Trong Nhà Kẻ Thù

Về tới London, Poirot có nhiều thư đang đợi. Anh đọc rồi đưa một lá cho tôi với nụ cười khác thường.

- Anh hãy đọc xem.

Trước hết tôi nhìn chữ kỹ: "Abe Ryland" và nhớ tới Poirot từng nói: "Người giàu nhất thế giới".

Thư ông Ryland viết ngắn và gay gắt. Ông tỏ sự bất bình về những lý do Poirot viện ra để không đi Nam Mỹ vào phút chót, từ chối sự đề nghị hào hiệp của ông.

- Cũng đáng để suy nghĩ, phải không Hastings?

- Ồ! Tất nhiên là ông ấy bực mình!

- Anh chưa hiểu. Chẳng hơn gì mọi lần! Nào, anh hãy nhớ những lời của Mayerling, người đã trốn vào đây rồi chết vì tay kẻ thù. "Số Hai" được biểu hiện bằng chữ S có hai gạc, ký hiệu đồng đôla, hoặc gạc hai gạch và một ngôi sao. Suy ra, hắn là người Mỹ và đại diện quyền lực đồng tiền. Thêm vào đó là Ryland biếu tôi một số tiền lớn để khiến tôi đi khỏi nước Anh đúng lúc tôi sắp quan tâm đến vụ Bốn Người. Bây giờ anh hiểu chưa?

- Anh định nói là anh nghi Abe Ryland, nhà tỉ tỉ phú, chính là "Số Hai" của Bộ Tứ vĩ đại?

- Hastings, anh đã sáng ra rồi đây. Phải, đó là điều tôi nghĩ. Cái giọng anh dùng để nói "tỉ tỉ phú" là rất ý nghĩa. Nhưng cách đây ba ngày, ai có thể ngờ thực chất của bà Olivier? Bạn ơi, hãy khẳng định đi, tổ chức này do những nhân vật xuất chúng cầm đầu, và ngài Ryland cỏn lâu mới được tiếng là nhà từ tâm bác ái... Trong công việc, hắn rất nhẫn tâm. Tiền, tham vọng, không từ một cái gì hết; tóm lại, một con heo mập cỡ bự.

- Nhưng tại sao anh đi đến kết luận như vậy? Bằng chứng đâu? Có chắc chắn không?

- Tôi sẵn lòng đổi mọi thứ để có điều đó! Trong khi chờ đợi, cứ cho phép tôi, về giả thuyết, coi Abe Ryland là "Số Hai" và chúng ta đang gần tới đích.

- Theo thư, Ryland vừa tới London; anh có định gặp và xin lỗi ông ta không?

- Có thể.

Hai hôm sau, Poirot về nhà trong tình trạng kích động cực điểm, nắm chặt tay tôi nói liên hồi:

- Bạn ơi, ta sắp có cơ hội vô song, một dịp may hiếm có không bao giờ lặp lại! Nhưng nguy hiểm đấy, rất nguy hiểm, nên tôi không dám đòi hỏi anh cùng trải.

Tôi nhún vai. Nếu Poirot tưởng doạ được tôi, thì anh đã lầm!

Cố kìm xúc động, ngài thám tử trình bày kế hoạch. Abe Ryland đang kiếm một thư ký người Anh có học thức, lịch thiệp, và Poirot nghĩ tôi có thể nhận việc đó. Anh thanh minh:

- Bản thân tôi có thể làm việc ấy, song không thể tài nào cải trang cho phù hợp. Đã đành, tôi nói thạo tiếng Anh, trừ những lúc bị xúc động. Nhưng cái giọng lơ lớ của tôi sẽ bị chú ý liền. Dù tôi chịu hy sinh cạo bộ ria mép, người ta vẫn nhận ra tôi!

Anh nói đúng. Và tôi tuyên bố sẵn sàng đóng vai thư ký để xâm nhập vòng thân cận của Ryland. Song tôi nói:

- Tôi cuộc hai ăn một là ông ta sẽ không nhận tôi làm thư ký.

- Tôi nghĩ trái lại. Tôi sẽ xoay cho anh đủ chứng chỉ tốt nhất khiến hắn thèm rỏ rãi! Anh sẽ được đích danh Bộ trưởng Bộ Nội vụ giới thiệu. Tôi từng giúp ông ta một việc khiến ông thoát khỏi tai tiếng lớn giải quyết kín đáo và êm nhẹm, nên ông ta rất thân với tôi!...

Việc đầu tiên phải làm là nhờ sự giúp đỡ của một chuyên gia hoá trang. Ông chuyên viên này, hao hao giống Poirot một cách kỳ lạ, ngắm nghía tôi hồi lâu rồi bắt tay vào việc. Một giờ sau nhìn vào gương, tôi sững người. Tôi không nhận ra tôi nữa.

Đôi giầy thửa đặc biệt khiến tôi cao thêm ít nhất năm phân, chiếc áo khoác thùng thình làm tôi gầy bớt. Hàng lông mày sửa sang rất khéo khiến bộ mặt mang dáng vẻ khác hẳn. Hai má tôi được độn thêm bông, mầu da rám nắng biến thành màu nhợt nhạt. Cuối cùng, râu mép tôi bị cạo phăng, và khi tôi mở miệng nói, hở ra lóng lánh một chiếc răng vàng.

- Từ nay - Poirot nói - tên anh là Arthur Neville. Cầu Chúa phù hộ! Có thể anh sẽ gặp nguy hiểm.

Tim đập mạnh, tôi đến Savoy vào giờ ông Ryland đã hẹn.

Hai phút chờ đợi, tôi được dẫn lên căn hộ. Ryland ngồi ở bàn. Tôi thấy lá thư của Bộ trưởng Bộ Nội vụ để mở trước mặt ông. Đây là lần đầu tiên gặp nhà tỷ phú nên dù không muốn tôi vẫn bị ấn tượng. Người cao dỏng, cằm nhô, mũi hơi khoằm, tóc muối tiêu. Đôi mắt xám và lạnh dưới lông mày hình cung.

Ông ta ngậm điếu xì gà dài lệch một bên miệng (về sau, tôi thấy không lúc nào Ryland bỏ thói quen ấy).

- Xin mời ngồi - ông ta nói.

Tôi làm theo, ông chỉ lá thư trước mặt:

- Cứ theo lời Bộ trưởng, ông là người hoàn hảo, tôi khỏi phải kiếm đâu hơn. Nhưng ông có thực sự am hiểu lề thói của giới thượng lưu?

Tôi đáp ông có thể yên tâm về mặt ấy.

- Nếu tôi tiếp các khách là công tước, bá tước, tử tước hoặc các nhân vật tương tự trong lâu đài của tôi ở nông thôn, ông biết cách tiếp họ theo đúng lề thói và sắp xếp họ ngồi vào ban ăn đúng chỗ?

- Được ạ! - tôi mỉm cười, đáp.

Một cái liếc mắt nữa nhìn lá thư quan trọng của Bộ trưởng, thế là tôi được chấp nhận.

Người ông Ryland muốn có là một người Anh quen các thói tục của xã hội thượng lưu: ông ta cần một thư ký bặt thiệp cạnh người thư ký riêng, cô tốc ký, vân vân.

Hai hôm sau, tôi đi Hatton Chase, lâu đài của công tước Loamhire, mà Ryland đã thuê trong sáu tháng.

Chức vụ của tôi chẳng khó khăn gì. Tôi đã có lúc làm thư ký riêng cho một nghị sĩ quốc hội, do đó việc này không vượt quá khả năng.

Ông Ryland tiếp rất nhiều khách vào dịp nghỉ cuối tuần, nhưng những ngày khác thì tương đối êm ả. Hiếm khi tôi được gặp ông Appleby, viên thư ký người Mỹ, song trông anh ta có vẻ cảm tình, típ doanh nhân trẻ Hoa Kỳ! Cô Martin, nữ tốc ký, thì tôi có dịp chuyện trò nhiều hơn. Cô ta là một phụ nữ xinh đẹp và đứng đắn, tóc màu hạt dẻ, đôi mắt đen thường cụp xuống, đôi khi ánh lên những tia ác ý. Tôi có cảm tưởng cô có ác cảm và cảnh giác với ông chủ. Nhưng hai chúng tôi chưa đủ thân mật để bàn chuyện đó.

Khỏi phải nói là tôi rất chú ý quan sát mọi nhân vật ở đây. Một anh bồi, một cô hầu phòng mới vào làm gần đây, ông bếp trưởng, anh gác cửa và người quản gia vốn là người làm cho công tước, nhưng bằng lòng ở lại phục vụ ông chủ mới. Các cô phục vụ khác không có gì đáng để ý; ngược lại, tôi chú ý đến James, anh bồi thứ hai, mà ông bếp trưởng mới mượn gần đây.

Người tôi cảnh giác nhất là Deaves, tên bồi phòng của Ryland, được ông này mang từ New York tới. Hắn người gốc Anh, thái độ luôn tề chỉnh; tuy nhiên, hắn gợi cho tôi những nghi hoặc mơ hồ.

Tôi đã ở Hatton Chase ba tuần mà không có chuyện gì xảy ra: không bằng chứng gì để củng cố giả thuyết của chúng tôi. Không dấu vết gì của Bộ Tứ. Ông Ryland là người có tính tình và nhân cách đàng hoàng, và tôi nghĩ Poirot đã lầm khi coi ông ta là thành viên của cái tổ chức khủng khiếp nọ.

Một tối lúc đang ăn, tôi nghe ông Ryland noi đến tên Poirot.

- Người ta bảo tôi cái ông Poirot nay rất tài ba, còn tôi nói ông ta là là kẻ chạy làng! Tôi đã đề nghị một việc, ông ta nhận lời, thế mà đến phút chót, ông ta bỏ lửng! Tôi không tin nữa vào cái ông Hercule Poirot của các ông!

Những lúc đó, sao mà chiếc răng giả và mấy nệm bông làm tôi đau buốt óc!

Ít lâu sau, Ryland đi London suốt cả ngày, có Appleby theo. Sau tuần trà, cô Matin đi dạo với tôi trong vườn. Trông cô có vẻ buồn bã, lúng túng, nóng nẩy; tôi nhìn cô một cách cảm tình nhưng không dám hỏi. Tôi mến cô gái này và rất muốn giúp đỡ an ủi cô. Với linh tính phụ nữ, cô cảm thấy ngay.

- Ông Neville có biết là tôi định xin thôi việc?

Tôi ngạc nhiên nhìn cô, và cô nói tiếp:

- Tôi biết rõ là về mặt vật chất, chỗ làm ở đây rất tốt, không dại gì rồi bỏ; nhưng bị người ta lăng mạ thì tôi không chịu được! Nếu ông Ryland là người quân tử thực, ông sẽ không đối xử như thế.

- Ông ấy tỏ ra lỗ mãng với cô?

Cô gật đầu.

- Tính khí ông ấy hay cáu giận. Nếu ông ta ít nhiều biết tự kiềm chế, tôi còn chịu được. Nhưng hôm nọ ông ấy nổi xung ghê gớm vì một chuyện không đâu, làm tôi phải khiếp.

- Chuyện gì vậy?

- Như ông biết, tất cả thư từ của ông Ryland đều do tôi mở; một số tôi chuyển cho ông Appleby, số còn lại do tôi giải quyết. Trong khi phân loại, thỉnh thoảng tôi thấy những phong bì xanh đánh dấu con số 4 ở góc... Ông Neville, tôi xin lỗi, ông vừa nói gì cơ?

Tôi lắc đầu, yêu cầu cô kể tiếp. Sự thật là điều cô vừa nói đã làm tôi thốt lên một tiếng kêu.

- Những thư đánh dấu số 4 phải được chuyển nguyên si cho ông Ryland; điều đó tôi đã thuộc. Song hôm qua thư từ nhiều quá, trong khi mở vội, tôi đã lỡ mở một phong bì màu xanh đó. Biết là mình nhỡ tay, tôi đem ngay thư ấy đưa ông Ryland và giải thích sự việc. Không ngờ ông ấy nổi cáu kinh khủng, làm tôi sợ hãi thực sự.

- Thư ấy nói gì mà ông ấy lên cơn như thế?

- Chẳng có gì đặc biệt, thế mới lạ. Tôi đã đọc trước khi biết mình nhầm, và lá thư rất ngắn nên nội dung vẫn đọng lai trong óc tôi; đến bây giờ tôi vẫn tự hỏi có gì mà quan trọng vậy!

- Thật à, cô vẫn còn nhớ? - Tôi hỏi, giọng khích lệ.

Sau một lát suy nghĩ, cô Martin chầm chậm nhắc lại:

"Thưa ông, điều cấp bách là qua gặp ông ấy để xem trang trại cùng mỏ đá. Giá tiền mười bẩy ngàn livrơ là mua được. Mười một phần trăm hoa hồng là quá đáng. Bốn phần trăm là đủ. Kính chào.

Arthur Leversham".

Cô Martin nhún vai nói tiếp:

- Chắc đõ là một trang trại ông Ryland định mua, nhưng tôi coi một người nổi khùng lên như vậy là nguy hiểm. Ông là người kinh nghiệm, ông bảo tôi nên làm gì?

Tôi an ủi, nói rằng ông Ryland chắc đau chứng táo bón, vốn là căn bệnh truyền kiếp của người Mỹ, không nên quan trọng hoá vấn đề. Và cô Martin hoàn toàn bình tĩnh lại khi chúng tôi chia tay.

Phần tôi, tôi không bình tĩnh chút nào! Còn lại một mình, tôi ghi và đọc lại nội dung bức thư kỳ lạ. Bề ngoài vô hại, nhưng bên trong nó chữa đựng ý nghĩa gì? Có phải chỉ là một vụ mua bán mà Ryland không thích mọi người biết chi tiết? Nếu vậy sao lại có số 4 nhỏ ở góc phong bì? Phải chăng tôi đang trên đường tìm ra vết tích?

Cả đêm tôi nghiên cứu bức thư, mờ sáng tôi ngủ thiếp đi vì mệt, vẫn không tìm ra lời giải. Hôm sau đột nhiên lời giải hiện lên, và nó vô cùng đơn giản. Con số 4 là chìa khóa giải bí ẩn. Thật vậy, đọc thư nhẩy bốn chữ một, sẽ cho một câu ý nghĩa khác hẳn:

"Cấp bách gặp ông mỏ đá mười bẩy mười một bốn".

Số mười bảy chắc tương ưng với ngày 17 tháng Mười, tức ngày mai; mười một là giờ, và bốn là chữ ký của "Số Bốn", Kẻ Tiêu Diệt bí hiểm, hoặc đó là dấu hiệu ước lệ của một tên tay chân trong bọn.

Còn về mỏ đá, tuyệt thay, thật là rõ: cách lâu đài năm trăm mét, ngay trong khu vực trang trại, có một mỏ đá bỏ không nằm ở một nơi vắng vẻ, địa điểm lý tưởng cho một cuộc hẹn bí mật.

Trong một thoáng, tôi đã định tự lo việc này, để thêm một bông hoa trên vương miện! Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi đổi ý: trách nhiệm quá nặng nề, và tôi không có quyền đơn thương độc mã, có nguy cơ làm hỏng việc lớn.

Một khi chiếm được lợi thế với kẻ thù, cần phải khai thác tối đa. Poirot sẽ khôn khéo hơn tôi rất nhiều, điều đó tôi phải công nhận.

Tôi liền viết thư ngay, kể mọi chuyện cho anh. Anh sẽ tự nhận ra tầm quan trọng cửa cuộc hẹn này. Tôi nói sẵn sàng một mình lo toan việc này, nhưng cũng cho anh mọi chỉ dẫn cần thiết để tới mỏ đá, trong trường hợp anh thấy cần phải đích thân can thiệp.

Hôm sau, tôi như ngồi trên đống lửa. Không có khách khứa nào, nên tôi đành ở với ông Ryland suốt buổi tối trong văn phòng. Tôi đã đoán trước không thể ra đón Poirot ở sân ga, song tin rằng tôi sẽ được rảnh trước mười một giờ. Và quả nhiên như vậy.

Mười giờ rưỡi, ông Ryland nhìn đồng hồ và tuyên bố "tối nay thế là xong". Không đợi bảo tới hai lần, tôi lên phòng mình làm như đi ngủ, nhưng lại xuống ngay bằng cầu thang xép, ra vườn. Tôi mặc áo khoác mầu sẫm để dễ bễ che giấu.

Đi quá một quãng, tôi quay lại nhìn phía sau và thấy ông Ryland ra khỏi văn phòng. Hẳn ông ta đi đến nơi hẹn. Tôi rảo bước nhằm giữ khoảng cách, và tới mỏ đã, miệng thở gấp.

Nơi đây có vẻ hoàn toàn vắng lặng. Tôi nấp vào một bụi cây, chờ xem.

Hai phút sau, lúc mười một giờ đúng, Ryland xuất hiện, đội mũ sụp mắt, điếu xí gà bất biến trên môi.

Ông ta nhìn vòng quanh rồi biến vào trong mỏ đá. Rồi tôi nghe thấy tiếng nói rì rầm: người hẹn (hoặc những người hạn) hẳn đã tới.

Tôi bò ra khỏi bụi cây, lườn từng bước dọc con đường nhỏ khấp khểnh, đến lúc chỉ còn bị ngăn cấm với đối thủ bằng một tảng đá lớn tôi nấp phía sau. Đó là một điểm nghe trộm tuyệt vời.

Yên tâm mình được an toàn, tôi cúi về phía trước để nghe cho rõ hơn, thì... nhìn thấy trước mặt một nòng súng đen ngòm.

- Giơ tay lên! - tiếng của Ryland - Ta vẫn chờ đây.

Hắn ngôi khuất bên kia tảng đá; tôi không nhìn thấy hắn, nhưng cứ nghe giọng nói đanh gọn là đủ hiểu tình thế của mình!

Lại có một nòng thép lạnh chạm vào sau gáy tôi. Đến lúc này, Ryland mới hạ khẩu súng lục của hắn, ra lệnh:

- Tốt lắm. George! Giải hắn tới đây.

Lòng đầy căm hận, tôi đành để mình bị lôi đi, bị nhét giẻ vào mồm và bị tên George vô hình trói chặt (mà tôi đoán không ai khác là thằng cha Deaves)!

Ryland nói tiếp, nhưng bằng giọng cứng rắn đến mức tôi khó nhận ra:

- Đã đến lúc phải kết liễu với hai ông thôi. Các ông đã ngăn trở kế hoạch của Bộ Tứ. Phải trả giá! Ông có nghe nói chuyện đá lở không? Cách đây hai năm ở đây đã xẩy ra một vụ; tối nay sẽ có một vụ nữa. Tôi quyết định như thế. Chỉ còn đợi ông bạn của ông nữa thôi. Ông ta không đúng hẹn nhỉ!

Tôi vô cùng hối hận về ý nghĩ đã gọi Poirot đến đây để rồi cũng mắc bẫy. Miễn là anh quyết định để mặc tôi lo một mình! Miễn là anh chưa đi khỏi London.

Các giây phút càng trôi, tôi càng hy vọng.

Nhưng, hỡi ôi. Một tiếng động rất nhỏ làm tôi hiểu là đã hy vọng hão. Tôi nghe có tiếng đi nhẹ, rất nhẹ... Đến gần, vẫn gần nữa... Vậy mà tôi bất lực bị bịt miệng, không thể báo hiệu cho người bạn vô cùng thân thiết... Ôi oái oăm!

Không thể nhầm lẫn: tiếng chân đi từ phía ngoài đường. Cuối cùng một bóng đen xuất hiện, nghiêng đầu một bên, dò tìm.

Ryland hừ lên một tiếng hài lòng, giơ súng:

- Giơ tay lên!

Cùng lúc, Deaves nhẩy xổ vào Poirot, ôm chặt phía sau. Nhà thám tử đại tài bị bắt.

- Tôi rất vui được gặp ông, ông Hercule Poirot - Ryland dằn từng tiếng.

Sự bình tĩnh của Poirot thật tuyệt vời. Anh không chớp mắt, nhìn quanh trong đêm tối:

- Bạn tôi có đây không?

- Lẽ dĩ nhiên, cả hai đều đã mắc bẫy...

Poirot phá lên cười:

- Ông nói bẫy nào vậy?

- Ông không thấy đó ư?

- Đúng là có bẫy - Poirot thản nhiên đáp - nhưng ông lầm. Người bị mắc bẫy, chính là ông!

- Ông nói gì? - Ryland giơ súng, thốt lên.

- Nếu ông bắn, ông phạm tội giết người trước mười cặp mắt nhân chứng và sẽ bị treo cổ, chắc như hai cộng hai là bốn. Nơi chúng ta đứng đã bị cảnh sát vao vây từ hơn một giờ. Chịu thua đi, ông Ryland!

Poirot huýt một tiếng, và như có phép thần, cảnh sát bổ ra từ tứ phía. Trong nháy mắt, Ryland và tên đồng bọn bị bắt và tước vũ khí.

Sau khi trao đổi vài lời với viên sĩ quan chỉ huy, Poirot cầm tay tôi dắt đi. Vừa ra khỏi mỏ đá, cử chỉ đầu tiên của anh là ôm hôn tôi, hỏi tôi có bị thương tổn gì không.

Cuối cùng anh ngợi khen tôi và tỏ sự ân hận về việc đã để tôi phải đóng vai trò này.

- Không sao, mọi việc đã qua là đã qua và kết thúc tốt đẹp. Nhưng Poirot này, sao anh đoán được là chúng lại giăng bẫy tôi lần nữa?

- Thì chính tôi đang chờ đợi điều này mà! Khốn khổ anh nghĩ tôi đưa anh vào đây làm gì? Hãy nghĩ xem, này tên giả, này cải trang... Những thứ đó đánh lừa được Ryland ư?

- Sao? Vậy mà anh không nói gì với tôi?

- Như tôi đã từng nhận xét, bản chất anh quá thật thà nên không thể đánh lừa được ai, chỉ trừ tự đánh lừa mình mà thôi. Theo tôi dự đoán, anh đã bị phát hiện ngay lúc mới vào nhận việc. Điều đó tất yếu như toán học, với ai biết để chất xám làm việc. Chúng đã sử dụng anh như con mồi, để hồng bắt tôi. Con về cô tốc ký... nhân tiện hỏi, có phải cô ta có bộ tóc hung đỏ?

- Nếu người anh định nói là cô Martin - tôi hậm hực - thì tóc cô mầu hạt dẻ óng ánh rất đẹp, và...

- Những con người này cực kỳ tinh xảo. Chúng đã nghiên cứu cả những điểm yếu của anh. Này nhé, cô Martin cũng là người trong bọn! Cô ta kể chuyện Ryland nổi khùng và khi anh tỏ vẻ bất bình, nàng liền đọc nội dung bức thư. Con số được tính toán khéo léo, vừa khó vừa dễ. Chàng Hastings suy ngẫm, tìm ra lời giải và báo ngay Poirot... Đến đây, mọi việc của Bộ Tứ đều suôn sẻ, nhưng chúng không biết là Poirot đã dự đoán tất cả! Nhận thư anh, tôi gặp Japp và bố trí mọi thứ để đạt được kết quả thắng lợi như anh vừa chứng kiến.

Tôi nói thẳng với Poirot là tôi rất không bằng lòng với cái vai anh bắt tôi đóng. Dù sao tôi vẫn khoan khoái vứt bỏ chiếc răng giả và cái tên giả để sung sướng trở về London!

Sáng hôm sau, tắm táp xong, tôi hoan hỉ nghĩ tới bữa điểm tâm ngon miệng, thì nghe tiếng Japp trong phòng khách. Tôi khoác vội chiếc khăn tắm và đi ra.

- Anh có thể khoe là đã lôi chúng tôi vào một chuyện huyễn hoặc tài tình - Japp nói - Anh Poirot, anh mà cũng lầm thế ư?

Nét mặt của Poirot lúc này thật đẹp.

Japp tiếp:

- Anh đã làm chúng tôi bắt lầm tên hầu thay cho chủ hắn.

- Tên hầu nào? - tôi ngạc nhiên hỏi.

- James, tên bồi thứ hai của ông Ryland! Hắn đã cuộc với các gia nhân khác là sẽ đóng giả ông chủ để vạch mặt một tên gián điệp (nó ám chỉ ông đấy, ông Hastings), đang dò xét mọi người ở Hatton Chase!

- Vô lý - tôi nói.

- Ông Hastings tội nghiệp, tôi đã cũng đi với tên cha tiệt ấy đến lâu đài và thấy ông Ryland chính cống nằm ngủ say trên giường! Tên bếp trưởng tên quản gia và cả lũ gia nhân đều thề chỉ là một trò đánh cuộc. Một trò hề dớ dẫn, không hơn. Tất nhiên, tôi đã trả tự do cho thằng hầu ấy rồi.

- Vậy là hắn vẫn đang trong bóng tối - Poirot nói.

Japp đi rồi, chúng tôi nhìn nhau. Bạn tôi nói:

- Bây giờ ta đã biết thêm. Abe Ryland là "Số Hai" của "Bộ Tứ vĩ đại". Trò giả trang tên hầu tham gia là nhầm đối phó với trường hợp nguy hiểm. Tên hầu đó... chính là "Số Bốn"? - Poirot nghiêm nghị kết luận.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện