Chương 2: Kẻ hủy diệt

Người ta nói, khi bạn vui thì thời gian trôi nhanh như gió. Chỉ riêng kỳ học đầu tiên, với sáu môn, trong đó có bốn môn có lớp thực hành, thời gian kéo lê vô cùng chậm chạp và uể oải, những giây phút vui thú lặn đi đâu mất tăm. Hằng ngày từ tám giờ sáng đến năm giờ chiều, chúng tôi bị khóa trái trong tòa học viện tám tầng với những giờ lên giảng đường, lớp bổ túc và ca thí nghiệm. Chiều buông xuống cũng là lúc chúng tôi nướng những tiếng đồng hồ còn lại trong thư viện hoặc trong phòng riêng để làm báo cáo và hoàn thành bài được giao. Mà đấy là còn chưa kể các bài thi! Mỗi môn học có hai bài thi phụ, một bài thi chính và ba bài trắc nghiệm bất ngờ; nếu tính trắng ra thì bảy bài nhân với sáu môn là bốn mươi hai bài kiểm tra mỗi học kỳ. May mắn là trong tháng đầu tiên các thầy cô đều nương tay không ra bài trắc nghiệm nào cả, viện cớ rằng đây vẫn còn là giai đoạn châm chước cho sinh viên lấy đà khởi động; nhưng giai đoạn châm chước đã sắp kết thúc rồi và điều này có nghĩa là những bài trắc nghiệm có thể thình lình hiện ra bất cứ lúc nào. Trong mỗi giờ giảng, chúng tôi đều phải cố nắm bắt lấy những dấu hiệu gợi ý tinh vi của thầy cô về khả năng giờ giảng tiếp theo sẽ có kiểm tra đột xuất.

Trong khi đó, tôi chơi với Ryan và Alok ngày càng thân hơn. Bố Ryan là chủ một xưởng thủ công mỹ nghệ, nôm na là nơi các nghệ nhân gốm sứ ngày đêm nai lưng ra chế tác bình hoa xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Cả bố và mẹ cậu ấy đều tích cực tham gia kinh doanh, và việc họ thường xuyên đi công tác có nghĩa là Ryan phải được gửi vào trường nội trú, một ngôi trường sang trọng có kiến trúc thuộc địa ở thị trấn cao nguyên Mussoorie.

Gia đình của Alok nói cho dễ nghe thì điều kiện hơi hạn chế, còn nói thẳng ra thì là hộ nghèo. Mẹ cậu ấy là thành viên có thu nhập duy nhất trong gia đình, và như tôi được biết thì lương giáo viên cùng lắm cũng chỉ ba cọc ba đồng. Thêm vào đó, một nửa lương hằng tháng của bà thường xuyên phải trang trải cho thuốc men chăm sóc chồng. Lại còn bà chị gái Alok tuổi càng ngày càng tiến gần cái “ngưỡng ế”, theo lời tả não nề của Alok, đấy cũng là một mối lo lớn khác của cả nhà cậu ấy. Cứ nhìn đấy thì tôi cũng có thể áng chừng bà chị hẳn cũng không thể nào được liệt vào dạng sắc nước hương trời.

Tôi cũng thông thuộc dần với Kumaon và một số bạn bè cùng ký túc. Tôi sẽ không đi sâu vào từng người một, nhưng ở góc hành lang là Sukhwinder có biệt hiệu “Ông Hớn Hở” vì chỉ cần bắt gặp bất kỳ thứ gì nhìn hao hao giống con người là cậu này nhoẻn ngay ra một nụ cười nhăn nhở. Ngay sát nách là phòng của Venkat cần cù có thói quen dán kín cửa sổ bằng giấy đen dày và tự khóa mình ở rịt bên trong. Bên kia hành lang là dãy phòng của đám lớp trên, bao gồm cả Baku, Anurag và những loài vật còn lại.

Ryan, Alok và tôi thường hay học bài cùng nhau mỗi tối. Một buổi chiều nọ, một tháng sau khai giảng, ba đứa ngồi tụ tập trong phòng tôi để hoàn thành cho kịp hạn bài tập môn vật lý lượng tử.

“Chết tiệt,” Ryan nhấc mình khỏi ghế để vươn vai co duỗi cái cột sống hoàn hảo của mình. “Thật là một tuần điên rồ, nào lên lớp, làm bài tập, rồi lại lên lớp, rồi lại làm bài, đấy là còn chưa kể mấy bài trắc nghiệm sắp tới. Sống thế này cũng gọi là sống à?”

Alok đang ngồi ở bàn tập trung làm bài, đầu cúi vẹo sang một bên, chỉ cách tờ giấy có năm phân. Lúc nào cậu ấy cũng viết ở tư thế này, đầu gí xuống gần bàn, ngón tay nắm chặt bút, những tờ giấy trắng phản chiếu trong cặp kính dày cộp.

“Gì c…” Alok ngước lên hỏi như kẻ ngớ ngẩn.

“Tớ bảo là sống thế này mà cũng gọi là sống à?” Ryan hỏi, nhưng lần nay lại quay sang phía tôi.

Tôi đang ngồi vắt chân trên giường, vật lộn với bài vật lý kê trên tấm bảng vẽ. Đến lúc phải giải lao rồi, tôi đặt bút xuống.

“Cậu thích gọi gì thì gọi,” tôi ngáp một cái to đến méo cả miệng, “nhưng chả thay đổi được gì đâu.”

“Tớ thấy thế này chả khác gì đi tù. Khác gì đâu. Nhà tù chết tiệt,” Ryan đấm một cú vào bức tường đã bong tróc.

“Ơ thế cậu quên rằng đây là IIT, trường đại học tốt nhất nước à,” Alok bật cười.

“Thế thì sao? Thì được phép tống hết học sinh vào trại giam à?” Ryan đưa tay chống nạnh.

“Không. Nhưng phải có tiêu chuẩn nhất định chứ,” Alok nâng bàn tay lên ra ý đo chiều cao.

“Chuẩn thế này mà gọi là cao à? Quần quật đến đêm như một đám ong thợ đần độn. Hôm qua Quá Sản, hôm kia Cơ Ứng, hôm nay Lý Lượng… cứ triền miên thôi,” Ryan lầu bầu. “Chậc, tớ phải giải lao mới được. Ai muốn đi xem phim nào?”

“Thế còn bài tập thì sao?” Alok chớp mắt.

“Rạp Priya đang chiếu Kẻ hủy diệt đấy,” Ryan đánh trống lảng.

“Thế mấy giờ mình mới ngủ?” Alok hỏi.

“Cậu này con nhà nề nếp nhỉ?” Ryan nói vẻ bao dung.

“Tớ sẽ đi,” tôi nói, dẹp tấm bảng vẽ qua một bên, “nào Alok, lát nữa mình làm tiếp.”

“Lát nữa là sẽ muộn lắm đấy nhé,” Alok ngần ngừ cảnh cáo.

Tôi đứng dậy rút chiếc bút ra khỏi tay cậu ấy cất vào hộp dụng cụ hình học. Vâng, Alok có hẳn một chiếc hộp đựng dụng cụ hình học như thể năm nay cậu ấy mới tròn mươi hai tuổi.

“Đứng dậy nào,” tôi nói, vừa lúc để ý thấy trong hộp có hai cây bút vẽ. “Này cậu mang theo bút vẽ làm gì thế?”

“À không có gì,” Alok ấp úng.

Tôi nhấc hai cây bút lên làm bộ vẽ vòng cung trong không khí. “Thế thì mang theo làm gì? Để tô màu sơ đồ mạch điện à?” Tôi tự bật cười bởi câu bông đùa của mình, tay vẫn khuơ khoắng hai cây bút. “Hay là để thể hiện tâm hồn nghệ sĩ trong giờ Quá Sản? Để vẽ khuôn mặt quàu quạu của giáo sư Dubey à?”

“Không. Thật ra là bút của bố tớ đấy. Ông vốn là họa sĩ, nhưng giờ thì ông bị liệt rồi.”

Trong cuộc đời, có những giây phút bạn chỉ ước sao khủng long không tuyệt chủng và chỉ cần huýt sáo là sẽ có một con chạy ra nuốt chửng bạn. Tôi như đóng băng, hai tay trơ ra giữa không trung.

Trông thấy bộ dạng tôi, Ryan phải cắn răng lại để vừa cố không phì cười, vừa chẹp chẹp đầy thông cảm với Alok. “Thật vậy à Alok? Chuyện buồn quá. Tớ rất tiếc,” cậu ta nói, khoác vai Alok. Đồ chết giẫm, dám ghi điểm qua mặt tôi trong khi có phải lỗi của tôi đâu cơ chứ.

“Không sao đâu. Cũng từ lâu lắm rồi. Giờ cả nhà tớ đã quen với việc ấy rồi,” cuối cùng thì Alok cũng đứng dậy để đi xem phim, trong khi tôi vẫn đang ước giá như mình bốc hơi được.

Khi chúng tôi bước ra khỏi phòng, Ryan sánh vai cùng Alok, còn tôi lẽo đẽo theo sau cách sáu bước chân.

“Chậc, cả đời tớ chỉ toàn sống trong trường nội trú nên chẳng thật sự hiểu được. Chắc phải khó khăn lắm nhỉ. Làm sao gia đình cậu xoay xở được?” Ryan tiếp tục.

“Thực ra được bữa nào hay bữa nấy thôi. Mẹ tớ là giáo viên Sinh vật. Nguồn thu duy nhất của cả nhà đấy. Bà chị tớ vẫn chưa học xong đại học.”

Tôi gật gù, cố hết sức làm ra vẻ mình cũng cảm thông với hoàn cảnh bạn tôi lắm.

“Chứ các cậu nghĩ xem làm sao tớ lại thi đỗ được vào IIT? Hai năm vừa qua tớ phải chăm sóc bố,” Alok nói.

“Thật thế à?” tôi hỏi, chớp lấy cơ hội tham gia vào cuộc tâm sự.

“Ừ, ngày nào sau giờ học tớ cũng phải chăm bố và học bài.”

Ryan có xe nên việc đi xem phim trở nên dễ dàng hơn. Đi xe máy mà đèo ba như bánh kẹp là trái luật, nhưng mấy bác cớm có tóm được bạn thì cũng hiếm khi đòi hơn hai mươi đồng. Khả năng bị tóm chưa đến một phần mười, nên Ryan kết luận theo cơ sở xác suất thống kê rằng kể cả có bị tóm thì cũng vẫn còn rẻ chán.

Rạp Priya buổi tối quả là một thế giới khác biệt hoàn toàn so với đời sống phẳng lặng trong ký túc. Thiên hạ nườm nượp từng cặp, từng nhóm, từng gia đình, kéo nhau đi xem bộ phim nóng nhất mùa. Chúng tôi mua vé ngồi hàng đầu vì Alok không muốn chi quá nhiều tiền. Nhưng tôi nghĩ chắc mắt cậu ấy mù dở lắm rồi nên ngồi xa sẽ chả thấy được gì mất. Gì thì gì, chúng tôi sẽ xem phim khoa học viễn tưởng, vì Ryan chọn mà; cậu ấy lúc nào cũng chọn phim khoa học viễn tưởng. Tôi ghét phim khoa học viễn tưởng, nhưng có ai hỏi ý kiến tôi đâu? Bộ phim này lại có du hành thời gian, người máy, súng lazer, đủ thứ trình làng theo một kiểu chả buồn cười tí nào. Mới xem có mười phút mà nhân vật người hùng vai u thịt bắp đến thô thiển đã có một loạt cảnh xông pha rất chi là ngớ ngẩn, tôi chẳng buồn nhếch mép mà cười khẩy, thay vào đó chỉ ngáp ngắn ngáp dài.

“Chà!” Ryan thốt lên, đưa tay lên mặt khi thấy vai phản diện bắn từ túi ba lô ra một quả ngư lôi.

“Cậu xem cái thể loại phim này mà cũng thích được à?” tôi thì thào, chỉ để phá bĩnh.

“Mèn ơi, nhìn cái đống phụ tùng kia.”

“Toàn đồ giả. Viễn tưởng mà lị.”

“Ừ, nhưng sẽ có ngày người ta sẽ phát minh ra chúng chứ.”

“Du hành thời gian? Cậu thực sự nghĩ con người có thể du hành vượt thời gian?” Ryan quả là nực cười khi cậu ấy đang trong cơn hưng phấn.

“Suỵt nào, mấy gã nói giọng pha kia đã đủ khó nghe lắm rồi,” Alok nạt.

Khi quay về Kumaon lúc nửa đêm, chúng tôi đứa nào đứa nấy như bị châm lửa đốt mông, vì tất cả cư dân ký túc, từ Venkat đến Sukhwinder đang sấp ngửa chạy ngược xuôi với một chồng sách vở.

“Trắc nghiệm bất ngờ. Tin đồn khá chuẩn từ một đứa bên Cơ Ứng.” Ông Hớn Hở vừa giải thích vừa điên cuồng lật từng trang ghi chú, lần đầu tiên ông không hớn hở khi thấy chúng tôi.

Cơ Ứng là tên gọi tắt của Cơ khí Ứng dụng, và dân tình đồn rằng có đứa bên ký túc Nilgiri mới vào văn phòng thầy lúc chiều để nộp trễ bài giao về nhà. Ông thầy nhướng lông mày trái, buông một câu đầy sát khí “cậu cứ về ôn bài tiếp đi”. Thế là đủ gióng một hồi chuông báo động loan tin khắp khuôn viên như hỏa hoạn.

“Chết tiệt. Giờ lại phải ôn Cơ Ứng rồi. Lại mất thêm mấy tiềng đồng hồ,” Alok rầu rĩ.

“Mà vẫn còn bài tập Lý Lượng chưa làm xong,” tôi nhắc.

Thế là cả ba đứa chúi đầu trong phòng tôi ôn bài. Đến hai giờ sáng thì Alok lên tiếng. “Tớ đã bảo rồi, cái ý kiến đi xem phim quả là ngu ngốc.”

“Làm sao tớ biết trước được? Mà sao cậu tự dưng căng thẳng thế?” Ryan chạm tự ái.

“Không phải tự dưng. Mà là trường mình cho điểm theo thang tương đối, nên nếu ai cũng học mà riêng mình không học thì chết đứng à,” Alok nhấn mạnh vào mấy từ cuối khiến Ryan cũng phải chựng lại.

Đúng lúc này, một con chuột nhắt phóng ra từ gậm giường tôi.

“Có thấy gì không?” Ryan nói, hòng đánh trống lảng. Đoạn cậu ấy rút dép ra định phang cho con chuột một cú. Nhưng như có chiếc lược riêng, nó đã kịp thoăn thoắt lủi lại về dưới gậm giường.

“Ừ đấy, phòng tớ có chuột. Bọn oắt chết giẫm,” tôi nói, giọng gần như trìu mến.

“Cậu muốn tớ giết hết bọn nó không?” Ryan chào mời.

“Không dễ thế đâu. Bọn này lỏi và nhanh lắm,” tôi nói.

“Dám thách không?”

“Tôi lạy hai ông con giời, đừng đùa nữa. Tập trung học đi có được không?” Alok khoanh tay lại. Sao phải nghiêm trọng thế nhỉ, cái cậu này.

Ryan ngả người xuống ghế, xỏ dép lại, mở cuốn Cơ Ứng ra rồi hít một hơi thật sâu.

“Vâng thưa ngài, chúng ta hãy chong đèn dùi mài tiếp. Nếu không thì sao có thể trở thành những kỹ sư vĩ đại của đất nước vĩ đại này được,” Ryan thở dài giễu cợt.

“Im lặng được rồi đấy,” Alok nói, giờ đã vùi mặt vào cuốn sách.

Sau đó Ryan quả có im thật, tuy chốc chốc lại cúi người ngó xuống gậm giường. Tôi cược là cậu ấy muốn khử được ít nhất một chú, nhưng bọn gặm nhấm tinh ranh không chịu hó hé gì. Một tiếng sau, chúng tôi hoàn thành bài Lý Lượng, rồi tiếp tục ôn Cơ Ứng đến năm giờ sáng, cũng là lúc Ryan đã ngáy ro ro, tôi thì gù gật, còn ngay cả Alok cũng đã rung rung bờ mắt. Vẫn còn một phần ba giáo trình chưa ôn, nhưng vẫn cần phải chợp mắt. Hơn nữa, bài trắc nghiệm dù gì cũng chỉ là tin đồn, chúng tôi không thể biết chắc chắn nó sẽ diễn ra.

Nhưng tin đồn, đặc biệt là những tin xấu, luôn có cách hóa thành hiện thực. Ba mươi phút sau khi mở đầu tiết Cơ Ứng, giáo sư Sen khóa trái cửa lại rồi mở cặp táp ra. “Đến lúc vui vẻ rồi đây. Nào ta trắc nghiệm chớp nhoáng cái nhỉ,” thầy nói.

Tập bài thi được thầy phát xuống bàn đầu, rồi từ bàn đó lần lượt phát xuống cuối lớp. Cả lớp đã biết trước tin đồn rồi, nên bài kiểm tra này chỉ bất ngờ như tuyết rơi ở Siberia. Tôi nhận lấy bài thi và nhìn lướt qua câu hỏi. Hầu hết đều rơi vào những bài giảng gần đây nhất, đúng phần chúng tôi chưa kịp ôn.

“Chết cha. Bọn mình chưa kịp ôn gì từ câu năm trở đi,” tôi thì thầm với Alok.

“Chết cứng rồi. Thôi ít nhất cũng chết trong im lặng đi,” cậu ấy vừa đáp vừa cúi đầu xuống tư thế ‘dùi mài’ thường gặp, má trái cúi sát tờ giấy thi.

Hôm đó khi về đến ký túc, ba đứa chúng tôi không mảy may nói một lời nào về bài trắc nghiệm. Những đứa khác đều sôi nổi bàn luận về một số câu hỏi thầy cho ra ngoài phạm vi học. Hiển nhiên vì chưa ôn hết nên chúng tôi chẳng biết. Mà cũng không phải đợi lâu, chỉ hai ngày sau thầy đã phát kết quả cho cả lớp.

“Năm? Tớ chỉ trúng năm câu trên hai mươi,” tôi bảo Alok ngồi bên.

“Tớ trúng bảy. Chết tiệt, có bảy câu,” Alok đáp.

“Tớ trúng có ba. Được chưa? Một, hai, ba,” Ryan đưa ngón tay lên đếm.

Theo lệ, giáo sư Sen viết tổng kết điểm lên bảng.

Trung bình: 11/20

Cao: 17/20

Thấp: 3/20

Ông để yên đó vài phút rồi bước vào bài giảng mới về dầm chìa.

“Tớ thấp nhất lớp. Thấy không?” Ryan thì thào với tôi, chẳng đếm xỉa gì đến dầm với chìa. Tôi chẳng hiểu cảm xúc lúc này của cậu ấy ra sao. Mặc dù cố tỏ ra bình tĩnh và dửng dưng, tôi có thể thấy cậu ấy đang cố hết sức để tiêu hóa kết quả thi này. Cậu ấy đọc lại bài thi, điểm số vẫn không nhúc nhích.

Alok lại đang quay ở một quỹ đạo khác. Khuôn mặt cậu ấy chẳng khác gì hôm ra mắt đám khóa trên. Cậu ấy nhìn bài thi như nhìn cái chai Coke hôm ấy, một biểu cảm trộn lẫn lo lắng và ê chề. Những lúc như thế này Alok trở nên dễ tổn thương nhất, bạn chỉ cần lay nhẹ là cậu ấy sẽ khóc ngon lành. Nhưng lúc này đây, kết quả bài thi cũng đủ đáng kinh hãi lắm rồi.

Tôi nhìn xuống bài của mình. Thầy đã viết điểm số của tôi bằng những con số to tướng chẳng đếm xỉa gì ai, như bọn khinh đời hay vẽ bậy lên tường. Ừ thì tôi chẳng phải đẳng cấp Einstein, nhưng điều này chưa bao giờ xảy ra với tôi khi còn học cấp dưới. Điểm tôi là năm trên hai mươi, nghĩa là hai mươi lăm phần trăm; cả đời tôi chưa bao giờ bị cho điểm thấp hơn ba lần số điểm như thế. Ôi, bài thi đầu tiên ở IIT thật đau đớn quá.

Nhưng nhìn điểm của Ryan mà xem. Tôi tự hỏi không biết liệu cậu ấy học cả đêm hôm đó có đáng hay không. Tôi hơn cậu ấy hai điểm, à gượm nào, hơn cậu ấy sáu mươi sáu phần trăm, thôi điều này cũng an ủi phần nào. Cảm ơn trời vì sự khổ đau tương đối!

Alok có điểm cao nhất trong ba đứa, nhưng rõ ràng cậu ấy chẳng thấy nguôi ngoai khi hơn được chúng tôi. Cậu ấy nhìn bài thi, rồi lại nhìn điểm trung bình trên bảng. Tôi nhìn khuôn mặt cậu ấy nhăn nhó mỗi khi soát lại những câu trả lời sai của mình.

Chúng tôi cất bài thi vào cặp – chứng cứ cho phong độ bí bét của mình – rồi cuốc bộ về Kumaon, và gặp lại nhau trong bữa tối ở căng tin. Đồ ăn nhạt nhẽo như thường lệ, và Alok nhếch nhếch cái mũi tẹt trong khi uể oải múc một múc chất nhão xanh loét mà nhà ăn tập thể gọi là bhindi masala, rồi vẩy toẹt xuống đĩa. Đoạn cậu ấy quẳng hai cái bánh rôti vào cái đĩa inox và không để mắt tới những món sền sệt còn lại như dal, raita và pulao. Ryan và tôi lấy hết mỗi thứ một ít, dù chúng đều có vị như nhau, ít ra nhìn đĩa thức ăn còn có màu phong phú.

Rốt cuộc, Alok cũng lôi chủ đề bài trắc nghiệm lên bàn ăn.

“Thế nào, giờ thì các cậu không còn gì để nói à?”

Ryan và tôi nhìn nhau.

“Nói cái gì chứ?” tôi hỏi.

“Thì nói rằng mọi thứ chẳng khác gì đống phân,” Alok đáp.

“Đồ ăn á?” tôi cố tình nói, dù biết tỏng ý cậu ấy ám chỉ gì.

“Không ạ, chết tiệt! Không phải mớ đồ ăn chết tiệt,” Alok nói, “mà là bài thi Cơ Ứng.” Gương mặt cậu ấy chuyển từ vẻ bi đát thường thấy sang vẻ giận dữ nhìn có phần sinh động hơn. Tôi nhận thấy biểu cảm mới này có phần dễ nhìn và dễ xử lý hơn.

“Bài thi thì sao? Bọn mình chết cứng rồi còn gì. Ngã ngũ rồi còn gì để nói đâu?” Ryan đơn giản hóa.

“À thế à. Bọn mình chết cứng rồi đấy, chẳng còn nghi ngờ cái chết tiệt gì,” Alok nói.

Tôi nghĩ Alok đã dùng đi lại một từ quá nhiều lần đến mức mất hết cả hiệu ứng. Cậu ấy nói “chết tiệt” quá nhiều.

“Thế thì thôi đi. Chẳng gì thì cậu cũng có điểm cao nhất hội. Phải hài lòng chứ.”

“Hài lòng à? Ừ tớ hài lòng đấy. Điểm trung bình là mười một, và có đứa được tận mười bảy. Còn tớ thì tụt lại đây với điểm bảy chết tiệt. Ừ đấy, tớ hài lòng, hài lòng cái mông Kẻ hủy diệt chết tiệt của tớ ấy,” Alok nhạo báng.

Tôi đã nói rồi, Alok làm mất hết cả hiệu ứng của cái từ đó. Tôi muốn bảo cậu ấy rằng nên thôi dùng từ “chết tiệt” đi nhưng bụng lại bảo dạ rằng lúc này cậu ấy chỉ muốn văng cho sướng miệng.

“Cái gì? Cậu vừa nói cái gì?” Ryan buông thìa xuống hỏi. “Cậu vừa nhắc đến Kẻ hủy diệt à?”

“Ừ đấy. Thật là một ý kiến ngu ngốc. Ý kiến ngu ngốc chết tiệt của cậu đấy,” Alok nói.

Ryan cứng người, mắt nhìn Alok như thể cậu ấy nói tiếng nước ngoài, rồi quay sang tôi. “Cậu nghe cậu ấy nói gì không? Hari, cậu nghe không? Mèn ơi, không thể tin được.”

Tai tôi không điếc, tôi nghe rõ Alok vừa nói gì, có điều tôi chả để ý vì chỉ chăm chăm đếm xem có bao nhiêu từ “chết tiệt”.

“Hari, cậu có nghĩ rằng tớ đã làm hỏng bài trắc nghiệm không?” Ryan hỏi chậm rãi.

Tôi lần lượt nhìn Alok rồi Ryan.

“Ryan, cậu được có ba điểm. Bộ chưa đủ rõ hay sao mà còn hỏi tớ?” tôi hỏi ngược lại, cố hòa giải một sự việc mình chưa kịp nắm rõ.

“Không. Ý tớ là Alok bảo tớ đã làm hỏng bài trắc nghiệm của cả hai người bọn cậu vì tớ đã rủ bọn cậu đi xem phim. Cậu có đồng ý không hay là…?”

“Tớ có nói thế đâu…” Alok chen vào, bất chấp Ryan giơ tay lên ra hiệu im lặng.

Giờ thì tôi hiểu câu hỏi của Ryan, nhưng tôi chưa biết nên trả lời sao để không phải mang tiếng là theo phe nào.

“Nhưng điều đó thì liên quan gì…”

“Không, Hari, cậu nói xem. Bạn chí cốt với nhau mà nói được những câu như vậy sao?” Ryan vặn.

“Việc ấy không quan trọng. Và hơn nữa, có phải cậu ép buộc bọn tớ đi xem cái phim dở toẹt ấy đâu,” tôi đáp, lòng tự nhủ sẽ không bao giờ xem một bộ phim khoa học viễn tưởng nào nữa.

Ryan thỏa mãn với câu trả lời này. Cậu ấy buông bàn tay xuống và nhoẻn cười, “Đấy thấy chưa.”

“Nhưng Alok cũng có phần đúng. Lẽ ra bọn mình vui cũng phải có giới hạn. Đi đêm cho lắm thế nào chẳng gặp ma – bài trắc nghiệm là chứng cứ rành rành đấy thôi.”

“Cảm ơn ngài,” Alok nói, “Ý tớ đích xác là như thế đấy.”

Tốt rồi, lần này tôi đã thoát hiểm. Đôi khi ta chỉ cần diễn giải lại lời nói của đôi bên là tự dưng sẽ trở thành người hòa giải thành công.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện