Chương 25

Ngày 10/2/2014

Cái chết của Chu Du

Đọc tam quốc diễn nghĩa, ai cũng biết đến chuyện Chu Du, vì ghen tỵ với tài năng của Khổng Minh mà hộc máu chết. Đó là cái chết vì đố kỵ, mang đậm màu sắc của văn hóa Trung Hoa. Các nước lân bang thì càng gần khoảng cách địa lý với Trung Quốc thì càng bị cái tính này nó lây lan, hẻm phải riêng Việt Nam mà bên Hàn, bên Nhật... cũng bị. Càng xa biên giới Việt Trung, càng thoát văn hóa Trung Hoa thì tính đố kỵ, ghen ghét người khác cũng bớt dần. Chẳng hạn như vùng Cà Mau, trong làng có ai có gì vui như đỗ đạt, trúng số, trúng lúa, thăng chức, thành công... thì cả làng bưng đồ đến, đổ bánh xèo, uống gụ, chung vui mừng rỡ một cách thật lòng. Còn nếu ngoài trung ngoài bắc, thì thành công phải giấu nhẹm đi, mới mong được bình yên. Bên kia sông Cầu có người đỗ tiến sĩ, thì thay vì chèo thuyền qua sông chung vui, nhiều người xã Đoài bên này ngồi chửi đổng, điên tiết vì không biết vì sao nó giỏi thế. Rồi tự an ủi AQ, rằng nó may mắn thôi chứ chả hay ho gì, hay có ai đó nâng đỡ nó. Tóc tai xõa rũ rượi, ăn không ngon, ngủ không yên, chỉ mong nó thất bại hay bị tai nạn bệnh tật ốm đau mà chết quách cho rồi, để hả lòng hả dạ. Thôi thì cũng thông cảm cho họ, văn hóa tiểu nông ăn sâu quá rồi, con gà thì tức nhau tiếng gáy, và cũng, vì chút Chu Du còn sót lại, cả ngàn năm Bắc thuộc còn gì...

Tony thích văn hóa miền Tây Nam Bộ, vì nó là vùng đất mới, chưa từng bị phong kiến Trung Hoa ra sức đồng hóa, nó gần với văn hóa Miên Thái, hảo sáng và phóng khoáng, bao dung và nhiệt tình. Đau thật cvới nỗi đau người khác, vui thật với niềm vui của bạn bè, không giả tạo, ăn nói cho hay nhưng trong lòng nghĩ khác, chỉ mốn mình hơn, còn mong ai cũng te tua, nghèo khổ, dốt nát, xui xẻo, xấu xí...

Tony có khá nhiều bạn hạc. Và họ từng là những người bạn thật tốt. Nhiều lúc thời sinh viên, Tony đói xanh mặt, qua ký túc xá hay nhà trọ của bạn mượn 10 ngàn đồng mua cơm, bạn có 20 người, bạn chia một nửa. Rùi vui vẻ qua hết thời sinh viên chật vật khốn khó, với biết bao là tình. Ra trường, nhóm bạn bắt đầu chia rẽ, vì có ai đó khó chịu khi đứa khác tìm được việc làm ngon. Rùi rạn nứt khi bạn bè cũng nhà trọ xưa mua nhà ở thành phố. Sự bực bội dâng đến đỉnh cao, mời đi tân gia là không đi, hay đi cũng qua nói vài câu xỉa xói móc méo cho nó xui xẻo chơi. Ngồi lầm bầm, kiểu mẹ tức muốn chết, mình vẫn còn nhà trọ mà nó đã chung cư cao cấp rùi. Rùi chấm dứt quan hệ, không rõ tại sao, chỉ thỉnh thoảng nghe qua bạn bè, những câu đại loại như "giờ nó thành đạt quá rồi, đâu thèm nhìn mặt tao" nếu bạn bè có ai hỏi lâu nay mày có gặp thằng A con B hem...

Khi facebook ra đời, âm thầm theo dõi ngày đêm. Thấy một anh bạn post tấm hình nhà mới, hai đêm mất ngủ, ra sân đá thúng đụng nia, quánh mèo quánh chó. Thấy một cô bạn post status đi Mỹ du lịch với chồng con, nói cái con nhỏ này nó ăn trúng gì mà sao may mắn thế, liền mất ngủ 3 đêm, nhìn ông chồng nghèo của mình khinh khi ra mặt. Tất cả stt đều không bấm like, chỉ đọc. Rồi một ngày anh bạn post status mất việc, thì lòng vui mừng khôn xiết, lấy bia ra uống, lần đầu tiên bấm like. Rồi thấy cô bạn post status ly hôn, ôi trong lòng vui sướng biết bao, cho chừa, cái tội hôm bữa khoe đi Mỹ với chồng nha mậy, nhảy vô comment, ghi đại loại như "sao vậy bạn ơi, có cần gì thì mình giúp" mà trong lòng thì ngược lại, hả hê, vui sướng, vừa tắm vừa hát vang. Đi nhậu lúc ngà ngà say, nghe bạn nói "tôi vái ông bà cho ông bầu A rớt máy bay chết cho rồi, nhìn ông ấy sở hữu chiếc máy bay riêng mà ngứa mắt. Còn ông tỷ phú B, ông đó mà phá sản, tôi mở tiệc ăn mừng". Phụ nữa thành đạt nào cũng bị gán câu "ôi cái con đó tài năng gì, nó cặp với ông này ông kia mới được như vậy". Những người hay nói vậy là những người có tính đố kỵ, phải lưu ý tránh xa. Lúc này, sự đố kỵ không còn bình thường nữa, nó đồng nghĩa với cái ác, cái vô lương và với suy nghĩ rẻ tiền ấy, họ đã đánh mất chính nhân cách của mình.

Cũng có mấy anh bạn cũ, suốt ngày nhắn tin hỏi trang Tony Buổi Sáng có mua like không? sao like tăng nhanh thế, bọn độc giả dở hơi thế nhỉ, nhảm thế mà vẫn đọc say sưa. Hay comment ở dưới mỗi bài viết của Tony những câu đại loại như "bài này không có gì mới, đã đọc qua đâu đó rồi". Thậm chí cũng có bạn rảnh rỗi, ngồi search cả buổi và comment "bài này ý theo đường link này nè, không phải sáng tạo gì đâu" hay "chủ đề này Mr A viết hay hơn, các bạn qua đó đọc nhé, đường link là...", hay "Tony cạn đề tài rồi, hahaha, vui quá". Thống kê trên page slight, 10 độc giả hay vào nhất là 10 anh bạn quen, kiên quyết không bấm like page, nói trang này quá nhảm, nhưng suốt ngày vô comment kiểu sọc dưa. Lúc đầu Tony cũng khó chịu, mất hứng, nhưng sau này thì quen. Cái xứ mình nó thế, dù có hạc có hành, có chức vụ hay học vị học hàm, có tiền có bạc, có vợ đẹp con khôn, vẫn mang cái văn hóa Chu Du ấy trên người, tự mình làm khổ mình ghê gớm, nhiều người cũng nhận ra nhưng không dẽ bỏ ngày một ngày hai.

Tony có anh bạn, tên X. Rất thân vì lúc cơ hàn, cần gì cũng giúp. Nhưng tính ganh đua đố kỵ cũng lớn. Không phủ nhận tính ganh đua cũng có mặt tích cực, đó là việc giúp mình có động lực để không thua kém bạn bè. Việc thấy Tony nói hai ngoại ngữ lưu loát khiến anh lao vào học như điên, 5 giờ sáng đã ngồi dậy học từ mới, tối nào cũng đến hai trung tâm để luyện, thậm chí mời cả giáo viên tiếng Hoa tới nhà để dạy, nên anh cũng nói được ngoại ngữ khá tốt. Có lần cô giáo yêu cầu đọc cuốn Tư Duy Lại Tương Lai và nộp bài cảm nghĩ, Tony lùng nhà sách mấy bữa hẻm có, mới qua nhà anh, mượn đi photo. Anh trả lời, gì chứ sách tuyệt đối không cho mượn, khiến Tony không nộp được bài. Năm 2006, Tony mua ô tô đi lại, biết tính anh nên không nói, thế là một bữa anh chạy qua nhà, khoe với Tony là đã mua được chiếc Civic, có đi đâu không tôi đưa đi ngồi ô tô cho mát. Tony nói là tôi cũng mua rồi, cả mấy tháng rồi. Anh giận dữ quày quả đi về, nói thằng này cái gì cũng hơn mình, có tức điên không. Hôm tài xế mình bị ốm, mới gọi điện qua nói bạn ơi cho tôi mượn tài xế bạn một hôm nhé, có khách nước ngoài qua nhưng tôi không biết lái. Anh trả lời "thế thì đi taxi, tài xế của tôi hôm nay rảnh nhưng tôi không cho phép lái xe của người khác bao giờ". Nếu không biết dừng lại, tính ganh đua sẽ trở thành tính đố kỵ, rất uổng phí một đời người, vì không làm được nghiệp lớn.

Nên nếu có chơi với thể loại này, phải cẩn thận và giấu mọi thứ mình có như mèo giấu "hàng hóa Tony đang kinh doanh", vì họ thấy họ sẽ tức tối rất tội nghiệp, ảnh hưởng đến sức khỏe, nặng thì hộc máu chết như Chu tiên sinh ấy chứ chẳng phải đùa. Bạn Nam nói, hai vợ chồng nó nghe nói bạn X tới nhà là phát hoảng. Vì X tới, sẽ đảo mắt nhìn quanh, hỏi thăm, nếu thấy nhà Nam có mua sắm cái gì mới, X về giận, phát bệnh. Nên nghe tin X đến thăm, vợ chồng nó dọn dẹp bắt mệt. Phải gửi xe hơi đi chỗ khác, giấu cái tivi xịn vào phòng, quần áo pyjama bóng loáng phải cất, phải lập tức mặc áo cụt quần què vào, gia nhân giúp việc tài xế... phải lập tức ra khỏi nhà, đi lánh mặt, núp ngoài bờ rào biệt thự, khi nào X về mới được vô. Thằng Nam phải lập tức nhảy xuống lau nhà, con vợ phải ngồi nhặt rau, vú móm lòng thòng, tóc rối bù, vợ chồng giả bộ chì chiết nhau chuyện tiền bạc, con cái nó phải đất vọc cát, mũi miệng phải lem nhem. Đang ăn tôm cua thì phải cất ngay, lôi rau muống nước mắm ra. Gương mặt phải teo tóp hốc hác, không được phúng phính trắng hồng, X nó không thích, nó giận...

Lại nói về Tony. Từ khi lên chức hãng trưởng hãng Phượng Tím, Tony cũng bị không biết bao nhiêu bạn cũ từ mặt. Nói nó đi xe hơi 7 tỷ, nên tao đâu dám tới gần. Nhiều buổi cà phê, Tony hẻm biết nói chuyện sao. Toàn những câu như nghe nói dạo này nghe nói mày giàu lắm phải không, mình mà ừ một cái, thì tức khắc quy vào tội chảnh chọe, mà nói không thì sẽ kết luận là xạo mày, đừng có giấu. Có một nhóm ngồi nhậu với nhau, bàn về Tony, nói chắc ai đó cho nó tiền chứ sao tự nhiên giàu vậy, nghe nói nó có ba nuôi tỷ phú Hàn Quốc, sure là ông đó cho tiền nó. Cái gọi điện hỏi có đúng vậy hem Tony, mình đang ướt mồ hồi trong kho kiểm hàng, nghe hỏi sợ quá nói ừ ừ, bạn nói vậy hả, có còn ông nào giới thiệu tao, tao cũng muốn có ba nuôi. Tony bèn viết bài hướng dẫn bạn đi Dubai, hội chợ du thuyền mà tìm. Ba nuôi mẹ nuôi thì phải vào chốn giàu có mới tìm được. Nhiều người cứ nói người khác thì đang đố kỵ với mình, còn bản thân thì lại vô tư hẻm biết.

Cũng mấy lần đi nhậu, bạn nhậu nói mày biết doanh nhân thành đạt ABC không, nó dở ẹt à, lúc hạc chung với tao, rớt lên rớt xuống, ngu lắm mày ạ. Chuyện quá khứ là quá khứ. Lúc nhỏ người ta có thể hạc kém, nhưng sau này, cả quá trình tự đào tạo của họ, mình đâu có biết. Để có được số tiền đó, người ta đã phải thức khuya dậy sớm thế nào, bạc tóc tính toán ra sao, chết bao nhiêu rơ ron thần kinh... và sẵn sàng chịu n cái rủi ro. Để có được giải thưởng nào đó, người ta đã phải hy sinh những thú vui cá nhân, đã phải dùi mài kinh sử tập luyện quần quật thế nào, mình đâu có biết. Chỉ thấy thành quả và thay vì mình cũng cố gắng đạt được, lại sinh ra lòng ghen ghét.

Người mình cũng ít công nhận tài năng của nhau. Không chịu thừa nhận trên đời, có những con người, tạo hóa cho họ khả năng hơn, và dĩ nhiên họ sẽ thành công hơn. Nhà văn Việt Nam ít ai đọc tác phẩm của người khác, chỉ say sưa đọc đi đọc lại văn mình. Nhà báo hay vài người biết viết lách cũng vậy, không ai đọc ai, nên đề tài viết ngày càng teo tóp, bó hẹp, tư tưởng ngày càng bảo thủ. Vì không công nhận tài năng của nhau nên khi đồng nghiệp được quốc tế công nhận, họ gần như hóa điên. Phần lớn nhà văn Trung Quốc cho rằng Mạc Ngôn bỏ tiền ra mua giải Nobel, cô lập ông sau khi ông nhận giải. Mấy nhà văn lão thành của Trung Quốc vội lên hạc viện ngôn ngữ Bắc Kinh nhờ dịch hết các tác phẩm của mình sang tiếng Anh, rùi đem qua nước ngoài chào hàng, nhưng tụi Tây vứt hết vào sọt rác vì đọc hẻm hiểu. Các nhà văn trẻ TQ còn thành lập hiệp hội anti-Mạc Ngôn, cũng hoạt động ì xèo, thậm chí gửi đơn thưa kiện kêu rút lại giải Nobel của ông ấy. Giống cách đây mấy tháng trước ta cũng có vài cuốn sách best seller và lập tức xuất hiện một nhóm người anti, kiện tụng khí thế, rùi cũng ra sách nội dung tương tự để cạnh tranh. Trí tuệ thay vì đi làm cái gì đó hay ho cho đời, lại suốt ngày đả phá người khác, thiệt uổng. Ngày GS Ngô Bảo Châu nhận giải Field, thì cũng là ngày bệnh viện tâm thần Trâu Quỳ Hà Nội nhận cả chục bệnh nhân vào khám, cũng toàn các bạn cũng từng đoạt giải quốc tế quốc gia, nhưng vì tức tối mà sinh ra tâm bệnh, ngồi bứt tóc móc mắt, xé quần xé áo... trong thật thảm thương.

Hôm bữa họp lóp, có mặt anh bạn X. Anh lại xách mé, nghe nói Tony dạo này đi nước ngoài như đi chợ ấy nhỉ. Tony chỉnh ngay, riêng cái này là không đúng. Anh vui mừng lắm, nói thế không có tiền đi đâu à, làm ăn không được à, sắp phá sản rồi à, nói thật đi để bạn bè lo cho. Mọi người há hốc mồm nhìn. TOny mới từ từ giải thích. Năm vừa rồi, Tony đi nước ngoài 20 lần, trong khi đi chợ có một lần, so sánh vậy là khập khiễng. Cái anh hỏi, ủa vậy sao giờ phải nói sao, Tony nói là lần sau phải nói "dạo này Tony đi nước ngoài như đi siêu thị ấy nhỉ"....

Vì Tony, cũng hay đi siêu thụy...

Ngày 20/02/2014

Biển rộng trời cao, con vẫy vùng...*

*: Tựa đặt theo lời bài hát "Nhật ký của mẹ"

Cách đây gần hai năm, Tony có dịp đi Singapore. Trên máy bay, có ngồi cạnh một cậu thanh niên có gương mặt sáng bừng của sự thông tuệ, ánh mắt của ý chí, tác phong cử chỉ đều hết sức lanh lẹ. Lúc vào ngồi, cậu bắt chuyện với Tony, hỏi chú đi Sing là công tác hay đi du lịch. Tony nói là đi công tác, còn bạn. Cậu ấy mới kể là cháu là sinh viên vừa tốt nghiệp một trường trong đại hạc quốc gia thành phố HCM, đi Singapore đợt này là phỏng vấn xin việc làm. Tony ngạc nhiên lắm, mới hỏi ngọn ngành. Cậu ấy nói là tốt nghiệp xong, xin việc ở Việt Nam khó quá vì kinh tế đang suy thoái, ngành cậu học ít công ty tuyển, nên cậu search trên mạng tìm việc ở nước ngoài, chủ yếu các nước lân bang để dễ đi lại. Cậu vô các website trung tâm việc làm của Singapore, đọc các mục cần người trên các báo, rồi thậm chí post C.V của mình cho các trung tâm săn đầu người của Thái, Sing, Hàn, Hồng Công, Cambodia, Lào... Cậu nói may mắn đã mỉm cười, một công ty ở Sing đồng ý phỏng vấn, sau khi qua skype online interview, họ muốn cậu qua để gặp ban giám đốc trước khi quyết định. Thế là cậu lên đường, đây là lần đầu tiên xuất ngoại và cũng là lần đầu tiên đi máy bay.

Tony trong lòng thấy ngưỡng mộ. Tuổi trẻ cần như vậy. Dám đi, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân. Mới ngỏ lời hỏi cháu có muốn chú giúp gì không, chẳng hạn như đường sá đi lại bên Sing. Cậu ấy nói cậu search hết rồi, xuống hầm sân bay Changi ra sao, đi chuyến tàu ngầm về ga nào... cháu đều đọc kỹ và in ra hết. Còn công ty đó, cháu cũng đã nghiên cứu rất kỹ mọi thông tin của họ. Tony thấy rất là well-prepared nên hài lòng lắm. Mới hỏi thôi bây giờ chú giả bộ phỏng vấn cháu vài câu, cháu trả lời thử nhé. Câu nào thấy cậu ấy cũng trả lời lưu loát và tự tin. Nhưng duy chỉ một câu Tony hỏi, "Giờ thì chúng tôi đã phỏng vấn xong, bạn có câu hỏi gì cần hỏi công ty chúng tôi không?". Lúc này thì cậu lúng túng, dạ nói cái này thật sự là cháu chưa nghĩ tới. Tony mới nói là các công ty nước ngoài hay hỏi câu này lắm, để đánh giá khả năng đặt câu hỏi của ứng viên. Mình mà hỏi thông tin đã có sẵn trên mạng về công ty họ, là rớt đài, vì không chịu nghiên cứu trước. Hay hỏi một câu vu vơ, họ sẽ nghĩ mình nông cạn. Hay hỏi nhiều quá, họ cũng thấy khó chịu. Mình chỉ chọn một câu hỏi thôi, nhưng thật đắt vào.

Cậu ấy ngồi suy nghĩ một lúc lâu, rồi nói chú giúp cháu. Tony mới kể cho cậu ấy nghe về câu chuyện của mình. Đó là lần xin việc ở một công ty mà Tony ưa thích, lúc cũng vừa tốt nghiệp. Vì đã well-prepared mọi thứ, nên lúc phỏng vấn, ban giám đốc, anh trưởng phòng kinh doanh, chị phụ trách nhân sự... hỏi cái gì mình cũng trả lời được. Nhưng tới câu hỏi này, thì Tony lúng túng, vì học ở Việt Nam, quen kiểu trả bài, thầy hỏi thì nói, không hỏi thì thôi, không có khả năng hỏi ngược lại. Không biết hỏi gì lúc đó, thật sự như vậy. Suy nghĩ mất mấy phút, Tony mới nhìn thẳng vào mắt của anh trưởng phòng kinh doanh và chị phụ trách nhân sự, nói rõ là em đã cố gắng hết sức cho lần phỏng vấn này, và cho công việc này. Em có thể có một đề nghị là nếu anh chị thấy em chưa phù hợp, thì giới thiệu giúp em vô phòng ban khác, hay các công ty khác trong hệ thống các mối quan hệ của anh chị. Anh chị ra trường đi làm lâu năm, có nhiều connections, anh chị có thể giúp em được không, vì em đang cần việc làm. Em chỉ có một cái duy nhất, đó là sức lao động của thanh niên trẻ tuổi, em có thể làm việc ngay và bất cứ nơi đâu công ty phân công. Và cũng vì là vừa tốt nghiệp, em có thể thay đổi và học tập rất nhanh. Có được không ạ? Lúc đó anh trưởng phòng bắt đầu lúng túng, còn chị nhân sự vui vẻ nói được em, chị thích cách nói rõ ràng của em. Và tuần sau, Tony nhận được offer letter, và vô thử việc. Sau này vô làm có hỏi, chị ấy nói là lúc đó, tụi chị thấy có sự chân thành trong câu trả lời của em, trong mắt em, nên đồng ý nhận nào. Em đi xin việc là đi bán sức lao động, và bọn chị là người mua, kỹ năng bán hàng của em rất tốt. Giới thiệu sản phẩm tốt, giá cả phải chăng, after-sales service tốt, ngoại quan đẹp, bảo hành rõ ràng, giao hàng ngay...

Mình phải có sự chuẩn bị chu đáo khi đi xin việc. Để đảm bảo được việc, nhỡ may mình chưa phù hợp thì họ cũng tiến cử, recommend mình cho bạn bè người quen của họ. Trong bất cứ tình huống nào, mình cũng có sẵn một câu hỏi ngược lại để phòng thân, nhưng phải tùy tình huống phỏng vấn lúc đó nữa, không được rập khuôn bắt chước. Và phải chân thành, mọi lời nói đều xuất phát từ trái tim mình. Cái gì từ trai tim sẽ đến với trái tim, dù chỉ là một ánh mắt thiết tha. Cậu sinh viên nghe nói thế, cám ơn Tony. Lúc đó không có xài facebook nên cũng không add cậu ấy vào, chỉ cho cậu ấy cái email yahoo mà giờ quên mất password để vào. Nên không rõ cậu ấy có xin việc được hay không nữa. Nhưng tin chắc, dù làm gì, cậu ấy cũng sẽ thành công.

Nên đầu năm kể lại câu chuyện này, các bạn trẻ nếu xin việc trong nước khó quá thì search internet các cơ hội việc làm ở Sing, Mã, Myanmar, Han Quốc, Nhật, Hồng Công, Âu Mỹ gì cũng tìm... Cứ vô google, gõ "Job and recruitment in Singapore" hay nước nào mình cũng muốn, cứ apply, cứ tự tin xách giỏ lên đường đi rao bán hàng hóa sức lao động của mình, tích lũy tiền và vốn sống. Tiếng Anh không nhất thiết phải perfect đâu, cứ giao tiếp, nghề dạy nghề, tự hạc, rồi ổn hết cả thôi, miễn là người ta nhận mình vô làm là được. Sợ gì ai. Ai xài xể, nói tôi là con dượng Tony, không phải người vừa đâu nhé.

Và nhất nhất sau này, dù làm gì, cũng phải chuẩn bị thật kỹ, phải well-prepared, thì mọi thứ đều hanh thông, thuận lợi. Biển rộng trời cao, cứ vẫy vùng...

Chuyện ăn chuyện nói (Bài 2): Ăn nói có duyên

Ăn và nói đi chung với nhau, nên người ta hay bảo "thằng đó ăn nói được lắm" hay "con bé đó ăn nói khôn khéo, vừa không vừa khéo". Có hai điểm mà người ta hay quánh giá trong giao tiếp ứng xử, là Nói và Ăn. Hôm bữa dượng tiến cử một "con dượng" vô công ty kia thực tập, vô hai tháng sau, gặp sếp hỏi thử thấy nó ăn nói có được hem thì nhận vô làm giùm", người ta phán "Thằng đó Ăn được lắm". Dượng chỉ biết khóc...

Trở lại việc gặp đối tượng giao tiếp, mình phải khéo léo và tế nhị. Quan sát và để ý để chọn lời lẽ cho phù hợp. Luôn đặt mình vào hoàn cảnh của họ. Gặp người muộn gia đình, hay chưa có bồ bịch gì, mình không nên nói tổ ấm riêng, nói chuyện con chuyện cái. Vì người ta không có để có thể góp chuyện. Nên mình có thể nói độc thân cũng có cái hay của nó, nhiều lúc em cũng muốn độc thân như chị để tự do đi đây đi đó, chắc chị đi du lịch nhiều lắm hả. Thế là chị ấy mặt sáng rỡ, thao thao ngay, vì bắt trúng đề tài. Kheo liền đã đi 25 nước. Hay gặp một anh nông dân ở quê, thì những đề tài như vũ trường, siêu thị... mình nên tránh. Nếu ảnh có than thở ở quê buồn, thì mình đừng có hùa theo. Cũng đừng nói ủa anh sao hẻm lên Sài Gòn sống, ở chi dưới này buồn thấy mẹ dzậy anh. Ảnh sẽ tủi thân, uống gụ và "mỗi khi chiều về, anh ngồi khóc bên dòng sông". Mình nên nói là em ớn sự xô bồ ồn ào ở phố thị rùi anh ơi. Sống ở phố chán lắm. Anh đang "trồng cây gì, nuôi con gì", năng suất ra sao? Có xài phân bón thuốc sâu của hãng Phượng Tím hem? Nói em thích quên anh quá hà, em thích sự bình yên của lục bình tím ngắt trôi sông, em thích tiếng bìm bịp kêu chiều nghe tha thiết. Em thích và em thích. Anh may mắn ở đây vì có không khí trong lành mát mẻ, về già em sẽ dọn nhà xuống đây ở với anh. Nghe vậy là ổng mát ruột mát gan, lao ra vườn, gà vịt heo qué gì cũng bắt làm thịt cho mình nhậu.

À, nói nhậu mới nhớ, có lần dượng nhậu với một nhóm thương nhân giàu có và một số cán bộ tín dụng ngân hàng mà mấy đại gia ấy đang giao dịch. Lúc cao hứng, mọi người thao thao bất tuyệt về sử Tàu như Tam Quốc, Khuất Nguyên... Cậu cán bộ ngân hàng hỏi anh Tony ơi, Khuất Nguyên sống ở đời nhà gì ở Trung Quốc ấy nhỉ, cái dượng nói Khuất Nguyên là người nước Sở thời chiến quốc. Một ông đại gia tên Thành nhảy vô, tụi mày trật hết, ăn học cho lắm vào nhưng rất ngu, Khuất Nguyên thì rõ ràng là đời nhà Nguyên rồi. Cái mọi người cãi qua cãi lại, cái cậu nhân viên ngân hàng âm thầm tra google trên Iphone, tra xong cái á, đúng rồi, anh Tony nói đúng, anh Thành nói sai, đây nè, thông tin như thế này thế này rồi đọc to lên. Ông kia quê, giận tái mặt. Mắt ổng liếc một cái, dượng đoán là "rùi xong đời mày nha con, mai tao rút hết tiền gửi qua ngân hàng khác". Dượng thấy căng, cũng tội nghiệp cho cậu cán bộ tín dụng kia, lỡ chưa học kỹ năng giao tiếp nên mắc phải chút sai lầm. Cái dượng trổ tài liền, nói anh Thành cũng nói đúng, đời nhà Nguyên thì cũng có bao nhiêu là Khuất Nguyên, tên riêng mà, Trung Quốc dân số đông, trùng tên nhiều lắm. Nhưng bây giờ tất cả đều Khuất bóng, chỉ có chúng ta còn ở đây, thôi Dzô. Ông đại gia cười há há, uống cạn ly, nói Tony à, mai anh sẽ mua phân của hãng Phượng Tím để bón cây cảnh trong vườn. Khi người ta ưng bụng, cái gì mình bán họ cũng mua. Bạn nào làm sales nhớ lời dượng dặn.

Có lần dượng đi khách, ông khách này ở Bắc Giang vô. Khách hàng lớn, giàu có vô song. Cái cùng nhau đi thăm đại lý. Ngồi trên xe hơi từ Sài Gòn xuống Cần Thơ, đi tới Long An là ổng tháo giày ra cho mát. Người Việt hay vậy, hay bỏ dép bỏ giày ra ngoài hẻm biết vì sao. Cái bít tất (vớ) của ổng bốc mùi, dượng nói thiệt, chuột chết 3 ngày còn thơm hơn gấp vạn lần. Vậy mà ổng hẻm biết, vô tư cười nói. Miệng ổng thì cũng chả thơm tho gì, vừa mùi thuốc lá vừa mùi nha chu. Lúc đó hẻm biết nói sao để ổng bỏ chân vô lại trong giày nữa. Cũng chỉ muốn ổng im lặng. Nhưng nói gì bây giờ. Sợ ổng phật ý, vì ông này cực kỳ giàu có và quyền lực nên tinh tướng tinh vi lắm, nói huỵch toẹt ra chắc ổng đánh bầm mắt mình luôn. Thế là cả xe phải chịu đựng. Tới Tiền Giang thì anh tài xế bắt đầu tay lái loạng choạng. Mọi người bắt đầu nôn nhẹ. Cô nhân viên đi cùng có một quả quít trong giỏ, cái lấy ra ăn. Dượng và anh tài xế đều xin vỏ quýt để ngửi. Cái ổng nói, ái chà, nhân viên hãng Phượng Tím sao thích ngửi vỏ quýt quá nhỉ, tài xế cũng bị say xe nôn ói là sao? Đâu khoảng 1 giờ sau thì ổng cũng buồn nôn, bèn bỏ chân vô lại trong giày, vì sợ ói vô đôi giày Ý cả ngàn đô. Mừng hết biết.

Trong trường hợp này, ngôn từ trở nên bất lực, mình nói sao cũng chết, nên mình chuyển qua hành động, hy vọng họ nhận ra mà thay đổi. Mở cửa sổ xe cho gió nó vô át bớt mùi, ngừng lại tạt vô chỗ nào đó uống nước... sẽ giúp mình tồn tại được, còn không thì lâu lâu đứng cạnh xe rác ngửi cho nó quen mùi, sau này mùi gì cũng thấy thơm cả. Và mình nhớ, đừng bao giờ rút chân ra khỏi giày ở chốn công cộng nhé, vì mùi hôi của mình có thể mình không nhận ra, nhưng là cực hình với người khác. Và vì thể loại này trong xã hội mình cũng nhiều, nên tốt nhất đi đâu cũng thủ sẵn một quả quýt.

Nên thấy ai đi đường mà cầm quả quýt, thì hỏi có phải "câu lạc bộ con dượng" hem. Còn thấy ai bị hôi chân mà hẻm có ý tứ gì cả, thì share bài này cho họ đọc.

(Còn tiếp, bữa nay viết nhiêu đó vì đánh máy trên Ipad Air hẻm quen tay lắm.)

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện