Chương 25: Ngày của những bức thư
Ngày đầu tiên của học kỳ cuối mang đến cho tôi cảm giác đặc biệt y như ngày đầu tiên vào học ở đây. Chúng tôi dậy lúc sáu giờ để chuẩn bị cho lớp lúc tám giờ sáng. Ryan tắm xong, rồi chải đầu thật cẩn thận suốt hai mươi phút sau.
Vậy mà chúng tôi vẫn đến sớm. Đó là môn “Đông lạnh và Điều hòa nhiệt,” còn gọi là Đông Điều, của thầy Saxena. Đây là một giáo sư kỳ cựu, và nghe đồn sẽ là đề cử tiếp cho chức trưởng khoa. Đấy là nếu Cherian chuyển đi làm việc khác, hoặc qua đời. Mà cả hai khả năng ấy đều không dễ gì xảy ra trong lúc này, nên thầy Saxena đành hài lòng dạy sinh viên năm cuối cách giữ lạnh mọi thứ. Ba đứa tôi tới lớp sớm nhất, thế mà thầy đã ở trong lớp rồi.
“Xin mời, xin mời,” thầy Saxena chào. “Thật ngạc nhiên quá. Ai lại nghĩ học sinh năm tư lại đến lớp sớm chứ nhỉ.”
Chắc thầy nói đúng. Ở kỳ cuối này, mọi người còn bận chuẩn bị đi phỏng vấn xin việc và nộp hồ sơ học MBA. Ba đứa tôi còn chẳng buồn để ý xem năm nay có những công ty nào tuyển dụng, vì ngay việc có tốt nghiệp được không chúng tôi còn chẳng biết nữa là.
“Chào thầy ạ,” Ryan đáp, trong khi chúng tôi chọn chỗ ngồi ở hàng đầu. Đây là lần đầu trong bốn tháng chúng tôi được lên lớp lại. Chiếc bảng đen chưa bao giờ có vẻ thân thương như lúc này. Tôi tự hỏi không biết tiết học sẽ bắt đầu lúc mấy giờ.
“Các cậu tên gì?” thầy Saxena nói.
“Tôi đã từng nghe thấy mấy tên này ở đâu rồi,” thầy đáp sau khi nghe ba đứa xưng tên, trán thầy nhăn lại để cố nhớ ra.
“Bọn em bị phạt trong cuộc họp Hội Kỷ kỳ trước thưa thầy. Thầy cũng ngồi trong hội đồng đấy ạ.” Ryan nói.
“À đúng rồi,” thầy Saxena đáp, “đúng rồi, là cái vụ Cherian. Thế nào, đây chắc hẳn là tiết học đầu tiên của các cậu trong mấy tháng liền nhỉ.”
Ba đứa gật đầu đồng loạt.
“Thảo nào. Thế giờ các cậu sao rồi? Có tốt nghiệp được đúng kỳ không đấy?” thầy hỏi. Tôi không chắc liệu sự quan tâm trong giọng của thầy là thật, hay thầy chỉ muốn giết thời gian trước khi vào lớp.
“Bọn em bị thiếu năm tín chỉ thưa thầy. Kể cả khi bọn em đã dồn môn lên kỳ này,” Alok nói.
“Các cậu học mấy môn kỳ này?”
“Sáu ạ,” tôi đáp.
“Ái chà. Hầu hết mọi sinh viên kỳ cuối đều chỉ học hai. Và kể cả thế, cũng chẳng mấy ai lên giảng đường cả. Các cậu sẽ lên giảng đường suốt ngày,” thầy Saxena nói.
“Dạ vâng thưa thầy. Không còn cách nào khác.” Tôi nhún vai.
“Các cậu đã thử xin thầy Cherian về vụ thiếu tín chỉ chưa?” thầy hỏi.
“Thầy Veera đang cố xin hộ bọn em ạ,” tôi nói.
“Hừm. Gì thì gì, hệ thống này khắc nghiệt thật đấy. Nhìn vào ba cậu mà xem, ngay cả với GPA thấp thì lẽ ra cũng vẫn có thể xin được việc. Năm nay nhiều công ty phần mềm tuyển người lắm. Nhưng cái Hội Kỷ ấy đã làm hỏng hết cả cái bằng tốt nghiệp của các cậu rồi còn gì,” thầy nói.
Trong vài phút kế tiếp, một vài sinh viên lưa thưa vào lớp. Tôi nghĩ lớp hôm nay chỉ có khoảng mười người, dù danh sách học viên có những ba mươi. Tôi còn nhớ những môn có tiết lúc tám giờ ở những học kỳ trước mà chúng tôi chẳng bao giờ đi học, ngay cả khi lên năm hai và năm ba. Nhưng lúc này đây, tôi lại nhấp nhổm chỉ mong được học ngay.
“Định luật nhiệt động học thứ ba,” thầy Saxena nói khi quay lên bục giảng.
Ryan, Alok và tôi bỏ bút ra và ghi chép từng lời thầy nói suốt một tiếng sau đó.
Vài tuần sau khai giảng kỳ cuối, tôi gặp lại Neha. Lần đầu tiên tôi phải nháo nhào chuẩn bị đi kẻo muộn cuộc hẹn. Cuối tuần này tôi phải làm cho xong năm bài tập về nhà, đó là chưa kể phải ôn bài cho những bài thi phụ sắp tới. Lần này tôi không được phép trượt bất cứ một môn nào, và lạ thay, giờ tôi lại nung nấu một lòng ham học trong những ngày cuối này ở IIT. Nhưng một buổi hẹn với Neha là một buổi hẹn với Neha, và tôi chỉ kịp dập ghim lại những tờ bài tập công thái học rồi rảo cẳng chạy thẳng tới tiệm kem.
“Muộn hai chục phút! Anh có biết anh muộn hai chục phút không?” Neha nói.
“Anh xin lỗi, vì bài tập...”
“Hôm nay em phải về sớm. Gia đình bác anh trai bố đến ăn tối, và bố gần như phát điên vì chuẩn bị cho cuộc viếng thăm này. Và từ khi nào anh lại mê mải làm bài thế hả?” Cô chưa chịu buông hai tay đang chống nạnh xuống.
“Anh chẳng biết nữa, anh chỉ không muốn ôm vào bất kỳ một rủi ro nào. Anh mua kem cho em nhé?”
“Không cần. Trong lúc đợi em đã ăn một ly rồi. Và tối nay có khách nên bữa tối sẽ rất nhiều đồ ăn. Em lại còn đang cố giảm nữa,” cô nói.
“Giảm gì?”
“Cân chứ còn gì.”
“Thật á? Tại sao? Em trông ổn mà.”
“Không dám đâu. Anh phải nhìn bọn con gái trong trường em. Mà thôi, dạo này anh sao rồi?”
“Thì toàn lên lớp, lên lớp, và lên lớp. Tám giờ sáng đến sáu giờ tối, ngày nào cũng như ngày nào. Rồi thêm ba giờ trong thư viện. Rồi hai giờ nữa đến làm bài và ôn bài. Anh phát điên mất. Nhưng phải làm gì bây giờ? Anh chưa từng phải học nhiều môn cùng lúc thế này.”
“Thế Ryan và Alok thì sao?”
“Cũng nai lưng ra như thế thôi. Thế mà bọn anh vẫn thiếu tín chỉ.”
“Thế còn cái kế hoạch HĐK của bọn anh thì sao? Gì mà Hợp tác để Kiểm soát…”
“Toàn vớ vẩn thôi. Mọi thứ không xảy ra theo những cách ấy đâu Neha ạ. Anh biết chắc luôn. Giờ đây anh có thể bận bịu thật, nhưng ít ra anh còn học được một chút gì đó. Anh không chỉ sao chép bài giảng và chống lại hệ thống. Đấy không phải là mục đích chính.”
“Ái chà, anh chàng lông bông đã trở nên nghiêm túc từ lúc nào vậy. Thế mục đích chính là gì hử?” Giọng cô nhí nhảnh, đây luôn là một dấu hiệu tốt.
“Là nạp kiến thức. Là tận dụng hệ thống đến hết mức có thể, ngay cả khi nó đầy khuyết điểm. Và là việc không nghe cái cậu Ryan ngớ ngẩn ấy lải nhải cả ngày,” tôi nói.
“Anh thông thái lên rồi đấy. Em lại thấy nhớ chàng lông bông.”
Tôi im lặng và nhìn vào mắt cô. Rồi, trong một tích tắc, tôi nhỏm dậy và hôn lên môi cô.
“Hari! Anh điên rồi sao? Ở đây mọi người biết em đấy!”
“Chỉ để cho em biết rằng chàng lông bông vẫn ở đây thôi mà.”
“Dạ vâng. Mà thôi, xem em có gì đây này,” cô lấy ra một mẩu giấy từ trong túi.
“Là lá thư của anh em.”
“Ừ, lá thư cuối của anh ấy. Em muốn anh giữ nó.”
“Tại sao?” Thật là một món quà kỳ dị, nói một cách giảm tránh nhất.
“Em không biết. Bố không còn tin em nữa. Và cứ thỉnh thoảng ông lại vào lục lọi phòng em. Em không muốn ông tìm thấy thứ này.”
“Thật à? Ông ấy gây cho em nhiều phiền toái lắm ư?”
“Không nhiều lắm. Chỉ là em không nói chuyện nhiều với ông nữa. Nhưng hôm nọ em có nghe ông nhắc tới bọn anh đấy.”
“Gì cơ? Lúc nào?”
“Em sẽ kể. Nhưng anh sẽ giữ thư cho em nhé?”
“Em biết là anh sẽ giữ mà. Ông ấy nói gì?”
“Hôm ấy chủ nhiệm Shastri đến nhà em. Họ bàn về cái đề án nào đó.”
“Đề án dầu bôi trơn.”
“Ừ, đại loại thế đấy. Thầy Veera đã gửi cho mỗi người một bản. Chủ nhiệm Shastri rất ấn tượng với kết quả nghiên cứu.”
“Thế bố em nói gì?”
“Em không nghĩ anh muốn nghe đâu.”
“Không, kể đi chứ,” tôi to tiếng. Sao con gái cứ vòng vo mãi mà không nói vào điểm chính thế nhỉ?
“Ông nói đề án cũng tạm được. Nhưng rồi ông bảo chủ nhiệm Shastri đừng tin mấy đứa sinh viên này. Ông bảo ‘Ai mà biết được? Bọn nó đã gian lận một lần, thì lần này cũng có thể gian lận để ra kết quả đẹp. Bọn nó chỉ muốn xin tín chỉ thôi.” Đấy, chỉ có vậy.”
“Vớ vẩn quá đi mất. Thật vớ vẩn. Em biết không Neha, bọn anh đã mửa mặt ra mới hoàn thành được cái đề án đó đấy.”
“Em biết. Nhưng ông nói vậy đấy. Và chủ nhiệm Shastri bảo bố em cứ nghĩ thêm một thời gian nữa đi.”
Tôi trải lá thư lên mặt bàn, những lời cuối cùng của Samir. Một người chán ngán phải chạy theo mong muốn của bố mình để vào IIT đến mức thà chọn cách quyên sinh. Tôi tự hỏi không biết để cho tàu cán qua thì đau đớn đến mức nào.
“Hai thỏi kem dâu lớn nhé,” tôi nghe thấy một giọng nói sau lưng.
“Xin chào ngài Cherian. Có chuyện gì thế ạ, có khách tối nay ạ?” cậu phục vụ hỏi.
“Ừ, anh trai tôi từ Canada về chơi. Bác ấy thích ăn kem lắm,” giọng thầy Cherian đáp.
Tôi đóng băng tại chỗ, như kem đủ các vị trong tủ lạnh. Neha cũng đóng băng. Chúng tôi ngồi ngay đối diện ông ấy, và không thể chạy ra khỏi quán được. Cả hai thầm cầu nguyện ông ấy không trông thấy. Nhưng đây là Cherian. Chỉ một cái bóng phản chiếu qua khung quầy bọc thép cũng đủ.
“Neha!” ông quay đầu về phía chúng tôi. Tôi nghĩ hẳn tất cả kem trong quầy phải tan chảy ra dưới giọng nói ấy.
Neha không nói gì. Tôi không chuyển động. Tôi còn nhớ lần cuối gặp Cherian là trong lần họp Hội Kỷ. Ông ấy có làm hỏng đời tôi lần nữa hay không? Tôi còn chưa kịp gọi kem.
Cherian bước tới, ngồi xuống cạnh tôi. Tim tôi đập mạnh như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực và chạy khỏi quán kem.
“Cậu to gan quá. Đồ oe con chết giẫm, to gan thật đấy.” Ông nhìn lom lom vào tôi.
Neha nuốt nước bọt định lên tiếng, nhưng ông ra hiệu cho cô im.
“Thưa thầy, em chỉ… thưa thầy… em phải… thưa thầy, em chỉ tình cờ gặp lại cô ấy thôi,” tôi vừa nói vừa nghĩ.
“Cậu lại nói điều gì nữa?” Cherian đấm tay xuống bàn đến rầm một tiếng, đúng chỗ lá thư, suýt thì làm rách nó.
“Bố, cẩn thận nào,” Neha vừa nói vừa cố đẩy tay ông bố ra ngoài.
“Cái gì nữa đây?” Cherian hỏi.
Neha xòa bàn tay ra, chặn lên lá thư.
“Không có gì. Không có gì đâu bố.”
“Cái gì đấy, thằng oe con?” Cherian quay sang tôi, nắm đấm vẫn ấn xuống lá thư. “Thư tình cậu viết để cho con tôi vào tròng à? Tôi đã cấm cậu không được bén mảng đến gần nó cơ mà. Hóa ra một Hội Kỷ vẫn chưa đủ phỏng?”
“Là thư của Samir đấy ạ,” tôi nói.
“Hari, im đi,” Neha nói theo phản xạ.
Tôi không biết vì sao tôi đã thốt ra điều ấy. Nhưng tôi sẽ không lặp lại lần nữa.
“Nó nói gì thế?” thầy Cherian hỏi.
Neha và tôi đều giữ im lặng.
“Neha, bỏ tay ra,” Cherian nhìn cô chằm chằm.
Neha bỏ tay ra, chỉ để đưa lên mặt lau nước mắt. Cherian nhặt lá thư lên và đọc trong im lặng.
Ông cố hết sức để giữ bình tĩnh, nhưng đôi mắt ông rụt vào, và các ngón tay bắt đầu run lên. Ông đọc lại lá thư một lần, hai lần, rồi ba lần nữa. Hai thỏi kem ông vừa mua đã tan chảy thành một vũng kem trên bàn, nhưng cái vũng ý nghĩ trong đầu thầy Cherian lại khiến chúng tôi e ngại hơn. Ông bỏ kính ra, rồi đôi mắt ông đã làm một điều không ai nghĩ tới. Ngay tại đây, vị trưởng khoa của chúng tôi, kẻ tra tấn cuộc đời tôi, đã ầng ậc nước mắt. Hai giọt nước mắt lớn ứa ra bên khóe. Và tôi đã ngồi đó, bên hai bố con nhà Cherian, ngắm họ khóc ròng. Lẽ ra tôi có thể tham gia vào khóc cùng, nhưng tôi không thấy có hứng. Thêm nữa, tiệm kem có phải là chỗ để khóc thành nhóm thế này đâu.
“Bố, bố có sao không?” Neha gạt nước mắt.
Rồi bố cô khóc nức nở một cách không thể tự chủ được. Thật lạ khi phải chứng kiến một người đàn ông lớn tuổi khóc tu tu. Ý tôi là, bạn cứ ngỡ họ mới là người sẽ khiến bạn khóc. Tôi chỉ mong có Ryan ở đây.
“Bố, ta về nhà thôi,” Neha đứng dậy.
Cherian chịu thua con gái. Tôi đưa bịch kem cho Neha, giờ đã là một bịch dung dịch syrup. Ông bố cô cứ hôn lá thư liên tục.
Họ rời khỏi tiệm kem, còn tôi chưa kịp ấn định buổi hẹn sau với Neha. Nhưng tôi thấy quá may mắn vì đã sống sọt được sau việc phải đụng độ với Cherian thêm lần nữa. Neha lái xe chở ông bố vẫn đang khóc tức tưởi trên ghế trước.
“Thưa anh, anh có thanh toán cho suất kem vừa rồi không?” cậu phục vụ hỏi.
“Ý cậu là Cherian khóc á. Tức là khóc thật á?” Ryan nghi ngờ.
“Tru lên như sói ấy, đưa tay bưng mặt mà khóc, nước mắt lã chã cho đến khi rời tiệm ấy. Chiết tiệt, tớ còn phải trả tiền cho hai thỏi kem ấy.”
“Quá đáng đồng tiền bát gạo. Tớ sẽ trả gấp đôi để xem lại màn trình diễn ấy. Ừ. Ngay cả khi lão ấy phải chịu đau đớn. Tuyệt!” Ryan múa may một điệu.
“Không buồn cười đâu nhé Ryan. Chắc ông ấy phải sốc lắm,” Alok nói.
“Thế thì sao chứ? Chẳng phải việc của tớ. Nhưng tớ bỏ lỡ mất rồi, tiếc quá!” Ryan nói.
“Thế mình để đến mai hãy làm bài tập được không? Mình có Đông Điều không nhỉ?” tôi hỏi.
“Ừ có đấy,” Alok nói, “thế còn vụ đề án thì sao?”
“Tớ chẳng biết nữa. Neha kể là Cherian không ưng lắm. Để sang tuần bọn mình đến gặp thầy Veera.”
“Các công ty bắt đầu đến tuyển rồi đấy, tớ thấy các loại thông báo dán trên bảng. Nhiều công ty mới ở mảng phần mềm lắm,” Alok nói.
“Xem cũng có ích gì đâu. Nếu vụ tín chỉ không xong thì mình còn những một năm để xem,” tôi lấy giấy trắng ra làm bài.
Đêm đó tôi ngủ lúc bốn giờ sáng. Khuôn mặt Cherian sau khi ông đọc bức thư cứ chờn vờn trước mắt. Đúng là buồn cười thật, như Ryan nói. Nhưng nó cũng thật bi thương. Làm sao một người đanh thép như Cherian lại ra nông nỗi ấy? Những người đanh thép thực ra được tạo bởi thứ gì? Và cái cách Neha đưa bố về nhà nữa, hẳn cô phải yêu ông lắm. Và Cherian hẳn phải yêu con trai lắm, dù ông là người đã khiến anh ấy phát điên đến mức phải tự kết liễu đời mình. Có phải tất cả phụ huynh đều yêu con mình? Thế còn Ryan thì sao? Cậu ấy có yêu bố mẹ cậu ấy không? Họ có yêu cậu ấy không?
Và rồi tôi nhỏm dậy. Vào lúc bốn giờ sáng. Có một sự giục giã khiến tôi phải viết một lá thư. Có thể lá thư khiến buổi sáng nay đảo lộn đã gây ra sự giục giã ấy. Tôi rời Kumaon, đi đến phòng máy tính trường. Trung tâm mở hai tư giờ, giờ này vẫn có sinh viên ngồi trong lách cách gõ lý lịch xin việc. Ừ thì những cuộc phỏng vấn tuyển dụng đã tới rồi, nhưng không phải dành cho chúng tôi.
Bố mẹ yêu quý,
Con Ryan đây ạ. Con xin lỗi phải gõ thư này bằng máy, nhưng con phải viết ngay đêm nay để báo cho bố mẹ biết thời gian vừa qua con sống ra sao. Và không phải mọi thứ đều tốt. Nhưng nếu con không kể cho bố mẹ, thì con sẽ kể cho ai được đây…
Tôi cứ viết suốt hai tiếng liền. Không phải tất cả những điều tôi viết ra đều rành mạch, nhưng tôi đã viết rất nhiều thứ. Về điểm GPA, về vụ Hội Kỷ, về học bạ lấm lem, về thầy Veera, và về đề án dầu bôi trơn đang bị kẹt. Tôi cũng viết về việc họ đã không yêu tôi đủ nhiều để mang tôi theo. Tôi biết việc đang làm là sai, giả danh Ryan để gõ ra những câu chuyện cuộc đời cậu ấy, những điều bí mật thầm kín của cậu ấy. Nói một cách đơn giản, Ryan sẽ giết tôi nếu cậu ấy phát hiện ra. Nhưng tôi cứ viết cho đến khi mặt trời mọc. Tôi nghĩ mình đã hoàn thành không tồi, ít nhất phải tốt hơn những gì Ryan đã viết. Khi in ra bản cuối cùng, lá thư dài tới mười trang. Việc giả chữ ký Ryan chẳng khó gì, và bố mẹ cậu ấy sẽ chẳng so lại chữ ký để nhận ra đâu. Tôi đã ghi trộm địa chỉ gửi thư từ phòng Ryan. Việc gửi lá thư chết tiệt tốn ba mươi rupee mua tem.
“Cậu đi đâu về đấy?” Ryan hỏi khi thấy tôi mò về phòng lúc trời rạng sáng.
“Chẳng có gì đâu. Chỉ đi dạo thôi.”
Nói dối có xấu xa không nhỉ?