Chương 11

Sức mạnh này khiến Liễu Địch cảm động. Nó rốt cuộc là gì? Cô trầm tư suy ngẫm, ánh mắt cô vô tình dừng lại ở hai bức tranh sơn dầu tương đối lớn chạm cả xuống mặt đất cô vừa lau xong. Liễu Địch bị một cơn chấn động mãnh liệt trong giây lát.

Đây là hai bức tranh khác nhau. Một bức vẽ đại dương mênh mông. Người vẽ sử dụng gam màu lam thẫm. Sóng biển cuộn trào thành từng bông hoa sóng. Bên trên là bầu trời, bầu trời màu xám mờ và tầng mây nhàn nhạt. Bức tranh không có mặt trời cũng không có cánh chim bay. Bên bờ biển là một bãi cát nhỏ. Trên bãi cát có một cành cây khô vừa cằn cỗi vừa thô ráp, nằm cô độc ở đó. Sóng biển lấp chìm một nửa cành cây khô. Nhưng ở giữa chạc cây lại nhú lên một chồi non nho nhỏ màu xanh lục, khiến cả bức tranh ảm đạm trở nên có sinh khí, tỏa ra một sức mạnh thuộc về sinh mệnh khó diễn tả thành lời.

Bức tranh sơn dầu còn lại vẽ mặt trời sắp lặn trên biển. Mặt biển hiền hòa, ánh hoàng hôn màu vàng rực rỡ. Nơi tiếp giáp trời biển có chùm mây xán lạn và ông mặt trời đỏ rực, trông rất huy hoàng, cũng u sầu. Ông mặt trời như quả tim tích tụ mọi huyết quản, sau đó giải phóng hết năng lượng, đốt cháy tôn nghiêm, hy vọng, tình yêu của nhân loại, cho đến khi trái tim đó cháy hết.

Liễu Địch ngẩn ngơ ngắm hai tác phẩm rung động lòng người đó. Cô hoàn toàn bất động, cũng không nói chuyện, chỉ thất thần ngắm tranh. Cô như chìm trong cảm xúc ly kỳ và chấn động. Trong lòng cô vụt qua tia mờ mịt, chua xót, bi tráng...Cô không thể phân tích tâm trạng của mình lúc này.

Nhưng Liễu Địch đột nhiên hiểu ra, sức mạnh ẩn chứa trong tranh của thầy Chương, chính là bản thân "sinh mệnh", chính là tình yêu mãnh liệt đối với sinh mệnh. Sinh mệnh dẻo dai, sinh mệnh tươi mới, sinh mệnh đầy tôn nghiêm, sinh mệnh cao quý, sinh mệnh không khuất phục, sinh mệnh không thể bị hủy diệt và sỉ nhục...đều thể hiện trong tác phẩm của thầy. Thầy không phải vẽ bằng nét bút, mà dùng tư tưởng, tình cảm và linh hồn để vẽ tranh.

"Liễu Địch, em đang làm gì vậy?" Thầy Chương đột nhiên mở miệng, phá vỡ không khí tĩnh lặng.

"Em đang xem tranh ạ." Liễu Địch vẫn chìm đắm trong cảm xúc của mình.

"Bức nào?"

"Mặt trời lặn trên biển."

"Em có cảm giác gì không?"

"Bi tráng như sự cảm thán của người anh hùng ạ."

Gương mặt thầy Chương hơi rung động.

"Thầy Chương, thầy rất thích biển đúng không ạ?" Liễu Địch hỏi nhỏ.

"Đúng vậy, tôi rất thích." Thầy Chương lại chìm trong hồi ức: "Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi nhìn thấy biển. Đó là kỳ nghỉ hè năm lớp 11, một mình tôi đi đến làng chài nhỏ ở Yên Đài, sống nhờ nhà một bà lão ở đó. Lúc bấy giờ, khi nhìn thấy mặt biển mênh mông, mặt biển vô cùng vô tận, tôi mới nhận thức được thế nào là bao la bát ngát. Đứng trước biển, tôi cảm thấy bản thân nhỏ bé vô cùng. Thế là cả kỳ nghỉ hè năm đó, tôi đeo ống vẽ tranh, đi lang thang suốt đường bờ biển dài không biết bao nhiêu cây số. Có lúc, tôi chẳng làm gì cả, chỉ ngồi trên mỏm đá mấy tiếng đồng hồ nhìn ra biển. Những lúc như vậy, tư duy của tôi trống rỗng, linh hồn yên lặng, thần trí chìm trong hư vô, trong cảnh giới quên đi bản thân." Thầy Chương thở khẽ, sau đó cất giọng thâm trầm mà xúc động: "Em có biết không, biển là kiên cường nhất. Nó có thể bao dung mọi nỗi đau khổ và bất hạnh của con người."

Liễu Địch đã hoàn toàn hóa đá. Từ trước đến nay thầy Chương hết sức kiệm lời, vậy mà bây giờ thầy tâm sự nhiều như vậy. Có thể thấy, đã từ rất lâu, thầy không nhắc đến ký ức đã phủ bụi mờ với người khác.

"Đến bây giờ tôi vẫn nhớ rõ mọi thứ ở biển." Thầy Chương nói tiếp: "Tôi vẫn nhớ những mỏm đá lởm chởm, đủ hình thù sinh động, đâu đâu cũng có dấu vết của ngọn sóng đánh vào...Còn bãi cát bên bờ biển, cát vừa mịn vừa trắng, thường lấp lánh dưới ánh mặt trời, giống như vô số vì sao vỡ vụn trong cát. Trên bãi cát còn có nhiều vỏ sò, tuy không hoàn chỉnh nhưng được sóng biển gột rửa sạch sẽ. Vỏ sò thiên hình vạn trạng, đủ loại màu sắc, trắng như tuyết, đỏ như máu, tím như vầng mây cuối cùng ở trên không trung trước khi trời tối..."

Liễu Địch reo lên: "Đẹp quá, em cũng muốn đi xem."

"Biển có rất nhiều thứ đáng chiêm ngưỡng và khám phá." Thầy Chương hơi thất thần: "Mặt trời mọc trên biển là thời khắc ly kỳ nhất. Vô số tia sáng vàng tỏa ra từ chân trời tối đen. Tiếp theo là mặt trời đỏ rực như quả cầu lửa nhô ra khỏi vầng mây xán lạn, từ từ bay lên cao, lên cao mãi...cho đến khi em không thể nhìn thẳng vào nó. Còn mặt biển từ mờ mờ chuyển thành màu đỏ, rồi từ màu đỏ chuyển thành những cơn sóng trắng xóa. Quá trình thay đổi này rất kỳ diệu, đến mức em ngừng hô hấp. Ngoài ra, đến khi trời tối, mặt biển một màu đen nhưng tinh tú lấp lánh trên bầu trời dệt thành bức tranh mộng ảo."

Liễu Địch nín thở lắng nghe, sau đó cô không thể đè nén tâm trạng xúc động: "Em muốn ngắm biển, muốn ngắm biển ngay lập tức!"

"Tôi cũng vậy...tôi rất muốn, muốn ngắm biển một lần." Ngữ điệu của thầy Chương đột nhiên trở nên lạ thường, đôi lông mày của thầy nhíu chặt, thanh âm run run: "Tôi muốn nhìn thấy biển. Thật đấy, tôi muốn lại được nhìn thấy sóng biển cuộn trào, gió biển rì rào, chim hải âu vỗ cánh. Tôi muốn nhìn thấy những ngọn sóng nhấp nhô, bầu trời trong xanh và làn mây trắng. Thật đấy, có lúc mặt biển như tấm thảm nhung màu xanh, khiến tôi chỉ muốn nằm ngủ ở trên đó, muốn lăn lộn ở trên đó. Còn cả ánh hoàng hôn khi mặt trời lặn, ngọn hải đăng và những cánh buồm về bến. Tôi muốn nhìn thấy con dã tràng trên bờ cát... Nếu tôi có thể được nhìn một lần, cho dù một lần, tôi cũng..." Thầy Chương đột ngột dừng lại, gương mặt thầy trở nên co rúm, thần sắc tái mét.

Nhưng chỉ một vài giây sau, thầy lại khôi phục vẻ bình tĩnh như chưa từng có chuyện gì xảy ra: "Tôi xin lỗi, Liễu Địch, tôi hơi thất lễ." Thầy nói: "Em có biết không? Những lúc cô độc, tôi thường hồi tưởng lại cảnh tượng này. Nhưng mỗi năm trôi qua, tôi chợt phát hiện những hình ảnh đó ngày càng trở nên mơ hồ trong trí óc tôi. Tôi sống trong thế giới không ánh sáng không màu sắc. Thế giới này, tôi không thể đi ra, người khác cũng không thể đi vào. Trong bóng tối vô biên vô tận, ký ức của tôi về ánh sáng và màu sắc từ từ biến mất. Tôi nghĩ, vài năm sau, có lẽ những hình ảnh sống động đó sẽ chỉ còn lại một mớ hỗn độn trong trí não của tôi."

Sống lưng Liễu Địch lạnh buốt, cô cảm thấy từng tế bào của linh hồn đều run rẩy. Thế giới không màu sắc là thế giới như thế nào? Thế giới không ánh sáng là thế giới ra sao? Một người từ nhỏ đã vô cùng nhạy cảm với ánh sáng và màu sắc như thầy Chương làm thế nào để chịu đựng cuộc sống không màu sắc và ánh sáng? Liễu Địch hối hận đã gợi mở ký ức của thầy. Điều này nhất định sẽ đụng chạm đến nỗi đau từ đáy sâu trong nội tâm của thầy. Cô nhanh chóng rời khỏi những bức họa, đi dọn dẹp đồ dưới gầm giường của thầy Chương.

Dưới gầm giường chất đầy giá vẽ, bút lông, hộp màu và cả những tờ giấy trắng chưa từng sử dụng. Đối với thầy Chương mà nói, những thứ này không còn tác dụng. Liễu Địch cố gắng dồn hết chúng về một bên, chừa không gian chứa những thứ khác.

Liễu Địch đột nhiên phát hiện một cây đàn ghita dưới đống giấy vẽ. Đàn ghita đầy bụi, dây đàn đã bị gỉ, chứng tỏ một thời gian dài không ai đụng đến nó. Liễu Địch lôi đàn ghita khỏi gầm giường, hưng phấn reo lên như phát hiện ra lục địa mới: "Thầy Chương, thầy biết chơi ghita phải không ạ?"

"Tôi có học một thời gian." Thầy Chương gật đầu: "Thời gian học ở Bắc Đại, trong phòng ký túc của tôi có một cậu chơi ghita rất nổi tiếng. Tôi học từ cậu ấy. Tôi từng bỏ nhiều công sức và nhiệt huyết vào cây đàn ghita. Nhưng sau khi bị mù, tôi không động đến nó, tính ra cũng năm năm rồi còn gì? À..." Thầy Chương đột nhiên hiểu ra vấn đề: "Em tìm thấy đàn ghita của tôi đúng không?"

Liễu Địch không trả lời. Cô ngắm nhìn cây đàn ghita đã bị bỏ quên nhiều năm. Qua chất gỗ của nó, có thể đoán năm đó nó rất đắt tiền. Nhưng bây giờ, nó bám đầy bụi, trông giống một nhà nghệ thuật sa sút tinh thần. Liễu Địch lấy một tấm giẻ lau, cẩn thận lau sạch bụi trên cây đàn. Nhìn cây đàn từ từ bóng loáng, Liễu Địch rơi vào trầm tư. Hôm nay là một buổi chiều kỳ lạ, Liễu Địch từng chút một tìm thấy dấu vết cuộc sống quá khứ của thầy Chương qua đồ đạc trong nhà và lời kể của thầy. Quá khứ của thầy dần hiện ra trước mắt cô. Đọc sách, viết văn, ngắm biển, vẽ tranh, chơi ghita...cuộc sống của thầy vô cùng phong phú và có chất lượng. Còn bây giờ, để bảo vệ nhân cách và tôn nghiêm của bản thân, thầy cam tâm tình nguyện sống cô độc hết ngày này sang ngày khác, hết năm này sang năm khác. Liễu Địch bất giác đọc khẽ một câu thơ: "Tiêu thủ triều triều hoàn mộ mộ, tiên tâm nhật nhật phục niên niên." (một câu thơ trong "Hồng Lâu Mộng" chỉ người con gái thời cổ đại phải sống tẻ nhạt trong khuê phòng hết ngày này đến ngày khác)

Thầy Chương đang ngồi trên ghế mây đột nhiên đứng bật dậy, hỏi bằng giọng bức thiết: "Liễu Địch, em vừa đọc gì thế?"

Liễu Địch chưa kịp trả lời, cây đàn ghita trong tay cô đột nhiên phát tiếng kêu đau đớn. Hai thầy trò giật mình, Liễu Địch cúi đầu nhìn, hóa ra dây đàn bị gỉ đã đứt phựt trong lúc cô lau chùi.

Hai thầy trò đều trầm mặc trong giây lát. Dư âm run rẩy của tiếng đàn ngân vang trong căn phòng một lúc lâu. Thanh âm khàn đục đó khiến trái tim của hai thầy trò rung lên.

Khi dư âm của tiếng đàn biến mất, thầy Chương cảm khái: "Vào thời khắc mọi dây đàn bị đứt, chúng đều phát ra tiếng kêu xé lòng, bởi chúng không cam tâm lặng lẽ chết đi."

Liễu Địch ngẩn người lắng nghe, cô vẫn chưa hoàn hoàn toàn lĩnh hội hàm ý trong câu nói của thầy Chương. Đúng lúc này, Liễu Địch nghe thấy tiếng nói chuyện từ bên ngoài vọng vào. Cô nhìn ra ngoài cửa, phát hiện mấy người phụ nữ trung niên và trẻ tuổi ở ngoài sân chỉ chỉ chỏ chỏ bàn tán điều gì đó. Thầy Chương cũng nghe thấy tiếng nói chuyện. Đáy mắt thầy vụt qua một tia cảnh giác, gương mặt thầy trở nên nghiêm nghị. Thầy cất giọng vô cảm với Liễu Địch: "Liễu Địch, không còn sớm nữa, em mau về nhà đi."

Đúng vậy, trời không còn sớm. Liễu Địch đưa mắt ra ngoài cửa sổ, ông mặt trời đỏ rực ở phía Tây, ánh hoàng hôn buông xuống.

"Nhưng..." Liễu Địch liếc hai thùng mỳ ăn liền, cô còn muốn nấu bữa tối cho thầy Chương.

"Được rồi, Liễu Địch, em hãy đi về đi!" Thầy Chương lại một lần nữa "nhìn" thấu tâm tư của cô: "Xin thứ lỗi tôi đón tiếp em không chu đáo. Tôi không định giữ em ở lại cùng ăn bữa tối."

Liễu Địch ngước nhìn thầy Chương. Sắc mặt thầy âm trầm lạnh lẽo. Thầy lại đóng chặt cánh cửa trái tim khó khăn lắm mới mở ra một chút. Liễu Địch thở dài, hiện thực là một cây roi da tàn nhẫn, nó có thể đuổi hết mọi thứ đẹp đẽ và ấm áp. Cô tức giận trừng mắt với mấy người phụ nữ ở ngoài sân, rồi lưu luyến đảo mắt một lượt quanh ngôi nhà và thầy Chương đang đứng yên lặng ở giữa nhà. Sau đó Liễu Địch mím môi, quay người đi ra ngoài.

Mặt trời sắp khuất bóng, ánh sáng vàng dịu dàng cuối cùng trong ngày chiếu lên bức tường bao xung quanh sân nhỏ. Liễu Địch nhìn ông mặt trời đỏ rực, cô đột nhiên nhớ tới mặt trời trên biển trong bức tranh của thầy Chương. Liễu Địch bất giác quay đầu về phía sân nhỏ đang được tắm trong hoàng hôn. Thầy Chương không biết đứng bên cửa ra vào từ lúc nào. Hình bóng cao lớn, cô độc của thầy nổi bật trong ánh chiều tà.

Cuối tháng 7, điểm thi đại học cuối cùng cũng được công bố. Lớp 12 (1) do thầy Chương dạy đạt thành tích tương đối tốt, đặc biệt là môn ngữ văn, bình quân điểm số đứng đầu toàn tỉnh. Liễu Địch đạt 718 điểm, xếp thứ nhất khối văn toàn tỉnh. Trong đó, thành tích môn ngữ văn của cô cao khủng khiếp. Điểm tối đa là 150 điểm, cô đạt tới 147 điểm. Con số này có khi đứng đầu cả nước.

Tin tức vừa lan ra, cả thành phố xôn xao. Thị trưởng thành phố đích thân gặp gỡ "trạng nguyên khối văn", khen ngợi Liễu Địch "tuổi trẻ tài cao". Phóng viên báo chí cũng lần lượt đến phỏng vấn Liễu Địch, đề nghị cô phát biểu cảm tưởng, tiết lộ kinh nghiệm học tập, phát biểu một lô vấn đề không quan trọng. Nhà trường đặc biệt dán tờ giấy đỏ báo tin vui cỡ lớn, đồng thời mời Liễu Địch tham gia buổi báo cáo với toàn trường.

Cô chủ nhiệm Trần Chi tươi cười hớn hở, khen Liễu Địch là "thiên tài". Cô Trần cho biết, cô đã sớm dự đoán Liễu Địch có thể thi đỗ Bắc Đại. Bố mẹ Liễu Địch càng vui mừng, cười ngoác miệng từ sáng đến tối. Liễu Địch phảng phất trút tảng đá nặng trong lòng, cô cũng cảm thấy vui mừng hưng phấn một thời gian.

Nhưng sau đó, đối diện với những lời ca tụng không ngừng nghỉ, với các loại hoạt động và phỏng vấn liên tiếp, tâm trạng hưng phấn nhanh chóng biến mất, thay vào đó là nỗi bực dọc. Liễu Địch từ chối buổi báo cáo của nhà trường và các cuộc phỏng vấn không cần thiết. Cuối cùng, để né tránh đám phóng viên dai như đỉa đói, Liễu Địch trốn ở văn phòng thầy Chương cả ngày không ra ngoài. Dù sao từ trước đến nay, văn phòng của thầy Chương cũng là "cấm địa". Không được phép của thầy, ngay cả thị trưởng thành phố cũng không thể vào bên trong. Thầy Chương vẫn bình thản như thường lệ, nghe tin thành tích môn ngữ văn của lớp do thầy dạy đứng đầu toàn tỉnh, thầy đều không ngẩng đầu. Chỉ khi nghe tin Liễu Địch đạt thành tích tốt, gương mặt thầy mới để lộ ý cười vui mừng.

Tiếp theo là đợi thông báo trúng tuyển.

Những trường đại học trọng điểm gửi thông báo trúng tuyển, không có tên Liễu Địch.

Các trường đại học hạng hai gửi thông báo trúng tuyển, vẫn không có tên Liễu Địch.

Bố mẹ Liễu Địch hoảng hốt. Bọn họ bắt đầu nhờ người hỏi thăm tình hình khắp nơi, nhưng không có kết quả. Bố Liễu Địch thậm chí gọi điện tới tận đại học Bắc Kinh, nhưng câu trả lời của đối phương vừa khách sáo vừa mơ hồ, khiến bố Liễu Địch chẳng biết đường nào mà lần.

Liễu Địch cũng sốt ruột lo lắng. Nghe nói, thành tích của cô vượt xa điểm chuẩn, tại sao không được tuyển? Là bị bỏ sót hay nhầm lẫn ở đâu? Hay là thông báo trúng tuyển gửi chậm trễ? Các loại suy đoán và nghi hoặc khiến Liễu Địch rối bời, nhưng cô vẫn không tìm ra đầu mối.

Nên biết, một trường đại học lớn như Bắc Đại, điểm số không phải là điều kiện tuyển chọn duy nhất. Có mấy chục lý do bị loại, ai mà biết cô rơi vào trường hợp nào?

Sau khi biết tin, đám phóng viên lập tức thay đổi thái độ. Một số hoạt động Liễu Địch nhận lời trước đó, bỗng dưng bị hủy bỏ bởi các lý do "hợp tình hợp lý". Liễu Địch từ đứa con cưng của thượng đế, trở thành con chim sẻ bị quên lãng trong mùa đông. Việc từ thiên đường rơi xuống địa ngục trong giây lát khiến Liễu Địch không chịu đựng nổi.

Đúng lúc này, tin đồn không biết bắt nguồn từ đâu âm thầm lan truyền với tốc độ chóng mặt, nào là "điểm số công bố sai", "lúc khớp điểm xảy ra vấn đề"...Có người nói Liễu Địch gian lận trong thi cử, bị người khác tố cáo nên bị hủy tư cách tuyển chọn. Các loại tin đồn tồi tệ khiến một cô gái chững chạc như Liễu Địch cũng không thể kiềm chế, cô cảm thấy bản thân sắp phát điên.

Ở trường, Liễu Địch phải đối diện với vô số ánh mắt nghi ngờ dò hỏi. Ở nhà, cô phải đối diện với gương mặt u ám của bố mẹ. Mặc dù thế giới rộng lớn như vậy nhưng cô không có chốn dung thân. Chỉ trong văn phòng nhỏ của thầy Chương, Liễu Địch mới được yên tĩnh.

Đúng vậy, kể từ lúc công bố điểm thi, Liễu Địch chiều nào cũng đến văn phòng của thầy Chương chờ thông báo nhập học. Thầy Chương ngày ngày đến trường cùng cô chờ đợi. Hai thầy trò thường lặng lẽ ngồi trong văn phòng cả buổi chiều. Đến giờ tan tầm, Liễu Địch lại tiễn thầy Chương ra trạm xe buýt.

Liễu Địch từng khuyên thầy Chương đừng đội nắng nóng đến trường cùng cô, nhưng thầy chỉ cố chấp lắc đầu. Trên thực tế, Liễu Địch rất mong thầy Chương ở bên cạnh cô. Không hiểu tại sao, gương mặt điềm tĩnh và lạnh nhạt của thầy Chương, mang đến cho cô một sức mạnh và niềm an ủi khó hình dung, nó có tác dụng hơn bất cứ lời nói nào. Ngắm nhìn bộ dạng thản nhiên và trầm tĩnh của thầy, tâm trạng lo lắng bất an của Liễu Địch lắng xuống như có phép lạ.

Cô lại nhớ đến câu nói của thầy Chương: "Tôi dám dùng sinh mạng bảo đảm, em nhất định sẽ thi đỗ vào Bắc Đại." Câu nói kiên định đó đã trở thành trụ cột tinh thần duy nhất của Liễu Địch trong những ngày tháng hỗn loạn này. Tuy nhiên, trụ cột cũng có lúc dao động. Mấy lần, Liễu Địch không kìm nén nổi tâm trạng sốt ruột. Cô đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng. Những lúc như vậy, thầy Chương sẽ pha cho cô một cốc trà, sau đó thầy dò dẫm ngắt một bông hoa nhài nhỏ trên cửa sổ, lặng lẽ bỏ vào cốc trà. Thầy Chương ăn mặc tiết kiệm, nhưng việc thưởng thức trà tương đối cầu kỳ. Nhìn cánh hoa nhỏ màu trắng dập dềnh trong cốc nước, ngửi mùi hương hoa dìu dịu khắp căn phòng, Liễu Địch liền cảm thấy một sự yên bình không nói thành lời. Tâm trạng sốt ruột thấp thỏm cũng lặng lẽ biến mất.

Nếu không có thầy Chương, Liễu Địch thật sự không biết vượt qua giai đoạn khó khăn này như thế nào. Nhưng tháng tám đã trôi qua hai phần ba thời gian, đến bạn học có điểm thi thấp nhất của lớp cũng nhận được giấy gọi nhập học của một trường hạng hai, vậy mà thông báo trúng tuyển của Liễu Địch vẫn bặt vô âm tín.

Trong một buổi chiều chờ đợi như vậy, lúc Liễu Địch chán nản đến mức gần tuyệt vọng, cửa văn phòng thầy Chương đột nhiên có tiếng gõ cộc cộc.

Nghe tiếng gõ cửa, thầy Chương và Liễu Địch đều giật mình kinh ngạc. Cả hai thầy trò đều ý thức được điều gì trong giây lát. Nhất định là ông Lý. Thầy Chương từng dặn dò, một khi nhận được thông báo trúng tuyển từ Bắc Đại, ông Lý sẽ mang ngay đến văn phòng của thầy Chương cho Liễu Địch.

Liễu Địch cảm thấy tim cô sắp nhảy ra khỏi lồng ngực, máu trong người dồn hết lên não bộ. Cô vội vàng đứng dậy, quay người đi mở cửa.

Cánh cửa mở ra, Liễu Địch ngẩn người. Bên ngoài là một ông già tóc bạc không quen biết.

"Cháu là Liễu Địch phải không?" Ông già mỉm cười đi vào văn phòng. Liễu Địch mở to mắt quan sát, ông già có mái tóc bạc trắng, đeo kính trắng gọng vàng, bộ dạng vừa thân thiện, nhân từ và phong độ. Toàn thân ông toát ra vẻ cao quý, nho nhã, tựa hồ một học giả bước ra từ phòng đọc sách.

Phát hiện Liễu Địch đang nhìn mình bằng ánh mắt dò xét, ông già cất giọng ôn hòa, giới thiệu bản thân: "Tôi họ Tô, là thầy giáo khoa Trung văn đại học Bắc Kinh."

Đến từ Bắc Đại? Trong lòng Liễu Địch hồi hộp vô cùng. Thầy Chương dường như cũng kinh ngạc, thầy ngồi thẳng người, chiếc ghế dưới thân thầy phát tiếng cót két khe khẽ.

"Tôi vì việc tuyển chọn của cháu nên mới đến đây." Thầy Tô đi thẳng vào vấn đề: "Chuyện là thế này. Sau khi công bố điểm thi, chúng tôi có xem lại bài thi môn ngữ văn của cháu. Bởi vì trong mấy năm gần đây, chúng tôi chưa từng gặp điểm số cao như vậy. Có thể nói, bài thi ngữ văn của cháu tương đối hoàn hảo, đặc biệt là bài làm văn. Ba thầy chấm thi đều cho cháu điểm tối đa. Tuy nhiên, trong lúc cho điểm, họ đồng thời viết thêm nhận xét của mình..." Thầy Tô rút trong túi ra một bài thi: "Cháu có thể đọc những lời nhận xét này."

Liễu Địch vội vàng nhận bài thi. Ba thầy chấm thi đúng là đều có lời nhận xét. Một thầy viết: "Bài văn ly kỳ đến mức khiến tôi không thể không cho điểm cao". Một thầy viết: "Tôi chưa bao giờ gặp một câu chuyện xa rời thực tế nhưng chân thực như vậy". Người thứ ba thẳng thắn nhận xét: "Tôi không tin câu chuyện này tồn tại trong cuộc sống".

"Ba lời nhận xét rất rõ ràng." Thầy Tô nhận lại bài thi bỏ vào túi: "Cả ba thầy chấm thi đều nghi ngờ tính chân thực trong bài văn của cháu, nhưng họ đều cảm động. Nói một cách khác, họ bị thuyết phục bởi tình cảm của người viết văn, vì vậy họ không hẹn cùng cho điểm số cao nhất. Khi chúng tôi đọc bài văn của cháu, nói thật, chúng tôi cũng không tin câu chuyện kể trong bài văn. Đặc biệt, thầy ngữ văn của các cháu lại là người khiếm thị."

Ngừng một hai giây, thầy Tô nói tiếp: "Nhưng chúng tôi cũng như ba thầy chấm điểm thi, bị thứ tình cảm đẹp đẽ, chân thành, sâu sắc và thuần khiết trong bài văn chinh phục. Tiếp theo là vấn đề tuyển chọn cháu, khoa xuất hiện hai luồng ý kiến trái ngược. Có ý kiến cho rằng, nếu bài văn này là hư cấu, thì không phù hợp với yêu cầu của đề thi, bài văn không thể cho điểm số cao như vậy, tác giả của bài văn không có tư cách vào Bắc Đại. Ý kiến khác cho rằng, tình cảm thể hiện trong bài văn là rất chân thực và cảm động, tác giả của bài văn là kỳ tài. Bỏ qua một nhân tài, là điều đáng tiếc của Bắc Đại. Hai luồng ý kiến tranh luận gay gắt. Cuối cùng, nhà trường quyết định cử tôi đến tận trường của cháu để điều tra, xem câu chuyện kể trong bài văn có chân thực hay không? Nếu là sự thật, tôi sẽ trao thông báo trúng tuyển cho cháu ngay tại chỗ."

Liễu Địch hoàn toàn sửng sốt. Cô nằm mơ cũng không ngờ, bài văn của cô lại gây ra sự ngờ vực và tranh luận ở Bắc Đại, hơn nữa còn làm cô suýt nữa bị đánh trượt.

Liễu Địch đưa mắt về phía thầy Chương vẫn im lặng từ đầu đến giờ. Vẻ mặt thầy rất kỳ lạ, tựa hồ đang suy ngẫm nghiên cứu điều gì đó, lại như chìm trong hồi ức, thần sắc vừa tập trung vừa xúc động. Nghe những lời nói kinh tâm động hồn của thầy Tô, thầy Chương vẫn không lên tiếng nói hộ Liễu Địch. Liễu Địch hơi thất vọng, cô đành tự mình giải thích: "Thầy Tô, bài văn của cháu..."

"Cháu không cần giải thích." Thầy Tô mỉm cười cắt ngang lời Liễu Địch, nụ cười của thầy ôn hòa thân thiện, như ngọn gió xuân tháng ba: "Vừa rồi tôi đã đến phòng hiệu trưởng, tôi đã nắm được tình hình cần tìm hiểu. Câu chuyện kể trong bài văn không ngờ lại là sự thật. Xin thứ lỗi tôi dùng từ "không ngờ", bởi vì tôi thật sự không nghĩ ra từ khác thể hiện sự kinh ngạc của tôi. Cho đến bây giờ tôi mới hiểu, trong cuộc sống đúng là xảy ra những chuyện chúng ta không thể tin nổi. Những câu chuyện khó tin đó, ở một thời điểm đặc biệt, hoàn cảnh đặc biệt, xảy ra trên những con người đặc biệt sẽ là hợp tình hợp lý. Ví dụ như thầy giáo khiếm thị mà bài văn của cháu đề cập." Ánh mắt ông chuyển sang thầy Chương: "Nếu tôi không nhầm, vị này chính là thầy Chương trong bài văn."

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện