GPA. Tôi yêu tất cả những ai không học ở IIT. Tôi không muốn quay lại trường nữa, và tự hỏi có khi nào mình được ở lại tiệm kem này làm việc không, cả ngày làm kem ốc quế và không phải mảy may lo lắng tới trường lớp, bài vở, điểm số, cùng với những màn cãi lộn của Alok-Ryan.
“Mình đi xem phim nhé, thứ Bảy tuần sau thế nào?”
“Được luôn,” tôi chui ra khỏi giấc mơ làm việc ở tiệm kem.
“Tuyệt. Em phải đi đây. Em sẽ đón anh ở tiệm này lúc hai giờ chiều. Mình đi xem suất phim chiều nhé,” cô nói rồi chạy biến.
Tôi đợi năm phút, đọc lại danh sách năm món kem đặc biệt trong ngày và năm chiếc hôn của cô. Xét theo cách nào đó, điểm năm phẩy của tôi đã được bù đắp thỏa đáng.
Tôi chỉ ước gì điểm GPA của mình cao hơn để được nhận nhiều nụ cười thơm mùi kem hơn nữa!