MƯỜI CHÍN

“Các cháu ta,” Mama gào.

Chúng tôi mở khóa cổng chính ngân hàng, rồi hé cổng. Mama dang vòng tay. Một tay ông cầm ngọn đuốc, và tay kia cầm chiếc đinh ba. Tôi nghĩ ông sẽ khóc khi nhìn thấy Omi, nhưng ông không khóc. Ông tiến sát lại ôm chúng tôi. Ông ôm cả ba chúng tôi trong vòng tay. “Cháu ơi, những kẻ khốn nạn kia đã giết con trai ta,” Mama nói, không buông chúng tôi ra.

Tôi nhìn vào đôi mắt lạnh lùng của ông. Trông ông chẳng giống một người cha bị mất con. Miệng ông phả ra mùi rượu và cần sa. Mama trông có vẻ phấn khích hơn là đau buồn.

“Em của cháu, Mama,” Omi nói và nén nước mắt.

“Đừng khóc. Hôm nay sẽ không ai khóc cả,” Mama thét lên và buông chúng tôi ra. Ông quay lại nói với đám đông, “người Hindu chúng ta chỉ biết khóc. Trong khi suốt mấy thế kỷ qua, những kẻ chó má kia cứ đến và giết. Ở một đất nước Hindu, trong một tiểu bang Hindu, những tên khốn kiếp có thể thiêu con cái chúng ta ngay giữa ban ngày ban mặt. Vậy mà chúng ta không làm gì. Chúng ta chỉ biết khóc. Chúng đến hiếp đáp chúng ta, cướp bóc và thiêu đốt chúng ta. Chúng nghĩ chúng có thể khủng bố cả thế giới khốn nạn này mà chúng ta không có can đảm để làm gì hết.”

“Giết chúng đi,” đám đông đáp lại. Những cử chỉ run run của đám đông cho thấy tình trạng không tỉnh táo của họ. Say máu hay say rượu, tôi cũng không biết được.

“Nhưng bọn con hoang kia đã mắc sai lầm lớn. Hôm nay chúng đã cố cưỡng hiếp Gujarat. Bọn chó má nghĩ những kẻ ăn chay này, bọn chúng sẽ làm gì? Hãy cho chúng biết ta có thể làm gì?”

Mama dừng lại để nhấp một ngụm từ cái bình đeo bên hông. Chúng tôi lùi lại phía ngân hàng.

“Tao hy vọng bọn họ không trông đợi chúng ta theo cùng. Tao sẽ không theo đâu,” tôi thì thầm vào tai Ish.

“Tao cũng thế, đưa cả Omi vào đi,” Ish nói. Chúng tôi bảo Omi nấp sau chúng tôi. Bằng một động tác khéo léo, Ish đóng cửa ngân hàng rồi khóa lại.

“Các cháu thầm thì gì đấy?” Mama nói và gần như mất thăng bằng. Ngọn đuốc của ông rơi xuống nền đất. Đám đông tản ra xung quanh. Ông cầm ngọn đuốc lên.

“Con trai ta đâu? Mở cửa ra,” Mama nói khi không nhìn thấy Omi.

“Mama muốn gì? Ngày mai chúng ta nói chuyện được không?” tôi nói.

“Ngày mai không được, hôm nay ta muốn một thứ.”

“Mama, cậu biết Omi cần phải về nhà...” tôi nói. Mama đẩy tôi ra.

“Tao không muốn Omi. Tao không muốn ai trong chúng mày. Tao có nhiều người để giết lũ con hoang kia.”

Ish đến cạnh tôi. Nó nắm chặt tay tôi.

“Vậy ông để chúng tôi yên, Mama,” Ish nói.

“Tao muốn thằng bé. Tao muốn thằng nhóc Hồi giáo kia,” Mama nói.

“Gì cơ?” Ish nói.

“Mạng đổi mạng. Tao sẽ giết nó ngay tại đây. Rồi tao sẽ khóc cho con trai tao. Đưa thằng chó kia ra đây,” Mama nói và gí ngón tay vào ngực Ish. Ish gượng đứng thẳng.

Những ngọn đèn xì đốt cháy đám cỏ khô ở cổng ngân hàng. Một khóa to đã khóa chặt cổng và bỏ đám đông bên ngoài.

“Mama, cậu say rồi. Không có ai ở đây cả,” Omi nói.

“Mày cứ mất con đi đã. Rồi tao sẽ cho mày biết say là thế nào,” Mama nói, “và tao biết nó ở đây, vì nó không có ở nhà.”

“Mama, cậu mâu thuẫn với cha của nó mà,” tôi nói.

“Tao đã chăm sóc cha nó rồi,” Mama nói, “và cả ả điếm mẹ kế của nó nữa. Tao đã dùng cái này giết chúng.” Mama nâng đinh ba lên cho chúng tôi xem. Những đầu đinh ba dính máu của họ.

Tôi nhìn Ish và Omi. Chúng tôi quyết định ngay tức thì. Chúng tôi chạy vào trong ngân hàng. Tôi đóng cửa chính và chốt lại.

***

Tôi hít vào một hơi thật dài, thật sâu.

“Bình tĩnh, bình tĩnh... chúng ta phải nghĩ,” Ish nói. “Tao sẽ gia nhập nhóm họ rồi đưa họ đi khỏi đây,” Omi nói.

“Không, không được đâu,” Ish nói.

“Họ giết bố mẹ nó rồi sao?” tôi nói và tiếp tục thở dốc. Đám đông đánh sầm sầm vào cổng. Bọn họ không thích trò biến mất của chúng tôi. Tôi tự hỏi ổ khóa sẽ chịu được bao lâu.

Tôi ngồi xuống xô pha. Tôi phải nghĩ bất chấp tiếng ồn chói tai ngoài cổng.

“Chúng ta còn lựa chọn nào,” tôi nói.

“Chúng ta có thể đàm phán với họ,” tôi nói.

Không ai trả lời.

“Trong mắt họ đầy vẻ điên cuồng, bọn họ sẽ không đàm phán đâu,” Omi nói.

“Chúng ta có thể trốn. Hoặc đánh nhau với họ,” Ish nói.

“Mày muốn đánh nhau với bốn chục người đang lên cơn giết chóc à?” tôi nói.

“Thế thì sao?” Ish nói.

Tôi nhìn Ish. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy nó sợ. Tôi cứ nhìn nó, hy vọng nó sẽ cân nhắc hết các lựa chọn. Dù là lựa chọn tệ nhất.

“Đừng có nghĩ chuyện từ bỏ Ali,” Ish nói với tôi, gí tay vào ngực tôi.

“Chúng ta có thể đề nghị với họ gì khác đây?” tôi nói.

“Tiền thì sao?” Ish nói, cơ thể nó run rẩy, “mày bảo người ta luôn chịu nói chuyện nếu dính đến tiền mà.”

“Tao không có nhiều tiền như thế,” tôi nói.

“Nhưng chúng ta sẽ kiếm được và đưa cho họ,” Ish nói.

“Với Mama chuyện này không phải là tiền,” Omi nói.

“Đúng thế,” Ish nói, “Nhưng chúng ta sẽ mua chuộc những kẻ còn lại, Mama sẽ không thể làm việc này một mình. Chúng ta cần phân tán đám đông.”

Tôi bước quanh phòng. Chúng tôi không có tiền. Đúng, những kẻ bạo loạn hẳn là người nghèo trong khu chúng tôi, họ chẳng có gì để mất. Nhưng mà, làm thế nào và ai sẽ đứng ra thương thảo đây?

“Mày nói chuyện tiền bạc giỏi nhất,” Ish nói.

“Có thể tác dụng ngược đấy. Làm sao tao tách Mama khỏi họ được?” tôi nói.

“Tao sẽ làm việc đó,” Omi nói.

Chúng tôi lại mở cửa chính. Đám đông thôi đâm đinh ba vào khóa cổng.

“Nào cháu, mở cổng ra. Các cháu có thể về, chúng ta sẽ làm việc còn lại,” Mama nói.

“Mama, cháu muốn nói chuyện với cậu. Chỉ với cậu thôi,” Omi nói giọng đầy xúc cảm.

“Được rồi, mở cổng đi,” Mama nói.

Tôi bước đến mở cổng. Tôi giơ tay lên để trấn tĩnh đám đông. Tôi phải tỏ ra tự tin.

“Lùi lại. Mama muốn nói chuyện với con trai ông ấy,” tôi nói.

Omi đưa Mama vào trong rồi ôm ông ta. Mama an ủi nó. Tôi nhìn đám đông xem có ai dễ tác động không. Một kẻ đội khăn xếp, và sáu người phía sau ông ta. Ông ta đeo dây chuyền vàng.

“Tôi có thể nói chuyện không?” tôi nói.

Người đàn ông lại chỗ tôi. Ông ta cầm đuốc trong tay. Tôi thấy nóng má.

“Thưa ông, tôi muốn đề nghị với ông một việc.”

“Cái gì?”

“Bao nhiêu người ở đây là quân của ông?”

“Mười,” ông ta nói, sau một thoáng dè dặt.

“Nếu tôi hứa trả ông mười ngàn, ông có thể từ từ lùi lại và bỏ về không?” tôi nói.

“Tại sao?” ông ta nói.

“Mong ông đừng hỏi. Cứ coi đó là một lời đề nghị. Và giữ yên lặng, vì tôi không có tiền cho tất cả mọi người.”

“Tại sao cậu muốn cứu thằng bé?” ông ta hỏi.

“Năm mươi ngàn, giá cuối cùng. Cửa hàng của tôi ở chỗ đền. Nếu tôi không trả thì ông có thể phá hủy nó.”

Người đàn ông đeo dây chuyền vàng quay về nhóm của ông ta. Ông ta nói với họ, họ liền bước lùi lại. Ông ta quay lại gật đầu với tôi. Hai lăm phần trăm vấn đề đã xử lý xong.

Mama bỏ Omi và bước lại chỗ tôi.

“Đang có chuyện gì thế?” Mama nói. Trong cơn say, ông ta không nhận thấy bốn mươi người đã chuyển thành ba mươi người.

“Mama nghĩ lại đi. Cậu còn tương lai trong đảng. Parekh-ji sẽ không chấp nhận chuyện này đâu,” tôi nói.

Mama cười phá lên. Ông lôi điện thoại ra và bấm số.

“Parekh-ji sẽ không đồng ý à?” Mama nói và đợi tín hiệu trả lời.

“Vâng, Parekh-ji, tôi khỏe. Xin đừng lo, đau khổ thì để sau. Lúc này đang là thời chiến. Ô, và có người nghĩ ngài sẽ không hài lòng với tôi.... đây này, ngài nói chuyện đi...”

Mama chuyển máy. Đám đông đợi phía sau ông ta.

“A lô. Ai đấy,” giọng Parekh-ji phía bên kia.

“Tôi là Govind, thưa ngài Parekh-ji. Bạn của Omi. Chúng tôi đã đến Vishala với ngài...” tôi nói.

“Ồ, vâng. Chàng trai, một ngày thử thách cho người Hindu chúng ta. Vậy cháu ủng hộ chúng ta chứ?”

“Chuyện này không đúng đâu, thưa ngài,” tôi nói, không dám chắc sao mình gọi ông ta là ngài, “chuyện này thật sai trái.”

“Chuyện gì? Chuyện tàu bị cháy ư, không phải sao?”

“Không phải chuyện đó đâu Parekh-ji, họ muốn giết một đứa bé.”

“Vậy ta có thể làm gì?” ông ta nói.

“Ngăn họ lại.”

“Việc của ta là lắng nghe mọi người và làm những gì họ bảo. Không phải ngược lại.”

“Người dân không muốn điều này,” tôi nói.

“Họ có đấy. Tin ta đi. Hôm nay, nồi áp suất cần cái lỗ thông để xả áp.”

“Nhưng trẻ con sao? Phụ nữ sao?” tôi nói.

“Chẳng quan trọng. Bất cứ điều gì cần thiết để xoa dịu cảm giác đau thương. Những người đang đau đớn muốn cảm thấy tốt hơn. Thật không may, hôm nay ta không nghĩ ra được cách gì tốt hơn cả.”

“Thật là một cách khủng khiếp,” tôi nói.

“Chuyện này chỉ kéo dài một vài ngày thôi, nhưng nếu chúng ta thúc đẩy, nó sẽ bùng nổ thành cuộc nội chiến kinh khủng.”

“Đảng của ông sẽ bị quy trách nhiệm,” tôi nói, cố gợi ra lòng ích kỷ của họ.

“Ai quy trách nhiệm? Không phải người dân Gujarat. Chúng tôi làm cho mọi người cảm thấy tốt hơn. Họ sẽ bầu cho chúng tôi. Cậu đợi mà xem.”

“Thưa ngài, cậu bé này. Cậu ta sẽ vào đội tuyển quốc gia một ngày nào đó.”

Mama giật lấy điện thoại khỏi tay tôi.

“Xin ngài Parekh-ji đừng bận tâm, tôi sẽ lo mọi chuyện. Ngày mai, ngài sẽ thấy tự hào vì tôi,” Mama nói và ngắt máy.

Tôi nhìn quanh và tìm thấy thủ lĩnh một nhóm nhỏ khác trong đám đông. Tôi bước đến ông ta và kéo sang một bên.

“Năm mươi ngàn, ông dẫn người ông ra về,” tôi nói.

Lần này sự dẫn dụ của tôi không đạt.

“Mama, nó đang cố mua chuộc tôi đấy,” gã trưởng nhóm hét to.

“Không, ông hiểu nhầm rồi, ông điên à?” tôi nói và lùi về phía ngân hàng.

“Có chuyện gì thế Omi? Đưa thằng bé ra đây,” Mama gào lên.

Omi gật đầu với Mama. Nó đến cửa chính. Đám đông vẫn đứng ở cổng, giữa chúng tôi và họ chỉ cách nhau khoảng hiên thềm. Tuy nhiên, cổng không còn khóa nữa.

Omi gõ cửa chính. Ish mở cửa sau khi đã xác định người gõ. Cả hai biến mất vào trong.

Tôi đứng một mình với những kẻ nổi loạn. Họ nghi ngờ tôi hối lộ. Tôi cũng muốn chạy vào trong. Tuy nhiên, phải có người ngăn đám đông lại chứ.

“Chúng đi bắt thằng bé à?” Mama hỏi tôi.

“Cháu nghĩ vậy,” tôi nói.

Tôi đề nghị sẽ vào trong kiểm tra, khi Mama hỏi đến lần thứ hai. Tôi đến cửa và gõ. Ish mở ra trong một tích tắc rồi tôi lẻn vào trong.

Tôi thở phào một tiếng lớn chưa từng thấy. Ish chốt cửa lại, và lấy ghế xô pha chặn cửa.

“Họ đang đợi. Nếu trong hai phút nữa không có ai ra, họ sẽ tấn công,” tôi nói.

“Ali, dậy đi,” Omi nói.

“Thằng bé đâu?” tôi nói.

“Tao khóa nó trong phòng giám đốc. Có bao nhiêu người?” Ish nói.

“Ba mươi,” tôi nói.

“Chiến đi,” Ish nói.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện