CHÍN

26 tháng Một là một ngày hạnh phúc với mọi người dân Ấn Độ. Dù bạn có yêu nước hay không, thì đó là một ngày nghỉ được ấn định trong tháng đầu tiên của năm. Tôi nhớ đã nghĩ rằng đó có lẽ là ngày nghỉ cuối cùng của chúng tôi tại cửa hàng trong đền, vì chúng tôi dự kiến sẽ chuyển sang khu mua sắm mới vào ngày lễ Tình yêu. Ngoài khoản tiền đặt cọc, chúng tôi đã chi sáu mươi ngàn sửa sang nội thất. Tôi đã mượn mẹ mười ngàn, thuần túy là một khoản vay. Bố Ish không chịu chi một đồng. Omi, dù tôi đã nói không, đã lo được phần tiền vay còn lại từ Bittoo Mama.

Đêm trước Ngày Cộng hòa[12], tôi nằm trên giường, đầy ắp suy nghĩ. Tôi đã đầu tư một trăm mười ngàn rupi. Việc kinh doanh của tôi đã đạt con số trăm ngàn. Chúng tôi có nên trải hết thảm cỏ nhân tạo không? Như thế sẽ oách cho một cửa hàng thể thao. Suốt cả đêm, tôi mơ về chuỗi cửa hàng của riêng mình.

[12] Tại Ấn Độ, ngày Cộng hòa là một trong ba ngày quốc lễ, kỷ niệm ngày Hiến pháp Ấn Độ lần đầu có hiệu lực vào 26/1/1950.

“Thôi đừng lay nữa mẹ, con muốn ngủ,” tôi gào. Thế giới này không cho doanh nhân ngủ vào ngày nghỉ hiếm hoi được sao.

Nhưng mẹ không lay tôi. Tôi tự chuyển động thôi. Tôi mở mắt. Giường của tôi rung rinh. Tôi nhìn lên đồng hồ treo tường. Nó đã rơi xuống sàn. Đồ đạc trong phòng, quạt, và cửa sổ rung bần bật.

Tôi dụi mắt, chuyện gì thế nhỉ? Ác mộng à? Tôi đứng lên và bước ra cửa sổ. Người trên phố chạy náo loạn khắp nơi.

“Govind,” mẹ tôi từ phòng bên kia gọi lại, “nấp dưới bàn đi. Động đất đấy.”

“Gì cơ?” tôi nói và quỳ xuống bên cạnh cửa sổ theo phản ứng. Tôi có thể thấy cảnh tàn phá bên ngoài. Ba cái ăng ten ti vi ở tòa nhà đối diện rơi xuống. Cột điện thoại gãy và đổ sập xuống đất.

Đợt rung chấn kéo dài bốn mươi lăm giây, bốn mươi lăm giây dài nhất và tàn phá nhất trong đời tôi. Dĩ nhiên, lúc ấy tôi còn chưa biết. Một sự yên lặng khác thường tiếp nối sau trận động đất.

“Mẹ ơi,” tôi hét lên.

“Govind, đừng cử động,” bà hét lại.

“Qua rồi,” tôi nói sau mười phút trôi qua, “mẹ có sao không?”

Tôi bước ra khỏi phòng khách. Mọi thứ trên tường - như lịch, tranh, chụp đèn, đều rơi hết xuống sàn.

“Govind,” mẹ đến ôm tôi. Vâng, tôi ổn. Mẹ tôi cũng vậy.

“Ra ngoài thôi,” bà nói.

“Tại sao?”

“Tòa nhà có thể bị sập.”

“Con không nghĩ thế đâu,” tôi nói khi mẹ kéo tôi, trên mình tôi vẫn mang bộ đồ ngủ. Phố đông nghịt người.

“Có phải bom không?” một người nói thầm với người khác.

“Động đất. Trên ti vi nói rồi. Bắt đầu từ Bhuj,” một người trên phố nói.

“Tệ lắm không?” người khác nói.

“Chúng tôi ở cách xa hàng trăm kilômét mà còn cảm thấy rung chấn như vậy, tưởng tượng tình hình ở Bhuj xem,” một ông cụ khác nói.

Chúng tôi đứng ngoài trời thêm một tiếng nữa. Không, móng của tòa nhà chúng tôi hay các tòa nhà trong khu phố chúng tôi đều không bị lún sập. Trong khi đó, tin đồn và những lời bàn tán lan rất nhanh. Người thì bảo sẽ có những trận động đất khác. Người thì bảo Ấn Độ thử bom hạt nhân. Rất ít dân ở Ahmedabad báo cáo thiệt hại tài sản. Câu chuyện cứ rầm rì khắp phố.

Tôi quay lại nhà sau hai tiếng đồng hồ và bật ti vi lên. Kênh nào cũng đưa tin động đất. Tâm chấn ở Bhuj, dù ảnh hưởng đến phần lớn Gujarat.

“Các báo cáo cho biết trong khi phần lớn Admedabad không bị ảnh hưởng, thì những tòa nhà mới xây và sắp xây xong chịu thiệt hại nghiêm trọng...” phóng viên nói khi khắp cột sống tôi cứ ngứa ngáy nôn nao.

“Không, không, không...” tôi lẩm bẩm một mình.

“Gì đấy?” mẹ tôi nói khi bà mang trà và bánh mì cho tôi.

“Con phải đi đây.”

“Đi đâu?”

“Navrangpura... ngay bây giờ,” tôi nói và xỏ dép vào.

“Con điên à?” bà nói.

“Cửa hàng của con, cửa hàng,” tôi chỉ nói được vậy rồi chạy ra khỏi nhà.

Cả thành phố như đóng cửa. Tôi không tìm thấy chiếc ô tô hay xe buýt nào. Tôi quyết định chạy bảy kilômét. Tôi phải xem cửa hàng mới của mình có sao không. Đúng, tôi muốn nó không bị làm sao.

Phải mất một giờ tôi mới đến nơi. Tôi thấy sự tàn phá trên đường. Khu vực thành phố mới như Satellite chịu thiệt hại nặng nề. Gần như mọi tòa nhà đều bị vỡ cửa sổ. Những tòa nhà đang xây đã biến thành gạch vụn. Tôi vào khu Navrangpura. Những bảng hiệu của các cửa hàng sang trọng đã rơi xuống đường. Tôi tự giải thích rằng tòa nhà mới, siêu hiện đại của tôi sẽ có đặc tính chống động đất. Tôi thở hổn hển khi chạy mấy trăm mét cuối cùng. Mồ hôi vã khắp người.

Hay mình đã chạy qua tòa nhà rồi? Tôi nói khi chạy đến con phố. Cảnh hỗn loạn trên phố và những biển hiệu đổ nát khiến rất khó tìm ra địa chỉ.

Tôi lùi lại, hít thở.

“Tòa nhà đâu nhỉ?” tôi tự hỏi, khi vòng đi vòng lại con phố.

Cuối cùng tôi đã thấy. Tòa nhà sáu tầng mới hôm trước vẫn còn nguyên vẹn, giờ đã biến thành một đống bê tông. Tôi không thể tập trung nổi. Tôi thấy khát kinh khủng. Tôi tìm nước, nhưng chỉ thấy gạch vụn, gạch vụn và chỉ có gạch vụn. Bụng tôi đau nhói. Tôi đưa tay trái ôm bụng và ngồi lên cái ghế gãy để cho tỉnh táo.

Cảnh sát lôi ra một công nhân bị thương khắp mình mẩy. Các bao xi măng rơi vào người anh ta, nghiền nát cả chân. Nhìn thấy máu tôi lại buồn nôn. Không ai trong đám đông chú ý đến tôi. Một trăm mười ngàn đồng, con số ấy bật lên trong đầu tôi.

Những hình ảnh không liên quan vào cái ngày bố tôi bỏ đi lại hiện lên trong đầu. Những hình ảnh đấy đã nhiều năm nay không xuất hiện, vẻ mặt ông ta khi đóng cửa phòng khách ra khỏi nhà. Những giọt nước mắt lặng thầm của mẹ mấy tiếng sau đó, và tiếp tục vài năm sau đó. Tôi không biết tại sao cảnh tượng quá khứ ấy lại hiện về trong tôi. Tôi nghĩ bộ não có một ngăn đặc biệt cất giấu những ký ức đớn đau. Cái ngăn ấy khép chặt, nhưng mỗi lần có ký ức mới cần thêm vào, nó mở ra và bạn có thể nhìn vào bên trong. Tôi cảm thấy tức giận bố, cảm giác hoàn toàn đặt sai chỗ, khi đáng ra phải căm giận trận động đất này. Hay căm giận bản thân, vì đã đánh cược quá nhiều tiền. Căm giận vì mắc sai lầm lớn đầu tiên trong đời.

Cơ thể tôi run lên bần bật.

“Đừng lo, Thượng đế sẽ bảo vệ chúng ta,” ai đó vỗ vai tôi.

“Ô thật sao, vậy kẻ quái nào đã gây ra chuyện này?” tôi nói và đẩy người lạ đi. Tôi không cần cảm thông, tôi muốn cửa hàng của tôi.

Hai năm chắt bóp tằn tiện, hai mươi năm mơ ước - tất cả bị quét sạch chỉ trong hai mươi giây. Biển hiệu đèn neon “Khu mua sắm Navrangpura”, từng dựng trên đỉnh tòa nhà sáu tầng, giờ nằm liếm đất. Có lẽ Thượng đế muốn nói gì đó - rằng chúng tôi không nên vào khu mua sắm này. Định mệnh của chúng tôi là ở lại cửa hàng nhỏ trong thành phố nhỏ và chúng tôi không nên cố cho giống những thành phố lớn. Tôi không biết tại sao tôi nghĩ đến Thượng đế, vì tôi là người vô thần. Nhưng còn biết đổ lỗi cho ai khác đây?

Dĩ nhiên tôi có thể đổ lỗi cho bên nhà thầu khu mua sắm Navrangpura. Những tòa nhà hàng trăm năm tuổi ở trong thành phố cũ vẫn đứng nguyên. Ngôi đền hai trăm năm tuổi nhà Omi vẫn không hề hấn. Vậy tại sao khu mua sắm khốn kiếp của tôi lại sập? Bọn xây dựng đã xây bằng gì? Cát à?

Tôi cần ai đó để đổ lỗi. Tôi cần đánh ai đó, đánh cái gì đó. Tôi cầm một viên gạch lên, và ném vào một ô cửa sổ đã vỡ. Phần kính còn lại vỡ ra nhiều mảnh nhỏ.

“Cậu làm gì thế? Chúng ta thấy cảnh phá hủy còn chưa đủ sao?” một người cạnh tôi nói.

Tôi không thể nhận ra khuôn mặt ông ta, hay bất kỳ ai. Tim tôi đập nhanh gấp đôi bình thường. Chắc chắn, chúng tôi có thể kiện bên thầu xây dựng, tim tôi mách bảo. Nhà thầu hẳn sẽ chạy trốn, trí óc tôi nói. Và không ai có thể lấy lại tiền.

“Govind, Govind,” Ish nói. Nó gào bên tai tôi, khi cuối cùng tôi cũng nhận ra nó.

“Mày làm quái gì ở đây? Ở ngoài nguy hiểm lắm, về nhà thôi?” Ish nói.

Tôi vẫn nhìn vào đống đổ nát như đã nhìn bốn tiếng qua.

“Govind,” Ish nói, “chúng ta không làm gì được đâu. Đi thôi.”

“Chúng ta tiêu rồi Ish,” tôi nói, cảm thấy mắt ngấn ướt, lần đầu tiên trong mười năm qua.

“Không sao đâu. chúng ta phải đi thôi,” Ish nói.

“Chúng ta mất hết rồi. Nhìn kìa, cửa hiệu của chúng ta đổ sập xuống trước cả khi khai trương...”

Tôi khuỵu xuống. Tôi chưa bao giờ khóc kể từ ngày bố tôi rời bỏ chúng tôi. Tôi chưa bao giờ khóc khi tay tôi bị bỏng trong một dịp lễ Diwali[13] và đau đến nỗi bác sĩ Verma phải cho thuốc giảm đau tôi mới ngủ được. Tôi chưa bao giờ khóc khi Ấn Độ thua một trận đấu. Tôi chưa bao giờ khóc khi không vào được trường kỹ thuật. Tôi chưa bao giờ khóc khi gần như không kiếm được đồng nào trong ba tháng kinh doanh đầu tiên. Nhưng ngày hôm ấy, khi Thượng đế vô cớ giáng một cái tát vào thành phố của tôi, tôi đã khóc và khóc. Ish ôm lấy tôi và để cho áo nó thấm nước mắt tôi.

[13] Diwali là một lễ hội quan trọng trong văn hóa Ấn Độ Giáo, diễn ra vào đêm 13 kỳ trăng khuyết (tức đêm 28) của tháng Ashwin cho tới ngày thứ 2 của tháng Kartika trong lịch Ấn Độ. Đây còn được gọi là lễ Ánh sáng vì mọi người có phong tục thắp đèn dầu bấc vải (gọi là dipa) để ăn mừng chiến thắng của thần Krishna trước Narakasura, biểu tượng cho chiến thắng của cái thiện trước cái ác.

“Govi, về nhà đi,” Ish nói. Trước đấy, nó chưa bao giờ gọi tắt tên tôi như vậy. Nó chưa bao giờ thấy tôi trong tình trạng như thế. CEO của chúng, bảo mẫu của chúng đã gục ngã.

“Chúng ta bị nguyền rủa. Tao đã dành dụm, dành dụm, tao đã dành dụm một cách khốn kiếp. Chúng ta đã vay tiền. Thế rồi xảy ra chuyện này? Ish, tao không muốn nhìn thấy cái vẻ tự mãn trên mặt Bittoo Mama. Tao sẽ đi ăn mày,” tôi nói khi Ish kéo tôi vào một chiếc ô tô.

Mọi người hẳn sẽ nghĩ tôi vừa mất con. Nhưng khi một doanh nhân bị mất đi doanh nghiệp của mình, thì cũng tương tự thôi. Đó là rủi ro kinh doanh mà bạn phải chấp nhận, và chịu mất mát, nhưng chuyện này không công bằng. Có ai đó cần phải nhận ra chuyện này là khốn kiếp bất công.

Ish mua nước Frooti cho tôi bình tĩnh hơn. Cũng có ích, nhất là khi tôi chẳng ăn gì khác hai ngày tiếp theo. Tôi nghĩ phần còn lại của Ambavadis cũng vậy.

Sau này tôi phát hiện ra đã có hơn ba mươi ngàn người thiệt mạng. Bằng cả số lượng người trong một sân vận động. Ở Bhuj, chín mươi phần trăm nhà cửa bị phá hủy. Các trường học và bệnh viện bị san phẳng. Tính chung ở Gujarat, trận động đất đã phá hủy một triệu công trình. Một trong hàng triệu công trình đó là cửa hàng tương lai của tôi. Xét ở mức độ tổng thể, dựa theo số liệu thống kê thì mất mát của tôi chẳng bõ bèn gì. Xét trên phạm vi nhỏ hẹp và ích kỷ, thì tôi là người chịu thiệt nặng nhất. Thành phố cũ đã chống chịu tốt hơn thành phố mới. Vì sao đó mà các bậc cha ông chúng tôi tin vào xi măng nhiều hơn tin vào chủ những khu mua sắm mới.

So với Gujarat, Ahmedabad có phần may mắn hơn, các kênh truyền hình cho hay. Thành phố mới chỉ bị mất năm mươi tòa nhà cao tầng. Họ bảo chỉ có vài trăm người bị chết ở Ahmedabad, so với hàng chục ngàn ở nơi khác. Thật buồn cười khi hàng trăm người chết mà người ta lại nói là “chỉ có”. Mỗi một người đó cũng có gia đình, có hy vọng và niềm cảm hứng chứ, vậy mà tất cả bị tan biến trong bốn mươi lăm giây. Nhưng toán học là thế đấy - so sánh với ba mươi ngàn, thì hàng trăm chỉ như sai số làm tròn thôi.

***

Trong một tuần liền tôi không ra khỏi nhà. Ba ngày đầu tiên, tôi bị sốt cao, và bốn ngày tiếp đó cơ thể tôi lạnh như đá. “Cháu hết sốt rồi.” Bác sĩ Verma bắt mạch cho tôi.

Tôi nằm trên giường, nhìn chằm chằm lên trần nhà.

“Cháu chưa đến cửa hàng à?”

Tôi lắc đầu, vẫn nằm bẹp trên giường.

“Bác không nghĩ là cháu lại như thế này. Cháu đã nghe chuyện Navaldharis chưa?” bác sĩ Verma nói.

Tôi vẫn lặng yên.

“Cháu có thể nói”. Bác có đặt nhiệt kế vào miệng cháu

“Không, họ là ai?”

“Navaldharis là một cộng đồng kinh doanh quan trọng ở Gujarat. Mọi người ở đó đều làm kinh doanh. Và họ bảo, một doanh nhân Navaldharis thực thụ là người có thể vươn lên sau chín lần bị dìm xuống đất.”

“Cháu đang mắc nợ, bác sĩ ạ. Trong một cú đòn này cháu đã mất nhiều tiền hơn toàn bộ số tiền mà cửa hàng cháu từng kiếm được.”

“Trên đời này không có doanh nhân nào mà không bao giờ bị mất tiền cả. Chẳng có ai tập xe đạp mà không vài lần ngã. Không có ai yêu mà không bị tổn thương. Cuộc đời là vậy đấy.” Bác sĩ Verma nhún vai.

“Cháu sợ,” tôi nói, quay mặt vào tường.

“Thôi cái kiểu ăn nói như các bậc cha mẹ trung lưu đi. Sợ mất tiền, họ muốn con họ đi hầu hạ mọi người khác để hưởng tiền lương ổn định.”

“Cháu đã mất rất nhiều.”

“Đúng, nhưng cháu còn tuổi trẻ. Cháu còn trẻ, và cháu sẽ kiếm lại được. Cháu không vướng bận con nhỏ, cháu chưa phải nuôi cả gia đình. Và một điều nữa là cháu từng sống với số tiền ít ỏi hơn nhiều. Cháu có thể sống mà không cần số tiền đó.”

“Cháu không muốn làm gì hết. Trận động đất này, tại sao chuyện này lại xảy ra? Bác có biết trường cháu giờ là trại tị nạn không?”

“Có, và người tị nạn họ đang làm gì? Nằm trên giường hay cố gắng phục hồi?”

Tôi tránh mặt bác sĩ. Mọi người chung quanh đang ra sức khuyên giải tôi, những lời khuyên thực bổ ích. Nhưng tôi nào còn tâm trí lắng nghe. Tôi chẳng có tâm trí làm gì cả. Cửa hàng ư? Nó sẽ đóng cửa thêm một tuần nữa. Ai đi mua hàng thể thao sau một trận động đất chứ?

“Hy vọng ngày mai sẽ thấy cháu ra khỏi giường,” bác sĩ Verma nói và ra về. Đồng hồ chỉ ba giờ chiều. Tôi vẫn nhìn chằm chằm đồng hồ cho tới lúc bốn giờ.

***

“Tôi có thể vào được không, thưa ông Govind,” cái giọng táo tợn của Vidya trong nhà tôi nghe kỳ quặc đến mức tôi bật ra khỏi giường. Thưa ông nghĩa là sao?

Em mang cuốn sách M. L. Khanna dày cộp và một cuốn vở trong tay.

“Em làm gì ở đây?” Tôi kéo chăn để che chiếc quần ngủ và áo ba lỗ.

Dĩ nhiên, trông em thật hoàn hảo trong bộ váy sahvar kameez màu hạt dẻ và màu cam và dải khăn lấp lánh rất hợp.

“Em bí mấy bài toán. Nhưng em đến là để hỏi thăm, vì anh không được khỏe,” em nói, ngồi xuống ghế cạnh giường tôi.

Mẹ tôi vào phòng với hai ly trà. Tôi ra hiệu cho mẹ tìm chiếc áo sơ mi.

“Con muốn mặc áo à?” bà nói, làm toàn bộ nỗ lực ra hiệu của tôi thành vô ích.

“Bài toán nào?” tôi hỏi cộc lốc sau khi mẹ ra khỏi phòng.

“Toán là lý do em nói với mẹ em thôi. Thực ra, em muốn đưa cho anh cái này.” Em đưa cuốn M. L. Khanna dày cộp cho tôi.

Để làm gì? Để giải toán trong khi nằm trên giường sao?

Mẹ tôi quay lại, mang theo cái áo, rồi bà rời phòng. Một tay tôi cầm áo, tay kia cầm cuốn sách M. L. Khanna. Sự khép nép đối chọi với tò mò. Tôi gạt chiếc áo sang một bên rồi mở sách. Một tấm thiệp màu hồng, làm thủ công, rơi ra.

Tấm thiệp có hình vẽ một cậu bé nằm trên giường. Em đã viết đó là Govind, nhỡ đâu tôi không nhận ra đấy là tôi. Trong thiệp có dòng chữ: “Chúc anh chóng khỏe” theo kiểu chữ trẻ con màu mè nhất. Dưới dòng chữ là bài thơ như sau:

Gửi gia sư môn toán của em, người dẫn dắt đam mê, người hơi hơi bạn,

Em không thể hiểu hết mất mát của anh, nhưng em sẽ cố hiểu.

Đôi khi đời ném cho ta đường bóng lượn và ta hỏi tại sao

Hẳn không có câu trả lời, nhưng em đảm bảo thời gian sẽ chữa lành vết thương

Đây là lời chúc anh chân thành, “chúc chóng khỏe”.

Học trò kém cỏi nhất của anh,

Vidya

“Thơ không được hay lắm,” em lí nhí.

“Anh thích lắm. Anh xin lỗi về chuyện hơi hơi bạn. Anh chỉ...” tôi nói.

“Không sao. Em thích cách nói đó. Nó nói rõ rằng học hành là trên hết, phải không anh?”

Tôi gật.

“Anh thế nào?”

Tôi vượt qua được nỗi thôi thúc quay mặt vào tường. “Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Phải như vậy. Có lẽ một gian hàng với điều hòa nhiệt độ không dành cho anh.”

“Dĩ nhiên là có chứ. Phải lỗi của anh đâu. Em chắc một ngày nào đó anh sẽ có được. Thử nghĩ xem nhé, anh không thấy may mắn là mình không ở cửa hàng đó lúc chuyện xảy ra à? Tưởng tượng những mất mát về sinh mạng nếu cửa hàng đã khai trương xem?”

Em có lý. Tôi phải vượt qua chuyện này. Tôi phải chấp nhận tiếp khuôn mặt tự mãn của Bittoo Mama.

Tôi trả lại cuốn sách M. L. Khanna, rồi để tấm thiệp dưới gối.

“Ish bảo anh vẫn chưa đến cửa hàng.”

“Cửa hàng mở rồi sao?” tôi nói. Ish và Omi ngày nào cũng gặp tôi, nhưng không hề nhắc chuyện này.

“Vâng, anh nên xem anh ấy đánh vật với các con số khi ở nhà. Hãy kèm anh ấy với,” em khúc khích. “Em về đây. Còn việc học của em, không phải vội đâu.”

“Anh sẽ đến vào thứ Tư tới,” tôi với theo.

“Cô bé ngoan,” mẹ tôi nói thận trọng. “Con thích con bé à?”

“Không. Một học sinh khủng khiếp.”

***

Ish và Omi đến vào buổi tối, khi tôi đã chén xong bữa tối khó nuốt là món rau luộc.

“Bọn mày trông cửa hàng thế nào?” Giọng đầy sinh lực của tôi làm chúng ngạc nhiên.

“Nghe giọng mày khá hơn rồi,” Ish nói.

“Ai làm sổ sách thế?” tôi nói và ngồi dậy.

Omi chỉ vào Ish.

“Và? Cái gì đây? Khuyến mại mua hai tặng một à?”

“Cả tuần rồi bọn tao chưa giảm giá lần nào cả,” Ish nói và ngồi gần tôi trên giường.

Ish kéo gối cho tôi thoải mái hơn. “Đợi đã,” tôi nói, tay giữ lấy gối.

“Cái gì thế?” Ish nói và mỉm cười khi thấy mẩu giấy hồng dưới gối.

“Thiệp à?” Omi nói.

“Ừ, em họ tao tặng,” tôi nói.

“Mày chắc chứ?” Ish cù tôi, để tôi buông cái gối đang bị siết chặt ra.

“Thôi đi,” tôi nói, cố tỏ ra vô tư. Tim tôi đập mạnh khi ghì gối thật chặt.

“Con gái của Pandit đúng không?” Omi cười khoái trá.

“Sao cũng được,” tôi nói, ngồi trên gối như một biện pháp vô vọng.

“Lẫn công việc với thú vui à?” Ish nói và bật cười.

Tôi cười hòa theo để tiện lừa gạt.

“Thôi vào việc đi,” Ish nói.

“Món nợ... Tất cả là lỗi của tao,” tôi nói với bức tường.

“Mama nói chúng ta có thể tiếp tục dùng cửa hàng,” Omi nói.

“Không điều kiện gì à?” tôi nói, ngạc nhiên.

“Không hẳn,” Omi nói.

“Nghĩa là?”

“Nghĩa là chúng ta cần giúp ông ấy trong chiến dịch tranh cử,” Ish nói. “Đừng lo, mày không phải làm gì đâu. Omi và tao sẽ giúp.”

“Chúng ta phải trả nợ cho nhanh. Phải như vậy,” tôi nói.

“Chúng ta sẽ vượt qua chuyện này,” Ish nhìn vào mắt tôi. Những lời dũng cảm, nhưng lần đầu tiên tôi thấy khó mà tin được.

“Tao rất tiếc đã đầu tư...” Tôi cảm thấy phải nói lời xin lỗi, nhưng Omi cắt ngang.

“Chúng ta là đối tác làm ăn. Và mày là thằng khôn nhất trong ba đứa.”

Tôi không chắc câu cuối cùng của nó có đúng không. Làm một doanh nhân thì tôi đúng là thảm họa.

“Gặp bọn mày ngày mai nhé,” tôi nói.

Sau khi chúng đi, tôi lôi tấm thiệp ra, miết lại các nếp nhăn. Tôi đọc tấm thiệp những tám lần rồi mới đi ngủ.

Thời gian tôi không làm việc đã phát lộ kỹ năng kinh doanh tiềm ẩn của các bạn tôi. Ngoài vài lỗi tính toán ra, thì chúng quản lý sổ sách ổn lắm. Chúng chia doanh số bán hàng ngày thành cột, bán đúng giá và không hề chiết khấu. Cửa hàng sạch sẽ và mọi thứ đều dễ dàng tìm thấy. Một ngày nào đó tôi có thể lập một doanh nghiệp và giao cho chúng làm hết. Tôi tự nhắc mình thôi mơ mộng. Ấn Độ không phải là nơi cho những giấc mơ. Nhất là khi bạn đã một lần thất bại. Cuối cùng tôi thấy cảm giác cố hữu trong triết lý của đạo Hindu là thỏa mãn với những gì ta có, hơn là kiếm nhiều thêm. Cái triết lý ấy, do các bậc hiền triết xa xưa nghĩ ra, không phải là thứ hay ho, nhưng là câu thần chú giúp sinh tồn ở một đất nước nơi mà những khát khao thường bị đè nát. Cửa hàng trong ngôi đền này là định mệnh của tôi, và kiếm được khoản tiền nhỏ mọn từ cửa hàng này là nghiệp của tôi. Kiếm nhiều hơn thì không được. Tôi thở ra, thấy tốt hơn, mở ngăn kéo tiền mặt.

“Hai tuần mà thế này thì hơi ít nhỉ. Nhưng trước tiên thì có trận động đất, giờ lại có loạt đấu giữa Ấn Độ - Úc,” Ish nói từ góc của nó.

“Người ta không còn lý do để chơi nữa,” Omi nói.

“Không. Không sao cả. Chuyện gì xảy ra ở loạt đấu?” tôi nói. Tôi không theo dõi lịch thi đấu cricket.

“Ấn Độ thua trận thứ nhất. Còn hai trận nữa. Trận tới là ở Calcutta,” Ish nói.

“Khỉ thật. Thi đấu kiểu đơn nhật à?”

“Ừ, cả năm trận, nhưng chưa bắt đầu,” Omi nói. “Tao sẽ không đặt nhiều hy vọng đâu. Dân Úc hình như không phải người.”

“Tao muốn biết sao người Úc có thể làm được như vậy,” Ish nói.

Mama đến làm chấm dứt cuộc trò chuyện của chúng tôi. “Bánh gối đây, còn nóng, cẩn thận đấy,” ông nói, đặt một túi nâu lên bàn.

Nếu là phiên bản tôi trước đây, đấy sẽ là lý do để tôi cau mày, để kêu ca vết dầu làm hỏng hết bàn. Tuy nhiên, con người Govind mới sau động đất không còn xem Mama là thù địch nữa. Chúng tôi ngồi dưới sân đầy nắng, uống trà và ăn bánh gối. Bánh thật thơm ngon, tôi nghĩ bánh gối là món bánh ngon nhất của loài người.

“Phải cố quên chuyện xảy ra thôi,” Mama thở dài. “Ta chưa bao giờ chứng kiến sự tàn phá như thế.”

“Chuyến đi của cậu thế nào?” Omi nói.

Mama vừa từ Bhuj về. “Cảnh khốn khổ diễn ra ở khắp nơi. Chúng ta cần lập trại khắp Gujarat. Nhưng Parekh-ji có thể làm được bao nhiêu?”

Mama đã thức khuya nhiều đêm để dựng các lều cứu trợ tạm thời ở trường Belrampur. Parekh-ji đã cho xe chở đến gạo, đậu và đồ cứu tế khác. Mọi người cuối cùng cũng bắt đầu chuyển đến và tìm lại cuộc sống.

“Chúng ta sẽ đóng trại trong ba tuần nữa,” Mama nói với Omi, “và ta có thể quay lại mục tiêu chính của mình, Ayodhya.”

Việc lập trại đã giúp Mama giành được nhiều ủng hộ ở trong khu vực chúng tôi. Về mặt lý thuyết, bất cứ ai cũng cần tìm nơi nhờ nương náu. Tuy nhiên, các gia đình Hồi giáo hiếm khi đến xin giúp đỡ. Dù họ đến, các quản lý trại cũng phân phát thức ăn, nhưng nhấn mạnh rằng mọi người trong trại đều là người Hindu. Dù hơi có phân biệt đối xử như vậy, con người mới của tôi vẫn coi đó là một hành động cao cả.

“Mama, về số tiền cậu cho vay,” tôi quay sang ông, nhưng ông không nghe tôi.

“Con trai ta sẽ đi cùng đến Ayodhya. Các cháu cũng nên tham gia,” ông nói. Ông thấy khuôn mặt dè dặt của chúng tôi và nói, “ý ta là sau khi khôi phục lại việc làm ăn.”

“Bọn cháu có thể giúp ở đây, Mama,” Omi nói. “Còn dự án nào khác sau lần trại này không?”

“Ồ có chứ, chiến dịch một thìa đất,” Mama nói.

Chúng tôi bối rối.

“Chúng ta đến Ayodhya là có một lý do. Chúng ta sẽ dùng những túi cói, rồi đổ đầy đất ở đó vào. Chúng ta sẽ đến nhà từng người Hindu ở Belrampur và hỏi xem họ có muốn trong nhà mình có một thìa đất lấy từ nơi sinh ra thần Rama không. Họ có thể đặt trong sân, bón cho cây hay làm bất cứ điều gì. Ý tưởng tuyệt vời của Parekh-ji.”

Tôi hiểu được cái logic kỳ quặc nhưng không chê vào đâu được ấy của Parekh-ji. Sẽ không ai nói không với một thìa đất lấy từ Ayodhya. Nhưng với thìa đó, họ đã vô tình tham gia vào mục tiêu kia. Sự đồng cảm đối với những người đấu tranh cho Ayodhya sẽ trở thành tự động. Và sự đồng cảm dễ sẽ trở thành phiếu bầu.

Mama nhận ra vẻ hoài nghi trên nét mặt tôi.

“Chỉ là một chiến lược quảng bá một chiến dịch nhỏ thôi. Các đảng khác cũng làm thế ở quy mô lớn hơn nhiều.”

Tôi cầm một chiếc bánh gối nữa.

“Không sao đâu Mama. Chính trị làm cháu bối rối,” tôi nói. “Cháu không thể nhận xét được. Chúng cháu sẽ giúp cậu. Cậu đã cứu cuộc sống của chúng cháu, chúng cháu mang nợ cậu suốt đời.”

“Các cháu đều như con cái ta cả. Làm sao con cái lại mắc nợ cha mình chứ?”

“Việc làm ăn hiện đang khó khăn, còn phần tiền cho vay thì...”

Nhưng Mama lại cắt lời tôi. “Thôi quên đi, các cháu. Các cháu đã gặp phải tai họa. Khi nào có tiền thì trả cũng được. Và giờ các cháu là đảng viên của chúng ta phải không?”

Mama đứng lên để ôm chúng tôi. Tôi ôm ông hời hợt. Tôi cảm thấy buồn nôn vì nợ tiền người khác. “Mama, cháu xin lỗi. Cháu đã ngạo mạn, thô lỗ và thiếu tôn trọng. Cháu nhận ra định mệnh của mình là cửa hàng này. Có lẽ Thượng đế đã có ý như vậy, và cháu chấp nhận thế,” tôi nói.

“Khi còn trẻ chúng ta đều vậy cả. Nhưng cháu bắt đầu tin vào Thượng đế đúng không?” Mama nói và cười rạng rỡ.

“Giờ cháu bớt vô thần hơn thôi ạ.”

“Con trai này, đây là tin tốt lành nhất ta được nghe ngày hôm nay,” Mama nói. “Trong những mất mát này vẫn có điều tốt đẹp xảy ra.”

Một người đàn ông kéo theo cái hòm gỗ nặng trịch bước vào cửa hàng chúng tôi. “Ai kia nhỉ? Ô, Pandit-ji?” tôi nói.

Pandit-ji thở hổn hển, khuôn mặt trắng của ông ửng đỏ. Ông đặt cái hòm lên sàn. “Một cửa hàng thể thao đóng cửa. Gã kia không trả được nợ. Hắn trả cho tôi mấy hòm đầy hàng hóa. Tôi cần tiền mặt, nên tôi tính sẽ mang đến đây cho các cậu.”

“Cháu cũng không có tiền mặt,” tôi vừa nói vừa mời ông ăn bánh. “Pandit-ji ạ, việc làm ăn thật khó khăn lắm.”

“Có ai đòi tiền mặt ngay đâu? Cứ giữ lại ở cửa hàng. Tôi sẽ gửi thêm. Bán được bao nhiêu, các cậu giữ một nửa, tôi lấy một nửa. Riêng cái hòm này cũng giá đến mười ngàn. Tôi còn sáu hòm nữa ở nhà. Cậu nói sao nào?”

Tôi nhận những hòm này vì tôi không chịu rủi ro nào. Chúng tôi cần một phép màu để bán hết số hàng nhiều như vậy. Dĩ nhiên, lúc đó tôi chưa biết được rằng trận thứ hai trong loạt đấu giữa Ấn Độ và Úc sẽ là điều thần kỳ đó.

Mama đến làm quen với Pandit-ji. Họ bắt đầu trò chuyện kiểu những người trưởng thành, trao đổi thông tin về quê quán, về đẳng cấp.

“Chúng ta muộn rồi,” Ish thì thầm, nhưng đủ lớn để Mama và Pandit-ji nghe được.

“Cháu phải đi đâu à?” Mama nói.

“Vâng, đến một trận đấu cricket. Một học sinh của cháu đang chơi trận đó,” Ish nói, tránh nhắc tên Ali.

Omi kéo cửa xuống. Omi ra hiệu và tất cả chúng tôi quỳ xuống chạm chân Mama.

“Các con của ta,” Mama nói khi ông giơ bàn tay lên đầu chúng tôi để ban phúc.

***

“Đừng quan tâm tới cái thằng đần ở đội ngớ ngẩn kia nữa. Em đã diệt được chúng rồi,” Ish nói với Ali.

Chúng tôi trở về từ trận đấu tại khu phố. Đội Ali thắng, nó ghi được nhiều điểm nhất. Ali trụ lại được tới tám vòng ném bóng. Ish tỏ ra thỏa lòng vì công huấn luyện của nó cuối cùng đã cho kết quả. Tuy nhiên, tâm trạng ăn mừng của chúng tôi bị chùng xuống khi đội trưởng đối phương đá vào gối Ali rồi bỏ chạy.

“Họ có làm đau em nữa không?” Ali nói.

“Không, vì nếu ai đó dám động vào em thì anh sẽ đánh chúng trước,” Ish nói, hôn lên trán nó, Ish sẽ là một người cha tốt. Không như cha của nó, người chưa bao giờ nói được lấy một câu dễ chịu.

Omi bế Ali đang đi cà nhắc lên. “Tao sẽ đưa nó về cửa hàng,” Omi nói. “Và bảo mẹ tao làm cho nó món sữa củ nghệ. Bọn mày đi kiếm bữa tối, kiếm cái gì nó muốn ăn ấy.”

“Em muốn keba,” Ali nói ngay.

“Keba à? Trong cửa hàng sao?” tôi dè dặt.

“Được, đừng kể cho ai nhé,” Omi nói.

“Thằng bé sẵn sàng rồi,” Ish nói. Khuôn mặt nó ửng lên sau làn khói keba ở cửa hàng Qazi. “Mày có thấy nó chơi không? Còn có thể đợi, chạy và hỗ trợ người khác. Nó chơi cho đến lúc đánh những cú bóng quan trọng. Chơi bắt bóng còn kém, nhưng ngoài chuyện đó ra thì nó thật hoàn hảo. Nó sẵn sàng rồi, mày ạ.”

Mùi gà nướng sực lên trong mũi tôi. Omi thực sự bỏ lỡ rất nhiều thứ trong đời.

“Để làm gì?” tôi hỏi.

“Đội Úc đang thi đấu ở Ấn Độ lúc này, đúng không?” Ish nói khi người phục vụ gói bánh roti, thịt cừu xiên và gà nướng với hành và nước xốt rau quả màu xanh.

“Vậy thì sao?” tôi nói.

“Nó sẵn sàng gặp các cầu thủ Úc rồi.”

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện