MỘT

Ấn Độ gặp Nam Phi

Giải Cricket Đơn nhật[1] Quốc tế lần thứ 4, Vadodra

17 tháng Ba, 2000

VÒNG 45

“Mày chuyển chỗ làm khỉ gì thế?” tiếng gào của Ishaan át cả tiếng ầm ĩ của sân vận động trên ti vi. Tôi vừa chuyển từ sàn nhà lên ghế xô pha.

“Hả?” tôi nói. Chúng tôi đang ở nhà Ishaan - Ishaan, Omi và tôi. Mẹ Ishaan vừa mang trà và bánh khakra cho chúng tôi. “Ngồi ghế ăn thoải mái hơn. Nên tao mới đổi chỗ.”

“Tendulkar tiêu rồi. Lại đúng vào lúc này, mẹ nó chứ. Omi, mày đừng có động đậy gì đấy. Đừng đứa nào động đậy trong năm vòng ném tới.”

Tôi nhìn ti vi. Chúng tôi hướng đến 283 điểm để giành chiến thắng. Điểm của Ấn Độ là 256/2[2] sau bốn lăm vòng ném bóng. Hai mươi bảy điểm trong năm vòng, với tám người đánh bóng còn lại, và Tendulkar đang ở vạch đánh bóng. Thật quá dễ ăn. Khả năng giành phần thắng đang nghiêng về Ấn Độ, thế mà Tendulkar bị loại. Và điều đó giải thích cho cái chau mày trên trán Ishaan.

“Bánh khakra giòn quá,” Omi nói. Ishaan trừng mắt nhìn Omi, trách móc cái thói ham ăn hời hợt của nó trong thời khắc quốc gia lâm nguy thế này. Omi và tôi gạt cốc trà sang bên, và ra vẻ lâm ly cho phù hợp.

Đám đông vỗ tay khi Tendulkar rời sân. Jadeja lên vạch đánh bóng, và ghi thêm sáu điểm nữa. Kết thúc vòng bốn mươi sáu, điểm của Ấn Độ 262/3. Cần thêm hai mươi mốt điểm nữa trong bốn vòng ném bóng để chiến thắng, với bảy người còn lại.

VÒNG 46

“Anh ta ghi được 122 điểm. Anh ta đã làm tốt phận sự. Chỉ còn vài cú bóng cuối cùng nữa. Sao mày phải xoắn thế?” tôi hỏi trong lúc quảng cáo. Tôi với tay lấy ly trà, nhưng Ishaan ra hiệu để yên. Chúng tôi không được vui thú gì cho đến khi vận mệnh trận đấu được định đoạt. Ishaan đang cáu tiết với chúng tôi. Trận đấu diễn ra ở Vadodra, từ Ahmedabad đến đó chỉ mất hai giờ. Nhưng chúng tôi không đi được - thứ nhất, vì chúng tôi không có tiền, thứ hai, vì hai ngày nữa tôi có bài kiểm tra liên trường. Dĩ nhiên tôi đã bỏ phí cả ngày hôm nay để ngồi trước ti vi xem trận đấu, nên lý do số hai thực sự không hệ trọng lắm.

“Bình quân 5,25 điểm mỗi vòng ném bóng,” tôi nói, không thể cưỡng lại một phép tính. Đó là lý do khiến tôi thích cricket, môn này có rất nhiều phép tính toán. “Mày không biết đội này đâu. Tendulkar rời sân thì cả đội hoảng ngay. Đó không phải là chuyện tính bình quân. Nó như kiểu con ong chúa bị chết, và tổ ong loạn hết cả lên,” Ishaan nói.

Omi gật đầu, nó thường làm như vậy với bất kỳ điều gì Ishaan nói về cricket.

“Dù sao tao cũng hy vọng bọn mày hiểu là hôm nay chúng ta gặp nhau không phải để xem trận này. Chúng ta phải quyết định Ishaan dự tính gì cho tương lai, phải vậy không?” tôi nói.

Ishaan luôn tránh chủ đề này kể từ khi nó trốn khỏi NDA[3] một năm trước. Bố nó đã châm biếm bình luận rằng, “Cắt bánh ăn mừng một năm vô dụng của nó luôn hôm nay đi.”

Tuy nhiên, hôm nay tôi có kế hoạch rồi. Tôi cần bắt chúng ngồi lại để bàn về cuộc đời. Tất nhiên so với cricket, cuộc đời chỉ là ưu tiên số hai.

“Để sau đi,” Ishaan nói, trừng mắt nhìn loại kem trị mụn trên quảng cáo.

“Để sau là bao giờ hả Ishaan? Tao có một ý tưởng phù hợp cho cả ba chúng ta. Chúng ta không có nhiều lựa chọn, phải không?”

“Cả ba chúng ta à? Cả tao nữa à?” Omi thắc mắc, nó phấn khích rồi. Những thằng ngu như nó thích được là một phần cái gì đó, bất kể là gì. Tuy nhiên, lần này chúng tôi cần Omi.

“Đúng, mày đóng một vai trò thiết yếu. Nhưng để sau là bao giờ hả Ish? Bao giờ?”

“Thôi đi! Xem kia, trận đấu bắt đầu rồi. Thôi được, để lúc ăn tối. Đi Gopi nhá,” Ish nói.

“Gopi à? Ai trả tiền?” tôi bị ngắt lời khi trận đấu bắt đầu.

Bíp, bíp, bíp. Tiếng còi xe cắt ngang cuộc trò chuyện của chúng tôi. Một chiếc xe đã chạy đến ngoài phố.

“Cái quái gì thế! Tao sẽ cho thằng khốn này một bài học,” Ish nói, nhìn ra ngoài cửa sổ.

“Chuyện gì thế?”

“Một thằng khốn nhà giàu. Ngày nào cũng lượn quanh nhà tao.”

“Tại sao?” tôi nói.

“Vì Vidya. Nó từng học thêm với con bé. Con bé cũng hay kêu ca về nó,” Ish nói.

Bíp, bíp, bíp, chiếc xe lại chạy gần đến ngôi nhà.

“Chết tiệt, tao không muốn bỏ lỡ trận này,” Ish nói khi nó thấy đội Ấn Độ ghi được bốn điểm. Ish cầm lấy gậy. Chúng tôi chạy ra khỏi nhà. Chiếc Esteem màu bạc chạy được một vòng quanh khu phố, và quay lại làm một lượt còi nữa. Ish đứng trước xe bảo thằng kia dừng lại. Chiếc Esteem dừng trước Ish. Ish đến chỗ lái xe, một thằng chíp hôi.

“Này, đèn pha tuột ra kìa.”

“Thật à?” thằng bé nói và tắt máy. Nó ra ngoài, lên đầu xe.

Ish tóm lấy gáy thằng kia và giộng mặt nó xuống nắp ca pô. Rồi nó lấy gậy đập thằng vào đèn pha. Kính vỡ và bóng đèn tuột ra.

“Anh bị làm sao thế,” thằng bé nói, máu mũi ộc ra.

“Mày hỏi tao làm sao à? Mày thích bấm còi lắm hả?” Ish nói.

Ish nắm cổ áo nó, cho nó sáu cái tát liên tục vào mặt. Omi nhặt gậy lên đập kính chắn gió. Kính vỡ ra hàng triệu mảnh. Mọi người trên phố xúm vào xem như thể chẳng có gì vui thú bằng một cuộc ẩu đả ngoài đường.

Thằng bé kia run rẩy vì đau và sợ. Nó sẽ giải thích sao với bố nó về chiếc xe và cái mặt nó đây?

Bố Ish nghe tiếng náo loạn liền ra khỏi nhà. Ish đang khóa tay thằng kia. Thằng bé đang giãy giụa để thở.

“Thả nó ra,” bố Ish nói.

Ish ghì nó chặt hơn.

“Tao bảo thả nó ra,” bố Ish quát lên, “có chuyện gì thế?”

“Tuần trước nó gây sự với Vidya,” Ish nói. Nó thúc đầu gối vào mặt thằng kia rồi buông ra. Thằng bé khuỵu xuống thở dốc. Cú đá cuối cùng của Ish đã làm máu mũi dây ra cả mặt nó.

“Thế mày nghĩ mày đang làm gì?” bố Ish hỏi nó.

“Cho nó một bài học,” Ish nói và lôi chiếc gậy giắt trên kính chắn gió ra.

“Thật ư, thế bao giờ mày mới học được bài học của mày?” bố Ish nói.

Ish quay đi.

“Cháu về đi,” bố Ish nói với thằng bé bóp còi xe, nó đứng khoanh tay. Thấy chẳng có ai quan tâm đến sự hối lỗi của mình, nó chui vào xe.

Bố Ish quay sang nhìn hàng xóm. “Cả năm nay nó ở nhà. Nó trốn quân ngũ và bây giờ lại muốn dạy người khác một bài học. Nó và đám bạn lười nhác suốt ngày quanh quẩn ở nhà.”

Ish lườm bố nó rồi bước vào nhà.

“Mày định đi đâu đấy?” bố Ish nói.

“Trận đấu. Sao nào? Bố muốn chửi con nữa à?” Ish nói.

“Khi mày cứ lãng phí cả đời như thế, ngày sau thì sao?” bố Ish nói và những người hàng xóm khẽ gật đầu cảm thông.

Chúng tôi lỡ mất năm lượt ném bóng cuối. Thật may, Ấn Độ thắng và Ish không phải thất vọng lắm.

“Thế chứ, thế chứ, thế chứ,” Ishaan nhảy lên. “Tối nay đi Gopi tao sẽ mời.”

Tôi yêu lũ ngốc này thế.

Thực ra, Ishaan không phải thằng ngốc. ít nhất cũng không như Omi. Chỉ là cả hai đứa chán ghét học hành, đặc biệt là môn toán, mà tôi thì học tốt môn này. Vì vậy, tôi lấy làm tự hào lắm. Nghe có vẻ tự phụ, nhưng đó là niềm tự hào duy nhất của tôi. Ví dụ, tôi rõ ràng là đứa nghèo nhất trong cả ba (dù một ngày nào đó, tôi sẽ giàu nhất), dù Ishaan và Omi không hẳn giàu lắm. Bố Ishaan làm việc ở một tổng đài điện thoại, trong nhà nó có nhiều điện thoại, nhưng lương bố nó cũng bèo bọt. Bố Omi là thầy tế trong đền Swamibhakti, ngôi đền này thuộc về gia đình mẹ Omi nhiều thế hệ nay. Và nơi này cũng không trả lương cao lắm. Dù vậy, thu nhập của nhà tụi nó cũng khá hơn rất nhiều so với mẹ con tôi. Mẹ tôi mở một hàng nhỏ bán bánh Gujarati, và số tiền nhỏ nhoi tôi kiếm được từ việc gia sư giúp chúng tôi sống qua ngày, chỉ thế thôi.

“Chúng ta đã thắng, với tỉ số 3-1,” Omi nhắc lại điều nó đọc được trên màn hình ti vi. Dĩ nhiên, để diễn tả một điều bình thường như vậy là quá nhiều đối với nó. Có người bảo Omi ngu bẩm sinh, người khác lại bảo nó bị như vậy sau khi bị một quả bóng cricket bay vào đầu năm học lớp 6. Tôi không biết lý do, nhưng tôi biết có lẽ tốt nhất là cho nó làm thầy tế. Nó không có nhiều cơ hội cho nghề khác, vì nó suýt nữa trượt lớp 12, sau khi phải thi môn toán đến hai lần. Nhưng nó không muốn làm thầy tế, nên kế hoạch của tôi là hay nhất.

Tôi ăn bánh khakra. Mẹ tôi làm bánh này ngon hơn mẹ Ishaan. Dù gì, chúng tôi cũng làm bánh chuyên nghiệp.

“Tao sẽ về nhà thay đồ, rồi chúng ta sẽ đến quán Gopi, được không?” tôi nói khi Ishaan và Omi đang nhảy nhót. Nhảy sau chiến thắng của Ấn Độ là một nghi lễ chúng tôi bắt đầu từ hồi mười một tuổi, lẽ ra năm lên mười ba thì nên thôi trò này. Nhưng giờ chúng tôi đã hai mốt, mà vẫn nhảy như bọn trẻ con. Được rồi, chúng tôi đã thắng, phải có người nhảy chứ. Nói theo toán học, xác suất rất là cao - tôi thực sự có phải nhảy lên không?

***

Tôi cuốc bộ về nhà.

Những con ngõ nhỏ của thành phố cũ đang tất bật với đám đông người buổi tối. Nhà tôi cách nhà Ishaan chỉ nửa cây số. Mọi thứ trong đời tôi diễn ra giữa khoảng cách này. Tôi đi qua công viên Nana, nơi đây đông nghẹt lũ trẻ đang chơi cricket, vì Ấn Độ vừa thắng một trận đấu. Thuở học trò, gần như ngày nào tôi cũng chơi ở đây. Giờ thỉnh thoảng chúng tôi vẫn tới đây, nhưng chúng tôi thích cái sân bỏ hoang của chi nhánh ngân hàng gần nhà tôi hơn.

Một quả bóng quần vợt rơi xuống chân tôi. Một cậu bé mười hai tuổi, nhễ nhại mồ hôi, chạy về phía tôi. Tôi nhặt quả bóng lên cho nó. Công viên Nana là nơi lần đầu tôi gặp Ishaan và Omi, cách nay mười lăm năm. Không hề có một khoảnh khắc kịch tính ghi dấu phút khởi đầu tình bạn của chúng tôi. Có lẽ chúng tôi áng chừng ở trong công viên chỉ có chúng tôi tầm sáu tuổi, và bắt đầu chơi cùng nhau.

Như hầu hết lũ trẻ trong khu phố, chúng tôi đi học trường Đô thị Belrampur, cách công viên Nana chừng trăm mét. Dĩ nhiên, tôi chỉ biết có học, trong khi Ish và Omi, mỗi khi có cơ hội là chúng lại ra công viên.

Ba chiếc xe đạp cố giành nhau phần đường trên con ngõ nhỏ. Tôi phải bước vào nhà hàng Qazi để chúng đi qua. Mùi tỏi và rau mùi khô tràn khắp căn phòng nhỏ. Đầu bếp đã chuẩn bị bữa tối, một bữa tiệc lớn hơn thường ngày, vì Ấn Độ thắng trận đấu. Ishaan và tôi thỉnh thoảng cũng đến đây (mà không cho Omi biết, dĩ nhiên rồi) vì đồ ăn ở đây rẻ và món thịt cừu ngon khủng khiếp. Chủ nhà hàng cam đoan với chúng tôi là “loại cừu nhỏ”, ám chỉ ấy là thịt dê chứ không phải thịt bò. Tôi tin ông ta, vì ông ta hẳn không thể sống ở trong khu này nếu bán thịt bò. Tôi muốn ăn ở đây chứ không phải ở Gopi. Nhưng chúng tôi đã hứa với Omi là ở Gopi, và đồ ăn ở đấy cũng tuyệt chứ. Ở đây, thức ăn là một thứ đam mê, nhất là khi Gujarat là bang khô cằn. Mọi người ở đây uống trong khi ăn.

Đúng vậy, Ahmedabad là thành phố của tôi. Thật lạ, nhưng nếu bạn hạnh phúc ở thành phố nào đấy trong thời gian dài, thì bạn coi đó là thành phố tuyệt vời nhất thế gian. Tôi cũng cảm thấy như vậy đối với Ahmedabad. Tôi biết nó không phải là thành phố thời thượng như Delhi, Bombay hay Bangalore. Tôi biết mọi người ở những thành phố ấy nghĩ Ahmedabad là một thành phố nhỏ, dù thực sự nó không hề nhỏ tí nào. Ahmedabad là thành phố lớn thứ sáu ở Ấn Độ, với dân số trên năm triệu người. Nhưng tôi đồ rằng, nếu phải nhấn mạnh tầm quan trọng của điều gì đó, thì cái quy mô kia có lẽ cũng không phải quan trọng hàng đầu đâu. Tôi có thể cho bạn hay rằng Ahmedabad có các cao ốc đẹp hơn nhà ở Delhi, đường sá đẹp hơn đường ở Bombay hoặc các nhà hàng tốt hơn so với ở Bangalore - nhưng bạn sẽ không tin tôi đâu. Hay dù bạn có tin, thì bạn chả quan tâm quái gì. Tôi biết Belrampur đâu phải Bandra, nhưng tại sao tôi phải đi bao biện cái việc bị gọi là dân tỉnh lẻ như thể ấy là điều xấu xa vậy? Điều thú vị về thành phố nhỏ này ấy là người ta bảo đây mới là Ấn Độ thực sự. Tôi đoán người ta cũng công nhận rằng, ở mức độ nào đó, thì Ấn Độ của những thành phố lớn là Ấn Độ giả tạo. Đúng vậy đấy, tôi là người ở thành phố cũ Ambavadi, và tôi tự hào về nó. Chúng tôi không có nhiều buổi diễn thời trang, và chúng tôi vẫn thích phụ nữ ở đây mặc đồ kín đáo. Tôi chẳng thấy chuyện đó có gì sai trái cả.

Tôi ra khỏi quán Qazi và tiếp tục đi về nhà, rẽ ở đoạn phố vào đền nhà Omi. Dĩ nhiên, chúng tôi gọi đó là đền nhà Omi, vì nó sống ở đó, nhưng tên chính thức là đền Swamibhakti. Khi tôi đi vào ngõ bên cạnh, có hai người đang cãi nhau vì chuyện đổ rác ngay tại một khu phố đông đúc.

Trong khu phố này, có những điều tôi muốn thay đổi. Ở nhiều phương diện, nó tụt hậu so với phần còn lại của Ahmedabad. Ví dụ, cả thành phố cũ này có thể sạch sẽ hơn rất nhiều. Thành phố mới ở bên kia sông Sabarmati có những tòa nhà thép và kính sáng long lanh, trong khi thành phố cũ chật vật với chuyện dọn rác.

Một điều khác mà tôi muốn thay đổi. Tôi muốn chấm dứt những chuyện ngồi lê đôi mách mà người ta hay bàn tán về nhau. Như cái chuyện Omi bị ngốc là do bị quả bóng cricket đánh vào đầu. Chẳng có căn cứ gì cả, nhưng mọi khu phố ở Belrampur đều nói về chuyện đó. Hay như giả thiết rằng Ish bị đuổi khỏi trường NDA chứ không phải bỏ trốn. Tôi biết chắc là không phải như vậy. Ish không thể chịu được sự độc đoán, dù cho nó thực sự thích quân đội (đó là lựa chọn duy nhất của nó), không thể chịu nổi cảnh sẽ có ông Thiếu tá nào đó ra lệnh cho nó suốt hai mươi năm tới của đời nó. Nên nó chấp nhận lấy hình phạt, viện mấy lý do cá nhân như bố mẹ ốm gì đó rồi trốn ngay về Belrampur.

Và dĩ nhiên, điều mà tôi muốn chấm dứt nhất - giả thiết kỳ quái nhất rằng tôi đã trở nên vô cảm kể từ ngày bố bỏ chúng tôi. Bố bỏ mẹ con tôi cách đây mười năm, vì chúng tôi phát hiện ông có vợ hai ở bên kia thành phố. Như tôi còn nhớ, tôi không giỏi xử lý chuyện tình cảm. Tôi yêu toán học, tôi yêu logic và những môn học không dính líu đến cảm xúc. Tôi nghĩ con người lãng phí quá nhiều thì giờ cho cảm xúc. Ví dụ tiêu biểu là mẹ tôi. Sự ra đi của bố được tiếp nối bằng nhiều tháng ròng khóc lóc, cứ có cô bác nào đến chia sẻ cảm thông là bà lại khóc. Bà mất một năm nữa đi xem bói chiêm tinh, xem ngôi sao nào đã khiến bố bỏ đi, và tình thế đó bao giờ sẽ thay đổi. Sau đó, một loạt các bà cô đến sống với mẹ, vì bà không chịu được cảnh sống một mình. Mãi cho tới năm mười lăm tuổi, tôi mới hiểu về thế giới này, nên mới thuyết phục mẹ mở một hàng bánh. Dĩ nhiên, thuyết phục chỉ là một phần thôi, phần còn lại là vì lúc ấy có bao nhiêu nữ trang bà đã bán hết cả rồi.

Bà làm bánh rất ngon, nhưng bà lại không có khiếu kinh doanh. Người đa cảm quả là doanh nhân kém cỏi. Bà bán chịu rồi đi mua bằng tiền mặt - ấy là sai lầm đầu tiên của người kinh doanh. Tiếp theo, bà không biết ghi sổ sách. Các chi tiêu trong nhà thường lẫn vào chi tiêu kinh doanh, và có nhiều tháng chúng tôi phải chọn mua gạo ăn hay mua tiêu đen làm bánh papad.

Trong khi đó, tôi học hành chăm chỉ. Trường chúng tôi không phải trường Oxford, và chuyện học hành chẳng mấy được coi trọng, vì giáo viên bỏ lớp còn nhiều hơn cả học sinh. Dù vậy, năm nào tôi cũng đứng đầu lớp về môn toán. Mọi người nghĩ tôi có năng khiếu, đạt một trăm điểm môn toán ở lớp X. Với tôi, chuyện đấy chả có gì to tát. Lần duy nhất, mấy vụ đưa chuyện lại có lợi. Tin tức về điểm số của tôi lan khắp khu phố, và chúng tôi có một nguồn thu nhập mới - tiền gia sư. Tôi là gia sư môn toán duy nhất ở Belrampur, và những điểm số kém về môn toán thì đầy rẫy như bệnh dịch. Vậy là ngoài bánh khaman và bánh khakra, lượng giác và đại số trở thành nguồn thu nhập cho gia đình Patel. Dĩ nhiên, trong một khu dân cư nghèo, người ta chi trả không được hậu lắm. Dẫu vậy, mỗi tháng thêm được một ngàn quả là sự kiện đổi đời với chúng tôi. Từ dùng quạt, chúng tôi nâng cấp lên máy làm mát. Từ ghế thường, chúng tôi chuyển sang xô pha hàng cũ. Cuộc sống trở nên tốt hơn.

Tôi đến nhà Omi. Nhịp chuông ngân vang làm gián đoạn những suy nghĩ của tôi. Tôi xem đồng hồ, sáu giờ chiều, giờ lễ aarti hàng ngày. Từ xa, tôi thấy bố Omi, mắt ông nhắm lại khi ông đọc lời niệm chú. Dù tôi là người vô thần, tôi vẫn thấy khuôn mặt ông có gì đó rất kỳ diệu - một cảm giác chân thành dành cho vị Thần mà ông đang cầu nguyện. Chẳng trách ông là một trong những người được cộng đồng quý mến nhất. Mẹ Omi đứng sau ông, chiếc sari màu hạt dẻ quấn trùm cả đầu bà, tay bà chắp lại. Cạnh bà là Bittoo Mama[4], cậu của Omi. Ông mặc khố và quấn khăn màu vàng nghệ. Bắp tay khổng lồ của ông dường như càng to thêm khi khoanh lại. Mắt của ông cũng vậy, ngập chìm trong niềm thành kính với các vị thần Krishna và Radha.

Omi sẽ gặp rắc rối nếu đến muộn lễ aarti. Dù đây không phải lần đầu, vì thời điểm 6 giờ chiều là lúc các trận đấu ở công viên Nana bước vào giai đoạn then chốt.

***

“Trận đấu thế nào?” mẹ hỏi khi tôi về nhà. Bà đang ở ngoài trời.

Bà vừa chuyển lên ô tô, xe chở thuê, một mẻ bánh dhokla mới cho một tiệc cưới. Cuối cùng, mẹ tôi có thể giao phó những công việc thường ngày như chuyển hàng, để tập trung vào tài năng chính của bà - là làm bánh. Bà lấy từ ô tô cho tôi một miếng bánh. Làm ăn như vậy không hay - ăn bớt đơn hàng của khách.

“Trận đấu tuyệt vời, xem đoạn cuối sốt hết cả ruột, nhưng chúng ta đã thắng,” tôi nói, đi vào nhà.

Tôi bật đèn tuýp lên. Trong khu phố chúng tôi, ban ngày ở trong nhà người ta cũng phải bật đèn.

“Nếu mùa lễ Diwali này mà đắt khách, mẹ sẽ mua cho con cái ti vi màu,” mẹ thề thốt.

“Không cần đâu mẹ,” tôi nói. Tôi cởi giày, chuẩn bị đi tắm. “Mẹ đang cần gấp cái máy xay lớn mà, cái nhỏ bị rung lắc hết rồi.”

“Mẹ sẽ mua ti vi nếu như việc buôn bán khấm khá hơn,” mẹ nói.

“Không. Nếu mẹ kiếm được thêm tiền thì mẹ nên đầu tư tiếp vào buôn bán. Mẹ đừng mua những thứ vô ích. Con có thể xem trận đấu trên ti vi màu ở nhà Ishaan mà.”

Bà rời phòng. Mẹ biết tranh cãi với tôi chẳng ích gì. Vì không có bố, tiếng nói của tôi trong nhà lại có ảnh hưởng đáng kinh ngạc đến thế. Và tôi chỉ hy vọng rằng Ish và Omi cũng sẽ lắng nghe các đề nghị của tôi như vậy.

Tình yêu của tôi đối với kinh doanh bắt đầu khi tôi mới làm gia sư. Thật kỳ diệu khi nhìn thấy tiền cứ đầy lên. Có tiền rồi thì ta không chỉ mua được máy làm mát và ghế xô pha, mà còn có được thứ quan trọng nhất - sự tôn trọng. Những người bán hàng không còn lảng tránh chúng tôi, họ hàng lại mời chúng tôi đến các lễ cưới và chủ nhà không còn đẩy chúng tôi vào cảnh hoảng loạn. Nhưng còn đó niềm rộn ràng - tôi đang làm ra tiền, chứ không phải kiếm được nhờ ông chủ nào đó hay là nhận của bố thí. Tôi có thể quyết định số mệnh của mình, sẽ dạy bao nhiêu học sinh, mỗi lớp mấy giờ - đó là quyết định của tôi.

Người Gujarat có một đặc điểm là yêu kinh doanh. Còn người Ambavadi yêu kinh doanh hơn bất cứ gì khác. Gujarat là bang duy nhất ở Ấn Độ nơi người ta có xu hướng tôn trọng bạn hơn nếu bạn làm chủ một việc kinh doanh thay vì là người đi phục vụ. Những bang còn lại, người ta mơ ước công việc nhẹ nhàng có thu nhập đều đặn, và cuộc sống ổn định. Ở Ahmedabad, phục vụ là dành cho kẻ yếu đuối. Đó là nguyên do tôi mơ giấc mơ lớn nhất đời mình - ngày nào đấy sẽ thành một doanh nhân lớn. Khó khăn duy nhất của tôi là thiếu vốn. Nhưng tôi sẽ dần gây dựng được vốn, và sẽ biến giấc mơ thành sự thật. Chắc chắn, Ish hẳn không thể biến giấc mơ của nó thành sự thật, là được vào đội tuyển cricket Ấn Độ, mà nói thẳng, giấc mơ đó thật lãng nhách. Lọt vào nhóm mười một cầu thủ hàng đầu ở một quốc gia một tỉ dân đúng là một giấc mơ bất khả thi, dù Ish là cầu thủ hạng nhất ở Belrampur, thì nó cũng đâu phải Tendulkar. Giấc mơ của tôi thực tiễn hơn, nên tôi sẽ bắt đầu thật chậm, rồi phát triển doanh nghiệp của mình. Từ doanh thu vài ngàn, lên đến hàng trăm ngàn, đến hàng trăm triệu, đến hàng tỉ.

Tôi ra khỏi phòng tắm và mặc quần áo.

“Con muốn ăn gì không?” mẹ ở trong bếp, trích lại cái câu bà hay nói nhất.

“Không, con với Ish và Omi sẽ đi Gopi.”

“Gopi à? Tại sao? Mẹ cũng làm những món đấy mà. Ở Gopi có món gì mà ở nhà mẹ không làm cho con được?”

Mẹ đừng làm toáng lên thế, tôi những muốn nói.

“Ish đãi. Và con muốn bàn chuyện kinh doanh với chúng nó.”

“Vậy là con không thi lại vào trường kỹ thuật nữa à,” mẹ ra khỏi bếp. Bà giơ hai bàn tay dính bột, “Con có thể nghỉ một năm để ôn thi. Nghỉ gia sư một thời gian, giờ chúng ta có tiền rồi.”

Mẹ tôi cảm thấy tội lỗi vì đủ thứ. Một trong số đó là chuyện tôi không thi đỗ vào một trường tốt. Làm gia sư và đỡ đần công việc cho mẹ nghĩa là tôi ít thì giờ để học ôn thi. Tôi không đỗ vào IIT hay bất kỳ trường hàng đầu nào khác. Tôi chỉ đỗ một trường vùng sâu, mãi tận Kutch, nhưng nó chẳng đáng để tôi từ bỏ khoản thu nhập gia sư, bỏ cả bạn bè, cả cricket ở công viên Nana và mẹ. Chẳng phải vì tôi không muốn đi đâu, chỉ là tôi thấy đó không phải là một sự đánh đổi thỏa đáng. Tôi có thể học một khóa chuyên về toán ngay ở đây, tại Đại học Ambavad, tiếp tục làm gia sư và suy tính việc kinh doanh. Trường Kutch thậm chí cũng không đảm bảo sẽ có việc làm.

“Con không muốn trở thành kỹ sư mẹ ạ. Con chỉ muốn làm ăn thôi. Hơn nữa, con đã học hai năm đại học rồi. Một năm nữa là con tốt nghiệp.”

“Đúng vậy, nhưng tốt nghiệp ngành toán thì con tìm việc ở đâu?”

Quả đúng vậy. Xét từ quan điểm kinh tế, khóa học chuyên về toán chẳng ích lợi gì cả.

“Không sao đâu mẹ. Con cần một cái bằng và con có thể lấy bằng mà không cần phải học nhiều,” tôi nói. “Con là một doanh nhân mẹ ạ. Con không thể thay đổi điều đó được.”

Mẹ vuốt má tôi. Những mẩu bột dính lại trên mặt tôi.

“Sao cũng được. Gì thì gì con vẫn là con trai mẹ.”

Bà ôm tôi. Tôi ghét như vậy. Tôi ghét biểu hiện cảm xúc hơn cả chính bản thân cảm xúc.

“Con đi đây.”

***

“Miếng bánh thứ mười của mày rồi đấy,” Ish bảo Omi.

“Chín chứ. Ai quan tâm? Đang ăn buffet mà. Đưa tao lọ bơ cái?”

“Mấy thứ đồ ăn đó không tốt cho mày đâu,” tôi bảo.

“Hai trăm cái chống đẩy,” Omi nói. “Mười vòng quanh công viên Nana. Một giờ tại phòng tập Bittoo Mama. Ngày nào cũng tập như vậy thì nốc gì chả được.”

Khách nào cũng như Omi thì nhà hàng lấy đâu ra lãi. Chẳng cách nào quán Gopi kiếm lời được từ nó.

“Aamras và ras malai. Cảm ơn,” Omi nói với người phục vụ. Ish và tôi gật đầu gọi cùng món đó.

“Vậy sao nào? Tao đang nghe đây,” Ish nói, khi nó xúc thìa aamras cuối cùng.

“Ăn xong đã. Chúng ta sẽ nói chuyện lúc uống trà,” tôi nói. Khi dạ dày no rồi thì người ta ít tranh cãi hơn.

“Tao không trả tiền trà đâu. Tao chỉ đãi ăn thôi,” Ishaan cự nự.

“Tao sẽ trả tiền nước,” tôi nói.

“Bình tĩnh đi. Tao đùa thôi mà. Ngài Kế toán không biết đùa sao. Phải không Omi?”

Omi bật cười.

“Sao cũng được. Hôm nay mày phải nghe. Mà đừng gọi tao là Ngài Kế toán nữa.”

Tôi gọi trà trong khi người phục vụ thu dọn đĩa.

“Tao nói nghiêm túc đấy, Ish. Mày tính làm gì đây? Chúng ta còn trẻ con đâu,” tôi nói.

“Thật bất hạnh,” Ish nói và thở dài. “Được rồi. Tao sẽ nộp đơn xin việc, có lẽ trước hết nên học một khóa máy tính ở NIIT[5]. Hay là tao đi làm bảo hiểm nhỉ? Bọn mày nghĩ sao?”

Tôi nhìn mặt Ish. Nó cố mỉm cười, nhưng tôi chỉ thấy nỗi đau. Nhà vô địch đánh bóng của Belrampur sẽ trở thành nhân viên bán bảo hiểm. Lũ trẻ Belrampur đã quen vỗ tay tán thưởng nó ở công viên Nana. Nhưng lúc này, khi tương lai trước mắt là ngõ cụt, thì nó lại muốn đảm bảo cuộc sống của người khác.

Omi nhìn tôi, hy vọng tôi sẽ đưa ra một lựa chọn tuyệt vời như từ túi quà của ông già Noel. Tôi phát ngán vì làm bảo mẫu cho chúng.

“Tao muốn mở một doanh nghiệp,” tôi bắt đầu.

“Thôi thôi nhé,” Ish nói. “Tao không làm được đâu. Lần trước là làm gì nhỉ? Buôn trái cây à? Kinh quá! Tao không ngồi cân dưa suốt ngày được. Và cái dở hơi gì sau đó nhỉ, Omi?”

“Phụ kiện ô tô. Nó bảo kiếm được ối tiền,” Omi nói khi đang xì xụp món tráng miệng.

“Gì cơ? Ngồi bọc ghế xe cả ngày. Không, cảm ơn. Còn việc khác nữa - môi giới chứng khoán. Là cái gì ấy nhỉ?” Ish nhún vai.

“Thế mày muốn làm khỉ gì hả? Cầu cạnh mọi người mua bảo hiểm. Hay bán thẻ tín dụng ở góc đường nào? Ish ạ, mày là thằng bỏ học trường quân sự,” tôi nói và dừng lại để thở. “Còn mày năm lớp 12 phải thi lại đấy, những hai lần. Mày có thể thành thầy tế, Omi, nhưng còn bọn tao thì sao?”

“Tao không muốn làm thầy tế,” Omi nói lờ phờ.

“Vậy sao mày phản đối tao, ngay cả trước khi tao bắt đầu? Lần này tao có thứ làm bọn mày quan tâm.”

“Gì đấy?” Ish nói.

“Cricket,” tôi nói.

“Gì cơ?” cả hai đứa đồng thanh.

“À đấy, thật may chúng mày lại chú ý. Tao nói được chưa?”

“Tất nhiên,” Ish phất tay.

“Chúng ta sẽ mở một cửa hàng cricket,” tôi nói.

Tôi cố ý vào nhà vệ sinh.

“Nhưng làm thế nào?” Omi hỏi khi tôi quay lại. “Cửa hàng cricket là thế nào?”

“Thực ra là một cửa hàng thể thao. Nhưng vì cricket là trò phổ thông nhất ở Belrampur, chúng ta sẽ tập trung vào đó.”

Ish yên lặng nghĩa là nó đang nghe tôi nói.

“Đó sẽ là một cửa hàng bán nhỏ lẻ. Tiền cọc thuê cửa hàng là một vấn đề, nên tao cần Omi giúp.”

“Tao à?” Omi nói.

“Đúng, chúng ta sẽ mở một cửa hàng ngay trong khuôn viên đền Swami. Cạnh hàng hoa và hàng bán đồ lễ puja. Tao thấy có một gian hàng trống ở đấy. Nó thuộc phần đất của khu đền.”

“Một cửa hàng cricket trong khuôn viên đền à?” Ish hỏi.

“Đợi đã. Omi, mày nghĩ có thể thu xếp được không? Không có thì kế hoạch chết trong trứng nước.”

“Ý mày là hàng bánh ngọt Kuber vừa đóng cửa hả? Ban quản lý đền sẽ cho thuê sớm thôi. Và thường thì họ cho thuê để làm những việc liên quan đến hoạt động của đền,” Omi nói.

“Tao biết. Nhưng mày phải thuyết phục bố mày. Dù gì ông ấy cũng điều hành ban quản lý đền.”

“Đúng vậy, nhưng Mama là người chăm lo các cửa hàng. Chúng ta có trả tiền thuê không?”

“Có chứ,” tôi thở dài. “Nhưng không trả ngay. Chúng ta cần trả chậm hai tháng. Chúng ta không thể trả tiền đặt cọc.”

“Tao phải nhờ vả mẹ,” Omi nói. Tốt lắm, đầu óc nó còn hoạt động.

“Tao hỏi lại cái, cửa hàng cricket trong khuôn viên đền à? Ai sẽ mua? Mấy bà già bảy mươi vào đền hành lễ sẽ mua gậy đánh bóng à?” Ish chế giễu.

Bồi bàn đã dọn hết các ly trà và đưa hóa đơn. Theo nghi thức ở Gopi, chúng tôi phải ra khỏi quán trong hai phút nữa.

“Hỏi hay lắm. Cửa hàng cricket ở bên cạnh đền thì nghe có vẻ lạ. Nhưng nghĩ mà xem - ở Belrampur có cửa hàng thể thao nào không?”

“Không hẳn. Đến mua quả bóng da cũng không có. Ellis Bridge là nơi gần nhất,” Ish nói.

“Thấy chưa, đó là lý do thứ nhất. Thứ nhì, ngôi đền là một nơi dành cho gia đình. Bọn trẻ là người thấy buồn chán nhất khi ở trong đền. Vậy chúng sẽ la cà ở đâu?”

“Đúng đấy,” Omi nói. “Nên ngoài chùa mới có rất nhiều người bán bóng bay.”

“Và vai trò của Ish là ở đó. Mọi người biết mày là một cầu thủ giỏi. Và mày có thể bày mẹo chơi bóng cho những đứa trẻ mua đồ chỗ chúng ta. Dần dần, danh tiếng của chúng ta sẽ tăng lên.”

“Nhưng còn bọn trẻ theo đạo Thiên Chúa và đạo Hồi? Chúng sẽ không đến, phải không?” Ish hỏi.

“Lúc đầu thì không, nhưng cửa hàng ở ngoài đền mà. Khi tin tức lan đi, chúng sẽ đến. Chúng còn lựa chọn nào khác?”

“Chúng ta lấy đâu ra hàng mà bán?” Ish hỏi.

“Có một nhà cung cấp thiết bị thể thao ở Vastrapur, họ sẽ cho chúng ta nợ một tháng. Nếu chúng ta có địa điểm, thì có thể buôn bán mà không cần tiền mặt.”

“Nhưng nếu việc làm ăn không tốt thì sao?” Ish hỏi nghi ngại.

“Tình huống xấu nhất, chúng ta sẽ bán lỗ, và tao sẽ dùng tiền tiết kiệm gia sư để gánh khoản lỗ. Nhưng nó sẽ thành công. Nếu mày toàn tâm toàn ý thì sẽ thành công.”

Cả hai đứa vẫn yên lặng.

“Này. Tao cần bọn mày trong vụ này. Tao thực sự muốn điều hành một việc kinh doanh. Tao không thể làm mà không có đối tác. Đây là cửa hàng cricket,” tôi dụ dỗ Ish.

“Tao tham gia,” Omi mỉm cười. “Nếu tham gia tao sẽ không phải làm thầy tế, và tao được làm việc ở nhà. Nên tao tham gia.”

“Tao sẽ không lo chuyện tiền bạc đâu. Tao sẽ tập trung vào cricket,” Ish nói.

Tôi mỉm cười. Đúng rồi, nó đang xuôi.

“Dĩ nhiên. Mày nghĩ tao sẽ để mày xử lý tiền nong sao? Vậy, chúng ta là đối tác nhé?” tôi giơ tay ra.

Omi chắp tay với tôi, và Ish cũng theo vào.

“Chúng ta sẽ gọi cửa hàng là gì nhỉ?” Omi nói khi ngồi trong ô tô.

“Hỏi Ish xem,” tôi nói. Nếu Ish đặt tên, nó sẽ cảm thấy gắn kết với dự án này hơn.

“Cửa hàng Đội Cricket Ấn Độ thì sao?” Ish gợi ý.

“Tên hay lắm,” tôi nói và nhìn Ish mỉm cười lần đầu tiên trong buổi tối.

“Mỗi người hai rupi năm mươi xu,” tôi nói khi xe dừng lại gần khu phố nhà tôi ở Belrampur.

“Đây Ngài Kế toán,” Ish nói và đưa phần tiền của nó.

..........................

• Chú thích •

[1] Cricket đơn nhật (One-day-cricket) là một kiểu chơi cricket mới, ra đời vào khoảng thập niên 1960, 1970. Các trận cricket được tổ chức trong một ngày. Trước đó chỉ có thể thức đối kháng (Test Cricket) với mỗi trận đấu kéo dài nhiều ngày, tối đa làm năm.

[2] Điểm số của môn cricket bao gồm điểm số ghi được trên số cầu thủ đánh bóng bị loại. Ví dụ 256/2 tức là ghi được 256 điểm và bị loại 2 người.

[3] Nation Defence Academy: Học viện Quốc phòng.

[4] Theo tiếng Hindu, mama nghĩa là anh/em trai của mẹ.

[5] Một công ty đào tạo và giáo dục toàn cầu ở Ấn Độ, cung cấp dịch vụ giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tư vấn giải pháp công nghệ.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện