Chương 46: Chuẩn bị cho chiến tranh​

Sau khi cho phép người Phú Lang Sa thành lập Tô giới ở Sài Gòn trong năm mươi năm, Nguyễn Ánh cùng triều thần ráo riết chuẩn bị những bước sau cùng để phân định thắng thua với nhà Tây Sơn ở phía Bắc. Vào thời điểm này, Việt Nam đang phải đối mặt với hai nguy cơ lớn. Đó chính là khả năng nam tiến của nhà Tây Sơn và nguy hiểm hơn là sự xâm phạm của người Phú Lang Sa ngay trong lòng Gia Định.

Xét trên nhiều khía cạnh, mối nguy cơ lớn nhất đối với Việt Nam chưa phải là những người cùng nguồn gốc con rồng cháu tiên mà là kẻ địch đến từ bên ngoài. Tuy nhiên, ông bà ngày xưa dạy đố sai: “Người ngoài thì sáng, kẻ trong cuộc u mê”. Điều này đến với quân thần Việt Nam như một lẽ tự nhiên. Từ sau thất bại nặng nề của trận đánh đầm Thị Nại năm xưa, Nguyễn Ánh không còn tin tưởng sự ưu việt của những chiến thuyền phương Tây cũng như năng lực quân sự của họ. Cũng bởi thế, việc giao thương với người Châu Âu vì thế mà cũng bị ảnh hưởng. Cả triều đình tin rằng những người da trắng kia chẳng qua cũng chỉ có thế, không chịu nổi một đòn của người Việt khi mà những chiếc tàu đồng mua về phải chịu thiệt thòi trước hỏa lực của quân địch. Việc giao thương vì thế mà ngày càng thu hẹp dần. Giờ đây, sự kiện Tô giới lại càng làm cho triều đình cảm thấy người phương Tây không còn đáng tin cậy nữa.

Kết quả của những việc đó là thành Gia Định hoàn toàn đóng cửa đối với các nước Châu Âu. Họa chăng chỉ còn cảng Sài Gòn là hoạt động và với quy mô ngày càng lớn. Đây quả là nghịch lý. Tô giới ngày càng phát triển rực rỡ, tàu thuyền tấp nập, thương nhân các nước đổ về buôn bán ngày càng nhiều. Đương nhiên, được lợi lớn nhất là người Phú Lang Sa. Họ chấp nhận thương buôn của các nước khác, xem như đây là một phần quốc gia của mình ở miền Viễn Đông. Các chính sách cấm buôn bán với Tô giới mà Triều đình âm thầm đặt ra không những không thu được kết quả gì. Ngược lại, người dân Việt ngày càng nhìn thấy khả năng làm giàu từ những phi vụ buôn bán, từ nông sản đến vải vóc và các hàng hóa thủ công mỹ nghệ. Vua Gia Long và các quần thần đều biết nhưng chẳng làm gì được, họ không còn quyền can thiệp vào vùng Sài Gòn được nữa.

Đối với bá quan và cả Nguyễn Ánh nữa, họ nghĩ bất cứ lúc nào cũng có thể dẹp Tô giới được. Chỉ cần cho quân lính bao vây trên bộ và đưa chiến thuyền chặn đường vào của cảng Sài Gòn là được. Trước mắt, chưa thể làm căng với những người phương Tây này. Vì giờ đây, trong Tô giới ngoài người Phú Lang Sa còn có người Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Nếu mạnh tay vào lúc này, các nước trên sẽ bắt tay vây công và sẽ có rắc rối lớn. Mục tiêu hiện tại là dẹp tan nội loạn, thống nhất Giang sơn rồi mới tính tiếp.

Nói như thế không có nghĩa là mọi người đều không có sự đề phòng. Chí ít, có hai người cực kỳ lo lắng, đó là Duệ Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh và Trịnh Hoài Đức. Nhưng “tay đông mới vỗ nên kêu”, chỉ có hai người họ thì làm được gì. Trong bí mật, hai người này đã gặp gỡ nhau, cùng vạch ra những điều cần làm trong tương lai.

- Thái tử – Trịnh Hoài Đức nói. – Ngài xem, bá quan thì nhiều nhưng không có ai đánh giá đúng nguy cơ đến từ những người phương Tây cả. Chỉ hai chúng ta thì chẳng làm nên trò trống gì.

- Ông nói đúng. Hơn ai hết, ta quá hiểu sức mạnh của người Phú Lang Sa và những nước Châu Âu. Dù cho chúng ta có đem mười vạn binh mã tiến đánh cũng chẳng thể thắng dù quân lực của họ chỉ có một phần ba của ta đâu. Họ được trang bị những vũ khí mới nhất, trong khi ta vẫn còn dùng gươm giáo. Chỉ sợ chưa đến gần được một trăm thước, binh sĩ của ta đã chết sạch.

- Vậy Thái tử có kế sách gì không? Hay chỉ đành lòng phó thác cho số mệnh?

- Sắp tới, Phụ hoàng sẽ cho kiểm tra lại binh lực và phân bổ cho kế hoạch đánh Ngụy. Theo như sổ sách thì ta hiện có khoảng hai mươi vạn quân, một nghìn hai trăm đại bác, hai nghìn ba trăm chiến thuyền. Ta sẽ xin Phụ hoàng cho giữ lại năm vạn quân, một trăm đại bác và một trăm chiến thuyền để đề phòng.

- Vậy là Thái tử sẽ không theo đoàn quân Bắc phạt sao?

- Đúng vậy, ta sẽ lấy lý do là ở lại trấn thủ Gia Định.

- Vậy thì thần sẽ cùng Thái tử lo lắng phòng thủ mảnh đất này.

Đúng như Cảnh tính trước, hai ngày sau, vua Gia Long cho mở một cuộc họp quân cơ để bàn định kế sách Bắc phạt. Tham dự cuộc họp này, ngoài Nguyễn Văn Thành và Võ Tánh đang trấn thủ nơi biên giới, toàn bộ các tướng đều có mặt.

- Chư vị khanh gia, ngày nay tình hình trong nước đã khá ổn thỏa. Tuy rằng có một số rắc rối nho nhỏ nhưng điều này không ảnh hưởng đến toàn cục. Chúng ta có được năm năm tích lũy. Đến nay lương thảo đã đầy đủ, đã đến lúc chúng ta phải thanh toán món nợ với giặc Ngụy. Các khanh hãy trình báo binh lực hiện có và cùng Trẫm bàn bạc kế sách Bắc phạt.

Nguyễn Văn Thành ứng lời, tiến lên tâu:

- Khởi bẩm, về nhân số, chúng ta có hai mươi vạn quân. Trong đó, có năm vạn quân do tướng quân Võ Tánh chưởng quản, đang canh phòng ở biên giới, năm vạn quân thuộc quyền của tướng quân Nguyễn Văn Thành trấn thủ ở Phú Yên cùng mười vạn quân đang phân bố rải rác ở các nơi. Ngoài ra, trong thành Gia Định, chúng ta cũng có năm nghìn quân dự bị và hai nghìn cấm vệ. Về thuyền chiến, chúng ta có hai nghìn ba trăm chiến thuyền với sáu chiếc Fourth Class Frigate mang theo năm mươi bốn khẩu đại bác, một trăm năm mươi chiếc chiến thuyền Gale cỡ lớn mang theo ba mươi sáu khẩu đại bác và các loại khinh thuyền khác mang theo hai mươi bốn đại bác. Số lượng đại bác trên bộ, chúng ta có một nghìn hai trăm khẩu.

- Tốt, vậy các khanh dự tính sẽ phân bổ chúng ra sao?

- Khởi bẩm – tướng Nguyễn Văn Thoại vừa trở về từ Xiêm La tiến lên. – Chúng ta cần giữ lại năm vạn binh mã để phòng ngừa những trường hợp xấu và phân tán ra để dẹp loạn ở hậu phương khi đem quân Bắc phạt. Như vậy, ta chỉ còn có mười lăm vạn đại quân thôi ạ.

Tướng Nguyễn Văn Thành cũng ứng lời:

- Thần cũng đồng ý với Thoại. Theo thần thấy, lần này chúng ta sẽ phái mười vạn quân vượt đèo Cù Mông, tiến đánh Quy Nhơn. Song, đây chỉ là đòn nghi binh. Bốn vạn quân sẽ theo ngã Tây Nguyên, tiến đánh Pleiku, Đaklak, đây mới chính là mục tiêu của chúng ta. Một vạn quân còn lại sẽ lên chiến thuyền, hướng về cảng thị Nại một lần nữa, nhưng lần này chúng ta sẽ không đánh ngay mà chờ tín hiệu. Khi cánh quân Tây Nguyên đã xong nhiệm vụ, họ sẽ đổ xuống tấn công thành Quy Nhơn. Cùng lúc đó, mười vạn quân ban đầu sẽ đánh trực diện từ phương nam và một vạn binh cùng một hai nghìn ba trăm chiến thuyền sẽ phối hợp. Như vậy, thành Quy Nhơn chắc chắn sẽ thất thủ. Giặc sẽ phải thu quân rút về Phú Xuân, quân ta cứ vậy mà một đường truy kích.

- Tốt, vậy theo ý khanh, những ai sẽ lĩnh quân ấn lần này?

- Theo thần thấy, nên cho Nguyễn Huỳnh Đức mang theo bốn vạn quân đánh Tây Nguyên, Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Văn Trương làm tham tướng. Bệ hạ sẽ suất lĩnh năm vạn binh hội ngộ cùng tướng Võ Tánh đánh trực diện Quy Nhơn. Nguyễn Văn Thành, Dayot và Vannier sẽ dẫn theo một vạn quân lên chiến thuyền tiến đánh cảng thị Nại.

- Còn số đại bác?

- Một nghìn hai trăm khẩu đại bác sẽ được trích ra hai trăm khẩu ở hậu phương, Nguyễn Huỳnh Đức mang theo ba trăm khẩu, số còn lại tập trung cho mười vạn quân chủ lực.

- Tốt lắm, các vị khanh gia còn có ý kiến nào không?

Không ai trong các tướng tiếp tục lên tiếng. Họ nghĩ, đây là kế sách tối ưu rồi. Quả vậy, dùng đại quân đánh nghi binh thành Quy Nhơn tuy có hơi phí phạm, nhưng vì đây là thành trì quan trọng, nhà Tây Sơn sẽ không nghĩ đó chỉ là đòn gió. Cánh quân chính ngược lại có quân số ít hơn sẽ tiến lên Tây Nguyên rồi đánh úp từ phía Tây sẽ làm cho đối phương hoang mang. Lúc này mới chính là thời điểm tốt nhất để công thành. Duy có một người tiếp lời, đó là Duệ Thái tử Cảnh:

- Phụ hoàng, trong lần Bắc phạt này, con xin phép được lĩnh năm vạn quân kia để trấn thủ kinh thành.

- Không được, năm vạn quân này cũng phải được điều đến Phú Yên cho tình hình xấu nhất. Trẫm đồng ý cho con ở lại Gia Định, đồng thời chỉ rút đi một vạn quân thôi. Với số người này, con phối hợp với năm nghìn quân dự bị và hai nghìn cấm vệ là đủ.

- Nhưng thưa Phụ hoàng…

- Không nhưng nhị gì cả. Ta biết con có ý đề phòng người Tây dương. Nhưng quả thật nhũng năm tháng con ở trong quân ngũ của người Phú Lang Sa đã làm con u mê rồi. Họ không mạnh như con đã tưởng đâu. Vả lại, chỉ từ một nhúm nhỏ Sài Gòn thì chúng đâu tập trung được bao nhiêu quân. Con sẽ dễ dàng trấn áp thôi.

Nguyễn Phúc Cảnh buồn bã vô cùng. Ý của Phụ hoàng đã quyết, anh làm được gì đây. Trong lòng Cảnh lúc này thật sự cầu mong rằng mình đã quá ảo tưởng về sức mạnh của người Châu Âu như Phụ hoàng đã nói. Nhưng nói cho cùng thì đó chỉ là mơ tưởng thôi. Anh thầm mong đội quân có thể tốc chiến tốc thắng để có thể kịp quay về ứng cứu khi người Phú Lang Sa thật sự nổ súng.

Lúc này, Nguyễn Ánh tổng kết lại:

- Vậy, binh lực và kế hoạch tác chiến của chúng ta sẽ thực hiện đúng như Thành khanh gia đã tấu. Vì đường xá xa xôi, Trẫm cho các khanh ba tháng để chuẩn bị và tiến về các điểm tập kết. Đúng một tháng sau tính từ hôm nay, chúng ta sẽ quyết phân thắng bại với giặc Ngụy.

- Chúng thần lĩnh chỉ.

Các tướng lục tục lui ra. Cảnh không còn gì để nói, anh nhìn cha mình bằng ánh mắt lo lắng rồi cũng trở về phủ. Anh sẽ mời Trịnh Hoài Đức đến để bàn thảo thêm. Trước mắt anh là cả một viễn cảnh đen tối. Anh quá lo xa chăng? Cầu mong đúng là như vậy.

……………

Phía bên kia chiến tuyến, Toản cũng triệu tập cuộc họp của Bộ quốc phòng cùng Ban tham mưu là Tây Sơn Thất hổ tướng và Tây Sơn Ngũ Phụng thư. Lần họp này còn có sự có mặt của Thùy và Bàn. Mấy năm nay, bên cạnh việc chăm lo phát triển kinh tế và giáo dục, Toản còn chú ý rất nhiều đến quân sự. Anh cũng đã cho tái cấu trúc lại quân đội của mình, thay toàn bộ vũ khí lạnh bằng các loại súng. Trong đó, binh sĩ được phát một cây TSG, một thanh đoản kiếm mà nói chính xác hơn là một cây dao quân dụng có thể gắn lên súng như là một lưỡi lê. Cũng chính vì vậy mà quân số binh sĩ của nhà Tây Sơn được thu hẹp lại, chỉ có một nghìn năm trăm quân nhân chuyên nghiệp và năm nghìn quân dự bị. Nhân đây, cũng xin kể thêm về cơ cấu quân sự như sau:

Về bộ binh, áp dụng quy tắc tam – tam để phân bố binh sĩ. Theo đó, cơ cấu nhân sự sẽ như sau:

Tổ chiến đấu có ba người.

Tiểu đội gồm ba tổ chiến đấu, một tiểu đội trưởng, một tiểu đội phó, một quân y và một chính trị viên, tổng cộng mười ba người.

Trung đội gồm ba tiểu đội, một trung đội trưởng, một trung đội phó, một quân y, một chính trị viên, tổng cộng bốn mươi ba người.

Đại đội gồm ba trung đội, một đại đội trưởng, một đại đội phó, một quân y, một chính trị viên, tổng cộng một trăm ba mươi ba người.

Tiểu đoàn gồm ba đại đội, một tiểu đoàn trưởng, hai tiểu đoàn phó, hai quân y, một chính trị viên, tổng cộng bốn trăm năm lẻ năm người.

Trung đoàn gồm ba tiểu đoàn, một trung đoàn trưởng, hai trung đoàn phó, hai quân y, một chính trị viên, tổng cộng một nghìn hai trăm hai mươi mốt người.

Lữ đoàn gồm ba trung đoàn, một lữ đoàn trưởng, hai lữ đoàn phó, hai quân y, một chính trị viên, tổng cộng ba nghìn ba trăm sáu mươi chín người.

Sư đoàn gồm ba lữ đoàn, một sư đoàn trưởng, hai sư đoàn phó, hai quân y sư đoàn, một chính trị viên, tổng cộng mười một nghìn không trăm mười ba người.

Kỵ binh cơ cấu tương tự như bộ binh nhưng một tổ chiến đấu có năm người, tức là từ tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn sẽ có số lượng người tưng ứng là mười chín, sáu mươi mốt, một trăm tám mươi bảy và năm trăm sáu mươi bảy người. Kỵ binh chỉ cơ cấu đến cấp cao nhất là tiểu đoàn.

Pháo binh và tên lửa là hai quân chủng mới có cơ cấu nhân sự như kỵ binh và cũng chỉ biên chế đến cấp cao nhất là tiểu đoàn. Số lượng đại bác và dàn phóng tên lửa cũng lần lượt là ba, chín, hai mươi bảy, tám mươi mốt tương ứng với các cấp từ tiểu đội đến tiểu đoàn. Toàn bộ quân đội có tất cả mười tám tiểu đoàn với một nghìn năm trăm khẩu đại bác và một nghìn năm trăm dàn phóng tên lửa.

Hải quân thì đơn giản hơn, chỉ bao gồm ba cấp là hải đội, hải đoàn và hạm đội. Số lượng chiến thuyền tương ứng với các cấp là bảy mươi lăm, hai trăm hai mươi lăm và sáu trăm bảy mươi lăm chiếc. Nhân sự tương ứng với từng cấp là ba nghìn bảy trăm năm mươi, mười một nghìn hai trăm năm mươi và ba mươi ba nghìn bảy trăm năm mươi người. Toản cũng phân hải quân của mình thành ba hạm đội với hơn hai nghìn chiến thuyền, với hơn một trăm nghìn người. Mười hai chiếc Định Quốc cải tiến cũng đã hoàn thành và biên chế đều cho ba hạm đội này. Nhắc lại một chút về số lượng chiến thuyền. Hẳn là sẽ có nhiều người thắc mắc không phải là nhà Tây Sơn có hơn ba nghìn chiến thuyền sao? Vậy mà ở đây chỉ có hơn hai nghìn chiếc. Thật ra điều này cũng rất dễ hiểu. Toản cho cải tiến và đóng mới hơn hai nghìn chiến thuyền với tính năng ưu việt hơn loại cũ. Anh lại cho cải tiến thành năm trăm thuyền đổ bộ chở binh sĩ cùng các loại khí tài quân sự. Số còn lại dùng để bán cho các nước nhỏ xung quanh hay chuyển thành thuyền buôn bán cho các thương nhân. Bởi vậy mà nói, tuy số lượng chiến thuyền có giảm đi nhưng chất lượng thì hơn hẳn so với loại cũ.

Bên cạnh đó, Toản còn cho biên chế quân đội của mình thành ba tập đoàn quân hỗn hợp gọi là ba quân đoàn. Mỗi quân đoàn lại bao gồm ba sư đoàn bộ binh, sáu tiểu đoàn kỵ binh, bốn tiểu đoàn pháo binh và bốn tiểu đoàn tên lửa. Quân số của mỗi quân đoàn lên đến bốn mươi nghìn chín trăm bảy mươi bảy người.

Tổng kết lại, toàn bộ các binh chủng của nhà Tây Sơn gồm ba quân đoàn, ba hạm đội với hai trăm hai mươi bốn nghìn một trăm tám mươi mốt quân. Ngoài ra, cả nước còn có khoảng mười nghìn quân dự bị phân bố rải rác trong các quân trường.

Về cấp bậc, Toản lại cũng cho phân chia lại cho phù hợp với tình hình mới. Theo đó, từ cấp tướng trở lên, anh cho tách riêng tướng lục quân và hải quân thành hai nhóm riêng biệt. Nhóm lục quân phân thành chuẩn tướng, thiếu tướng, trung tướng và đại tướng mang quân hàm gắn hoa sen vàng với số lượng tương ứng từ một hoa đến bốn hoa. Nhóm hải quân lại phân thành chuẩn Đô đốc, Phó Đô đốc, Đô đốc và Đại Đô đốc với quân hàm gắn thêm mỏ neo vàng cũng có số lượng từ một đến bốn.

Trở lại với cuộc họp của Toản cùng Bộ Quốc phòng và Ban tham mưu. Lúc này, Giám đốc cơ quan CPQ, Đông Định Vương Nguyễn Phi Long thông báo một số tin tình báo quan trọng:

- Thưa Hoàng thượng cùng các vị đồng liêu. Gần đây, tình hình giặc Ánh có nhiều biến động. Trước hết, giặc Ánh cho đổi Quốc hiệu thành Việt Nam, điều này chưa có gì đáng nói. Vấn đề chính là hai việc xảy ra sau đó. Thứ nhất, người Phú Lang Sa sau một loạt hành động dồn ép đã được thành lập một khu vực gọi là Tô giới thuộc vùng Sài Gòn với một cảng nước sâu gọi là cảng Sài Gòn. Theo đánh giá của thần, đây rõ ràng là đã có một sự bất hòa giữa Ánh và người Phú Lang Sa. Nguyên nhân chính là vì chính sách hạn chế giao thương với người phương Tây, trong đó có cả người Phú Lang Sa vốn có hiệp ước với Ánh. Việc này cho thấy, sớm muộn người Phú Lang Sa cũng sẽ tiến hành xâm lược ngay tại hang ổ của giặc Ánh. Việc này khi nào xảy ra thì có lẽ vẫn còn vướng mắc bởi sự tồn tại của Hoàng tử Cảnh, à, nói đúng hơn là Duệ Thái tử Cảnh.

- Việc này thì suy nghĩ của Khanh cũng giống như Trẫm. Khanh cứ nói tiếp vấn đề thứ hai, lát nữa chúng ta sẽ bàn thảo sau.

- Thứ hai là giặc có sự điều động binh lính với quy mô lớn. Theo nguồn tin nội bộ, sẽ có khoảng mười vạn quân tiến về đèo Cù Mông, năm vạn binh vẫn đứng yên ở Phú Yên và các chiến thuyền đang tập trung về cảng Diên Khánh. Có lẽ cũng đã sắp đến lúc chúng quyết phân thắng bại với ta cả trên đất liền và trên biển.

- Được rồi, các khanh có ý kiến gì về tin tình báo này hay không?

Đô đốc Tuyết nghe vậy thì bắt đầu phân tích. À, phải nói cho đúng thì phải gọi ông là Thượng tướng quân mới đúng. Đây là quân hàm danh dự với năm bông sen vàng. Cả Đại Việt có tất cả bảy vị như vậy, chính là Tây Sơn Thất hổ tướng. Ông nói:

- Theo thần thì chúng dự định tấn công Quy Nhơn như mấy năm trước với hai đường hải, bộ. Có lẽ giặc sẽ dồn mười lăm vạn binh mã trên bộ tấn công thành hai đợt và hải quân với khoảng hai nghìn chiến thuyền đánh vào cảng Thị Nại.

- Mười lăm vạn quân là một trăm năm mươi nghìn quân - Thượng tướng Vũ Văn Dũng nói. - Đây có lẽ chưa phải là toàn bộ quân lực của giặc nhưng chắc cũng không sai lệch lắm. Với quân số như vậy, dù ta có trang bị tốt hơn cũng không tránh khỏi thất bại với chỉ có một quân đoàn. Nguyễn Quang Huy, đây là trận đánh lớn thật sự đầu tiên của anh trên cương vị bộ trưởng, theo anh thì ta phải làm sao?

- Theo tôi, chúng ta đưa quân đoàn hai cố thủ ở Quy Nhơn. Nên nhớ là chỉ đánh nghi binh. Lại điều quân đoàn ba lên Tây Nguyên. Làm như vậy là để khi hai quân giao chiến, quân đoàn ba sẽ đánh úp vào thành Diên Khánh vốn không có quân. Ta lại đánh thốc lên Phú Yên rồi tiến về Quy Nhơn. Khi đó, giặc Ánh sẽ rơi vào thế hai mặt bị giáp công. Phần quân đoàn một vẫn ở lại Bắc Hà để đề phòng Đại Thanh nhân cơ hội mà đánh xuống.

Huy cũng không biết nếu thực thi kế sách này, hai cánh quân được cho là cánh kỳ quân của cả hai bên tham chiến sẽ gặp nhau. Trận đánh này là không thể tránh khỏi. Chính nó sẽ quyết định cả trận chiến và xác định ai mới là chủ nhân của Giang sơn.

- Vậy còn cánh quân đường biển? - Dũng hỏi. Bản thân ông là vị tướng nổi tiếng với những trận hải chiến nên tốt ra vô cùng quan tâm.

- Chúng ta có ba hạm đội. Trừ hạm đội một phải ở lại trấn thủ vùng biển phía Bắc, ta chỉ còn hai hạm đội. Nhưng bấy nhiêu cũng đủ rồi. Hạm đội hai sẽ phối hợp với pháo đài của cảng Thị Nại chống lại trực diện. Song song đó, hạm đội ba trước đó đã ra khơi và ẩn nấp, khi chiến sự nổ ra, họ sẽ tập kích từ phía sau. Với hỏa lực vượt trội, lần này sẽ không một chiến thuyền nào của giặc chạy thoát.

- Hay lắm - Toản vỗ tay khen tặng. - Lần này, giặc Ánh sẽ khó thoát. Các Khanh còn có ý kiến nào nữa không?

Lúc này, Quang Bàn mới lên tiếng:

- Các vị có ai còn nhớ đến vấn đề thứ nhất mà CPQ mới đề cập không? Tại sao người Phú Lang Sa chưa đánh chiếm Gia Định không?

- Theo tôi thì có lẽ do họ e ngại Duệ Thái tử Cảnh. Còn lý do e ngại thì tôi không rõ. - Đông Định Vương phân tích.

- Anh nói đúng, anh ạ. Em đã chạm trán y hai lần ở Châu Âu. Cảnh ngoài việc là Thái tử của giặc Ánh còn là một Thiếu tá của người Phú Lang Sa mà ngay cả quân đội Liên minh thứ nhất e ngại. Y rất giỏi và được vị Tổng tài Napoleon tin tưởng. Tôi nghĩ, họ e ngại Cảnh chính là vị Tổng tài này.

- Có chuyện này sao?

Mọi người trong phòng họp cảm thấy rất bất ngờ. Nguyễn Quang Huy suy nghĩ một lát rồi mới nói:

- Nhớ năm đó, chúng tôi cũng được CPQ báo lai sự mất tích của y. Ai cũng nghĩ nhiều nhất là y chỉ sang nước Phú Lang Sa cầu cạnh thôi. Không ngờ uy thế của y lớn như vậy.

- Chưa hết đâu - Bàn lại tiếp. - Chính người Áo nói cho tôi điều này. Có những trận chính Cảnh chỉ với quân số ít ỏi, chỉ bằng một phần ba người Áo lại có thể chiến thắng áp đảo. Những người Phú Lang Sa có lẽ cũng một phần e ngại vì lý do này.

- Chà... - Toản chắt lưỡi - Đối thủ của chúng ta quả là đáng nể. Các Khanh có suy nghĩ thế nào?

- Thần nghĩ - Nguyễn Phi Long lại nói - mở nút thắt cách tốt nhất là tìm người buộc nút. Người Phú Lang Sa e ngại y. Ta sẽ cho người ám sát y. Lúc đó, người ở Tô giới sẽ không còn e ngại nữa mà tấn công Gia Định. Giặc Ánh sẽ buộc phải rút về, ta một đường truy kích về tận Gia Định. Nhân đây, ta sẽ giải phóng cho cả thành Gia Định luôn. Như thế, không những dẹp được giặc Ánh, ta còn thu được lòng dân nữa.

- Hay... Hay... Hay... Vậy, việc này phải giao cho anh rồi.

Toản khen liền ba tiếng hay rồi quyết định cứ thế mà làm. Anh nói:

- Vậy chúng ta cứ theo như những gì đã bàn thảo. Một mặt bố trí quân như vậy. Mặt khác, giao cho Đông Định Vương Nguyễn Phi Long lo việc ám sát Nguyễn Phúc Cảnh. Chúng ta tan họp thôi.

- Khoan đã - lúc này, Quang Thuỳ lên tiếng. - Thế anh phải làm gì đây? Anh nhất định không thể đứng ngoài được.

- Anh hai à - Toản nói. - Em tính bàn riêng với anh nhưng anh đã nói vậy thì em nói luôn. Anh lại có một nhiệm vụ rất quan trọng đấy.

- Nhiệm vụ gì?

- Xách động Hồng Hoa Hội ở Quảng Đông, Phúc Kiến để chống lai nhà Thanh. Anh cứ tiếp tế cho họ tiền bạc, vũ khí nếu họ muốn. Có sự quấy rối của họ, nhà Thanh sẽ không còn tâm trí đánh lén ta.

- Ha... Ha... Ha... Thế thì được. Anh sẽ lam ngay đây.

Cuộc họp đến đây cũng kết thúc. Vậy là thời gian hoà bình tạm thời cũng sắp bước vào thời điểm kết thúc. Trận chiến sắp tới có lẽ sẽ là trận chiến cuối cùng, quyết định số phận của đất nước.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện