Chương 29: Truyền bá võ dân tộc​

Cuối cùng thì Hiệp ước London về bang giao giữa Anh Cát Lợi và Đại Việt cũng được ký kết vào ngày 1 tháng 1 năm 1796 cùng với sự làm chứng của Đức Giáo Phụ. Vị này chính là vị đứng đầu Hội đồng Giám Mục Anh giáo vốn tách ra từ đạo Thiên Chúa Giáo La Mã. Ngày ký kết cũng chính là ngày đầu năm mới, đánh dấu sự chuyển mình chính thức, thay đổi dòng chảy của lịch sử.

Năm ngày sau, Phan Huy Ích giao lại việc quản lý du học sinh lại cho Phạm Thái. Đoạn ông bảo mọi người chuẩn bị một bữa tiệc nhỏ và mời Bàn lúc này đang ở trong khu nhà của sĩ quan đến dự. Số là hai hôm nữa ông phải theo đoàn thương thuyền của công ty Đông Ấn mà về nước.

- Vương gia. Hai ngày nữa thần về nước rồi, Ngài có gửi gắm gì cho Hoàng thượng không?

- Ài! Phải hai ngày nữa ông mới khởi hành, việc này nói sau. Bây giờ, chúng ta cứ vui.

- Vương gia, ngài cũng thật là. Có cuộc vui là quên mất chính sự. - Phan Huy Ích vừa nói vừa cười.

Trong thâm tâm Phan Huy Ích, việc chia tay Bàn cũng làm ông khá lưu luyến. Phải nói, trong tất cả các đời vua chúa mà ông biết, chỉ có ba anh em Thuỳ, Bàn, Toản là khác biệt. Họ chinh phục quần thần không phải bằng uy quyền hay lợi dụ mà là chân tình. Nói đâu xa, gần một năm trời lênh đênh trên biển, Bàn dùng lễ hậu bối mà đối xử với Ích. Lại nữa, ông vốn là quan văn, thể chất yếu ớt, Bàn mấy phen cứu ông khỏi nhiều cơn giận dữ của đại dương bao la.

- Ta nói này Phan Huy Chú - Bàn nói. - Anh là con của Đại học sĩ. Bởi vậy, anh phải tận dụng thời gian ở đây mà học tập cho tốt, đừng làm mất mặt ông ấy.

- Vương gia nói quá, thần có lơi lỏng phút giây nào đâu.

- Đừng có chối. Ha... Ha... - Phạm Thái cười phá lên. - Không phải anh đang mết cô em nhà Downing sao?

Nghe vậy, mọi người phá lên cười vui vẻ. Chú gần đây có vẻ luyện được da mặt đay như Vương gia của mình, Quang Bàn. Anh không những không đỏ mặt, lại còn xuề xoà:

- Ấy... Không phải bây giờ chúng ta đang "đem chuông đi đánh xứ người" sao. Vậy mới tốt chứ.

Không để mọi người có thời gian há hốc ngạc nhiên về mình, Chú quay sang công kích Thái:

- Chẳng phải cậu cũng đang để ý cô chị sao? Mary nói cậu "cưa" Lisa lại tưởng nhầm Mary là chị ấy.

Ha... Ha... Ha... Lúc này mọi người còn cười lớn hơn, có người lại còn đập bàn cười nghiêng ngả. Lúc này, người đỏ mặt chuyển sang cho Phạm Thái. Bữa tiệc cứ thế mà diễn ra trong vui vẻ.

Bữa tiệc nào rồi cũng đến luc tàn, hợp mãi tất phân, hai ngày sau Phan Huy Ích cũng lên đường. Ấy... Đừng nghĩ là có nước mắt rơi nhé dù trong đoàn người vẫn có nữ cải nam trang. Là ai à, hì hì, về sau khắc biết. Ngược lại, đa số còn cảm thấy vui vì giờ đây không còn "lão già" hay nhắc nhở mọi người nghiêm túc. Dẫu gì thì họ vẫn là những người thanh niên, luôn mơ ước cuộc sống tự do, không ràng buộc.

Ai quay về với phận sự của người nấy. Bàn cũng đã đến lúc quay về với cuộc sống quân nhân. Có một quy luật bất biến, đời quân nhân có mấy khi thảnh thơi. Nếu không có chiến sự thì phải vùi đầu vào huấn luyện. Các bài tập thể lực, đội ngũ, chiến thuật, các động tác cơ bản cứ thế mà chiếm gần hết thời gian trong ngày của Bàn.

Trong những ngày đầu tiên, hầu như anh không lúc nào ngơi nghỉ. Cũng may, bản thân Bàn là một người văn võ toàn tài. Thật ra, trước đây, anh vẫn thường cùng Đô đốc Tuyết Nam chinh Bắc phạt. Giống như Quang Thùy, ngay từ nhỏ vua cha đã đặt ra yêu cầu rất cao đối với mấy anh em, từ năm mười bốn tuổi đã phải lên lưng ngựa rong ruổi sa trường.

Trong ba anh em, phải nói Bàn chính là người thông minh nhất, võ nghệ cũng miễn cưỡng được tính là giỏi nhất. Có điều, từ nhỏ, anh đã thích cuộc sống không ràng buộc, yêu thích cái đẹp và say mê với những điều mới mẻ. Với mấy anh em, người kém cỏi nhất và thiếu kinh nghiệm nhất có lẽ không cần bàn cãi, đó chính là Toản. Có nhiều người thắc mắc, lẽ nào lúc định người kế vị, tiên Đế bị những cơn đau đầu hành hạ đến nỗi lú lẫn rồi hay sao mà lại không chọn một trong hai người con lớn. Thế nhưng, nào ai biết được vị anh hùng áo vải vĩ đại của cả dân tộc đã tính trước rất xa. Ngài muốn đào tạo hai người con lớn để sau này giúp vua em thống trị giang sơn, Quang Thùy trấn giữ phương Bắc, Quang Bàn lãnh nhiệm phương Nam.

Bởi thế, với Bàn, những bài tập này chẳng đáng là gì. Chưa hết, binh sĩ rèn luyện khổ cực một, anh lại phấn đấu gấp hai, ba lần. Lâu dần, chính anh cũng cảm thấy sự vô vị trong huấn luyện. Chẳng thế mà Bàn ngày đêm lại phải vắt óc ra để tìm phương pháp huấn luyện mới. Cuối cùng, anh quyết định truyền dạy cho binh lính võ thuật Tây Sơn. Và hai bài phù hợp nhất là Roi Thuận Truyền và Ngọc Trản quyền.

Tại sao lại có chuyện dạy võ ở đây? Số là ai cũng biết Bàn là một người nước ngoài. Thử hỏi, anh có phục không khi mà một người đến từ một nền văn hóa khác mình, đặc biệt là ở một xứ “nhược tiểu” như Đại Việt lãnh đạo. Thế nên, đa số binh lính dưới quyền dù ngoài mặt tuân thủ triệt để mệnh lệnh của Bàn, song, trong tâm họ lại không phục. Vả lại, Bàn lại là một “người lùn”, thế thì so về thể lực, liệu có hơn được ai.

Bàn quá hiểu về điều này. Một ngày nọ, anh nói với mọi người:

- Tôi biết trong số các anh, có khá nhiều người không phục tôi đúng không?

Không có ai lên tiếng, anh lại tiếp:

- Hôm nay tôi sẽ cho các anh một cơ hội. Tôi sẽ ở đây, cùng với người đại diện của các anh thi đấu ba lượt. Nếu tôi thắng, các anh không còn gì để nói, nếu tôi thua, tôi sẽ rời khỏi đây.

Lại vẫn không có ai lên tiếng.

- Các anh yên tâm, hôm nay, quân hàm không có giá trị. Chúng ta sẽ thi ở ba đề mục. Thú nhất là bắn bia. Thứ hai, đương nhiên, chúng ta là pháo binh nên chọn bắn mục tiêu bằng pháo. Thứ ba là đấu võ, các anh có quyền chọn vũ khí hoặc tay không tùy thích.

Bàn dừng lại một chút, lại nói:

- Đương nhiên, để cho công bằng, tôi sẽ giới thiệu cho các anh một người. Người này sẽ là trọng tài và làm chứng cho những gì tôi đã nói. Ý các anh thế nào?

- Nếu người làm chứng đó đủ uy tín, chúng tôi sẽ nghe theo. – Một người lính lên tiếng.

Tiếng rì rầm bàn tán lúc này lan tỏa khắp trung đội. Anh lính vừa rồi nói đúng quá đi chứ. Vẫn biết dù sao chỉ huy trưởng cũng là một yếu nhân, nếu anh ta có thua thì “trên” vẫn mắt nhắm mắt mở mà không thay đổi vị trí, khéo lại còn có những hình phạt ngầm nữa kia chứ.

Đúng lúc này, một giọng nói vang lên, mang theo một vẻ uy nghiêm không cần chối cãi.

- Ta làm chứng được chứ? – Người bước tới chính là Trung tá Arthur Wellesley.

- Vâng, nếu Ngài làm chứng thì chúng tôi chấp nhận. – Một anh Trung sĩ “cả gan” ứng tiếng.

Thế là lúc này, một bản giao ước được ký kết với sự làm chứng của Arthur. Theo đó, Bàn sẽ thi đấu ba trận với ba người khác nhau. Họ chính là những người có năng lực cao nhất ứng với ba nội dung thi đấu nói trên.

Việc trung đội số mười ba có một cuộc thi kỳ lạ giữa chỉ huy và binh sĩ nhanh chóng lan truyền trong tiểu đoàn pháo binh. Ngay cả người của hai binh chủng khác cũng biết. Họ kéo nhau đến xem rất đông.

Tất cả đã sẵn sàng, môn thi thứ nhất bắt đầu. Trước mặt Bàn và người hạ sĩ có tên Barker là sáu bia bắn, chia đều cho cả hai bên. Khoảng cách giữa vạch đứng và các bia lần lượt là một trăm, hai trăm rưỡi và bốn trăm mét.

Tiếng Arthur vang lên: “Bia thứ nhất sẵn sàng… Bắn!”

Đoàng, đoàng. Hai tiếng súng vang lên gần như cùng lúc. Kết quả, cả hai đều trúng hồng tâm.

“Bia thứ hai sẵn sàng… Bắn!”

Đoàng, đoàng… lại hòa nhau. Kết quả phân định sẽ là bia thứ ba. Nên nhớ, với các loại súng hiện thời, tầm bắn hiệu quả nằm trong phạm vi năm trăm mét và tầm bắn chính xác chỉ độ ngoài ba trăm mét. Bia bắn thứ ba có khoảng cách bốn trăm mét thật sự là một thách thức.

Tay binh sĩ kia dù có là thiện xạ cũng có chút hồi hộp. Xác xuất của y chỉ là năm mươi năm mươi. Ngược lại, Bàn lại rất tự tin. Từ nhỏ anh đã được tôi luyện trong võ thuật, sức mạnh và ý chí đều rất cao. Hơn nữa, anh có đôi mắt nhìn rất xa, với khoảng cách như vậy, Bàn vẫn nhìn thấy được cái chấm nho nhỏ màu đỏ trên bia bắn.

“Bia thứ ba sẵn sàng… Bắn!”

Đoàng, đoàng, hai tiếng súng nổ chát chúa lại vang lên. Arthur tiến tới bia bắn. Anh trầm tư xem xét một lúc rồi nói:

- Hạ sĩ Barker lệch hồng tâm mười inch, Trung úy Jack lệch hồng tâm ba inch. Trận này Trung úy Jack thắng.

Cả trung đội số mười ba và những người đến xem đều há hốc ngạc nhiên về tài bắn của Bàn.

- Trận thứ hai không cần đấu, tôi nhận thua. – Bàn bất chợt lên tiếng.

Cả thao trường chợt im bặt. “Làm gì có chuyện như thế? Dù sao anh ta cũng là sĩ quan chỉ huy kia mà. Dù có biết là mình chắc chắn sẽ thua cũng không thể nào tự chịu thua như thế chứ. Hèn”. Sau khoảng lặng là những lời bàn tán tương tự như vậy râm ran khắp nơi. Ngay cả Arthur và Đại úy Smith của tiểu đoàn pháo binh này cũng cảm thấy khó hiểu. Hơn ai hết, họ biết Bàn tính toán đạn đạo tài thế nào. Ngay từ những ngày đầu, Bàn hiểu mình cần học rất nhiều nên không ngần ngại đi xin chỉ giáo từ hai vị chỉ huy này. Anh vốn là người rất thông minh nên chẳng mấy chốc mà thông thạo, không, là đặc biệt thông thạo trong việc tính toán đường đạn.

Đang lúc mọi người đang bàn tán, Bàn chợt lên tiếng:

- Mọi người đừng ngạc nhiên. Tôi biết sức mình tới đâu. Dù gần đây tôi có tiến bộ nhiều nhưng dù sao cũng có thể xem là mới nhập môn. Khả năng thắng của tôi chỉ là năm mươi phần trăm. Trong khi đó, ở cuộc thi thứ ba, tôi tự tin là sẽ chiến thắng một trăm phần trăm. Thế thì cần gì phải tốn thời gian như vậy.

- Ngạo mạn – Smith nói. – Tôi biết khả năng anh thắng trận này là tám mươi đến chín mươi phần trăm. Là chỉ huy của anh, tôi biết năng lực của anh ra sao.

- Đại úy, xin đừng nóng mà nghe tôi nói. Thật ra, trên chiến trường, người chỉ huy có thể không cần là người giỏi nhất trong việc chiến đấu. Cái chính là tư duy của anh ta. Cũng như Ngài, tôi là chỉ huy nên tôi hiểu năng lực của thuộc cấp mình. Tôi tin tưởng mỗi người lính pháo binh của tôi đều là những người tính toán đạn đạo chính xác nhất. Cái tôi cần chính là trao phó mạng sống mình cho những tính toán của họ. Ngược lại, tôi cũng mong họ tin tưởng vào phán đoán cùng mệnh lệnh của tôi nơi chiến trường.

Lời nói của Bàn tuy là cao ngạo thật. Nhưng từng câu, từng chữ lúc này như rót mật vào tai binh sĩ dưới quyền anh. Anh dám nói anh trao mạng sống mình vào tay họ, tức là anh tin tưởng tuyệt đối vào năng lực của họ. Hơn nữa, dám tự nói lên chấp nhận thua cuộc trước mặt thuộc cấp đủ chứng tỏ dũng khí lớn thế nào. Họ đã bắt đầu phục Bàn.

- Vậy thì, nếu không còn ý kiến khác, chúng ta bắt đầu trận thứ ba. Hai đối thủ tiến vào vòng tròn này, ai bước ra ngoài dù chỉ một chân hoặc hô xin thua sẽ được xem là thất bại. hiểu rõ rồi chứ.

- Hiểu rõ – Bàn nói.

- Hiểu rõ – viên Thiếu úy, chỉ huy phó Johnny Laurence lên tiếng.

Cả hai bước vào vòng tròn. Bàn liếc nhìn đối phương thủ thế, anh nhận thấy người đối diện chỉ đơn giản là một võ sĩ quyền anh. Bàn cúi chào anh ta theo tinh thần thượng võ rồi thủ thế “Khai thủ thức” trong bộ quyền pháp Ngọc Trản.

Laurence lao tới, vung ra một cú đấm trực diện vào mặt Bàn. Ngay lập tức, anh rút chân trái về phía sau, thân hình anh gần như vuông góc với đối thủ, tay trái bắt trúng cổ tay đối phương, tay phải nắm lấy khủy tay. Anh khẽ kéo nhẹ rồi lại đẩy mạnh tới, đối phương lập tức ngã ra phía sau. Lúc này, Bàn nương theo đà ngã của Laurence, anh cũng vào thế ngã nằm phía trên, cùi chỏ giật mạnh, mục tiêu là cổ họng đối phương. Nói thì chậm, trên thực tế, mọi việc xảy ra rất nhanh. Đây chính là đòn “Nội phá sơn” trong quyền Ngọc Trản, chi phái võ Tây Sơn. Mục tiêu của đòn này là dùng cùi chỏ nương theo đà lao xuống cộng với lực tập trung tại một điểm do chính mình tạo ra, đánh vào cổ họng hoặc ngực đối phương.

Trúng đòn này, kiểu gì Laurence cũng chết. Trong phút giây thấy cùi chỏ Bàn lao xuống, anh ta không kịp la lên một tiếng, chỉ đành nhắm mắt chịu chết.

Thế nhưng, “bộp” một tiếng, cùi chỏ Bàn sượt qua cổ họng Laurence trong một khoảng cách không thể nào gần hơn. Bãi cát chỗ tiếp xúc với cùi chỏ Bàn lún thành một lỗ sâu hoắm. Anh đứng dậy, nhìn thấy gương mặt Laurence trắng bệch như không còn một chút máu nào.

Cũng phải nói vai phải của Bàn có hơi đau. Số là với hệ võ Tây Sơn – Bình Định, tất cả các đòn đánh đều là đòn sát thủ, nó là một hệ võ thực chiến. Lúc ra tay, vì không muốn giết đối phương, Bàn phải cố tình đánh chỏ nhanh hơn một chút và lệch sang trái, cùi chỏ đánh vào bãi cát tạo thành một phản lực tác động ngược lại cơ thể Bàn.

- Trung… Trung úy… Tôi… Tôi phục rồi, tôi xin thua.

Gì chứ? Mới một đòn đã thua? Làm gì có chuyện đó. Tên Thiếu úy này cũng quá kém cỏi. Đây chính là suy nghĩ của hầu hết mọi người xung quanh. Laurence lên tiếng phân bua:

- Nếu… nếu vừa rồi Trung úy không nương tay, có lẽ cổ họng tôi đã bị chấn nát rồi, có đâu mà còn đứng đây. Tôi thua hoàn toàn và rất phục.

Ra là vậy. Mọi người lúc này như hiểu ra. Họ liếc nhìn lại cái hố sâu hoắm để lại trên nền cát. Mỗi người đều mang một suy nghĩ, nếu mình trúng đòn đó, có lẽ cũng không còn khả năng sống được, cổ họng sẽ bể nát.

Cuộc thi cứ như vậy mà phân định thắng thua. Sau lần này, binh sĩ dù vẫn còn ít nhiều thấy khó chịu nhưng họ thật sự phục và nghe lời Bàn. Nhân đây, Bàn quyết định dạy cho binh sĩ mình môn võ dân tộc. Anh cũng suy nghĩ rất kỹ và quyết định sẽ dạy cho họ hai món. Thứ nhất là Ngọc Trản quyền dùng tay không, thứ hai là roi Thuận Truyền. Ấy thế mà giờ đây, bên hông mỗi binh sĩ trung đội pháo binh số mười ba có kèm thêm một cuộn roi da, rất tiện dụng khi đánh xáp lá cà trên sa trường.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện