Chương 12
Từ hôm bị Tài Khôn chê là "bạch diện thư sinh", Thường nóng lòng chờ nắng gió nhuộm nước da mình. Để có nước da "đen đen mới đẹp", hẳn chỉ cần nửa tháng thôi.
Nhưng khi nước da anh vừa bắt đầu "ngả màu", một sự cố xảy ra khiến Thường đành từ bỏ ý định "thay da đổi thịt" đó.
Một hôm, bà Tuệ đột nhiên hỏi thăm chuyện dạy kèm của Thường. Đã dựphòng trước tình huống này, Thường trả lời khá suông sẻ. Và thái độ của anh cũng tự nhiên rất mực.
Vừa trả lời, Thường vừa kín đáo quan sát nét mặt của mẹ. Anh mừng rơn trong bụng khi thấy mẹ vẫn thản nhiên, chẳng tỏ ý gì nghi ngờ.
Tuy nhiên, lúc câu chuyện sắp kết thúc, bà Tuệ bỗng buột miệng nhận xét:
- Dạo này con hơi đen đấy! Trông cứ như người chạy rong ngoài đường!
Câu nói của mẹ khiến Thường nghe lạnh toát sống lưng. Hẳn đó chỉ là sự so sánh tình cờ của mẹ, nhưng dù sao cũng báo động cho Thường phải cẩn thận hơn trong việc giữ gìn bí mật của mình. Anh hắng giọng, trầm tĩnh đáp:
- Chắc dạo này trời nắng gắt, con lại đi dạy vào buổi trưa...
Và Thường thở phào khi thấy mẹ chẳng thắc mắc gì thêm. Bà chỉ chép miệng dặn:
- Từ nay ra khỏi nhà, con nhớ mang theo nón! Lớn rồi, đừng để mẹ phải nhắc từng li từng tí!
Thường ngoan ngoãn:
- Dạ!
Bà Tuệ không biết rằng con trai bà không những vâng lời bà răm rắp mà còn làm quá những gì bà yêu cầu. Không những luôn luôn đội thùm thụp cái nón trên đầu, Thường còn sắm cho mình cả một đôi bao tay màu đen dài đến tận khuỷu. Anh gởi bao tay ở nhà chú Kiến, sắp đi bán lại xỏ vào.
Bây giờ Thường chả ham nghe lời xúi giục của Tài Khôn nữa. Anh phải tìm mọi cách bảo vệ nước da trắng trẻo của anh,nếu không muốn một ngày xui rủi nào đó, hành tung của anh sẽ bị mẹ ngờ vực và khám phá.
Tài Khôn đón nhận chiếc nón trên đầu và đôi găng trên tay Thường bằng cặp mắt tròn xoe kèm với một tiếng kêu khủng khiếp:
- Anh làm cái trò gì vậy?
Phản ứng thẳng thừng của Tài Khôn khiến Thường đứng chết trân. Mãi một lúc, anh mới cười gượng gạo:
- Trò gì đâu! Chỉ là để che nắng thôi. Mẹ anh sợ anh ốm.
Tài Khôn lại kêu trời:
- Xời ơi! Con trai gì mà...
Đang nói, Tài Khôn ngừng bặt. Có lẽ cô không tìm ra sự so sánh thích hợp. Cô khẽ nheo mắt nhìn Thường:
- Bộ anh hết thích có nước da đẹp rồi hả?
Thường buồn bã:
- Ừ. Hết thích rồi.
Sự thú nhận xụi lơ của Thường khiến Tài Khôn hết ham "xỉa xói". Cô thở dài:
- Thích hay không là chuyện của anh. Nếu sợ chết thì anh cứ việc đội nón. Nhưng ai đời con trai lại mang bao tay! Cái đó là của con gái!
Thường chống chế:
- Nhưng đây là bao tay... bảo hộ lao động mà!
Thường nói vừa dứt câu, Tài Khôn đã ôm bụng cười:
- Trời đất, bán kẹo kéo mà cũng mang găng bảo hộ lao động! Thật em chưa nghe ai nói chuyện này bao giờ! Hơn nữa, đôi găng của anh đâu phải là găng bảo hộ. Đôi găng dài tới khuỷu thế kia chỉ có thể là găng đi đường của các cô tiểu thư thôi!
Những nhận xét đầy vẻ chế giễu của Tài Khôn khiến Thường xấu hổ muốn chui ngay xuống đất. Nhưng vì không thể chui được, Thường đâm cáu. Anh liền nghiêm mặt:
- Thôi, em nhạo báng anh như vậy là đủ rồi! Đây là chuyện riêng của anh, em không nên châm chọc nữa!
Thấy Thường lộ sắc giận, Tài Khôn đâm hoảng.
Ngay lập tức, vẻ cười cợt trên mặt cô biến mất. Thay vào đó là những lời xin lỗi rối rít:
- Em nói chơi vậy thôi chứ đâu có ý nhạo báng anh! Thôi, cho em xin lỗi nghen! Em không nói như vậy nữa đâu!
Nói một tràng, thấy Thường vẫn im lặng, Tài Khôn liền hốt hoảng cầm tay anh lay lay, giọng suýt khóc:
- Bộ anh giận em thật hả? Em xin lỗi anh rồi mà!
Thấy Tài Khôn bắt đầu rơm rớm nước mắt, Thường hắng giọng:
- Làm gì mà quýnh lên vậy! Anh không giận em đâu! Nghe vậy, Tài Khôn toét miệng cười. Bây giờ những giọt lệ cố nén cũng vừa trào ra khỏi khóe mắt cô và chậm rãi lăn tròn trên má, chảy xuống miệng cười của cô. Thường chợt nhớ đến một câu vè hồi nhỏ, liền buột miệng chọc:
- Ơ, vừa khóc vừa cười ăn mười cục...
Thường nói chưa dứt câu, Tài Khôn đã đấm thùm thụp vào lưng anh:
- Không có nói bậy à nghen! Thường mỉm cười:
- Anh có nói bậy gì đâu! Anh định nói là ăn mười cục... kẹo kéo chứ bộ!
- Hứ!
Tài Khôn "hứ" một tiếng và đưa tay quệt nước mắt. Tự nhiên Thường cảm thấy lòng nao nao. Hình ảnh lau nước mắt của một người con gái vừa khóc bao giờ cũng khiến lòng dạ Thường bỗng nhiên mềm đi. Hồi bé, mỗi lần chọc Nhi khóc, Thường cũng trải qua những cảm giác như vậy. Lúc Nhi khóc, anh ghét nó dễ sợ. Lúc đó, mặt mày nó nhăn nhó, xấu xí, nước mắt nước mũi nhòe nhoẹt, nhất là khi nó cố ý rống thật to cho mẹ nghe thấy mà phạt anh, cổ họng nó mở lớn đến mức thấy cả lưỡi gà bên trong. Vậy mà đến khi nó nín, nhìn nó vừa sì sụt vừa đưa tay chùi nước mắt, Thường bỗng dưng thấy thương nó ghê gớm. Lúc đó bao giờ Thường cũng tìm cách làm cho Nhi hài lòng, kể cả việc đau khổ nhường nhịn phần quà bánh của mình.
Bây giờ cũng vậy. Anh nhìn Tài Khôn bằng ánh mắt xốn xang và dịu dàng hỏi:
- Em ăn kẹo kéo không?
Tài Khôn chớp mắt:
- Anh định "hối lộ" em hả?
- Đâu có! Nếu em thích ăn thì anh kéo cho!
Tài Khôn lắc đầu:
- Em không ăn đâu! Đâu phải lúc nào em cũng thích ăn kẹo kéo của anh!
- Chứ bi giờ em đang thích gì?
Tài Khôn lém lỉnh:
- Bây giờ hả? Bây giờ thì em thích có một đôi găng tay "bảo hộ lao động" như của anh!
Thường hứ giọng:
- Rồi! Em lại chọc anh nữa rồi!
Sực nhớ ra, Tài Khôn liền rụt cổ vàđưa tay lên côc' đầu mình một cái:
- Chết! Em lại quên khuấy đi mất!
Điệu bộ của Tài Khôn khiến Thường phì cười. Anh vui vẻ:
- Nói vậy chứ em muốn chọc anh thì cứ chọc! Anh không giận đâu!
Tài Khôn tròn mắt:
- Anh không giận thật hả?
- Thật.
- Thật thì em... không chọc anh nữa đâu!
Nói xong, Tài Khôn lại khúc khích cười. Bao giờ cô bé cũng cười. Khóc như khi nãy, thật là hiếm hoi!