Chương 24: Bão biển

Ngày 1 tháng 6 năm 1795,

Hôm nay, cảng biển Thuận An đón chào một ngày mới bằng không khí nhộn nhịp khác thường. Đề tài nóng hổi đang được râm ran bàn tán khắp hang cùng ngõ hẻm đang là lễ tiễn đưa những đứa con đất Việt lên đường đi tìm ánh sáng tri thức và chinh phục Phương Tây kỳ ảo. Có những thương nhân nhạy bén, họ tổ chức những vụ cá cược lớn, nội dung là bao giờ thì đoàn người quay về, hay quay về với số lượng là bao nhiêu. Có người còn “độc mồm độc miệng hơn”, ra cá cược đoàn sẽ gặp bao nhiêu cơn bão biển, bao nhiêu lần gặp cướp biển.

Trên con đường chính dẫn ra cảng, từng tốp thiếu nữ với áo dài, nón lá trên tay ra sức động viên đoàn người Tây chinh. Cái không khí se se lạnh vào buổi sớm mai không cản được từng đoàn người đổ xô ra đường. Đó đây khắp chốn, những em bé chạy tung tăng với mô hình thu nhỏ của chiếc “Người khai sáng” trên tay, miệng cười tươi như hoa. Cũng có người khoác lên trên mình trang phục rất lạ, áo dài với chiếc mũ thuyền trưởng của người Anh Cát Lợi.

Trong những ngày sứ bộ còn ở đây, câu chuyện chủ đề trong các hàng chè xanh, quán cà phê luôn là những chuyến thám hiểm trên đại dương bao la kỳ vĩ. Có nhiều em bé trả lời mơ ước của mình trong tương lai là trở thành mọt nhà thám hiểm, có đứa thì táo bạo hơn, mơ ước làm cướp biển. Cũng có những thanh niên mang trong lòng mộng tưởng sau này chính mình sẽ đóng một con tàu thật lớn, đủ sức đạp sóng, rẽ nước, lướt băng băng trên biển cả bao la.

Trên bến cảng, nhóm ba trăm không đứng thành một nhóm mà lại phân tán ra. Lúc này, họ đang bận chia tay với thân nhân. Người thì siết chặt tay vợ, kẻ thì bế bồng những đứa con thơ. Còn có những người bịn rịn chia tay người yêu, hẹn ngày về sẽ là lúc “thiếp theo chàng về dinh”.

Thấp thoáng phía xa xa, có vài cô gái mang ánh mắt hâm mộ hướng về đoàn Chinh tây, bàn tán râm ran. Trong lòng những thiếu nữ xuân thì này, đoàn người đó với những thanh niên tuấn tú, lòng đầy nhiệt huyết chính là những chàng bạch mã hoàng tử.

Tiếng trống lớn vang lên báo hiệu thời điểm giữa giờ Thìn đã đến. Một đoàn xe ngựa với lính hầu chạy đằng trước mở đường đang dần tiến về cảng. Bá tính đứng dạt ra hai bên đường, tay vẫy cờ hoa đón chào. Đoàn xe dừng lại. Bước xuống từ chiếc đầu tiên là Toản cùng Thái tử Augustus, tiếp theo là Quang Bàn.

Sau một bài diễn văn khá dài của nhà Vua, đoàn sứ bộ Anh Cát Lợi do Thái tử Augustus dẫn đầu bước lên cầu tàu chiếc “Hy vọng”. Trong khi đó, đoàn Chinh Tây do Quang Bàn cùng Phan Huy Ích dẫn đầu bước lên chiếc “Người khai sáng”.

Mười tám phát đại bác vang rền báo hiệu đã đến giờ khởi hành. Hai chiếc chiến thuyền lớn đồng loạt nhổ neo và song hành cùng nhau tiến ra khơi. Tiếp theo phía sau là một đoàn tàu buôn tháp tùng, có cả của người Việt và người Anh Cát Lợi. Đây cũng chính là chuyến ra khơi, giao thương đầu tiên của những nhà buôn trong nước. Họ đi theo đoàn Chinh Tây với hai mục đích, thứ nhất là để thuận tiện trong việc thông quan, thứ nhì là đề phòng cướp biển. Phải nói, với những người thương buôn thì cướp biển càng đáng sợ hơn những cơn bão ngoài kia. Dù gì thì hai chiếc thuyền phía trước cũng là hai chiến thuyền với cả trăm khẩu đại bác trên boong, cướp biển nhìn thấy cũng phải e ngại mấy phần.

Nếu nói thời gian trên đất liền rất ngắn, trong chớp mắt đã hết một ngày thì lênh đênh trên biển lại là những chuỗi ngày dài vô vị. Nếu như lúc ban đầu, những người trên thuyền còn vui vẻ ca hát, cùng ngồi đấu láo sôi nổi thì nay, người thì đứng một góc ngắm trời, người thì ngồi ôm sách mà đọc giết thời gian. Thật, cuộc sống lênh đênh trên sóng nước đại dương này chẳng mấy thú vị như trong sách người ta hay tả. Điều được đoàn người chờ mong nhất có lẽ là những lúc thuyền ghé lại những thương cảng trên bờ dọc theo Ấn Độ Dương.

Bốn tháng thấm thoát trôi qua trong buồn tẻ. Khi ngọn hải đăng trên Mũi Hảo Vọng xuất hiện xa xa phía chân trời cũng chính là lúc mây đen bắt đầu vần vũ. Ánh mặt trời buổi sáng bắt đầu bị lu mờ, trời tối dần lại. Từng cơn gió lớn thổi mạnh làm những cánh buồm căng ra như muốn rách. Những giọt nước mưa bắt đầu nhỏ xuống. Mặt biển sôi ầm vang với những con sóng bạc đầu cứ cao dần theo từng đợt gió lớn.

Bão. Đó chính là điều duy nhất trong đầu mọi người lúc này. Bốn tháng qua trong sóng nước yên ả đã ru ngủ mọi người. Họ tưởng chừng đã quên mất những cơn giận của biển khơi. Tâm tình của mỗi người lúc này cũng rất khác nhau. Với những người đầu tiên đi trên biển thì họ trông chờ những gì sắp đến bằng tâm trạng háo hức, họ muốn một lần được biết mùi vị của bão biển. Nhưng đối với những người dày dặn sóng gió như những thủy thủ người Anh Cát Lợi thì đây là một cơn ác mộng. Họ hiểu những con sóng trông như vô hại và đẹp nên thơ kia sẵn sàng vùi chôn đoàn thuyền dưới đáy biển sâu một cách không thương tiếc.

“Hạ tất cả buồm xuống”. Tiếng ra lệnh của tướng quân Mã Kim Đa trên chiến thuyền “Hy vọng” đã cảnh tỉnh tất cả mọi người. Ông cố thét lớn như muốn lấn át tiếng gào thét của gió, của sóng. Các chiến thuyền đằng sau cũng rục rịch hạ buồm. Thần kinh của mọi người dần căng lên như dây đàn.

Bỗng, “Rắc… rầm…” một cột buồm của chiếc thương thuyền đi sau chót không kịp hạ bị gió thổi, đánh gãy ngang. Giữa bốn bề cuồng phong, đoàn thuyền như những chiếc lá trên sóng nước, liên tục trồi lên ngụp xuống. Những tiếng nôn ọe cũng bắt đầu xuất hiện. Sóng đánh tứ phía, hai chiến thuyền đi đầu dù sao cũng là những chiếc thuyền lớn, độ ổn định rất cao nên tuy có chao đảo vẫn vững vàng. Các thương thuyền thì không may mắn là mấy, chúng thi nhau chao đảo, lúc thì nghiêng bên đông, khi thì nghiêng bên tay.

“Chú ý bánh lái, – Mã Kim Đa lại thét lên, – hướng thẳng góc với các con sóng cao nhất mà tiến tới. Các tay chèo dốc hết sức lực tiến lên. Cố giữ khoảng cách, tránh bị lạc quá xa nhau”.

Quả thực, trong mọi cơn bão biển, chỉ có hướng thẳng đến những con sóng mới là giải pháp tốt nhất. Ấy cũng chính là nói “tìm phú quý trong hiểm nguy”. Đúng lúc này, một con sóng cao hơn mười thước đổ ập xuống. Hai chiếc chiến thuyền cùng ba chiếc thương thuyền đầu tiên mau chóng hướng bánh lái thẳng góc với đợt sóng, an toàn vượt qua. Không may mắn như thế, hai chiếc sau cùng trong mơ hồ bị sóng đánh thẳng vào mạn thuyền, lật úp. May mắn duy nhất là chỉ có chiếc bị gãy cột buồm từ trước lật hoàn toàn, chiếc còn lại thì như có phép lạ, lật ngửa lại được sau khi bị sóng vồ.

Tiếng la hét vang lên khắp nơi. Trên mặt biển lúc nhúc đầu người cùng những thùng hàng nổi lềnh bềnh. Có những người may mắn vớ được một chiếc thùng hay mảnh ván gãy, cố sức bám trụ. Có những người không may như thế, vùng vẫy và chìm dần trong tuyệt vọng.

Lại một con sóng cao nữa ập đến. Lần này, đã có kinh nghiệm hơn, sáu chiếc thuyền an toàn vượt qua. Tuy nói là an toàn nhưng cũng tương đối thôi, một vài con thuyền xuất hiện những vết nứt. “Gia cố những chỗ nứt gãy lại” những tiếng hiệu lệnh vang lên. Nhờ kinh nghiệm của những người đi trước, các thủy thủ dùng dây thừng quấn ngang lưng, cột chặt vào cột buồm, tiến từng bước khó nhọc đến những chỗ có vết nứt, nhất là những nơi yếu hại.

Trong cơn sóng gió, người ta mới thấy được tình người. Từng chiêc phao, từng sợi dây thừng hướng về những người ngụp lặn trên mặt biển cũng được quăng xuống. Cuộc chiến với bão biển lại tiếp tục diễn ra.

“Coi chừng”, có tiếng người thét lên khi một chiếc cột buồm khác cũng kêu lên tiếng răng rắc rồi đổ sụp xuống. Có mấy người không kịp tháo chạy bị cây gỗ đè hẳn lên người. Mạn chiếc thuyền buôn cũng bị vỡ toang toác. Như chưa để mọi người kịp hoàn hồn, một con sóng bất ngờ đổ ập xuống từ mạn thuyền bên kia. Xong rồi, vậy là chiếc thương thuyền thứ hai cũng bị lật úp.

Đến giờ phút này, mọi người cảm thấy thực sự sợ hãi. Họ không biết chiếc thuyền nào sẽ nối gót hai chiếc xấu số kia. Song, sợ hãi thì có giúp được gì vào lúc này? Mọi người hiểu, chỉ có tập trung nghe theo hiệu lệnh của những vị thuyền trưởng và làm theo lời họ mới có cơ may sống sót. Trong lòng họ cũng cầu trời khẩn phật xin cho cơn cuồng phong này mau chóng qua đi và kinh nghiệm của thủy thủ đoàn giúp họ vượt cơn sóng dữ.

Có lẽ, trời phật cũng đã nghe lời cầu xin của những đứa con mình nơi trần thế. Cơn bão biển cũng dần dịu xuống sau hơn ba giờ hành hạ những con thuyền. Gió bắt đầu dịu lại. Mặt biển cũng dần hiền hòa.

Khi ánh mặt trời ló dạng phía xa xa cũng chính là lúc mọi người thở phào nhẹ nhõm. Họ biết họ đã sống rồi. Cơn bão đã qua đi rồi.

Mã Kim Đa sai người kiểm kê lại thiệt hại. Trừ hai chiến thuyền, năm chiếc thương thuyền chỉ còn lại ba. Người trên thuyền cũng tranh thủ cứu vớt những người sống sót trên mặt biển. Những thùng hàng trôi nổi gần đó cũng được vớt lên.

Thiệt hại thật sự là khá lớn. Hai chiếc thương thuyền bị đắm, gần năm mươi người bị mất tích, có lẽ bị chết rồi cũng nên. Hàng hóa thì bị mất hơn bảy mươi thùng hàng, chủ yếu là gốm sứ, thực phẩm. Tuy vậy, những người sống sót cũng thầm cảm tạ trời đất đã buông tha vào những giây phút cuối cùng.

Vậy là những mất mát đầu tiên đã qua đi. Những người còn lại một lần nữa tiến lên, hướng về chân trời mới. Chính lúc này, họ mới cảm thấy mình quá nhỏ nhoi giữa trời đất. Còn đối với nhóm ba trăm, họ lúc này đã thật sự phục những người Anh Cát Lợi. Nếu đổi lại, họ không đi trên chiếc “Người khai sáng” mà là một chiếc Định Quốc thì có lẽ cũng khó lòng vượt qua. Nghĩ như vậy, họ cũng thôi không còn lo sợ nữa. Thay vào đó là lòng háo hức đặt chân lên xứ sở sương mù. Họ cũng quyết tâm ngày nào đó trong tương lai chính mình cũng sẽ đóng cho Đại Việt những chiếc thuyền lớn hơn và an toàn hơn. Họ cũng bất chợt nhớ lại câu nói của Toản năm xưa “Chính các khanh sẽ là những người anh hùng”.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện