KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH TRONG TÂM THỨC BẠN LÀ GÌ?

Khi xuất hiện trên đài phát thanh hay truyền hình, tôi nổi tiếng vì thường đưa ra lời khẳng định sau: "Hãy cho tôi 5 phút, tôi có thể tiên đoán tương lai tài chính cho cả cuộc đời còn lại của bạn".

Bằng cách nào? Qua một cuộc trò chuyện ngắn, tôi có thể xác định được cái gọi là "kế hoạch tài chính và thành công trong tâm thức" của bạn. Mỗi chúng ta đều có kế hoạch tài chính và thành công được cài sẵn trong tiềm thức. Và bản kế hoạch đó, hơn mọi thứ khác và hơn tất cả những thứ khác kết hợp lại, sẽ quyết định cái đích tài chính của cuộc đời bạn.

Kế hoạch tài chính và thành công trong tâm thức là gì? Tương tự như đối với một ngôi nhà, bản thiết kế của ngôi nhà chính là kế hoạch thành công của ngôi nhà đó. Theo đó, "kế hoạch tài chính trong tâm thức" đơn giản là chương trình được cài đặt trước về cách sống liên quan đến tiền bạc của bạn.

Tôi muốn giới thiệu với bạn một công thức tối quan trọng. Công thức này quyết định cách bạn biến ý muốn thành hiện thực và tạo ra sự thành công về tài chính. Nhiều vị giáo sư đáng kính trong lĩnh vực nghiên cứu tiềm năng con người đã và đang sử dụng công thức này làm nền tảng cho những bài giảng của họ. Được gọi là Quá trình Hiển hiện, công thức đó có dạng như sau:

T F A = R

Nghĩa là:

Suy nghĩ ---> Cảm xúc ---> Hành động ---> Kết quả

Thoughts ---> Feelings ---> Actions ---> Results

Quy Tắc Thịnh Vượng số 4:

Suy nghĩ sinh ra Cảm xúc, Cảm xúc đưa đến Hành động, Hành động tạo ra Kết quả.

Kế hoạch tài chính trong tâm thức bạn là sự kết hợp giữa suy nghĩ, cảm xúc và hành động của bạn trong lĩnh vực tiền bạc.

Vậy Kế hoạch tài chính trong tâm thức bạn hình thành như thế nào? Câu trả lời rất đơn giản. Kế hoạch tài chính trong tâm thức của bạn bao gồm chủ yếu là những thông tin và lập trình bạn nhận được trong quá khứ, đặc biệt là ở thời thơ ấu.

Những ai là nguồn gốc đưa đến sự lập trình này? Đối với hầu hết chúng ta, danh sách đó bao gồm cha mẹ, anh chị em, bạn bè, thầy cô giáo, những nhân vật có quyền lực trong xã hội, các lãnh đạo tôn giáo, những phương tiện thông tin đại chúng, và cả nền văn hóa của bạn nữa. Đó chỉ là một vài tên trong danh sách.

Hãy bàn một chút về khía cạnh văn hóa. Mỗi nền văn hóa có một cách suy nghĩ và tiếp cận khác nhau về vấn đề tiền bạc. Bạn có nghĩ một đứa trẻ vừa sinh ra đã có sẵn thái độ và cảm nhận về tiền? Hay đứa trẻ đó được dạy cách xử lý tiền bạc trong quá trình trưởng thành? Chắc chắn là mọi đứa trẻ đều được dạy cách tư duy và hành động liên quan đến tiền bạc.

Điều ấy là có thật với bạn, với tôi, với tất cả mọi người. Ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta đã được dạy cách suy nghĩ và hành động đối với những vấn đề liên quan đến tiền. Những lời chỉ dạy đó dần trở thành phản xạ vô điều kiện và điều khiển bạn suốt cả cuộc đời. Tất nhiên, trừ khi bạn chủ động can thiệp và điều chỉnh các "hồ sơ tài chính" trong trí óc mình. Đây chính là những gì mà chúng ta sẽ thực hiện trong cuốn sách này, việc chúng tôi làm với hàng nghìn người mỗi năm, với cấp độ sâu hơn và mức độ bền vững hơn tại các khóa học Tư Duy Triệu Phú.

Như đã đề cập ở trên rằng suy nghĩ quyết định cảm xúc, cảm xúc đưa đến hành động và hành động tạo ra kết quả. Thế nên ở đây nảy ra một câu hỏi khá thú vị: Suy nghĩ của bạn xuất phát từ đâu? Tại sao bạn lại suy nghĩ khác người ngồi ngay bên cạnh bạn?

Suy nghĩ của bạn bắt nguồn từ "hồ sơ thông tin" bạn có trong những ngăn lưu trữ của trí não bạn. Vậy những thông tin này đến từ đâu? Thông tin này xuất phát từ những lập trình của bạn đã được định hình trong quá khứ. Đúng thế, những khuôn mẫu quá khứ quyết định từng suy nghĩ lóe lên trong trí óc bạn. Do đó, nó thường được nhắc đến như là những suy nghĩ có điều kiện.

Để thể hiện điều này, chúng ta có thể bổ sung "Quá trình Hiển hiện" trên như sau:

P---> T---> F---> A---> R

Thế giới quan trong quá khứ ---> Suy nghĩ ---> Cảm xúc ---> Hành động ---> Kết quả

(Programming ---> Thoughts ---> Feelings ---> Actions---> Results)

Thế giới quan trong quá khứ của bạn sẽ dẫn đến suy nghĩ, suy nghĩ dẫn dến cảm xúc, cảm xúc dẫn đến hành động, và hành động dẫn đến kết quả.

Vì vậy, giống như bạn có thể làm với máy tính cá nhân: nếu bạn thay đổi nội dung chương trình đã lập sẵn thì bạn đã tạo một bước tiến quan trọng để thay đổi kết quả của mình.

Thế giới quan của chúng ta được tạo ra như thế nào? Cách thức tư duy của chúng ta về mọi lĩnh vực trong cuộc sống, kể cả về tiền bạc, được định hình một cách áp đặt trong quá khứ theo ba cách chính sau đây:

Thông qua lời nói: Bạn đã nghe được những gì khi còn nhỏ?

Làm theo khuôn mẫu: Bạn đã nhìn thấy những gì khi còn nhỏ?

Sự kiện cá nhân cụ thể: Bạn đã trải nghiệm những gì khi còn nhỏ?

Hiểu rõ ba yếu tố khuôn mẫu định hình cách tư duy trên là điều vô cùng quan trọng, vì thế bạn hãy dành thời gian để suy nghĩ và nghiên cứu chúng thật tỉ mỉ, chi tiết. Trong Phần I của cuốn sách này, bạn sẽ tìm hiểu các yếu tố định hình cách tư duy của mình để vươn đến sự giàu có và thành công.

Yếu tố định hình suy nghĩ thứ nhất: Lời nói

Trước tiên, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về quá trình định hình cách suy nghĩ thông qua những điều ta đã nghe thấy. Từ nhỏ đến khi trưởng thành, bạn đã nghe thấy những gì về tiền bạc, sự sung túc và những người giàu có?

Có phải bạn đã từng nghe những câu như:

• Tiền bạc là nguồn gốc của mọi tội lỗi;

• Hãy dành dụm phòng khi túng thiếu;

• Người giàu rất tham lam;

• Người giàu hay phạm pháp;

• Giàu là tội lỗi;

• Phải làm việc cực nhọc mới có tiền;

• Tiền không phải từ trên trời rơi xuống;

• Bạn không thể vừa giàu vừa có lý tưởng;

• Tiền không thể mua được hạnh phúc;

• Người có tiền nói gì cũng được;

• Tiền của không bao giờ là đủ;

• Người giàu sẽ càng giàu và người nghèo ngày càng nghèo;

• Điều đó không dành cho chúng ta;

• Không phải ai cũng giàu được;

• Không bao giờ đủ;

• Và câu đáng ghét nhất là: Chúng ta không có đủ tiền mua nó!

Trong gia đình tôi ngày trước, mỗi khi tôi hỏi xin tiền cha tôi, ông đều hét toáng lên: "Thân tao làm bằng tiền chắc?". Tôi đùa lại: "Con ước là như vậy. Con sẽ lấy một cánh tay, một bàn tay thôi, thậm chí là một ngón tay thôi". Những lúc như vậy, ông không bao giờ cười lấy một lần.

Khúc mắc chính là ở chỗ này. Tất cả những câu nói liên quan đến tiền bạc mà bạn nghe từ khi còn nhỏ vẫn đọng lại trong tiềm thức của bạn, là một phần của kế hoạch tài chính trong tâm thức và chính là cái đang điều khiển cuộc sống tài chính của bạn.

Những khuôn mẫu định hình cách suy nghĩ qua lời nói có sức mạnh cực kỳ lớn. Ví dụ, khi con trai tôi - Jesse -lên ba, nó chạy đến gặp tôi và hồ hởi nói: "Ba ơi, chúng ta đi xem phim Ninza Rùa đi. Ở ngay gần nhà ta này". Lúc đó tôi không thể lý giải vì sao một đứa trẻ mới lẫm chẫm tập đi lại có thể hiểu về địa lý đến mức biết rằng bộ phim kia đang được chiếu gần nhà. Một vài giờ sau, tôi bắt gặp câu trả lời trong một mẩu quảng cáo về bộ phim ấy trên ti-vi: "Nay bộ phim đã được chiếu ở một rạp gần nhà bạn".

Một ví dụ khác về sức mạnh của việc định hình suy nghĩ thông qua lời nói là vấn đề chi tiêu của Stephen, một trong những người tham dự khóa học của tôi. Stephen không có khó khăn trong việc kiếm tiền, nhưng luôn khó khăn trong việc giữ tiền.

Vào thời điểm tham dự khóa học, mỗi năm Stephen kiếm được hơn 800.000 đô-la và đã có thu nhập như thế chín năm liền. Thế nhưng anh cứ phung phí, cho mượn hoặc mất, hoặc đầu tư sai lầm hết. Cho dù vì lý do nào thì kết quả cũng là tài sản của anh ta có được rất ít, chính xác là zero!

Stephen nhớ lại lúc anh còn nhỏ, lúc nào mẹ anh cũng bảo: "Những người giàu rất tham lam. Người giàu luôn kiếm tiền trên mồ hôi nước mắt của người nghèo. Con chỉ nên kiếm đủ tiền thôi, chứ nếu nhiều tiền hơn thì con cũng sẽ trở thành đồ lợn như họ thôi".

Không cần phải là nhà thông thái để nhận ra chuyện gì đã xảy ra trong tiềm thức của Stephen. Không ngạc nhiên rằng anh luôn là người rỗng túi. Anh đã được định hình suy nghĩ thông qua niềm tin của bà mẹ rằng người giàu rất tham lam. Vì thế, trí óc Stephen đã kết nối người giàu với sự tham lam, tức là với cái xấu. Vì không muốn là người xấu, tiềm thức của anh đã không muốn mình là người giàu.

Stephen rất yêu mẹ và không muốn làm bà thất vọng. Thông thường, dựa trên những niềm tin của bà, nếu anh trở nên giàu có, bà sẽ không tán thành. Vì vậy, việc duy nhất anh có thể làm là tống khứ đi thật nhanh bất kỳ khoản tiền nào vượt mức "vừa đủ xài" để khỏi trở thành "đồ lợn" tham lam!

Đến đây, có thể bạn nghĩ rằng nếu phải chọn giữa sự giàu có và được mẹ (hay bất kỳ người nào khác) tán thành thì đa số mọi người sẽ chọn sự giàu có. Nhưng thực tế khó có thể xảy ra chuyện đó! Trí óc con người không hoạt động theo cách ấy. Chắc chắn giàu có sẽ là một sự lựa chọn hợp lý. Nhưng khi tiềm thức phải lựa chọn giữa một bên là những cảm xúc đã bám rễ sâu xa và một bên là tính hợp lý thì hầu như cảm xúc bao giờ cũng chiến thắng.

Quy Tắc Thịnh Vượng số 5:

Khi tiềm thức phải lựa chọn giữa một bên là những cảm xúc đã bám rễ sâu xa và một bên là tính hợp lý thì hầu như cảm xúc bao giờ cũng thắng.

Trở lại câu chuyện của chúng ta. Trong chưa tới mười phút áp dụng các kỹ thuật thực hành cực kỳ hiệu quả, kế hoạch tài chính trong tâm thức của Stephen đã hoàn toàn thay đổi. Chỉ hai năm sau, anh đã trở thành triệu phú.

Tại khóa học, Stephen bắt đầu hiểu ra rằng những niềm tin tai hại kia là của mẹ anh, được tạo ra từ những suy nghĩ đã hình thành trong quá khứ của bà, chứ không phải của anh. Sau đó chúng tôi tiến thêm một bước nữa và giúp anh xây dựng một chiến thuật cá nhân sao cho vẫn giữ được sự tán thành của mẹ nếu mình giàu lên. Điều đó cũng khá đơn giản.

Biết mẹ rất thích Hawaii, Stephen liền mua một căn nhà ngay bên bờ biển Maui và đưa mẹ tới đó nghỉ suốt mùa đông. Bà như được ở trên thiên đường, nên anh cũng thế. Đầu tiên, bà thật sự vui mừng khi anh trở nên giàu có và bà tự hào khoe với mọi người về sự hiếu thảo và giàu có của anh. Tiếp theo, anh không còn phải lo cho bà suốt sáu tháng mỗi năm. Thật tuyệt!

Trong cuộc đời mình, sau sự khởi đầu chậm chạp, tôi cũng đã bắt đầu kinh doanh khá hơn, nhưng không bao giờ kiếm được tiền từ chứng khoán. Khi đã biết về kế hoạch tài chính trong tâm thức, tôi nhớ ra khi tôi còn bé hàng ngày sau giờ làm việc cha tôi thường ngồi bên bàn ăn với tờ báo có những trang đăng tin chứng khoán. Cha tôi hay đấm nắm tay lên bàn và kêu: 'Những cổ phiếu chết tiệt!". Rồi ông cằn nhằn, nguyền rủa hệ thống ngu xuẩn của thị trường chứng khoán suốt nửa giờ liền. Ông còn nói rằng thế này thì thà cứ đem số tiền ấy đi đánh bạc còn hơn.

Bây giờ, khi bạn hiểu sức mạnh của sự định hình cách suy nghĩ qua lời nói, bạn có còn ngạc nhiên khi tôi không kiếm được xu nào từ chứng khoán? Tôi đã được lập trình để thất bại, được lập trình một cách vô thức để chọn sai cổ phiếu, với giá sai và vào sai thời điểm. Tại sao ư? Vì trong vô thức khi đánh giá cổ phiếu, kế hoạch trong tiềm thức của tôi đã chọn "những cổ phiếu chết tiệt"!

Có thể nói rằng tôi bắt đầu gặt hái nhiều quả ngọt hơn nhờ bỏ công dọn dẹp đám cỏ dại đang mọc lan trong "khu vườn tài chính" bên trong của tôi. Gần như ngay lập tức sau khi tôi định hình lại cách suy nghĩ của mình, những cổ phiếu mà tôi chọn đã có dấu hiệu khởi sắc, và kể từ đó tôi liên tục thu được những thành công bất ngờ trên thị trường chứng khoán. Chuyện thật khó tin, nhưng khi bạn đã hiểu về tác dụng của kế hoạch tài chính trong tâm thức thì điều đó sẽ không còn gây ngạc nhiên nữa.

Tiềm thức chi phối suy nghĩ của bạn. Suy nghĩ của bạn chi phối quyết định, quyết định chi phối hành động, và cuối cùng hành động chi phối thành quả của bạn.

Có bốn yếu tố chính tạo ra sự thay đổi, trong đó bất kỳ yếu tố nào cũng đều là thiết yếu đối với việc lập trình lại kế hoạch tài chính trong tâm thức của bạn. Những yếu tố này rất đơn giản nhưng mang lại hiệu quả vô cùng lớn lao.

• Yếu tố đầu tiên là Nhận thức: Bạn chỉ có thể thay đổi thứ mà bạn biết chắc nó đang tồn tại.

• Yếu tố thứ hai là Hiểu biết: Khi hiểu được "cách suy nghĩ của mình" bắt đầu từ đâu, bạn sẽ nhận ra rằng nó được định hình từ những yếu tố bên ngoài.

• Yếu tố thứ ba là Sự tách biệt: Một khi nhận ra "cách suy nghĩ" này không phải của mình, bạn có thể tách bản thân ra khỏi chúng trong thực tại và lựa chọn xem có nên giữ lại hay bỏ chúng đi – dựa vào việc bạn là ai hôm nay, bạn đang ở đâu, và bạn muốn ngày mai mình ở vị trí nào. Bạn có thể quan sát cách suy nghĩ đó và xem xét đúng với thực chất của nó. Phải chăng cách suy nghĩ đó chính là "hồ sơ" thông tin được lưu trữ trong tâm trí bạn từ rất lâu rồi và có thể nó không còn phù hợp hay không còn giá trị đối với bạn nữa?

• Yếu tố thứ tư là Định hình lại suy nghĩ: Chúng ta sẽ đề cập đến quá trình này trong Phần II của cuốn sách, nơi tôi sẽ giới thiệu những "hồ sơ trong tâm trí" tạo nên sự giàu có và thành công.

Nếu bạn muốn đi xa hơn nữa, mời bạn tham dự khóa học Tư Duy Triệu Phú (Millionaire Mind Intensive - MMI). Ở đó bạn sẽ được hướng dẫn thực hiện hàng loạt những kỹ năng thực tế rất hiệu quả để tái thiết tiềm thức của bạn ở mức độ cơ bản và lâu dài – tập cho trí óc của bạn có phản ứng hỗ trợ tích cực về mặt tiền bạc và thành công.

Bây giờ hãy trở lại cuộc thảo luận của chúng ta về sự định hình cách suy nghĩ thông qua lời nói và các bước bạn có thể áp dụng ngay để điều chỉnh lại kế hoạch tài chính trong tâm thức bạn.

Các bước tạo ra sự thay đổi thông qua việc định hình suy nghĩ bằng lời nói

NHẬN THỨC: Viết ra tất cả các câu nói có liên quan đến tiền bạc hay sự sung túc, giàu có và người giàu mà bạn từng nghe được từ khi còn nhỏ.

HIỂU BIẾT: Viết ra mức độ tin tưởng của bạn vào những câu nói này và đánh giá xem chúng đã tác động như thế nào đến đời sống tài chính của bạn hiện nay.

TÁCH BIỆT: Bạn có thể nhận ra rằng những cách suy nghĩ đó chỉ là biểu hiện của những điều bên ngoài mà bạn đã học được và chúng không phải là quan điểm của bạn, không phải là chính con người bạn? Bạn có thể thấy rằng ngay lúc này đây bạn hoàn toàn có cơ hội lựa chọn để thay đổi?

TUYÊN BỐ: Bạn hãy đặt tay lên ngực và nói to...

"Những điều người khác nói với tôi về vấn đề tiền bạc không nhất thiết là đúng. Tôi sẽ chọn cho mình những cách suy nghĩ mới có thể giúp tôi có được hạnh phúc và thành công."

Rồi bạn đặt tay lên trán và nói...

"Tôi có Tư Duy Triệu Phú!"

Yếu tố định hình suy nghĩ thứ hai: Làm theo khuôn mẫu

Cách thứ hai định hình lối suy nghĩ của chúng ta là làm theo khuôn mẫu. Trong thời niên thiếu của bạn, cha mẹ và những người có ảnh hưởng lên bạn có thái độ như thế nào đối với tiền bạc? Họ quản lý tiền bạc có tốt không? Họ là người tiết kiệm hay phung phí? Họ là nhà đầu tư khôn ngoan hay không hề quan tâm đến lĩnh vực này? Họ chấp nhận mạo hiểm hay là người bảo thủ? Tiền bạc luôn dồi dào hay thất thường trong gia đình bạn? Gia đình bạn làm ra tiền một cách dễ dàng, hay việc kiếm tiền luôn là một cuộc đấu tranh? Tiền bạc có là nguồn vui trong nhà bạn hay là nguyên nhân của những tranh cãi cay đắng?

Tại sao những thông tin này lại quan trọng như vậy? Có lẽ bạn đã nghe câu này: "Bắt chước như khỉ". Vâng, con người cũng không khác là bao. Khi còn là những đứa trẻ, chúng ta đã học hỏi hầu như mọi thứ từ thế giới xung quanh bằng cách bắt chước.

Mặc dù phần lớn chúng ta không thích công nhận điều này, nhưng đó hoàn toàn là sự thật trần trụi trong câu châm ngôn cổ: "Quả táo không rơi quá xa gốc cây táo".

Tôi nhớ câu chuyện về một phụ nữ rán thịt chuẩn bị cho bữa tối. Cô luôn cắt bớt một chút ở hai đầu miếng thịt trước khi rán. Trông thấy vậy, người chồng ngạc nhiên hỏi nguyên nhân. Cô đáp: "Đó là cách mẹ em vẫn thường làm". Tình cờ hôm ấy mẹ cô đến ăn tối, và họ hỏi bà tại sao bà lại cắt đi hai đầu của miếng thịt trước khi cho vào chảo rán. Bà mẹ đáp: "Bà ngoại các con vẫn làm như vậy". Thế là họ quyết định gọi điện cho bà ngoại để hỏi tại sao. Câu trả lời của bà ngoại là gì? "Bởi vì cái chảo của bà quá nhỏ"!

Điểm đáng lưu ý ở đây là nói chung, chúng ta hay có xu hướng trở nên giống hệt cha hoặc mẹ mình, hoặc là sự kết hợp của cả hai trong lĩnh vực tiền bạc.

Ví dụ, cha tôi là một doanh nhân trong lĩnh vực xây dựng. Ông thực hiện những dự án bao gồm khoảng một chục đến một trăm căn nhà. Mỗi công trình cần một khoản đầu tư khổng lồ. Cha tôi thường phải dồn vào đó mọi khoản tiền ông có và còn phải vay nặng lãi thêm từ ngân hàng cho đến khi những ngôi nhà được bán hết và tiền mặt chảy về suôn sẻ. Vì vậy, trong khoảng thời gian bắt đầu mỗi công trình, chúng tôi thường không có tiền và thường "ngập đầu" trong nợ nần.

Bạn có thể hình dung là tâm trạng cha tôi không vui vẻ gì trong những khoảng thời gian đó, cũng không còn thái độ hào phóng như ông vốn thế. Nếu tôi hỏi xin tiền ông để mua bất cứ thứ gì, dù chỉ vài xu, câu trả lời của ông thường là: "Tôi là gì hả, người tôi làm bằng tiền chắc?" hoặc "Con có điên không đấy?". Tất nhiên tôi không được xu nào, và cái mà tôi cảm nhận được là ánh mắt "Đừng bao giờ nghĩ đến việc xin tiền nữa". Tôi chắc là các bạn cũng biết điều đó.

Kịch bản đó thường kéo dài một hoặc hai năm cho đến khi những căn nhà cuối cùng cũng được bán hết. Khi đó, chúng tôi quay cuồng trong vui sướng và cha tôi trở nên khác hẳn. Ông thật hạnh phúc, dễ thương và cực kỳ hào phóng. Ông có thể đến bên tôi và hỏi xem tôi có cần tiền không. Tôi chỉ muốn "trả" cho ông ánh mắt nọ, nhưng tôi đã không dại dột như vậy nên chỉ nói: "Vâng, cảm ơn cha" và sáng mắt lên.

Cuộc sống thật tuyệt vời... cho đến khi ngày đó đến khi cha tôi trở về nhà và thông báo với cả gia đình: "Tôi tìm thấy miếng đất tốt. Chúng ta sẽ lại xây nhà". Tôi trả lời theo phản xạ tự nhiên: "Tuyệt, thưa cha, chúc may mắn" nhưng tim tôi chìm xuống, biết rằng những ngày gian khó lại bắt đầu.

Công thức đó kéo dài từ khi tôi còn bé cho đến khi tôi 21 tuổi, lúc tôi rời khỏi nhà cha mẹ. Ở tuổi 21, tôi nghỉ học và trở thành - bạn đoán đúng đấy - nhà thầu xây dựng. Tôi tham gia vài dự án và cũng kiếm được một tài sản nho nhỏ, nhưng rất nhanh sau đó tôi đã mất sạch. Tôi lại lao vào công việc khác và tin là mình đã ở trên đỉnh thế giới lần nữa, để rồi lại đụng đáy một năm sau đó.

Cái công thức thu nhập lên-và-xuống lặp đi lặp lại gần mười năm trước khi tôi nhận ra có thể đó không phải do loại hình công việc tôi đã chọn, không phải do đối tác tôi đã làm chung, không phải do tình trạng của nền kinh tế hay do tôi đã quyết định rút ra sớm quá khi mọi việc đang tiến triển tốt. Cuối cùng tôi cũng nhận thấy có thể - chỉ có thể thôi - tôi đã sống một cách vô thức theo công thức thu nhập lên-và-xuống của cha tôi.

Tất cả những gì tôi có thể nói là, nhờ tôi học được những điều các bạn sẽ học trong sách này mà tôi đã có thể điều chỉnh lại bản thân, vượt ra khỏi các khuôn mẫu thu nhập "lên-xuống" đó để có nguồn thu nhập bền vững và luôn tăng trưởng. Ngày nay, mong muốn thay đổi của tôi vẫn còn thôi thúc, mặc dù mọi thứ đang rất tốt đẹp. Nhưng hiện giờ trong đầu tôi là những bộ hồ sơ tâm thức hoàn toàn khác đang theo dõi cảm xúc đó và nói: "Cảm ơn đã chia sẻ. Còn giờ chúng ta hãy tập trung và quay lại với công việc".

Ví dụ khác từ một trong những cuộc hội thảo của tôi tổ chức ở Orlando, Florida. Như thường lệ, trong khi mọi người đổ dồn lên sân khấu để xin chữ ký và nói lời chào, cảm ơn hoặc vài câu gì đó, tôi chợt chú ý đến một người đàn ông bởi vì ông có vẻ như đang khóc. Ông thở một cách nặng nhọc và liên tục lau nước mắt bằng khăn mùi-xoa. Tôi hỏi xem liệu có thể giúp gì cho ông không. Ông nói: "Tôi năm nay đã 63 tuổi rồi. Tôi thường xuyên đọc sách và tham gia các buổi hội thảo Tôi đã gặp nhiều diễn giả và cố gắng áp dụng những gì họ chỉ bảo. Tôi đã thử mua cổ phiếu, đầu tư vào bất động sản, tham gia hàng tá lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Tôi thậm chí còn quay lại trường đại học và lấy được tấm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh. Tôi có nhiều kiến thức hơn mười người bình

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện