Chương 14

Đang cảm thương, chợt nghe sau lưng có tiếng chế giễu:

- Người đã là của người ta, có đau lòng cũng vô ích thôi.

Nhược Hi ngoái lại, thì ra là Thập tam a ca. Gã uể oải nhìn cô, miệng như cười mà không phải cười, dắt theo sau lưng một con ngựa ô. Trông bộ dạng ấy, Nhược Hi hơi bực, biết là gã hiểu lầm mà cũng chẳng buồn đính chính, chỉ lãnh đạm bảo:

- Lòng vả lòng sung cả! – Đoạn quay đi, tiếp tục tiến bước.

Thập tam nghe vậy, mặt hơi ngẩn ra, ngẫm nghĩ chốc lát rồi sực hiểu, liền cười hô hố. Nghe tiếng cười có phần quái lạ, Nhược Hi bất thần dừng bước. Thập tam a ca tiến tới trước mặt cô, vừa cười vừa trỏ cô bảo:

- Ta cứ thắc mắc lúc trong lán sao cô lại nín nhịn giỏi thế, thì ra… thì ra tưởng ta phải lòng người ấy! – Nói dứt lại cười ầm lên.

Nhược Hi vốn đã ngờ vực vì tiếng cười kỳ quặc, lúc này nghe gã nói, bụng có phần hoang mang, ngẫm kỹ lại cũng cảm thấy hài hước. Liên tưởng đến sự hiểu lầm của gã với mình, lại càng thấy hài hước thêm, không nhịn được cũng phá lên cười với gã. Hai người cùng cười một hồi, rồi từ từ ngưng lại, nhưng vẫn tủm tỉm nhìn nhau. Sau tràng cười ấy, chút nghi kỵ giữa đôi bên tựa hồ được cởi bỏ, Nhược Hi cất bước, Thập tam cũng thong thả đi bên cạnh, con ngựa ô to lớn lững thững theo sau.

Nhược Hi vừa đi vừa nghĩ, vẫn cảm thấy làm sao lại xảy ra hiểu lầm hoang đường ngần này? Cô cười nụ, rồi không nhịn được, đành bảo:

- Tôi cũng không phải lòng Thập a ca đâu.

Thập tam a ca ngớ người, dừng ngay lại, nhìn lom lom vào vẻ mặt nghiêm túc của Nhược Hi, rồi không nhịn được, tiếp tục cười sằng sặc, Nhược Hi đứng bên chúm chím nhìn gã. Cười chán, Thập tam than: “Hòa!”

Hai người đi lên triền dốc, Nhược Hi chọn một chỗ tương đối bằng phẳng ngồi xuống, vòng hai tay ôm đầu gối, nhìn ra bãi cưỡi ngựa đằng xa. Thập tam a ca thả mình xuống bên cạnh, dõi theo ánh mắt cô xuống những cái bóng lờ mờ. Con ngựa ô vẩn vơ dừng lại quanh đấy, dùng móng cày cày đất.

Cả hai im lặng hồi lâu, Nhược Hi không kìm được tò mò, bèn hỏi:

- Thế tối hôm ấy, anh đau lòng vì chuyện gì vậy?

Thập tam a ca nín thinh, ngưng thần trông ra xa. Nhược Hi đợi một chốc rồi nhẹ nhàng bảo:

- Khó nói thì thôi.

Trầm ngâm thêm một lát, Thập tam mới đáp:

- Thực ra cũng chẳng có gì. Hôm ấy là ngày giỗ của ngạch nương ta.

Nhược Hi “A” một tiếng, ngoảnh mặt nhìn sang, nhất thời không biết nên nói thế nào, lại tư lự quay đi. Thập tam a ca gượng cười bảo:

- Và cũng ngày ấy nhiều năm về trước, là ngày thành thân của ngạch nương ta với Hoàng a ma.

Nhược Hi nghe vậy, lòng bất giác cũng cảm thương với gã. Đời một người đàn bà, qua đi như thế đó. Bây giờ ngoài con trai bà, chỉ e không còn ai nhớ được bà xuất giá lúc nào giữa những ngày đẹp đẽ như hoa, và lìa trần lúc nào giữa những năm thanh xuân rạng rỡ. Mà cái người vốn dĩ nên ghi lòng tạc dạ tất cả những điều ấy, lại có cả bốn bể trong tay nên chẳng còn nhung nhớ thời khắc mình vén chiếc khăn cưới để lộ ra một dung nhan diễm lệ ngọc ngà.

Trong ngày thành hôn của Thập a ca, trước mắt Thập tam là màu đỏ rực rỡ, nhưng trong tim gã, hẳn chỉ có màu trắng tái tê. Xót xa quá đỗi! Bao nhiêu bất mãn vì hành động lỗ mãng của Thập tam a ca hôm đám cưới đều tiêu tan, lòng Nhược Hi chỉ còn ai sầu vô hạn.

Hai người ngồi lặng một chốc, rồi Thập tam ngoảnh sang, cười nhìn Nhược Hi:

- Cô không thích Thập ca, tại sao ta lại thấy cô hát tặng anh ấy? Và tại sao ai cũng bảo cô phát điên lên vì Thập a ca?

Nhược Hi nghiêng đầu trầm ngâm, hỏi:

- Anh có biết lần đầu gặp Cầu Nhiêm Khách, Hồng Phất Nữ đang làm gì không?

Thập tam a ca chưng hửng, chậm rãi nghĩ ngợi rồi đáp:

- Chải tóc!

Nhược Hi cười bảo:

- Quan hệ giữa nam và nữ cũng có khi như Cầu Nhiêm Khách và Hồng Phất. Hai bên quan tâm săn sóc lẫn nhau chỉ vì chân tình, không phải vì mơ mòng trăng gió.

Nghe đến đây, Thập tam hơi đổi sắc mặt, đăm đăm nhìn Nhược Hi. Cô gái thẳng thắn nhìn lại. Một lúc lâu sau, Thập tam mới nói:

- Hay cho cái câu “chỉ vì chân tình, không phải vì mơ mòng trăng gió”!

Thấy gã hiểu được ý mình, Nhược Hi rất mừng, bởi nói gì thì nói, tình bạn bình đẳng giữa hai giới cũng là chuyện khá mới mẻ ở thời phong kiến này, sợ rằng không được số đông chấp nhận. Họ bất giác nhìn nhau cười.

Đằng xa, người ta đang rục rịch rời đi, Nhược Hi đứng dậy:

- Nên về thôi!

Thập tam cũng đứng lên theo, đột nhiên hỏi:

- Đi làm vài chén được không?

Nhược Hi ngạc nhiên nhìn sang, Thập tam đáp trả bằng một điệu cười ấm áp. Thấy lòng bỗng êm đềm theo, Nhược Hi liền khẳng khái nói:

- Có gì mà không được?

Thập tam liếc con ngựa:

- Cưỡi chung nhá?

Nhược Hi bật cười:

- Cũng chẳng phải lần đầu mà.

Thập tam a ca cười lớn, nhảy lên ngựa trước, rồi kéo Nhược Hi lên theo, để cô ngồi sau lưng mình. “Ya” một tiếng, hai người lao vút đi.

oOo

Tối mịt, Thập tam a ca mới đưa Nhược Hi về Bối lặc phủ. Gã cho ngựa chạy chậm, Nhược Hi còn khoác áo choàng mà gã mượn cho, nhưng vẫn cảm thấy lành lạnh. Đợi gã đỡ mình xuống ngựa xong, cô chào:

- Anh về nhé!

Thập tam a ca lộ vẻ ngẫm nghĩ, rồi nói:

- Để ta giải thích với Bát ca thì hơn.

Nhược Hi cười:

- Anh chị ấy chẳng làm gì tôi đâu. Chị tôi không nỡ mà.

Thập tam a ca không nhiều lời, mỉm cười tiến lên dập vòng cửa.

Thấy gã bướng bỉnh như vậy, Nhược Hi cũng để mặc. Cửa mở ra ngay. Thấy a ca và Nhị tiểu thư đứng bên ngoài, hai tên gác cổng giật mình thỉnh an. Thập tam lạnh lùng bảo:

- Đứng lên! Đi báo với Bối lặc gia là ta đến!

Một tên lập tức chạy biến đi, tên còn lại nhanh nhảu khép cổng rồi dẫn Thập tam vào sảnh. Nhược Hi gật đầu tạm biệt, rồi đi về chỗ Nhược Lan.

Khi cô vào đến nhà, ngoài Xảo Tuệ ra không có a hoàn nào khác đứng hầu. Nhược Lan mặt mày xanh xám, trông thấy em liền bảo:

- Chị từng nói “Chỉ dung lần này thôi, lần sau không được thế nữa”, chắc em còn nhớ?

Nhược Hi đứng ngây, nhất thời không biết ứng đối thế nào. Nổi hứng ra ngoài chơi với bạn là một việc rất thường ở thời hiện đại, nhưng dưới chế độ phong kiến này, hành động thoải mái ấy lại bị mọi người xung quanh dị nghị. Nhược Hi không nén được bùi ngùi, cứ lặng lẽ đứng im, cô cảm thấy không thể nào khiến Nhược Lan thông tỏ ý mình, bởi giữa họ là khoảng cách ba trăm năm tư tưởng. Nhược Lan cũng tỏ vẻ bất lực, buồn bã nhìn em. Thấy em trầm mặc mãi, cuối cùng nàng mệt mỏi xua tay:

- Đi đi!

Nhìn dáng vẻ nàng, Nhược Hi rất áy náy, nhưng thực sự cảm thấy mình chẳng sai chỗ nào. Sống ở đây, cô đã mất mát quá nhiều thứ, cho dù không muốn Nhược Lan đau lòng, cô cũng không thể để cả quyền tự do kết bạn cũng bị tước đoạt.

oOo

Sáng hôm sau, Nhược Hi thức giấc thì trời cũng không còn sớm sủa gì, nhưng cô không muốn dậy, cứ nằm ườn trên giường, mắt chong chong trông lên đỉnh màn, nghĩ lại chuyện ra ngoài chơi với Thập tam a ca tối qua…

Gã thúc ngựa xuyên qua vô vàn ngõ ngách yên tĩnh, cuối cùng dừng lại trước cổng một khu nhà quây quanh một khoảnh sân. Người đàn bà già ra mở cửa trông thấy gã, vội vàng thỉnh an, đoạn xăng xái:

- Thập tam gia đến mà sao không báo trước một tiếng? Cô nương hiện đang tiếp khách, hay tôi đi thông báo cho cô nương, để cô ấy mau đuổi khéo khách về.

- Không cần đâu – Thập tam a ca bảo – Hôm nay ta chỉ muốn mượn chỗ này của bà để đối ẩm với bạn thôi. Bà đi sắp một bàn cơm rượu là được rồi.

Người đàn bà nọ lén nhìn Nhược Hi, thấy phục sức sang trọng, lại thấy cô cũng đang nhìn mình, bèn vội vàng cúi đầu lĩnh mệnh.

Thập tam a ca có vẻ rất quen thuộc với nơi này, gã dẫn Nhược Hi đi thẳng vào một căn phòng trần thiết đơn giản mà thanh nhã. Trong phòng chỉ bày một bộ bàn ghế bằng gỗ hoa lê, trên chiếc án gần cửa sổ đặt một bình sứ trắng, trong cắm vài cành thúy trúc để xòe tự nhiên, còn lại không trang hoàng gì. Nhược Hi ngó quanh rồi ngồi xuống theo Thập tam, cười hỏi:

- Hồng nhan tri kỷ à?

Gã cười đáp:

- Thường mỗi khi phiền muộn đều đến đây uống vài chén rượu, nói chuyện cũng hợp.

Nhược Hi gật gù, thầm nghĩ cô nương sống trong phòng này hẳn là một kỹ nữ thanh cảnh, hạng phàm phu không dễ gì gặp được.

Một lát sau, bà già nọ dẫn theo hai a hoàn bưng rượu thịt vào, bày biện xong đâu đấy thì lui cả ra. Nhược Hi và Thập tam a ca bắt đầu ăn uống. Rượu vào lời ra, từ chuyện vặt hoàng cung tới giai thoại kim cổ, từ Mạc Bắc mênh mang tới Giang Nam mây khói, từ thi từ hội họa tới hiền sĩ tao nhân, cuối cùng phát hiện ra cả hai đều sùng bái Kê Khang, Nguyễn Tịch. Vốn dĩ đã ý hợp tâm đầu, đến đây hận gặp nhau quá muộn. Riêng Nhược Hi thì còn thêm nỗi xúc động trong lòng. Suốt mấy ngàn năm phát triển tư tưởng văn hóa Trung Quốc, tam cương ngũ thường của Nho gia giống như một chiếc lưới rộng, vợt bắt ràng buộc mọi cá thể độc lập vào một thứ bá quyền chính trị và bá quyền văn hóa với tôn chỉ quân vương là trung tâm, bởi vậy chủ nghĩa cá nhân không có cơ hội nảy nở trọn vẹn. Con người sinh nhầm thời loạn Kê Khang lại là một ngoại lệ, giống một tia chớp rạch xé trời khuya, ngắn ngủi mà đẹp đẽ. Trong danh tác thiên cổ Thư tuyệt giao gửi Sơn Cự Nguyên, ông nhấn mạnh tình cảm và lý tính con người là nguyên tắc của bình đẳng thực sự. Ông “chê trách Thương Thang và Chu Vũ Vương, khinh thường Chu Công và Khổng Tử”, cho rằng những bậc thánh hiền mà Nho gia tôn sùng chẳng qua chỉ là một trong muôn mặt con người, không nên yêu cầu ai cũng phải noi theo. Hạnh phúc của mỗi người chỉ có người ấy là hiểu rõ nhất, và người ta có quyền đeo đuổi thứ hạnh phúc mà họ muốn. Tư tưởng của Kê Khang khá là tương đồng với chủ nghĩa cá nhân và tự do bình đẳng trong xã hội hiện đại.

Nhược Hi vẫn biết Thập tam a ca bản tính phóng khoáng, nhưng không thể ngờ gã lại tôn sùng Kê Khang, nhất là khi gã được sinh ra trong hoàng thất, chễm chệ trên đỉnh tháp nhọn của giai cấp thống trị. Thật là niềm vui bất ngờ từ trên trời rơi xuống! Cuối cùng cũng có một người trong xã hội phong kiến thấu hiểu được suy nghĩ sâu kín của mình. Nhược Hi mừng rỡ khôn xiết, trao đổi càng thêm hào hứng cởi mở. Về phần Thập tam a ca, áng chừng cũng sửng sốt vì giữa thời đại thịnh hành văn hóa Nho gia này lại gặp được một thiếu nữ dám nghi ngờ tư tưởng Khổng, Mạnh, điều ít thấy ngay cả ở đàn ông, gã vừa kinh ngạc, vừa thích thú, vừa vui vẻ, chuyện qua chuyện lại rôm rả vô cùng.

Tới khi phấn khích quá độ, Nhược Hi nâng chén bảo:

- Thực ra tôi thích Kê Khang còn vì một nguyên nhân vô cùng quan trọng nữa.

Thập tam tưởng Nhược Hi lại có một nhận định khác thường nào, bèn chăm chú lắng nghe. Nhược Hi lim dim mắt, mỉm cười nói:

- Trong lịch sử cổ đại Trung Quốc, tuy rất nhiều mỹ nam như Phan An Tống Ngọc, nhưng ai cũng đẹp kiểu ẻo lả. Riêng Kê Khang thì khác, ông ta mạnh mẽ, khỏe khoắn, là một cây vân sam lừng lững dưới nắng vàng.

Nói đoạn, cầm lòng không đậu, Nhược Hi thở dài thườn thượt, vẻ ngưỡng mộ vô vàn. Thập tam nghe mà trố cả mắt, nghe xong ngắm Nhược Hi, trầm ngâm hồi lâu mới thở dài than:

- Danh sĩ chân chính, vốn dĩ đã phong lưu…

Theo lịch sử, Thập tam gia đứng về phía Tứ gia, mà Tứ gia là người giành được thắng lợi sau cuối trong trận chiến chính trị Cửu long đoạt đích. Còn Nhược Hi, vì có chị gái là Bát trắc phúc tấn, nên nhìn bề ngoài, cô là người của phe Bát a ca. Tuy không thể xoay chiều lịch sử, nhưng chí ít cô cũng muốn tận lực thu xếp chừa đường thoát cho mình, bởi vậy không thể phủ nhận rằng thoạt tiên cô kết giao với Thập tam a ca là do mục đích riêng, song sau khi dốc bầu tâm sự, cô đã chân thành coi gã là tri kỷ. Ở thời đại này, làm gì có ai cho rằng về bản chất, mỗi con người sinh ra đều có quyền bình đẳng? Ai dám cho rằng ngay cả thiên tử cũng không có quyền bắt mọi người tuân theo các ý muốn của mình? Tuy tư tưởng phản biện về thể chế văn hóa hiện tại của Thập tam a ca chỉ bắt nguồn từ lòng tôn sùng đối với Kê Khang, nhưng Nhược Hi cho rằng như thế đã đủ khiến cô hân hoan rồi.

Đang chìm đắm trong niềm vui tìm được tri âm, Nhược Hi bỗng nghe ngoài màn có tiếng a hoàn:

- Tiểu thư, Bối lặc gia sai người đến mời cô.

Nhược Hi vội lăn mình bật dậy, trong dạ bồn chồn. Sửa soạn xong xuôi, cô vội vàng đi theo thái giám vẫn chờ ở ngoài.

Tới cửa thư phòng, Nhược Hi gặp Lý Phúc. Hắn đẩy cửa ra để cô vào, rồi ở ngoài kéo cửa lại. Cửa đóng “xạch” một tiếng, trái tim gắng bình tĩnh nãy giờ của Nhược Hi lại nhảy lên thon thót.

Bát a ca vận trường bào trắng, đang đứng cạnh một cái ang sứ men xanh cao đến thắt lưng, trong ang cắm lỏng chỏng mười mấy cuộn thư họa. Nghe tiếng người vào, chàng không phản ứng gì, vẫn điềm nhiên ngó ra cửa sổ. Từ chỗ mình, Nhược Hi chỉ trông thấy nét mặt nhìn nghiêng của Bát a ca. Ánh nắng lọt qua những ô cửa lục lăng, rọi lên lốm đốm trên mặt, chẳng rõ cảm xúc chàng thế nào.

Nhược Hi không biết tối qua Thập tam đã nói những gì, cũng không biết Bát a ca nhìn nhận ra sao, nên cứ đứng lì ở cửa, không dám lên tiếng. Lâu lắc, Bát a ca mới quay lại, mặt thoáng nụ cười:

- Hôm qua em với Thập tam đệ đi đâu vậy?

Nhược Hi hỏi:

- Thập tam a ca không nói với Bối lặc gia sao?

- Ta đang hỏi em cơ mà!

Ruột rối như tơ, Nhược Hi ngẫm nghĩ, cảm thấy hôm qua tuy bàn nhiều chuyện ra ngoài khuôn khổ, nhưng cũng chẳng có gì đáng phải giấu giếm, bèn nhìn thẳng vào mắt Bát a ca:

- Anh ấy dẫn em đến một nơi uống rượu.

Nghe đáp, Bát a ca không tỏ vẻ trách cứ, nụ cười thường trực vẫn đọng trên môi, nhưng đôi mắt thì nhìn như khoan vào mắt Nhược Hi, tựa hồ muốn xuyên qua chúng để rọi xuống nội tâm sâu kín. Nhược Hi thản nhiên nhìn lại một lúc, cuối cùng cảm thấy hơi ngượng, đành ngoảnh đầu đi chỗ khác giả vờ tìm chỗ ngồi, rồi bước tách ra khỏi tầm nhìn của chàng. Cô vừa ngồi xuống, Bát a ca đã khẽ gọi:

- Lại đây!

Nhược Hi ngẩng lên, liếc chàng dò hỏi. Bát a ca mỉm cười ôn hòa, vẫn khẽ khàng:

- Em lại đây!

Nhận thấy chàng rất nghiêm túc, Nhược Hi đành chậm chạp đứng lên, gằm đầu nhích dần đến. Tới cách Bát a ca ba bước, cô dừng chân, cúi mặt ngắm sàn nhà đá mài.

Bát a ca thở một hơi nhẹ như gió thoảng, dịu dàng hỏi:

- Ta đáng sợ đến thế sao?

Vừa nói, chàng vừa tiến tới hai bước. Nhược Hi nhận ra, mỗi lần đứng gần Bát a ca, cô đều có cảm giác ức chế, lòng bấn loạn, óc mông lung, không sao suy nghĩ bình thường được.

Bát a ca nhẹ nhàng cầm tay Nhược Hi, cô vô thức rụt lại, nhưng chàng giữ chặt: “Yên nào!” rồi lấy trong ngực áo ra một chiếc vòng ngọc, Hệ thống cấm nói bậyg vào tay cô. Chiếc vòng óng ánh xanh, trong ruột có một đường đỏ thắm mảnh như tơ. Vòng hơi chật, nên khi Hệ thống cấm nói bậyg vào thấy đau đau, Nhược Hi cau mày, Bát a ca liền vỗ về:

- Chịu khó một chút, sắp được rồi.

Chàng chậm rãi đẩy dần từng chút một, đưa chiếc vòng vào cổ tay Nhược Hi, xong xuôi nhấc tay cô lên, ngắm nghía chốc lát thì buông ra, trở về bàn ngồi. Chàng ra xa rồi, Nhược Hi thấy đầu óc tỉnh táo trở lại, bắt đầu ngẫm nghĩ xem thế này là thế nào đây? Không phải mình tới để nghe mắng mỏ sao? Đương suy tư, chợt nghe Bát a ca bảo: “Diêu thị lang bên bộ Lại sắp đến. Em về đi!”, Nhược Hi liền “Ồ” một tiếng, bái chào rồi lui ra. Lý Phúc đang chực ngoài cửa, trông thấy cô thì vội vàng khom mình thỉnh an, song Nhược Hi còn mải suy nghĩ nên không để ý đáp lời, cứ thế đi thẳng.

Nhược Hi về tới nhà. Ngó mặt em hoang mang, tưởng đâu là do vừa bị giáo huấn, Nhược Lan bèn mỉm cười, điềm đạm bảo:

- Cũng nên chỉnh đốn phép tắc!

Nhược Hi không nói không rằng, mải mốt đi về phòng riêng.

Lúc ăn cơm, ngó thấy chiếc vòng trên cổ tay Nhược Hi, Nhược Lan hơi ngỡ ngàng:

- Ở đâu ra đây?

Nhược Hi giật thót, không biết nên đáp thế nào, còn đang bối rối lại thấy Nhược Lan gật gù:

- Thập tam đệ kể cũng hào phóng thật! Đây là ngọc Phượng huyết, hiếm có lắm đấy!

Biết Nhược Lan hiểu lầm, nhưng nghiệm thấy cũng khó lòng giải thích cho xuôi, Nhược Hi đành để Thập tam a ca tạm gánh cái danh hão này vậy.

Dùng cơm xong, uống được chừng nửa chung trà, Nhược Lan bỗng nói:

- Có rất nhiều việc chúng ta hoàn toàn không được quyền quyết định, chi bằng đừng mất công bận lòng cho xong.

Nhược Hi cầm chén trà, ngồi ngẩn ra, nghĩ ngợi hồi lâu mà không biết đối đáp thế nào, cuối cùng đành nước đôi:

- Em sẽ tự chăm lo bản thân.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện