Chương 70: Cảnh Thịnh Hoàng Đế
Sống trên trần thế, ai lại không có một ước mơ, một hoài bão. Người nông dân suốt đời gắn bó với ruộng đồng, ước mơ của họ là một vụ mùa bội thu. Một nhà giáo lại ước mơ học trò của mình thành đạt. Một thương gia thì ước mơ mình sau này giàu có, ứng với câu “phú khả địch quốc”. Lại cũng có người đơn giản gia đình mình đủ sống, con cái đỗ đạt, thành tài. Và còn nhiều, nhiều nữa. Nhân sinh trên đời, ai tránh phải quy luật “sinh, lão, bệnh, tử”. Quan trọng là mỗi người đã làm được gì trên hành trình dài này, những ước mơ của mình có thành hiện thực hay không.
Theo dòng chảy của thời gian, có người cảm thấy hạnh phúc vô cùng khi đạt thành ước mơ. Cũng có người nuối tiếc vì những việc còn dở dang. Cũng có người ôm trong mình mối hận nghìn thu. Tất cả dệt nên một bức tranh sống động và giàu màu sắc. Còn khi phải đối mặt với cái chết thì thái độ của họ thế nào. Là lo lắng, là cam chịu, hay là mong chờ. Tin tôi đi, có người mong chờ cái chết của mình đó. Lại nói có ai không sợ cái chết thì đó là chuyện đáng buồn cười nhất thế gian. Một người lính sợ chết thì người tướng nơi sa trường lại còn sợ hơn. Vị tướng ấy lo sợ vì rủi như mình nằm xuống, vợ con nơi quê nhà sẽ thế nào, anh em chiến sĩ không có mình sẽ ra sao.
Cũng như mọi người, Quang Toản của chúng ta cũng sợ chết. Phải nói chính xác là anh rất sợ chết. Nhưng xin đừng lầm tưởng là anh có lá gan nhỏ bé. Anh sợ vì nhiều lý do. Nào là mình có kịp thống nhất Giang sơn hay không. Rồi thì đất nước mình có đứng vững trước các cuộc xâm lăng hay không. Và còn nữa, anh sợ mình chưa thực hiện được hoài bão cuối cùng trong đời.
Nếu thế thì hoài bão đó là gì? Thực ra nói cho đúng thì đó là một tham vọng. Nó có tên là “Nền dân chủ cho đất nước”. Anh hiểu chỉ có nền dân chủ mới có thể đem lại tương lai phát triển vững bền cho muôn dân trăm họ. Khát khao thực hiện này còn đi vào trong giấc ngủ hằng đêm của Toản. Anh trăn trở, thao thức rất nhiều. Có nhiều hình thức dân chủ cho anh lựa chọn. Nền tư bản chủ nghĩa cũng được mà nền xã hội chủ nghĩa cũng tốt. Biết lựa chọn thế nào bây giờ? Cuối cùng, cả hai mô hình dân chủ trên, anh đều không chọn. Vậy thì chỉ còn con đường duy nhất, phù hợp với thực tại của Việt Nam. Đó chính là “Quân chủ lập hiến” mà đại diện hùng mạnh và thành công nhất chính là Vương Quốc Anh.
Đã có con đường, việc tiếp theo là lên kế hoạch và biến nó thành hiện thực. Trong mấy năm qua, thông qua hình thức hiệp thương phổ thông đầu phiếu mà Bộ Chính trị đang áp dụng, Việt Nam đã có một nền tảng khá vững chắc để thực hiện điều này. Nếu để mọi việc cứ thế tự nhiên xảy ra thì phải mất vài năm, thậm chí vài chục năm nữa thì mới hoàn thành. Ấy thế mà thời gian của Toản lại chẳng còn bao nhiêu. “Phải gấp rút thực hiện, phải đẩy nhanh tiến độ thôi”, anh dặn với lòng mình.
Sau khi có buổi nói chuyện với hai người thầy thuốc hôm trước mấy ngày, Toản triệu tập một hội nghị của Bộ Chính trị. Để mở màn, Toản hỏi bá quan:
- Theo các khanh, bè phái trong triều là điều tốt hay xấu?
Gần như không cần suy nghĩ, Ngô Thì Nhậm đã lên tiếng:
- Khởi bẩm! Bè phái là điều tuyệt đối cấm kỵ. Bè phái gây chia rẽ và suy yếu quốc gia.
- Đúng vậy, bệ hạ. – Nguyễn Văn Tuyết nói – Bệ hạ hãy nhìn vào cái gương của chúng thần. Từ ngày Tiên đế băng hà, chúng tướng nhà Tây Sơn chia rẽ sâu sắc, Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền, quốc gia suy yếu đến cực điểm.
Bá quan nhao nhao khen là phải. Chỉ có riêng Toản mỉm cười lắc đầu.
- Trẫm nói bè phái là tốt, các khanh có tin không?
- Làm sao có thể? – Người lên tiếng chính là Nguyễn Ánh.
- Nghĩa phụ! Cha có nhớ lời con hứa khi ở Phú Yên năm xưa hay không? Con nói đến một thời điểm. Và nó chính là hôm nay.
Nguyễn Ánh bồi hồi nhớ lại buổi hội đàm bên bờ ao ở Phú Yên với tiếng đàn réo rắt năm xưa. Phải nói mỗi khi nhớ lại, ông có một niềm tự hào khôn tả. Ngày đó, ông đã quyết định, một quyết định làm thay đổi vận mệnh đất nước. Ông còn nhớ khi đó Toản nói “Rồi sẽ có một ngày người làm chủ đất nước này chính là người dân”. Thế như việc này có liên quan gì?
Hiểu được cái nhìn đầy nghi hoặc của bá quan, Toản lại tiếp:
- Bè phái đúng là có thể làm suy yếu quốc gia. Nó cũng có thể kích thích sự phát triển. Quan trọng là cách chúng tồn tại và mục đích của các bè phái. Miễn là chúng công khai và những bè phái đó chỉ muốn tốt cho quốc gia.
- Ý bệ hạ có phải là tương tự như việc hai thương nhân. Họ cạnh tranh nhau rồi thi nhau giảm giá, người được lợi là người mua hàng? – Trịnh Hoài Đức hỏi.
- Chính xác. Ý bè phái mà trẫm muốn nói chính là những nhóm có cùng mục đích chung cho sự phát triển của đất nước. Họ cạnh tranh với nhau. Rồi sẽ có nhiều ý kiến mới, nhiều cách làm hay ra đời. Như vậy, được lợi chính là đất nước.
- Ý bệ hạ phải chăng là bây giờ chúng thần tự chia thành mấy phái? Điều này không ổn đâu. – Tuyết nói.
- Không phải.
Ngẫm nghĩ một lúc, Quang Bàn vốn là con rể của vua nước Anh Cát Lợi mới hỏi:
- Ý chú là hình thức giống Vương quốc Anh Cát Lợi phải không chú tư?
- Chính thị. Anh ba, anh thấy hình thức này thế nào?
- Đúng là rất tốt. Tuy nhiên, quyền lực của nhà vua cũng không còn lớn như trước nữa. Vả lại, chúng ta chưa có kinh nghiệm về việc này.
- Thật ra việc này không khó. Trẫm đã có kế hoạch cả rồi. Quan trọng là sự hợp tác của các khanh. Lại nữa, các khanh có biết vì sao trẫm chọn con đường này không?
- Chúng thần ngu muội, khẩn xin bệ hạ nói rõ – các quan cùng thưa.
- Đây là trẫm trông lại tấm gương của tiền nhân thôi. Các khanh vì sao trung thành với trẫm. Nói ra là tự cao nhưng ít ra trẫm không thấy thẹn với tổ tiên. Nhưng con cháu trẫm chắc gì đã là người tài giỏi, anh minh, biết đâu lại còn là hôn quân, đam mê tửu sắc. Khi đó, liệu rằng chúng nó có còn giữ được ngai vàng không? Lịch sử đã chứng minh, mỗi khi thay triều đổi đại thì cũng chính là lúc đất nước bị họa ngoại xâm, muôn dân phải khổ. Vậy thì chi bằng trẫm từ bỏ quyền lực, trao vào tay muôn dân.
Nhìn một lượt bá quan, Toản lại tiếp:
- Nói như thế cũng không có nghĩa là hoàng gia không còn tồn tại. Tiếng nói của quân vương vẫn còn nguyên giá trị. Chỉ là khi đất nước bình an, hoàng gia sẽ lui vào hậu đài, nhường chỗ cho cơ quan đại diện cho người dân gọi là Quốc hội. Đến khi đất nước gặp phải binh biến hay những người cầm lái đất nước tha hoá, trở nên vị kỷ, không biết lo cho dân, gây thiệt hại cho dân thì nhà vua mới ta tay giải tán quốc hội. Đến khi mọi sự bình an, hoàng gia lại một lần nữa lui về. Làm như vậy để đảm bảo đất nước luôn ổn định, những kẻ có dã tâm không dám làm bậy vì nhà vua vẫn còn đó. Hoàng thân quốc thích cũng không phải là ngồi mát ăn bát vàng mà vẫn phải lao động kiếm sống như bao người. Các khanh đã hiểu ý trẫm chưa?
- Thần đã hiểu. Bệ hạ quả là anh minh và nhìn xa trông rộng – Tuyết nói.
- Anh cũng không ngờ rằng chú nhìn xa như vậy – đến lượt Quang Thuỳ lên tiếng.
- Nghĩa tử! Người làm cha này quả thật là u mê. Đất nước nếu rơi vào tay ta có lẽ chẳng được như thế này đâu. Ta tâm phục khẩu phục rồi.
Toản lúc này chỉ mỉm cười, không nói. Anh hiểu nếu nói nữa thì hoá ra mình tự kiêu. Đôi khi im lặng chính là câu trả lời tốt nhất.
Cuối cùng thì việc này cũng được thông qua. Toản hướng dẫn cho bá quan từng bước một. Đầu tiên, mọi người chọn ra trong số quan chức cùng toàn thể bộ chính trị tổng cộng một trăm năm mươi mốt người, gọi là Thượng nghị viện Quốc hội. Mỗi người trong số đó gọi là Thượng nghị sĩ. Đứng đầu là Thủ tướng, kiêm luôn vai trò Chủ tịch Quốc hội.
Sau khi cơ cấu thượng tầng đã xong, mọi người lại cho tổ chức tổng tuyển cử cơ quan thứ hai là Hạ nghị viện. Tất cả những người có tài, học vấn cấp Đại học trở lên, tức là đã hoàn thành cấp lớp Vào đời đều có quyền đứng ra tranh cử. Một bầu không khí tuyên truyền, vận động phiếu bầu vô cùng sôi nổi diễn ra trên cả nước. Phải nói người vui mừng nhất là dân chúng. Họ hiểu, từ nay, tiếng nói của mình đã có giá trị, mỗi ứng cử viên là người đại diện cho chính họ. Cuối cùng, ba trăm lẻ một người trúng cử, trở thành Hạ nghị sĩ. Nhiệm kỳ của lưỡng viện Quốc hội đều là bốn năm. Lúc này, các đảng phái chưa phân. Theo ý Toản, rồi cũng sẽ phát sinh đảng phái sau nhiệm kỳ đầu tiên. Anh cũng khống chế cả nước chỉ có hai đảng gọi là Cánh Tả và Cánh Hữu.
Việc Toản làm cũng chỉ dừng lại ở đó. Mọi việc sau này thì cứ hết một nhiệm kỳ sẽ đâu vào đó. Anh cũng yên tâm lui vào hậu trường rồi. Cũng theo ý Toản, vị Thủ tướng đầu tiên là được chỉ định không cần phải bầu cử. Việc này cũng gây ra không ít tranh cãi. Tất cả đều xoay quanh việc lý do gì mà nhà vua lại không chọn một trong hai người anh của mình mà là một người khác. Kể ra tân Thủ tướng cũng chẳng phải xa lạ gì, chính là Nguyễn Phúc Đảm, con trai Nguyễn Ánh và cũng là Bộ trưởng Bộ Khoa học. Lý giải cho việc này, Toản ra lệnh: “Tất cả người Hoàng tộc trực hệ ba đời của nhà vua có thể làm bộ trưởng, không được làm Thủ tướng. Như vậy, Hoàng tộc có thể giữ vị trí trung lập và tránh sự chuyên quyền”.
Tân Thủ tướng Nguyễn Phúc Đảm lại chọn ra những bộ trưởng mới cùng những người khác cho nội các của mình. Nhóm người này trừ mấy vị bộ trưởng, còn lại đều có thể không phải là Nghị viên. Một điều nữa, tất cả thành viên nội các đều còn rất trẻ. Phần lớn trong số họ đều là lứa du học sinh thứ nhất và thứ hai năm xưa.
Mọi công tác đã hoàn tất. Ngày 5 tháng 7 năm 1802, tức là vừa tròn hai mươi năm Toản đến thời đại này và cũng là ngày Quốc khánh, toàn thể nội các chính phủ đến ra mắt nhà vua. Và đây cũng là ngày mà vị tân Thủ tướng tuyên thệ nhậm chức. Toản nói vài lời dặn dò rồi chúc phúc cho người em nuôi của mình trên điện rồi mỉm cười, ngồi xuống. Nguyễn Phúc Đảm lại nói một bài diễn văn trước mặt các vị đại diện cho lưỡng viện Quốc hội. Khi anh vừa dứt lời cũng là lúc mọi người vỗ tay chúc mừng. Ấy thế mà lạ quá, bình thường thì trong những khoảnh khắc thế này, Toản là người vỗ tay to nhất. Thế nhưng lần này, điều đó lại không xảy ra. Dự cảm thấy việc chẳng lành, Đảm quay lại.
Toản vẫn ngồi đó, vẫn với nụ cười cố hữu, vẻ hạnh phúc tràn đầy trên gương mặt. Nhưng ô kìa, đôi mắt anh nhắm nghiền như đang say ngủ, một giấc ngủ thật an bình. Vị vua trẻ đã ra đi. Đảm bất giác không kìm được những giọt nước mắt lăn dài trên má. Tân Thủ tướng quỳ sụp xuống. Anh không khóc, anh không thể khóc. Anh nghĩ rằng, Toản ra đi với nụ cười mãn nguyện, có lẽ nhà vua đã vui lắm. Vậy thì những tiếng khóc lại có thể làm linh hồn người quá cố buồn biết mấy. Anh quỳ, cả chính điện đều quỳ trầm mặc.
Ngày hôm đó, người bạn thân nhất của Toản, Tiểu Thái, đã gửi đến Đảm cùng toàn thể nội các và quốc hội một bức di thư do chính tay Toản viết trước đó không lâu. Trong bức thư, Toản nhường ngôi lại cho anh ba mình là Quang Bàn. Lại có đoạn viết:
“Hỡi những vị anh hùng của đất Việt! Hãy vui lên vì công sức bấy lâu của chúng ta đã được đền đáp. Đừng khóc cho trẫm. Thay vào đó, trẫm muốn các khanh vui cười và chia vui cùng trẫm. Vì trong suốt cuộc đời mình, trẫm đã hoàn thành mọi ước mơ, mọi khát vọng. Trẫm đã trở về nơi trẫm đã đến, trong vòng tay của Đấng Tạo Hoá. Người đã ban cho trẫm rất nhiều điều. Và trẫm cũng không phụ lòng tin yêu của Người.
Hãy vui sống hỡi những người ở lại. Trẫm rất sợ cái chết nhưng cũng chào đón nó bằng một tinh thần lạc quan. Hãy vui lên vì chết có gì là khó, sống mới chính là khó. Trẫm đã xong việc của mình, các khanh ở lại thì hãy tận dụng những giây phút còn tại thế mà tạo phúc ấm cho muôn dân. Trẫm ở trên Thiên đường sẽ ngày đêm dõi theo, vẫn sẽ mãi đi theo và chúc phúc cho mọi người. Hãy sống xứng đáng và vui vẻ”.
Đoạn thư trên ngay ngày hôm sau được đăng tải khắp các mặt báo. Không ai bảo ai, cũng không vì lệnh của chính phủ mà mỗi người đều chít lên đầu chiếc khăn tang màu trắng. Vị vua luôn yêu thương và lo lắng cho họ đã ra đi. Người ấy còn lo cho họ mãi cho đến giây phút cuối đời và còn hứa hẹn dõi theo họ từ trên Thiên đường xa thẳm.
Quốc tang được kéo dài suốt một tháng. Mộ của anh được đặt ở Hoài Ân, Bình Định, bên cạnh mộ của Cố Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh bởi trong di thư, Toản có yêu cầu. Thư rằng “Hãy cho trẫm được nằm bên cạnh người anh em, người bạn và cũng là đối thủ đáng kính trọng mà trẫm chưa một lần gặp mặt, Anh Duệ Đông cung Hoàng Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh”.
Một bức tượng lớn của Toản cũng được dựng lên ở trước lăng mộ anh cùng dòng chữ: “Nơi đây là chốn an nghỉ của vị Hoàng đế vĩ đại nhất trong lịch sử, người đã đánh thức con rồng đất Việt nghìn năm say ngủ. Con dân nước Việt muôn đời sau hãy nhớ lấy: danh hiệu của người là Cảnh Thịnh Đại Hoàng Đế, David I của Việt Nam, Nguyễn Quang Toản”.
Vị vua trẻ anh minh, tài giỏi lại yêu dân Nguyễn Quang Toản đã không còn ở thế gian. Nhưng bức tượng của anh vẫn đứng đó sừng sững qua năm tháng với ánh mắt nhìn xa xăm, nụ cười hiền lành cùng đôi tay dang rộng như muốn ôm tất thảy những người con đất Việt vào lòng.
Hết