Nhà Bác Học Mất Tích

Tòa tha bổng cho Robert Grant, tức Biggs, điều đó chưa đủ để thanh tra Meadows tin là anh ta vô tội. Ấy là tôi đoán thế.

Bản luận tội mà Meadows lên án Grant (căn cứ vào quá khứ của anh ta, việc đánh cắp tượng ngọc thạch, các dấu chân và các vết máu), ông ta nghĩ rằng quá chặt chẽ để có thể bị đảo ngược như thế. Tuy nhiên, lập luận lôgích của Poirot đã buộc hội đồng xét xử ngã theo quan điểm của anh.

Hai nhân chứng đã ra toà khai là đã nhìn thấy xe hãng thịt đi về "Granite Bungalow" sáng thứ hai. Song thường lệ ông hàng thịt quen trong vùng chỉ đi giao hàng vào thứ tư và thứ sáu.

Một bà người làng khai đã trông thấy cái tên giả làm hàng thịt nọ ra khỏi ngôi nhà có án mạng, nhưng không thể cung cấp chi tiết nào về nhân dạng. Bà chỉ nhớ hắn ta mày râu nhẵn nhụi, người tầm thước, có dáng vẻ bề ngoài đúng là anh hàng thịt. Nghe mô tả sơ sài vậy, Poirot nhún vai ngao ngán.

Sau phiên toà, Poirot bảo tôi:

- Như tôi đã nói, tên này đóng kịch giỏi, hắn không cải trang, đeo râu giả, đeo kính sẫm, hắn làm hơn thế. "Số Bốn" biết thay đổi bộ dạng, đó là một trong những tài lẻ của hắn. Khi cần đóng vai gì, hắn là người ấy, hắn nhập rất tốt vào nhân vật.

Qủa thật, cái tên tự xưng là giám thị từ nhà thương điên Hanwell tới hoàn toàn đáp ứng hình ảnh mà tôi nghĩ về giám thị một nhà thương điên. Tôi không thể nghi ngờ là hắn giả danh.

Nhận xét đó thật đáng nản lòng và việc can thiệp vào vụ án ở Dartmoor không làm chúng tôi tiến thêm một bước.

Tôi ngỏ ý ấy với Poirot, anh không đồng tình.

- Không, ta có tiến, có tiến. Mỗi lần tiếp cận mới, làm ta hiểu nhiều hơn về tinh thần và các phương pháp của tên này. Trong khi hắn không biết gì hết về chúng ta và kế hoạch của chúng ta.

- Về kế hoạch, thì hắn và chúng ta giống nhau, vì hình như anh cũng chẳng có kế hoạch gì.

- Anh bạn thân mến - Poirot mỉm cười - Anh bao giờ cũng thế, chẳng thay đổi gì, vẫn là anh chàng Hastings sẵn sàng lao vào bóp cổ kẻ thù. Có thể anh sắp có dịp! Mà có phải là "Số Bốn" lại đang gõ cửa chúng ta?

Đõ là thanh tra Japp, cùng đi với một quý ông lịch sự. Sự ngạc nhiên của tôi làm Poirot bật cười. Japp nói:

- Cho phép tôi giới thiệu với các vị đại uý Kent, thuộc đội cảnh sát mật vụ Mỹ.

Đại uý Kent cao, to, nét mặt thản nhiên cứ như tạc vào gỗ.

- Hân hạnh được làm quen - ông ta bắt tay chúng tôi rất mạnh mẽ, nói nhỏ.

Poirot chất thêm một khúc gỗ vào lò sưởi, đưa ra hai chiếc ghế. Tôi lo chuẩn bị cốc chén và rượu uýt-ki sô đa.

Đại úy dùng rất nhiều uýt-ki và nói nhỏ:

- Tốt quá ! Hy vọng rồi ở nước tôi cũng sớm mua được thứ này (chuyện xảy ra thập kỷ 20, lúc đó ở Mỹ cấm bán rượu mạnh (lời người dịch).

- Và bây giờ, ta vào việc - Japp nói - Ông Hercule Poirot, người có mặt đây, đã yêu cầu tôi một việc. Ông quan tâm đến bọn Bốn người và yêu cầu tôi khi nào có ai nói đến chúng thì báo cho ông biết. Thú thật là tôi cũng chưa chú ý lắm; nhưng khi ông đại uý đây đến nói với tôi một câu chuyện khá lạ kỳ, tôi nghĩ ngay: Ta hãy đến gặp ông Poirot!"

Poirot nhìn viên đại úy, ông này bắt đầu kể.

- Thưa ông Poirot, chắc ông có nhớ đã đọc trên báo chí rằng một số tàu phóng ngư lôi và khu trục hạm đã bị xô vào đá và chìm ở ngoài khơi bờ biển nước Mỹ. Sự kiện này xảy ra ít lâu sau khi ở Nhật Bản có một trận động đất, vả người ta giải thích đợt sóng thần là nguyên nhân của tai hoạ hàng hải nói trên. Song mới đây, ta tóm được nhiều phân tử nghi vấn và khám phá ra một số giấy tờ cung cấp những cách nhìn mới.

Từ đó thấy rằng hiện nay trên thế giới tồn tại một tổ chức tên gọi "Bộ Tứ vĩ đại" có nhiều phương tiện hoạt động, trong đó có một thiết bị vô tuyến cực mạnh. Đó là một nguồn năng lượng mà sức mạnh vượt xa tất cả những gì đã đạt được tới nay; có vẻ như có thể hội tụ một tia cường độ cực mạnh vào một điểm nhất định. Hiệu quả của phát minh này được đồn thổi ghê gớm đến mức vô lý - là tôi nghĩ thế. Tuy nhiên tôi đã thông báo chuyện này đến đại bản doanh, nơi đây đã giao nó cho một nhà kỹ thuật xuất sắc nhất của chúng tôi nghiên cứu. Đồng thời, có sự trùng hợp kỳ lạ, một nhà bác học của các ông cũng ra một thông báo về vấn đề này cho Viện Hàn lâm Anh quốc. Các đồng nghiệp của ông ta không coi trọng lắm, cho cái gọi là phát minh đó chỉ là huyễn tưởng. Song nhà khoa học kia vẫn kiên trì. Ông tuyên bố: "Tôi đã tìm hiểu chuyện này, sắp đạt kết quả".

- Rồi sao? - Poirot hỏi, vẻ chăm chú.

- Và tôi được phái đến đây để gặp nhà khoa học. Ông ta còn rất trẻ, tên John Halliday. Rất có uy tín trong lĩnh vực này. Rất quan tâm những tài liệu mà tôi cung cấp. Ông ấy sẽ nói cho tôi biết những điều hoang đường ấy là có thật hay không.

- Liệu có thật hay không? - tôi vội hỏi.

- Chính tôi cũng chưa biết. Tôi không gặp ông Halliday. Và có lẽ không bao giờ gặp được.

- Vấn đề là, ông Halliday đã mất tích - Japp nói gọn.

- Bao giờ?

- Cách đây hai tháng.

- Có ai khai báo không?

- Tất nhiên. Vợ ông ấy đã lên tìm chúng tôi, tỏ vẻ rất lo lắng. Chúng tôi đã hết sức cố gắng, nhưng tin rằng sẽ không bao giờ tìm ra.

- Sao vậy?

- Vì với những vụ mất tích loại này thì thường là thế.

- Dấu tích bị mất từ đâu?

- Ở Paris.

- Halliday đã đi Paris?

- Vâng, vì công việc khoa học. Ít nhất là ông ấy nói thế. Ông ta không thể viện lý do nào khác. Các ông thừa biết nguyên nhân những vụ mất tích ở Paris là những gì. Một trong hai điều: hoặc tác giả là một tên lưu manh, hoặc đó là sự mất tích tự nguyện: đôi khi như thế đấy. Paris "vui vẻ trẻ trung" mà! Có thể Halliday đã ngán cuộc sống gia đình? Có thể ông ta đã cãi nhau với vợ trước khi đi?

- Có thể lắm - Poirot nói, vẻ suy tư.

Vị người Mỹ, vẫn chăm chú quan sát bạn tôi, đặt câu hỏi:

- Thưa ông, ông làm ơn giải thích cho tôi cái vụ Bộ Tứ vĩ đại là thế nào?

- Bọn Bốn người, hay "Bộ Tứ vì đại" - Poirot đáp - họp thành một tổ chức quốc tế, đứng đầu là một người Tàu, gọi là "Số Một". "Số Hai" là một người Mỹ. "Số Ba" là đàn bà, người Pháp, và "số Bốn", biệt danh "Kẻ Tiêu Diệt" là một người Anh.

- A! Trong bọn lại có một đàn bà người Pháp, mà Halliday mất tích ở Pháp. Hai điều này hẳn không phải không có liên quan. Người đàn bà này tên gì?

- Tôi không biết - Về mục này tôi có ít tư liệu hơn cả.

- Hừm! Theo tôi nghĩ, vụ này không đơn giản?

Poirot gật đầu đồng tình, trong khi anh sắp xếp cẩn thận các cốc vào khay; anh vốn coi trọng trật tự trong mọi thứ.

Kent lại hỏi:

- Họ đánh đắm những chiến hạm nọ nhằm mục đích gì? Bọn Bốn người phải chăng là tay chân của bọn quân phiệt Đức?

- Bọn Bốn người hành động cho bản thân chúng, thưa đại uý, chúng không nhằm mục đích gì ngoài làm bá chủ thế giới.

Viên đại úy Mỹ phá lên cười, nhưng ngừng bặt trước thái độ nghiêm chỉnh của Poirot. Bạn tôi chỉ tay vào ông ta nói:

- Ông cười ư? Ông không suy nghĩ, nói cách khác, ông không bắt chất xám làm việc! Nào, nào! Những kẻ đã phá huỷ một bộ phận hải quân của các ông chỉ nhằm thử nghiệm sức mạnh của chúng. Không có gì khác hơn là chúng thử ứng dụng cái lực tưương mới mà chúng đang nắm giữ!

Japp vui vẻ xen vào:

- Thôi, thôi! Tôi thường đọc truyện về những "siêu tội phạm", nhưng chưa có dịp đối mặt chúng bao giờ. Giờ đây, ông đã nghe những thông tin của đại uý Kent rồi, vậy tôi còn giúp ông được gì nữa đây?

- Nữa chứ, ông cho tôi xin địa chỉ bà Halliday, kèm theo một chữ giới thiệu tôi với bà.

Và thế là hôm sau, chúng tôi lên đường đi "Chetwynd Lodge", gần làng Chobham, quận Surrey.

Bà Halliday sẵn sàng tiếp chúng tôi. Đó là một phu nhân cao lớn, xinh đẹp, cực kỳ cứng cáp. Bên cạnh bà là đứa cháu gái năm tuổi, rất kháu khỉnh. Sau khi nghe bạn tôi trình bày lý do cuộc viếng thăm, bà nói:

- Ôi! Ông Poirot, tôi rất biết ơn ông đã quan tâm đến chuyện đau buồn này. Tôi đã nghe nói nhiều về ông, và tôi tin rằng ông sẽ không giống lũ công chức của Scotland Yard, họ chẳng chịu nghe, chịu hiểu gì cả! Còn cảnh sát Pháp, cũng chẳng hơn gì. Họ cho chồng tôi mất tích là vì đi theo một mụ đàn bà khác! Ông ấy không phải loại người như thế. Công việc là trên hết. Phần nửa những trục trặc giữa tôi và ông ấy cũng là vì thế. Ông ấy quan tâm đến công việc hơn cả tôi.

Poirot nhỏ nhẹ an ủi:

- Người Anh là như thế đấy: với họ, khi không là công việc, thì là thể thao. Đối với việc nào họ cũng nghiêm túc, trừ với những việc thực sự nghiêm túc! Và bây giờ thưa bà, xin bà kể lại chính xác, từng chi tiết, một cách hết sức tuần tự, hoàn cảnh mất tích của ông nhà.

- Chồng tôi đi Paris hôm thứ năm 20 tháng Bẩy, nhằm quan hệ với nhiều nhà bác học từng biết về những công trình nghiên cứu của ông ấy. Trong số đó có bà Olivier.

Nghe tên nhà nữ hoá học người Pháp nổi tiếng mà sự nghiệp vượt xa bà Curie, Poirot gật gù. Bà được Chính phủ Pháp tặng huân chương, và là một trong những nhân vật xuất chúng của thời đại. Bà Halliday kể tiếp:

- Ngay chiều hôm đó, nhà tôi đến Paris, ở khách sạn Castighone. Sáng hôm sau, ông gặp giáo sư Bourgoneau. Họ chuyện trò rất bổ ích, và thống nhất là hôm sau nữa nhà tôi sẽ đến la bô của giáo sư để chúng kiến các thí nghiệm. Nhà tôi đã ăn sáng tại tiệm Royal, đi dạo ở Rừng rồi đến gặp bà Olivier tại nhà riêng ở Paris. Ở đây cũng vậy, mọi việc diễn ra bình thường. Khoảng mười giờ nhà tôi ra về. Không rõ ông ấy dùng bữa tối ở đâu; có lẽ là ăn một mình, tại khách sạn. Rồi ông trở về buồng, sau khi đã hỏi xem có thư từ gì không. Sáng hôm sau, ông ấy lại đi, rồi mất hút.

- Ông nhà rời khách sạn lúc mấy giờ? Chắc phải vừa kịp thời gian đến dự đúng hẹn ở phòng thí nghiệm của giáo sư Bourgoneau?

- Không ai biết, không ai trông thấy ông đi ra. Tuy nhiên ông ấy không ăn điểm tâm ở khách sạn, không gọi người phục vụ, do đó có thể nói ông đi rất sớm.

- Không trông thấy ông ra đi sáng sớm; có thể tối hôm trước ông về rồi lại đi ra lần thứ hai chăng?

- Tôi không nghĩ vậy. Giường ông ấy bừa bộn, và người gác cửa nhớ là không nhìn thấy ai ra khỏi khách sạn vào giờ ấy.

- Đúng thế, thưa bà. Vậy có thể suy rằng ông nhà đi ra từ sáng sớm, và ta yên tâm về một mặt nào đó, vì giờ ấy ít có khả năng bị trộm cướp tấn công. Hành lý ông nhà vẫn để lại khách sạn?

Bà Halliday ngần ngừ một lúc mới trả lời:

- Không... Ông ấy mang đi một vali nhỏ.

- Hừm! - Poirot nói, giọng hơi nghi ngại - Không hiểu ông nhà đi đâu tối hôm đó nhỉ. Biết điều đó, sẽ gỡ được nhiều chuyện. Ông ấy đi gặp ai? Thật bí ẩn. Thưa bà, xin hãy tin là tôi không nhất thiết đồng tình với cách nhìn của cảnh sát; với họ, bao giờ cũng áp dụng công thức cũ rích: "Hãy tìm người đàn bà". Tuy nhiên, rõ ràng là đêm đó đã xẩy ra việc gì làm thay đổi kế hoạch của chồng bà. Bà đã nói là khi trở về khách sạn, ông đã hỏi có thư từ gì không. Bà biết là có thư hay không?

- Có một cái, và chắc đó là lá thư tôi viết gửi ông ấy hôm ông ra đi.

Poirot lặng yên suy nghĩ chừng một phút, rồi đứng lên:

- Được! Lời giải của bí ẩn này là ở Paris, tôi xin tới đó ngay tức khắc để tìm.

- Nhưng, những việc vừa rồi xẩy ra cách đây đã hai tháng, thưa ông.

- Vâng, tôi biết, song dù sao cũng phải tới đấy mới tìm ra lời giải.

Lúc từ biệt, Poirot đặt tay lên nắm cửa rồi còn quay lại:

- Một điều nữa, thưa bà! Bà cố nhớ xem ông nhà có bao giờ nói đến bọn "Bốn Người", hoặc "Bộ Tứ vĩ đại" ?

- Bốn Người? Không, tôi không nhớ.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện