Chương 11: Trận chiến thành Phú Yên​

“Nhất tướng công thành, vạn cốt khô”, đó là điều người ta thường thấy trong bất cứ cuộc chiến nào. Đặc biệt là dưới tình trạng hai phe tham chiến có binh lực tương đương. Có lẽ trận chiến mấy ngày nay dưới chân thành Phú Yên xem ra là kỳ lạ nhất. Không có tiếng trống trận giòn giã. Không có tiếng la hét vang trời. Không thấy hai phe dàn trận đánh nhau. Cũng không có thương vong cho cả hai phe. Chốc chốc, người ta chỉ thấy mưa tên bay rợp trời, đi kèm với nó là lửa. Cứ như vậy kéo dài đến nay đã năm ngày. Ba hôm đầu tiên, người ta chỉ thấy mưa tên xuất hiện vào ban đêm. Hai hôm nay lại ngược lại, ban đêm lại thật yên tĩnh, chẳng bù với ban ngày.

Trời mùa hè ở mảnh đất miền trung rất khắc nghiệt. Từng đợt gió mùa Tây Nam xuất phát từ Hạ Lào vượt qua dãy Trường Sơn mang theo cái nóng hầm hập. Cả thành Phú Yên oằn mình dưới cái nóng như đổ lửa từ những cơn gió, từ mặt trời trên cao và từ những đợt mưa tên lửa.

Anh thanh niên đi đi lại lại giữa căn phòng chỉ huy. Mồ hôi trên lưng nhễ nhại. Chốc chốc anh lại chửi rồi lắc đầu, lại đi đi lại lại. Sự việc cứ thế lặp đi lặp lại như một vòng tuần hoàn bất tận.

- Cái đám giặc Ánh ôn dịch. Chúng bây hành hạ ta năm ngày nay chưa đủ hay sao? Cớ gì vẫn chưa phát binh công thành? Bây dư gỗ làm tên lắm à. Một lũ biến thái.

- Huy tướng quân hãy bình tĩnh.

- Bình tĩnh cái nỗi gì? – Anh thanh niên là vị tướng trẻ Nguyễn Quang Huy, không giấu được vẻ gắt gỏng. – Quân sư, ông tính xem chúng đang có gì trong hồ lô? Cứ bắn rồi lại trốn. Thật không xứng là hảo hán.

- Có lẽ chúng đang muốn hành hạ tinh thần chúng ta. – Ngô Thì Nhu lên tiếng. – Nhưng thật không hợp với thường quy. Lẽ ra chúng phải tấn công rồi khi thấy tinh thần của ta đã rệu rã chứ.

- Thì đó. Chẳng hiểu chúng nghĩ ra cái quái quỷ gì.

- Có lẽ chúng đang chờ. Còn chờ cái gì thì chưa biết.

- Thế triều đình có động tĩnh gì không?

- Đô đốc Tuyết bảo chúng ta cứ áng binh bất động chờ đợi. Anh tôi thì lại bảo cứ để chúng bắn tên cho đã đi, giặc Ánh giàu mà. Tôi cũng chưa hiểu bên trên nghĩ gì nữa.

- Thật là. Cái trò chơi này kéo dài đến bao lâu đây. Muốn đánh thì đánh đại cho rồi. Ài… hành hạ ta đến khổ.

“Báo… Có tin từ Phú Xuân”, tên lính giao liên cầm một phong thư hớt hơ hớt hải chạy vào. “Đưa ta xem. Được rồi, ngươi ra phụ mọi người cứu hỏa đi”

Đọc thư, Huy lắc đầu, lại tỏ ra khó hiểu. Anh chìa bức thư ra.

- Ông Nhu, ông xem thử đây là ý gì? Hoàng thượng dạy ta xuất thành giao chiến. Rồi lại bảo trá bại, chạy về, không cần nâng cổng thành lên, sau đó lại rút về chân đèo Cù Mông là sao?

Tiếp lấy bức thư, gương mặt Ngô Thì Nhu tỏ ra đăm chiêu. Một lát sau, mắt y bừng sáng như hiểu ra.

- Ha… ha… ha… Hoàng thượng cao minh. Giặc Ánh kỳ này thảm rồi.

- Ông nói vậy là sao?

- Anh xem, – trả bức thư cho Huy, Nhu tiếp. Trong thư, Hoàng thượng bảo chúng ta trước sơ tán dân chúng trong thành, lại bảo chúng ta rút về cố thủ ở đèo Cù Mông chờ lệnh. Trước đó, có người lại thấy hải đội của giặc Ánh xuất hiện ở vùng biển Diên Khánh. Rõ ràng Hoàng thượng muốn đốt thành.

- Đốt thành? Tôi chưa rõ.

- Này nhé. Giặc muốn tiến binh vào đánh Quy Nhơn, quân ta phải phái binh cứu viện. Ông nghĩ viện binh ở đâu gần nhất? Là chúng ta. Khi đó, Võ Tánh lại xua quân truy đuổi. Lúc này, nếu chúng ta chống lại, thành Quy Nhơn không được cứu viện kịp thời, tất mất. Nếu ta không chống mà chạy về cứu viện, giặc đuổi giết, ta chắc chắn sẽ tổn binh; đến khi về tới Quy Nhơn thì chả còn mấy mống; giặc lúc này hai đường giáp công, Quy Nhơn cũng mất.

- Vậy đây là chết chắc. Ông nói giặc Ánh thảm là thế nào? Tôi không hiểu.

- Ông nghe tiếp. Rõ ràng Hoàng thượng muốn bỏ thành Quy Nhơn cho giặc. Nhân tiện ép Thái Đức Hoàng đế thoái vị. Quân ta lại vòng qua theo ngã Tây Nguyên, tái chiếm Phú Yên lúc này không còn binh do giặc đã truy đuổi anh và tôi. Tôi nghĩ cánh quân này ít nhất cũng là Ngũ phụng thư hoặc một trong Thất hổ tướng. Sau đó, Tánh sẽ bị quân của anh và tôi phản công, lại bị tập hậu, lâm vào thế hai mặt giáp công. Ta chiến thắng, lúc này lại kéo binh về Quy Nhơn. Lúc này có lẽ Ánh đã hạ thành và trở thành ba ba trong rọ.

- Diệu kế… quả là diệu kế.

- Không phải, – Nhu lắc đầu. Đến cả tôi cũng nghĩ ra, lẽ nào Tánh lại không nghĩ ra nói chi bên cạnh còn có Lê Văn Duyệt.

- Thế ông bảo sao?

- Hoàng thượng chỉ bảo anh và tôi lui về cố thủ ở đèo Cù Mông mà không nói tiếp sẽ làm gì. Tôi nghĩ lúc này Thất hổ tướng đã có mặt ở đó. Khi đến nơi, chúng ta sẽ được nghỉ ngơi. Cánh quân kia sẽ thế chỗ chúng ta, dụng kế “gậy ông đập lưng ông” hỏa thiêu thành Phú Yên. Xong xuôi đâu vào đấy, chúng ta mới kéo binh về Quy Nhơn. Đây mới là diệu kế.

- Hay… hay… hay… – Huy nói liền ba tiếng hay – ai bảo Hoàng thượng của chúng ta trẻ người non dạ. Quả là “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Tôi đã thấy hình bóng Tiên đế trong Ngài rồi.

Giữa trưa hôm đó. Chính lúc đợt mưa tên bắt đầu là lúc Cổng Nam thành Phú Yên mở ra. Huy dẫn theo năm nghìn tinh binh tiến đến nghênh tiếp quân doanh Võ Tánh. Cùng lúc, Ngô Thì Nhu dẫn theo hai nghìn binh lặng lẽ rút đi, mai phục trên đường tiến về đèo Cù Mông.

Tiếng thét xung trận lần đầu tiên vang lên. Kỵ binh của Huy xông vào trận đia quân địch tha hồ chém giết. Họ chịu đựng quá lâu rồi. Nghênh đón họ là từng hàng Kỵ mã thương của quân Võ Tánh. Mỗi đợt xung phong của kỵ binh là một tầng nhân mã ngã xuống. Năm nghìn kỵ binh nhanh chóng giảm xuống. Năm mươi, một trăm, rồi hai trăm, Huy cũng bị rớt xuống ngựa.

Thấy thế, Võ Tánh hạ lệnh vây giết. Chủ tướng đối phương ngã ngựa, đây không phải là lúc kết liễu thì còn đợi khi nào. Tiếng trống phản công vang lên, Tánh thân chinh xuất mã, xung phong chém giết.

Phần Huy, anh đã chuẩn bị sẵn một con ngựa dự phòng. Anh leo lên ngựa, lao về phía Võ Tánh. Giao đấu được ba hiệp, Huy bị Tánh đánh văng thanh ngân thương. Lúc này, trên thành phát ra một tiếng trống lệnh. Anh vội vàng quay ngựa, hạ lệnh rút nhanh về thành.

Tánh lúc này có hơi bất ngờ. Ông đánh giá Huy còn cao hơn Lê Văn Hưng. Lẽ nào dễ dàng bị mình đánh bại. Lúc này lại nghe tiếng trống lui binh trên tường thành. Tánh lại nghĩ: “Có lẽ Nguyễn Văn Thắng giờ này đã công thành Quy Nhơn. Quân Tây Sơn muốn bảo toàn binh lực, rút về để cứu viện Quy Nhơn đây mà. Lê Văn Duyệt quả tính toán như thần. Hôm nay không chiếm thành thì là lúc nào”.

Nghĩ thế, Tánh hạ lệnh truy đuổi. Ở hậu quân, Lê Văn Duyệt trầm ngâm. “Hy vọng Tánh có thể giết được Huy trước khi vào thành, bằng không…”

Song phương lúc này một lui, một đuổi, đang tiến nhanh về thành. Quân Tây sơn vượt qua Cổng thành Nam, lại một đường tiến về Cổng thành Bắc, tiếp tục tháo chạy về đèo Cù Mông. Huy cướp đường mà lui gấp gáp đến nỗi quên hạ lệnh đóng cổng thành, cứ thế một đường tháo chạy. Võ Tánh một đường thắng thế lại hạ lệnh không cần nghĩ, tiếp tục truy đuổi quân Tây Sơn.

Trên con đường độc đạo dẫn đến đèo Cù Mông, xa xa ở phía nam, bụi mù bay mù mịt. Đến một khúc quanh, Huy bảo toàn quân lúc này chỉ còn khoảng hơn bốn nghìn người tiếp tục chạy cho đến lúc gặp viện binh ở chân đèo. Phần anh xuống ngựa, một mình leo lên sườn núi bên cạnh.

Một lúc sau, truy binh Võ Tánh chạy đến. Bỗng dưng, một màn mưa tên ập xuống quân nhà Nguyễn. Cách phía sau không xa, ở đoạn giữa đoàn quân, từng tảng đá to, từng súc gỗ lớn từ sườn núi lăn xuống. Từng mảng lớn quân Võ Tánh bị đè chết. Đoàn quân bị chia cắt thành hai đoạn.

“Chết. Trúng kế rồi. Tưởng chúng muốn một đường chạy đến chân đèo mới phản công. Nguy a”. Võ Tánh giật mình. “Lui về thành. Lui về thành”. Quân nhà Nguyễn lúc này cuống cuồng vứt cả binh khí mà lui về thành. Cùng lúc, Ngô Thì Nhu dẫn theo hai nghìn quân phục sẵn từ trước, bắt đầu phản công.

Đứng trên tường thành, Lê Văn Duyệt sai người bắn tên đoạn hậu, ngăn truy binh Tây Sơn. Đợi quân Võ Tánh an toàn lui về thành, Duyệt sai người đóng cổng thành. Hai nghìn quân Tây Sơn lúc này cũng dừng lại, lui về đèo Cù Mông.

- Ông nghỉ ngơi chút đi. – Duyệt nói với Võ Tánh. Có lẽ lúc này giặc Tây Sơn đã bình an rút về đèo Cù Mông.

- Ông nói phải. Toàn quân đã mệt mỏi, ta phải nghỉ ngơi chút ít cho lại sức.

- Ông chỉ có thời gian một ngày thôi. Ở lâu tôi e sinh biến. Đã qua giai đoạn đầu tiên. Ngày mai ông cho một nhóm nhỏ quấy rối trận doanh giặc ở đèo Cù Mông. Chúng ta còn phải chuẩn bị tâm lý nghênh đón cánh quân do Thất hổ Tây Sơn đánh úp nữa.

Lại nói về quân Tây Sơn. Về đến đèo Cù Mông, Huy bất ngờ khi không phải thấy một người trong Thất hổ tướng mà những ba người. Anh tiến lên chào từng người rồi nói:

- Thật may chư vị tướng quân có mặt kịp thời. Chẳng hay chư vị dự tính đêm nay công thành, tái chiếm Phú Yên? Tôi đã cho người chôn sẵn thuốc nổ trong thành.

- Ha… ha… Không hổ sự kỳ vọng của lão Hưng. – Đô đốc Bảo lên tiếng. – Chúng sẽ không ngờ là ta sẽ mau chóng phản công đâu.

- Không dám. Tôi ngu muội, làm sao nghĩ ra kế sách này. Tất cả đều do quân sư tính toán.

- Thật không phụ lòng ta. – Thái úy Lê Văn Hưng lúc này mới lên tiếng. – Ta tin tưởng anh sẽ không phải nhất thời sốc nổi mà cãi lại Nhu.

- Anh nói vừa đúng, vừa sai. – Bảo lại nói. – Không chờ đến đêm. Lúc này Đô đốc Long và Đô đốc Lộc đã dẫn năm nghìn quân phóng hỏa thành Phú Yên rồi. Anh xem.

Nói rồi, ông chỉ tay về phương nam. Như để chứng minh cho lời ông, thành Phú Yên vang lên từng tiếng nổ lớn, khói lửa bay ngợp trời. Đứng trên đỉnh đèo Cù Mông, thành Phú Yên ở xa rực cháy như một hỏa lò cực lớn. Quả thực, quân Tây Sơn không cho quân triều Nguyễn có một phút giây nào nghỉ ngơi.

Lúc này, dưới chân thành, Đô đốc Lộc suất lĩnh hai nghìn quân, cho đại pháo liên tục khạc lửa, bắn phá tường thành. Đô đốc Long lại dẫn ba nghìn quân, vòng qua, phục giết quân Nguyễn Ánh rút chạy.

- Nguy rồi. Giặc Tây Sơn đã tính trước ta một bước. Chúng bỏ thành Quy Nhơn, đánh úp quân ta ở đây. – Lê Văn Duyệt thất thanh.

- Mau rút ra khỏi thành từ cổng Nam. Chúng không kịp truy kích đâu. Võ Tánh thét lớn giữa ba quân.

Ra khỏi thành, quân Nguyễn Ánh lại một lần nữa đụng phục binh. Đô đốc Long cho người bắn tên xối xả. Phía xa, ông lại cho Kỵ mã thương xếp thành hai hàng nghênh đón quân địch rút chạy.

Dằn co được hơn một canh giờ, Duyệt và Tánh cũng mở được một đường máu, rút chạy về thành Diên Khánh. Đô đốc Long không cho truy kích, chỉ dừng lại kiểm tra lại tổn thất.

Trận chiến này kết thúc, quân Tây Sơn toàn thắng, tổn thất gần một nghìn hai trăm người. Về phía quân Nguyễn Ánh, binh đi một vạn năm nghìn người, tàn quân lui về Diên Khánh chỉ còn gần một nửa; Lê Văn Duyệt trúng hai mũi tên trên lưng, máu thấm đẫm chiến bào, Võ Tánh cũng bị thương nặng nơi chân, không nghỉ ngơi ba tháng dứt khoát không khỏi. Quả đúng là Nguyễn Ánh đợt này đã “thương gân động cốt” rồi.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện