Chương 32: Bên kia chiến tuyến​

Hai nước tranh đấu, anh tiến lên không lẽ tôi thụt lùi? Đại Việt cũng không nằm ngoại lệ triết lý này. Lẽ nào nhà Nguyễn lại cứ thế mà để cho Tây Sơn một đường tiến lên? Nên nhớ, Nguyễn Ánh cũng là một vị vua hùng tài đại lược. Bên cạnh ông vẫn còn đó Hoàng tử Cảnh, một người thông minh, tài trí, từng cùng cha bôn ba khắp mọi nẻo đường từ trong nước cho đến hải ngoại. Còn đó mười hai vị nhân tài đất Gia Định như Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Tùng Châu xưa nay vẫn được xem là thập nhị tinh tú. Còn có bộ máy thám báo hùng hậu nữa.

Ngày 20 tháng 4 năm 1796, tại sở chỉ huy của quân đội Pháp ở phía Bắc thành Milan, Ý. Một người thiếu niên đến xin gặp mặt Tổng tài, bảo có việc hệ trọng. Dẫn đường cho cậu là một vị Giám mục, có tên Pigneau de Behaine. Đây chẳng phải là Giám mục Bá Đa Lộc hay sao? Vậy cậu thiếu niên kia là ai?

- Thưa Đức Cha, Tổng Tài hiện nay rất bận, Ngài ấy còn đang chuẩn bị cho đại cuộc của nước Pháp sắp tới. – Một Hạ sĩ tiếp đón ông trả lời.

- Thế thì con hãy chuyển lời giùm là Cha có một việc hệ trọng, cũng liên quan đến đại cuộc. – Bá Đa Lộc kiên nhẫn.

- Đức Cha có thể nói sơ sơ về cái gọi là việc hệ trọng đó không? Con không muốn bị khiển trách khi không thông báo rõ ràng.

- Ngài có thể nói là Cha có một bí mật liên quan đến vũ khí mới của quân đội Anh.

Người sĩ quan gật đầu, bảo hai người chờ tại chỗ rồi quay vào phòng làm việc của Tổng Tài. Lát sau, anh ta quay ra và nói:

- Thưa Đức Cha, Tổng Tài cho mời, nhưng Ngài chỉ gặp mặt Đức Cha thôi.

- Chà… Việc này… Thôi được rồi, Hoàng tử hãy ngồi đợi ở đây một lát nhé. – Bá Đa Lộc cố tình nói với cậu thiếu niên bằng tiếng Pháp như để anh sĩ quan kia nghe thấy.

- Đây là một vị Hoàng tử à, thưa Đức Cha?

- Vâng, cậu ấy là một vị Hoàng tử. Sự việc này, Cha không nắm rõ lắm. Người hiểu chi tiết chính là cậu ấy.

- Thế thì… Thôi được, mời cả hai vị theo con.

Bá Đa Lộc cùng cậu thiếu niên theo chân người sĩ quan đến một văn phòng, bên ngoài cửa ghi rõ, “Văn phòng sở chỉ huy tiền phương lâm thời”. Tiếng mời vào được phát ra từ một người đàn ông vọng ra sau khi người sĩ quan gõ cửa. Hai người bước vào căn phòng sau khi cửa được mở ra.

Đây là một căn phòng khá rộng rãi. Nếu bên ngoài không có biển cho biết đây là sở chỉ huy tiền phương, có lẽ hai vị khách của chúng ta sẽ nghĩ đây là phòng làm việc của giám đốc một công ty nào đó. Các bức vách được phủ kín với những tấm bản đồ. Giữa phòng là một chiếc bàn làm việc lớn, lưng xoay về phía cửa sổ, trước mặt là một bộ bàn ghế sô pha với một ấm trà pha sẵn.

Vị Tổng Tài người Pháp có tên Napoleon Bonaparte đang cúi mặt trên bàn, tay cầm viết lông ngỗng, đang ghi ghi chép chép gì đó. Ông ta cao khoảng một mét sáu mươi lăm. So với chiều cao trung bình của người phương Tây thì ông có thể được xem như là một người lùn. Tuy vậy, ông lại nổi bật với vầng trán cao thể hiện một sự thông thái hiếm có.

Bonaparte ngẩng đầu nhìn hai người mới bước vào và nói:

- Ồ! Ngọn gió nào đưa Đức cha đến đây vậy?

- Cơn mưa Hồng Ân của Thiên Chúa dành cho nước Pháp vĩ đại đưa tôi đến đây, thưa Tổng Tài. – Bá Đa Lộc trả lời.

- Còn cậu bé người Châu Á này… Con thấy có vẻ quen quen. Cậu ta là ai thế, thưa Đức cha?

- Thật ra, Ngài đã từng gặp cậu ấy trước đây, khoảng tám năm trước. Khi ấy, cậu mới chỉ là một đứa bé tám tuổi, và Ngài mới chỉ là một Thiếu úy ở trường quân bị. Thời gian qua thật nhanh, Ngài đã là một Tổng Tài, còn cậu bé lớn lên và trở thành một vị Hoàng tử tài giỏi của nước An Nam ở bán đảo Đông Dương.

- À! Con nhớ ra rồi. Cậu ta là chú bé theo cha xin được vua Louis giúp đỡ để phục quốc đây mà. Thế hôm nay Đức cha đến đây có việc gì? Con nghe nói việc có liên quan đến vũ khí của người Anh.

- À! Đúng vậy. Nhưng việc thế nào thì phải hỏi cậu ấy. – Bá Đa Lộc chỉ vào cậu thiếu niên mà giờ đây không cần phải giới thiệu cũng biết chính là Hoàng tử Cảnh.

- Sao? Bí mật gì thế? Hoàng tử bé.

Bonaparte cố tình nhấn mạnh “Hoàng tử bé” ở cuối câu. Ông không nghĩ một cậu nhỏ lại có thể làm được gì dù có cương vị là Hoàng tử. Trái lại, Nguyễn Phúc Cảnh không xem đó là một sỉ nhục. Cậu hiểu, dưới con mắt của người phương Tây, các quốc gia ở miền Viễn Đông vĩnh viễn là các nước nghèo nàn, lạc hậu. Ngay cả nhà Thanh, người ta còn không xem là gì huống chi Đại Việt. Cảnh mỉm cười, lấy ra một lọ thủy tinh có chứa một ít chất bột màu vàng sáng.

- Ngài có biết đây là gì không, thưa Tổng Tài?

- Chất bột gì thế? Xem ra rất quan trọng. - Bonaparte bắt đầu tỏ vẻ quan tâm.

- Trước khi giải thích, Ngài lảm ơn cho tôi mượn một tờ giấy bỏ đi và một vật cứng. Tôi sẽ biểu diễn cho Ngài thấy.

Cầm lấy tờ giấy Bonaparte đưa, Cảnh rắc vào đó một ít bột, đoạn gói lại. Xong xuôi, trước ánh mắt tò mò của vị Tổng Tài, cậu dùng cái chặn giấy gõ mạnh vào gói giấy. Ngay lập tức, một tiếng “bép” nhỏ vang lên, theo sau là sự bốc cháy của tờ giấy.

- Chắc Ngài cũng biết nước tôi đang bị chia cắt làm thành hai miền – Cảnh nói. – Thứ bột này là do người của Ngụy quốc chế tạo ra. Họ dùng chúng để tạo thành một thứ gọi là “hạt nổ”, gắn vào viên đạn. Những thám tử của chúng tôi đã lẻn vào và ăn cắp được. Còn nữa, đây là một viên đạn của họ.

Đặt mọi thứ lên bàn, Cảnh nói tiếp.

- Những khẩu súng chúng ta thường dùng có tốc độ bắn là khoảng ba viên cho đến bốn viên một phút. Nhưng với viên đạn này cùng cây súng đã cải tiến của họ, tốc độ bắn rất nhanh, lên đến tám đến mười viên một phút, có nghĩa là cứ khoảng tám giây là họ bắn được một viên. Chưa hết, sức mạnh và cự ly của viên đạn lại gấp ba lần loại súng của chúng ta. Điều quan trọng là họ đã bán phát minh này cho người Anh.

- Thế sao?

Lần đầu tiên, Bonaparte tỏ vẻ hết sức ngạc nhiên cùng lo lắng. Ông ta đứng phắt dậy, hành dộng này còn làm đổ cả bình mực vốn đang đặt trên bàn.

- Ngài – giờ đây ông cũng thay đổi cả cách xưng hô với Cảnh – có biết cách chế tạo loại chất này không?

- Thám tử của chúng tôi chỉ lấy cắp được một ít chất này. Về công thức, chúng tôi chỉ biết là đại khái người của Ngụy quốc hòa trộn một chất nào đó từ phân dơi vào thủy ngân. Chúng tôi tin, với sự thông thái của các nhà bác học của quý quốc, công thức của chất này sẽ được phơi bày. Còn về loại đạn này và sự cải tiến của những cây súng, thiết nghĩ đây chỉ là một việc đơn giản.

Trầm ngâm hồi lâu, Bonaparte ngước mắt nhìn cậu bé Hoàng tộc người Đông Dương rồi nói.

- Những điều Ngài nói thật giúp tôi giải quyết được khá nhiều vấn đề khá nhức đầu. Ngài nói, đổi lại sự cung cấp thông tin này, các Ngài muốn gì ở người Pháp.

- Ngài cũng biết, người Anh đã ký kết liên minh với Ngụy Quốc. Bọn họ cũng trao đổi với nhau rất nhiều thứ, như kỹ nghệ đóng tau, kỹ nghệ đúc súng,… Trước đây, Phụ vương của tôi đã tìm đến, nương nhờ sự giúp đỡ của vua Louis XVI. Nhưng, kết quả nhận được chỉ là sự ghẻ lạnh, chỉ có sự giúp đỡ của Đức Cha đây cùng một số thương gia, chúng tôi mới có đủ lực chống lại kẻ thù, nhưng, sự giúp đỡ ấy quá ít.

- Louis XVI chỉ là một tên hề kệch cỡm. Ý Ngài là muốn thông qua tôi để có được sự giúp đỡ của nước Pháp?

- Vâng, Ngài cũng hiểu là chúng tôi đang trong tình trạng khó khăn như thế nào. Ngụy Quốc nhận được sự giúp đỡ của người Anh nên ngày càng lớn mạnh. Chúng tôi muốn có sự giúp đỡ thiết thực hơn. Nếu thành công, chúng tôi sẵn sàng cho quân đội Pháp mượn đường đánh chiếm nhà Thanh.

- Các Ngài tính toán thật là khéo. Lẽ nào tôi không hiểu các Ngài muốn mượn tay nước Pháp diệt trừ nội loạn và trấn áp kẻ thù phương Bắc.

- Chính trị là như thế. Nhưng, sự kết minh của chúng ta xét theo khía cạnh nào đó cũng chính là một giao dịch. Ngoài việc cho các Ngài mượn đường, chúng tôi còn ưu đãi cho các thương nhân người Pháp đến làm ăn. Ngoài ra, tuyến đường ở biển Đông cũng chính là một tuyến đường hàng hải huyết mạch. Người nào đứng chân ở đây có thể kiểm soát toàn bộ Đông Nam Á và vùng biển phía nam nhà Thanh.

- Nếu giúp các Ngài, vị thế đó là do các Ngài nắm giữ kia mà.

- Ngài nghĩ sao nếu chúng tôi đồng ý cho các Ngài khai thác và đặt căn cứ ở đây?

- Thế thì còn tạm được – Bonaparte ra chiều suy nghĩ, lại nói tiếp. – Việc này dù sao cũng là một việc hệ trọng. Hãy để tôi thương thảo với Hội đồng. Tin chắc sẽ có câu trả lời hợp ý các Ngài. Phần tôi, tôi có thể giúp được gì cho Ngài? Đương nhiên là với tư cách cá nhân.

- Cái này… từ lâu tôi rất ngưỡng mộ Ngài. Được biết Ngài xuất thân là một sĩ quan pháo binh. Tôi muốn được phục vụ trong một đơn vị pháo binh của Pháp để học hỏi kinh nghiệm.

- Vấn đề này không khó. Tôi có thể sắp xếp. Nhưng không thể để Ngài phục vụ ở đơn vị pháo binh được. Ngài sẽ được đưa đến Trung đoàn của Đại tá Jean Lannes. Đây là một trung đoàn hỗn hợp bao gồm bộ binh, kỵ binh và pháo binh.

- Vậy thì đã là quá tốt rồi. Không biết hiện giờ Đại tá đang ở đâu?

- Lombardy, gần đây thôi. Cái chính là tuổi Ngài còn nhỏ quá, không thể cấp một quân hàm quá cao được. Tuy nhiên, Ngài là Hoàng tộc, lại từng chinh chiến sa trường nên có thể du di. Thôi thì cứ xem như Ngài là một Trung Úy vậy.

Cuộc gặp gỡ kết thúc ở đây. Cảnh ra về với một lời hứa của người quyền lực nhất quân đội Pháp lúc này. Hai ngày sau, cậu khoác lên bộ quân phục màu xanh với quân hàm Trung Úy và tiến về Lombardy, nơi mà ít ngày nữa sẽ xảy ra một trận chiến mang tính lịch sử của cả hai nước Pháp và Ý, à không, lúc này phải gọi là Vương quốc Napoli mới đúng.

Vậy là giờ đây, trên đất Châu Âu có sự xuất hiện của hai thiên tài đất Việt. Họ đại diện cho sự tranh đấu của hai miển đất nước. Tại đây, lại một lần nữa, họ lại đối đầu với nhau khi đứng ở hai bên chiến tuyến. Sự thành bại của họ lúc này cũng sẽ dẫn đến kết quả chung cuộc của trận long hổ tranh hùng nơi quê nhà.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện