Chương 4: Vạch ranh giới

Ở ngay giữa học kỳ đầu, Ryan đột nhiên hô biến ra một chiếc xế nổ. Bố mẹ cậu ấy gửi cho một tấm séc đô la coi như quà Giáng sinh, vì bằng hữu họ ở châu Âu ai cũng đều làm vậy. Ryan không theo đạo Công giáo và cũng chả quan tâm cóc gì đến Giáng sinh, nhưng cậu mê tơi tờ séc và đi rút tiền ngay; và thế là úm ba la chiếc xe ra đời – một chiếc Kinetic Honda sơn màu lam kim khí đẹp lung linh.

Khi Ryan mang xe về Kumaon, tất cả bọn sinh viên đều túm tụm vây quanh trầm trồ, nhưng chỉ có Alok và tôi được phép đặt mông lên cưỡi. Xe chỉ dành cho hai người, nhưng Ryan cứ kẹp ba phóng lên giảng đường, xuống căng tin và thỉnh thoảng đi xem những bộ phim như Kẻ hủy diệt, khiến cả thế giới phải ghen tị nhìn theo, tội nghiệp cho chiếc xe phải oằn mình rên lên dưới sức nặng của cả ba cộng lại.

Trong khi đó, sự học ngày càng trở nên vất vả. Những vị giáo sư cứ thế mà ép, còn đám sinh viên vốn đã oằn lưng cứ thế mà oằn lưng để đặt điểm trên trung bình, và do đó cứ đẩy điểm trung bình ngày một cao. Chúng tôi vẫn học cùng nhau, nhưng mục tiêu tập trung học đã bị rã đám. Cả ba cố lên được trung bình trong một vài bài tập, nhưng vẫn lẹt đẹt môn vật lý.

Một đêm nọ Alok nhận được cú điện thoại mẹ gọi từ nhà. Bố cậu ấy bị lên cơn co giật hay sao đó, và phải được đưa vào bệnh viện ngay lập tức. Mẹ Alok chưa từng làm chuyện này một mình bao giờ, và nghe giọng bà hoảng loạn đến mức cũng nên cho đi cấp cứu luôn.

Tin đồn về một bài trắc nghiệm vật lý đang lan khắp ký túc, nhưng Alok không còn lựa chọn nào khác. Ryan ngỏ ý cho mượn xe, nhưng Alok có lái được bằng giời. Thế là Ryan cũng phải đi. Còn tôi chẳng muốn ở một mình nên cũng bám theo luôn.

Đó là lần đầu tôi được tới nhà Alok. Tôi đã kể với các bạn rằng nhà cậu ấy thuộc dạng nghèo, dù không đến nỗi đói rã họng như trong quảng cáo của Ngân hàng Thế giới, nhưng đúng là gia đình cậu ấy chỉ sở hữu những đồ tối cần thiết cho sinh hoạt. Có đèn nhưng đèn không có chao, có phòng khách nhưng phòng không có đi văng, có ti vi nhưng ti vi không có màu. Phòng khách cũng là chỗ nằm của bố Alok, cả ngày chỉ tự giải trí với một trong hai kênh truyền hình, lúc chúng tôi tới thì ông đã gần như bất tỉnh. Mẹ Alok đã đợi sẵn, tay mân mê vạt áo sa-ri gạt nước mắt.

“Alok, con trai ơi, con nhìn xem đã xảy ra nông nỗi nào đúng lúc con vắng nhà cơ chứ,” bà mếu máo với một giọng thống thiết khiến Hitler chắc cũng phải sụt sùi. Mèn ơi, Alok thừa hưởng cái gene rền rĩ từ đây ra chứ đâu. Tôi vẫy một chiếc xe lam, rồi Ryan và Alok khiêng bệnh nhân lên. Chúng tôi đi thẳng vào viện, đăng ký rồi đợi cho tới khi có một bác sĩ – một vị đủ xui xẻo khi phải làm việc ở một bệnh viện công miễn phí lúc nào cũng quá tải – khám cho bố Alok. Khi chúng tôi quay lại Kumaon thì đồng hồ đã điểm ba giờ sáng, cả ba đứa đều rã rời và nhộn nhạo vì mùi bệnh viện.

Tất nhiên, bạn có thể tưởng tượng ra điều gì đã xảy ra vào ngày hôm sau, bài trắc nghiệm vật lý chứ còn gì nữa, và chúng tôi chết gí tại trận. Chúng tôi chỉ đạt hai điểm trên hai mươi, hay đại loại tầm tầm đó. Alok cố xin thầy cho thi lại, nhưng bị ông trợn trừng mắt lên như thể vừa bị hỏi xin hiến tặng cả hai quả thận.

Bài thi đó đã khiến Alok xụi lơ phần nào. Giờ đây cậu ấy cũng ít nghiêm nghị hơn mỗi khi Ryan phá bĩnh giờ ôn bài chung.

“Tớ nói cho các cậu hay, cả cái hệ thống IIT này đều be bét hết,” Ryan tuyên bố.

“Lại tới lúc chém gió rồi đó,” tôi đảo mắt. Ba đứa đang ngồi trong phòng tôi.

Tôi cứ ngỡ Alok sẽ mặc kệ Ryan, nhưng lần này cậu ấy lại khơi gợi ra. “Tại sao?”

“Bởi vì, các cậu cứ thử đếm xem có bao nhiêu nhà kỹ sư hoặc nhà khoa học lỗi lạc đã chui ra từ cái trường này?”

“Ý cậu là gì? Đã có nhiều CEO và doanh nhân thành đạt học từ đây ra đấy thôi,” tôi cắt ngang, một sai lầm vì Ryan vẫn chưa nói hết.

“Ý tớ là trường này mang tiếng là trường đại học tốt nhất Ấn Độ, là học viện kỹ thuật số một của đất nước tỉ dân. Nhưng IIT đã bao giờ phát minh ra được bất ký thứ gì chưa? Đã có bất kỳ đóng góp gì cho nền kỹ thuật nước nhà?”

“Không phải nó đã đóng góp bằng cách đang đào tạo các kỹ sư sao?” Alok đóng cộp cuốn sách lại. Tôi biết ngay rằng một khi Alok không bắt chúng tôi vào khuôn khổ, thì cả ngày hôm đó cả ba sẽ chẳng học thêm một chữ nào nữa. Tôi đề nghị cả nhóm bỏ qua bữa ăn ở căng tin để đi ăn parantha ở quán ông Sasi. Cả hai đồng ý.

Ryan tiếp tục ngâm nga. “Hơn ba chục năm phát triển của IIT, thế mà chỉ làm được mỗi việc đào tạo ra mấy đứa lỏi con cắm mặt làm việc cho đám tập đoàn đa quốc gia. Cứ nhìn vào MIT ở Mỹ mà xem đi.”

“Đây có phải Mỹ đâu,” tôi nói, ra hiệu cho mấy nhóc phục vụ ở Sasi mang ra ba đĩa parantha. “MIT có ngân quỹ hàng triệu đô mà.”

“Với lại, ai quan tâm làm gì, tớ chỉ muốn lấy được cái bằng rồi kiếm một việc ngon thôi,” Alok nói.

Sasi là một quán cóc xập xệ, mở chui ở ngay vỉa hè ngoài cổng ký túc. Chỉ với mấy tấm vải bạt và ghế đẩu, thực đơn ngoài trời gồm có parantha, trà chanh và thuốc lá. Với giá chỉ hai rupee, món parantha bơ quả là một món hời, ngay cả với sinh viên. Ông chủ Sasi biết tỏng chất lượng đồ ăn trong căng tin nên chộp ngay lấy lượng khách béo bở, hằng ngày mỗi ký túc cũng phải có vài tá sinh viên ra đây ngồi. Chúng tôi gọi ba đĩa parantha, và cục bơ to oạch nằm trên xấp bánh tan chảy ra một mùi hương quyến rũ.

“Thấy chưa, có phải lúc nào tiền cũng là yếu tố quyết định đâu,” Ryan vẩy tàn thuốc lá. “Ừ thì IIT không làm nghiên cứu vũ trụ được, nhưng rõ ràng có thể làm ra những thứ rẻ hơn chứ? Mà nói thẳng ra, thiếu tiền chỉ là cái cớ. Nếu có tiềm năng thật, thì thị trường sẽ đầu tư vào những hành động nghiên cứu ở IIT ngay chứ.”

“Thế thì vấn đề nằm ở chỗ quái nào?” Tôi bắt đầu khó chịu. Tôi thực sự muốn Ryan ngậm miệng lại, nhất là khi đồ ăn đang bày trước mặt. Ý tôi là, nếu cậu ấy không muốn học thì thôi, nhưng đừng có thuyết giảng bạn bè, chẳng tốt cho tiêu hóa chút nào.

“Vấn đề là ở cái hệ thống ấy,” Ryan cáo buộc chắc nịch, như một nghị sĩ địa phương. Khi nào mắc phải vấn đề gì là cứ đổ lỗi cho cả cái hệ thống chết tiệt.

Nhưng cậu ấy chưa nói xong. “Cái hệ thống tính điểm theo thang tương đối và vắt học sinh cho sức tàn lực kiệt. Ý tớ là, những năm tươi đẹp nhất tuổi trẻ thế là đi tong còn gì. Nhưng còn một thứ nữa cũng đi tong nốt. Còn đâu khả năng tư duy độc lập? Còn đâu thời gian để sáng tạo? Thật bất công.”

“Bất công ở chỗ nào? Miễn giúp kiếm được việc là tớ thở phào,” Alok nhún vai, đang giải lao sau khi vừa ngấu nghiến khẩu phần của mình.

“Ái chà, có vần có điệu gớm,” tôi nói.

“Đấy chính cái thái độ của các cậu cũng lại là một vấn đề nữa đấy. Có nói thêm sâu các cậu cũng chả hiểu đâu, thôi quên đi,” Ryan nói.

“Ơ câu này cũng vần,” tôi nói, rồi cả Alok và tôi bật cười khúc khích. Tôi biết tôi đang chọc cho Ryan tức điên, nhưng tôi thực sự muốn cậu ấy im lặng hoặc chuyển chủ đề. Cái đồ đại lãn ấy chỉ tìm đủ mọi cớ để không phải học thôi.

“Mặc xác các cậu,” Ryan ra dấu, rồi cắm đầu xuống đĩa đồ ăn.

“Gì thì gì,” tôi lên tiếng, “cuối tuần này lịch trình sao nhỉ?”

“Chả có gì, sao?” Alok ngước lên.

“Thì giờ ta đã có con xế nổ.”

Ryan im lặng.

“Nào, đừng có hờn dỗi như con gái chứ.” Tôi huých vào khuỷu tay cậu ấy cho tới khi cậu ấy buộc phải cười phá lên.

“Được rồi, đi thì đi, đồ đần. Connaught Place à?”

“Tại sao?” Alok hỏi lại.

“À thì ở đó có một quán ven đường bán món gà bơ ngon hết sảy, sau đó mình có thể đi xem một bộ phim Hindi. Rồi lượn loanh quanh ngắm gái ở khu chợ.” Hai mắt Ryan tóe lên vẻ dâm đãng quá lố.

“Nghe được đấy,” tôi nói, nghe đến gái gú là lại nghĩ tới Neha. Từ hôm đó tôi chưa gặp lại cô ấy, có khi phải đi chạy bộ lại thôi.

“Alok, cậu cũng tham gia chứ hả? Hay sẽ lại cày bừa cả ngày?”

“Ừm… Vẫn còn bài tập Cơ Ứng… Mà thôi, kệ đời nói… Rồi, tớ cũng chơi luôn,” Alok đầu hàng.

Cuối tuần đó chúng tôi vi vu ở Connaught Place và chơi vui tá lả. Bộ phim đúng kiểu phim Hindi điển hình – chàng trai gặp cô gái, chàng thì nghèo và chân chất, bố của nàng thì giàu và mánh khóe. Tuy nhiên, diễn viên nữ chính là người mới và thiết tha được làm hài lòng khán giả, nên nàng có thật nhiều cảnh tắm mưa, bận váy ngắn cũn chơi tennis, và mặc áo voan mỏng nhảy disco. Và vì tất cả những thú vui của nàng đều đòi hỏi nàng phải mặc thật ít hoặc mặc đồ trong suốt, đám khán giả đều mê mẩn nàng. Ông bố của nàng suýt thì giết mất chàng trai dám tán tỉnh cô con gái nóng bỏng của mình, nhưng cuối cùng thì ngọn lửa tình yêu và tình dục của người hùng vẫn cháy phừng phừng. Người hùng này chẳng có bài tập chết tiệt nào để nộp và chẳng có ông giáo sư kỳ quái nào phun lửa sau gáy mình cả. Tôi công nhận những bộ phim Hindi này đều nhố nhăng cả, nhưng đúng là chúng có khả năng đặc biệt khiến bạn quên bặt đi cái sự nhố nhăng trong đời thực.

Sau khi xem phim thì đến bữa trưa. Quán ven đường này quả tuyệt thật, vì Ryan chẳng bao giờ nói sai về những chủ đề này. Cậu ấy gọi món cho cả bọn, như vẫn thường xuyên làm. Và cậu ấy gọi rất mạnh tay – từ gà rút xương phết bơ đến xúp đậu, rồi parantha và xốt sữa chua. Cậu ấm con cưng thậm chí còn gọi ba lon Coke giá trên trời, ý tôi là, có đứa sinh viên nào lại đi uống Coke ở nhà hàng cơ chứ? Nhưng dù sao thì bữa trưa vẫn rất tuyệt, với một dàn máy phì phì phun hơi nước xuống mặt chúng tôi và giữ cho không gian được mát mẻ.

Tay xé miếng gà rôti như một đứa trẻ thiếu đói được Unicef bảo trợ, Alok trở nên mau miệng hẳn. “Mèn ơi ngon quá đi mất, cái món gà ở đây thật bá cháy.”

“Thế thì, Béo này, thử phát biểu xem hôm nay như thế đã đủ vui chưa?” Ryan hỏi.

“Ừ hứ,” Alok đáp, miệng nhồm nhoàm thức ăn, nhưng ý muốn nói là đủ rồi.

“Thế thì nói xem, thế quái nào mà cậu lại muốn tự giết mình bằng sách vở?”

“Ơ kìa, đừng có bắt đầu cãi nhau nữa đấy nhé,” tôi rên rỉ. Từ sáng đến giờ tôi đang đà vui, nhưng phải chứng kiến hai con gà chọi này đá nhau thì quả thật mất hứng.

“Có ai cãi nhau đâu,” Ryan quay sang nói với một giọng điệu nghe như muốn cãi nhau với tôi. Rồi cậu ấy hít một hơi sâu: “Được rồi, nghe tớ nói này. Tớ đã suy nghĩ nhiều rồi.”

Ôi, đừng, xin hãy tha cho chúng tớ, tôi nghĩ. Nhưng đã quá muộn.

“Các cậu ạ, đây đúng là những năm tháng tươi đẹp nhất đời mình. Quả thế còn gì. Đặc biệt là với những người như Alok.”

“Hả, sao lại đặc biệt với tớ?” Alok trợn trừng, miệng đang nhấm dở một quả ớt từ bát gỏi trộn.

“Xem kia, hai con ngươi tóe cả amino acid ra rồi,” tôi trêu, khi cậu ấy ho sặc sụa vì vị cay nồng.

“Bởi vì,” Ryan nói với Alok, “hãy nhìn cuộc sống của cậu trước kia xem. Ý tớ là, tớ biết cậu rất yêu bố cậu và mọi thứ. Nhưng đấy, hai năm rồi cậu chỉ toàn quanh quẩn chăm nom ông và chúi đầu vào học. Và sau khi tốt nghiệp, chắc hẳn cậu sẽ lại phải về sống với gia đình đúng không?”

“Tớ sẽ kiếm việc ở Delhi,” Alok gật đầu, lúc này đã nghiêm trang hơn một chút, mặc dù trong đầu cậu ấy vẫn lởn vởn miếng thịt gà.

“Chính xác, nghĩa là lại quay trở lại với một loạt trách nhiệm y như cũ. Ý tớ là, cậu sẽ kiếm ra tiền này nọ, và có thể sẽ thuê được giúp việc. Nhưng xét kỹ ra, cậu còn có cơ hội để được vui vẻ thế này hay không?”

“Tớ yêu bố mẹ tớ Ryan à, nên đó không được tính là trách nhiệm,” Alok nói rồi ngừng ăn. Mèn ơi, đụng chạm tự ái rồi. Thường thì có chết Béo cũng chẳng rời miếng ăn cơ mà.

“Đương nhiên cậu yêu bố mẹ cậu rồi,” Ryan phẩy tay. “Ý tớ là, tớ hiểu chứ, mặc dù tớ chả yêu bố mẹ tớ.”

“Hả?” tôi thốt lên, dù tôi đã không muốn tham gia vào cuộc tranh luận này.

“Tớ nói là tớ không yêu bố mẹ tớ. Bộ nghiêm trọng lắm hay sao?”

Alok nhướn mày nhìn tôi. Ý tôi là, nếu Alok có thể yêu được bố mình, người đang sống không khác gì thực vật với đôi mắt người, thì làm sao cậu oe con này lại không yêu được bố mẹ mình cơ chứ? Và bố mẹ cậu ấy cũng tốt nữa, chu cấp đủ mọi thứ cho cậu ấy – con xe xanh, quần áo hiệu GAP và tiền mua Coke uống trong nhà hàng. Bố mẹ cậu ấy đã làm việc cật lực cả đời, khởi nghiệp bằng việc bán bình hoa với hai người thợ, và rồi đôn đáo khắp Ấn Độ để tạo dựng thương hiệu cho tới tận hai năm về trước, khi họ ra nước ngoài. Tuy họ chưa kiếm bộn tiền, nhưng ít ra họ cũng muốn cho cậu con cưng của mình được vui vẻ, cái cậu con giời, đầu lợn, đẹp trai đến vô lý, mà lại không yêu thương gì mình!

“Đồ chết giẫm,” tôi mắng.

“Cậu chết giẫm thì có! Cậu chả nghe gì tớ nói cả,” Ryan nói.

Thế đấy, cậu ấy nói tôi thế, trong khi tôi mới là đứa nghe cậu ấy lải bải cả ngày.

“Tại sao?” Alok quay lại với đĩa đồ ăn.

“Tớ cũng chẳng biết tại sao. Ý tớ là, từ sáu tuổi tớ đã ở trường nội trú. Đương nhiên, như mọi đứa trẻ khác, tớ ghét lắm, và khóc tru tréo lên khi bố mẹ để tớ ở lại. Nhưng rồi, chính trường nội trú lại là nơi tớ đạt được tất cả. Tớ đạt điểm cao, chơi thể thao cừ, học cách chơi vui, sống hết mình và kết bạn tốt. Và thế là, đâu đó trong quãng hành trình, tớ không còn nhớ bố mẹ nữa. Như kiểu trưởng thành vượt ra khỏi cái vỏ bọc gia đình ấy. Ừ thì tớ vẫn gặp họ mỗi dịp nghỉ hè, và họ gửi thư, gửi tiền và đủ mọi thứ cho tớ, nhưng…”

“Nhưng sao?”

“Nhưng tớ không nhớ họ.”

“Thế cậu không thấy có lỗi gì hết à?” Alok xỉa răng.

“Không, lỗi quái gì. Ý tớ là, với tớ bạn bè là tất cả, bạn bè là gia đình tớ. Bố mẹ là người tốt, nhưng tớ không yêu họ như yêu bạn bè. Ý tớ là. Tớ không yêu họ, nhưng tớ yêu các bạn tớ.”

“Nghĩa là cậu yêu chúng tớ hả Ryan? Tớ yêu cậu lắm.” Alok nói bằng giọng mái; rõ ràng cậu ấy đã căng bụng rồi, bằng chứng là tâm trạng dễ chịu của cậu ấy sau mỗi khi thỏa mãn cơn ngấu nghiến.

“Vớ vẩn nào, Béo, yêu cái mông tớ ấy,” Ryan nói, và một vài người quay lại nhìn chúng tôi.

Tuy nhiên, Ryan lại quay lại với học thuyết hồi nãy của mình. “Gì thì gì, điều tớ muốn nói là, đây là những năm tươi đẹp nhất của ta. Thế nên hoặc là ta cày bừa cho đến chết khô, hoặc là cho cái hệ thống giáo dục này biết tay.”

“Thế nói một cách chính xác thì làm sao để cho cái hệ thống biết tay?” tôi chất vấn.

“Ý tớ là, không phải hoàn toàn ngừng cày bừa mà là phải vạch ra ranh giới rõ ràng. Chúng mình có thể học hai, ba tiếng mỗi ngày, nhưng thời gian còn lại phải dành cho việc khác, như thể thao chẳng hạn, các cậu đã bao giờ chơi bóng quần chưa? Hoặc đi tham gia sự kiện – các buổi hùng biện hay thi sắp chữ chẳng hạn, hay xem một bộ phim quái đản, vân vân và vân vân. Có vô vàn trò có thể làm ở trường.”

“Ừ nhưng có mấy đứa tham gia đâu. Những đứa ấy cũng toàn là bọn có GPA lẹt đẹt,” Alok nói.

“Này, tớ có bảo mình ngừng học hoàn toàn đâu. Mình chỉ vạch ra ranh giới thôi. Ban ngày đi học, rồi ba tiếng ôn bài mỗi ngày, còn lại là thời gian riêng của mình. Hãy cứ thử xem, một học kỳ thôi. Công bằng chứ? Một kiểu phân tán hóa giáo dục.”

Alok và tôi quay sang nhìn nhau. Ryan nói cũng có lý. Nếu tôi không chơi bóng quần ở đại học thì chắc cả đời cũng chẳng có cơ hội chơi đâu. Nếu tôi không tham gia thi sắp chữ, thì khi có công ăn việc làm rồi cũng chẳng chơi được.

“Tớ có thể thử,” tôi nói, để đồng ý với Ryan là chính. Không thì cậu ấy sẽ chẳng chịu dừng mất.

“Ba tiếng làm sao mà đủ.” Alok nghi ngờ.

“Được rồi, ba tiếng rưỡi dành cho siêu nhân cày bừa,” Ryan nói. “Được chưa nào?”

Alok đồng ý, nhưng với giọng lí nhí, nghe như tiếng con gà cậu ấy vừa chén đang nói vọng ra từ bụng.

Ryan sung sướng như người trên mây, và cậu ấy đèo chúng tôi về Kumaon với tốc độ khiến cho cảnh sát giao thông cũng phải chóng mặt. Chẳng ai bắt chúng tôi phải dừng lại, mà nói đúng hơn, chúng tôi chẳng chịu dừng. Tôi đưa bàn chân ra sau che biển số xe, để mấy anh cớm khỏi ghi lại. Xét cho cùng, đây là một dịp ăn mừng chúng tôi đã vạch ra được ranh giới rõ ràng.

Trong khoảng thời gian đó, tôi tình cờ chạm trán Neha ở quầy sách trường. Từ khi bị cô ấy đâm phải, chúng tôi chưa gặp lại nhau, và chuyện đó chẳng phải lỗi của ai. Lý do chính là kế hoạch chạy bộ bị phá sản hoàn toàn. Ngay cả khi đó là cơ hội để gặp lại Neha, tôi cũng chẳng thể lôi mình ra khỏi giường. Tôi quả có cố gắng được một lần, nhưng tôi ngủ dậy muộn và chẳng nhìn thấy xe cô ấy đâu. Từ đó trở đi, động lực trong tôi giảm hẳn, và Ryan đầu hàng không gọi tôi dậy được nữa. Cậu ấy chẳng còn lựa chọn nào khác, vì tôi đã dọa sẽ rút khỏi kế hoạch vạch-ranh-giới của cậu ấy. Thế nên, tôi muốn nói rằng, được gặp lại Neha một lần nữa quả là một sự bất ngờ dễ chịu.

“Xin chào,” tôi đưa tay lên vẫy.

Cô ấy nhìn tôi, rồi cứ nhìn chằm chằm, gương mặt không chút biểu cảm. Cô ấy tỏ vẻ như không hề nhận ra tôi. Rồi cô ấy tiếp tục lật những cuốn sổ vừa mua. Điều này quả là địa ngục, ý tôi là, nếu bạn ở nơi công cộng và “xin chào” một cô gái đầy hồ hởi, chỉ để bị dội một gáo nước lạnh “Chúng ta quen nhau hồi nào nhỉ?”

Bà chủ quầy nhìn tôi, mấy khách hàng khác cũng nhìn tôi, và tôi thấy mình như một sinh vật hạ đẳng, nhưng tôi vẫn cố thêm lần nữa. Chỉ mới vài tuần trước đây thôi chứ đâu, cô ấy còn ra chiều hết sức cảm thông và thân thiện, nên có thể cô ấy chỉ chưa kịp nhận ra tôi là ai thôi.

“Neha, là tôi đây mà! Còn nhớ tai nạn xe hơi buổi sớm chứ?” tôi nói.

“Xin lỗi,” cô ấy bực dọc nói rồi bước khỏi hiệu sách.

Lần này bà chủ quầy nhìn tôi như nhìn một kẻ quấy rối tình dục mãn tính. Cái cô kia đã tông phải tôi rồi cho tôi đi nhờ đấy, tôi chỉ muốn hét lên như thế, dù trong tay vẫn cầm vài chiếc bút chì và mấy tờ giấy đơn. Ừ thì tôi không ưa nhìn cho lắm, và chỉ lý do này là quá đủ để phớt lờ tôi nơi công cộng, vì tôi đoán chắc hẳn việc đánh bạn với người xấu xí sẽ làm ảnh hưởng tới hình ảnh của bạn hay sao đó. Khi còn đi học phổ thông, tôi cũng thường bị cho ra rìa, nên điều này không khiến tôi quá sốc. Những gì xảy ra với tôi khi đó, tôi thậm chí cũng chẳng muốn nhắc tới, nhưng tôi cảm thấy hơi kỳ quái. Tôi chẳng biết nữa, Neha có vẻ không giống kiểu con gái như vậy.

Tôi nhanh chóng rảo bước khỏi hiệu sách để trốn khỏi nỗi xấu hổ. Tôi thấy nhục quá. Ý tôi là, ít ra cô ấy cũng nên nói “chào” một tiếng chứ. Tôi biết mình béo ú, và nếu tôi là con gái thì tôi cũng chẳng bắt chuyện với mình. Khi đang đi bộ trên một lối mòn nối từ hiệu sách về ký túc, tôi thấy có ai gõ nhẹ lên vai. Tôi quay người lại, và bạn đoán xem là ai nào?

“Xin chào,” Neha nói.

Xéo xuống địa ngục đi, là phản xạ tức thời trong đầu tôi. Nhưng tôi quay lại nhìn và chết tiệt, cô ấy xinh quá. Và cái má lúm đồng tiền nhỏ xíu trên má phải cứ lấp ló mỗi lần cô ấy mỉm cười… Giờ thì thử nói “xéo xuống địa ngục đi” xem nào!

“Xin chào. Neha, đúng không?” lần này tôi nói thật chậm rãi và cẩn trọng.

“Tất nhiên rồi. Này, tôi hết hết sức, hết sức, hết sức xin lỗi, ban nãy tôi không đáp lời anh tử tế. Tôi có lý do riêng,” cô ấy tiết lộ.

Này, con gái cứ hay như vậy nhỉ, họ cứ nghĩ rằng lặp lại một trạng từ thật nhiều lần sẽ khiến nó trở nên hiệu quả hơn; ba lần “hết sức” nghĩa là một lời xin lỗi thật lòng.

“Lý do gì cơ?” tôi hỏi.

“Chỉ là, ý tôi là… Thôi quên nó đi được không?”

“Không, nói cho tôi nghe xem nào?” tôi khăng khăng.

“Bà chủ quầy quen bố con tôi đã mười năm nay rồi, và hai người thường xuyên nói chuyện với nhau.”

“Thế thì sao?”

“Bố tôi rất nghiêm khắc trong việc tôi nói chuyện với con trai, và ông ấy sẽ nổi cơn tam bành nếu biết được tôi đánh bạn với một cậu sinh viên.”

“Thật á? Chỉ chào thôi cũng không được?”

“Ông ấy là thế đó. Và những lời đồn đoán trong trường lúc nào cũng được phóng đại lên. Thế nên, tôi xin lỗi.”

Cô ấy có chút nực cười, tôi nghĩ, nhưng tôi cũng hiểu vì sao cô ấy lại nói vậy. Có những cô gái có ông bố rất nhạy cảm, và trong ngôi trường có hơn một nghìn sinh viên nam với lượng hoóc môn tỉ lệ thuận, ông ấy hoàn toàn có lý do để lo lắng.

“Thế thì tôi cũng sẽ chẳng có cách nào được nói chuyện với cô rồi?”

“Được chứ, miễn là không ở trong trường.”

“Nhưng bọn mình sống ở đây!”

“Đúng vậy, nhưng bên ngoài còn có cả thế giới kia mà. Mình có thể gặp nhau ở chợ Hauz Khas. Anh có thích ăn kem không?”

Từ chối một cô gái xinh xắn hoặc một cây kem đã là chuyện khó rồi, nhưng khi cả hai đi cùng nhau thì đó là nhiệm vụ bất khả thi. Tôi đồng ý, và cô ấy bảo tôi ra ngoài khuôn viên trường, đi bộ qua hai dãy nhà tới một quán kem. Cô ấy sẽ đi theo sau, nhưng cách tôi năm phút.

Đi một mình như vậy quả rất kỳ, và tôi cứ nghĩ nhỡ cô ấy không xuất hiện thì trông mình hẳn ngốc nghếch lắm nếu cứ dán mắt vào quán kem. Ít ra thì tôi sẽ vẫn được ăn kem. Đồ ăn lúc này cũng ngon lành gần bằng con gái.

Nhưng Neha tới thật, và khi ngồi trong tiệm kem Cadbury, cô ấy lột xác thành một con người khác hẳn.

“Thế nào, Ngài Chạy Bộ, từ hôm đó đến giờ anh mất tăm mất tích. Tôi làm anh sợ quá à?” Cô ấy bắt đầu khúc khích. Bọn con gái toàn như thế, cứ tự nói những câu buồn cười nửa vời rồi tự cười một mình.

“Không, chỉ là tôi ngại dậy sớm quá thôi.”

“Thế mà tôi lại cứ mong được gặp anh cơ đấy,” cô thú nhận.

“Phải rồi, cứ nhìn vào lần gặp rồi trong hiệu sách là đủ biết.”

“Tôi đã bảo là tôi xin lỗi rồi cơ mà Hari,” cô chạm vào tay tôi giống như lần trước. Tôi thấy rộn ràng, ý tôi là, đứa con trai nào chả thế. Được một cô nàng xinh xắn tươi cười xin lỗi và chạm vào cánh tay mình thì hơn đứt cả ăn kem rồi còn gì.

Ở Delhi có hai kiểu gái xinh. Một là kiểu hiện đại, cắt tóc ngắn, mặc quần bò hoặc váy ngắn, đeo khuyên tai nhỏ xíu. Hai là kiểu truyền thống đóng bộ salwar-kameez cổ truyền, đính cườm nhiều màu giữa trán và đeo khuyên tai lớn. Neha thiên về kiểu thứ hai nhiều hơn, hôm nay cô diện bộ váy dài thêu tay kiểu chikan màu lam nhạt, đi với khuyên tai cùng màu. Nhưng cô không phải là típ truyền thống miễn cưỡng, như kiểu những cô nàng béo phì không còn lựa chọn nào khác ngoài những bộ đồ Ấn truyền thống. Neha nhìn khá cân đối, thực ra là quá tầm với của tôi, với mái tóc nâu nhạt xõa dài, trừ một lọn xoăn buông trước trán. Gương mặt cô tròn trịa, nét tròn đầy đặn tự nhiên chứ không phải vì béo. Tôi mải ngắm cô đến quên cả ly kem dâu đang chảy.

“Ta lại làm bạn chứ?”

“Chắc thế. Cô biết không, lúc cô lờ tôi đi, tôi cứ nghĩ là tại cô không thích con người tôi.”

“Con người anh làm sao?”

“Thôi bỏ qua đi,” tôi nói.

Rồi tôi kể cho Neha nghe về kế hoạch học hành não thỏ của chúng tôi.

“Ba tiếng đồng hồ? Phải nói là hơi bị dũng cảm đấy. Tôi nghĩ có khi các anh đã đánh giá thấp niềm đam mê giao bài tập của các ông thầy,” cô vét nốt ly kem.

Tôi nhún vai. “Mà thôi, giờ tới lượt cô kể chuyện mình đi. Cô đang học lái xe à?”

“Vâng, tôi còn lấy được cả bằng rồi cơ,” cô líu lo khoe rồi mở túi cho tôi xem. Cả triệu thứ được lôi ra – nào son môi, son dưỡng môi, kem thoa, cườm trán, khuyên tai, bút, gương, giấy ướt và nhiều thứ lặt vặt khác. Nhưng cuối cùng cô cũng tìm thấy thứ cần tìm.

“Chà. Neha Samir Cherian, nữ, 18 tuổi,” tôi đọc to.

“Này thôi đi chứ. Ai lại đi để ý tuổi phụ nữ thế bao giờ.”

“Đấy là chỉ với những bà già sáu mươi thôi, cô vẫn còn trẻ.” Tôi trả lại tấm thẻ.

“Trẻ thì trẻ chứ, tôi thích con trai ga lăng,” cô vừa nói vừa lần lượt xếp lại một triệu thứ vào túi.

Tôi không rõ cô nói vậy là có ý gì. Có phải cô gợi ý cho tôi biết kiểu con trai cô thích, hay cô muốn tôi làm theo kiểu con trai cô thích, hay liệu cô có thích tôi? Ai mà biết được? Giải mã phụ nữ còn khó hơn đứng đầu bài kiểm tra Quá Sản.

“Samir là tên con trai chứ nhỉ?”

“Là tên anh trai tôi đấy, tôi quyết định đưa nó vào thẻ.”

“Thật à? Anh trai cô làm gì?”

“Chẳng làm gì cả,” cô nhún vai. “Anh mất rồi.”

Câu nói khiến tôi khựng lại, vì đang chực buông một câu trêu cái tên đầy nam tính của cô. “Ôi!” tôi thốt lên.

“Không sao đâu, thật mà, anh tôi mất đã được một năm rồi. Anh ấy chỉ hơn tôi hai tuổi nên anh có thể tưởng tượng bọn tôi thân thiết thế nào.”

Tôi gật đầu. Gương mặt xinh đẹp của cô đang chuyển sang rầu rĩ, và tôi chỉ ước gì mình có thể làm trò gì vui để chuyển chủ đề.

“Anh ấy làm sao mà mất vậy?” tôi hỏi theo phép lịch sự.

“Một tai nạn khủng khiếp. Anh ấy bị xe lửa cán phải khi đi qua đường ray.”

Tôi tự hỏi không biết đây có phải là cơ hội tốt để nắm cánh tay cô như cô vừa làm hồi nãy với tôi không. Đấy, tôi nông cạn thế đấy. Ý tôi là, cô ấy thì đang nghẹn ngào còn tôi thì chỉ rặt tính toán những đường đi nước bước kiểu này.

Tôi đưa bàn tay tới gần cô, nhưng cô tiếp tục cất lời, làm tôi giật mình. “Cuộc sống tiếp diễn, anh hiểu chứ. Nhà chỉ có mỗi hai anh em, nên tôi đau buồn lắm. Nhưng cuộc sống phải tiếp diễn thôi,” cô lặp lại, có vẻ như tự nói với bản thân hơn là nói với tôi.

Tôi rụt tay lại. Có lẽ đây không phải là thời điểm đúng đắn.

“Kem nữa nhé? Nào ta ăn thêm hiệp nữa đi,” cô vui vẻ nói và bước tới quầy mà chẳng đợi tôi. Cô quay lại với hai ly kem sundae đầy ụ, miệng lại nhoẻn cười.

“Thế anh ấy gặp tai nạn xe lửa ở Delhi hay sao?”

“Vâng. Anh nghĩ chuyện đó không thể xảy ra hay sao?” cô hỏi vẻ thách thức.

“Khô… ông.”

“Nào, kể cho tôi nghe chuyện gì hay ho về ký túc xá của anh đi.”

Thế là tôi kể về chiếc xế nổ của Ryan, về việc chúng tôi phóng nhanh vượt ẩu thế nào, vân vân và vân vân. Chẳng hay ho lắm nhưng ít ra nó cũng chuyển được chủ đề. Rồi chúng tôi tán gẫu tới tận khi trời nhá nhem, và đồng hồ sinh học của Naha chợt đánh thức cô.

“Tôi phải đi rồi,” cô đứng bật dậy. “Ta đi bộ về chứ?”

“Được thôi. Nhưng đi tách riêng ra nhỉ?” Tôi tiếp thu bài rất nhanh.

“Vâng, xin lỗi nhé,” cô nói với giọng giả trẻ con nhõng nhẽo mà con gái hay dùng để đáp trả những lời thách thức dù là nhẹ nhàng nhất.

Tôi bèn đứng dậy theo.

“Thế nào nhỉ, Hari?”

“Thế nào gì cơ?”

“Thế anh không định mời tôi đi chơi hay sao đó à?”

Tôi như bị nghẹt thở. Ý tôi là, tất nhiên tôi muốn rồi, nhưng tôi cứ sợ cô sẽ từ chối, và tôi sẽ thất vọng cả đêm. Lẽ ra với buổi ăn kem hôm nay tôi đã thấy thỏa mãn lắm rồi, nhưng cơ hội này thật khéo quá, và giờ thì tôi cũng chẳng có lựa chọn nào khác.

“Hử? Tất nhiên rồi. Neha, cô có muốn đi chơi… cùng tôi không?”

Mặc dù cô đã bày sẵn đường đi cho tôi rồi, nhưng để tôi nói cho bạn nghe nhé, lần đầu mời con gái đi hẹn hò thật là điều khó khăn nhất. Căng thẳng chẳng kém đi thi vấn đáp.

“Vâng, đương nhiên rồi. Ta gặp nhau tại đây luôn, thứ Bảy tuần sau, cùng giờ như hôm nay nhé.”

Tôi gật đầu.

“Và lần sau nhớ đừng đóng vai cậu bé IIT nhút nhát này nữa nhé, muốn hỏi thì cứ hỏi.”

Tôi mỉm cười.

“Ơ, thế anh còn đợi gì nữa? Đi đi thôi chứ.”

Đi trước một quãng năm phút đầy kín đáo, tôi thả mình chìm đắm trong những suy nghĩ về tâm lý phái nữ, chân lạch bạch bước về ký túc.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện