PHẦN KẾT - I

Máy đo nhịp tim kêu dồn dập. Tim của Govind đập quả 130 nhịp một phút.

Y tá chạy vào.

“Anh làm gì thế?” cô nói.

“Tôi không sao. Tôi đang nói chuyện,” Govind nói. Cậu ta ngồi nhỉnh dậy trên giường.

“Đừng bắt anh ấy gắng sức.” Y tá lắc lắc ngón tay với tôi. Tôi gật đầu và cô ấy rời phòng.

“Và từ ngày hôm đó, chính xác là cách nay ba năm, hai tháng và một tuần, Ish đã không nói chuyện với tôi nữa. Mỗi lần tôi cố nói chuyện với cậu ấy, cậu ấy lại lờ tôi đi.” Govind kết thúc câu chuyện của mình.

Tôi đưa nước cho cậu ta, vì giọng cậu ta ngập ngừng.

“Vậy chuyện gì xảy ra trong ba năm ấy - với cửa hàng, Vidya, và Ali?” tôi hỏi.

Cậu ta cúi xuống mân mê dây máy đo nhịp tim đang dính vào ngực. Cậu ta nuốt khan mấy lượt để giữ bình tĩnh.

Tôi không hối thúc thêm nữa. Nếu cậu ta muốn kể, cậu ta sẽ kể. Tôi xem đồng hồ, năm giờ sáng. Tôi bước ra khỏi phòng. Ánh ban mai ngập tràn hành lang bệnh viện. Tôi hỏi một người xem lấy trà ở đâu. Cậu ta chỉ tôi vào căng tin.

Tôi quay lại, mang theo hai tách trà. Govind từ chối, vì cậu ta không được phép uống sau khi rửa dạ dày. Cậu ta không nhìn thẳng vào mắt tôi.

“Tôi cần số điện thoại hãng hàng không Singapore. Tôi phải xác nhận chuyến bay khứ hồi,” tôi nói, để thay đổi tâm trạng.

“Bố mẹ Omi,” Govind nói, ánh mắt và giọng nói đều hạ xuống. “Tôi không thể nói họ bị hủy hoại ra sao. Trong nhiều tuần, ngôi đền có nhiều khách trong khu dân cư đến thăm và họ chỉ cầu nguyện cho Omi, Dhiraj và Mama. Tại lễ tang, bố Omi khóc khi năm ngàn người từ khắp Ahmedabad đến dự. Mẹ Omi ngã bệnh sau một tuần bỏ ăn. Bà ấy phải nằm viện một tháng.”

Nội tâm tôi tranh đấu không biết có nên đặt tay mình lên bàn tay xanh tái của Govind đang kê trên chăn không.

“Suốt hai tháng, tôi không đến cửa hàng. Tôi đã cố liên lạc với Ish, nhưng... Nếu tôi đến gặp cậu ấy, cậu ấy sẽ sập cửa ngay trước mặt tôi.”

“Anh có nói chuyện với Vidya không?”

Govind lắc đầu. “Nói chuyện với Vidya thì tuyệt nhiên là không rồi. Họ giam lỏng cô ấy trong nhà. Bố cô ấy đập nát điện thoại cô ấy. Các kênh truyền hình vẫn tiếp tục đưa tin sau vụ Godhra và những cuộc nổi loạn. Nhưng đời tôi đã sụp đổ. Tôi đã sống sót qua những chuyện đó. Lúc ấy tôi có uống thuốc tự tử đâu. Đừng có vì hôm nay tôi nằm đây... mà cho rằng không mạnh mẽ.” Cậu ta ngừng lại. “Ba tháng sau biến cố kia, mẹ Omi về nhà. Bà bảo tôi mở lại cửa hàng. Omi đã bảo với bà đó là nơi nó yêu thích nhất trên đời này. Mama đã mất, nên cửa hàng lúc này là của mẹ Omi. Và bà muốn để nó cho chúng tôi, để giữ lại kỷ niệm về con trai bà.”

“Vậy cậu đồng ý?”

“Lúc đầu tôi không thể nhìn thẳng vào mắt bà. Tội lỗi... vì đã khiến Omi chết, vì tôi có một phần lỗi trong cái chết của Mama, vì đã mừng khi Mama chết. Nhưng bà không hiểu gì về những ác mộng của tôi, và dù sao tôi phải kiếm sống. Công việc thua lỗ. Chúng tôi đã nợ nhiều hợp đồng. Nên tôi quay lại cửa hàng. Ish bảo với mẹ Omi nó sẽ đến, nhưng không muốn liên quan đến tôi. Mẹ Omi muốn cả hai, nên chỉ có một giải pháp duy nhất.”

“Là gì?”

“Chúng tôi chia đôi cửa hàng. Chúng tôi dựng một bức vách ván ép ở giữa. Ish lấy phần bên phải và tiếp tục kinh doanh hàng thể thao. Tôi nhận phần bên trái và chuyển thành cửa hàng bán đồ dùng học sinh và sách giáo khoa. Khách hàng của tôi thường đến chỗ cậu ấy và ngược lại. Chúng tôi bán đồ dùng học tập và đồ thể thao cùng một nơi, nhưng không bao giờ, không một lần nói chuyện. Ngay cả khi Ấn Độ vào vòng chung kết World Cup 2003 cũng không. Ish giờ đây xem trận đấu một mình, và không bao giờ nhảy cẫng lên vì một pha đánh bóng sáu điểm.

“Cậu có liên lạc với Vidya không? Và chuyện gì xảy ra với Ali?” tôi nhận ra mình hỏi nhiều hơn là nói lời an ủi. Nhưng tôi phải biết.

“Họ gửi Vidya đến Bombay để học một khóa PR. Điều tích cực nhất cho cô ấy là thế. Họ muốn tách cô ấy khỏi tôi, dù cô ấy có vào trường y hay không. Vậy là Vidya đã xổ lồng. Cô ấy được lệnh không bao giờ nói chuyện với tôi. Tuy nhiên, cô ấy thích phá luật và đã vài lần thử liên lạc với tôi. Nhưng lần này tôi không bao giờ đáp lại. Tôi không thể làm được... Tôi gặp anh trai cô ấy hằng ngày. Tôi chỉ muốn kiếm càng nhiều tiền càng tốt, và tiết kiệm cho Ali.”

“Để nuôi cậu bé à?” tôi nói và nhấp một ngụm trà. Tại sao trà bệnh viện mùi giống thuốc tẩy thế?

“Ali giờ ở trong nhà Ish, nên nó sẽ được nuôi dạy tốt ở đó. Nhưng chúng tôi cần tiền để phẫu thuật cổ tay cậu bé. Rất nhiều tiền”, Govind nói.

Y tá đến phòng kiểm tra đầu giờ sáng. Govind bảo cậu ta muốn đi vệ sinh. Y tá đồng ý và tháo ống truyền nước lẫn dây nối thiết bị gắn trên người.

Tôi chờ đợi trong lo âu, đầu óc tôi bị giằng xé bởi những hồ nghi về sức khỏe của cậu ta, chừng mười phút sau anh ta quay lại.

“Phẫu thuật gì?” tôi hỏi.

“Cổ tay Ali bị thương. Nghĩa là không còn khả năng xoay gậy cho đúng thời điểm nữa. Tôi đã cứu mạng cậu bé, nhưng một giây chậm trễ của tôi khiến cậu bé trả giá bằng tài năng của mình. Tôi đã kể rồi, một giây đó là sai lầm thứ ba trong đời tôi.”

“Cậu đã làm hết sức mình rồi. Chỉ chậm trễ một lát thôi mà,” tôi trấn an.

“Nhưng là một khoảnh khắc có toan tính. Tôi ích kỷ. Cũng giống như cái tham vọng của tôi khi muốn chuyển đến trung tâm mua sắm, hay khi tôi ở bên Vidya. Họ đã đúng, anh biết đấy. Tôi không phải doanh nhân, tôi là tên khốn nạn ích kỷ,” Cậu ta nói, đoạn dừng một lát rồi mới nói tiếp. “Thằng bé cần phẫu thuật phục hồi. Cái đinh ba đã đâm đứt bó cơ trên cổ tay. Nên các bác sĩ phải cắt một phần cơ ở đùi ghép vào cổ tay. Rồi, họ phải hy vọng là có tác dụng. Đấy không phải kỹ thuật cấy ghép da, mà là chuyển cơ. Việc này chỉ có thể thực hiện ở nước ngoài. Và tốn cả đống tiền.”

“Bao nhiêu?”

“Tôi còn không dám nói chi phí trọn gói. Ish đã viết thư đến các bệnh viện lớn ở Anh và Mỹ xin tài trợ. Vụ dàn xếp tốt nhất cậu ấy nhận được là từ một bệnh viện ở Anh, họ hứa thực hiện phẫu thuật với giá năm trăm nghìn. Dĩ nhiên, Ish không bao giờ kể cho tôi cả. Mọi chuyện tôi biết là nghe được qua bức vách mỏng.”

“Các cậu có tiền không?”

“Ish đã tiết kiệm được hai trăm nghìn trong ba năm qua. Tôi được ba trăm. Tuần trước tôi mang tiền đến cho cậu ấy. Tôi nói góp chung số tiền để Ali được phẫu thuật. Tôi nói chúng ta phải hành động ngay vì phải mất chín tháng mới hẹn được bác sĩ. Và rồi cậu ấy...” Giọng Govind nghẹn lại.

“Cậu có sao không?” tôi nói.

Govind gật đầu. “Anh biết cậu ấy làm gì không? Cậu ta không chịu động vào số tiền của tôi và còn đeo găng cricket khi trả phong bì lại cho tôi. Thực ra, cậu ấy đưa cho tôi cả két đựng tiền của cậu ấy và bảo cậu ấy có thể cho tôi thêm tiền nếu tôi cần thỏa mãn lòng tham. Cậu ta bảo không muốn để Ali được phẫu thuật nhờ tiền của một kẻ thiếu trung thực.”

Giọng Govind bắt đầu nghẹn ngào. “Tôi đâu phải kẻ thiếu trung thực. Tôi ích kỷ và phạm sai lầm, nhưng tôi không phải thiếu trung thực. Có phải tôi chỉ quan tâm đến tiền thôi đâu. Tôi cũng quan tâm đến Ali mà.”

Tôi ngồi trên giường, đặt tay lên cánh tay cậu ta. Cậu ta gạt đi.

“Sau ba năm tôi tiết kiệm từng đồng rupi một, Ish gọi công sức lao động của tôi là thiếu trung thực. Tôi không thể chịu được nữa. Bác sĩ Verna đã kê thuốc cho tôi, khi tôi mất ngủ. Ngày hôm ấy, tôi nghĩ sao không ngủ một giấc rồi đừng bao giờ tỉnh lại luôn. Có lẽ tôi đã tính toán cuộc đời hoàn toàn sai lầm. Đã đến lúc thoát khỏi các đẳng thức.” Cậu ta cười yếu ớt.

Bác sĩ đến phòng của Govind lúc 7 giờ. Các hoạt chất trong thuốc đã bị tẩy rửa ra khỏi người Govind.

“Tôi muốn bệnh nhân ngủ sáu tiếng,” bác sĩ bảo tôi khi ông ta kéo rèm.

Tôi rời phòng và đi ra. Mẹ Govind ngồi trên ghế ngoài hành lang. Bà ngước lên, vẻ mặt lo lắng.

“Cậu ấy ổn, chỉ cần nghỉ ngơi một chút thôi.” Tôi ngồi cạnh bà trên ghế.

“Con trai tôi thật dũng cảm. Chuyện gì xảy ra với nó?” bà thở dài.

“Cậu ấy nghĩ mình dũng cảm,” tôi nói. “Ish có biết không?”

Bà liếc ngang nhìn tôi. “Họ không nói.”

“Cô có thể kể cho cậu ta chuyện xảy ra. Đừng bắt cậu ta phải đến viện,” tôi nói.

Mẹ Govind gật đầu. Chúng tôi cùng nhau rời bệnh viện. Bà đã ngồi vào ô tô khi tôi nói, “Mà cô này, cô có biết Vidya học trường nào ở Bombay không?”

***

“Nhiều khách thăm nhỉ? Đây là bệnh viện, không phải câu lạc bộ,” y tá càu nhàu khi thay khăn trải giường cho Govind vào buổi tối.

Phòng bệnh của Govind tấp nập người. Ngoài y tá, có cả Ish, Vidya, mẹ của Govind và tôi. Chúng tôi đợi Ngài Ngái ngủ thức dậy sau giấc ngủ thứ hai trong ngày. Đã có rất nhiều người mất ngủ vì mấy viên thuốc ngủ của Govind.

Hàng mi của Govind chớp chớp và mọi người tiến lại gần giường.

“Ish? Vidya!” Govind chớp mắt.

“Để được chú ý thì còn nhiều cách hay hơn” Vidya nói.

“Em đến bao giờ?” Govind hỏi, gần như quên mọi người khác.

“Em bỏ giữa chừng buổi học marketing,” Vidya nói. “Nhưng thế không có nghĩa em tha thứ cho anh vì đã không trả lời em. Hay chuyện anh nốc những viên thuốc này. Em không bao giờ nốc bất cứ thứ gì, ngay cả khi em sợ hãi nhất, anh biết là lúc nào rồi đấy.”

“Bố mẹ em bảo không được nói chuyện với anh. Ish cũng muốn như vậy.”

“Vậy thì sao?” Vidya tháo cặp khỏi vai, và đặt lên giường. “Con tim anh muốn gì?”

Ish đứng yên lặng, nhìn Govind. Mẹ Govind trông có vẻ choáng váng, hẳn là hốt hoảng trước viễn cảnh một ngày nào đấy có một cô con dâu như Vidya.

“Tao xin lỗi, Ish. Tao không muốn làm ai tổn thương. Tao y... yêu cô ấy” Govind nói.

Ish dợm bước ra khỏi phòng. Mẹ Govind đi sau cậu ta, kéo tay cậu ta. Bà đặt tay Ish vào tay Govind.

“Con không nhất thiết phải vâng lời bố mẹ mình, nhưng ta nghĩ các con nên làm hòa,” mẹ Govind nói.

Ish vẫn không nói gì. Govind siết chặt tay Ish. Mẹ Govind nói tiếp:

“Cuộc sống sẽ có nhiều cản trở khó khăn. Những người gần gũi sẽ làm ta tổn thương. Nhưng ta không vì thế mà chấm dứt giao thiệp. Ta không làm tổn thương họ nữa. Ta cố hàn gắn vết thương. Đó là bài học không chỉ cho các con, mà đất nước này cần phải học.”

“Có nhớ loài tinh tinh hôn nhau không?” Govind gọi với cậu ta.

Ish dừng lại và nhìn Govind.

“Hãy nhận tiền vì Ali. Với tao, tao không đặt tiền lên hàng đầu nữa. Mà là mục đích của việc kiếm tiền. Hãy chữa trị Ali cho tốt, điều đó cũng quan trọng.”

Ish thút thít cố nén giọt nước mắt.

“Mày tha thứ cho tao không, ba lần?” Govind nói.

Cả mắt Govind lẫn mắt Ish ngấn ướt.

“Bác ơi, không lạ sao khi đàn ông trong phòng này đều đang khóc hết còn phụ nữ lại... ừm, thật đoàn kết thế nhỉ?” Vidya nói.

Mẹ Govind có vẻ sợ hãi. Những phụ nữ tự tin sẽ là những nàng dâu khủng khiếp.

***

Tôi gặp Govind sáng hôm sau, ngay trước khi tôi ra sân bay. Govind sẽ được xuất viện đêm hôm đó.

“Cảm ơn anh,” cậu ta xúc động nói.

“Vì cái gì?”

“Vì đã ghé qua. Tôi không biết phải trả ơn anh thế nào...”

“Thực ra, có một cách đấy.”

Govind chờ đợi.

“Câu chuyện của cậu cần được chia sẻ.”

“Như thể sách ư?”

“Đúng, chính xác là một cuốn sách. Cuốn thứ ba của tôi. Cậu giúp tôi chứ?”

“Tôi không biết. Tôi chỉ thích những câu chuyện kết thúc có hậu,” cậu ta nói.

“Chuyện của cậu cũng có hậu còn gì.”

“Tôi còn chưa biết Ali thế nào. Chúng tôi sẽ đi phẫu thuật, nhưng xác suất thành công không phải trăm phần trăm. Năm mươi năm mươi, họ bảo thế.”

“Cậu nên có niềm tin. Tốt nhất để xác suất nằm trong sách vở đi,” tôi nói.

Cậu ta gật đầu.

“Vậy tôi sẽ trở lại, và chúng ta sẽ liên lạc qua email,” tôi nói.

“Hẳn rồi, chúng ta có thể viết câu chuyện này. Nhưng đừng công bố câu chuyện khi chúng ta chưa biết Ali sẽ ra sao. OK? Thế có nghĩa nỗ lực của anh sẽ hoài công,” cậu ta nói.

“Tôi đồng ý,” tôi nói và chúng tôi bắt tay.

Lúc ra về tôi gặp Vidya ở cổng bệnh viện. Cô mặc chiếc lnhanga màu xanh, có lẽ chiếc váy tươi tắn nhất của cô để vực dậy tinh thần Govind. Cô mang theo một bó hoa.

“Hoa hồng đẹp quá,” tôi nói.

“Hoa ở Law Garden là đẹp nhất. Em nhớ Ahmedabad, em mong khóa học kết thúc, sáu tháng nữa thôi,” cô nói.

“Tôi tưởng cô là cô gái Bombay, bị mắc kẹt trong một thành phố nhỏ hay gì đó.”

“Anh ấy kể cho anh nghe hết rồi sao? Hết tất cả?” cô ấy tỏ vẻ sững sờ.

“Khá nhiều.”

“Ồ vâng, Bombay là một thành phố đẹp, nhưng thành phố của em là của em. Món bánh pao bhaji của Ahmedabad ngon hơn nhiều”

Tôi muốn trò chuyện với cô thêm nữa, nhưng tôi phải đi. Họ mời tôi vào thế giới của họ, nhưng tôi không thể ở lâu hơn được.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện