MƯỜI
Ấn Độ gặp Úc
Thể thức Đối kháng[14]
Kolkata, 11-15 tháng Ba, 2001
[14] Còn được gọi là “Test Match” hay “Test Cricket”, tức hình thức đối kháng giữa hai đội tuyển quốc gia với thời gian thi đấu kéo dài tối đa được quy định trong vòng 5 ngày. Trường hợp đội tuyển nào đạt chiến thắng trước 5 ngày thì trận đấu sẽ chấm dứt sớm, ngược lại nếu vượt quá 5 ngày vẫn chưa có đội thắng cuộc thì trận đấu cũng được kết thúc với kết quả hòa.
NGÀY 1
Trên đời này, phần lớn những sự việc xảy ra đều như cứt. Tuy nhiên, đôi khi cũng xảy ra chuyện diệu kỳ. Với chúng tôi, trận thứ hai trong loạt trận Ấn Độ gặp Úc là liều thuốc thần sau trận động đất. Tôi nhớ từng ngày của loạt trận đấu đó. Ish thì tiếp tục ý tưởng kỳ quái và hết sức viển vông của nó: cho Ali tiếp xúc với đội tuyển Úc.
“Gặp các cầu thủ Úc à?” Omi nói khi nó lau bụi trên bàn. Ish và tôi ngồi trên sàn, trước ti vi.
“Họ đang ở Ấn Độ,” Ish nói. Nó chỉ tay vào đội tuyển Úc đang đánh bóng trên màn hình. “Bao giờ chúng ta mới có một cơ hội như thế này lần nữa?”
“Nó có điên không?” Omi hỏi tôi.
“Tất nhiên là nó điên. Mày định làm gì khi gặp họ? Hỏi thật đấy?” tôi hùa theo.
“Tao muốn nghe ý kiến của họ về Ali.”
“Làm thế nào?” Omi nói khi nó ngồi xuống với chúng tôi.
“Chúng ta sẽ đi xem một trận đấu. Có lẽ một trong số loạt trận đơn nhật,” Ish nói.
“Tiền đâu mà đi,” tôi nói.
“Loạt trận đơn nhật vẫn sẽ tiếp diễn trong vòng hai tháng nữa. Nếu công việc làm ăn thuận lợi, thì chúng ta có thể,” Ish nói.
“Họ lại đang ép chúng ta nữa kìa. Tiên sư, công việc không bao giờ phất lên được,” tôi nói khi thấy điểm số. Trong ngày đầu tiên vào giờ nghỉ uống trà, điểm của đội Úc đã là 193/1.
“Nếu thuận lợi. Tao bảo là nếu,” Ish nói, thất vọng trước điểm số hơn cả tôi.
“Vậy là chúng ta sẽ đi xem một trận. Rồi sao? Gõ cửa phòng Hayden và nói, ‘Này, xem thử thằng bé này thế nào!’ à? Mày định gặp họ thế nào?” tôi chế giễu.
“Tao không biết,” Ish quay sang màn hình, mặt cau có. “Ném tốt hơn đi.”
“Xin lỗi nhé, các cậu đang xem trận Ấn Độ - Úc à?” giọng một phụ nữ làm chúng tôi gián đoạn.
Một bà lớn tuổi đứng trước quầy, tay cầm mâm lễ puja.
“Vâng?”
“Có thể cho cháu tôi xem với các cậu một lúc được không?” bà nói.
Tôi đứng lên. Một cậu bé đi cùng bà. Tôi chưa bao giờ nhiệt tình với việc có kẻ cha căng chú kiết nào đấy tự nhiên vào cửa hàng chúng tôi để giết thì giờ. Bà ta cảm nhận sự dè dặt của tôi. “Chúng tôi sẽ mua gì đó. Tôi muốn vào lễ hát nguyện trong kia, còn Babloo lại muốn xem trận đấu.”
“Dĩ nhiên, nó có thể xem.” Ish mở cửa rộng hơn. Thằng bé bước vào và ngồi trước ti vi. Ish và tôi cau mày nhìn nhau.
“Đừng ngồi ngẩn thế Babloo. Mà tôi là Ganguly. Tôi cũng cần tư vấn mua dụng cụ cricket cho trường học của tôi, nếu các cậu có thể đến gặp tôi lúc nào đó.”
“Trường ư?” tôi nói.
“Vâng, tôi là hiệu trưởng trường Kendriya Vidyalaya ở Ellisbridge. Chúng tôi chưa bao giờ có được nhà cung cấp thiết bị thể thao tốt. Người ta cứ nghĩ chúng tôi là trường công nên họ cố moi tiền chúng tôi. Các cậu cũng cung cấp cho trường học, phải chứ hả?”
Câu trả lời là không. Chúng tôi chưa từng cung cấp thiết bị cho trường học.
“Có chứ,” tôi nói. “Thực ra, chúng tôi có cả cố vấn riêng, là Ishaan. Cậu ấy là cựu cầu thủ cấp quận.”
“Tuyệt lắm. Vậy tôi sẽ gặp các cậu sau,” bà Ganguly nói và bỏ mặc chúng tôi ngồi toan tính về đề xuất kinh doanh của bà.
“Em muốn ăn kẹo không, Babloo?” Omi nói, chúng tôi đang cố gây ấn tượng tốt đẹp nhất với bất kỳ ai liên quan đến bà Ganguly.
“Nhưng chúng ta đâu phải nhà cung cấp,” Ish nói sau đó.
“Vậy thì sao? Mày phải thu xếp vụ này giúp tao, Ish. Đây là mối tạo doanh thu ổn định.”
“Nếu tao lo được vụ này, mày sẽ đến Goa chứ?”
“Goa à?” tôi nhíu mày.
“Đó là ngày diễn ra trận đơn nhật cuối. Tao đã chọn ngày xa nhất rồi. Nếu chúng ta tiết kiệm đủ, chúng ta sẽ đi cùng Ali.”
“Nhưng...”
“Đồng ý đi.”
“Đồng ý,” tôi nói. Sau thất bại vụ khu mua sắm, tôi muốn làm Ish vui lòng. Tôi đứng lên kiểm tra thu chi trong ngày.
“Tuyệt lắm. Này, xem trận đấu kìa?” Ish nói. “Thế trận hoàn toàn đảo ngược.”
Tôi nhìn lên màn hình. Có lẽ Thượng đế đã lắng nghe lời cầu nguyện của bà Ganguly trong kia. Sau giờ nghỉ, một cầu thủ người Sikh, không mấy tiếng tăm, tên là Harbhajan Singh ném bóng. Cọc gôn đổ xuống, và từ 193/1, đội Úc kết thúc ngày hôm đó ở mức điểm 291/8.
“Bhajji, anh thật tuyệt vời,” Ish cúi người hôn vào ti vi.
“Đừng xem ti vi gần thế,” Babloo nói.
“Đừng có mà lúc nào cũng nghe lời người lớn. Không ai bị mù vì ngồi gần xem ti vi đâu. Không phải người ta vẫn làm việc với máy tính à?” Ish nhảy nhót phấn khích.
Hai tiếng sau, bà Ganguly vào đón Babloo. Bà mua cho nó hai quả bóng tennis. Tôi nao núng muốn tặng bà luôn, nhưng lại sợ bà hiểu nhầm sang ý khác.
“Đây,” bà nói, trao cho tôi danh thiếp của bà. “Chúng tôi họp ban giám hiệu vào mỗi thứ Hai. Sao cậu không đến trình bày xem cậu có thể giúp gì?”
Chúng tôi có bốn ngày chuẩn bị. Tâm trạng của ban giám hiệu sẽ tốt hơn nếu Ấn Độ thắng trận này.
“Hẳn rồi, chúng tôi sẽ gặp bà,” tôi nói và nhét thêm chiếc kẹo cho Babloo.
NGÀY 2
Cách duy nhất mô tả ngày thứ hai của loạt trận này là “chán nản”. Từ 291/8, đội Úc đã nhảy vọt lên trong những lượt đánh bóng đầu tiên, kết thúc lượt đánh với số điểm 445. Đội Ấn Độ bước ra cầm gậy, và người khai mào Ramesh rời khỏi sân mà không ghi được điểm nào.
“Ramesh là thằng bỏ mẹ nào thế? Suất ngoại giao à?” Ish nói.
Nhưng không chỉ Ramesh mới kém. Tendulkar ghi được mười điểm, những người khác còn ghi được ít hơn. Dravid ghi được số điểm cao nhất là hai lăm. Ngày thứ hai kết thúc, điểm số của Ấn Độ là 128/8.
Lúc ăn tối, Ish vằm nát cái bánh chapani trong giận dữ. “Những người Úc này hẳn đang nghĩ - sao phải đấu với Ấn Độ làm gì.”
“Cầu cho một trận hòa. Với tỉ số hòa còn có hy vọng bán hàng. Bằng không thì chúng ta sẽ đổi nghề. Thể thao là lựa chọn sai lầm ở đất nước này.” Tôi đưa nước xốt cho Omi.
“Họ có hai chục triệu dân. Chúng ta có một tỉ dân, tăng trưởng hai phần trăm mỗi năm. Tiên sư chứ, mỗi năm chúng ta đẻ ra cả một nước Úc. Thế mà, bọn chúng đè bẹp ta. Chuyện này có gì đó không ổn.”
“Chúng ta có nên mở một hàng hoa nữa không? Nhu cầu mua hoa ở đền bao giờ cũng có,” tôi nói.
Ish không để ý lời tôi. Nó lẩm bẩm cái gì về việc tránh phải đánh follow on[15], vụ này thì hơi khó.
[15] Theo luật 13 của môn cricket thể thức đối kháng, đội dẫn trước ít nhất 200 điểm có thể tiếp tục ném bóng sau lượt đầu tiên và yêu cầu đội còn lại phải tiếp tục đánh bóng thay vì luân phiên ném bóng như bình thường. Bên ném bóng thường có nhiều cơ hội ghi điểm hơn.
NGÀY 3
Sáng hôm sau, tôi không biết tại sao chúng tôi còn bật ti vi lên làm gì. Ấn Độ phải vật lộn để kéo dài lượt đánh bóng đầu tiên, nhưng kết thúc trước trước giờ ăn trưa với điểm số 171. “Và đội Úc đã đề nghị Ấn Độ đánh follow on,” bình luận viên nói và tôi vỗ vào trán. Thất bại trong trận đối kháng là một chuyện, nhưng thất bại ngay trong một lượt đánh bóng nghĩa là cả tuần công viên vắng tanh. Bọn trẻ thà đọc sách giáo khoa còn hơn chơi cricket và đau đáu nghĩ về nỗi nhục của Ấn Độ. Sao tôi lại kinh doanh cái này? Sao tôi ngốc thế chứ? Sao tôi không mở một hàng bánh ngọt? Người Ấn luôn ăn đồ ngọt. Tại sao lại thể thao? Tại sao lại cricket?
“Tuyệt-quá-đấy-cái-trò-follow-on-chết-tiệt,” Ish nói, phun ra cả một cụm từ cho riêng khoảnh khắc này. Nó siết nắm tay và đến gần ti vi một cách nguy hiểm. “Ta đã ghìm chúng ở điểm 291/8, và bây giờ chúng bảo ta chơi follow on à?”
“Có nên tắt ti vi không nhỉ?” tôi nói. Chúng tôi có nên đóng hẳn cửa hàng không? tôi nghĩ.
“Đợi đã, tao muốn xem pha này. Tao muốn xem đội chúng ta trao đổi ánh mắt ra sao khi họ thua đau như thế,” Ish nói.
“Họ đâu có trao đổi ánh mắt. Mày đang xem họ trên ti vi thôi,” Omi nói.
“Nếu trận này mà hòa, tao sẽ đãi chúng mày bữa tối. Ok, hai bữa luôn,” Ish nói.
Trong lượt đánh bóng thứ hai, Ấn Độ có một sự thay đổi. Họ thay cầu thủ đánh bóng đầu tiên bằng một gã mới tên Laxman.
“Đội ta đầy những người biết giao tiếp bằng ánh mắt. Hôm nay ai cũng có cơ hội,” Ish nói khi các cầu thủ đánh bóng đầu tiên lên vạch đánh bóng trong lượt đánh bóng thứ hai bị buộc phải chơi follow on.
Nhưng Laxman đã đánh gậy trúng bóng. Anh ghi được hết bốn điểm này đến bốn điểm khác. Cuối ngày thứ ba, Ấn Độ đạt mức điểm 254/4 đáng khâm phục. Cộng với điểm ở lượt đánh bóng đầu tiên là 171, Ấn Độ chỉ cần 20 điểm chạy nữa là bằng điểm lượt đánh bóng đầu tiên của đội Úc, 445. Thua ở một lượt đánh bóng dường như khó xảy ra, và, vâng, chúng tôi thậm chí có thể hòa.
“Xem này, đó là điều đội Ấn Độ làm đấy. Ngay khi ta từ bỏ hy vọng, thì họ lại khiến ta hy vọng,” Ish nói lúc ăn tối.
“Đằng nào mà mày chẳng xem hết các ngày thi đấu. Làm ơn nghĩ đến cuộc gặp hôm thứ Hai đi,” tôi nói.
“Việc của Laxman chưa xong. Anh ta cần ở trong sân nếu chúng ta muốn một trận hòa,” Ish nói.
Tôi thở dài. Tôi phải tự chuẩn bị cuộc gặp với nhà trường thôi.
NGÀY 4
Nếu có một ngày đội Ấn Độ thống trị làng cricket thế giới, thì đấy là ngày thứ tư của loạt đấu. Vâng, Ấn Độ giành Cúp Thế giới ngày 25 tháng Sáu năm 1983, và điều đó cũng được tính. Nhưng ngày mà tôi đang nói là ngày hai tay đánh gậy của Ấn Độ đã khiến mười một cầu thủ Úc cuốn vào lối chơi của họ. Họ đã làm như vậy ngay ở nơi công cộng và suốt cả một ngày. Đúng vậy. Vào ngày thứ tư của giải đấu, Ish chả buồn rời ti vi để đi tè.
Chuyện xảy ra là thế này. Laxman và Dravid tiếp tục chơi và ghi được thêm 357 điểm. Ngày 4 khởi đầu ở 274/4 và kết thúc ở 589/4. Chín trong số mười một cầu thủ Úc thay nhau ném bóng, nhưng không ai trong số họ loại được một cầu thủ nào bên phía đội Ấn Độ. Đám đông trên sân Vườn Địa đàng[16] như phát điên. Họ reo hò tên Laxman nhiều đến mức Steve Wangh lộ vẻ gắt gỏng. Đội buộc chúng tôi chơi follow on lại không thể tận dụng lợi thế đó để loại được ai trong đội chúng tôi.
[16] Eden Gardens, sân cricket lớn tại Kolkata, Ấn Độ.
Laxman kết thúc ngày hôm đó ghi được 257 mà không phải ra sân, ghi nhiều hơn số điểm cả đội Ấn Độ ghi được trong loạt đánh bóng đầu tiên. Dravid ghi được 155 mà chưa phải ra sân. Chúng tôi còn nhiều người chưa bị loại nữa, hơn đội Úc 337 điểm, và giải đấu chỉ còn một ngày.
“Cuối cùng tao có thể thanh thản đi ngủ. Tao sẽ chiêu đãi ăn tối vì trận hòa này,” Ish nói khi chúng tôi kéo cửa xuống.
“Hy vọng bọn trẻ lại ra công viên chơi,” tôi nói.
NGÀY 5
Sự kỳ vọng của con người đúng là vô độ. Trong khi hai ngày trước, chúng tôi chỉ cầu mong có một trận hòa, thì khởi đầu ngày thứ năm lại dấy lên niềm hy vọng mới. Laxman rời sân, ghi được 281 điểm, và mọi người trong sân vận động đứng lên vỗ tay cổ vũ lượt đánh bóng mười một tiếng đồng hồ của anh ta.
Đội trưởng Ấn Độ Ganguly đưa ra một quyết định bất ngờ. Sau một giờ thi đấu của ngày hôm ấy, anh ta tuyên bố ngừng trận đấu với số điểm 657/7[17]. Nghĩa là đội Úc phải quay lại và đánh bóng. Và họ phải ghi được 384 điểm mới thắng.
[17] Trong các trận cricket đối kháng hai lượt ném bóng, tùy thuộc vào chiến thuật của đội, khi đã ghi được đủ điểm để giành chiến thắng, đội trưởng của phía đánh bóng có thể tuyên bố ngừng đánh tiếp bất cứ khi nào trong trận đấu. Đây là một quyết định mạo hiểm vì nếu đưa ra quá sớm thì khoảng cách điểm số quá ngắn, đối phương có thể dễ dàng vượt qua, hoặc quá muộn, khi không còn thời gian để hoàn tất trận đấu dẫn đến kết quả hòa.
“Ganguly có điên không? Quá mạo hiểm. Chúng ta nên chơi tiếp. Chấp nhận hòa và kết thúc,” tôi nói.
“Có lẽ trong đầu anh ta toan tính khác,” Ish nói.
“Sao?” Omi gãi đầu.
Tôi cũng không chắc ý định của Ganguly. Ok, vậy chúng tôi đã gặp may và tận dụng để đưa trận đấu đến một kết quả hòa. Nhưng tại sao đội trưởng tuyên bố khi anh ta có thể chơi tiếp cho đến lúc hết thời gian? Trừ phi, dĩ nhiên, anh ta muốn một quyết định. Đó là, một chiến thắng của Ấn Độ.
“Chắc là anh ta đang đùa. Chúng ta vừa phải chơi follow on. May mà ta đã không thua ngay trong một lượt ném bóng. Giờ Ganguly lại nghĩ anh ta có cơ hội ném bóng và loại những người Úc đó thật sao?” tôi nói.
Ish gật đầu khi một cầu thủ đánh bóng của đội Úc quay lại vạch đánh bóng. Ganguly đã buộc đội Úc muốn thắng phải ghi được 384, một điểm số thách thức - việc này khó nhưng vẫn có thể. Người Úc có thể chơi an toàn và chấp nhận kết quả hòa, nhưng đấy không phải lối chơi của Úc.
“Này Ngài Toán, chuyện này đã bao giờ xảy ra chưa? Đã bao giờ xảy ra chuyện bên phải chơi follow on cuối cùng lại thắng chưa?” Ish nói. Nó ra hiệu cho Omi khẩn trương nói những lời cầu nguyện đặc biệt ngay.
Tôi lôi ra cuốn sách dữ liệu cricket trên giá. Chúng tôi gần như chả bán được cuốn nào trong số này, nhưng nhà xuất bản một mực muốn chúng tôi lấy vài cuốn. “Ok, trước đây có xảy ra rồi,” tôi nói sau mười phút tìm kiếm.
“Mấy lần?” Ish nói, mắt dán vào màn hình.
“Hai lần,” tôi nói và nhận thấy Omi nhắm mắt và lẩm nhẩm cầu nguyện.
“Đấy nhé, có xảy ra. Hai lần trong bao lâu?” Ish nói.
“Hai lần trong một trăm mười năm qua.”
Ish quay sang tôi. “Chỉ hai lần à?”
“Một lần năm 1894 và sau đó là năm 1981,” tôi đọc to lên. “Cả hai lần, đội Anh thắng, đoán xem ai nào, Úc. Xin lỗi nhé, nhưng nói theo thống kê, trận này xong rồi.”
Ish gật đầu.
“Có vẻ như xác suất thấp quá, nên ta sẽ nói nếu là Ấn Độ thắng, tao sẽ tài trợ cho chuyến đi Goa,” tôi đùa.
“Hoặc nếu Ấn thắng, mày sẽ bắt đầu tin vào Thượng đế?” Omi hùa vào.
“Ừ”, tôi nói.
Tôi bảo Omi thôi đừng cầu nguyện quá nhiều. Một trận hòa cũng được. Ganguly có lẽ không biết tỉ lệ ăn thua ra sao. Tình huống tệ nhất là đội Úc còn vượt qua cả điểm 384.
“161/3,” Omi đọc điểm của Úc vào giờ nghỉ uống trà, trùng với giờ giải lao của chúng tôi.
“Thôi chuẩn bị dọn cửa hàng đi. Vài tiếng nữa trận đấu mới kết thúc. Có khi chúng ta sẽ có khách đấy,” tôi nói.
“Hòa cũng được. Chúng ta sẽ đánh bại đội Úc lần khác vậy,” Ish dè dặt cầm giẻ lên.
NGÀY 5 – SAU GIỜ NGHỈ UỐNG TRÀ
Đội Ấn Độ hẳn đã trộn gì đó đặc biệt vào đồ ăn trong giờ nghỉ. Đội Úc quay lại và tiếp tục lừng lững tiến lên mức điểm 166/3. Rồi năm vòng ném bóng chí tử, gồm một cú ăn ba của Harbhajan Singh. Vòng ném bóng tiếp theo, Úc 174/8. Trong lúc ghi được tám điểm ấy, một nửa đội Úc đã bị loại khỏi sân.
“Ish, mày cứ đứng trước ti vi là thế đéo nào,” tôi nói. Nhưng Ish không đứng, nó đang nhảy.
“Vứt mẹ cái xác suất thống kê của mày đi,” Ish hét trong hân hoan. Tôi không thích người ta xúc phạm toán học, nhưng tôi tin là nó có thiện chí. Khi đang làm nhân chứng của lịch sử thì ta cũng được phép nói tục đôi câu để ăn mừng chứ.
Chẳng bao lâu sau, hai cầu thủ đánh bóng cuối cùng cũng bị loại nốt. Harbhajan, anh chàng cầu thủ người Sikh mà Ish hôn lên màn hình (và vệt nước dãi còn dính khắp trên đấy), đã loại được sáu người, và Ấn Độ giành chiến thắng một cách ngoạn mục hơn bao giờ hết.
Trong sân Vườn địa đàng, mọi tấm biểu ngữ, mọi tấm áp phích và bất cứ thứ gì dễ bắt lửa mà người ta lấy được thì đều bị đốt cả. Không thể nào nghe tiếng bình luận trên truyền hình, khi đám đông hò reo mỗi lần tên của các cầu thủ Ấn Độ được xướng lên.
Ish đứng thẳng người, chống tay ngang hông, nhìn vào màn hình. Tôi có thể thấy tình yêu chân thành trong mắt nó. Thỉnh thoảng tôi đã thấy Ish nhìn những cầu thủ mặc áo xanh lơ như thể nó mong ước là một trong số họ. Nhưng hôm nay, nó không có một chút tiếc nuối cho riêng mình. Tôi nghĩ nó muốn họ chiến thắng còn hơn cả muốn được là một trong số họ. Nó đã thấy Harbhajan nhảy và nó cũng nhảy theo. Nó vỗ tay khi Ganguly đến nhận cúp.
“Hai quả bóng, nhanh lên ạ, bọn em đang chơi,” một thằng bé vứt tờ năm mươi rupi lên bàn. Khách hàng đầu tiên của Mùa Cricket Ấn Độ tuyệt vời đã đến.
Tôi khoanh tay và nhìn lên bầu trời. Cảm ơn Thượng đế, vì điều kỳ diệu ngài ban cho chúng con.
***
“Chúng tôi đến cung cấp các giải pháp, chứ không chỉ để bán mấy quả bóng,” tôi bắt đầu.
Tôi đã vào đầu hoàn hảo rồi. Sự chuẩn bị cho đến hai đêm cuối cũng đáng, tôi tự nhủ. Chúng tôi đang ở trong văn phòng hiệu trưởng tại ngôi trường thuộc hệ thống Kendriya Vidyalaya[18]. Căn phòng ở trong tình trạng tồi tàn, bàn ghế ọp ẹp và những chiếc cúp bám bụi. Giống hầu hết các văn phòng và tòa nhà của nhà nước, những chồng tài liệu cũ chất cao trên mấy cái tủ. Bà hiệu trưởng cùng sáu giáo viên ngồi quanh chiếc bàn gỗ hình bán nguyệt. Ai phải làm việc ở đây hẳn khổ sở lắm, tôi nghĩ. Ai phải làm việc thì đều khổ cả, tôi lại nghĩ.
[18] Kendriya Vidyalaya: Một hệ thống trường công lập thuộc chính quyền trung ương Ấn Độ, dưới sự bảo trợ của Bộ Phát triển Tài nguyên Con người.
“Tiếp đi,” hiệu trưởng nói, khi đoạn ngắt để gây hiệu ứng bị kéo dài quá.
“Nên chúng tôi có một cầu thủ vô địch cấp quận, người này có thể thiết kế một gói sản phẩm dựa trên nhu cầu và ngân sách của quý vị,” tôi chỉ vào Ish và mọi giáo viên nhìn nó.
Tôi chuyển các tờ giấy ước tính nhu cầu hàng tháng của trường căn cứ vào tám trăm học sinh. Tôi đã làm cho họ bản in laser ở một cửa hàng máy tính, với giá ba rupi mỗi trang. Một người phục vụ mang bánh gối và trà cho mọi người.
“Gói này sẽ tốn bao nhiêu?” vị giám đốc hành chính nói.
“Chúng tôi đã làm vài phép tính. Chi phí trung bình sẽ khoảng mười ngàn mỗi tháng,” tôi nói.
“Thế nhiều quá. Đây là một trường Kendriya Vidyalaya. Không phải trường tư,” giám đốc hành chính nói. Ông ta đóng cuốn sổ lại rồi đẩy cho tôi.
Tôi hít một hơi lớn thật sâu. Tôi đã nghĩ đến câu đáp cho cảnh này. “Thưa ông, chúng tôi có thể giảm xuống.”
Ish cắt lời tôi, “Chỉ mười hai rupi cho mỗi trẻ một tháng. Các vị không nghĩ chi phí thể thao đáng bằng chi phí cho một chiếc bút mực sao?”
Mấy giáo viên ngẩng đầu lên khỏi sổ ghi chép, liếc nhìn nhau.
“Nói thẳng là không. Chúng tôi được đánh giá dựa trên kết quả của mình. Tỉ lệ học sinh lên lớp và các học sinh khá giỏi. Nguồn lực của chúng tôi hạn hẹp,” vị giám đốc nói.
“Nếu ai cũng nghĩ như vậy thì lấy đâu ra các vận động viên thể thao cho Ấn Độ?” Ish nói.
“Từ những gia đình giàu có.” Vị giám đốc tháo kính và bình tĩnh lau.
“Nhưng tài năng không chỉ được phân bổ cho người giàu. Chúng ta phải mở rộng phạm vi.”
“Cậu có biết phân nửa số phòng học của chúng tôi bị dột nước không,” giám đốc nói. “Chúng tôi nên mua những quả bóng long lanh hay là sửa chỗ dột đây?” Ông ta đứng dậy toan bỏ đi.
Trong đầu tôi đã vài lần chửi tục. Thôi nào Govind, phải cứu vụ này. Mày cần làm ăn, bất kỳ vụ làm ăn nào.
“Thưa ông, chúng tôi có thể lập một phương án năm ngàn đồng mỗi tháng,” tôi nói.
Ish giơ tay ra bảo tôi yên lặng. Nếu được hẳn tôi đã giết nó.
Ish đứng lên, để ứng với chiều cao của giám đốc hành chính. “Thế ông ở đây để làm gì?”
“Cho lũ trẻ một sự giáo dục,” vị giám đốc nói, khuôn mặt ông nghiêm nghị.
“Và giáo dục ở đây chỉ là trong những cuốn sách chúng đọc dưới mái nhà ẩm dột này sao? Còn sự giáo dục từ thể thao thì sao?”
“Gì cơ?” giám đốc hành chính hỏi.
“Mời ông Jitin ngồi xuống,” bà hiệu trưởng nói. “Chúng ta hãy nghe xem họ nói gì.”
Ông Jitin, tôi ghi nhớ tên ông ta khi ông ngồi xuống.
“Các vị có dạy bọn trẻ môn học gọi là làm việc theo nhóm không? Các vị có dạy chúng theo đuổi mục tiêu với niềm đam mê không? Các vị có dạy chúng kỷ luật không? Các vị có dạy chúng tập trung không?” Ish hỏi. Tôi giậm chân, ra hiệu cho nó ngồi xuống. Nhưng nó lờ tôi đi.
“Cậu đang nói gì thế?” Lời của một giáo viên.
“Thể thao dạy học sinh tất cả điều này. Các vị thử nói xem, vậy ai thành công hơn trong đời? Đứa trẻ biết tất cả các công thức hóa học hay là đứa biết làm việc theo nhóm, có đam mê, có kỷ luật và sự tập trung?”
“Ngồi xuống nào, chàng trai,” hiệu trưởng nói. Ish ngồi xuống nhưng vẫn không chịu yên.
“Tôi sẽ không đưa ra phương án cắt giảm chi phí. Tám trăm đứa trẻ, người ta muốn nhốt chúng cả ngày trong lớp học. Chúng ta đuổi theo những điểm số cao vô dụng, nhưng lại không chịu chi khoản tiền trị giá hai chiếc bánh gối cho thể thao.”
Nó chỉ vào những chiếc bánh gối trên đĩa. Mọi giáo viên lập tức ngừng ăn. Khoảng ngừng ấy kéo dài cho đến khi vị hiệu trưởng phát biểu. “Được rồi, mười ngàn cũng đáng để thử. Để xem chuyện này sẽ đi đến đâu. Các anh có hợp đồng sáu tháng.”
Chúng tôi đứng lên để bắt tay. Sáu vị học thức, đầu như tuổi ngũ tuần, đứng lên bắt tay tôi. Đúng vậy, tôi đã trở thành một doanh nhân thực thụ.
“Nếu vụ này ổn, thì mời các cậu đến cuộc họp ở trường Belapur của chúng tôi,” quý ông già nhất trong nhóm nói.
“Ồ vâng. Đây là ông Bhansali, hiệu trưởng ở trường Belapur. Ông ấy đến đây thăm, nên tôi đã đề nghị ông ấy dự cuộc họp này,” bà hiệu trưởng giới thiệu.
Tôi cầm danh thiếp của ông. Trong đầu tôi lưu ý việc đặt danh thiếp và băn khoăn có nên giơ nắm tay ăn mừng luôn không hay để sau.