Chương 22: Thái sư đền tội

Đầu giờ Tí hai ngày sau.

Trong bóng đêm tĩnh mịch, hai bóng đen đang âm thầm tiến nhanh về phía bến đò sông Hương. Cả hai, một trước một sau nhịp bước mỗi lúc một nhanh hơn. Chốc chốc, bóng đen phía trước ra hiệu dừng lại, ngoái đầu nhìn bốn phía như đang muốn cảnh giới.

Xa xa cuối con đường có ánh đèn leo lét, có lẽ phát ra từ một hàng quán nào đó đóng cửa muộn. Cả hai nhanh chóng tiến đến. Đó là một hàng chè xanh, chủ quán là một bà lão khoảng sáu mươi.

- Bà lão. Có bán trà xanh không?

- Lão chỉ bán chè, không bán trà xanh

- Trà với chè tuy hai mà một

- Trà nam chè bắc cũng là một thôi

- Bà lão à, hôm nay có tin gì chưa?

Bỗng một giọng đàn ông vang lên:

- Ngày mai, đoàn sứ bộ theo đường quan đạo qua đèo Hải Vân về Đà Nẵng. Ông cần tin này đúng không? Lê Chất tướng quân?

Đúng lúc này, bốn bề rực sáng với hàng chục cây đuốc bao vây xung quanh.

- Ông không cần phải ngạc nhiên, - người len tiếng là Đại uý Bảo, - Thái sư đã khai ra hết rồi. Ông sẽ mau chóng gặp lại ông ta thôi.

Lê Chất im lặng, cúi gằm mặt xuống. Lát sau, ông thở dài rồi nói:

- Tại sao các ngươi biết? Ta không tin Thái sư hé ra vụ này. Lão cáo già đó không dễ dàng bị hạ như thế.

- Ông có nhớ vụ án mạng hai ngày trước? - Bảo hỏi - Thật không may, nạn nhân là một thám tử được CPQ cài vào phủ Thái sư. Trước khi bị giết, cô ấy đã viết lại một bức mật thư rồi nuốt vào bụng. Chúng tôi đã tìm thấy nó. Bức mật thư đã chỉ đúng đích danh Thái sư là nội gián. Ông ta cãi thế nào được?

Dừng lại một lát, Bảo nói tiếp:

- Trước chứng cớ không thể chối cãi viết bằng máu, ông ta phải cúi đầu thôi. Ha... Ha... Ông ta còn khai chính ông là người lôi kéo ông ta.

- Cái gì? Không thể có chuyện đó.

- Ông ta nói, ông là tướng quân không biết mọi việc trong cung nên mới lôi kéo ông ta dò xét tình hình của đoàn sứ bộ. Đặng dễ bề lên kế hoạch ám sát ngài Thái tử. Ông còn gì để nói?

- Hừ! Chuyện đến mức này, tôi sẽ nói cho các ông tỏ. Rõ ràng ông ta sợ tội, đổ vấy lên đầu tôi.

- Khoan đã, - Bảo cản Lê Chất lại. - Nói ở đây không tiện, mời ông đến văn phòng chi cục một, chúng ta sẽ nói chuyện.

Lê Chất ngay lập tức cùng người tùy tùng bị áp giải lên xe, trở về văn phòng chi cục một.

Ngồi trong phòng thẩm vấn, Lê Chất chỉ thấy đây là một căn phòng nhỏ, chính giữa kê một cái bàn gỗ cùng ba chiếc ghế. Đằng sau là một tấm rèm màu đen, có lẽ ở đó còn có người ngồi nghe hội thẩm.

Lát sau, Đại úy Bảo bước vào cùng một nhân viên cảnh vụ, có lẽ để ghi chép lại lời khai.

- Mời ông ngồi, - Bảo nói. – Ông uống chè cho tỉnh táo chứ?

- Vâng, cho tôi xin.

Bảo sai người rót một chén chè còn nghi ngút khói mang đến.

- Giờ được rồi, ông nói đi.

Nhấp chén chè, Chất nói:

“Cách nay một năm, trong một dịp thượng Kinh, tôi có ghé qua thăm phủ Thái sư. Phải nói lúc này phủ rất vắng vẻ. Các ông cũng biết đó, Tuyên nay đã thất thế. Trước thì y làm Lễ bộ Thị Lang, sau Lễ bộ tách ra, y lại được giao cho nhiệm vụ Chánh văn phòng Bộ Văn hóa, danh không xứng với thực. Ông ta than vãn với tôi. Nào là bất đắc chí, nào là hận Hoàng thượng đá ông ta qua một bên, rồi hận nhân tình ấm lạnh, có mới nới cũ. Ông ta còn nói:

- Ông Chất, ông có dự định gì cho ngày sau chưa?

- Tôi vẫn vậy thôi, có gì mà dự tính.

- Ông nghe tôi. Tôi biết ông cũng bất mãn nhiều thứ, nhất là bất mãn thằng lõi con Nguyễn Quang Huy kia.

Ông ta nói đúng vào chỗ ngứa của tôi. Quả vậy, từ ngày Huy lên nắm Bộ Quốc phòng, y đã rút tôi đi làm tham tán ở Phú Yên. Thử nghĩ, một người nam chinh bắc chiến mấy chục năm như tôi nay phải làm một tham tán nhỏ bé thì sao mà chấp nhận nổi. Tôi hận. Tuyên lại tiếp:

- Nay đám lõi con lên nắm quyền, từ thằng cháu không nên thân đến bề tôi của nó. Sao nó không nghĩ đến tôi là cậu ruột? Nhớ năm nào tôi còn ẵm bồng nó trên tay, thế mà giờ đây. Hừ…

- Ông vẫn còn được sống và có chức quyền là may mắn lắm rồi.

- Chức quyền gì? Hừ… hữu danh vô thực thôi. Tôi nói ông nghe thế này nhé.

Đoạn ông ta kể. Số là cách đó mấy tháng, có người là thám tử của Nguyễn Ánh tìm cách đến gặp ông ta. Lúc đầu, ông ta không tiếp, nhưng với sự đeo bám của người nọ, ông ta cũng chấp nhận gặp, tuy nhiên, phải gặp người cao cấp hơn. Người kia hẹn sẽ gặp ông ta ở ngoại thành Phú Yên nửa tháng sau.

Đúng hẹn, lấy cớ đi khảo sát ở Phú Yên, ông ta đến chỗ hẹn gặp. Thật bất ngờ, chào đón ông ta là Hoàng tử Cảnh. Tại đây, họ bàn với nhau những gì tôi không rõ, chỉ biết Ánh hứa cho ông ta một chỗ tốt rất lớn.

- Nay tôi đã về với đường sáng, – Tuyên nói tiếp với tôi. – Ông cũng hãy theo tôi. Bảo đảm vinh hoa phú quý có đủ, uất ức của ông, vua Gia Long sẽ thay ông làm chủ.

- Như thế là bán nước cầu vinh, tôi không làm.

- Cái gì mà bán nước? Nhà Tây Sơn mới là cướp nước, nhà Nguyễn mới là chính chủ.

Sau một hồi thuyết phục, tôi cuối cùng đành xiêu lòng”.

- Vậy thì bây giờ các ông đang có âm mưu gì? – Đại úy Bảo hỏi.

- Các ông biết rồi còn gì. Đương nhiên là giết Thái tử Anh Cát Lợi, giá họa cho nhà Tây Sơn, phá hoại hiệp ước giữa hai bên.

- Vậy là các ông phân chia nhiệm vụ. Tuyên sẽ nắm bắt tình hình đoàn sứ bộ, báo cho ông địa điểm ám sát tốt nhất đúng không?

- Đúng vậy. Rõ ràng các ông biết hết rồi còn hỏi.

- Ha… ha… – một tiếng cười vang lên sau bức màn đen, sau đó, có một người bước ra, là Đô đốc Vũ Văn Dũng. – Cám ơn ông, ông Chất ạ. Thật ra thì Tuyên chưa khai báo gì và chúng tôi cũng chưa hề bắt Tuyên.

- Vậy ra… vậy ra… các người dựng lên một màn kịch?

- Chính xác. – Bảo tiếp lời – Nếu không thì làm gì cần lấy lời khai của ông làm chứng cứ mà định tội Tuyên.

Chất lúc này ngồi sụp xuống. Y biết mình xong rồi, thật quá ngu ngốc mà. Bùi Đắc Tuyên là người thế nào mà lại dễ dàng cung khai. Nên nhớ Tuyên từng quyền khuynh thiên hạ, kẹp cổ vua, lấn át triều thần.

Hóa ra đây là cái bẫy được Đại úy Bảo giăng ra. Muốn hiểu tường tận hơn phải quay về hai ngày trước. Lúc đó, Bảo theo lời Đông Định Hầu, bảo Ngộ tác Lâm rạch cuống họng của nạn nhân. Họ phát hiện quả có một dải vải, trên đó chi chít những dấu vết màu nâu đỏ, rõ là vết máu. Cầm mẫu vải cùng khúc gỗ quay lại phủ Đông Định Hầu, Bảo hỏi:

- Đây là mẫu vải tìm được. Thế nhưng làm sao biết nó viết những gì? Thần chỉ thấy đó là những vết máu vương vãi thôi.

- Ông hãy quấn mảnh vải vào khúc cây, nhớ quấn chặt.

Quả nhiên, sau khi quấn dải vải vào khúc cây, những vết máu rời rạc bắt đầu xích lại gần nhau. Chúng làm thành một câu văn, tuy có vài chỗ bị mờ nhưng vẫn đọc được:

“Tuyên theo Ánh mưu hại sứ bộ, Z23 phản, hai ngày sau có người đến quán chè xanh gần bến đò”.

Với chứng cứ có bấy nhiêu thì không thể định tội Tuyên, vì dù sao đây cũng là lời nói một phía. Nguyễn Phi Long quyết định bắt Z23 giao cho Bảo. Lúc này, y cung khai hết những gì mình biết, kể cả việc Tuyên mua chuộc y thế nào. Y còn cho biết địa điểm báo tin là ở đâu, mật lệnh là gì, khi nào gặp mặt.

Biết được điều này, Bảo quyết định chưa bắt Tuyên vội, muốn bắt thì phải bắt cả ổ, không thể bứt dây động rừng. Do đó, anh mới cho người giăng ra cái bẫy này. Nay sự thật đã rõ ràng, Bảo quyết định ra lệnh bắt người. Lúc này, Đô đốc Dũng nói:

- Muốn bắt thì phải làm cho thật rình rang. Tuyên thân là hoàng thân quốc thích lại phạm tội phản quốc, mưu hại cháu mình. Rõ là trời không dung, đất không tha. Trước phải bao vây phủ, đứng bên ngoài mà bắt loa kể tội hắn. Làm như vậy, bá tính bình dân cũng sẽ biết, sẽ phỉ nhổ hắn. Và cũng là để cho đoàn sứ bộ cũng biết.

- Làm như vậy có ổn không?

- Phải làm như vậy. Ta biết Hoàng thượng dù gì cũng là cháu gọi y là cậu. Ta e Ngài sẽ vì tình máu mủ mà tha cho y tội chết. Phải để cho sứ bộ biết nhằm làm áp lực cho Hoàng thượng không thể tha y.

Cả Đông Định Hầu Nguyễn Phi Long được mời đến hội thẩm cũng tỏ ra đồng tình:

- Hoàng thượng là người nhân hậu, lại còn trẻ tuổi. Sợ là Ngài không muốn mạnh tay. Hơn nữa, Tuyên lại là anh ruột của Thái hậu, xử y tội chết cũng làm Thái hậu đau lòng.

- Vậy chúng ta chỉ còn làm theo cách đó thôi. – Bảo ngẫm lại rồi cũng gật đầu.

Vậy là đầu canh ba, trong lúc cả Kinh thành vẫn còn đang chìm trong mộng mị, một đoàn cảnh viên đã bao vây lấy phủ Thái sư. Ở bên ngoài, Bảo bắt loa tuyên đọc tội trạng của Bùi Đắc Tuyên và kêu gọi y ra chịu tội.

Các căn nhà xung quanh phút chốc lại sáng ánh đèn. Người ta đổ xô ra ngoài đường, chen chúc đứng sát khu vực bị phong tỏa để theo dõi tình hình. Tiếng bàn tán xôn xao. Đâu đó lại có tiếng người thóa mạ Tuyên là đồ bán nước, là vong ân phụ nghĩa. Có người còn quá khích hơn, cầm lấy gạch đá mà liệng vào. Một người làm thì sẽ có hai người làm, hai rồi sẽ có mười, có trăm. Một lát sau, một màn mưa gạch đá trút tới tấp vào phủ Thái sư.

Thấy tình thế không ổn, Tuyên biết hôm nay mình sẽ khó thoát. Bị bắt là chết chắc, mà chạy thì cũng có khả năng bị loạn tiễn xuyên tim. Nhưng dù sao, chạy trốn thì vẫn có cơ may trốn thoát. Đừng quên y từng là một võ tướng, thân kinh bách chiến. Mục tiêu là bến đò sông Hương. Chỉ cần lặn xuống dòng sông, trong đêm tối chắc gì quan binh bắt được.

Nghĩ vậy, Tuyên cầm lấy bội đao, leo lên lưng ngựa, mở một đường máu từ cửa nam chạy đi. Trong cơn giận giữ và hoảng loạn, Tuyên trông như quỷ dữ dưới a tỳ địa ngục, không ai cản nổi. Lớp lớp cảnh viên cùng lính lệ ngã xuống. Tuyên mở đường chạy một mạch thẳng đến bến đò. Đoàn người vây bắt nhất thời cũng không đuổi kịp.

Tưởng chừng như mình đã thoát, Tuyên trỗi lên một tràng cười sảng khoái. “Ha… ha… ha… các ngươi có tài đức gì mà bắt được ta. Trừ khi ông trời mở mắt ra. Ha… ha… ha…”

Quả là lời nói linh nghiệm thật, ông trời đã mở mắt. Chỉ nghe một tiếng nổ chát chúa: Đoành!!! Một viên đạn chì ghim chính xác lên tim y. Tuyên trân trối nhìn về hướng phát ra tiếng súng. Y chỉ thấy Đô đốc Dũng đang ngồi trên lưng ngựa, tay cầm súng Điểu thương đã cải tiến, khẽ chu miệng thổi bay làn khói đang thoát ra khỏi nòng.

“Ta hận!”

Tuyên chỉ thét lên được một tiếng sau cùng rồi đổ nhào xuống sông. Máu chan hòa đổ ra thấm đỏ cả một vùng nước. Vậy là một đời gian thần hại nước đã phải đền tội. Cũng không phải đợi lâu, hai ngày sau, y lại đón thêm một người bạn dưới hoàng tuyền: Tham tướng Lê Chất.​

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện