Chương 68: Năm năm
Ở trên đời, có những người luôn chạy theo những việc lớn lao nhưng mãi vẫn là người tầm thường. Cũng có những người làm những việc hết sức tầm thường lại trở nên vĩ đại. Lại cũng có người từ khi xuất hiện đã được định sẵn là vĩ đại rồi. Nguyễn Quang Toản cũng không nằm ngoài quy luật đó. Có thể xem anh là một người trong nhóm thứ ba. Nhưng xét cho cùng thì anh lại nằm trong nhóm thứ hai.
Anh chàng Việt kiều tuy xuất hiện trong vai trò là vua nhưng liệu anh có trở nên vĩ đại nếu không có từng bước cố gắng? Với phương châm “mỗi người là một anh hùng” mà Toản đã định ra từ những ngày đầu đến với thời đại này, Toản chưa bao giờ trực tiếp nhúng tay vào bất kỳ một cải tiến nào về phương diện kỹ thuật hay kinh tế. Thay vào đó, anh chỉ đóng vai trò của một người hướng dẫn và gợi ý. Giả như việc chế tạo mấy loại súng trường vừa rồi, anh chỉ gợi ý cho anh mình, Quang Thuỳ và Vũ Huy Tấn, thế là chúng ra đời một cách rất tự nhiên. Làm như vậy, trong tình cờ, Toản đã khơi dậy tính sáng tạo và lòng nhiệt thành của họ. Bởi thế, trong lòng mỗi người, hình ảnh của anh nổi lên như một người vĩ đại, không gì không làm được.
Lại nói về vùng Lưỡng Quảng. Đây là vùng đất xưa kia là một phần không thể thiếu của Bách Việt. Vùng đất này có thể nói chính xác hơn chính là lãnh thổ của nước Âu Lạc, Văn Lang xưa, sau lại gọi là Âu Việt. Gọi là thế bởi theo truyền thuyết Âu Cơ – Lạc Long Quân, nơi đây chính là vùng đất mà mẹ Âu Cơ đem năm mươi người con đi với lãnh thổ vừa khéo là tỉnh Quảng Đông và một phần Quảng Tây. Đối lại, nước Lạc Việt là vùng đất mà cha Lạc Long Quân bố trí cho năm mươi người còn lại, chiếm lĩnh vùng đất rộng lớn hơn, trải dài từ Tây Nam Quảng Tây đến một phần Vân Nam và Việt Nam ngày nay.
Bởi vậy, nói hai hành tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây là của Việt Nam là không sai. Lại nhớ ngày xưa, Lý Công Uẩn, Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long là có lý do. Chính xác bởi vì Thăng Long nằm ngay trung tâm đất nước. Mãi đến cuối thời nhà Lý thì hai vùng đất này mới bị mất. Bởi thế, việc lấy lại hai vùng đất này cũng chính là nỗi khắc khoải của Quang Trung Hoàng đế năm xưa.
Người Choang là dân tộc lớn nhất ở đây cùng hai tộc người khác. Họ cũng không xa lạ gì với Việt Nam, đó chính là người Miêu được biết đến với tên gọi H’Mông và người Tai cũng chính là người Thái. Một bộ phận khác không nhỏ là người Jing, chính là người Kinh với tên gọi là người Kinh Tam Đảo sinh sống ở Tây Nam Quảng Đông, Đông Nam Quảng Tây và đảo Hải Nam. Nói đến đây, không cần dùng đầu óc cũng hiểu, ba dân tộc lớn kia chính là hậu duệ của nhóm năm mươi theo mẹ Âu Cơ sinh sống ở vùng núi rừng, người Kinh theo cha sống ở vùng đồng bằng ven biển.
Bởi thế, khi được trở về với cội nguồn, các dân tộc này phải biết là hoan hỉ đến bực nào. Họ đã trở về với những người anh em của mình. Rất nhanh chóng, họ hoà nhập với triều đại mới, họ không còn bị coi là dân tộc thiểu số nữa. Họ cũng không còn phải nhìn thấy những ánh mắt kỳ thị của người Hán nữa. Phải nhớ rằng tôn chỉ của nhà Thanh là “Mãn – Hán một nhà”, vậy thì họ ở đâu trong mắt người Trung Quốc. Chỉ có nơi đây họ mới được xem là bình đẳng với các dân tộc khác. Cũng bởi thế, một quyết sách lớn của Toản được mọi người dân ủng hộ. Anh xoá bỏ tên gọi của tất cả dân tộc, gom lại thành một. Và từ đây, mỗi người đều tự hào xưng mình thuộc dân tộc Âu Lạc.
Thấm thoát mà đã năm năm trôi qua. Việt Nam ngày nay đã mang trên mình một diện mạo mới. Hai vùng đất mới nhanh chóng hoà mình vào không khí xây dựng sôi nổi trên cả nước. Đất nước lúc này mới thực sự có hình dáng của chữ S trọn vẹn. Với địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam, Toản cũng cho phân bố lại bản đồ ngành nghề. Vùng phía Bắc bao gồm hai hành tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây có địa hình đồi núi, khoáng sản dồi dào cùng nhiều vạt rừng nguyên sinh nên ưu tiên cho công nghiệp khai khoáng và luyện kim. Chính những vạt rừng nguyên sinh vô tình trở thành lá phổi tự nhiên cho cả vùng. Đương nhiên, chính sách bảo tồn rừng được Toản cho thi hành nghiêm ngặt.
Vùng đất từ đồng bằng sông Hồng kéo dài đến Bình Định trở thành miền Trung với Phú Xuân vô tình chiếm giữ vị trí của Thăng Long xưa, nằm ngay chính giữa đất nước. Người dân ở đây vốn lãng mạn và khéo léo, vô cùng phù hợp với ngành công nghiệp chế tạo cùng mỹ thuật. Những sản phẩm họ làm ra đạt đến trình độ tinh xảo vô cùng.
Phần còn lại, đương nhiên ai cũng hiểu. Đó chính là vựa lúa của cả nước bởi thổ nhưỡng màu mỡ với đồng bằng sông Cửu Long trù phú. Thêm nữa, nếu hiểu theo cách nói dân dã, thì đây là nơi “cấp vốn” cho cả nước bởi trình độ phát triển của ngành thương nghiệp đạt mức cao nhất với đầu tàu Sài Gòn.
Lại có hai thành phố cực lớn và giàu có được khai sinh, Quảng Châu và Nam Ninh. Như vậy, mỗi miền lúc này đều có hai trung tâm lớn, điều hành hoạt động của cả vùng. Miền Bắc đã biết, miền Trung chính là Cố đô Thăng Long và Kinh thành Huế vốn được Toản cho mở rộng Phú Xuân về phía thị trấn Huế. Miền Nam là Sài Gòn và thành phố mới Cần Thơ. Cũng phải nói thêm về hai thành phố phía nam, một là thủ phủ thương nghiệp, một là thủ phủ nông nghiệp. Lại nói đến Tây Nguyên nay thuộc miền Trung lại được dành hẳn cho ngành dệt may và các loài cây công nghiệp.
Về phương diện kinh tế là vậy. Lĩnh vực khoa học và giáo dục còn phát triển đến một mức cao hơn nhiều. Các trường học lại được tổ hợp lại thành từng khối với việc sáp nhập tiểu học và mầm non thành một khối gọi là khối Cơ sở, cấp Sơ Trung và Cao Trung nhập thành khối Nền tảng, trên nữa là khối Vào đời. Các kỳ thi chỉ được tổ chức vào mỗi năm học cuối khối. Riêng ở khối Nền tảng, có hai kỳ thi lớn gọi là Tú Tài một và Tú Tài hai nhưng học sinh lại được cấp chứng chỉ Nền tảng sau khi vượt qua kỳ thi Tú tài một ở lớp mười một và Bằng Tú Tài sau khi vượt qua kỳ thi còn lại. Đây cũng chính là cơ sở để tuyển chọn binh sĩ nhập ngũ làm nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc.
Chữ viết lúc này cũng thống nhất là chữ Quốc Ngữ. Về phần tiếng nói, Toản không ép các dân tộc khác chuyển sang tiếng Việt mà dùng nó làm ngôn ngữ chính. Các ngôn ngữ khác như Choang, Tày, Thái, Dao... vẫn được dùng như cũ nhưng khi viết lại được phiên âm thành chữ Quốc ngữ. Tuy vậy, trong cuộc họp hội đồng toàn thể các dân tộc, toan bộ mọi người đều nhất trí chính sách gộp dân tộc như đã nói. Và một điều nữa, họ lại đề nghị Toản chấp thuận quy định bất kể ai cũng phải dùng tiếng Việt. Nói thật, Toản vô cùng mừng rỡ vì điều này. Bởi vậy mới phát sinh thêm một việc nữa. Đó là biên soạn các bộ từ điển cho mọi người dễ dàng học tiếng Việt. Việc này anh giao lại cho Bộ Giáo dục cùng các vị tộc trưởng lo liệu.
Công tác nghiên cứu khoa học lại còn sôi nổi hơn. Ước mơ của Toản về tàu thủy cuối cùng cũng thành hình với người có công lớn nhất có tên Nguyễn Phúc Đảm, không có ai xa lạ, chính là con trai của Nhân Nghĩa Thái thượng hoàng Nguyễn Ánh. Anh bạn trẻ này nhanh chóng được phong làm Nhân Nghĩa Hầu, giữ chức Bộ trưởng Bộ Khoa học và là người Bộ trưởng trẻ tuổi nhất. Ngoài ra, còn có nhiều phát minh lớn như máy dệt, xe đạp, máy đập lúa dùng sức gió,...
Việc xuất hiện của tàu thủy chạy bằng động cơ hơi nước đã triệt để thay đổi bộ mặt của hải quân khi có việc mặc giáp sắt cho thuyền chiến. Đi đầu trong việc cải tiến này chính là Định Quốc. Trước tiên, người ta lắp những tấm thép dày mười xen ti mét bên ngoài vỏ gỗ rồi tháo lớp vỏ gỗ ra. Sau đó, họ lại đặt những thanh thép khác dày hơn bên cạnh các thanh gỗ rường bên trong làm khung sườn mới rồi gỡ khung cũ đi. Vậy là vỏ tàu đã xong. Việc tiếp theo là gỡ cột buồm và thay vào đó là động cơ hơi nước với bánh lái cùng chân vịt. Tuỳ vào mỗi loại tàu mà nó có số lượng động cơ khác nhau. Trong đó, Định Quốc lớn nhất với ba động cơ, ba ống khói và ba chân vịt. Tốc độ tàu nhờ thế mà càng cao hơn, đạt tới ba mươi hai knots, tức gần bảy mươi kí lô mét một giờ.
Cùng với sự xuất hiện của những chiếc tàu thủy chạy bằng hơi nước, khoảng cách giữa Việt Nam và những đồng minh của mình ở tận Âu Châu dường như ngắn lại rất nhiều. Tốc độ trung bình của chúng vào khoảng năm mươi đến sáu mươi kí lô mét một giờ. Bởi thế, nếu ngày trước phải mất ít nhất là tám tháng cho hành trình Việt Nam – Anh Cát Lợi thì nay chỉ là một tháng rưỡi nếu trời yên biển lặng và tối đa là ba tháng nếu gặp phải những sự cố giữa đường như bão biển hay cướp biển. Nhờ thế, việc giao thương trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Còn nữa, cũng nhờ nó mà những du học sinh và các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà sáng chế của cả hai nước có thể giao lưu, trao đổi với nhau nhiều hơn. Bởi vậy, trình độ khoa học kỹ thuật cùng kim ngạch buôn bán của Việt Nam và nước bạn đạt mức cao chưa từng có.
Nếu như tất cả các mặt của đời sống đều được nâng cao thì sức mạnh quân đội cũng phải tịnh tiến theo. Cả nước lúc này có cả thảy sáu quân đoàn đóng ở ba miền, hai quân đoàn cơ động cùng một quân đoàn biên phòng trải đều ở biên giới trên bộ. Hải quân thì nhờ sự xuất hiện của tàu thủy mà nhân lực trên mỗi con tàu cũng được giảm đi đáng kể. Vì vậy, hạm đội thứ năm đã xuất hiện. Ngoài ra, Toản cũng gợi ý cho Bộ Quốc phòng thành lập thêm ba sư đoàn mới với tên gọi “Lính thủy đánh bộ”. Đây chính là quả đấm thép, lực lượng viễn chinh trên biển và sẵn sàng trợ giúp các đồng minh của mình nếu cần.
Tuy nhiên, quân đội có lớn đến mức nào đi chăng nữa thì vẫn là khiếm khuyết nếu như thiếu đi hai bộ phận cực kỳ quan trọng, đó là Quân cảnh hay còn gọi là Kiểm soát quân sự và Toà án binh. Hai lực lượng này là tối cần thiết để giữ gìn kỷ cương quân đội và giải quyết các mâu thuẫn xuất hiện trong quân ngũ.
Tình hình trong nước là vậy, còn thế giới bên ngoài thì thế nào? Với Trung Hoa đại lục, chính quyền Đại Thanh mỗi ngày một suy yếu. Chỉ trong vòng hai năm, Gia Khánh đã buộc phải thoái vị. Hồng Hoa hội dưới sự lãnh đạo của Trần Quý, cháu gọi Tổng Đà chủ Trần Cận Nam của Thiên Địa hội ngày trước trong hơn một năm là ông đã từng bước đẩy người Mãn Châu về đất của họ. Một năm sau đó, họ chiếm luôn đất của người Mãn Châu. Trong thời gian giữa hai bên đang dằn co, Gia Khánh nhiều lần phải hạ mình phái sứ giả cầu viện láng giềng của mình là Nga La Tư ở phía Bắc. Vua nước ấy là Sa Hoàng Aleksandr I ban đầu còn phái quân đến giúp cùng với sự viện trợ về vũ khí mới có thể cầm cự được một năm đầu tiên. Dù gì thì đây cũng là một Đế quốc. Họ đâu phải không công mà viện trợ cho Đại Thanh. Aleksandr I vốn định nhân cơ hội này mà chiếm luôn đất nước Trung Hoa. Song, khi biết sau lưng Hồng Hoa hội có bóng dáng của Việt Nam, một đồng minh quan trọng của mình trong Liên minh thứ ba thì nhanh chóng từ bỏ ý định. Mặt khác, ông ta còn quay sang ủng hộ Hồng Hoa hội nhằm tranh thủ lợi ích lớn nhất. Sau ngày thống nhất, Trần Quý theo lời Việt Nam mà thành lập nhà nước Trung Quốc, không gọi là Đại Minh hay danh xưng tương tự như vậy với chữ Đại đằng trước như tiền nhân. Ông ta cũng mở rộng bang giao với Anh Cát Lợi, Nga La Tư và các nước nhỏ hơn như Nhật Bản, Triều Tiên, Miến Điện. Cũng theo lời tư vấn của Toản, ông ta đặt Trung Quốc ngang hàng với các nước khác, không tự xưng là Thiên triều như xưa. Ông ta cũng học theo Việt Nam mà tiến hành hàng loạt cải cách mà quan trọng nhất là ở lĩnh vực giáo dục.
Cũng trong thời gian này, tình hình chiến sự ở Châu Âu cũng nghiêng hẳn về Liên minh thứ ba. Cùng với sự tham chiến của Lính thủy đánh bộ Việt Nam cùng Hạm đội năm, phe của Phú Lang Sa mà đứng đầu là Hoàng đế Napoleon Bonaparte dần yếu thế. Chưa hết, với những loại vũ khí mua từ Việt Nam, Anh Cát Lợi cùng đồng minh đã làm chủ chiến trường. Đến năm 1809, Napoleon đầu hàng, kết thúc cuộc chiến kéo dài cả trăm năm ở lục địa già.
Như thế để thấy, sự lớn mạnh của Việt Nam đã làm thay đổi dòng chảy lịch sử hết sức mạnh mẽ. Tên tuổi của Việt Nam và vị vua của mình lúc này đã thật sự vang danh trên trường quốc tế.