Chương 23

Ngày 18/12/2013

Bệnh Parkinson

Thế rồi Tiến Minh cũng từ giã Seagames mà không có huy chương vàng, dù ở Đông Nam Á, anh là người luôn xếp là hạt giống thứ hai sau Lee Chong Wei của Malaysia. Trong sự nghiệp của mình, có lần Tiến Minh đứng thứ 5 thế giới. Tuy nhiên, ở các giải đấu quan trọng như Olympic, Asiad và thậm chí Seagames, anh luôn để thua các đối thủ không mấy tên tuổi. Khi báo chí và mọi người càng kỳ vọng, thì anh càng chơi dở. Nhưng lúc không ai quan tâm, anh lại chơi cực hay, có trận thắng cả Lee Chong Wei. Nếu mọi người thấu hiểu, thì sẽ thông cảm, vì một chứng bệnh cố hữu khá nặng của người Việt, là bệnh run.

Nhiều người rất tài giỏi, ăn nói giao tiếp xuất sắc, ngoại ngữ thành thạo, chuyên môn vững vàng... tuy nhiên ra đứng giữa một hội thảo quốc tế để phát biểu thì run bắn cả người, giọng nói lạc đi và nói gì thì chính bản thân họ cũng không rõ. Có lãnh đạo một doanh nghiệp cực lớn, ở trong nước thì thôi hét ra lửa, phát biểu cũng kinh lắm, hai tay chém gió phần phật, nhưng có lần đi ra nước ngoài tham dự một hội thảo CEO thì để lại một câu chuyện cười cho giới truyền thông quốc tế. Ở hội thảo đó có các chủ tịch, CEO các tập đoàn như Samsung, Sumitomo, Petronas... tham dự, rồi các hãng truyền thông như đài CNN, BBC, Reuter... cũng chĩa ống kính về, thì ông luống cuống, mặt tái nhợt khi mời lên phát biểu. Trong lúc móc tờ giấy trong quần ra để đọc, thì run quá nên đánh rơi tờ giấy, và khổ là nó chui tọt vào cái gầm của các bục phát biểu. Dưới ống kính truyền hình của bao đài truyền hình lớn nhỏ khắp thế giới, hình ảnh ông chổng mông cúi xuống móc tờ giấy ra, thổi cái phù cho bớt bụi rồi thỏ thẻ đọc, thật là cảm động.

Trở lại Seagames, bóng đá U23 của Việt Nam cũng vậy. Khi gặp đội yếu hơn như Lào, Brunei... thì thôi, đá như lên đồng. Dội bom cả chục quả, làm tụi kia khóc như mưa, hẻm cho cơ hội dù một quả danh dự. Thế nhưng gặp tới đối thủ như Singapore hay Thailand, thì chân cẳng bắt đầu cuống. Ngôi sao tỷ này tỷ kia của V-League cũng chạy quanh sân như vận động viên điền kinh, cả trận chạm được bóng một lần đã là danh dự lắm. Có lúc đưa bóng vào khu vực gần khung thành đối phương rồi, cơ hội là rõ, khán giả và bình luận viên gào lên, sút đi sút đi, nhưng không, anh  vẫn không sút. Vì anh té, hai chân tự va vào nhau. Hình ảnh anh nằm sõng xoài trên mạch 16m50 thật đáng yêu.

Có lần Tony vào University of Houston-Downtown chơi, vì có đứa em họ đang hạc MBA ở đó. Nên vào nghe một buổi thuyết trình về marketing. Trong khi đứa em họ, là Việt kiều, tác phong nhanh nhẹn, nhảy lên mở máy chiếu, nói tự tin lưu loát, đi qua đi lại giao lưu với người nghe thì có một anh nọ, nghe nói là giảng viên ở Việt Nam qua du hạc, đứng nói mà run như bị sốt rét, cái micro lắc lư nên giọng nói lúc to lúc nhỏ. Mắt không dám nhìn ai, trình bày xong giống như hết nghĩa vụ, mắt sợ sệt nhìn quanh và hỏi có ai gì không. Nhưng may là mọi người cũng thấy anh tội quá nên cũng không hỏi gì, anh thở cái phì, mừng rỡ đóng latop, lật đật bước xuống lớp. Mấy ổng thầy nước ngoài hay hỏi sao các bạn du hạc sinh Việt Nam bị bệnh Parkinson sớm quá nhỉ, bên kia họ chỉ mắc bệnh này khi đã xế chiều...

Cái Tony mới tới bắt chuyện với anh giảng viên. Nói ủa sao em thấy anh trình bày mà không có tự tin gì hết vậy, do vấn đề ngôn ngữ hay sao. Anh nói không, ngôn ngữ thì anh không sợ, nhưng cứ nói trước đám đông là run em à. Vì anh học hết đại học ở Việt Nam, mà giáo dục ở mình là thụ động, thầy cô đứng nói, học trò ngồi nghe. 12 năm phổ thông, 4 năm đại hạc, tức 16 năm chỉ ngồi và nghe, nên anh quen rồi. Trong khi đó ở nước ngoài, thầy vô đứng đó, có nói gì đâu. Toàn trò vây quanh, rồi hỏi, rồi nói. Thậm chí câu hỏi của trò này, thầy cô kêu trò khác trả lời. Nên thành quen, phóng viên truyền hình tới phỏng vấn một đứa học sinh của một trường trung học bất kỳ của Mỹ hay của Singapore, nó đều nói như tên bắn, nói lưu loát, đầy đủ ý, triển khai ý 1, ý 2, ý 3, tóm lại... và thank you. Cười như hoa, gương mặt tự tin. Còn lỡ phóng viên mà ra sân trường chọn phỏng vấn bất kỳ một bạn học sinh của Việt Nam hay Trung Quốc, mà không dặn trước héng, thì đứa này cười hí hí, núp sau lưng đứa kia, đùn đẩy nhau, thui mày nói đi, không tao không nói đâu, mày nói đi. Cả buổi rượt đuổi quanh sân trường cũng không bắt được đứa nào hỏi mà nó chịu nói.

Lớn lên đi làm, rùi nó cũng vậy. Lúc nào cũng đùn đẩy và cười hí hí, gãi gãi đầu, thiếu điều muốn rụng hết cả tóc.

Ngày 26/12/2013

Đôi lời tâm sự vào những ngày cuối năm

Bây giờ, báo chí nói chung, báo in lẫn báo mạng, đa phần có nội dung buồn và tiêu cực. Mở thử mục giải trí, là tin xì căng đan bầu sô, ca sĩ... Mở đến mục xã hội, thì thấy ngay tin ở tỉnh A, ngộ độc thực phẩm làm chết người, thành phố B xuất hiện hố tử thần nuốt chửng chiếc taxi, tin cảnh giác về các vụ lừa đảo... Trong phần tin quốc tế là nước này sụp cầu làm chết bao người, rồi khu vực kia trên thế giới đang nóng lên từng ngày với các tin như sắp xảy ra chiến tranh đến nơi... Trong mục thể thao là vụ mua bán độ hay chuyện lùm xùm các ngôi sao... được người viết khai thác tỉ mỉ đến độ chắc để người đọc đọc phải buột miệng chửi mới hả dạ... Lướt qua phần kinh tế, là "nhảy múa theo giá vàng và đô la, lạm phát tăng cao, nhập siêu, công ty tập đoàn này nọ phá sản, công nhân thất nghiệp"... Đọc xong thấy hết muốn làm ăn gì vì trước mặt toàn khó khăn và trở ngại. Chất lượng giáo dục, thực trạng cơ sở hạ tầng hay đạo đức của ngành y tế... được mổ xẻ với góc nhìn tiêu cực cũng khiến người dân lo lắng và hoang mang cho bản thân mình và con em mình. Thậm chí đển phần thời tiết cũng thấy tê tái cả lòng với lũ lụt, biến đổi khí hậu, triều cường, hạn hán, áp thấp, bão xa bão gần... thiên tai và cả nhân tai. Dần dần vô hình trung, cứ mỗi buổi sáng thức dậy, bên tách cafe, người ta mở báo điểm tin và bắt đầu lo lắng, có những lo lắng rất thật và có những lo lắng không đâu. Và cảm giác của các tin tiêu cực ấy, theo họ suốt một ngày làm việc, dẫn đến hiệu quả xã hội sẽ kém đi, vì "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Trong khi đó, lẽ ra, mọi người nên bắt đầu một ngày mới với sự phấn chấn, niềm tin và sự lạc quan... vì khi hưng phấn, năng suất lao động được tăng lên rất nhiều.

Rời khởi tách cafe sáng để ra đường làm việc, thấy gì? Hình ảnh tắc đường kẹt xe, người đông đúc ồn ào giành giật nhau từng mét vuông đường, tiếng còi xe tiếng chửi bới gắt gỏng... như thể cả xã hội đang rất căng thẳng như sợi dây đàn. Căng thẳng thì nổi nóng, rồi tai nạn đâm chém xảy ra. Và người người, nhìn nhau với ánh mắt của sự nghi ngờ, không biết có thương hại nhầm người không, vì sự lừa dối gặp cũng nhiều, do báo chí nói cũng nhiều...

Cùng một con mưa, người tiêu cực thì sẽ bực mình vì phải đi áo mưa, người lạc quan thì nghĩ đến cây cối sẽ được xanh tươi, không khí sẽ được trong lành sau cơn mưa đó. Và một khi chúng ta không thể thay đổi được hiện tượng xảy ra với mình, tốt nhất là nhìn nó bằng ánh mắt tích cực. Chúng ta không ngăn được tuyết rơi ở Sapa thì hãy lên đấy nhìn ngắm tuyết, sẵn tiện tiêu ít tiền cho người dân địa phương, mua ít áo ấm tặng các em nhỏ ở đó, hướng dẫn bà con dùng lưới che để trồng rau màu, hô hào chính quyền đầu tư giúp họ có cái nhà kiên cố, ấm cúng, ngay cả một cái post một hình ảnh em bé Sapa rét run trong cái lạnh lên facebook cũng khiến cộng đồng đang ấm áp dưới xuôi sẽ nghĩ lại mình, hạnh phúc hơn với cái tổ ấm bé nhỏ của mình. Cái thiện có thể sẽ thua cái ác trong một thời điểm nào đó, nhưng chung cuộc sẽ chiến thắng. Công lý sẽ chiến thắng bất công, con người rồi sẽ sau một thời gian tham sân si giành giật sống còn với những quyền lợi vật chất, sẽ thấy cái mình đạt được là vô nghĩa vì giàu lắm cũng ăn 3 bữa, sẽ trở về đúng bản ngã của "nhân chi sơ tính bản thiện", giúp đỡ yêu thương thiên nhiên và đồng loại.

Hãy nhìn vào mặt tích cực của bất cứ sự cố nào. Cứ sau một sự cố, con người lại tìm ra nguyên nhân va khắc phục nó. Sau một đợt lũ lụt, đó là phù sa sẽ màu mỡ hơn cho cánh đồng, sâu bọ sẽ bị quét sạch ra biển, những dư lượng hóa chất độc hại trong đất đai sẽ bị trung hòa và rửa sạch, nhân dân nơi ấy sẽ xây nhà cao hơn. Chính quyền địa phương sẽ hạn chế không xây thủy điện nữa, không chặn dòng chảy của con sông nữa. Một ca sĩ sau khi lộ hàng để nổi tiếng, cũng sẽ chú tâm vào giọng hát của mình hơn, thay vì lộ hàng tiếp (vì thấy cái đó rồi, khán giả tò mò không có nhu cầu thấy nữa) và chúng ta sẽ có một giọng ca đẹp thật sự. Lỗi lầm của người khác, thay vì giữ trong lòng và lúc nào cũng tức giận, thôi bỏ qua, mình sẽ thấy thoải mái hơn rất nhiều. Nói một cách khác, nếu bạn được sống 100 năm, xem như là một bộ phim có 100 tập, thì hãy tạo ra ít nhất 2/3 tập có tiếng cười thay vì tập nào cũng rơi vào bi kịch chán chường, đau khổ, chia ly, mất mát.

Và đôi lời nhắn gửi cho các bạn làm báo, thay vì dừng lại ở thể loại văn miêu tả sự kiện hiện tượng, kèm theo các phê bình gay gắt, nên chỉ rõ giải pháp hay yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết, phản hồi lại. Có như vậy, thông tin do báo chí mang lại mới thật sự thiết thực để xây dựng một môi trường sống chất lượng. Trong từ Hán Việt, nguy cơ bao gồm nguy và cơ. Và đối với người có tư duy tích cực, nguy (problem) họ sẽ biến thành cơ (opportunity).

Những ngày cuối năm, coi như chuẩn bị hết một tập phim trong bộ phim dài 100 tập ấy, bạn vui hay buồn? Và năm sau, hài hay buồn, hoàn toàn quyết định bởi bạn.

Với người luôn tích cực và lạc quan, sẽ có gương mặt sáng bừng, nụ cười thường trực trên môi, sống và cháy hết mình, học tập và làm việc hết mình, vui chơi hết mình, dù ngày mai trời có sập...

Trong giông bão của cuồn cuộn các thông tin tiêu cực, page Tony Buổi Sáng như một cánh chim, tuy nhỏ bé nhưng hết sức tự tin mang lại sự lạc quan vui vẻ cho mọi người. Hãy ủng hộ anh Tổng biên tập, nếu không thì "nước mắt lăn dài trên gương mặt thanh tú". Hãy bấm like và comment thể hiện sự ủng hộ cho anh ấy, kéo bị "nhức đầu rùi thay đồ đi Mỹ", lấy ai viết truyện cho đọc cho khóc cho cười?

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện