Tai Họa Kinh Hoàng

Sau cái chết của Flossie Monro, tôi nhận thấy ở Poirot có sự thay đổi... Trước khi xảy ra chuyện này, lòng tự tin vô hạn vào chính mình là không gì lay chuyển, nhưng giờ đây cả một quá trình nỗ lực đã khiến anh mệt mỏi. Anh tỏ ra nóng nẩy, và tâm trạng bồn chồn thể hiện thành những phản xạ khó đoán.

Anh hết sức tránh những lời nói liên quan đến Bộ Tứ và có vẻ chỉ lo những công việc thường lệ, trong khi thực ra anh vẫn bí mật xúc tiến điều tra cái vụ việc mù mờ này.

Tôi nhận thấy anh thường luôn tiếp khách là người Xlavơ va dù anh không giải thích gì với tôi, tôi hiểu là anh đang xây dựng một chiến lược mới. Những người khách lạ nọ được anh sử dụng làm công cụ.

Một hôm, nhân được nhờ xem lại sổ sách để kiểm tra tiền chi tiêu, tôi thấy anh đã chi một số tiền lớn (lớn cả với anh là người có thu nhập đáng kể) cho một người Nga nào đó, mà cái tên dài lủng củng gồm hầu hết các mẫu tự của bảng chữ cái.

Tuy nhiên, Poirot vẫn giấu kế hoạch với tôi. Anh chỉ nói luôn mồm rằng sai lầm lớn nhất là đánh giá sai kẻ thù, và tôi kết luận là anh quyết cố để khỏi mắc sai lầm đó.

Mọi việc cứ thế diễn tiến cho đến cuối tháng Ba. Một buổi sớm, Poirot tuyên bố:

- Sáng nay, ta cần ăn mặc thật chỉnh tề, đến chỗ ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

- Thật ư? Hay đấy, ông ấy giao anh việc này à?

- Không hẳn. Chính tôi đã yêu cầu cuộc gặp này. Anh còn nhớ tôi đã kể, có lần tôi đã giúp ông ta một việc nhỏ? Từ đó ông rất tin phục tôi, và tôi muốn tận dụng thiện chí ấy. Và như anh biết, ông Desjardeaux, Thủ tướng nước Pháp, hiện đang ở thăm London; nên theo đề nghị của tôi, ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ mời luôn ông cùng dự.

Sydney Crowther, Bộ trưởng Nội vụ nước Anh là một nhân vật danh tiếng. Người đã cao tuổi, có dáng bộ dễ mến, đôi mắt màu ghi tinh nhanh, tiếp chúng tôi với vẻ xuề xoà thường thấy ở ông.

Thủ tướng nước Pháp, người mảnh, có bộ mặt diễn cảm điểm bộ râu nhọn, đang đứng dựa lò sưởi. Ông Crowther nói:

- Ông Poirot, chúng tôi nghe ông nói. Tôi hiểu là ông muốn thông báo một tin tức quan trọng vào bậc nhất.

- Đúng vậy, thưa ngài Bộ trưởng. Trên thế giới đang có một tổ chức tội phạm do bốn người chỉ huy. Bọn này được mệnh danh là "Bộ Tứ Vĩ đại", hoặc nôm na là bọn "Bốn Người". Số Một" là người Tàu, tên Li Chang-yen. "Số Hai" là nhà tỉ tỉ phú Mỹ Abe Ryland; "Số Ba" là một phụ nữ Pháp; còn "Số Bốn" có nhiều căn cứ để tôi cho là một diễn viên người Anh ít tên tuổi, Claud Darrell. Bốn tên đó liên kết với nhau để thiết lập một nền độc tài bộ tứ trên toàn thế giới. Và chúng có khả năng đạt điều đó.

- Thật khó tin - Thủ tướng Pháp lẩm bẩm - Sao Ryland có thể dính đến một chuyện như vậy? Vô lý!

- Xin phép cho tôi kể một vài chiến tích của Bộ Tứ vĩ đại!

Poirot đứng lên, bắt đầu nói. Anh nói ngắn, nhưng thống thiết. Đã biết rõ mọi chi tiết, song tôi vẫn xúc động khi nghe anh trình bày bao chuyện xảy ra và kịch tính của cuộc chiến đấu chống bọn Bốn Người.

Poirot nói xong, ông Desjardeaux im lặng nhìn Crowther. Ông này hiểu câu hỏi bao hàm trong cái nhìn đó.

- Vâng, tôi cho là phải công nhận Bộ Tứ vĩ đại là có thật! Lúc đầu, Scotland Yard cũng muốn coi thường song chẳng bao lâu phải công nhận ông Poirot nói đúng ở hơn một điểm: vấn đề là xem các giả thuyết của ông ấy có cơ sở đến đâu. Tôi không tin là ông Poirot... khuếch đại quá đáng.

Để giải đáp, Poirot kể ra mười sự việc chính. Tôi đã được yêu cầu không để lộ ra công khai, kể cả vào giờ phút này. Tuy nhiên tôi được phép nói đó là những tai hoạ dưới đáy biển châu Mỹ, những tai nạn máy bay kỳ lạ những sự chuẩn bị chiến tranh, tuyên truyền bạo lực do một số đảng cực đoan tiến hành. Theo Poirot, đó đều là tác phẩm của Bốn Người. Chúng nắm giữ những phương tiện khoa học loài người chưa từng biết.

Cuối cùng, Thủ tướng Pháp nêu câu hỏi mà chúng tôi chờ đợi:

- Ông nói người thứ ba của tổ chức này là một phụ nữ Pháp: tên bà ta là gì?

- Một cái tên nổi tiếng, thưa ngài Thủ tướng. "Số Ba" không ai khác là bà Olivier.

Ông Desjardeaux chồm lên:

- Bà Olivier? Không thể được! Vô lý! Không có lẽ! Lời ông nói là một sự xúc phạm!

Poirot bình tĩnh lắc đầu, không nói gì.

Ông Desjardeau kinh ngạc nhìn Poirot một lúc, rồi quay sang Bộ trưởng Bộ Nội vụ:

- Ông Poirot là người có tiếng, điều ấy đã rõ, nhưng những con người lớn đôi khi có tật nhỏ. Tật của ông phải chăng là tưởng tượng ra những âm mưu, rồi gán nó cho những người quen biết? Ông nghĩ sao, ông Crowther?

Crowther suy nghĩ một lát, rồi thong thả cân nhắc từng chữ, đáp:

- Thực ra, tôi không biết. Tôi đã và vẫn tin tưởng ông Poirot, nhưng phải công nhận trường hợp này là khó tin.

- Đã có ai nghe nói đến cái tên Li Chang-yen? - Desjardeaux hỏi.

- Tôi - Ingles, từ nãy không nói gì, đáp.

Vị thủ tướng Pháp quay nhìn Ingles. Vị bộ trưởng Anh nói:

- Ông Ingles đây là người am hiểu nhất về Trung Quốc.

- Và ông đã nghe nói đến Li Chang-yen?

- Trước hôm ông Poirot đây đến nói với tôi, tôi cứ tưởng ở nước Anh chỉ có mình tôi biết. Xin ông tin rằng, người duy nhất đáng kể hiện nay ở Trung Quốc, là Li Chang-yen. Có lẽ hắn là người thông minh nhất thế giới!

Desjardeaux choáng người, suy nghĩ, rồi nói tiếp, giọng bình tĩnh hơn:

- Rất có thể những khẳng định của ông Poirot nói chung là có cơ sở, nhưng về bà Olivier, chắc chắn ông đã lầm: đó là một bác học lớn cả đời chỉ có nghiên cứu!

Poirot khẽ nhún vai như chán nản, lặng im. Sau một, hai phút, anh đứng lên, lấy bộ nghiêm trang đến mức ngộ nhĩnh.

- Đó là tất cả những gì tôi muốn thông báo tới các ngài. Tôi biết trước là các ngài sẽ không tin, do đó tôi không lấy làm lạ, nhưng dù sao tôi cũng yêu cầu các ngài cảnh giác. Những điêu tôi nói, ắt sẽ đọng lại một cái gì, và nếu xảy ra sự cố gì mới, các ngài hãy nhớ lại. Tôi cần phải trình bày hôm nay, sợ rằng sau này sẽ không còn nói được nữa.

- Ông muốn nói gì? - Bị ấn tượng bởi sự nghiêm trọng của Poirot, Crowther hỏi.

- Tôi muốn nói từ khi tôi xác định được lý lịch của "Số Bốn", cuộc sống của tôi không đáng giá bao nhiêu nữa. Hắn sẽ tìm cách thủ tiêu tôi bằng mọi giá; hắn rất xứng với danh hiệu "Kẻ tiêu diệt ! Thưa ngài Crowther, cho phép tôi chuyển cho ngài chiếc chìa khóa và phong bì này. Tôi đã tập hợp mọi ghi chép về vụ này, chỉ ra những cách mà tôi cho là cần thiết để đấu tranh chống tai hoạ. Trường hợp tôi chết, tôi đồng ý để ngài sử dụng những tài liệu này. Và bây giờ, xin các ngài cho phép tôi cáo lui.

Desjardeaux chào đáp lễ. Crowther đứng lên, bắt tay ông bạn cố tri.

- Ông đã thuyết phục tôi. Dù vô lý đến thế nào, tôi vẫn tin ở ông.

Ingles cùng chúng tôi ra về. Poirot nói:

- Tôi không thất vọng. Desjardeaux thì tôi nghĩ khó thuyết phục. Cuộc gặp này ít nhất cũng làm tôi yên tâm rằng mọi việc tôi làm là không vô ích, nếu một mai tôi bị thủ tiêu. Không thuyết phục được hai thì được một, cũng là kết quả.

- Tôi hoàn toàn đồng ý với ông - Ingles nói - Ông Poirot, tôi sắp trở lại Trung Quốc.

- Như thế có khôn ngoan không?

- Không - Ingles nói ngay - Nhưng cần trở lại. Mỗi người làm được gì thì phải cố làm.

- A, ông thật dũng cảm. Nếu không đang ở ngoài đường, tôi xin ôm hôn ông - Poirot xúc động.

Ingles tỏ vẻ phấn chấn... vì đang ở ngoài đường.

- Tôi nghĩ ông ở London còn nguy hiểm hơn tôi ở Trung Quốc.

- Có thể - Poirot nói. Mong muốn duy nhất của tôi là chúng không giết cả Hastings.

Sau khi chia tay ông Ingles, chúng tôi yên lặng đi một quãng. Bỗng nhiên, Poirot tung ra một lời bất ngờ:

- Tôi nghĩ phải lôi thằng em tôi vào cuộc.

- Sao, em anh? - tôi sửng sốt - Tôi không biết là anh có em trai!

- Anh này lạ thật. Anh không biết rằng tất cả các thám tử nổi tiếng đều có những người anh em có thể còn nổi tiếng hơn, ít nhất là vì sự lười biếng bẩm sinh?

Có những lúc, không thể biết Poirot đùa giỡn hay nghiêm chỉnh.

- Tên cậu em là gì? - Tôi hỏi, đành coi đó như chuyệt thật.

- Achille. Achille Poirot; hắn ở gần Spa, bên Bỉ.

- Cậu ta làm gì? - Tôi hỏi tiếp vì tò mò, không đả động đến xu hướng thủ cựu đã khiến cụ bà Poirot xưa đặt cho các con những cái tên lấy từ huyền thoại!

- Như tôi đã nói, hắn ngồi không. Thế mới chết. Lười chảy thây. Nhưng thực ra, nó có khả năng chẳng kém tôi, nói thế là đủ!

- Hình thức giống anh không?

- Giống, nhưng không điển trai bằng! Nó không để ria. Chúng tôi cũng sinh ra đời một lúc.

- Thế là anh em sinh đôi? - Tôi kêu.

- Đúng vậy. Bao giờ anh cũng có kết luận đúng đắn. Nào! Về đến nơi rồi, lại phải lo giải quyết vụ chuỗi vòng của nữ công tước.

Song chuỗi vòng của nữ công tước lại phải đợi đấy vì một vụ khác hẳn lại nhờ cậy đến chúng tôi.

Thật vậy vừa về đến nhà, bà Pearson đã báo là có một nữ y tá đang chờ Poirot.

Một thiếu phụ xinh đẹp mặc đồng phục xanh sẫm ngồi trên chiếc ghế bành lớn trông ra cửa sổ; cô ta có vẻ rụt rè, song Poirot với lời lẽ khéo léo đã làm cô ta lấy lại tự nhiên.

- Tôi đến để xin một lời khuyên, thưa ông Poirot. Đã xẩy ra một chuyện kỳ lạ. Tôi được giáo đoàn các Nữ tu ở Lark cử đến chăm sóc một bệnh nhân ở Hertfordshire. Đó là ông Templeton, đã cao tuổi. Ngôi nhà và những người trong nhà rất dễ thương. Bà Templeton trẻ hơn chồng rất nhiều, ông này có từ đời vợ trước một anh con trai hiện đang cùng sống. Tôi không dám chắc là chàng trai này và bà mẹ kế có hoà hợp nhau không. Cậu con này cũng lung tung lắm. Ngay từ đầu, tôi thấy bệnh tình ông Templeton khả bí ẩn; có lúc ông ấy có vẻ khoẻ mạnh, rồi đột nhiên lại đau bụng, nôn oẹ, đau đớn dữ dội. Tuy nhiên, bác sĩ dường như coi là việc bình thường, tôi không dám có ý kiến gì. Cho đến một hôm...

Cô đỏ mặt và ngừng nói.

- ... đã xảy ra một điều nào đó khiến cô nảy sinh nghi ngờ - Poirot nói hộ câu dang dở.

- Vâng. Đúng như vậy.

Rồi lại yên lặng, ngập ngừng. Cuối cùng:

- Tôi nhận thấy là cả các gia nhân cũng có lời tiếng đàm tiếu.

- Về bệnh tình ông Templeton?

- Ồ không! ... Về ... về chuyện khác...

- Bà Templeton?

- Vâng.

- Bà Templeton và ông bác sĩ chăng?

Poirot đánh hơi rất nhạy về loại chuyện này. Cô y tá nhìn anh biết ơn và kể tiếp:

- Vâng, gia nhân có nhận xét, và một hôm chính tôi trông thấy bà Templeton và ông bác sĩ... cùng nhau... trong vườn.

Cô y tá chỉ nói đến thế. Cô có vẻ bất bình cao độ, nên không tiện hỏi rõ xem cô thấy gì trong vườn. Hẳn là cô đã nhìn thấy đủ để có một thái độ. Lấy lại bình tĩnh rồi, cô thông báo tiếp:

- Các cơn bệnh ngày càng nặng lên. Bác sĩ Treves nói đó là tiến trình tự nhiên của bệnh, và ông Templeton không còn sống được bao lâu. Trong suốt cuộc đời y tá, tôi chưa từng thấy như thế bao giờ. Triệu chứng ấy có thể coi như là...

Cô lại do dự.

- Bị đầu độc bằng thạch tín? - Poirot hỏi.

Cô y tá gật đầu, nói tiếp:

- Một hôm, bệnh nhân nói một câu mà tôi không hiểu. Ông ấy nói: "Chúng sẽ bắt được ta. Bốn người, chúng sẽ bắt được".

- Sao? - Poirot hỏi.

- Ông ấy nói đúng như thế. Phải nói rằng ông rất đau đớn, có lẽ ông ấy không hiểu mình nói gì.

- Theo cô, ông ấy nói "bốn người" là ý gì?

- Nào tôi biết. Tôi cho là ông ấy nói đến vợ, con, bác sĩ, và thêm nữa là cô Clark, người thường tháp tùng bà Templeton. Có lẽ ông nghĩ rằng cả bốn đều liên kết chống lại ông.

- Đúng, đúng, có thể - Poirot ra vẻ đăm chiêu - Cô có kiểm tra được thức ăn của người bệnh?

- Tôi cũng cố, nhưng thường thì bà Templeton đòi được đích thân mang bữa ăn tối; hơn nữa, có những giờ tôi không trực.

- Tất nhiên. Cô có thể đủ chắc chắn có cơ sở để báo cảnh sát?

Nghe hai từ "cảnh sát", cô y tá lộ vẻ kinh hoàng.

- Tôi đã làm thế này. Sau khi ăn xúp, ông Templeton bỗng lên cơn nặng. Tôi đã lấy phần xúp còn lại trong bát, mang đến cho ông. Hôm nay sau khi ông Templeton ngủ, tôi được phép vắng mặt.

Cô rút trong túi ra một lọ nhỏ, đưa Poirot.

- Tốt lắm, chúng ta sẽ cho đi kiểm nghiệm ngay; nếu khoảng một giờ nữa cô quay lại, có thể biết kết quả.

Sau khi hỏi tên và một vài nét tiểu sử của cô, Poirot tiễn cô ra về, rồi cho đưa cái lọ đến phòng thí nghiệm quen.

Trong khi chờ kết quả, Poirot kiểm tra lại các chức danh của cô y tá, khiến tôi hơi ngạc nhiên.

- Điều rất tự nhiên thôi, anh bạn, tôi phải rất thận trọng. Chớ quên là bọn Bốn Người đang rình.

Một nữ y tá tên Mabel Palmer, nhân viên của Viện Lark, đúng là đã được cử chăm sóc bệnh nhân mà ta biết.

- Đến giờ, mọi việc đều tốt - Poirot nói.

- À cô ấy đã trở lại đồng thời kết quả kiểm nghiệm được đưa tới.

Cô Palmer và tôi nóng lòng chờ Poirot công bố kết quả.

- Có tìm ra dấu vết thạch tín không? - cô hỏi.

Poirot gấp tờ giấy, lắc đầu:

- Không!

Cả hai chúng tôi đều rất ngạc nhiên.

- Không có thạch tín, nhưng có antimoan. Chúng ta phải đi ngay Hertfordshire. Mong rằng đến kịp.

Kế hoạch chiến đấu được bàn soạn:

Poirot tự giới thiệu thẳng từng là thám tử, muốn hỏi bà Templeton về một người làm cũ dính vào một vụ ăn cắp nữ trang.

Chúng tôi để cô y tá về trước hai mươi phút để khỏi gây nghi ngờ, do đó bản thân đến "Elmstead" - cơ ngơi của ông Templeton - khá muộn.

Bà Templeton tiếp chúng tôi lịch sự, nhưng trong ánh mắt và cử chỉ có vẻ gì bồn chồn.

Khi Poirot tự xưng danh tính, bà hơi giật mình. Tuy nhiên bà trả lời khá tự nhiên những câu hỏi về người làm cũ. Để nghiên cứu phản ứng của đối tượng, Poirot kể một vụ đầu độc, trong đó thủ phạm là một người đàn bà. Mắt anh không rời bà Templeton, bà ta cố gắng lắm mới kìm sự xao xuyến. Giữa chừng, bà ta lí nhí mấy lời xin lỗi rồi bỏ đi. Nhưng chúng tôi không ở lâu một mình: xuất hiện một người đàn ông vạm vỡ, ria mép màu hung, đeo kính một mắt. Ông ta tự giới thiệu:

- Tôi là bác sĩ Treves. Bà Templeton yêu cầu tôi xin các ông lượng thứ. Bà không được khoẻ, từ khi chồng bà ngã bệnh, bà luôn luôn rối trí. Tôi đã cho bà uống brômuya và yêu cầu đi nằm. Bà Templeton mời các ông ăn tối tại đây, có gì ăn nấy, và giao cho tôi thay mặt chủ nhà. Ông Poirot, chúng tôi đã nghe nói nhiều về ông, và rất hân hạnh được tiếp ông. Ồ! Đây là Micky.

Một thanh niên chậm rãi đi vào. Mặt tròn, lông mày vểnh lên làm cho bộ dạng thêm ngơ ngác... Anh ta cười mà như mếu, bắt tay chúng tôi. Không thể lầm, đúng là con trai người bệnh.

Chúng tôi vào phòng ăn. Tận tình lo mọi việc để tiếp khách, bác sĩ Treves ra ngoài một lát. Đột nhiên nét mặt người con thay đổi; anh ta ngả đầu phía trước nhìn Poirot, nói thầm:

- Ông đến vì việc cha tôi phải không? Tôi biết nhiều chuyện mà mọi người không biết. Nếu cha tôi chết hẳn bà mẹ rất mừng, vì có thể kết hôn với bác sĩ Treves. Bà không phải mẹ đẻ của tôi. Tôi không ưa.

Câu chuyện có một cái gì buồn thảm. Nhưng bác sĩ Treves đã trở lại và chúng tôi buộc phải chuyển đề tài.

Đột nhiên, Poirot ngửa người ra phía sau, rên rỉ. Bộ mặt lộ vẻ đau đớn. Bác sĩ lo lắng hỏi:

- Thưa ông, ông đau ạ?

- Lại một cơn bất ngờ, thỉnh thoảng tôi thường bị. Không sao, thưa bác sĩ, tôi không cần gì, chỉ muốn nằm một lát. Ông cho phép tôi lên nghỉ ở một phòng, được không?

Ông bác sĩ tất nhiên đồng ý, và tôi đưa Poirot lên gác trên, và anh ngã vật xuống giường với tiếng rên rĩ ồn ào.

Lúc đầu, tôi cũng bị mắc lừa. Nhưng rồi tôi hiểu là Poirot đóng kịch, và anh làm thế chỉ cốt để ở ngay cạnh phòng ông Templeton.

Khi chỉ còn hai người, anh nhảy từ giường xuống.

- Hastings, mau chuồn thôi! Bên ngoài có một cây leo, ta có thể trốn mà không ai thấy.

- Trốn ư?

- Phải, phải đi ngay khỏi nhà này. Anh không thấy hắn trong bữa ăn à?

- Ai? Ông bác sĩ?

- Không, thằng con trai Templeton. Anh không thấy nó mân mê bánh mì? Có nhớ Flossie Monro nói gì trước khi chết? Claud Darrell có tật dùng ruột bánh mì để nhặt những vụn rơi vãi trên khăn bàn. Hastings, ta đang đứng trước một âm mưu rộng lớn, và thằng cha có bộ mặt thơ ngây ấy không là ai khác kẻ thù chính: "Số Bốn". Ta đi mau.

Tôi không tranh cãi. Dù khó tin thế nào, tôi thấy tốt hơn là không nên trì hoãn. Chúng tôi bám vào cây leo tụt ra ngoài nhà và chạy một mạch ra ga, vừa kịp để nhảy lên tàu chuyến cuối cùng lúc tám giờ ba mươi tư, và khoảng mười một giờ về tới London.

- Đúng là một âm mưu - Poirot nói - chúng có bao nhiêu người tham gia chuẩn bị trò này, tôi không biết. Tất cả mọi người trong gia đình Templeton đều là tay chân bọn Bốn Người. Chúng chỉ muốn nhử ta vào bẫy, hay kế hoạch của chúng còn tinh vi hơn? Có thể chúng muốn giữ tôi ở đó đủ thời gian để chúng phạm một tội ác nào đó?

Anh mơ màng suy nghĩ một lát lâu. Rồi nói:

- Cẩn thận anh Hastings, tôi ngờ lắm. Để tôi vào trước.

Và anh thực hiện luôn. Tôi bật cười thấy anh cẩn thận dùng một chiếc guốc do gia nhân bà Pearson bỏ vương gần đấy để ấn vào nút bật đèn. Anh dò dẫm quanh phòng như con mèo lạc vào đất lạ sẵn sàng đối phó mọi tình thể... Tôi bắt đầu sốt ruột:

- Có gì lạ không?

- Không, nhưng phải đề phòng.

- Thật buồn cười! Để tôi đốt lò sưởi, rồi hút điếu thuốc. Này nhé, hôm nay đến lượt tôi phê bình anh, anh dùng diêm sau cùng và không để nó vào chỗ cũ.

Đứng lúc tôi sờ vào hộp diêm, Poirot kêu lên một tiếng ngăn lại và lao về phía tôi. Chậm rồi! Cùng lúc tiếng động chói tai nổ tung, một luồng sáng xanh loé lên, rồi tất cả chìm trong tối đen.

Khi mở mắt trở lại, tôi thấy bộ mặt quen thuộc của một người bạn, bác sĩ Ridgeway, cúi xuống nhìn. Anh khẽ nói:

- Đúng cử động, anh đã khá hơn rồi. Tai họa khôn lường.

- Poirot đâu? - tôi hỏi.

- Anh đang ở nhà tôi. Mọi việc tốt. Đừng hỏi.

Một nỗi sợ kinh hoàng xâm chiếm hồn tôi; câu trả lời chung chung của bác sĩ làm tôi hoảng hồn.

- Poirot đâu? Anh ta sao rồi?

Ridgeway hiểu là tôi nhất định đòi biết sự thật, lảng tránh là vô ích.

- Anh thoát được là may lắm. Poirot không được như thế.

- Anh ấy chết rồi?

Bác sĩ cúi đầu, môi run run.

Tôi thu hết tinh lực, kêu to:

- Nếu Poirot chết, tinh thần anh vẫn sống! Tôi tiếp tục nhiệm vụ của anh!... Tiêu diệt bọn Bốn Người.

Và tôi lại ngã xuống, bất tỉnh.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện