Chương 11: Món quà

Tôi là một con người có tâm hồn thật xấu xí, và điều này thể hiện ngay ở việc tôi phân công Alok vào những lớp sáng, viện lý do rằng cậu ấy đã quen với việc dậy sớm trong những ngày học cùng Venkat, trong khi lý do thật là độ tin cậy thấp tịt của cả tôi và Ryan khi được giao những nhiệm vụ lúc bình minh.

Tôi nhận ra rằng kế hoạch HĐK thật tuyệt, vì mình chỉ phải chịu trách nhiệm đúng hai môn một khóa. Những môn còn lại, Alok và Ryan đưa cho tôi tất cả các lời giải bài tập (để tôi sao chép) và vở ghi (để tôi photocopy). Ngược lại, tôi cũng làm vậy với hai môn mình được giao. Chúng tôi giờ chỉ phải mất một đến hai tiếng học bài mỗi ngày, còn lại bao nhiêu thời gian trống để xem phim, vi vu đường phố, ăn tiệm, chơi cờ, chơi xếp chữ, chơi bóng chày trong nhà, ngủ, chơi bóng quần (vâng, Ryan lại cố ép tiếp) và tất nhiên, rượu chè và cần sa. Những bài kiểm tra phụ trong học kỳ đó chỉ là muỗi. Ừ thì chúng tôi không đứng đầu lớp, nhưng chúng tôi vốn cũng chẳng đặt mục tiêu cao – chỉ cần giữ mức năm phẩy GPA là đủ. Khi ta đặt mục tiêu thấp vừa phải, ta có thể thấy vui vẻ tuyệt vời làm sao.

Một ngày nọ, tôi ngồi trên lớp thiết kế, một môn tôi được giao. Ryan tự nguyện lên lớp cùng tôi. Tôi đồ rằng cậu ấy tự nghĩ mình là một nhà thiết kế tài ba hay sao ấy. Giáo sư Vohra đứng lớp.

“Cả lớp, hãy chép bài này vào rồi làm cho tôi trong mười lăm phút. Hãy thiết kế một kích xe để kích được cả khung xe lên trong trường hợp xe bị xẹp bánh. Chỉ cần phác họa đơn giản thôi.”

Giáo sư Vohra đã trạc ngũ tuần, dáng người đẫy đà với một gương mặt phúc hậu thật khác những vị giáo sư thông thường. Đương nhiên, tính cách ông chẳng khớp chút nào với gương mặt ấy. Với sáu bài kiểm tra trong một kỳ và chiếc bút mực đỏ chết chóc gạch hết bài thiết kế này tới bài thiết kế khác, “phúc hậu” không phải là một từ ta có thể dùng để miêu tả thầy Vohra.

Đó là môn tôi phụ trách, điều này có nghĩa là tôi phải vẽ thiết kế kích xe, còn Ryan chỉ việc sao lại. Thầy Vohra đã dạy cho chúng tôi đủ để phác thảo được chí ít là một kiểu kích vít cơ bản. Nhưng tôi mới đang chuẩn bị vẽ thì Ryan nói, “Hả? Cậu định vẽ cái loại đòn kích tầm thường như những đứa còn lại à?”

“Dạ vâng thưa ngài, tôi không phải là Thomas Edison ạ,” tôi đáp. “Và đây là môn của tớ, nên cậu cứ ngồi im mà chép đi.”

“Tớ có ý này,” Ryan nói.

Tôi chỉ muốn cậu ấy vứt cái ý tưởng ấy đi và chép bài tôi. Nhưng tôi chẳng nói ra, vì cậu ấy có bao giờ nghe ai đâu.

Và thế là Ryan thiết kế ra một thứ gọi là “kích vít cải tiến”, trong đó người dùng không cần phải tự mở đòn và thúc lên xuống. Một chiếc bánh xẹp không có nghĩa là xe bị chết máy, cậu ấy nói, do đó ta hoàn toàn có thể gắn một mô tơ vào đòn bẩy thường và nối nó với bình ắc quy xe. Thế là ta chỉ cần khởi động xe là chiếc mô tơ sẽ được nạp năng lượng.

“Cậu làm cái gì thế?” tôi lo bản phác thảo bình ắc quy xe của Ryan sẽ bị trừ điểm vì chả liên quan gì đến bài được giao.

“Cậu cứ đợi mà xem, thầy sẽ thích mê cho xem.”

Tôi cắm cúi vẽ kiểu kích vít truyền thống như cả lớp đang làm. Khóa này được gọi là “Thiết kế” chứ có phải là “Thiết kế độc đáo” đâu.

Thầy Vohra đi dọc hàng ghế, ngắm nghía những bản phác thảo quen thuộc mà sinh viên của thầy đã vẽ hết năm này qua năm khác – chiếc kích vít đơn giản. Đến bàn tôi thì thầy dừng.

“Cái gì thế này?” Thầy xoay đầu để cố nhìn xem Ryan đang vẽ gì mà lạ thế.

“Thưa thầy, đây là một chiếc kích vít được cải tiến ạ,” Ryan đáp. “Nó có thể gắn vào bình ắc quy ô tô…”

“Đây có phải là lớp kỹ sư điện không?”

“Dạ không ạ, nhưng yêu cầu đề bài cũng như nhau thôi ạ…”

“Đây có phải là lớp động cơ đốt trong không?”

“Thưa thầy nhưng…”

“Nếu cậu không muốn học lớp tôi, hay nghe lời tôi giảng, thì mời ra ngoài.”

Khuôn mặt thầy Vohra không còn vẻ phúc hậu nữa. Giá mà Ryan chịu im lặng, nhưng đằng này cậu ấy lại cãi cố.

“Thưa thầy, đây là một thiết kế mới,” Ryan nói như thể đó không phải là một điều hiển nhiên.

“Thật à? Thế ai bảo cậu vẽ thế?”

Ryan không trả lời, mà chỉ cầm bản phác thảo lên, rồi chỉ với một động tác, xé đôi tờ giấy.

“Đấy, giờ thì nó đã trở nên vô tích sự,” Ryan nói.

Mặt thầy Vohra méo mó rồi đỏ lựng, “Này cậu đừng có giở trò khôn lỏi trong lớp của tôi.”

“Dạ, em xin lỗi thầy,” tôi lên tiếng, dù người phải xin lỗi không phải là tôi.

Nhưng lời xin lỗi này cũng làm giảm bớt căng thẳng phần nào. Cả ông thầy và Ryan đều liếc nhìn tôi qua khóe mắt. Thầy Vohra thở hắt ra và tiếp tục đi xuống dưới lớp, còn Ryan ngồi xuống.

“Cậu chẳng thông minh chút nào. Nhỡ ông ấy đánh trượt cậu thì sao,” tôi bảo Ryan sau giờ học.

“Tớ chả quan tâm. Tớ nóng lòng thoát khỏi cái chốn ngu ngốc này lắm rồi,” cậu ấy đá chân chống xe máy như thể nó là mặt thầy Vohra.

Dù gì thì đây cũng không phải là môn Ryan phụ trách, nên từ hôm đó trở đi, cậu ấy không đi học thiết kế thêm một buổi nào nữa, mà chỉ máy móc sao chép nguyên văn bài làm của tôi, thậm chí còn chả thèm liếc tới đầu bài. Vâng, nhà thiết kế đại tài của chúng tôi đã bỏ cuộc như thế đấy.

Cho tới một ngày, ba đứa tôi ngồi trong phòng học chung, chép bài tập nhiệt của Alok.

“Thế là giờ thầy Vohra giận cậu rồi à,” Alok nói.

Ryan im lặng.

“Chứ còn gì. Cậu phải nhìn mặt thầy ấy vào hôm đó,” tôi chêm vào.

Alok lắc đầu cười phá lên.

“Ông ấy cứ việc đánh trượt, tớ cóc quan tâm,” Ryan tuyên bố.

“Đấy không phải là mấu chốt vấn đề,” Alok bắt đầu.

“Này Béo, cậu sẽ chẳng bao giờ hiểu được cái mấu chốt ấy đâu, nên đừng cố làm gì. À mà thầy Veera vừa gọi tớ để hỏi về bài tập bôi trơn.”

“Thật á?” Cả Alok và tôi đồng thanh nói, tự hỏi không biết thầy Veera có phát hiện ra chúng tôi đã gian lận không.

“Không phải lo đâu các cậu. Tớ nộp cho thầy ấy một bài riêng, không phải bài giao trên lớp đâu.”

“Cậu có thời gian làm bài riêng cơ à?” tôi hỏi.

“Tớ có thời gian làm cái gì tớ thích. Tớ vốn đã có sẵn ý nghĩ thực hành một vài thí nghiệm với các loại dung môi khác nhau để kiểm tra độ bôi trơn hiệu quả trong động cơ xe máy.”

“Ở đâu?”

“À, lý tưởng nhất thì là trong một phòng thí nghiệm cơ học chất lỏng. Nhưng thế thì sẽ cần một động cơ xe máy riêng, và tiền mua các loại chất liệu cần thiết. Nên tạm thời tớ đánh thử trên chiếc xe của tớ đã.”

“Wow, thế thì phá luôn cái xe còn gì. Bọn mình sẽ đi lại bằng gì bây giờ?” tôi hỏi.

“Hy sinh vì khoa học thôi. Tớ có một chủ ý riêng, để xem rồi sao. Gì thì gì, tớ cũng đã thử trộn một vài loại dầu nhờn khác nhau để kiểm tra quãng đường đi. Tớ nghĩ mình có thể vượt được loại dầu bôi trơn thông thường mười phần trăm.”

Phải nói rằng tôi thấy khá ấn tượng bởi những gì Ryan làm. Dù xác suất thành công có thấp cỡ nào, thì cậu ấy cũng đã cố thử tìm cách giảm tiền xăng của chúng tôi xuống. Tôi nghĩ tới những chiếc bánh parantha chúng tôi có thể mua được bằng việc tiết kiệm mười phần trăm tiền xăng.

“Thế thì thầy Veera gọi cậu lên làm gì?” Alok hỏi.

“Thầy ấy bảo sẽ giúp xin phép học viện cho tớ được quyền dùng phòng thí nghiệm và xin một khoản trợ cấp nghiên cứu.”

“Wow, thế thì cậu sẽ trở thành nhà nghiên cứu rồi,” Alok nói.

“Ôi xời,” Ryan nhún vai. “Có phải dễ đâu. Phải nộp bản đề cương nghiên cứu cho thầy Cherian, ghi rõ chi phí, lợi ích, thời gian, toàn thứ vớ vẩn, rồi một hội đồng sẽ họp quyết định. Phải tốn cả vài tháng.”

“Nhưng một khi cậu đã được…” Alok chớp mắt liên tục, “sẽ rất cừ đấy.”

“Trong vài tuần tới tớ sẽ phải tập trung vào làm cái bản đề cương này. Đừng lo, tớ sẽ vẫn phụ trách các môn của tớ như bình thường, nhưng sẽ không có tiệc tùng hay phim pháo gì nữa nhé,” Ryan nói.

Nếu câu đó mà thốt ra từ miệng Alok, chắc hẳn Ryan sẽ phát nổ. Nhưng ở đây lại là Ryan, nên chúng tôi chả ai nói gì cả. Thêm vào đó, tôi còn thấy vui vui vì rốt cuộc cậu ấy cũng đã tìm ra thứ gì đó có ý nghĩa để làm.

“Được thôi, bọn này sẽ cho cậu biết cậu đã bỏ lỡ những gì,” tôi nháy mắt với Alok.

“Ừ, mặc dù điều đó có nghĩa là giờ cậu đã trở thành một kẻ cày bừa,” Alok nói.

“Tớ cũng không phải kẻ cày bừa. Cậu mới là kẻ cày bừa, đồ cùng một giuộc với Venkat,” Ryan trả đũa.

Phải nói rằng, chưa bao giờ tôi thấy thoải mái khi phải tới nhà Alok. Chỉ nghĩ về điều đó thôi cũng khiến tôi thấy ngập ngụa trong mùi thuốc men, bê tông nứt nẻ, mùi bếp núc, và trên hết là cảnh một bà trung niên chỉ đánh rơi cái mũ thôi cũng bù lu bù loa lên. Vâng, một thứ Bảy nọ, tôi đến đó cùng Alok, chỉ vì Ryan đang bận bịu với cái đề cương nghiên cứu dầu bôi trơn đến mức đừng-có-làm-phiền. Thật não lòng khi phải chứng kiến cảnh Ryan làm việc cật lực, trong một tuần mà có ba ngày cậu ấy thức trắng đêm trên phòng máy và thư viện trường. Thêm vào đó, ban ngày cậu ấy cũng ở rịt luôn trong phòng thí nghiệm cơ học chất lỏng để pha trộn các loại dầu nhờn, rồi tra thử chúng vào chiếc xe. Tôi bảo cậu ấy, có bộ phim mới ở Priya hay lắm, có tận sáu cảnh không mặc áo, thế mà cậu ấy chỉ nhìn tôi lom lom. Tôi cũng thử cám dỗ cậu ấy bằng những công thức pha chế cocktail mới, nhưng Ryan khăng khăng dính với chu trình sáu tách cà phê mỗi đêm. Nào lên mục tiêu, phạm vi, hạch toán, tường trình, các bài nghiên cứu trước đó – mỗi mục trong đề cương của cậu ấy phải dài đến cả triệu trang. Rồi cậu ấy nộp bản sơ khai cho thầy Veera, người hầu như lúc nào cũng muốn Ryan làm cho nhiều thêm.

Thế nên khi Alok mời tôi đến nhà cậu ấy ăn trưa, tôi đồng ý ngay, vì khoản ăn uống là chính. Giờ tôi đã biết lái xe, và hôm đó xe của Ryan lại để không (dù cậu ấy đã giao nhiệm vụ cho chúng tôi phải ghi lại số công tơ mét lúc đi và lúc về.)

Đường phố của Delhi quả là một địa ngục, và tôi thì chả đời nào dám chạy xe nhanh như Ryan. Alok và tôi không bao giờ vượt quá năm mươi, lại thêm Alok ngồi trên yên sau cứ trò chuyện không thôi, trong khi tôi đang cố né lách qua nào bò, nào cớm, trên đường ra ngoại ô.

“Cậu có nghĩ Ryan sẽ được trao dự án không?” Alok hỏi.

“Chắc là được thôi. Chỉ riêng cái đề cương đã tám mươi trang, bản thân việc viết được cái đó đã là cả một dự án rồi. Mà ý tưởng của của cậu ấy lại mới mẻ không trùng lặp.”

“Ừ nhưng cậu cũng biết, đề cương nào cũng phải có trang bìa.”

“Thì sao?”

“Trang bìa bao giờ chả phải ghi tên sinh viên, kèm theo điểm GPA. Cậu nghĩ họ sẽ hỗ trợ kinh phí cho một đứa năm phẩy à?”

“Có sao đâu? Họ sẽ đọc đề cương rồi quyết định chứ.”

“Họ đều là giáo sư,” Alok nói, “và cậu cũng biết cách suy nghĩ của họ rồi đấy.”

“Có thầy Veera đứng đằng sau nữa mà.”

“Ừ, rồi xem.”

Một tiếng sau, chúng tôi tới nhà Alok. Tôi gần như phải nín thở để không bị mùi thuốc xộc vào mũi. Đương nhiên, chả ai sống mà không thở được, nhưng may thay mẹ Alok bày thức ăn ra ngay.

“Alok à, mẹ làm phô mai chua cho hai đứa đây này,” bà nói.

Đối với một hộ nghèo, gia đình Alok ăn uống khá tươm tất. Ý tôi là, có cơm, rô ti, xúp đậu, khoai tây trộn súp lơ, xốt xoài, xốt raita, và tất nhiên, đậu xốt phô mai chua. Tôi đồ rằng đây là lời giải thích cho vóc dáng màu mỡ của cả gia đình.

“Ăn đi con trai, ăn đi. Đừng ngượng nhé,” mẹ Alok mời tôi.

Thức ăn ngon tuyệt, nhưng những câu chuyện bên bàn ăn thì thật vô vị. Mẹ Alok điểm lại một tuần vừa qua, chỉ toàn những việc không vui. Buồn cười ở chỗ, hầu hết tất cả các việc này đều có một lời giải chung, ấy là tiền. Vào thứ Hai, chiếc bình nóng lạnh, vốn đã qua năm lần sửa, bị hỏng tiếp, và nhà hết tiền để mua cái mới. Vào thứ Tư, cột ăng ten ti vi bị rơi, và một chiếc mới lại quá đắt tiền. Thế là cả nhà phải chấp nhận xem ti vi nhiễu cho tới khi có đủ tiền. Vào thứ Sáu, bố Alok ngã khỏi giường, thế là lại phải mời bác sĩ tới xem, đi tong thêm một trăm rupee. Rồi còn những chuyện khác nữa – cửa hàng tạp hóa bắt đầu nâng giá đường gấp đôi, và cô giúp việc tuần này nghỉ đến hai buổi không báo trước.

“Mẹ, mẹ làm bạn con phát chán lên rồi kia kìa,” Alok nói.

“Không, không sao đâu mà,” tôi nói, rồi với tay múc thêm xốt đậu. Thực ra mà nói, tôi khá muốn biết về cuộc sống ở nhà của mẹ Alok. Trong suốt một năm qua, hình ảnh bà nghẹn ngào nắm gấu váy sari quệt nước mắt là thứ duy nhất hiện lên trong đầu tôi, nhưng giờ đây tôi nhận ra bà cũng có một cuộc sống như mọi người. Những thử thách thường nhật của bà tuy không thể sánh với những đề tài nghiên cứu dầu bôi trơn, nhưng giá cà chua đắt đỏ cũng là một lĩnh vực riêng.

“Mà đấy con xem, lò xo tràng kỷ cũng bật…” bà đang nói dở thì bị Alok chen ngang.

“Mẹ ơi mẹ giữ im lặng một lúc được không. Một tháng trời con mới về nhà một lần, mà mẹ toàn kể lể những chuyện thế này.”

Bà lấy vẻ ngạc nhiên. “Thế không kể cho anh thì kể cho ai? Tôi chỉ có một đứa con trai thôi chứ mấy.”

“Thôi đủ rồi mẹ ơi,” mặt Alok đỏ dừ như một quả cà chua đắt tiền.

“Được rồi tôi sẽ im,” mẹ Alok đồng ý, và rồi bắt đầu vừa ăn vừa lẩm bẩm một mình, “đấy, nai lưng kiếm tiền cho chúng nó, rồi quần quật phục vụ chúng nó như người làm, rồi cuối cùng chúng nó chẳng thèm nghe mình nói đấy. Cô Sharma dạy vật lý nói cấm có sai mà, thời buổi này các ông con trai chẳng nhớ nhung gì đến bố mẹ mình cả.”

Keng, Alok ném đĩa xuống sàn, các mẩu đồ ăn bắn tung tóe khắp phòng khách. Rồi cậu ấy đứng dậy bỏ ra ngoài.

Còn tôi phải làm gì đây? Đi theo bạn, người đã dẫn tôi tới đây? Hay ngồi và ngắm mẹ Alok quệt nước mắt bằng sari? Tôi quyết định không làm cả hai thứ, mà chỉ tập trung vào đĩa đậu xốt phô mai chua. Thức ăn ngon là lý do tôi đến đây, tôi tự bảo mình, hai mắt nhìn chằm chặp vào đĩa.

Không cần phải nói, đó là một chuyến thăm nhà tồi tệ. Alok đã nguôi ngoai phần nào, quay lại phòng ăn, và ngồi xuống tràng kỷ. Mẹ cậu ấy đã khóc được một chặp, giờ đi vào bếp lấy món chè gạo.

“Alok, cậu làm cái gì đấy?”

“Hari, cậu đừng dính vào. Cậu không hiểu đâu.”

Dạ vâng, tôi nghĩ bụng, tôi không nên dính vào. Nhưng chính cậu ấy là người đã lôi tôi vào đây còn gì.

“Mẹ cậu đã mất công làm cả chè gạo đây này. Cậu có vấn đề đấy à?”

Tôi đành ngồi đợi món chè được bưng ra, món chè thật tuyệt. Tôi dám chắc rằng gia đình Alok hẳn sẽ giải quyết được đến một nửa số vấn đề nếu như họ biết thắt lưng buộc bụng hơn với khẩu phần ăn, nhưng dường như ăn ngon là một phần thiết yếu với họ, nên tôi giữ im lặng cho tới khi lên xe phóng về ký túc.

“Tớ biết cậu đang nghĩ gì,” Alok nói.

“Gì?”

“Rằng sao tớ lại có thể có một quả tim nghiệt ngã đến thế.”

Điều duy nhất tôi nghĩ về quả tim của Alok là hẳn nó đang phải chịu một sự đày ải khủng khiếp dưới một chế độ ăn uống nhiều đồ ngọt như thế.

“Có gì đâu, chỉ là chưa bao giờ tớ thấy cậu như vậy thôi,” tôi nói, rẽ sang ngã tư Munirka, vừa kịp tránh sát nút một bác bán lạc dạo.

“Đó là tất cả những gì họ nói với tớ đấy; vấn đề, vấn đề nữa, vấn đề mãi,” Alok nói, “mà tớ thì giải quyết thế quái nào được?”

“Hừm, cũng đúng,” tôi nói, tự hỏi không biết có phải Alok đang nói với tôi về một vấn đề mà tôi chẳng có cách nào giải quyết được.

Thi vấn đáp – những giây phút đáng ghét và đáng sợ nhất đời sinh viên của tôi. Tôi tránh chúng như tránh những chú bò nguẩy đuôi trên đường. Nhưng cũng như gia súc trên đường phố Delhi, có đôi khi ta không thể tránh nổi chúng. Và thứ Tư này là buổi thi vấn đáp môn thiết kế. Đây là môn do tôi phụ trách theo HĐK, nên tôi phải đóng vai trò chủ đạo khi trả lời câu hỏi. Tôi đã cố thuyết phục Ryan và Alok giúp mình, nhưng hai thằng chết bầm không quan tâm và đi ngủ từ mười giờ tối hôm trước, mặc kệ tôi cày suốt đêm để chuẩn bị cho những câu có khả năng được hỏi. Cũng chẳng có ích gì, vì với trường hợp của tôi, thì có biết câu trả lời cũng như không.

“Hari, vì sao dùng thép C40 lại tốt hơn thép C20 trong những cấu trúc rắn?”

Vì C40 có nhiều carbon hơn nên rắn hơn, tôi nghĩ. Đồng thời, có thể lại rẻ hơn. C20 mềm hơn và dễ bị oằn. Tôi biết câu trả lời… chỉ ước gì thầy Vohra đừng soi thẳng vào mắt tôi như thế.

“Thưa thầy, thép C40…” Tôi ngoái sang nhìn Ryan và Alok hòng cầu xin chút thương hại.

“Nhìn vào tôi đây Hari,” thấy Vohra nói, “Tôi hỏi cậu cơ mà.”

Tôi không muốn nhìn vào thầy, và tôi rất muốn thốt ra câu trả lời. Nhưng tất cả những gì thoát ra bên ngoài là những giọt mồ hôi nhễ nhại trên mặt, cánh tay và bàn tay tôi.

Sau bốn lần hỏi với ba câu khác nhau nữa, thầy Vohra bỏ cuộc. Ryan lắc đầu và nhoẻn cười, như thể cậu ấy đã biết kết cục này ngay từ đầu. Alok giữ im lặng, trong đầu chắc đang nhẩm tính mình vừa mất bao nhiêu điểm.

“Xin lỗi các cậu,” tôi nói khi cả ba cùng ăn tối, “tớ lại làm các cậu thất vọng. Mèn ơi, sao mà tớ ghét thi vấn đáp thế không biết.”

Mấy bác phụ trách căng tin quăng lên đĩa chúng tôi một xấp rô ti cứng và dai đến độ có thể may quần bò được, tôi ra sức xé một chiếc, hòng giải tỏa nỗi bức xúc.

“Cậu bị sao thế?” Alok hỏi.

“Tớ chẳng biết. Bất cứ khi nào có ai hỏi tớ câu gì trong một tình huống căng thẳng, thì tớ chẳng nói được lời nào.”

“Từ bao giờ?” Alok hỏi.

“Từ cấp 3 rồi.”

“Đã có gì xảy ra à?” Ryan hỏi.

“Không… ý tớ là, có, mà chẳng có gì đâu.”

“Có gì?” Alok hỏi.

“Thôi kệ đi. Đưa cơm đây nào. Cái mớ rô ti này không tài nào tiêu hóa được. Cứ như kẹo cao su ấy,” tôi nói.

Sinh nhật của Neha là ngày mùng một tháng Mười hai, và như thường lệ, tôi chẳng biết mua gì tặng cô.

“Cậu phải tặng cái gì đó đặc biệt,” Ryan nói. Chúng tôi cúp học hôm đó, đang ăn trưa trong căng tin.

“Đặc biệt thế nào chứ? Tớ chả có tiền. Thuốc đánh răng còn chẳng mua nổi nữa là.”

“Cậu không đánh răng à?” Alok ngước lên.

“Không ạ, tớ dùng kem của Ryan chứ,” tôi nói. “Gì thì gì, vào chủ đề đi Béo, tớ phải làm gì đây?”

“Nghĩ đi.” Ryan gõ lên đầu mình như đang giải một bài vật lý lượng tử. Đúng là đồ chết bầm chuyên gây sức ép cho người khác.

“Tớ chả nghĩ được gì đâu,” tôi nói. “Lần này thì không tự làm cái gì nữa đâu. Một lần đã làm hộp son rồi, giờ chẳng còn tác dụng gì đâu. Tớ viêm màng túi nặng, làm sao mua cái gì đắt tiền được bây giờ.”

“Thế cái gì tiện dụng mà rẻ, như khăn tay thì sao?” Alok nói.

“Thôi đi nào Alok,” Ryan nói.

Tôi thấy mừng vì cậu ấy mắng hộ tôi. Kiến thức của cậu ấy về những món quà lãng mạn cũng nhiều như kiến thức của mẹ cậu ấy về những show diễn hộp đêm.

“Ryan, tớ phải làm gì đây?” Tôi phát hoảng.

“Xem nào, không cần đắt, chỉ cần gây ngạc nhiên thôi. Ai mà không thích những điều bất ngờ?”

“Chẳng hạn?” tôi hỏi.

“Chẳng hạn như hãy là người đầu tiên chúc cô ấy.” Ryan đáp.

Kế hoạch của Ryan khá mới mẻ (và ít tốn tiền): đột nhập vào phòng cô ấy qua cửa sổ trong đêm trước sinh nhật. Đúng nửa đêm, tôi sẽ là người đầu tiên chúc mừng cô và điều bất ngờ ấy sẽ khiến cô ấy chới với (và thế là khỏi cần tặng một món quà thật). Đúng là một ý tưởng điên rồ, bởi chúng tôi không chỉ đơn thuần đột nhập vào nhà bạn gái tôi, mà cũng là đột nhập vào nhà thầy giáo, lại là thầy trưởng khoa cơ chứ. Nhưng Ryan lại khiến nó nghe dễ dàng như việc sao chép một bài tập nhiệt động học, và tôi đồng ý nghe theo.

Và thế là, đúng mười một rưỡi vào một buổi đêm tháng Mười hai, Ryan, Alok và tôi rón rén chuồn khỏi Kumaon. Ryan chở chúng tôi tới khu nhà ở chỗ cán bộ công nhân viên trường, và đậu xe cách nhà Neha năm chục mét. Nguyên cả con phố im phăng phắc, đối nghịch hẳn với Kumaon, nơi việc cày bừa ban đêm chỉ mới bắt đầu. Những ông giáo sư ngủ ngon lành, trong khi đám lâu la phải chong đèn ngồi học.

“Ryan, cậu có chắc cậu có thể đảm đương được vụ này không đấy?” tôi hỏi một lần cuối khi chúng tôi tiến tới gần ngôi nhà của thầy Cherian.

“Suỵt… Tất nhiên rồi, nhưng các cậu phải giữ im lặng,” Ryan vừa nói vừa khẽ nhấc thanh chắn ở cổng nhà thầy Cherian.

Ngoài tiếng cọt kẹt khẽ của chiếc cổng là một sự im lặng tuyệt đối, đón chúng tôi bước vào tòa lâu đài của người đẹp và quái thú.

Tôi ngước lên nhìn cửa sổ phòng Neha, tưởng tượng ra cảnh cô đang ngủ êm ái, gương mặt xinh xắn tỏa sáng trong đêm. Tim tôi đập rộn.

“Nào Alok, cậu lên trước đi. Leo lên ống nước mau,” Ryan thì thào.

“Nhiệm vụ bất khả thi,” Alok phàn nàn.

“Tớ đẩy cậu lên,” Ryan nói.

Alok leo lên ống nước thép vốn lung lay sẵn, nhìn như một con đười ươi víu vào thân cây tre. Khả năng gãy ống là rất cao, cứ nhìn vào trọng lượng Alok và sức bền của ống thép mạ kẽm thì biết (thấy chưa, những kiến thức kỹ thuật của chúng tôi cuối cùng cũng không phí hoài), nên chúng tôi đành phải đợi cho tới khi cậu ấy leo lên hẳn trên mái.

Sau Alook là tới lượt tôi, rồi Ryan, cậu ấy thoăn thoắt leo lên chỉ trong vài giây đồng hồ. Còn mười phút nữa là tới nửa đêm, và chúng tôi đã an tọa trên sân thượng nhà thầy Cherian.

Trời tối đen như mực. Ryan bèn bật đèn pin lên, và chúng tôi cố mò mẫm qua những bình nước và dãy quần áo phơi trên sân thượng.

“Phòng cô ấy ở đâu?” Ryan thì thào.

Tôi đưa tay chỉ, và chúng tôi rón rén tiến tới mép sân thượng.

“Hoa của cậu đây,” Ryan lôi từ trong áo ra một bó hướng dương.

“Cậu kiếm đâu ra thế?” tôi hỏi.

“Vừa mới rồi, từ vườn thầy Cherian chứ đâu.”

“Cậu điên à?”

“Vâng, cứ mắng đi,” Ryan nói. “Giờ thì chuẩn bị đi.”

Chúng tôi nhặt sỏi trên sân thượng ném xuống cửa sổ Neha. Sau viên đầu, chẳng có động tĩnh gì. Sau viên thứ hai và thứ ba, cũng chẳng có động tĩnh gì.

“Cứ ném đi,” Ryan giục.

Chúng tôi cứ tiếp tục ném như một lũ ngớ ngẩn. Phải đến cả triệu viên sỏi sau, chúng tôi mới nghe có người phản ứng. Đèn phòng bật lên, làm khung cửa sổ rực sáng.

Trèo lên ống nước đã khó, nhưng bước tiếp theo mới chết tôi đây. Tôi phải đu người xuống khỏi mép sân thượng, với Alok và Ryan mỗi đứa nắm một bàn tay để đề phòng bất trắc. Nhưng chưa kịp đu xuống thì Neha đã tới bên cửa sổ.

“Mau mau gọi tên cô ấy kẻo cô ấy hét lên vì sợ bây giờ,” Ryan nhắc.

“Neha, là anh đây,” tôi nói, trong nửa giờ qua đây là lần đầu tiên tôi không phải thì thầm.

“Hari à,” Neha mở cửa. “Anh làm gì ở đây thế này?”

“Để anh giải thích. Cho anh vào đi đã.” Tôi thả người xuống.

“Anh điên à?” Cô đưa tay dụi mắt khi hai chân tôi treo lủng lẳng trước mặt.

“Cẩn thận nhé Ryan,” tôi nhắc.

“Lại còn ai nữa đấy?” Neha đã tỉnh ngủ hẳn, và sốc toàn tập.

“Không có ai đâu… ý anh là, ngoài Ryan và Alok,” tôi nhảy qua cửa sổ vào bên trong phòng.

“Cẩn thận đấy,” cô thốt lên khi tôi hạ cánh xuống mấy cái gối đặt trên thảm, xinh xắn và mềm mại, đúng là đồ trong phòng con gái có khác.

Tôi đưa hai ngón cái lên cho hai chiến hữu bên trên thấy, rồi đóng sập cửa lại.

“Hari, anh định làm cái gì thế này?” Neha nói. “Bố em dậy thì sao?” Khi cô vấn tóc, tôi để ý bộ đồ ngủ trên người cô. Cô bận chiếc váy ngủ xẻ nách đơn giản, với hoạt tiết những hình vuông màu xanh. Như thường lệ, nhìn cô mới đẹp làm sao.

“Chúng mừng sinh nhật em, Neha.” Tôi lôi bó hoa từ dưới áo ra.

Bó hoa đã dập nát và héo rũ, nhưng với phụ nữ, thì những cơ quan sinh sản của thực vật này lại là một liều thuốc thần kỳ, khiến họ thoải mái ngay. Cơn giận của Neha biến mất, và tôi biết ngay rằng ý tưởng đã phát huy tác dụng.

“Hướng dương à,” Neha nói. “Anh lấy đâu ra thế?”

“Từ vườn nhà em đấy.”

“Hả?” Neha ném một cành về phía tôi. “Cái đồ lông bông. Anh đúng là thật rẻ tiền.”

Tôi ném lại một chiếc gối đáp trả. Nhưng tôi chưa kịp mừng vì sắp được chơi trò ném hoa ném gối với cô, thì đã bị dội một gáo nước lạnh.

“Này đừng nghịch gối, tự tay em vẽ vỏ gối đấy nhé.”

Vỏ gối vẽ tay, sao con gái lại có thể mất thời gian làm những thứ vô bổ thế nhỉ? Ý tôi là, Ryan và tôi thậm chí còn chẳng có cả vỏ gối, huống chi là vỏ gối vẽ tay.

“Anh đang nghĩ gì thế?” Neha tiến tới nắm tay tôi.

“Chẳng gì cả. Xin lỗi đã làm em sợ một phen.”

“Không sao, em lại thích thế,” Neha đáp. “Cũng đặc biệt mà. Nào ngồi xuống đây.”

Tôi tiến tới giường, ngồi xuống gần cô hết sức có thể, hai mắt tôi rón rén nhìn xuống ngực cô. Chắc buổi đêm ngủ thì con gái không mặc áo ngực đâu nhỉ, thế mới hợp lý chứ. Nhưng đồng thời, đầu óc tôi cũng nghĩ tới khả năng thầy Cherian bước qua cánh cửa kia.

“Anh nghĩ gì đấy? Nhìn vào mắt em đây này,” Neha nói.

“Hử… Không có gì đâu. Chúc mừng sinh nhật em nhé,” tôi đáp.

“Thế anh không định hôn em sao?”

Hai mắt tôi mở tròn như hai chiếc đĩa bay của người ngoài hành tinh.

Rồi cô thoái lui. “Mà gượm đã. Anh muốn thế, có đúng không?”

“Ừ, tất nhiên rồi.”

“Thế thì sao giờ?”

“Sao gì?”

“Anh có hôn hay là không hôn nào?”

Chắc là vì bó hoa, hoặc sự phấn khích của cuộc đột nhập, mà có khi cô ấy đã trưởng thành lên rồi cũng nên. Tôi bèn đưa người tới gần, và dù đã xem cả triệu nụ hôn trên phim ảnh, tôi không ngờ việc cố trao nụ hôn đầu một cách hoàn hảo lại khó khăn đến thế.

“Ôi, đừng mạnh bạo như thế,” cô nói, “mới đầu phải nhẹ nhàng thôi, hôn như hôn em bé chứ.”

Và từ lúc đó, cô dẫn đường cho tôi. Thành thực mà nói, tôi quá phấn khích và sợ hãi để làm tốt hơn thế. Nhưng gì thì gì, tôi cũng đã có được nụ hôn đầu đời, ngay trong nhà thầy Cherian.

“Suỵt… Bố em dậy uống nước.” Cô đẩy tôi ra.

“Sao giờ?”

“Không sao, ông không lên đâu. Nhưng anh nên đi đi thôi.”

“Anh muốn ở lại cơ.”

“Cứ đi đi đã.” Cô đẩy tôi khỏi giường, thái độ khác hẳn những giây phút trìu mến vừa rồi.

Cô cương quyết cũng chẳng ích gì. Thêm vào đó, tôi cũng phần nào muốn chuồn khỏi đây cho nhanh, trước khi màn trình diễn kết thúc.

“Thế nào, mọi chuyện ra sao?” Ryan hỏi trong khi kéo tôi lên trở lại sân thượng.

“Được lắm. Rất được,” tôi nhăn nhở cười ngoác cả mang tai.

Trèo xuống cũng khó như trèo lên, nhưng vấn đề thực sự lại là khi chúng tôi men qua khoảng cỏ trước nhà. Có ai đó đã bật đèn phòng khách lên.

“Sao đèn lại bật lên thế nhỉ?” Alok hỏi.

“Chẳng biết. Chắc thầy Cherian thức dậy uống nước,” tôi nói.

“Mình bò ra vậy,” Ryan đề nghị, khi cả ba đang cúi lom khom dưới bậu cửa sổ để tránh bị phát hiện.

Khi Alok bò qua đám cỏ, một xô nước rơi xổn xoảng, tiếng động đủ to để khiến mọi lời thì thầm của chúng tôi trở nên vô ích.

“Ai đấy?” một giọng đàn ông vọng ra từ trong nhà, và chúng tôi nghe có tiếng bước chân đi ra.

“Mẹ kiếp, đúng lão Cherian rồi. Chạy mau, xéo khỏi chỗ này mau,” Ryan giục.

Chúng tôi kết thúc quãng bò trườn, và bật dậy phóng thục mạng. Nếu thầy Cherian thấy chúng tôi, thì hẳn thầy sẽ đá đít cả ba đứa ra khỏi trường ngay lập tức.

Lúc chúng tôi vừa chạy ra đến cổng thì cửa mở, và thầy Cherian đứng sừng sững trong một bộ đồ nhìn như đồ ngủ của vợ thầy.

“Ai đấy?” ông quát lên, tay chỉnh lại gọng kính.

“Bố ông chứ ai,” Ryan hét với lại, trong khi chúng tôi co cẳng chạy biến khỏi căn nhà.

Tôi không biết có phải thầy Cherian đã đuổi theo, hay vì sợ, mà chúng tôi chỉ dám dừng lại khi chạy tới chỗ để xe của Ryan.

“Cậu đần độn hay sao thế? Sao lại đi hét lên như thế?” tôi lên tiếng quở trách khi đã yên vị trên xe.

“Dạ, vâng. Lẽ ra tớ nên nói, thưa cụ, là con rể cụ và bạn nó đấy ạ. Chắc hẳn ông ấy sẽ mang rượu ra mời mình nhỉ?”

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện