TÁM

Ali đến tập muộn hai mươi phút. Mỗi phút chậm trễ đều làm Ish tức tối thêm.

“Em đang mặc áo ngủ kurta đấy, đồ tập của em đâu?” Ish gào lên khi Ali bước vào lúc 7 giờ 20 sáng.

“Xin lỗi, em dậy muộn. Em không có thời gian và...”

“Chạy quanh sân đi,” Ish nói và đứng giữa sân.

Khi Ali chạy đủ số vòng quanh sân, Ish tháo cây gậy mới đưa cho thằng bé.

“Của em đây, mới toanh, mua từ Kashmir. Có thích không?”

Ali gật đầu thờ ơ. “Hôm nay em nghỉ sớm được không?”

“Tại sao?” Ish cáu kỉnh

“Ở khu nhà em có cuộc thi bi.”

“Còn cricket thì sao?”

Ali nhún vai.

“Lúc đầu thì em đến muộn, rồi em lại muốn về sớm. Chơi bi thì có gì hay nào?” Ish nói khi nó ra hiệu cho thằng bé đứng vào vạch đánh bóng. Một trong ba thằng bé khác làm người ném bóng.

“Chúng ta sẽ bắt đầu tập bắt bóng. Ali, không được đánh, để cho họ bắt.”

Khả năng tự kiểm soát của Ali tốt hơn sau vài tháng tập luyện. Ish đã dạy nó chơi phòng thủ và tránh phải rời sân sớm. Với chế độ ăn và tập luyện tốt hơn, sức bền của Ali đã cải thiện. Nó đã đủ sức để đánh bóng thay vì dựa vào động lực sẵn có của bóng. Có lần Ali đánh được năm lần bóng trong trạng thái tự chủ, nó có thể tăng độ tập trung để sử dụng tài năng của mình. Mẹo này là nhằm sử dụng khả năng của nó ở mức độ vẫn ghi điểm, nhưng không phải rời vạch đánh bóng sớm. Một lần đánh bóng như vậy trong một vòng ném bóng đã ổn. Giờ Ish muốn nó đánh được hai lần như vậy trong một vòng ném.

“Chuyển. Paras đánh bóng, Ali bắt bóng,” Ish quát sau ba vòng ném bóng. Ali không bắt được pha bóng nào cả. Thất vọng, nó ném gậy lên vạch.

“Này, cẩn thận chứ. Gậy mới đấy,” Ish nói.

Paras đánh bóng cho Ali bắt, nhưng tay Ali còn bận níu dây quần. Quả bóng rơi thụp xuống đất.

“Em ngủ gật à?” Ish nói nhưng Ali lờ đi.

Ba quả bóng tiếp theo, Paras cố ý để Ali bắt bóng.

“Này, Ali, bắt đi,” Ish gào lên từ vị trí trọng tài.

Ali thọc một tay vào túi. Nó nhận ra Ish đang nhìn chằm mình, và thằng bé vụt giơ tay lên. Hai bước thôi và hẳn nó có thể bắt được bóng. Nhưng nó không bắt được, và bóng rớt xuống đất.

“Này,” Ish lắc mạnh vai Ali. “Đang mơ hả?”

“Em muốn về sớm,” Ali nói, tay xoa vai.

“Tập xong cái đã.”

“Gậy này, Ali,” Paras nói khi đến gần Ali.

“Không, nó phải bắt bóng,” Ish nói.

“Không sao đâu, anh Ish. Em biết cậu ấy muốn đánh bóng,” Paras nói và đưa gậy cho Ali. “Và em muốn tập bắt bóng nhiều hơn. Em cần tập cho tốt để chuẩn bị cho trận đấu ở trường.”

Ali cầm gậy, bước đến vạch đánh bóng mà không nhìn lên. Bối rối trước sự láo lếu ấy, Ish hối tiếc đã nuông chiều cậu bé có tài này - khi thì tặng gậy, lúc thì tặng đồ tập khác.

Ish cho phép Ali đánh bóng, vì Paras khăng khăng đòi. “Để Paras bắt bóng, đánh bóng nhẹ thôi, về bên trái.”

Bóng bay đến, Ali quật mạnh. Như tinh thần của nó, quả bóng bay ra khỏi khuôn viên ngân hàng. “Em muốn về.” Cặp mắt xanh của Ali nhìn chằm chằm Ish.

“Anh không quan tâm cái giải bi ngớ ngẩn kia. Chưa có tay chơi bi nào trở thành người vĩ đại cả,” Ish quát.

“Vâng, anh cũng có bao giờ vĩ đại được đâu,” Ali nói.

Ôi trời, bọn trẻ và những sự thật cay đắng. Ish đứng hình. Cánh tay nó run rẩy. Căn giờ hoàn hảo như cái gậy của Ali, tay phải của Ish vung lên và tát vào mặt Ali thật mạnh. Sức mạnh cú tát và cả sự bất ngờ khiến Ali ngã xuống đất.

Mọi người đứng bật dậy khi nghe tiếng tát.

Ali ngồi bệt và hổn hển ngăn những giọt nước mắt.

“Về mà chơi trò bi khốn kiếp của mày đi,” Ish nói và giáng thêm một cái tát nữa. Tôi chạy đến phía sau và kéo tay Ish. Ali bật khóc. Tôi cúi xuống đỡ Ali lên. Tôi cố ôm nó, với tư cách là một gia sư toán ít nghiêm khắc hơn. Nó gạt tôi ra.

“Đi đi,” Ali vừa nói vừa khóc, nó dùng đôi chân tí xíu đạp tôi, “Em không cần anh.”

“Ali, im nào. Đứng lên đi, chúng ta làm những bài toán vui,” tôi nói. Chậc, với một đứa trẻ vừa bị đánh thì nói thế chẳng thích hợp đâu.

“Em không muốn làm toán,” Ali trừng mắt nhìn tôi.

“Ờ, không muốn bắt bóng. Không muốn làm toán. Thằng quái vật lười nhác chỉ muốn chơi bi suốt ngày,” Ish thốt ra.

Tôi cảm thấy Ish thật ngốc đi tranh cãi với một đứa bé mười hai tuổi.

“Mọi người về nhà đi, ngày mai chúng ta sẽ tập,” tôi nói.

“Không, chúng ta phải...,” Ish nói.

“Ish, vào trong ngân hàng đi,” tôi nói.

“Em không thích anh ta,” Ali nói, vẫn nước mắt giàn giụa.

“Ali, cư xử cho ngoan nào. Không được nói với huấn luyện viên của mình như thế. Giờ em về đi,” tôi nói.

Tôi thở ra một hơi dài khi mọi người đã ra về. Có lẽ Thượng đế cử tôi đến đây làm bảo mẫu cho mọi người.

***

“Mày bị sao thế? Nó là đứa trẻ thôi mà,” tôi nói với Ish sau khi mọi người đã ra về. Tôi vào bếp pha nước chanh cho Ish, để nó bình tĩnh lại. Ish ngồi cạnh tôi.

“Thằng oắt con, nó nghĩ nó có tài năng,” Ish nói.

“Đúng thế,” tôi nói và đưa đồ uống cho nó, “này, mày gọi mua bình gas khác nhé. Bình này gần hết rồi,” tôi nói. Chúng tôi có bếp dầu, nhưng nấu bằng bếp dầu quả là đau khổ.

Chúng tôi đến khu vực chờ từng dành cho khách của ngân hàng, và ngồi lên xô pha. Ish vẫn không nói gì. Nó đang kìm nén gì đó. Tôi không chắc có phải là nước mắt không, vì tôi chưa bao giờ thấy Ish khóc cả.

“Tao không nên đánh nó,” nó nói sau khi uống nửa cốc nước.

Tôi gật đầu.

“Nhưng mày thấy thái độ của nó không? ‘Anh cũng có bao giờ vĩ đại được đâu.’ Mày có thể tưởng tượng được nếu tao nói với huấn luyện viên của tao như vậy không?”

“Nó mới mười hai tuổi. Chấp nó làm gì.”

“Nó chẳng quan tâm đâu. Nó mang trong mình tài năng để lọt vào đội tuyển quốc gia. Nhưng nó chỉ muốn chơi mấy viên bi khốn kiếp đó thôi.”

“Nó thích chơi bi mà. Nó không thích cricket, chưa thích.”

Ish uống hết cốc nước, và bỏ cái cốc nhựa vào bồn bếp. Chúng tôi khóa cửa chính ngân hàng và khóa cổng, rồi về cửa hàng.

“Thật đếch công bằng,” Ish nói. “Tao đã mất nhiều năm quần quật. Tao từ bỏ tương lai vì trò chơi này. Không được gì cả. Còn thằng bé này sinh ra đã có tài năng mà nó đếch quan tâm.”

“Ý mày không được gì cả là sao? Mày là cầu thủ giỏi nhất ở trường trong nhiều năm.”

“Đúng, ở trường Đô thị Belrampur, thế chẳng khác nào bảo Vidya là Preity Zinta[10] trong khu phố nhà tao. Ai quan tâm chứ?”

[10] Nữ diễn viên nổi tiếng của Ấn Độ.

“Gì cơ?” tôi nói và không ngăn nổi nụ cười.

“Không sao, bà cô nhà tao có lần gọi nó thế đấy, và cứ trêu nó suốt,” Ish nói. Tinh thần nhẹ nhõm đi đôi chút.

Chúng tôi về gần cửa hàng. Ngôi đền hiện ra trước mắt.

“Tại sao Thượng đế làm như vậy hả Govind?” Ish nói.

“Làm gì?”

“Cho một số người quá nhiều tài năng. Và những người như tao lại chẳng có gì.”

“Mày có tài đấy chứ.”

“Không đủ. Không nhiều như Ali. Tao yêu trò chơi này, nhưng lại chẳng có tài. Tao đã nỗ lực - mỗi sáng thức dậy từ 4 giờ, luyện tập hàng tiếng đồng hồ, rồi luyện tập, và luyện tập. Tao từ bỏ học hành, giờ nghĩ mà xem, từ bỏ cả tương lai nữa. Rồi thằng bé chơi bi này xuất hiện, nó có tài kinh dị. Tao không bao giờ có thể nhìn quả bóng và vụt bóng như Ali. Tại sao hả Govind?”

Tiếp tục làm công việc bảo mẫu với bạn bè, tôi phải cố trả lời mọi câu hỏi ngớ ngẩn của nó. “Tao không biết. Trời phú tài năng cho một người bình thường để người đó có thể trở nên phi thường. Tài năng là cách duy nhất để người nghèo trở nên giàu có. Nếu không, trên thế giới này người giàu vẫn sẽ giàu và người nghèo vẫn sẽ nghèo. Sự bất công về tài năng này thực ra lại tạo được sự cân bằng, nó giúp thế giới trở nên công bằng,” tôi nói. Tôi suy tư đôi chút về nhận định của mình.

“Vậy sao nó không quan tâm? Bi à? Mày có tin nổi thằng bé này thích chơi bi hơn không?”

“Nó chưa nhận ra nó có thể được gì từ cricket. Lúc này, nó là nhà vô địch môn bi, trong khu phố của nó, và nó yêu địa vị đó. Một khi nó trải qua thành công như vậy trong cricket, nó sẽ coi trọng tài năng của mình. Đến lúc này, nó mới chỉ đánh được bốn lượt bóng mỗi trận. Mày sẽ biến nó thành một cầu thủ, Ish ạ,” tôi nói.

Chúng tôi đến cửa hàng. Omi đã đến trước chúng tôi, và đã quét nhà. Nó không kịp đến buổi tập, vì nó đã hứa với Mama sẽ dự các cuộc mít tinh buổi sáng ít nhất hai lần một tuần. Hôm nay là một trong các ngày đó.

“Tập tốt chứ?” Omi hỏi vẩn vơ khi lấy trà.

Ish bước vào trong. Tôi đưa một ngón tay lên miệng ra dấu cho Omi giữ yên lặng.

Một đứa bé mười tuổi bước vào với ba mươi đồng xu để mua một quả bóng cricket.

“Bóng da giá hai lăm đồng. Em chỉ có hai mốt đồng,” tôi nói khi sau khi hoàn tất nhiệm vụ đau đớn là đếm xu.

“Em đã đập lợn rồi. Em không có thêm đâu,” thằng bé nói rất nghiêm túc.

“Vậy thì đến sau nhé,” tôi nói thì Ish chen ngang.

“Cầm lấy đi,” Ish nói và đưa quả bóng cho thằng bé.

Thằng bé cầm bóng rồi chạy mất.

“Tiên sư mày, Ish,” tôi nói.

“Tiên sư mày, con buôn,” Ish nói và tiếp tục ngồi trong góc quán để hờn dỗi chuyện Ali.

***

Ish phải mất đến một hộp sôcôla, hơn hai chục viên bi và một cái mũ mới dụ được Ali quay lại. Ali cũng nhớ chúng tôi. Mẹ nó kể hôm đấy nó khóc suốt hai tiếng liền và không tham gia cuộc thi bi đó nữa. Hai ngày tiếp theo nó không đến tập. Mặc cảm tội lỗi của Ish biến thành nỗi ám ảnh. Ali chuẩn bị sẵn màn xin lỗi - có lẽ do mẹ nó chỉ cho. Thằng bé chạm vào bàn chân Ish[11] và nói xin lỗi vì đã xúc phạm thầy của mình. Ish ôm nó và tặng những món quà. Ish bảo thà nó chặt tay mình còn hơn lại đánh thằng bé. Quá lâm ly, nếu bạn hỏi thì quan điểm của tôi là thế. Vấn đề là Ali đã quay lại, lần này nghiêm túc hơn, và Ish cũng dịu tính đôi chút. Kỹ năng chơi cricket của Ali đã cải thiện, và những học sinh khác gợi ý chúng tôi đưa nó đến cuộc thi tuyển cấp quận.

[11] Theo truyền thống Ấn Độ, trẻ em sờ vào chân người lớn để thể hiện sự tôn Kính.

Ish phản đối ý tưởng này. “Không đời nào, bọn người tuyển mộ đó sẽ làm hỏng thằng bé. Nếu bọn họ loại nó, nó sẽ thất vọng suốt đời. Nếu họ chấp nhận nó, bọn họ sẽ bắt nó chơi những trận đấu vô bổ trong vài năm. Nó sẽ đến các cuộc tuyển chọn, nhưng là cuộc tuyển chọn lớn - vào đội tuyển quốc gia.”

“Thật ư? Mày tin nó sẽ vào được à,” Omi nói, chuyển cho chúng tôi món sữa chua dầm, đựng trong cốc sắt, dành cho sau buổi tập.

“Nó sẽ là một cầu thủ mà Ấn Độ chưa bao giờ có,” Ish tuyên bố. Nghe hơi điên, nhưng chúng tôi đã thấy Ali hạ gục những cầu thủ ném bóng giỏi nhất, dù chỉ vài pha bóng thôi. Hai năm nữa và có lẽ Ish sẽ đúng.

“Đừng nói gì về tài năng của Ali nhé. Tao không tin ai hết.” Ish quệt sữa chua dính trên râu mép.

***

“Xin lỗi cũng chẳng qua được kỳ thi đâu, Vidya. Nếu em học cuốn này thì sẽ có ích đấy. Còn không thì chẳng có gì cả.” Tôi mở cuốn sách hóa học.

“Em đã thử rồi,” em nói, túm mái tóc đang để xõa hất ra sau lưng. Em chưa tắm. Em đang mặc quần bó mà tôi nghĩ em đã mặc từ hồi mười ba tuổi và chiếc áo phông màu hồng có dòng chữ “bà chúa tiên” hay gì đó. Làm sao một phụ nữ trưởng thành lại mặc thứ quần áo có dòng chữ “bà chúa tiên” được nhỉ? Làm sao có người lại mặc thứ quần áo mang dòng chữ “bà chúa tiên” được thế?

“Em cầu nguyện hằng ngày. Như thế hẳn có ích,” em nói.

Tôi không biết nên cười hay là lại lên cơn thịnh nộ trước sự thờ ơ của em. Có lẽ nếu trông em không giống như con mèo ragdoll dễ thương trong bộ quần áo ấy, tôi hẳn đã nổi nóng rồi.

“Đừng phó mặc cho thánh thần, chẳng gì có ích bằng như tự mình đọc sách hóa học hữu cơ,” tôi nói.

Em gật đầu và vừa dịch ghế thì một cái chai rơi xuống đất.

“Ối,” em nói và cúi xuống.

“Gì đây?” tôi đứng dậy theo phản xạ. Đó là chai dầu dừa, thật may là đóng nắp rồi.

“Không sao đâu, em đi xoa dầu lên tóc đây,” em nói và cầm cái chai màu xanh lên.

Tôi nhìn vào mặt em. Ánh nhìn của tôi dài hơn một phần tư giây so với cần thiết. Có một khoảng thời gian được xem là tối ưu khi nhìn vào phụ nữ, sau đó nó sẽ bị coi là nhìn chằm chằm. Tôi đã vượt qua ngưỡng đó. Em ngượng ngùng, kéo lại cổ áo và ngồi thẳng lên. Pha kéo áo ấy hoàn toàn là do tôi. Tôi có nhìn vào đó đâu, nhưng em nghĩ là tôi nhìn. Tôi thấy buồn nôn.

“Dầu dừa,” tôi nói, có lẽ nói như thế là ngớ ngẩn nhất, nhưng lại giúp thay đổi chủ đề.

“Đúng, một chất hữu cơ cho đầu của em. Biết đâu cái này sẽ có ích.”

Tôi lật giở sách, đến đoạn mô tả xem benzen bị oxi hóa như thế nào.

“Bao giờ đến sinh nhật anh?” em nói.

“14 tháng Ba,” tôi đáp. “Ngày Pi.”

“Là ngày gì?”

“Ngày Pi. Em biết đấy, số Pi gần bằng 3,14 nên 14 tháng Ba là ngày đó. Đó cũng là ngày sinh của Einstein đấy. Thấy hay không?”

“Ngày cho số Pi à? Sao lại có một ngày cho một thứ kinh khủng như thế?”

“Xin lỗi em nhé? Đó là một ngày quan trọng của những người yêu toán. Bọn anh chưa bao giờ công khai. Em có thể nói em yêu văn chương, em có thể nói em yêu âm nhạc, nhưng em không thể nói em cảm thấy như vậy với môn toán.”

“Tại sao không?”

“Vì mọi người sẽ gán cho em cái mác lập dị ngay.”

“Thì anh là vậy mà,” em khúc khích.

Em đóng nắp chai dầu dừa lại.

“Anh giúp em bôi dầu lên tóc được không? Em không với ra đằng sau được.”

Tôi định nói nhưng líu cả lưỡi như thể lưỡi bị bọc trong lớp dầu kia. “ Vidya, chúng ta nên học ngay.”

“Vâng, vâng, sắp xong rồi. Chỉ phía trên gáy nữa thôi, làm ơn đi.”

Em xoay người trên ghế, lưng em quay về phía tôi. Em cầm cái nắp chai dầu lên.

Quái gì thế, tôi nghĩ. Tôi nhúng ngón trỏ vào dầu rồi đưa lên cổ em.

“Không phải ở đấy,” em lại khúc khích. “Buồn quá. Cao lên nữa, vào chân tóc ấy.”

Em bảo tôi nhúng cả ba ngón tay chứ đừng dùng một ngón, và ép mạnh hơn. Trong cơn choáng ngợp, tôi làm theo chỉ dẫn của em. Gia sư toán giỏi nhất thành phố đã trở thành một gã gội đầu mát xa.

“Cửa hàng mới sao rồi anh?” em hỏi.

“Tuyệt lắm, anh đã trả tiền đặt cọc và trả trước ba tháng tiền thuê,” tôi nói. “Năm mươi ngàn đồng tiền mặt. Bọn anh sẽ có vị trí tốt nhất trong khu mua sắm.”

“Em mong quá,” em nói.

“Hai tháng nữa,” tôi nói. “Xong rồi, đủ rồi đấy. Giờ em tự làm đi, anh sẽ cầm nắp cho em.”

Em quay lại nhìn tôi, em nhúng ngón tay vào dầu rồi bôi lên tóc.

“Em ước gì mình là con trai,” em nói, xoa dầu thật mạnh.

“Tại sao? Cho dễ bôi dầu hơn à?” tôi nói, cầm cái nắp dù cổ tay tôi mỏi nhừ.

“Dễ dàng hơn nhiều để đạt được đam mê của mình. Em sẽ không được phép mở một cửa hàng như thế,” em nói.

Tôi im lặng.

“Xong rồi, hy vọng bộ não của em đã tỉnh táo,” em nói, buộc lại mái tóc và để cuốn sách hóa học lên giữa bàn.

“Em không muốn học thứ này,” em nói.

“Vidya này, là gia sư của em, vai trò của anh là...”

“Vâng, vai trò gia sư của anh là gì? Dạy em làm sao đạt được ước mơ hay làm sao trở thành kẻ vô tích sự?”

Tôi chẳng nói gì. Em đặt bàn chân trái vào lòng. Tôi nhận thấy hình những chú gấu teddy tí xíu trên quần em.

“Này, anh không phải giáo viên của em. Anh là gia sư, là gia sư toán. Như anh biết, không có gia sư về giấc mơ đâu.”

“Anh không phải bạn em à?”

“Hơi hơi thôi.”

“Ok, hơi hơi bạn, vậy anh nghĩ em nên làm gì? Nghiền nát đam mê của em và lấy đám phân tử hydrocarbon bọc quanh mình suốt đời à?”

Tôi yên lặng.

“Nói gì đi chứ. Em nên miễn cưỡng học những bài này, dù cho em không coi chúng ra cái quái gì, chỉ vì đấy là thứ mà mọi học sinh ngoan của Ấn Độ học à?”

Tôi không nói gì.

“Sao nào?” em hối thúc tôi.

“Vấn đề là em nghĩ anh là kẻ lập dị, chuyên đi giải mấy bài toán xác suất cho vui. Ừ, có lẽ anh là vậy, nhưng không hoàn toàn là anh. Anh là gia sư, đó là một công việc. Nhưng mà mẹ kiếp, đừng bao giờ buộc tội anh đè nát đam mê của em.” Khi tôi nhận ra mình chửi bậy thì quá muộn. “Xin lỗi vì cách dùng từ của anh.”

“Chửi rủa cũng là một hành động đam mê.”

Tôi mỉm cười và quay đi.

“Đành phải vậy thôi,” em nói, “bạn-gia sư của em này, em muốn thú nhận với anh một chuyện. Em muốn đi Mumbai, nhưng không phải đi mổ tử thi. Em muốn học PR.”

Tôi đấm nắm tay lên bàn. “Vậy thì làm đi. Đừng có nói với anh những thứ vớ vẩn như em-ước-gì-mình-là-con-trai và em-bị-kẹt-trong-lồng. Ok, vậy là em đang ở trong lồng, nhưng em có một bộ óc tốt, to, và màu mỡ, chứ không bé như óc hạt đậu của loài chim. Vậy hãy sử dụng trí óc để tìm đường thoát ra.”

“Trường y là một chìa khóa, nhưng không phải cho em,” em nói.

“Nếu thế, hãy phá lồng đi,” tôi nói.

“Làm thế nào?”

“Lồng làm bằng thứ gì? Bố mẹ em à, phải không? Có nhất thiết bao giờ cũng phải nghe lời họ không?”

“Dĩ nhiên là không. Em đã nói dối họ kể từ khi em năm tuổi.”

“Thật à? Èo,” Tôi nói và cố trấn tĩnh lại. “Giữa đam mê và cha mẹ, thật khó khăn. Nhưng nếu em phải lựa chọn, thì nên chọn đam mê. Con người sẽ không tiến bộ nếu suốt đời cứ nghe lời bố mẹ.”

“Chính xác. Bố mẹ em cũng đâu có vô tội. Không phải tất cả chúng ta đều được thụ thai trong một khoảnh khắc đam mê sao?”

Tôi nhìn vào khuôn mặt có vẻ vô tội của em, tôi sốc. Cô gái này quá thể rồi. Có lẽ giúp em thoát khỏi lồng không phải là ý hay.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện