Chương 8: Lễ Tạ tội và Bộ Chính trị​

“Phụng thiên thừa vận, Hoàng Đế chiếu viết:

Trẫm từ ngày nhận mệnh trời, tiếp quản giang sơn từ Tiên đế tính đã được hai năm. Vua cha mất sớm, tuổi còn nhỏ đã phải lo toan việc nước, Trẫm không lúc nào lại không ưu phiền. Lại nữa, tính tình Trẫm hiếu động, ham chơi hơn ham học. Vậy nên:

Chính sự không chu toàn

Bề tôi không ý chí

Vương triều không sức sống

Tận gốc rễ lung lay

Giang sơn nguy sớm tối

Dân tâm không hướng về

Bá tính phải lầm than

Phát sinh ra đạo tặc​

Mới hôm qua, nhờ anh linh Tiên đế phò hộ, Trẫm may sao được thần tiên chỉ điểm, thoát khỏi bến mê. Lại được Người giáo hóa, chỉ ra con đường sáng, lại chỉ cho con đường hai mươi năm. Nay Trẫm quyết chí tu thân, cần chính yêu dân. Trước ban bố những điều sau:

Hôm nay, ngày 5 tháng 7, Trẫm quỳ đây, nơi Tế thiên điện một ngày một đêm, không ăn không ngủ. Kính xin tạ tội với thần dân trăm họ. Sau lại tạ tội với trời vì đã phụ thiên ân.

Sau lại định ngày 5 tháng 7 hàng năm làm ngày lễ Tạ ơn, thần dân trăm họ được nghỉ ngơi ba ngày. Lại tổ chức lễ hội cho muôn dân vui vẻ.

Tiếp nữa, Trẫm tuyên đại xá thiên hạ. Tử phạm giảm án còn chung thân, tù phạm tùy thời được giảm hạn.

Mấy năm nay, giang sơn gặp nạn binh đao. Lẽ ra muôn dân phải được nghỉ ngơi dưỡng sức. Thế nhưng, phương Nam có giặc Ánh tung hoành, nhiễu nhương khắp chốn; phía Bắc, Thanh triều không lúc nào là không nhòm ngó, tuy hai nước đang bang giao để giữ yên bình, nhưng người phương Bắc lòng lang dạ sói liệu rằng sẽ buông tha. Vậy nên, nay chính lúc dùng người, tiến cử nhân tài để phục vụ giang sơn. Thế nên:

Một tháng sau, Trẫm cho mời toàn bộ sĩ tử từ bắc xuống nam đến tập trung ở Tông Nhân Phủ. Triều đình sẽ tổ chức một cuộc thi lớn để tuyển chọn nhân tài chèo chống cho giang sơn. Điều kiện, chỉ cần tuổi dưới hai mươi lăm, lại là tú tài.

Ai có sáng kiến xây dựng giang sơn, khôi phục kinh tế, xây dựng quân đội, mời đến Tông Nhân Phủ nộp quyển. Chỉ cần sáng kiến khả thi và có hiệu quả, triều ta sẽ mời làm việc. Với hạng mục này, bất kể nam phụ lão ấu đều có thể tham gia.

Khâm thử”.

Năm ngày sau buổi thượng triều thần kỳ, vừa khéo là ngày 5 tháng 7 Âm lịch, Toản cho tuyên chiếu chỉ và quỳ tạ tội với thần dân. Cậu chọn ngày ngày là để tưởng nhớ đến cha trong buổi nói chuyện đêm 5 tháng 7 ở thành phố Austin. Đây cũng là ngày trọng đại trong đời cậu, mở ra một truyền kỳ mới.

Trên đài cao, Toản trong trang phục của một tù phạm, quỳ xuống, quyết tâm không ăn không ngủ. Sau lưng là bộ Long bào của Tiên hoàng được mắc vào giá áo, giương cao lên một trượng. Trước mặt là thanh danh đao của Vũ Hoàng Đế – Ô Long Đao. Bên phải là một hương án với đầy đủ bộ văn phòng tứ bảo. Bên trái là một cây cuốc và một lưỡi liềm cán dài bắt chéo vào nhau. Nếu nhìn từ trên cao, tính cả Toản ở giữa thì đây chính là một chữ Phạm thật lớn. Thoạt nhìn, đây là một hình ảnh hết sức nhục nhã đối với một người, huống chi, đây lại là một vị quân vương. Toản đã rất cố gắng thuyết phục triều thần để được làm điều này. Cậu nói, đây là một việc nên làm để thu lấy nhân tâm.

Dưới đài, quan viên văn võ cũng quỳ thành hai hàng dài. Trước đài là chiếc Long bào của Toản cùng với một chiếc roi mây, có hai tên lính lệ đứng gác. Quỳ thôi chưa đủ, Toản lại hạ lệnh cho phép dân chúng “Đả Long bào” hoặc phun nước bọt phỉ nhổ nếu ai đó cảm thấy trước đây mình là người bị triều Tây Sơn hãm hại, hoặc dã bất mãn với triều đình, đơn giản hơn là người xem Toản bất tài. Cậu lại ra lệnh không được ghi chép lại tên tuổi hoặc họa lại hình dáng của những người dân tiến lên làm việc đó, ai vi phạm sẽ bị chém đầu thị chúng.

Tại sao có việc như vậy? Số là ba ngày sau buổi thượng triều, Toản triệu tập đầy đủ Thất hổ tướng, Ngũ phụng thư – trong đó có Bùi Thái hậu – cùng các Đại học sĩ, học sĩ như Trần Văn Kỷ, Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thiếp họp bàn quốc sự ở thư phòng. Duy chỉ có Bùi Đức Tuyên là không được triệu tập, lấy lý do Nguyễn Thiếp giao chỉnh lý lại bộ Đại Việt Sử Ký, phải ở nhà tập trung làm việc.

Toản lại bảo:

- Giờ đây, giang sơn an nguy sớm tối. Bản thân Trẫm dù được Lão thần tiên chỉ điểm nhưng cũng không thể phân thân. Một mình Trẫm sao có thể gánh vác một mình. Thế nên, Trẫm muốn mời các khanh đến đây để cùng chia sẻ. Tất cả những người ở đây, Trẫm biên chế thành một cơ quan khác, gọi là Quân Cơ Phòng, có thể thay mặt Trẫm quản lý tất cả các sự vụ. Các khanh thấy sao?

- Khải bẩm, – Trần Văn Kỷ lên tiếng, thần nghĩ việc này không cần vội. Trước mắt, chỉ cần Bệ hạ triệu tập, chúng thần sẽ có mặt. Thần e nếu thành lập, cơ cấu quan lại sẽ cồng kềnh hơn, sẽ lãng phí. Hơn nữa, dù chúng thần hiện nay tận tâm, có thể phân ưu cùng Bệ hạ nhưng cũng không thể nói trước được tương lai thế nào.

- Thần cũng đồng ý với Trung thư đại nhân, tiến lên là Ngô Văn Sở.

- Ta cũng không đồng ý. – Thái hậu Bùi Thị Nhạn nói.

- Thần cũng vậy, – Phan Văn Lân nói. Giả như theo lời Kỷ đại nhân, ngày sau chúng thần, tính luôn cả thần, có ai sinh hai lòng thì tai hại biết bao.

Lúc này, Ngô Thì Nhậm suy tư rồi thưa:

- Khải bẩm, thần ngày trước được Tiên hoàng tin tưởng, giao cho đi sứ nhà Thanh hai lần. Theo thần được biết, triều họ cũng lập ra quân cơ phòng. Mọi sự vụ đều được họ thay mặt Hoàng Đế giải quyết. Gặp việc khó, một người giải không được thì hai người giải, hai người không được thì ba. Hơn nữa, đúng như Bệ hạ nói, Hoàng đế không thể phân thân nên phải có một bộ phận chuyên trách giải quyết. Kết quả là mọi sự diễn ra khá êm đẹp và xử lý nhanh gọn. Tỷ như năm đó đê Hoàng Hà vỡ, dân chúng khổ không tả nỗi. Lúc đó, Càn Long lại đang du sơn ngoạn thủy ở Giang Nam, không thể lo được. Kinh thành đặt dưới sự uy hiếp vỡ đê, an nguy sớm tối. Lúc này, nếu không có Quân Cơ phòng chủ sự thì có lẽ Kinh thành đã chìm trong biển nước. Có kinh nghiệm của họ, ta cũng sớm đặt ra một cơ quan như vậy.

- Thần cùng quan điểm với Nhiệm, – Nguyễn Thiếp tiếp lời. Điều quan trọng là phải có phương án giải quyết mâu thuẫn và bất hòa nếu xảy ra.

Cả phòng nghị sự lại xôn xao, có hai luồng chính kiến rõ ràng, tranh cãi không ai nhường ai. Lúc này, Toản lại cười, ra hiệu mọi người yên lặng:

- Khi nghĩ ra điều này, Trẫm cũng có tính cả rồi. Trẫm nghĩ ra một hình thức gọi là “Phổ thông đầu phiếu”. Theo đó, khi xảy ra vụ việc, các khanh sẽ viết ra một tờ giấy, trên đó chỉ viết một chữ “thuận” hoặc “chống”. Nếu số phiếu thuận nhiều hơn, việc sẽ được thi hành; bằng ngược lại, sẽ không thi hành. Ở đây, tính cả Trẫm, chúng ta có tất cả mười bảy người, vừa hay là số lẻ, chắc chắc sẽ có kết quả rõ ràng nếu bỏ phiếu. Chúng ta cũng bầu ra một người đứng đầu. Nếu nghị phòng có mặt Trẫm thì mỗi người được bỏ một phiếu, nếu có người nào vắng mặt, Trẫm sẽ thay mặt người đó bỏ phiếu, nếu Trẫm không có mặt, người đứng đầu sẽ được hai phiếu. Các khanh thấy sao?

- Thần nghĩ đây là ý hay, – nữ tướng Bùi Thị Xuân nói.

Mặc dù Toản nói chủ trương xóa bỏ trọng nam khinh nữ nhưng trong mắt các nam thần vẫn ánh lên nét gì đó khó chịu. Tư tưởng hủ Nho đã ăn quá sâu vào trong lòng họ. “Nếu cả ta cũng đồng ý thì sao?” Bùi Thái hậu phá vỡ thế bế tắc. “Lúc đầu ta nghĩ ý này rất tồi. Sau lại thấy, các khanh là những người Tiên hoàng hết lòng tin tưởng. Nay con ta còn nhỏ, các khanh chung tay phụ giúp là việc nên làm. Huống chi, cách này cũng giúp con ta tránh việc trở thành một hôn quân, chỉ lo cho mình, không nghĩ tới bá tính bình dân”.

- Chúng thần quả thật suy nghĩ còn nông cạn, không suy nghĩ được sâu xa như Bệ hạ và Thái hậu, thật đáng hổ thẹn. Nguyễn Thiếp lại nói. Ngẫm lại đây cũng là ý hay. Thần ủng hộ. Tuy nhiên, thiết nghĩ, không nên gọi là Quân Cơ phòng. Vì chúng ta không thể lấy tên của giặc Tàu được. Và cách làm của chúng ta cũng khác họ.

Lúc này, các quan mới bắt đầu suy nghĩ và cảm thấy đúng. Mọi người bắt đầu bàn tán râm ran nên đặt tên gì. “Hay là gọi là Chính Trị đi. Chính trong Chính sự; Trị trong trị sự, chủ trì” Đô đốc Tuyết vừa nói vừa cười. Ông vốn thạo binh thư, cung kiếm hơn nên cũng không chắc lắm với lựa chọn của mình nên chỉ nói nửa đùa nửa thật.

- Hay… hay… hay… Toản chợt vỗ đùi cát đét. Gọi là Chính trị nhưng phông phải là Chính trị phòng. Gọi như thế hóa ra còn thấp hơn các Bộ. Nên gọi là Bộ Chính Trị.

Cả nghị phòng bừng tỉnh. Bá quan ai cũng thấy là hay và vui mừng. Tiếp theo là chọn ra người đứng đầu. Việc này ngược lại, Toản không có ý kiến. “Việc này nên để các người tự làm đi thôi. Tập ‘dân cử’ đi cho quen”, cậu thầm nghĩ. Trớ trêu là việc bầu chọn không ầm ỉ như Toản nghĩ. Việc này rốt cuộc diễn ra theo cách thật buồn cười nữa là khác.

“Tuyết là người nghĩ ra cái tên này. Vậy giao cho ông ta đi, ha… ha…” Đô đốc Lộc cười châm chọc. Bình thời, hai ông là bạn chí thân. Lộc cũng biết, ngoài mặt, Tuyết là một tướng quân uy vũ, trăm trận trăm thắng. Ông quả xứng với câu “Nhất tướng công thành, vạn cốt khô”. Một lời Tuyết định, ba quân tin tưởng và làm theo tuyệt đối. Thế nhưng, chỉ các ông trong Thất hổ tướng mới biết, ông chỉ là con cọp giấy; con cọp thật sự là bà vợ già của ông.

“Ha… ha…” – Đô đốc Diệu cười chảy cả nước mắt. “Lão Tuyết kỳ này thảm rồi, không trốn tránh được đâu. Hai lá phiếu trong nghị sự khéo lại thuộc về quan bà nhà lão mất thôi. Ha… ha…”. Nghe thế, các quan chợt hiểu rồi ai cũng cười nắc nẻ. Chỉ có Tuyết mặt đỏ bừng bừng, hận không thể đào xuống ba thước đất mà chui vào.

Ấy thế mà đúng là mọi người lại đồng ý chọn Tuyết mới tài. Lúc này, lão gắt: “Làm thì làm. Nhưng nói trước. Ai hé răng nhắc đến chuyện lão bà của ta dù là ở đây hay nơi nào khác thì rửa sạch cái mông chờ ta đạp cho hả giận đi”

Chuyện như thế mà Bộ Chính Trị và Ngài Bộ Trưởng đầu tiên – Đô Đốc Nguyễn Văn Tuyết cứ hồ đồ được thành lập. Việc quỳ tạ tội của Toản chính là quyết định đầu tiên của Bộ Chính trị được thực thi để thu lấy dân tâm. Đây cũng chính là nền móng đầu tiên cho Toản tạo dựng nền dân chủ có một không hai trong lịch sử.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện