Chương 4: Biến cố ở Bảo tàng Quang Trung​

- David… David… Cháu làm sao thế? Cháu làm gì mà thẩn thờ rồi cười một mình thế?

- À… à… không có gì đâu, bác Tom ạ. Chỉ là khi đặt chân đến Viện Bảo tàng, cháu chợt nhớ đến lời dặn của ba thôi.

Tom cũng tham gia chuyến đi thăm Việt Nam lần này. Ông cũng muốn về thăm lại Việt Nam – chiến trường xưa. Mặt khác, ông cũng muốn viết một bài về Việt Nam sau mười năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ.

- Sao? Ba cháu dặn gì?

- E hèm!!! Ba cháu dặn thế này. Bác Tom của con là nhà báo, cái tính thích chạy lung tung chụp hình. Con nhớ giữ chân bác. Không khéo bác chụp bừa rồi bị…

Cốp!!! David ăn một cú cốc đầu rõ đau.

- Hừ! Đúng là cha nào con nấy. Cha con hai người là chuyên gia nói móc thiên hạ. Đi tiếp thôi.

“Đây là tủ trưng bày binh khí của Tây Sơn Tam Kiệt…” Giọng cô hướng dẫn viên lại tiếp tục vang lên. “Bên tay trái của quý vị là binh khí thành danh của Thái Đức Hoàng Đế Nguyễn Nhạc – Độc Thần Kiếm. Tương truyền một hôm, Nguyễn Nhạc cùng bộ hạ ở An Khê về đến Hoành Sơn thì ngựa Nguyễn Nhạc lồng lên, rồi thẳng cổ phi nước đại. Đến chân núi phía trong gò Sặt, cương ngựa bị đứt Nguyễn Nhạc té nhào xuống ngựa, trật chân không đứng dậy được. Đám tùy tùng chạy đến xoa bóp hồi lâu mới bớt. Khi đứng dậy để lên ngựa thì Nguyễn Nhạc chợt thấy chuôi kiếm ló ra nơi vách đá trên sườn núi. Sai người lên xem thì là một thanh cổ kiếm, lưỡi sáng như nước. Ai nấy đều mừng là kiếm trời ban. Do tích được kiếm của Nguyễn Nhạc tại đây nên núi mang tên là hòn Kiếm Sơn. Tuy nhiên, theo ghi chép của sử sách, đây chỉ là một thanh cổ kiếm mà Nguyễn Nhạc vô tình mua được. Sau ông lại sai thân tín dựng lên câu chuyện trên để thần thánh hóa cuộc khởi nghĩa. Qua câu chuyện, nhân dân khắp nơi đều cho rằng ông lĩnh mạng trời thống nhất giang sơn.

Bên tay phải quý vị là thanh Ô Long Đao. Đây là thanh đao của Nguyễn Huệ. Truyền rằng một hôm Nguyễn Huệ đi tuần nơi đèo An Khê, khi cùng anh là Nguyễn Nhạc lo xây dựng cơ đồ khởi nghĩa. Để tạo nên một không khí thần linh, Nguyễn Huệ đã loan tin là trong dịp đi tuần này có hai con rắn mun to lớn đón đường dâng đao rồi từ tạ vào rừng. Tại nơi rắn dâng đao, Nguyễn Huệ cho lập miếu thờ gọi là Miếu xà.

Thanh Ô Long đao, cán bằng gỗ mun đen nhánh, lưỡi đao cũng bằng một loại kim khí màu đen. Khi đao ra khỏi vỏ thì khí lạnh tỏa ra một vùng khá rộng. Thanh đao không có hào quang mà chỉ có khí lạnh, đồng thời sắc bén vô cùng. Trọng lượng rất nặng.

Đây cũng là tủ trưng bày đáng chú ý cuối cùng của Bảo tàng, ngoài ra, phía bên ngoài còn có vài tủ trưng bày những vũ khí phổ thông của nhà Tây Sơn. Quý vị có thể xem tự nhiên. Đến đây có quý vị nào muốn đặt câu hỏi không ạ?”

- Tây Sơn Tam Kiệt là ba anh em. Ở đây chỉ trưng bày binh khí của hai người. Thế còn binh khí của người thứ ba đâu? Một vị khách nữ giơ tay đặt câu hỏi.

- Ý cô hỏi là binh khí của Nguyễn Lữ đúng không ạ? Chúng tôi đã tham khảo rất nhiều tài liệu. Đồng thời cũng bỏ công sưu tầm khắp nơi. Đáng tiếc lại không thể tìm được. Chỉ biết ông cũng dùng kiếm như Nguyễn Nhạc. Ông có một thanh đoản kiếm hay đeo ở bên mình. Tuy nhiên, không ai biết hình dạng của nó ra sao và không biết tung tích.

Một vài vị khách khác cũng đặt câu hỏi. Thế nhưng, lúc này David không nghe được gì. Anh chỉ biết từ khi bước vào khu vực trưng bày vũ khí, anh có một cảm giác rất lạ. Anh cũng cảm giác ngực mình nóng lên như có ai đó dùng một vật hình tròn rất nóng đóng vào ngực vậy. Cảm giác này mỗi ngày một lớn hơn. Chiếc huy hiệu anh đeo trước ngực không biết vì sao lại rung nhẹ, rồi mạnh dần, mạnh dần. David mở nút áo, tháo sợ dây chuyền trên cổ xuống. Chiếc huy hiệu treo tòong teng trên đó. Trước khi về Việt Nam, anh có nhờ thợ kim hoàn đục một lỗ nhỏ rồi dùng sợi dây chuyền xỏ qua và đeo trước ngực. Cầm di vật của Tổ phụ trên tay, David cảm nhận rõ ràng nó đang rung và… rất nóng.

“Chuyện quái gì xảy ra thế này? – David kinh hãi, thầm nghĩ. Tại sao chiếc huy hiệu lại có phản ứng mạnh mẽ thế? Đây rõ ràng chỉ là một chiếc huy hiệu bình thường thôi mà. Mình cũng thử dùng chất bột rơi ra khi đục lỗ đem đi xét nghiệm. Chất liệu rõ ràng là một loại đá nam châm, có khác chăng hàm lượng sắt cao hơn bình thường và lại có một ít Titannium thôi. Lẽ nào… lẽ nào… lẽ nào…”

Anh chợt thốt lên ba tiếng lẽ nào rồi tiến nhanh lại tủ trưng bày binh khí phổ thông. Tim anh đập mạnh hơn. David có cảm giác tim mình cũng đập mạnh dần lên theo mỗi bước chân anh đi tới. Còn ba bước… hai bước… một bước… Anh chợt cảm thấy không thể tin nổi vào mắt mình. Nó nằm đó, xen lẫn giữa những thanh trảm mã đao là một đôi găng tay, à phải nói là thủ sáo thì đúng hơn. Đôi thủ sáo làm bằng da hổ, trên thủ sáo tay phải có đính năm viên đá màu đỏ bầm, trong suốt, kích thước nhỏ dần tính từ vị trí ngón tay cái đến ngón út. Bên dưới là một tấm biển nhỏ: “Thủ sáo, một loại găng mà những võ sĩ tay không thường đeo để bảo vệ tay và tăng tính sát thương”.

“Đúng là nó rồi. Y như miêu tả của Tổ phụ. Có lẽ nhân viên Bảo tàng đã sưu tầm được từ lâu nhưng không hề biết đây chính là cặp thủ sáo của vị anh hùng thứ ba nhà Tây Sơn. Họ nghĩ rằng đây chỉ là loại binh khí bình thường của binh sĩ Tây Sơn thời đó”.

Lúc này, cặp thủ sáo cũng rung lên. Nó va vào thành tủ kính. Những viên đá đập mạnh vào thành kính như muốn phá vỡ ngục tù đang giam giữ chúng. Tiếng va đập ngày càng lớn, thu hút hầu như tất cả ánh nhìn của các khách tham quam quan. Tom cũng lấy máy chụp hình bấm liên tục. Gương mặt ông thể hiện sự kinh ngạc tột độ. “Chúa ơi!!!!! Có ma chăng?” Ông thầm kêu lên trong lòng.

Choeng. Cuối cùng, một tiếng vỡ thanh thúy của thủy tinh vang lên. Đôi thủ sáo bay thẳng đến tay David. Xảo hợp làm sao, chiếc huy hiệu lại nằm đúng vị trí của nó – phía trên mu bàn tay phải của cặp thủ sáo. Tức thì trong thinh không lại vang lên tiếng gió rít gào. Một cơn lốc xoáy với tốc độ gió kinh khủng xuất hiện. David phỏng chừng cũng phải đạt trên một trăm dặm giờ. Tốc độ xoay của gió càng lúc càng tăng lên. David lại có cảm giác dần tiếp cận đến vận tốc âm thanh.

Đùng… một tiếng nổ lớn vang lên. David thấy mình như bị cuốn vào ơn lốc. Mọi âm thanh chợt ngưng lại, không có tiếng gió thét gào, không có tiếng la kinh hoảng của khách thăm bảo tàng. Khung cảnh cũng gần như ngưng lại, mọi người xung quanh như đứng bất động, chỉ có anh xoay tròn theo cơn lốc xoáy. Hình ảnh cuối cùng đập vào mắt anh là bác Tom với khuôn mặt kinh hoảng đến tột độ. Trong một tích tắc sau đó, mọi thứ tối sầm lại. anh cố gắng nhướng mí mắt lên, cố nhìn xung quanh nhưng không thấy gì. Các cảm giác cũng dần mất đi. Và cuối cùng, anh không còn biết đến gì hết.

Cùng lúc đó, tưởng chừng như chỉ trong một cái chớp mắt, cơn lốc xoáy xuất hiện rồi lại biến mất. Nó để lại một hiện trường ngổn ngang với những con người đang thất kinh hồn vía. David cũng bất chợt biến mất khỏi tầm mắt mọi người. Không có một âm thanh nào phát ra trừ tiếng thét kinh hoàng của Tom “D… A… V… I… D…”

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện