Chương 27
Vừa ngắm dung nhan mình trong chiếc gương lăng tiêu, Nhược Hi vừa đưa ngón tay rờ nhẹ qua mặt. Làn da còn mịn màng trắng trẻo, đôi mắt còn trong sáng long lanh, bờ môi còn thắm tươi mơn mởn. Đây vẫn là một khuôn mặt trẻ trung, nhưng trái tim thì già nua rồi, già vì những lắng cặn bi thương.
Hôm nay Nhược Hi không phải đi làm, nàng nên kỷ niệm sinh nhật thế nào nhỉ? Bánh ga tô chăng? Hồi ở Bắc Kinh, năm nào mẹ cũng mua một chiếc bánh cho nàng, sau nàng chuyển đến Thâm Quyến, mẹ lại gửi lời chúc và tình yêu bằng cách nhờ anh trai nàng đặt bánh sinh nhật qua mạng. Nằm sấp mình trên bàn, Nhược Hi không muốn gượng dậy nữa. Bốn năm đã qua, đôi chút hi vọng quay về cũng tiêu tan từ lâu. Xem ra đời này kiếp này nàng đành an phận làm Mã Nhi Thái tiểu thư thôi.
Cứ nghĩ sinh nhật là ngày mẹ sinh hạ mình, lòng lại trào lên nỗi buồn đau khôn cưỡng, Nhược Hi không muốn nhớ nhung ngày này làm gì nữa, bèn đứng dậy vớ bừa một cuốn sách trên giá, ngồi nghiêng trên sập đọc.
Xem bìa da thì là một cuốn Đường thi, nhưng nàng cũng chẳng bận tâm. Lật ngẫu một trang lại đúng vào bài Du tử ngâm của Mạnh Giao, nàng liền ném bẹt cuốn sách xuống bàn, vậy mà lời thơ vẫn vọng vang trong tâm tưởng:
Sợi chỉ nơi tay mẹ, trên áo con đi xa
Lên đường mẹ khâu kỹ, lo nỗi muộn về nhà
Ai bảo lòng tấc cỏ, báo được ánh xuân qua.
Nhược Hi thở dài, ngả mình ra sập, nhắm mắt lại.
Đương lúc thương thân, chợt nghe có tiếng gõ cửa, nàng ngồi bật dậy, sửa sang y phục rồi nói:
- Vào đi!
Một cung nữ lạ mặt tươi tỉnh đẩy cửa đi vào. Nhược Hi ngạc nhiên, vội vã đứng dậy. Cung nữ nọ nhún gối chào:
- Nhược Hi cô nương cát tường! Nô tỳ là Thái Hà, cung nữ hầu hạ Lương chủ tử.
Nhược Hi khẽ “Ồ” một tiếng. Thái Hà tiếp:
- Chủ tử nói vô tình trông thấy mẫu hoa rất đặc biệt trên khăn tay của một cung nữ, hỏi ra mới biết là do cô nương vẽ, nên muốn mời cô qua bên người, giúp họa mấy mẫu hoa.
Nhược Hi tần ngần, rồi đáp: “Được!”
Thái Hà đi trước dẫn đường, Nhược Hi theo sau. Trước nay nàng gặp Lương phi cũng nhiều lần, nhưng đây là lần đầu kể từ ngày vào cung nàng tới chỗ bà ở. Lương phi là mẹ Bát a ca, với nàng còn có quan hệ bắc cầu là Nhược Lan, nhưng chạm mặt Nhược Hi, bà luôn lạnh nhạt, Nhược Hi cũng chỉ cúi mình hành lễ cho phải phép. Trong khi đó, bốn năm nay, thái độ của các nương nương khác đối với nàng mỗi ngày một cải thiện, thoạt đầu lãnh đạm hồ nghi, bây giờ hòa nhã thân ái, bởi dẫu sao thì ngoài Lý Đức Toàn, Nhược Hi cũng là người được Khang Hy tín nhiệm nhất trong số hầu cận. Ngay trong vụ thái tử bị phế, ai cũng tưởng Nhược Hi sẽ bị ảnh hưởng vì là người bên “phe Bát gia”, sau lại thấy Khang Hy vẫn đối xử với nàng như cũ, người trong cung càng thêm vì nể.
Thái Hà vén rèm giúp:
- Cô nương tự vào nhé!
Nhược Hi gật đầu, bước vào nhà. Sảnh giữa vắng tanh, nghe từ chái sảnh có tiếng chuyện trò vẳng sang, nàng bèn bước sang bên ấy. Cung nữ Thái Cầm đứng sau rèm châu trông thấy nàng, vội vén rèm lên. Thái Cầm là nữ quan có phẩm trật cao nhất trong cung Lương phi, lại rất được Lương phi xem trọng. Nhược Hi tới gần, mỉm cười nói khẽ:
- Phiền chị quá!
Thái Cầm mỉm cười đáp lễ, không nói năng gì, chỉ đưa tay mời.
Vào tới nơi, Nhược Hi trông thấy ngay Lương phi đang ngồi nghiêng trên sập. Ngồi chếch bên dưới là Nhược Lan, mình bận cung trang. Nhược Hi xao xuyến cả người, liền nhún gối thỉnh an:
- Lương phi nương nương cát tường! Phúc tấn cát tường!
Lương phi cất tay, cho nàng đứng dậy, điềm đạm bảo:
- Thấy hoa ngươi vẽ ưa nhìn, nên cho người gọi ngươi sang vẽ giúp vài bông.
Nhược Hi cười đáp:
- Nương nương thấy vừa mắt, là vinh hạnh của nô tỳ.
Lương phi sai cung nữ bê cẩm đôn lại cho Nhược Hi ngồi. Nàng vội từ tạ, Lương phi bèn bảo:
- Thế ngươi định lát nữa vừa đứng vừa vẽ hay sao?
Nhược Hi thấy trong nhà ngoài Nhược Lan, Lương phi, cũng chỉ có cung nữ Thái Cầm đang đứng chực bên rèm, bởi vậy bèn vâng lời ngồi xuống, rồi quay về phía Nhược Lan cười, Nhược Lan cũng tủm tỉm đáp lại.
Lương phi liếc hai người:
- Chẳng mấy khi Nhược Lan vào cung, tình cờ sao chị em được gặp nhau.
Bấy giờ, Thái Cầm đã mang giấy bút và mực đến, xếp ngay ngắn trên mặt bàn. Lương phi đứng dậy:
- Nhược Hi, ngươi ở đây vẽ nhé! Nhược Lan, chỉ cho em con biết ta thích kiểu dáng như thế nào.
Hai chị em đứng dậy nghe dặn. Lương phi nói xong thì cùng Thái Cầm đi sang chính sảnh.
Nhược Lan bước tới gần, âu yếm vuốt má Nhược Hi, trách:
- Toàn trò nghịch của em thôi. Hai hôm trước, Bối lặc gia sai người đến dặn chị vào cung thăm hỏi ngạch nương. Chị thắc mắc đầy bụng. Lễ chẳng phải Tết thì không, sao lại muốn chị vào đây kìa? Nhưng nghĩ lại, bảo đúng dịp sinh nhật em còn gì? Nên biết thể nào cũng phải gặp em.
Nhược Hi cười toe, tựa vào người chị, nũng nịu hỏi:
- Lẽ nào chị không muốn gặp?
Nhược Lan cười nụ, không nói năng gì. Hai người lặng lẽ ôm nhau một lúc, rồi Nhược Hi dắt tay chị đến bên bàn, để chị ngồi cạnh. Vẫn cười với chị, nàng vừa cầm bút lên vừa hỏi:
- Nương nương thích hoa gì?
- Hoa gì màu sắc nhã nhặn giản dị ấy.
Nhược Hi gật gật đầu, ngẫm nghĩ rồi vẽ hoa lê, vẽ liền mấy cụm chi chít hoa, nhưng không lá. Nhược Lan im lặng ngồi xem, đợi Nhược Hi xong xuôi hết rồi mới nói:
- Mấy năm trong cung em học được nhiều nhỉ. Lúc đầu chị còn tưởng là viện cớ thôi, nào ngờ vẽ đẹp thật! Chị trông mà cũng thích nữa.
Nhược Hi gác bút:
- Quá dễ, thích bao nhiêu có bấy nhiêu. Lát về em vẽ rồi sẽ nhờ người đưa đến cho chị.
Trong bụng nàng nghĩ, mình học vẽ từ nhỏ, tuy không tài tình, nhưng nắn nót hoa lá cành thì thừa sức, hoàng cung lại chẳng có trò giải trí nào, đành đổ thời gian vào những việc này, nhờ thế càng lúc càng thành thục.
Hai người ngồi yên bên nhau. Nhược Hi hân hoan ngập lòng, tưởng đâu được trở về hồi mới tới phủ Bối lặc, không phải bận tâm gì nhiều, chỉ lo nghĩ xem nên giết thời gian vô vị bằng cách nào, việc quan trọng nhất hằng ngày là nên chơi đùa ra sao. Nàng vừa nghĩ vừa nhoẻn cười, nhẹ ngả đầu vào vai Nhược Lan. Hát hò, đánh nhau, đấu khẩu với lão Thập, bị Thập tứ trêu ghẹo, đá cầu với a hoàn… cảnh xưa lần giở trong tâm trí, ngỡ như chuyện mới hôm qua, vậy mà đã xa cách đến bốn năm. Thì ra mấy năm nay, quãng đời vui vẻ nhất của nàng lại là thời gian ở phủ Bát Bối lặc.
Một lúc sau, Nhược Lan nhẹ nhàng khơi mào:
- Mười tám rồi đấy!
Nhược Hi tiện miệng “Ừm” một tiếng, Nhược Lan đẩy thẳng đầu em dậy, nhìn nàng. Nhược Hi cũng lặng lẽ nhìn lại, Nhược Lan nghiêm túc hỏi:
- Em ở bên Hoàng a ma bốn năm, có dự tính gì rồi? – Nàng liếc mắt về phía rèm, lại khẽ khàng tiếp – Trong lòng em đã có ý trung nhân nào chưa?
Ôi bà chị này! Thật giống mẹ Tiểu Văn quá đi! Thoạt tiên thì sợ nàng thích người ta, sau này lại lo vì sao không bồ bịch. Nhược Hi vừa cảm động, vừa ức chế, nhưng không lộ ra mặt, chỉ cười hì hì:
- Mấy năm trước, chị chẳng bảo em đừng rung động linh tinh đó sao?
Nhược Lan trừng mắt:
- Hồi ấy em sắp nhập cung, ai biết Hoàng a ma chọn em hay muốn ban em cho công tử nhà nào. Rung động cũng vô ích, tội gì tự chuốc ưu phiền? – Nàng ngồi lặng đi chốc lát, rồi tiếp – Nhưng bây giờ em lớn thế này, lại được Hoàng a ma coi trọng, có thể tâu xin cho bản thân trước mặt người. Cũng nên tính toán dài lâu đi, chẳng lẽ định làm cung nữ suốt đời hay sao?
Nhược Hi chỉ cười, không đáp. Nhược Lan cầm tay nàng, nhìn chiếc vòng ngọc ở cổ tay:
- Còn đeo cơ à!
Nhược Hi thót tim, vội rút tay lại. Nhược Lan cũng không phật ý, yên lặng ngẫm nghĩ một lúc:
- Nếu em thật lòng ưa Thập tam đệ, thì bảo Thập tam đến gặp Hoàng a ma mà xin em về – Nàng lưỡng lự – Ngoài ra, chị thấy Thập đệ vẫn thương tưởng em, theo chú ấy cũng không hẳn là không được. Chỉ hiềm Thập phúc tấn…
Nàng ngừng hẳn lại, chợt cười khẽ:
- Nhưng chẳng sợ, với cái tính này, lại còn lo em bị cô ta lấn lướt ư?
Nhược Hi im lặng nghe. Chỉ vì một người đàn ông mà bắt nàng phải sống cùng mái nhà với một người đàn bà khác, rồi đấu đá với cô ta suốt đời? Phải bao nhiêu tình yêu mới đủ để nàng chịu đựng cái giá đó?
Một lát sau, Nhược Lan gợi ý:
- Kể ra, Thập tứ đệ cũng khá thiết tha đến em.
Nhược Hi không nhịn được, phá lên cười:
- Nhiều thế hả chị? Còn nữa không?
Vốn chỉ là một câu đùa, nhưng Nhược Lan đáp lại một cách nghiêm túc:
- Bát gia đối với em cũng rất ân cần.
Nhược Hi tắt cười, ngoảnh mặt đi chỗ khác, gượng gạo bảo:
- Chị cứ nói mãi thế này, hóa ra các a ca đều nồng nhiệt với em cả. Chẳng biết em thành mỡ mèo tự khi nào nữa.
Nhược Lan mỉm cười. Nhược Hi nhìn thẳng ra trước mặt, u uẩn nói:
- Nếu phải lấy ai đó, thì em muốn một người toàn tâm toàn ý với em. Chị hiểu không?
Nhược Lan nín lặng. Nhược Hi ngoảnh mặt lại, nghĩ tới việc Nhược Lan không hề rung động với Bát a ca, nàng dịu dàng hỏi:
- Đừng chỉ bàn chuyện em, mấy năm nay chị sống có ổn không? Tuy có gặp mặt, nhưng chưa được dịp nào hỏi trực tiếp.
Nhược Lan cụp mắt xuống, đăm đăm ngó bông hoa lê Nhược Hi vừa vẽ, bình thản nói:
- Có gì khác được chứ?
Nhược Hi buột miệng:
- Sao không quên đi?
Nhược Lan cứng người, lâu lắm mới lặng lẽ đáp:
- Muốn quên nhưng không quên được.
Nhược Hi hít một hơi thật sâu:
- Vì sao không trân trọng người ở trước mặt mình?
Nhược Lan vụt ngẩng đầu lên, cô em nhìn thẳng vào mắt nàng. Hai người chằm chằm nhìn nhau một lúc, cuối cùng Nhược Lan mỉm cười não nuột, quay mặt đi:
- Chị không hận anh ta, nhưng cũng không thể tha thứ. Nếu anh ta đừng phái người đi dò la, làm sao… phải… chết?
Giọng nàng nghẹn ngào, thanh âm run run, không nói tiếp được nữa. Nhược Hi thở dài, yếu ớt thanh minh:
- Nhưng anh ấy không cố ý.
Thấy chị không tranh cãi, Nhược Hi buồn bã nghĩ, mấy người chúng ta đây thật giống một nùi tơ, không sao gỡ ra được. Ai cũng khăng khăng cố chấp, thà một mình một ý chứ không chịu nghĩ thoáng ra, dẫu cái giá phải trả là nỗi cô đơn suốt kiếp. Nhìn Nhược Lan rất lâu, Nhược Hi lại ngậm ngùi nhấc bút, im lìm vẽ một bụi âu thạch nam nở tưng bừng. Vẽ xong mới cảm thấy nguôi ngoai đôi chút.
Nét bút vừa ráo mực, Thái Cầm cũng vào tới, mỉm cười hỏi:
- Cô nương vẽ xong chưa?
Nhược Hi đáp xong rồi, đưa mẫu hoa cho cô ta xem, rồi cùng Nhược Lan bước sang chính sảnh.
Lương phi đón mẫu hoa, vừa ngắm vừa bảo:
- Đây là hoa lê, nhưng chả mấy người thêu hoa lê lên khăn nhỉ!
Nhược Hi thưa:
- Vốn lấy ý trong Vịnh hoa lê ở cung Hư Linh, bài từ theo điệu Vô tục niệm của Khưu Xứ Cơ.
Lương phi mỉm cười:
- Dáng mạo tao nhã, khí chất thanh cao, tinh thần anh hào, tư dung trác việt. Ta thật không dám nhận đâu – Bà lại đỡ lấy mẫu vẽ kia, xem xét một lúc – Hoa gì đây? Ta chưa trông thấy bao giờ.
Bấy giờ Nhược Hi mới nhớ ra, thầm trách vớ vẩn thật. Ban nãy cứ mải nghĩ hàm ý của âu thạch nam là “cô độc”, bèn vẽ theo dòng cảm xúc mà quên bẵng mất đây là loài hoa mọc ở đồng dã Tô Cách Lan, cũng chẳng buồn cân nhắc Trung Quốc hiện nay có thứ hoa như thế này không nữa. Nàng thần người ra một lúc, mới chậm chạp đáp:
- Đây là một loại đỗ quyên – Thầm nhủ âu thạch nam thuộc họ đỗ quyên thực, kể ra không phải là nói dối – Thông thường sinh trưởng trên vách núi cheo leo nên ít khi bắt gặp. Nô tỳ cũng chỉ ngẫu nhiên trông thấy một lần trên đường từ tây bắc về kinh.
Lương phi gật đầu, ngắm mẫu hoa rồi bảo:
- Có vẻ cô ngạo thoát tục lắm – Bà cười nhìn Nhược Hi – Đúng là một người thông minh khéo léo!
Thấy việc đã ổn thỏa, Nhược Hi bèn bái chào xin lui. Nhược Lan mỉm cười với nàng, Nhược Hi cũng mỉm cười đáp lại, rồi tự mình trở về.
Nàng lẳng lặng đi, không hiểu vô tình hay hữu ý, lại lạc bước tới điện Thái Hòa. Nàng nấp vào góc tường, dõi mắt về phía cửa điện. Đứng mãi, chẳng biết lâu hay chóng, đến lúc tan triều, nàng trông thấy trong đám quan viên lớn nhỏ lục tục đi ra có một bóng dáng quen thuộc đang lững thững bước. Thân hình tiều tụy hẳn đi, nhưng phong thái vẫn ung dung nho nhã, chỉ hiềm cách quá xa nên không trông rõ mặt. Vậy mà nàng vẫn cảm nhận được sắc diện tươi tỉnh, nhưng đôi mắt không hề vương nét cười của chàng.
Đầu óc trống rỗng, Nhược Hi trân trối nhìn chàng đi xuống bậc cấp, lại nhìn chàng băng ngang qua khoảnh sân trước điện, xung quanh còn những người khác đi cùng, nhưng sao trông chàng vẫn cô độc, vẫn lẻ loi đến thế! Nắng giữa trưa tỏa xuống mình chàng, mà không tài nào chạm được tới trái tim. Cũng như âu thạch nam trên đồng hoang Tô Cách Lan, vẻ ngoài rạng rỡ như vậy, song không che đậy được tâm hồn tịch mịch cô liêu.
Bỗng dưng chàng đứng sững lại, ngoái đầu nhìn về phía nàng nấp. Nhược Hi giật mình, vội rụt cổ, dán chặt lưng vào bức tường phía sau, tim đập như trống dồn. Tới lúc không kiềm chế được, nàng len lén thò đầu ra thì chỉ còn thấy bóng chàng. Chàng đang đi xa mãi, dần dần biến mất ngoài đại môn. Như bị thôi thúc, Nhược Hi hấp tấp chạy rảo theo hàng hiên lát đá bạch ngọc. Đám thái giám thị vệ tuy có hơi kinh ngạc, nhưng vì đều biết nàng là ai, nên cũng chỉ nhìn theo mà thôi.
Nhớ ra Thanh triều quy định ngày thường văn võ bá quan ra vào theo cửa ngách bên trái Ngọ môn, còn vương công tôn thất ra vào theo cửa ngách bên phải, Nhược Hi bèn theo đường gần nhất chạy lên nơi cao, nấp sau cột trông xuống, quả nhiên thấy các vương gia và a ca đi qua bên phải. Từ điểm cao này, nàng vẫn chỉ nhìn được mé lưng chàng. Chàng vừa khoan thai bước vừa cười nói với người đi bên cạnh.
Dần dà ra tới Ngọ môn, trước khi bước qua ngưỡng cửa, chàng bỗng đứng lại, quay ra sau, ngẩng đầu ngó lên chỗ nàng đang nấp. Nhược Hi dán sát người, đầu áp lên thân cột, không mảy may nhúc nhích. Một lát sau, khi nàng thò đầu ra, bên dưới đã không còn ai cả, chỉ có nắng quá trưa đổ xuống nền sân, hắt lên chói lòa khiến mắt nàng nhức nhối. Nhược Hi đăm đăm nhìn xuống dưới, lưng áp vào cột, từ từ trượt thấp mình cho đến khi ngồi bệt ra đất.
Nàng vẫn buồn nỗi Nhược Lan khư khư chấp niệm không chịu buông tay, nhưng bản thân nàng thì sao đây? Nếu nàng đừng canh cánh mãi kết cục mai sau, biết dũng cảm lên một chút… Nếu nàng đừng bướng bỉnh, chịu giảm bớt yêu cầu, sẵn lòng chia sẻ chồng chung với những người đàn bà khác… Nếu nàng đơn giản hơn, dễ dàng tin rằng chàng yêu nàng…
Như thế, chẳng phải sẽ tốt hơn ư?