Chương 51: Cảng Bến Nghé dậy sóng​

Đứng trên soái hạm, Chuẩn Đô đốc Jannier dõi mắt nhìn về cuộc chiến trên cảng Bến Nghé. Ông ta nở một nụ cười ngạo nghễ. "Ha... ha... Thế mà vị Tổng tài kia nhiều lần cảnh báo ta phải thật thận trọng khi tấn công đám người này. Rõ ràng chúng chỉ là một lũ da vàng ô hợp. Cái vùng đất mông muội này sinh ra được một tên Thiếu tá Cảnh đã là vô cùng may mắn rồi. Hắn đúng là một thiên tài quân sự, tiếc là còn quá trẻ để hiểu thấu sự đời. Giá như hắn sinh ra trên đất Pháp thì may ra còn có đường mà lớn lên".

Chiến sự vẫn tiếp tục diễn ra theo huống một chiều. Tuy nhiên, mọi việc không còn nhẹ nhàng như lúc đầu nữa. Người Việt nổi tiếng nhanh trí. Những chiến thuyền còn lại dù chỉ còn hai phần ba lúc đầu, thiệt hai rất lớn nhưng những chỉ huy và binh sĩ dường như đã biết rút kinh nghiệm. Lợi dụng hướng gió Đông Bắc, họ di chuyển thành một hàng về cánh phải. Những chiếc Gale của người Phú Lang Sa dần mất đi ưu thế. Sự di chuyển này cũng giúp lộ ra một khoảng trống, thuyền của những kẻ xâm lược lập tức bị hút vào. Không bỏ qua cơ hội, những khẩu đại bác trên bờ đồng loạt khai hỏa. Đã có những chiến thuyền đầu tiên của kẻ thì bốc cháy và chìm xuống biển.

Tuy vậy, người Phú Lang Sa không phải là những kẻ ngu. Họ nhanh chóng đổi chiến thuật. Những chiếc chiến thuyền lớp Frigate xếp thành một hàng dài, chạy song song với đối phương theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Lợi dụng những cơn gió từ phía bắc thổi xuống, tốc độ của họ trở nên rất nhanh. Chuẩn Đô đốc Jannier cho đoàn thuyền của mình cắt đầu và vòng qua đối phương theo hình chữ U.

Tình hình của chiến thuyền Việt Nam lúc này rất nguy cấp. Thuyền giặc đã vòng qua ở phía đầu tức là họ không thể di chuyển được nữa. Mỗi chiến thuyền lúc này bị kẹp giữa hai chiếc của đối phương. Họ liên tục bị oanh tạc từ hai phía trong tầm gần trong khi những khẩu đại bác trên bờ không dám bắn tiếp, sợ đạn lạc trúng người của mình.

Từng chiếc, từng chiếc chiến thuyền Việt Nam bắt đầu từ trước đến sau dần chìm xuống biển. Tiếng người kêu la, than khóc vang trời. Đứng ở trên bờ nhìn ra, gương mặt Trịnh Hoài Đức như già đi hàng chục tuổi. Nước mắt ông lã chã rơi. "Hết rồi! Thua mất rồi! Bài tính của Thái tử vậy là không còn linh nghiệm nữa". Đoàn chiến thuyền sau đợt công phá lần trước chỉ còn bảy mươi chiếc giờ cũng rơi rụng dần. Sáu mươi chín, sáu mươi lăm, sáu mươi, năm mươi ba, số lượng thuyền cứ thế giảm dần.

Đang lúc buồn rầu, lo lắng, một người lính hớt hải chạy vào trình tấu:

- Bẩm Tham tri đại nhân! Từ trên vọng hải đài ở Vũng Tàu, chúng ta quan sát thấy có một đoàn chiến thuyền đang tiến đến từ hướng Bắc.

- Các ngươi có xem thấy cờ hiệu không?

- Dạ, là cờ của ta.

Trịnh Hoài Đức thoáng thất vọng. Vậy là nhà Tây Sơn không đến rồi.

- Còn nữa, thưa đại nhân. Đoàn thuyền của ta chỉ có vài chiếc, theo sau là một đoàn lớn hơn nhiều của giặc Nguỵ. Hai đoàn này ở rất xa. Muốn về đến đây chắc cũng phải mất một ngày.

- Thế sao? Còn gì nữa không?

- Dạ! Còn một đoàn thuyền nữa rất gần chúng ta. Do vọng hải đài ở Bến Nghé trình báo. Là thuyền của giặc Nguỵ. Họ cách ta chỉ khoảng mười hải lý về phía Đông Bắc. Theo tốc độ di chuyển thì chưa tới nửa canh giờ nữa, họ sẽ đến đây.

- Tốt... Tốt... Tốt... Cuối cùng thì Thái tử đã không đoán sai.

Ông nói liền ba tiếng tốt trong sự ngạc nhiên của anh lính. Đoạn, ông hạ lệnh:

- Báo với các lộ quân, hãy cố gắng cầm cự thêm nửa canh giờ nữa. Ta sống rồi.

- Tuân lệnh!

- Báo!

Lúc này lai có một anh lính khác chạy vào:

- Báo! Có một lộ binh mã của giặc Nguỵ đang tiến nhanh về thành theo hướng Bắc theo ngã Biên Hoà.

Lúc này, Đức hướng về Hoàng thành, nơi có ngôi mộ mới đắp của Nguyễn Phúc Cảnh, nước mắt như mưa mà quỳ bái:

- Thái tử! Ngài đoán và sắp đặt mọi thứ như thần. Bề tôi phục rồi.

Đoạn ông lại đứng lên và hạ lệnh:

- Tất cả đều nằm trong suy đoán của Thái tử. Truyền lệnh của ta, mở rộng cổng thành, không chống cự và mời vị tướng quân thống lãnh của họ đến đây gặp ta.

- Tuân lệnh!

Anh lính mặc dù vô cùng khó hiểu, song khi nghe nói đó là sắp đặt của Thái tử thì lập tức thi hành, không cần hỏi lại.

Trên soái hạm của quân đội Phú Lang Sa, Chuẩn Đô đốc theo dõi tình hình chiến sự. Ông ta chắc mẫm lần này mình sẽ thu được toàn thắng. Đúng lúc này, người lính hoa tiêu trên cột buồm chính nói vọng xuống:

- Chuẩn Đô đốc! Hướng năm giờ có địch, cách ta năm hải lý.

- Cái gì? Quân số của chúng là bao nhiêu?

- Không rõ. Có khói bốc lên cao che mờ tầm nhìn.

- Ha… ha… Vậy thì rõ rồi, không cần quá quan tâm. Chắc là đoàn tàn quân trong trận đại chiến ở miền Trung nước này đang tháo chạy về đây.

Trung tá Daniel Rolande suy nghĩ rồi nói:

- Chuẩn Đô đốc, không đúng. Nếu là đám tàn quân, chúng sẽ phải xuất hiện ở hướng ba giờ chứ không phải là năm giờ.

- Ý anh là sao?

- Có thể là một nhánh quân mai phục trước đó chúng bố trí.

- Thế sao trên thuyền lại có lửa cháy?

- Chúng đánh lạc hướng ta thôi.

- Trung tá này! Anh nghĩ thử xem, nếu là phục binh thì không thể chờ tới giờ phút này chúng mới đến đây tham chiến. Mười phần hết tám chín chúng chỉ là đám tàn quân. Có lẽ trong lúc trốn chạy đã lạc đường ngoài biển thôi.

Bình thường, Jannier là một người hết sức cẩn trọng và lão luyện trong chiến đấu. Thế mà giờ đây, mãi ngủ quên trên chiến thắng sắp tới trước mắt, ông ta đã quá xem thường cánh quân này. Tuy vậy, để tỏ ra mình là một người hiểu biết, ông ta dặn dò hoa tiêu báo cáo tình hình của đoàn thuền này cứ mỗi dặm tiến tới một lần.

Người hoa tiêu tiếp tục theo dõi tình hình và thông báo cự ly tiếp cận. “Còn bốn hải lý… Còn ba hải lý… Còn hai hải lý”. Khoảng cách về thời gian báo cáo cũng không đều nhau. Mỗi lần báo cáo lại lâu hơn lần trước. Có vẻ như tốc độ của đoàn thuyền nọ chậm dần lại. Jannier hất hàm nói với người phụ tá:

- Trung tá, anh thấy chưa? Tốc độ của chúng đang giảm lại. Chắc là chúng không ngờ ta đang tấn công ở đây nên không dám tiến tới nhanh hơn, nếu như tôi không sai thì chúng sẽ dừng lại cách chúng ta một hải lý.

- Hy vọng là vậy. Tôi cũng tin vào phán đoán của Chuẩn Đô đốc.

- Thôi, quay lại trận đánh nào. Anh hãy truyền tin cho các thuyền chở lính nhanh chóng áp sát và đổ bộ lên bờ.

Lệnh đổ bộ được thực thi. Nhân lúc hai bên đang giao chiến, các con thuyền chở lính đang tiến hành tiếp cận vùng biển Cần Giờ. Sau một lúc, cuối cùng cũng đã có ba trong số hai mươi chiếc đổ bộ thành công với một nghìn năm trăm lính. Bọn họ nhanh chóng ổn định đội ngũ rồi tiến nhanh về hướng cảng Bến Nghé với mục đích vô hiệu hóa các khẩu đại bác trên bờ.

Cùng lúc này, đoàn quân Tây Sơn đã đến được cổng thành. Lẽ dĩ nhiên đây chính là quân đoàn ba và người thống lãnh là vị Trung tướng trẻ Đặng Văn Phi. Anh vô cùng ngạc nhiên khi không hề thấy sự chống cự. Ngược lại, cổng thành lại rộng mở. Có một người chạy nhanh đến, cho biết có lời muốn nói với anh.

- Xin hỏi, Ngài có phải là tướng thống lĩnh của cánh quân này?

- Đúng vậy? Ông là…

- Tôi là Hiệu úy Cấm vệ quân Dương Đình Bảng. Được lệnh của Tham tri đại nhân Trịnh Hoài Đức, tôi cho mở cổng thành đón cánh quân của ngài. Cùng với mời Ngài quá bộ đến cảng Bến Nghé gặp đại nhân. Dĩ nhiên, xin ngài hãy dẫn theo cánh quân của mình.

- Tại sao ông ta không đích thân đến đây? Nên nhớ chúng ta đang ở hai đầu chiến tuyến.

- Tôi cũng không hiểu. Có điều, đây là lệnh buộc tôi phải thi hành. Vả lại… vả lại đại nhân còn phải lo đốc thúc binh sĩ chống lại người Phú Lang Sa. Đại nhân nói, mong ngài hãy đến sớm, mọi việc đại nhân sẽ giúp ngài tỏ tường, tình hình lúc này đang rất nghiêm trọng.

Văn Phi lúc này nhớ lại lời của Bộ trưởng Nguyễn Quang Huy trong công hàm: “Tướng quân không cần hỗ trợ bao vây đèo Cù Mông. Hãy một đường tiến về Gia Định, sẽ không có quá nhiều trở ngại cho anh đâu. Đến thành, có lẽ người Phú Lang Sa đã phát động công kích. Chúng ta dù thuộc bên nào cũng là người Việt. Hãy đưa quân hỗ trợ quét sạch giặc Phú Lang Sa và cho người tiếp quản thành. Đừng thắc mắc, đến nơi tướng quân sẽ hiểu”.

Quả vậy, trên đường đến đây, Quân đoàn ba gặp rất ít chống cự. Mọi việc diễn ra thuận lợi hơn mức bình thường. Giờ phút này, tình hình lại đúng như lời Huy nói, người Phú Lang Sa đã tấn công. Lời nói trong công hàm cũng thật đánh thẳng vào anh lòng yêu thương đồng bào. Đúng vậy, dù gì mỗi người cũng vẫn mang trong mình dòng máu Tiên Rồng, là người Việt, là đồng bào. Anh không thể nào trơ mắt đứng nhìn người ngoài xâm chiếm non sông. Anh cho quân tiến qua cổng thành và di chuyển thật nhanh về cảng Bến Nghé.

Ra đón Văn Phi là một vị quan văn, tóc tai rũ rượi nhưng ánh mắt lại hết sức tinh anh. Còn ai khác ngoài Hộ bộ Tham tri Trịnh Hoài Đức nữa. Ông ta nhanh chóng tiến đến nói chuyện với Văn Phi:

- Tôi là Trịnh Hoài Đức. Xin hỏi, phải xưng hộ thế nào với tướng quân?

- Trung tướng, Thống lãnh Quân đoàn ba Đặng Văn Phi. Đại nhân cứ gọi thẳng tên tôi là được, dù gì thì ngài cũng đáng tuổi cha chú tôi.

- Được lắm, Văn Phi à. Quả là người ta đồn đại không sai khi nói các tướng lãnh miền Bắc rất dễ gần. Cũng nói luôn cho anh hiểu. Không biết là vì sao Duệ Thái tử mà nói đúng hơn là Cố Thái tử bảo chúng tôi không cần chống cự các anh. Và chính các cũng sẽ giúp chúng tôi chống lại người Phú Lang Sa. Tình hình giữa hai miền giờ này chắc anh cũng quá hiểu chiến thắng sẽ về tay ai nên cũng không cần phải quá suy nghĩ. Có lẽ chính Thái tử bằng cách nào đó đã liên lạc với vua của anh. Nhờ thế mà chúng ta mới có thể gặp nhau ở đây.

- Có lẽ vậy. Nhưng mà khoan đã… Đại nhân nói Cố Thái tử. Lẽ nào chính là Thái tử cảnh và ông ta đã qua đời?

- Vâng. Chính xác là như vậy. Thái tử còn lưu lại một bức di thư, bảo tôi đưa lại cho người thống lĩnh cao nhất của các ngài. Nó ở đây.

- Đại nhân đừng đưa cho tôi. Có một người còn quan trọng và cao cấp hơn tôi. Có lẽ người ấy đã tới nhưng lại đang ở ngoài kia.

Văn Phi chỉ tay về phía biển. Trịnh Hoài Đức giật mình.

- Còn quan trọng và cao cấp hơn anh. Chẳng lẽ là một vị Tổng thống lãnh nào đó, một trong Tây Sơn thất hổ Đại Đô đốc Vũ Văn Dũng chăng?

- Không phải. Người này còn cao hơn Thượng tướng quân Dũng nữa. Anh ta chính là Chinh Tây Vương Nguyễn Quang Bàn, anh ruột của Hoàng thượng chúng tôi.

- Quả thật đây là tin bất ngờ. Chính Thái tử nhiều lần nhắc đến anh ta. Ngài nói, đã ba lần họ chạm trán cả chính thức lẫn không chính thức ở Châu Âu nhưng bao giờ Ngài ấy cũng thua. Chinh Tây Vương là một trong những người ngài ấy nể trọng nhất.

- Có điều ngài không biết. Chính Chinh Tây Vương cũng vô cùng bội phục Cố Thái tử. Thôi, chúng ta vào việc chính ngay thôi. Đại nhân có thể cho tôi biết tình hình đại khái hay không?

Trịnh Hoài Đức nhanh chóng tóm tắt tình hình cho Văn Phi. Lúc này, toàn bộ số thuyền chở lính của Phú Lang Sa đã đổ bộ thành công lên biển Cần Giờ. Mười nghìn binh sĩ nhanh chóng di chuyển nhanh đến cảng Bến Nghé. Bọn họ cũng gặp phải chống cự nhưng tất cả cũng chỉ như muỗi đốt. Các chốt phòng thủ nhanh chóng bị đánh tan. Việc này cũng được các thám báo phía Việt Nam nắm được và truyền lại cho Trịnh Hoài Đức. Lúc này, Văn Phi nói:

- Đại nhân. Ông hãy tập trung toàn bộ người của mình về phòng thủ ở cảng, ngừa trường hợp tàu chiến của chúng tiếp cận. Nên nhớ, mỗi thủy thủ cũng chính là một người lính được huấn luyện kỹ càng. Phần chúng tôi, cánh quân đổ bộ kia sẽ chính là miếng mồi của mình.

- Tốt lắm, thật cảm ơn các anh rất nhiều.

- Không có gì. Đây chính là phận sự của một người lính đối với Giang sơn thôi.

Quay lại với trận đánh trên biển. Số lượng chiến thuyền của Việt Nam chỉ còn hơn ba mươi chiếc. Cùng lúc đó, đoàn thuyền lạ cũng tiến sát vào. Khác với dự đoán của Chuẩn Đô đốc Jannier, họ khi còn cách người Phú Lang Sa một hải lý thì không những không dừng lại mà còn tiến vào. Đến khoảng cách chừng một ký lô mét mới dừng hẳn.

- Trung tá, anh thấy sao? Tôi dự đoán cũng không sai mấy chứ hả? – Jannier cười sảng khoái với Rolande.

- Vâng. Tôi quả thật là quá lo xa rồi.

Cả hai cùng cười lớn. Nhưng cũng vào chính lúc này, họ nghe thấy những tiếng rít trên không trung. Rất nhiều vật thể lạ đang bay tới.

- Rocket… Trời ơi… Chính là Rocket – Jannier bỗng phát hoảng.

- Chuẩn Đô đốc! Ngài nói sao? Vậy chúng là ai?

- Quân miền Bắc nước này, đồng minh với người Anh. Thôi chết, chúng ta không kịp tránh rồi.

Quả vậy, chiếc soái hạm đứng ngoài trận đánh để quan sát lại là nạn nhân của những quả tên lửa trước tiên. Hơn hai mươi quả rơi xuống trên boong thuyền. hàng loạt tiếng nổ lớn đinh tai vang lên. Chiếc soái hạm chìm trong biển lửa. Tiếng la hét lúc này không còn là những người Việt nữa mà lại là người Phú Lang Sa. Người trên đó cũng không kịp ra hiệu lệnh cho các chiến thuyền khác phòng bị. Bởi lẽ, cả Chuẩn Đô đốc cùng phụ tá của ông ta bị một quả tên lửa trực tiếp rơi trúng và chết thảm.

Chiếc soái hạm bốc cháy và chìm dần vào lòng biển phút chốc làm cho cả trận đánh dừng lại. Tất cả mọi người trên biển lẫn trên bộ đều ngây người như phỗng. Không ai nghĩ đến, chiếc soái hạm đứng bên ngoài xem chừng như rất an toàn, không, phải nói là an toàn nhất, lại bị tập kích và phá hủy trước tiên.

Lại một loạt tên lửa nữa lao tới. Lần này là hàng mấy trăm quả với mục tiêu là những chiếc chiến thuyền ở vòng ngoài. Lại có những chiến thuyền bốc cháy. Một vài chiếc của Việt Nam bị kẹp giữa hai dòng thuyền của người Phú Lang Sa cũng vô tình trúng phải, bốc cháy. Song, điều đó cũng vẫn không cản được sự phấn khích của những người Việt. Họ reo hò và nhanh chóng nạp đạn bắn phụ trợ.

Lúc này, họ mới thấy bóng dáng của người mới đến. những chiếc Định Quốc dẫn đầu đoàn thuyền hàng trăm chiếc đang tiến lại gần. Có tiếng loa tay phát ra từ trên chiếc soái hạm mang tên Vinh Quang: “Các bạn Việt Nam, hãy nhanh chóng rời vị trí và bao vây bên ngoài, để đó cho chúng tôi”.

Những người tham chiến ngay từ đầu lúc này dường như bị giải thoát, họ nhanh chóng rời khỏi tầm bắn của đại bác nhà Tây Sơn. Họ quá hiểu, mình lúc này đã hoàn thành nhiệm vụ mà Thái tử trước khi mất đã bố trí. Thật lòng mà nói, với những người lính, họ chẳng mấy quan tâm người miền nào, chỉ biết người ra lệnh cho mình là ai và ai là địch nhân trước mắt.

Lại có tiếng loa từ chiếc Vinh Quang, lần này người nói lại chính là Chinh Tây Vương Nguyễn Quang Bàn: “Phụng khẩu dụ của Hoàng thương, nhấn chìm toàn bộ chiến thuyền và binh lính Phú Lang Sa xuống biển. Chúng ta không lưu giữ hàng binh”. Tiếng reo hò vang dội, đầy khí phách vang lên tung trời. Tiếng trống trận dồn dập. Sau đó là hàng loạt tiếng nổ vang rền từ hàng trăm khẩu đại bác. Từng chiếc, lại từng chiếc chiến thuyền đầy kiêu hãnh của người Phú Lang Sa lúc trước vẫn còn ung dung hành hạ địch thủ giờ đây đồng loạt bốc cháy và chìm dần xuống đáy biển. Những người rơi xuống biển tưởng chừng có thể thoát thân nào ngờ cũng bị bắn giết từ những viên đạn súng TSG của binh sĩ trên các chiến thuyền Tây Sơn. Đoàn hải thuyền đã biến mất hoàn toàn như chưa từng tồn tại.

Cùng lúc đó, Quân đoàn ba do Đặng Văn Phi cũng nhanh chóng đối đầu với mười nghìn lính viễn chinh. Đầu tiên là những loạt tên lửa và đại bác từ trên lưng voi nhấn chìm bọn họ trong chết chóc và hoảng loạn. Sau đó, với lợi thế của súng TSG với tầm bắn hơn tám trăm mét, hiệu quả trong tầm bắn năm trăm mét, sáu tiểu đoàn kỵ binh nhanh chóng chia cắt đoàn quân Phú Lang Sa thành nhiều mảnh nhỏ. Tiếp theo sau là từng hàng lính bộ binh tiến lên bắn giết không chút tiếc thương. Phải nói rằng, sức mạnh của Quân đoàn ba lúc này chính là cơn ác mộng của người Phú Lang Sa. Mỗi người lính Tây Sơn như là một tử thần, sẵn sàng gặt hái tính mạng của đối phương. Kết quả, cũng như Hạm đội ba, đoàn quân của Văn Phi cũng không cho một người nào có khả năng sống hay chạy thoát. Tất cả mười nghìn người Phú Lang Sa đều tử trận.

Trận chiến đến đây là kết thúc. Văn Phi đem Quân đoàn ba quay trở lại thành Gia Định. Cùng lúc đó, Quang Bàn cùng những người lính của mình cũng cập cảng Bến Nghé. Rất nhanh sau đó, mọi người gặp nhau trong Hoàng cung đặt trong thành.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện