SÁU

“Bố không đồng ý đâu, em đã nói với bố rồi,” Ali hổn hển. Chúng tôi đến nhà nó ở cuối Belrampur. Nó sống trong một khu phố cực kỳ ổ chuột. Ali nhấn chuông. Tôi để ý thấy bảng tên của bố nó thiết kế theo mô tip của đảng phái chính trị thế tục.

“Ali, con lại về muộn,” bố nó nói khi ra mở cửa. Ông ta mặc chiếc áo achkan đen huyền, tương phản với bộ râu trắng và khăn vải quấn chặt trên đầu. Ông ta khoảng sáu mươi tuổi, nghĩa là Ali sinh ra lúc ông ta tuổi đã về già.

“Và các chàng trai này là ai?” ông nói.

“Cháu là Ishaan,” Ish nói. “Còn đây là Govind và Omi. Chúng cháu là bạn của Ali.”

“Bạn ư?” bố Ali nói, nhấn mạnh độ chênh lệch tuổi tác đến lố bịch.

“Vâng thưa bố, họ đến chơi cricket ở trường. Họ có cửa hàng đồ thể thao. Con kể rồi, bố nhớ không?”

“Mời vào,” bố Ali nói.

Chúng tôi ngồi trong phòng khách. Mẹ của Ali, mặc bộ đồ salwar màu nâu, mang nước roohafza ra. Dù vành khăn che kín khuôn mặt bà, tôi vẫn nhận thấy bà hẳn trẻ hơn chồng ít nhất hai mươi tuổi. Bà mắng Ali không chịu học để ngày mai thi. Tôi nghĩ các bà mẹ Ấn Độ có hai nhiệm vụ - bảo ban con cái ăn nhiều hơn và học chăm hơn.

“Chúng cháu muốn trao đổi về việc huấn luyện cho Ali,” Ish bắt đầu sau khi Ali đã theo mẹ rời phòng.

“Dạy cricket à? Không, cảm ơn. Chúng tôi không quan tâm,” bố Ali nói bằng một giọng muốn chấm dứt hơn là muốn trao đổi.

“Nhưng thưa bác...” Ish phản đối.

“Nhìn trên kia kìa,” bố Ali nói và chỉ lên trần, “nhìn đi, trần nhà có đầy lỗ thủng. Căn phòng này và cả phòng nhỏ bên kia là tôi đi thuê. Đây có giống nhà của một người dư dả tiền bạc cho con học cricket không?”

“Chúng cháu sẽ không thu phí Ali đâu,” Ish nói.

Tôi trừng mắt nhìn Ish. Tôi ghét nó cứ bán giảm giá ở cửa hàng, nhưng tận một trăm phần trăm thì đúng là điên.

“Nó sẽ xoay xở ra sao để tập cricket đây. Sau khi rời trường Hồi giáo, việc học ở trường mới với nó đã khó lắm rồi. Đây là lần đầu Ali học toán. Mà tôi còn không thể thuê gia sư toán...”

“Govind dạy toán,” Ish nói.

“Gì cơ?” bố Ali và tôi đồng thanh.

“Thật ra, cậu ấy là người giỏi toán nhất ở Belrampur. Cậu ấy được một trăm điểm toán trong kỳ thi tốt nghiệp lớp mười hai.”

Tôi trừng trừng nhìn Ish. Tôi đã kín lịch gia sư, và đã dạy miễn phí em gái chậm tiến của nó. “Nhưng Ish này, không được đâu,” tôi nói.

“Có lẽ chúng ta sẽ có một thỏa thuận kép. Nếu bác cho em ấy tập cricket với chúng cháu, chúng cháu sẽ dạy toán miễn phí cho em ấy,” Ish nói, phớt lờ lời của tôi.

“Sao tao dạy miễn phí được? Còn nhiều đứa chờ trả tiền để được tao dạy cho,” tôi nói.

Ish khinh khỉnh nhìn tôi, như thể tôi đã bắn nhiệm vụ của nó lên sao Hỏa.

Miễn phí ư?” tôi nhăn mặt với nó.

“Tôi sẽ trả những gì có thể,” bố Ali nói, giọng nghẹn ngào.

“Xin lỗi nhé, nhưng đây là kế sinh nhai của cháu. Cháu không thể...” tôi nói, trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm cứu vãn hình ảnh ngớ ngẩn của mình.

“Cứ trừ vào lương của tao, được không? Mày để tao nói chuyện đi?” Ish nhã nhặn nói.

Tôi muốn đứng dậy ra về.

“Tôi có một khoản lương hưu. Cháu lấy bao nhiêu?”

“Bốn tr...,” tôi định nói, nhưng Ish chen vào.

“Tại sao không bắt đầu xem thế nào?”

Mọi người gật đầu, thậm chí cả Omi. Vì nó làm bất cứ điều gì người khác đang làm.

“Được chứ, Govind?” cuối cùng nó bảo tôi.

Tôi khe khẽ gật đầu, chỉ nghiêng năm độ.

“Các cháu ở lại ăn tối nhé,” bố Ali nài nỉ khi chúng tôi đứng dậy ra về.

“Không, không,” Omi nói, kinh hãi trước ý nghĩ ăn ở nhà một người Hồi giáo.

“Làm ơn đi, tôi năn nỉ đấy. Đối với chúng tôi, lòng mến khách rất quan trọng. Các cháu là thượng khách của chúng tôi.”

Đáng ra tôi đã không đồng ý, nhưng tôi muốn lớp dạy toán-và-cricket miễn phí này cũng phải đổi được gì đó chứ.

Chúng tôi ngồi trên sàn phòng khách. Mẹ Ali mang cho chúng tôi hai cái đĩa lớn, một đĩa cho ba chúng tôi và đĩa kia cho bố Ali. Những thức ăn giản dị - bánh chapatti, cháo đậu, rau thì có hoa súp lơ, khoai tây.

Omi ngồi xuống. Nó không chạm vào đồ ăn.

“Xin lỗi tôi không thể mời các cháu ăn thịt. Hôm nay chúng tôi chỉ có như vậy thôi.”

“Cháu không ăn thịt. Cháu là con của một thầy tế,” Omi nói.

Một thoáng lặng khó xử tiếp nối. Ish phá tan, “Đồ ăn trông tuyệt lắm. Chúng mày ăn đi.”

Ăn chung một đĩa có cảm giác thân mật lạ kỳ. Ish và tôi bẻ chung cái bánh chapatti. Những ngón tay dài của nó làm tôi nhớ đến em gái nó. Khỉ thật, ngày mai tôi lại phải đi dạy con bé rồi.

“Ở trường Hồi giáo người ta không dạy toán sao?” tôi hỏi cho có chuyện, và cũng quan tâm đến môn toán.

“Trường này thì không,” bố Ali nói khi ông xúc cháo đậu. “Môn toán và khoa học bị cấm.”

“Lạ thật. Vào thời buổi này lại thế,” tôi nói. Tôi nghĩ về một cơ hội kinh doanh, một loạt lớp gia sư toán ngay bên ngoài các trường Hồi giáo.

“Không hẳn,” bố Ali nói. “Trường Hồi giáo không hẳn là một trường học. Vai trò của chúng chỉ hạn giới hạn vào việc giảng dạy văn hóa Hồi giáo. Này, ăn thêm chapatti đi.”

“Thế nên bác mới cho em nó chuyển trường à?” Ish hỏi.

“Đúng. Lẽ ra phải làm sớm hơn, nhưng bố tôi muốn Ali đi học trường Hồi giáo. Ông ấy mất sáu tháng trước.”

“Ồ, cháu rất tiếc,” Ish nói.

“Ông ốm đã lâu rồi. Tôi nhớ ông ấy lắm, nhưng không nhớ nhung gì những năm chi trả phí chữa bệnh đã vắt kiệt tôi,” bố Ali nói. Ông uống nước. “Khi tôi nghỉ ở trường đại học, tôi phải rời khu tập thể của trường. Đảng muốn tôi chuyển đến đây. Trường Đô thị Belrampur lại gần, nên tôi cho em nó vào học. Trường có tốt không?”

“Có ạ, bọn cháu học ở đó tận mười hai năm,” tôi nói.

“Omi, cháu không ăn gì cả. Ít nhất thì ăn chút trái cây đi,” bố Ali nói, mời nó ăn chuối. Omi cầm một quả, soi mói, rồi cắn ba miếng là hết.

“Tại sao các cháu lại tha thiết muốn dạy Ali chơi cricket thế?” bố Ali hỏi.

Câu hỏi đó đủ để thắp sáng khuôn mặt Ish. Nó nói hăng say, “Ali là một tài năng. Bác sẽ thấy khi được cháu huấn luyện thì em nó sẽ trổ tài thế nào.”

“Cháu chơi cricket à?” bố Ali hỏi.

“Hồi còn ở trường, và giờ cháu có một cửa hàng thể thao. Cháu đã gặp nhiều cầu thủ, nhưng chưa ai như Ali,” Ish nói say sưa.

“Nhưng chỉ là trò chơi thôi. Một người cầm gậy đánh bóng, những người khác chạy xung quanh để ngăn lại.”

“Còn hơn thế chứ,” Ish nói, như bị xúc phạm. “Nhưng nếu bác chưa bao giờ chơi, bác sẽ không hiểu được.”

Bố Ali nói, “Cháu biết tôi là đảng viên đảng thế tục chứ?”

“Bọn cháu thấy biển tên rồi,” tôi nói.

“Các cháu có muốn thỉnh thoảng đến thăm đảng chúng tôi không?”

Omi đột ngột đứng lên. “Bác có biết đang nói chuyện với ai không? Cháu là con trai của Pandit Shastri. Bác đã thấy đền Swami ở Belrampur chưa?” Nó cao giọng.

Ish kéo tay Omi để nó ngồi xuống.

“Chuyện đó thì làm sao, chàng trai?” bố Ali nói.

“Bác đang bảo cháu đến thăm đảng của bác sao? Cháu là người Hindu.”

“Chúng tôi không coi đó là điều chống lại cháu,” bố Ali cười tươi. “Đảng của chúng tôi là đảng thế tục.”

“Không phải thế tục. Đảng dung tục thì có. Thứ chính trị dung tục, bác chỉ biết thế thôi. Chẳng trách người Hồi chui nhủi ở đây. Này Ish, chúng ta đi hay ở nào?”

“Omi, coi chừng đấy, chúng ta đến vì Ali.”

“Tao không quan tâm. Cứ để nó chơi bi và trượt môn toán cũng được. Nếu cậu Bittoo biết tao ở đây...”

“Bittoo là cậu của cháu à?” bố Ali nói.

“Ông ấy là đối lập của các người. Và một đảng-dung-tục sẽ không bao giờ giành thắng lợi ở Belrampur.”

“Bình tĩnh nào, chàng trai. Ngồi xuống đây,” bố Ali nói.

Omi ngồi xuống và Ish xoa vai nó. Omi hiếm khi nổi nóng, nhưng khi nó đã nóng, thì phải mất vài thủ thuật xoa dịu mới khiến nó trở lại bình thường.

“Này, ăn chuối đi. Tao biết mày đang đói,” Ish nói chân thành.

Omi cự nự, nhưng vẫn cầm quả chuối.

“Tôi cũng là người mới vào đảng thế tục thôi, chàng trai. Trước đây tôi ở đảng bảo thủ,” bố Ali nói và ngừng một lát để suy nghĩ, “đúng vậy, tôi đã mắc vài sai lầm.”

“Sao cũng được. Đừng có cải người từ đảng chúng tôi sang đảng các ông,” Omi cáu tiết nói.

“Tôi sẽ không đâu. Nhưng tại sao cháu lại chống chúng tôi? Đảng đã cầm quyền đất nước này bốn mươi năm, hẳn chúng tôi phải làm điều đúng đắn chứ.”

“Các người sẽ không cầm quyền Gujarat nữa. Vì chúng tôi có thể nhìn thấu thói đạo đức giả của các người,” Omi nói.

“Omi, thôi đi,” Ish nói.

“Không sao đâu Ish. Tôi hiếm khi được nói chuyện với thanh niên. Cứ để cậu ấy nói rõ suy nghĩ,” bố Ali nói.

“Tôi không có gì phải nói cả. Chúng ta đi thôi,” Omi nói.

“Đảng tôn giáo bảo thủ cũng chẳng có gì hoàn hảo,” bố Ali nói.

Tôi đoán bố Ali cũng thích tranh luận.

“Ông lòi bộ mặt ra rồi đấy. Đúng là thiên kiến, ông gọi chúng tôi là tôn giáo bảo thủ. Đảng của ông thì ưu tiên cho Hồi giáo, nhưng là đảng thế tục. Tại sao?” Omi nói.

“Chúng tôi ưu tiên cái gì nào?” bố Ali nói.

“Sao các người không cho chúng tôi dựng đền ở Ayodhya?” Omi nói.

“Bởi vì ở đó đã có thánh đường Hồi giáo rồi.”

“Nhưng trước đó đã có một ngôi đền ”

“Không có bằng chứng.”

“Có chứ. Chính phủ che giấu các báo cáo.”

“Không đúng.”

“Sao cũng được. Đó không phải là nơi bình thường. Chúng tôi tin đó là nơi sinh ra vị thần của chúng tôi. Chúng tôi đã nói, ‘Trả chúng tôi vị trí đó, và chúng tôi sẽ kính cẩn chuyển thánh đường Hồi giáo sang bên cạnh.’ Nhưng các người còn không chấp nhận như thế. Và yêu cầu nhỏ đấy của chúng tôi, của phe đa số, cũng không được đáp ứng. Parekh-ji nói đúng, người Hindu còn hy vọng gì ở đất nước này?”

“Ồ, vậy là Parekh-ji. Ông ta dạy cho cậu các thứ này à?” bố Ali gần như nhếch mép cười.

“Ông ấy không dạy chúng tôi. Chính nghĩa của chúng tôi bị gán cho cái mác tôn giáo bảo thủ, nói thế không hay ho gì. Nhưng vì người Hindu không nói gì, các người nghĩ họ không cảm thấy gì sao? Sao các người không nghe Parekh-ji? Vì đâu đó trong sâu thẳm, ông ấy đã khơi gợi lên được cảm xúc. Những oán giận đang dồn tụ lại đấy ông Nasser, dù cho người ta không nói ra.”

“Rất nhiều người Hindu bỏ phiếu cho chúng tôi, cậu nên biết thế,” bố Ali nói.

“Nhưng dần dần họ sẽ thấy sự thật.”

“Chàng trai, Ấn Độ là đất nước tự do. Cậu có quyền có quan điểm riêng. Ý kiến của tôi là Hindu là một tôn giáo lớn, nhưng đừng trở nên cực đoan.”

“Ha, đừng nói với tôi chuyện cực đoan. Chúng tôi biết tôn giáo nào mới cực đoan.”

Tôi không rõ liệu Omi có tin vào điều nó nói không, hay nó đang ôn lại bài giảng của Parekh-ji. Chưa bao giờ nó nói chuyện này với Ish và tôi, nhưng đâu đó trong sâu thẳm, không biết nó có cảm nhận giống như Bittoo Mama không? Nếu đam mê của Ish là cricket, đam mê của tôi là kinh doanh, vậy đam mê của Omi có phải là tôn giáo không? Hay có lẽ, cũng giống như hầu hết mọi người, nó đang mơ hồ và đang cố tìm niềm đam mê mình. Và không như chúng tôi, những đứa không bao giờ coi trọng nó, có lẽ Parekh-ji khiến cho nó được cảm giác mục đích và tầm quan trọng.

“Chúng ta có thể thỏa thuận không bàn về chính trị được không?” Ish nài nỉ khi nó ra dấu tạm dừng.

“Bác vẫn thấy ổn khi cho con mình đi tập chứ?” tôi hỏi bố Ali, không biết liệu ông có đổi ý sau cơn bùng giận của Omi không.

“Đừng ngốc thế. Chúng ta đang trao đổi sự về khác biệt. Đấy là điều đất nước này đang thiếu. Không sao cả, tôi tin tưởng giao con trai mình cho các cháu.”

Chúng tôi đứng lên và đi ra cửa để về. Ish nhắc lại giờ tập là 7 giờ sáng.

“Nào, tôi sẽ tiễn các cậu ra đường chính. Tôi thích đi bộ sau khi ăn tối,” bố Ali nói.

Chúng tôi bước ra khỏi nhà Ali. Omi cúi đầu, có lẽ cảm thấy xấu hổ vì đã to tiếng. Bố Ali lại nói. “Tôi không đặc biệt tin vào đảng của mình.”

“Thật ư?” tôi nói khi không ai lên tiếng.

“Đúng, bởi vì ở mức độ nhất định, họ cũng chẳng khác gì những đảng phái chính trị, họ dành nhiều thời gian chơi trò chính trị hơn là làm việc cho đất nước. Tạo ra sự bất đồng, chia bè cánh, gây chia rẽ - họ rất giỏi những việc này.”

Tất cả chúng tôi gật đầu chào tạm biệt. Nhưng bố Ali chưa nói xong. “Giống như là hai khách hàng vào một quán ăn, và chủ cửa hàng chỉ đưa cho họ một đĩa thức ăn. Và nếu bạn muốn ăn, bạn phải đấu tranh với người kia. Hai người mải tranh nhau, và có người bảo họ nên đổi ý định và ăn mỗi người một nửa. Trong suốt chuyện này, họ quên đi phần chính - tại sao người chủ không đưa cho họ hai đĩa thức ăn?”

Tôi nhận ra khuôn mặt của bố Ali. Đằng sau bộ râu kia, lần khuất đâu đó một nhà thông thái.

“Quan điểm hay lắm, cuộc tranh cãi sinh ra. Đó là lý do cháu không bao giờ quan tâm nhiều đến chính trị hay tôn giáo,” tôi nói.

“Một khi tranh cãi sinh ra, nó dẫn đến tranh cãi khác và cứ thế mãi. Ta không thể dừng lại được,” Ish nói.

“Các cháu biết ở đại học tôi từng dạy môn động vật học không,” bố Ali nói. “Và có lần tôi đọc về cuộc chiến của loài tinh tinh, có lẽ liên quan đến chuyện này.”

“Cuộc chiến của loài tinh tinh?”

“Đúng, những con đực trong cùng một đàn đánh nhau dữ dội - để tranh giành thức ăn, con cái, hay bất cứ điều gì. Tuy nhiên, sau cuộc đấu, chúng trải qua một nghi lễ kỳ lạ. Chúng hôn nhau, vào môi.”

Đến Omi cũng phải phì cười.

“Vậy người Hindu và người Hồi giáo nên hôn nhau à?” tôi nói.

“Không, vấn đề là nghi lễ đó do tự nhiên tạo ra. Để đảm bảo rằng cuộc tranh chấp đã được giải quyết và đàn tinh tinh vẫn chung sống với nhau. Thực ra, bất cứ mối quan hệ lâu dài nào cũng cần điều này.”

“Bất cứ sao?” Ish nói.

“Đúng, cứ lấy chuyện vợ chồng làm ví dụ. Họ cãi nhau, làm tổn thương tình cảm của nhau. Tuy nhiên, cuối cùng họ dàn hòa, bằng cách ôm nhau, tặng quà hay là nói với nhau những lời đẹp đẽ. Các cơ chế hòa giải này rất quan trọng. Vấn đề trong quan hệ đối đầu giữa người Hindu và Hồi giáo ở Ấn Độ không phải chuyện bên này đúng bên kia sai. Mà là...”

“Không có cơ chế hòa giải,” Ish nói.

“Đúng, thế nghĩa là nếu các chính trị gia đổ dầu vào lửa, thì không có lính cứu hỏa để dập tắt. Nghe có vẻ thô lỗ, nhưng Omi đúng đấy. Trong lòng mọi người cảm thấy. Bằng cách không nói ra, những bất đồng không mất đi. Những phẫn uất cứ dồn nén, đến khi bộc lộ ra thì quá muộn rồi.”

Chúng tôi đã ra đến đường chính và dừng lại cạnh một hàng bán trầu cau. Tôi hiểu ra tại sao bố Ali đi cùng chúng tôi. Ông muốn ăn trầu sau bữa tối.

“Bác nhắc Ali đến đúng giờ nhé,” Ish nói khi chúng tôi vẫy tay chào.

Suốt cả đêm tôi cứ nghĩ về hình ảnh những con tinh tinh hôn nhau.

***

Ali đến đúng giờ, trong bộ đồ kurta trắng. Một tay nó cầm cuốn sách toán, tay kia cầm gậy.

“Chơi cricket trước. Bỏ sách ra,” Ish nói.

Thằng bé giật mình vì chỉ đạo bất ngờ đó. Tôi đưa nó lên tầng và mở cửa. Ali chọn một ngăn tủ trống và bỏ sách vào. Paresh và Naveen, hai đứa bé khác cũng đến chơi cricket. Chúng cũng tầm tuổi Ali nhưng trông khỏe hơn.

“Các chàng trai, chạy vòng quanh sân hai mươi lần,” Ish ra lệnh theo cái giọng sĩ quan huấn luyện. Việc bọn trẻ phải chạy bao nhiêu vòng được quyết định một cách rất tùy nghi. Tôi nghĩ nó thích định ra liều lượng thể lực đầu tiên này mỗi ngày.

Tôi lên tầng, vào kho an toàn để xem sách của Ali. Những cuốn vở trắng trơn. Sách toán thì là dành cho lớp bảy, nhưng trông như chưa hề động vào.

Tôi bước ra ngoài ban công tầng một. Các học trò đang chạy buổi sáng.

“Gì cơ?” Ish nói khi Ali dừng lại sau năm vòng.

“Em... không... thể... chạy,” Ali hổn hển.

Omi nhếch mép. “Anh bạn này, mọi người ở đây chạy cả trăm vòng kia. Em sẽ chạy giữa hai cọc gôn thế nào đây? Em không định chơi bóng sao?”

“Thế nên... em không... thích cricket,” Ali nói, vẫn thở hổn hển. “Chúng ta không thể cứ thế chơi luôn được ạ?” Ali nói.

“Em phải khởi động cho ấm người lên đã chứ,” Ish nói.

Với Ali, thế còn hơn cả làm ấm người. Mặt nó đang nóng bừng và đỏ lừ.

Sau giờ thể lực, Ish chơi bắt bóng và chạy sân. Ish đứng ở giữa cầm gậy, mọi người ném bóng cho nó. Nó đánh bóng thật cao rồi bảo mọi người bắt lấy. Ali không bao giờ rời khỏi vị trí. Nó chỉ có thể bắt khi bóng đến gần.

“Được rồi, chơi nào,” Ish vỗ tay. “Paresh, em ở đội anh. Chúng ta ném bóng trước. Naveen, em sẽ ở đội Ali và đánh bóng trước.”

Naveen bước lên vạch đánh bóng, Ali trở thành chân chạy giữa hai cọc gôn. Naveen đánh trúng pha giao bóng thứ tư của Paresh. Ish chạy đón bóng. Đây là một pha bóng dễ, chỉ cần chạy hai lượt dễ dàng, nhưng sự lười nhác của Ali nghĩa là bên của chúng chỉ được một điểm. Paresh lấy ba bước chạy đà và ném bóng. Ali đánh trúng, quả bóng tung lên và bay mạnh vào tầng một. Ở ban công tầng một, tôi cúi xuống (để tránh). Quả bóng bay qua tôi và đập vào cửa sổ phòng giám đốc chi nhánh.

Vẻ mặt sững sờ của Paresh chẳng kém gì mặt Ish, khi Ali ghi điểm sáu trong lần đánh bóng đầu tiên.

“Này, chuyện gì thế? Muốn làm anh hùng à?” Ish chạy lại Ali.

Ali trông bối rối trước lời khiển trách.

“Đây không phải sân cricket nhé. Chúng ta đang chơi trong ngân hàng. Nếu bóng bay ra và trúng phải người, ai sẽ chịu trách nhiệm đây? Sẽ làm sao nếu có gì đó bị vỡ? Ai sẽ trả tiền đây?” Ish quát tháo.

Ali vẫn lộ vẻ ngạc nhiên.

“Cú đánh tốt đấy,” Paresh nói.

“Im đi. Này Ali, anh biết em có thể làm được như vậy. Hãy học khía cạnh khác của trò chơi này.”

Ali cứ đơ ra, gần như bật khóc.

“OK, nghe này. Anh xin lỗi. Anh không có ý...” Ish nói.

“Em chỉ biết làm như thế thôi. Em không thể làm gì khác đâu,” giọng Ali như rạn vỡ.

“Bọn anh sẽ dạy em. Giờ thì cho anh biết, sao em không ném bóng?”

Hôm đấy Ali không đánh bóng nữa. Trong nửa tiếng tiếp theo, Ish cho tập đơn giản và cố không la hét. Nửa tiếng còn lại thật khắc nghiệt, vì lúc chơi cricket, Ish như một con thú.

“Em lên tầng lấy sách đi. Chúng ta sẽ học ở sân sau,” tôi nói với Ali, lúc này đã mồ hôi nhễ nhại.

Nó mang sách xuống, và giở chương đầu tiên quyển toán. Là phần phân số và số thập phân.

Omi mang hai túi sữa. “Này,” nó đưa một túi cho Ish.

“Cảm ơn,” Ish nói, và dùng miệng xé ra.

“Và đây, một túi nữa,” Omi nói.

“Để làm gì?” Ish nói, sau khi đã hớp một ngụm lớn.

“Đưa nó cho con bọ gậy kia,” Omi nói. “Mày thấy cánh tay nó không? Chúng còn mảnh hơn cả cọc gôn. Mày muốn nó thành cầu thủ hay không nào?”

“Mày tự đi mà đưa,” Ish cười.

Omi đẩy túi sữa lại gần Ali rồi bỏ đi.

“Em đã học phân số bao giờ chưa?” tôi nói.

Nó gật đầu.

Tôi bảo nó giản ước 24/64 và nó bắt đầu chia tử số và mẫu số cho hai, rồi chia tiếp cho hai, cứ thế. Dĩ nhiên, trong môn toán nó thiếu cái trực giác mà nó có khi đánh bóng ghi sáu điểm. Tuy nhiên, bố nó bảo đã cố gắng hết mức.

“Gặp lại ở cửa hàng nhé,” Ish bảo tôi rồi quay sang Ali, “Có câu hỏi nào về cricket không, nhà vô địch?”

“Tại sao mọi người phải chạy giữa hai cọc gôn để ghi điểm?” Ali nói, mồm gặm đầu bút.

“Đó là cách ghi điểm. Luật chơi là thế,” Ish nói.

“Không, không phải. Ý em là tại sao lại mất công chạy ngược chạy xuôi, mạo hiểm chịu chấn thương để kiếm được một, hai điểm trong khi ta có thể chỉ cần đánh một cú là ghi được sáu điểm?”[9]

[9] Các cách tính điểm của cricket: chạy từ một phía cọc gôn này sang phía cọc gôn bên kia: 1 điểm, đánh bóng ra tới vòng biên của sân: 4 điểm, đánh bóng không chạm đất, bay ngoài vòng biên (kể cả bay vào khán đài): 6 điểm (cao nhất).

Ish gãi đầu. “Hãy thắc mắc môn toán đi,” nó nói rồi bỏ đi.

***

“Tao hiểu rồi. Thế hệ trẻ từ 6x đến 8x là thế hệ kém nhất của Ấn Độ. Ba mươi năm này là nỗi xấu hổ của người Ấn,” Ish nói khi chúng tôi nằm trong cửa hàng.

Chúng tôi trải thảm lên sàn cửa hàng. Giấc ngủ là cách tuyệt vời để giết thời gian trong buổi chiều vắng khách. Độ này đang mùa thi cử và việc làm ăn khá ế ẩm. Omi ngáy khò khò, còn Ish và tôi bàn về triết học như mọi khi.

“Cũng chẳng kém thế đâu,” tôi nói. “Chúng ta đã giành Cúp thế giới năm 1983.”

“Đúng, chúng ta đã chơi cricket giỏi, nhưng đó là cricket. Chúng ta vẫn nghèo, vẫn có chiến tranh, vẫn bầu ra cùng bọn ngợm ham quyền lực chẳng làm được gì cho đất nước này. Công việc mơ ước của mọi người là làm cho nhà nước, thật vãi cả lúa. Không ai dám mạo hiểm hay thò cổ ra. Toàn thùng rỗng và các chuyên gia cố vấn, chấm hết,” Ish nói.

“Và đoán xem ai đứng đầu? Đảng nào? Lại lũ thế tục vớ vẩn ấy,” Omi hé một mắt và tham gia.

“À, dân cánh hữu của mày cũng đâu có tổ chức gì cho ra hồn mà làm việc hiệu quả,” Ish nói.

“Chúng tao sẽ làm được. Chúng tao đã sẵn sàng. Bọn mày đợi mà xem, bầu cử sang năm Gujarat sẽ là của chúng tao,” Omi nói.

“Mà thôi, quên chính trị đi. Quan điểm của tao là thế hệ 6x đến 8x đã già, và họ đang điều hành đất nước. Nhưng thế hệ 9x và, người ta gọi là gì nhỉ...”

“Ox.”

“Đúng, sao cũng được. Thế hệ Ox, họ suy nghĩ khác. Nhưng chúng ta đang chịu sự điều hành của những kẻ già nua hủ lậu, không bao giờ làm được gì xứng đáng trong nhiệm kỳ của họ. Thế hệ Doordarshan đang điều hành thế hệ Star TV,” Ish nói.

Tôi vỗ tay. “Oa, ở cửa hàng Đội Cricket Ấn độ tri thức được cho không.”

“Mày câm đi. Đúng là không thể tranh luận ở đây được. Mày nghĩ chỉ có mày mới là trí thức. Còn tao chỉ là huấn luyện viên cricket thôi,” Ish cau có.

“Không, mày cũng là trí thức đấy. Tao chỉ là trí ngủ thôi. Giờ ta ngủ một lát cho tới khi bọn trẻ phiền hà đến đây,” tôi nói, và nhắm mắt lại.

Giấc ngủ của chúng tôi nhanh chóng bị quấy rầy.

“Đi nằm đấy, hay nhỉ. Khi giá thuê rẻ, thì người bán hàng đi ngủ,” giọng của Bittoo Mama khiến chúng tôi ngồi dậy hết. Ông ta đang làm quái gì ở đây nhỉ?

“Giờ này vắng khách, thưa Mama,” Omi vừa nói vừa kéo ghế ra. Nó ra hiệu cho tôi đi lấy trà. Tôi mở hộp thu ngân và lấy vài xu lẻ.

“Tìm cái gì ăn nữa nhé,” Mama nói. Tôi gật đầu. Giờ thì thằng khỉ nào đang trả tiền bánh cho Mama đây? Tiền thuê cửa hàng không rẻ đâu, tôi nghĩ khi ra khỏi cửa hàng với nụ cười giả tạo. Tôi quay về, mang trà cho mọi người.

Mama đang nói với Omi, “Nếu buổi chiều vắng khách thì cháu đến giúp cậu đi. Bạn cháu cũng có thể đến. Giành được một ghế không phải dễ. Bọn thế tục này giỏi lắm.”

“Cậu muốn cháu làm gì?” Omi nói khi lấy trà trong thùng và chuyển cho mọi người.

“Chúng ta phải huy động lớp trẻ. Trình bày với họ triết lý của chúng ta, cảnh báo họ trước lũ đạo đức giả. Trong thời gian tranh cử, chúng ta cần mọi người giúp trong việc quảng bá, tổ chức các buổi mít tinh. Đầy việc cần làm.”

“Lần sau cháu sẽ đến, thưa Mama,” Omi nói.

“Bảo cả những người khác nữa. Nếu cháu thấy thanh niên ở đền, hãy kể cho họ về đảng của chúng ta. Hãy kể cho họ về ta.”

Tôi đứng lên, thấy chán ngán. Đúng, tôi có thể hiểu được việc nhằm vào khách viếng đền, dựa trên triết lý của đảng họ. Nhưng khi mọi người đến cầu nguyện, có nên đẩy họ tham gia chính trị không? Tôi mở sổ kế toán để khỏi phải nghe.

“Cháu sẽ đến chứ?” Mama quay sang Ish.

“Cửa hàng cần người trông coi. Ít nhất là một người, ngay cả lúc vắng khách,” Ish nói. Thằng lỏi, tôi đang định lấy cớ đó.

“Còn cháu, Govind?” Mama nói.

“Cháu không muốn tham gia chuyện đó. Cháu là người vô thần, cậu nhớ không?” tôi nói, vẫn đọc sổ.

“Nhưng đây không phải chuyện tôn giáo. Mà là chuyện công lý. Và xét việc chúng ta cho thuê cửa hàng này giá rẻ như vậy, cháu mắc nợ chúng ta đấy.”

“Đây không phải cửa hàng của cậu. Mẹ Omi cho chúng cháu thuê. Và với vị trí như ở đây, giá thuê như vậy là vừa,” tôi nói.

“Chỉ mình con đến là đủ rồi, Mama. Dhiraj cũng sẽ đến, đúng không?” Omi nói, cố phá vỡ bầu không khí căng thằng leo thang giữa Mama và tôi. Dhiraj năm nay mười bốn tuổi, con trai của Mama, và là em họ của Omi.

“Xem lòng kiêu hãnh của nó kìa! Cái cửa hàng ba xu và cái tôi khổng lồ,” Mama nói. “Nếu Omi không ở đây, thì ta sẽ tống chúng mày ra.”

“Không cần phải vậy. Chúng cháu sẽ rời đây sớm thôi,” tôi nói không suy nghĩ. Tôi không cưỡng được. Tôi muốn nói với ông ta vào phút chót, ngay trước khi chuyển đến khu mua sắm Navrangpura. Nhưng tôi phát tởm cái giọng kẻ cả ấy.

“Ô, thật sao? Ở đâu thế, mày sẽ đẩy xe với những cây gậy và bóng này à?” Mama nói.

“Bọn cháu sẽ chuyển đến khu mua sắm Navrangpura. Lúc ấy cậu có thể lấy lại cửa hàng.”

“Gì cơ?” Mama kêu lên.

“Tháng sau bọn cháu sẽ đặt cọc tiền. Sẽ sở hữu khi cửa hàng khai trương, trong ba tháng nữa. Cái cửa hàng ba xu này sẽ chuyển đến một cửa hàng thể thao hạng nhất,” tôi nói.

Miệng Mama vẫn há hốc. Nhiều tháng nay, tôi đã mơ thấy vẻ mặt này.

“Có thật không?” Mama quay sang Omi.

Omi gật đầu.

“Tiền đặt cọc là bao nhiêu?” Mama nói.

“Bốn mươi ngàn. Bọn cháu tiết kiệm được,” tôi nói.

“Cháu trả ở đây mỗi tháng một ngàn. Nếu cháu trả theo giá thị trường là hai ngàn, không thể tiết kiệm được nhiều thế,” Mama nói.

Tôi yên lặng.

“Sao cơ? Giờ cháu không nói gì sao?” Mama đứng lên.

Tôi phải làm sao đây? Đứng lên và níu chân ông ta à? Tôi cũng tạo việc làm cho cháu ông ta, và một phần lợi ngang bằng với tôi. Hẳn rồi, vì Omi là bạn tôi, nhưng với phẩm chất như nó, không ai cho nó vị trí như vậy. Giá thuê rẻ hơn là điều tối thiểu ông ta có thể làm.

“Mama ơi, bao giờ cậu cần cháu,” Omi nói.

“Tốt lắm, ta sẽ gặp cháu sau,” ông ta nói. “Cứ nghỉ ngơi đi.”

Ish giơ ngón tay giữa lên khi Mama rời đi. Rồi chúng tôi nằm xuống và quay về giấc ngủ.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện