Chương 16: Ngày dài nhất đời tôi (1)
Người ta cứ nói, chẳng có ngày nào là quá hệ trọng trong đời bạn, nhưng tôi cam đoan với bạn rằng, cái ngày triển khai Chiến dịch Quả lắc là ngày đáng nhớ và dài nhất trong quãng đời IIT của tôi. Mỗi thời điểm, mỗi sự kiện đều hiện lên sinh động và mới mẻ trong tâm trí tôi như chỉ vừa xảy ra hôm qua. Đó là ngày lay chuyển cả cuộc đời chúng tôi, hoặc ít ra là lay chuyển chúng tôi.
Không có một ngày cụ thể nào được định sẵn cho Chiến dịch Quả lắc, mà chúng tôi đều ngầm hiểu rằng, đó là ngày tôi hoàn thành nhiệm vụ lấy chìa khóa. Chưa đầy một tuần nữa là đến kỳ thi, nên chúng tôi chắc mẩm lúc này thầy Cherian đã soạn đề xong xuôi rồi. Và lẽ tất nhiên, chúng tôi sẽ phải dành ra một khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị đáp án. Thế nên, phải triển khai càng sớm càng tốt.
Ngày 11 tháng Tư, ngày Chiến dịch diễn ra, bắt đầu bằng cuộc hẹn hò của tôi với Neha. Lẽ ra tôi phải nhận ra ngay những điềm báo khi Neha bảo tôi cô vừa bị bong gân mắt cá chân.
“Hả?” tôi nói trên điện thoại, “Anh đang mòn mỏi vì muốn gặp em đây. Đừng hủy cuộc hẹn hôm nay chứ. Sau đây là đợt thi mất rồi.”
“Nhưng Hari, em còn chẳng lết nổi một chục bước chân. Mình gặp nhau một ngày khác được không?”
“Anh chỉ cần gặp em nửa tiếng thôi mà. Hay là anh tới nhà thăm em?”
Tôi biết mẹ Neha sẽ không ở nhà hôm ấy. Đó là ngày mười một, nên bà sẽ đi tới ngôi đền cạnh đường ray để khóc viếng con trai. Đó là lý do vì sao Neha lại đồng ý hẹn nhau vào đúng ngày này.
“Nhà em? Anh bị ấm đầu à? Nhỡ có ai nhìn thấy thì sao?”
“Sắp hết năm ba rồi, em bớt sợ sệt một chút đi được không?”
“Nhưng…”
“Mà nếu anh được A thì đằng nào em cũng sẽ cho anh ra mắt mà đúng không?”
“Được rồi, nhưng nửa tiếng thôi nhé. Anh đến đúng 11.30 đấy, em sẽ để ngỏ cửa,” cô đáp.
“Tuyệt. Gặp em lát nữa,” tôi thở phào đặt điện thoại xuống. Bắt buộc hôm nay tôi phải tới gặp cô, đúng hơn là gặp cái xe của cô.
“Mọi việc ổn chứ?” Ryan dò la khi tôi rời Kumaon.
“Dĩ nhiên. Gặp các cậu sau hai tiếng nữa nhé,” tôi nói.
“Suỵt, im nào, vào mau lên,” Neha thì thào một cách rất không cần thiết.
“Xung quanh đây làm gì có ai,” tôi nói.
“Anh điên rồi. Thế nào, sao hôm nay lại rạo rực muốn gặp em thế?” Neha dẫn tôi vào phòng cô.
“Thì em biết đấy, năm ba sắp kết thúc, nào thi cử này nọ,” tôi đảo mắt quanh phòng để tìm chỗ treo chìa khóa.
“Thế thì sao?”
“Thì anh nghĩ gặp được em sẽ mang lại may mắn cho kỳ thi,” tôi nói và ngồi xuống giường bên cạnh cô.
“Chà, lãng mạn quá nhỉ!” cô nói, “thế mà em cứ nghĩ anh chàng lông bông của em nhớ em da diết đến khô héo cơ chứ…”
“À, thì đúng thế mà,” tôi nghiêng người ra trước để ôm cô. Mà đúng thật. Lúc nào tôi chẳng nhung nhớ cô ấy. Cô ấy đẹp thật. Ngay cả với mắt cá chân bị trẹo, bó băng y tế, nhìn cô ấy vẫn đẹp đẽ làm sao.
“Á, cẩn thận nào,” cô đẩy tôi ra, “em biết tỏng anh nhớ cái gì rồi.”
“Cái gì?”
“Thân thể của em chứ có phải của anh đâu.” Cô hếch mũi lên.
Có khác gì nhau đâu? Tôi nghĩ bụng. Đôi khi ta chẳng hiểu nổi đám con gái.
“Trật lất rồi,” tôi đáp, bụng đoán đó hẳn là câu trả lời đúng.
“Lại đây nào,” cô gọi tôi lại gần và hôn tôi.
“Mấy giờ mẹ mới về?”
“Hai tiếng nữa. Anh biết đấy, ngày của anh Samir.”
“Ừ anh biết, ngày mười một. Em biết không Neha, anh muốn hỏi em về chuyện đó.”
“Hỏi gì cơ?”
“Hôm nọ anh với Ryan nói chuyện…”
“Anh kể với Ryan chuyện Samir à?”
“Không, chỉ bàn luận về cách anh ấy, ừm, mất. Em biết đấy, việc anh ấy đi chạy bộ này kia.”
“Thì sao?”
“Rồi Ryan nêu ra một điểm khá có lý.”
“Điểm gì?”
“Rằng ai lại đi chạy bộ vào một buổi sáng tháng Năm nóng nực?”
Neha im bặt, buông tôi ra và ngồi sang một góc.
“Neha?” tôi gọi.
“Hari à,” cô bỗng khóc nấc lên, “Hari, em vốn không muốn kể cho anh chuyện này, nhưng em buộc phải nói ra thôi.”
“Chuyện gì cơ?”
“Đợi nhé,” cô đứng dậy mở cánh cửa tủ. Một dây quần áo rực rỡ hiện ra, khác hẳn với tủ áo một đứa con trai bình thường ở Kumaon. Neha rút ra một mẩu giấy được gấp lại. “Anh đọc đi.”
Tôi mở tờ giấy ra, và đôi lông mày chợt dựng ngược lên vì sốc, lá thư ký tên Samir ở dưới.
Neha mến,
Anh thương cô em gái bé nhỏ của anh lắm, ngay từ lần đầu được bế em trên tay ngày em mới sinh. Hôm ấy anh thấy tự hào làm sao, và sẽ vẫn mãi tự hào như thế.
Neha à, em có giữ được bí mật này không? Khi em đọc được lá thư này, chắc anh đã không còn trên cõi đời này nữa. Nhưng em phải hiểu rằng, không một ai khác được phép biết tới lá thư này.
Đã ba lần anh cố luyện thi vào IIT, cũng là ba lần anh làm bố thất vọng. Ông sẽ không bao giờ chịu đựng nổi sự thật là con trai mình không có khiếu học toán, lý, hóa đâu. Anh chịu thôi Neha ạ, dù anh có cố gắng tới mức nào, dù anh có học thêm bao nhiêu năm nữa, dù anh có ôn thêm bao nhiêu cuốn sách nữa. Anh sẽ không đỗ được vào IIT đâu. Và anh không thể chịu nổi khi phải đối diện với ánh mắt của bố.
Ông đã dạy dỗ hàng ngàn sinh viên IIT trong đời mình, và không thể hiểu nổi tại sao con trai mình lại không thể đỗ nổi vào đây. Neha ạ, ông chỉ nhìn thấy những thí sinh đã được tuyển, mà không nhìn thấy hàng trăm ngàn thí sinh bị loại. Đã hai tháng rồi ông không nói với anh một lời nào. Ngay cả đến mẹ, ông cũng không nói chuyện đàng hoàng được, tất cả là vì chuyện của anh. Anh có thể làm được gì đây? Cứ cố và cố cho đến chết? Hay là đáng chết luôn đi?
Nếu có bất kỳ ai phát hiện ra rằng anh tự kết liễu đời mình, thì chắc mẹ sẽ không sống nổi. Nhưng anh buộc phải kể cho một người nào đó biết – và còn ai khác ngoài em đây. Anh thương em nhiều lắm Neha. Và em hãy nói với mọi người rằng anh đi chạy bộ nhé.
Vĩnh viễn là anh của em,
Samir
“Cái quái gì thế này,” tôi nói, cảm thấy toàn bộ chuyện này thật rợn người. Có phải ngày nào ta cũng có dịp được cầm tận tay một lá thư tuyệt mệnh đâu.
“Đúng đấy, lẽ ra em không được phép nói cho anh biết. Nhưng chúng mình đã quá thân thiết với nhau, và anh bắt đầu thắc mắc điều tra này nọ nên…” Cô bật khóc rưng rức.
“Nghe anh, bình tĩnh lại nào,” tôi trấn an, nhưng thực ra là tự trấn an mình nhiều hơn. Năm phút sau, Neha thôi khóc, và tôi mang cho cô một ly nước lọc.
“Em có biết chuyện gì đã xảy ra với anh trong kỳ vấn đáp không?” Có thể chuyện này sẽ khiến cô bật cười. “Ryan bắt anh nốc mấy tợp vodka,” tôi nói.
Neha ngước mắt, thốt lên the thé, “Hóa ra là anh à? Bố có kể chuyện. Là anh à?” Cô bắt đầu đập gối vào tôi, và bắt đầu cười như nắc nẻ. Trông cô xinh đẹp quá và tôi có thể ngồi đó mà ngưỡng mộ nhan sắc ấy mãi, nếu không vướng vào điệp vụ hôm nay, phải lấy cho bằng được chiếc chìa khóa cho Chiến dịch Quả lắc.
“Thôi nào, đau quá,” tôi xích lại gần cô.
“Đừng có đến gần em, đồ lông bông nát rượu. Anh có biết hôm ấy bố lải nhải suốt cả tiếng đồng hồ liền không?” Cô cười sặc sụa đến nỗi phải đưa tay ôm bụng.
Tôi cuộn người lại, ôm cô vào lòng. Rồi cô quay mặt sang nhìn tôi, gần như theo bản năng. Chúng tôi hôn nhau, rồi lại hôn tiếp. Rồi cô nắm tay tôi và làm một việc chưa tiền lệ: đặt nó lên ngực cô.
Ối chao, đầu tôi quay mòng mòng. Chuyện gì đã xảy ra với cô bé này vậy? Cô ấy mất trí rồi sao? Về phần tôi, đương nhiên cũng đã mất trí và quên phắt đi cái Chiến dịch Quả lắc.
Bàn tay tôi luồn xuống dưới lớp áo phông của cô, rồi vụng về trườn xuống lớp áo ngực. Cuộc sống sẽ trở nên đơn giản biết bao nếu không có ai phát minh ra chiếc khóa móc.
“Cứ thong thả chứ, chú hổ của em, thong thả nào,” cô nói. Tôi khoái chí khi được cô gọi là chú hổ.
Rồi cô ngồi dậy để cởi áo phông ra. Và cả những thứ còn lại. Tôi ngồi đó như bị bỏ bùa mê, cố không để cho lưỡi trườn ra treo hổn hển trước miệng như một chú cún.
“Thế nào, chú hổ có định cởi bộ lông hay không nào?”
“Anh… anh…” tôi lắp bắp khi cô kéo tôi lại gần.
Nửa tiếng sau, chúng tôi nằm ngửa trên giường, kiệt sức nhưng hoàn toàn thỏa mãn. Tôi nhìn lên chiếc quạt trần cũ quay lừ đừ từng vòng vụng về, trong lòng nhộn nhạo niềm vui.
“Thế nào?” Neha hỏi.
“Thế nào gì cơ?” tôi bắt đầu lấy lại thăng bằng.
“Anh nói gì đi chứ?”
Tôi đang ngất ngây trên cả tuyệt vời đây. Nếu không phải ăn cắp chiếc chìa khóa kia, thì tôi sẽ nằm nguyên đó mãi mãi.
“Quả là… tuyệt,” tôi gói lại trong một câu nhún nhường.
“Cảm ơn nhé. Em cũng thích lắm. Giờ chắc em đã là một đứa con gái hư rồi.”
“Không, không hề,” tôi chỉ sợ cô sẽ hối tiếc chuyện này và sẽ không bao giờ lặp lại.
“Anh nói cứ như đúng rồi. Đây, em đang nằm khỏa thân với một chàng trai say xỉn trong kỳ thi vấn đáp, trong khi bố em đang ngồi ở văn phòng cách đây chưa đầy một cây số,” cô nói rồi cười phá lên, “Thật là một cảm giác tự tại.”
“Thật á?”
“Ừ, rất tự tại, nhưng cũng rất đáng buồn,” cô đáp.
“Neha, em cứ thả lỏng đi,” tôi sợ cô lại cho thêm một chặp khóc lóc nữa. “Em muốn ra ngoài chơi không?”
“Không. Sao, anh không thích ở đây à?”
“Có chứ. Chỉ là anh muốn hút một điếu thuốc thôi.”
“À ừ nhỉ, em có nghe nói hút thuốc sau khi mây mưa là bá cháy. Cho em hút cùng với.”
“Nhưng em có biết hút đâu!”
“Thì em cũng có ngủ với trai bao giờ đâu. Mau lên, kiếm cho em một mồi đi.”
Tôi nhìn thấy ngay cơ hội, và chộp vội. “Anh mượn xe em được không?”
“Sao thế? Anh không mượn được xe máy của Ryan à?”
“Không, cậu ấy lái đi chơi bóng quần rồi. Nhé?”
“Được rồi. Chìa khóa để trên nóc tủ lạnh ấy. Nhưng nhanh lên đấy,” cô ngồi dậy, nhặt áo lên cho tôi.
“Này, em mặc áo của anh à,” tôi chỉ ra.
“Ừ, em thích thế, thật rộng và hoàn hảo cho một giấc ngủ lười,” cô giả vờ lăn ra ngủ.
“Neha, đừng có đùa nhé, thế thì anh đi ra ngoài làm sao được?”
“Mặc áo em ấy,” cô trễ nải đáp.
“Nhưng nó màu hồng, lại chật quá. Em ấm đầu à?”
“Thế thì lấy đại một cái áo của bố trong tủ dưới nhà đi.”
“Neha, đừng ngốc nghếch thế…”
“Biến đi và kiếm mồi cho em Hari, anh làm em mệt rồi đấy,” cô ném một chiếc gối về phía tôi.
Bụng bảo dạ, nếu đã dám lấy xe hơi và con gái của thầy Cherian, thì một cái áo có là gì, tôi bèn lựa ra một chiếc sơ mi trắng trong tủ quần áo của ông, tinh tươm, trừ hai chữ D.C. thêu trên cổ tay.
Rồi tôi vớ lấy chùm chìa khóa trên nóc tủ lạnh. Tổng cộng có sáu chìa, chắc chắn một trong số đó là chìa khóa văn phòng thầy.
“Được lắm!” tôi tự khen mình khi rời khỏi ngôi nhà.
Đoạn tôi lái xe ra con đường vắng bóng người, mặt trời đã lên cao và xua người ta vào trong nhà hết, rồi lái xuống Jia Sarai, rẽ thẳng vào cửa hiệu đánh chìa khóa.
“Cái nào?” bác chủ tiệm nói.
“Cả sáu ạ.”
Khi chờ bác này sao lại chìa, tôi đi mua một bao thuốc lá. Mọi chuyện đơn giản hơn tôi nghĩ. Châm một điếu, tôi lại tơ tưởng về vòng tay Neha. Hẳn đây phải là ngày đẹp nhất đời tôi.
Chùm chìa khóa đã được sao xong. Tôi đút chùm mới vào túi áo, và lái xe về khuôn viên trường qua cổng học viện.
Ngay khi sắp sửa rẽ vào cụm nhà ở cho cán bộ công nhân viên, tôi chợt thấy có người đạp xe ngay trước mặt. Mình điên rồi, mụ mị rồi, chết tiệt rồi, tôi chỉ kịp nghĩ vậy khi tay bấm còi bin bin – và người đi xe đạp quay lại nhìn tôi không ai khác chính là thầy Cherian.