CHƯƠNG MỘT
Bài hát có tựa đề là “Khúc hát ru”. Cho tới thời điểm này, có lẽ tôi đã nghe đi nghe lại cả triệu lần - hẳn là khoảng chừng đó.
Tôi được nghe kể lại rằng cha tôi đã viết bài hát này vào ngày tôi chào đời. Lúc đó, cha đã chia tay với mẹ tôi, và đang rong ruổi trên một con đường nào đó ở Texas. Khi nghe tin về sự ra đời của tôi, cha đã cầm lấy cây đàn guitar, rồi bắt đầu viết ngay trong căn phòng tại nhà nghỉ số 6. Bài hát đã ra đời chỉ trong một giờ đồng hồ, gồm vài hợp âm, hai đoạn và một điệp khúc. Cha gần như dành cả đời mình để viết nhạc, nhưng cuối cùng đây mới là bài tạo nên tên tuổi của ông. Cho tới khi mất đi, cha tôi chỉ để lại một dấu ấn đáng kể như thế. Mà có thể là hai, nếu tính cả tôi.
Ngay lúc này đây - trong tuần đầu tiên của tháng Sáu - ca từ và giai điệu của bài hát vẫn vang vọng trong đầu tôi, khi tôi đang ngồi trên chiếc ghế nhựa tại đại lý xe hơi[1]. Bên ngoài trời ấm áp, mọi vật đang sinh sôi nảy nở: Mùa hè đã thật sự ùa về. Thật là lý tưởng cho đám cưới sắp tới của mẹ. Một đám cưới nữa.
Đây là lần thứ tư mẹ kết hôn, nếu tính thêm cha tôi nữa thì là lần thứ năm. Tôi thì không cho là thế, nhưng trong mắt mẹ tôi thì bố mẹ tôi đã cưới nhau. Với bà, yêu một người ta chỉ vừa gặp gỡ vài phút trước đó tại trạm dừng chân, ngay giữa sa mạc, cũng được tính là một lần kết hôn. Nhưng sau đó, mẹ thay đổi các ông chồng của mình như cách người ta thay đổi màu tóc, với cùng mục đích thoát khỏi cảm giác nhàm chán, tẻ nhạt, hoặc đơn giản chỉ là cảm giác một thay đổi sẽ hứa hẹn cho một sự thay thế hoàn hảo. Hồi còn nhỏ, khi tôi tò mò hỏi mẹ về cha mình, về việc hai người đã gặp nhau ra sao, mẹ chỉ thở dài rồi phẩy tay, đáp: “Ôi Remy, thời thập niên bảy mươi ấy mà, con biết rồi đấy!”.
Mẹ luôn nghĩ tôi biết hết mọi thứ. Nhưng bà đã sai. Tất cả những gì tôi biết về thập niên bảy mươi chỉ là những gì tôi được học ở trường hoặc xem trên kênh truyền hình lịch sử: Việt Nam, Tổng thống Carter, và nhạc disco. Và tất cả những gì tôi biết về cha mình chỉ vỏn vẹn là bài “Khúc hát ru”. Trong đời, tôi đã nghe giai điệu này được sử dụng làm nhạc nền trong các đoạn quảng cáo, trong phim, trong các đám cưới, hoặc trong các chương trình ca nhạc được xếp hạng trên radio. Cha tôi không còn, nhưng bài hát vẫn tồn tại. Và cuối cùng, nó sẽ sống lâu hơn cả tôi nữa.
Tôi đang thả hồn đến đoạn giữa điệp khúc thì Don Davis - chủ cửa hàng xe Don Davis - thò đầu ra khỏi văn phòng và trông thấy tôi.
- Chào Remy, xin lỗi đã để con đợi lâu, đi theo chú nào.
Tôi bước theo ông. Tám ngày nữa Don sẽ là cha dượng của tôi, sẽ là một phần của hội không-quá-chọn-lọc của mẹ. Trong hội ấy, ông là người đầu tiên làm nghề kinh doanh xe, người thứ hai thuộc cung Song Tử, và là người duy nhất kiếm tiền bằng công việc kinh doanh của riêng mình. Ông và mẹ đã gặp nhau ngay tại văn phòng này, khi mẹ con tôi cùng đến để mua cho mẹ chiếc Camry mới. Khi đó, tôi buộc phải đi cùng vì đã biết quá rõ tính mẹ: bà sẽ trả theo mức giá niêm yết bởi nghĩ rằng nó đã được mặc định như thế, chẳng khác gì bà mua cam hay giấy vệ sinh ở tiệm tạp hóa vậy; và dĩ nhiên người bán sẽ rất hài lòng để bà làm thế, vì mẹ tôi - ở một mức độ nào đó - cũng được xếp vào hàng nổi tiếng nên mọi người đều nghĩ rằng bà giàu có.
Chúng tôi gặp người bán hàng đầu tiên và anh ta trông như vừa mới tốt nghiệp. Chỉ chút hành động nhỏ của mẹ đã khiến anh ta gần như ngất đi vì hồi hộp. Mẹ bước tới mẫu thiết kế xe mới nhất của năm, thò đầu vào bên trong để thưởng thức mùi thơm của chiếc xe mới. Bà hít một hơi thật dài, mỉm cười và tuyên bố một cách hồ hởi:
- Tôi lấy chiếc này!
“Mẹ”, tôi thốt lên, cố không nghiến hai hàm răng mình lại. Nhưng mẹ hiểu ý tôi là gì.
Trên đường đi, tôi đã dặn dò kỹ lưỡng mẹ khi tới cửa hàng sẽ nói những gì, hành động ra sao để có thể mặc cả và mua được xe với mức giá tốt nhất. Lúc đó, mẹ luôn miệng nói với tôi là bà nghe rồi, nghe rõ và đã hiểu, với đôi tay hết bận chỉnh tới chỉnh lui cánh quạt của máy điều hòa đến bận nhấn lên nhấn xuống nút điều khiển cửa kính xe. Tôi thề rằng chính vì kiểu “chú ý” lắng nghe đó mà tôi đành phải lãnh lấy cái cơn-phấn-khích-xe-mới bộc phát của mẹ vào khoảnh khắc đó.
Thế đấy, sau khi mẹ đã làm hỏng kế hoạch, thì chỉ còn trông đợi ở mỗi tôi nữa mà thôi. Tôi bắt đầu quay sang hỏi người bán hàng một số câu, mong uy hiếp tinh thần anh ta. Anh ta liếc qua tôi để nhìn sang mẹ hòng mong bà cứu vãn, như thể tôi là một con cún mà bà có thể dễ dàng bảo ngừng là ngừng. Tôi đã quá quen với điều này rồi. Nhưng trước khi anh ta lộ ra điểm yếu của mình thì chú Don xuất hiện - vồn vã mời chúng tôi vào văn phòng của ông, và trong vòng mười lăm phút sau đó thì phải lòng mẹ tôi ngay tắp lự. Hai người cứ ngồi trao nhau những ánh mắt tình tứ trong khi tôi mặc cả ông giảm thêm ba ngàn đô, miễn phí bảo trì xe, tặng bạt phủ và thay ổ đĩa CD tốt hơn cho xe. Tôi hẳn phải được ghi nhận về “tài năng” mặc cả cừ khôi nhất trong suốt lịch sử bán hàng của hãng Toyota, điều mà chẳng mấy ai bận tâm. Tất nhiên rồi, tôi đã luôn phải tự xoay xở trong mọi tình huống bởi tôi là người quản lý kinh doanh, kiêm tư vấn viên, kiêm nhân viên phục vụ của mẹ, và giờ đây tôi lại kiêm luôn cả vai trò biên tập viên đám cưới cho bà nữa. Tôi mới thật là may mắn làm sao!
- Remy này.
Chú Don nói khi chúng tôi cùng ngồi xuống. Ông - trên chiếc ngai xoay được bằng da thật êm ái phía sau bàn giấy, còn tôi - trên chiếc ghế vừa đủ thoải mái để kết thúc nhanh cuộc thương lượng - ở phía đối diện. Mọi thứ ở một đại lý xe hơi đều được tạo ra để đánh vào tâm lý người mua hàng. Ví dụ như những miếng ghi nhớ về các thương vụ lớn nào đó được tô đậm và dán vương vãi ở nơi mà khách hàng có thể dễ dàng nhìn thấy nhất. Và cách thiết kế văn phòng cũng khiến cho khách hàng chẳng cần tập trung lắm cũng “nghe lỏm” những bàn bạc về một thỏa thuận kinh doanh tốt đẹp nào đó giữa nhân viên bán hàng với ông chủ. Thêm vào đó là cái cửa kính to đùng đối diện chỗ ngồi hiện tại của tôi, hướng thẳng ra khu vực người mua nhận chiếc xe mới mà họ đã chọn. Cứ vài phút, tôi lại thấy nhân viên bán hàng dẫn một khách hàng tới khu vực đúng giữa cửa sổ, trao cho họ chùm chìa khóa xe sáng loáng, và mỉm cười hồn hậu khi người khách lên xe lái ra khỏi cửa hàng giữa ánh hoàng hôn, y hệt như trong những đoạn quảng cáo. Chao ôi, phải thán phục thay cho đầu óc của những tay cáo già đầy kinh nghiệm.
Giờ thì chú Don ngồi xoay xoay trên ghế, lấy tay chỉnh lại cà vạt. Ông là một người bệ vệ, bụng phệ, đầu hơi hói: thoạt nhìn ông, bỗng nhiên hình ảnh “bánh bao nhân thịt” xuất hiện trong đầu tôi. Nhưng quan trọng là ông thần tượng mẹ tôi. Cầu Chúa phù hộ cho ông về điều đó.
- Có việc gì cần, hả con?
- Dạ. - Tôi vừa đáp vừa thò tay vào túi để lấy ra danh sách tôi mang theo. - Cháu đã liên lạc lại lần nữa với nhà may vest cho chú và họ muốn chú sắp xếp đến thử đồ lần chót trong tuần này. Còn đây là danh sách tham dự bữa tiệc tối trước lễ cưới[2], tất cả 75 người, và nhà hàng yêu cầu chuyển khoản số tiền còn lại vào thứ Hai này.
- Tốt quá.
Ông mở ngăn kéo bàn lấy ra chiếc ví da ông để cuốn ngân phiếu, rồi rút cây viết đang cài trên túi áo, hỏi tôi:
- Tiền thanh toán cho nhà hàng hết bao nhiêu?
Tôi liếc vào tờ giấy cầm theo trên tay, nuốt nước bọt và trả lời:
- Năm ngàn đô ạ.
Ông gật đầu và bắt đầu viết con số đó vào ngân phiếu. Năm ngàn đô la với Don không phải là con số quá lớn. Đám cưới này đưa ông về thời hai mươi trai trẻ và điều đó cũng không quá phiền toái đối với ông. Ông không phiền chi cho việc sửa lại căn nhà của mẹ con tôi để cùng sống với chúng tôi như một gia đình hạnh phúc, món nợ ông trả cho chiếc xe anh tôi mua, và các khoản chi phí hàng ngày để “bảo dưỡng” cho cuộc sống của mẹ tôi. Nghe có vẻ giống như một cuộc đầu tư vậy. Nhưng dù sao thì với ông, đây cũng là đám cưới đầu tiên, là cuộc hôn nhân đầu tiên. Ông chưa có kinh nghiệm gì trong chuyện này cả. Ông là lính mới tò te trong một gia đình quá sức “kỳ cựu” như gia đình tôi.
Don xé tấm séc ra khỏi cuốn ngân phiếu, đẩy về phía tôi và mỉm cười:
- Còn gì nữa không nhỉ?
Tôi kiểm tra lại danh sách lần nữa.
- À, chắc là chỉ còn ban nhạc thôi. Mấy người lễ tân đang thắc mắc...
- Việc đấy ổn cả, - ông phẩy tay nói, - họ sẽ có mặt mà. Nói mẹ con đừng quá lo lắng.
Tôi mỉm cười khi nghe Don nói như thế. Ông mong tôi nói với mẹ câu ấy, trong khi cả hai chúng tôi đều biết bà chẳng hề lo lắng gì về đám cưới này. Những việc bà làm là chọn áo cưới, quyết định loại hoa trong lễ cưới và dồn phần còn lại cho tôi, bởi bà than thở là cần phải tập trung mọi giây phút tự do còn lại để hoàn thành cuốn sách mới của bà. Nhưng sự thật là mẹ tôi ghét những tiểu tiết. Bà thích đưa ra những dự án, suy nghĩ về chúng trong vòng mười phút rồi sau đó nhanh chóng đánh rơi hết mọi hứng thú của mình. Xung quanh nhà tôi chứa đầy những thứ đồ mà mẹ từng quan tâm: bộ đồ nghề massage với tinh dầu, phần mềm xây dựng gia phả, bộ sách dạy bí quyết nấu các món ăn Nhật, hồ nuôi cá sinh thái với tảo biển bao quanh tứ phía và một con cá béo ú màu trắng duy nhất còn sống sót, sau khi đã chén sạch những con cá khác trong hồ.
Hầu hết mọi người đều quy chụp tính khí thất thường của mẹ tôi cho cái nghiệp nhà văn của bà, như thể cứ làm nhà văn thì mới được phép thất thường vậy. Theo tôi, đó chỉ là cái cớ. Một bác sĩ phẫu thuật não dám cũng có lúc nắng lúc mưa như thế lắm chứ, có điều khi gặp tình huống đó thì chẳng ai bảo nó là bình thường cả. May mắn cho mẹ là chỉ mình tôi có suy nghĩ đó.
-... nhanh thật! - Don nói, gõ gõ ngón tay lên cuốn lịch để bàn. - Con có tin được không chứ?
- Dạ không, - tôi trả lời đại, tự hỏi phần đầu câu nói của Don là gì, rồi thêm vào. - Thật thú vị nhỉ!
Ông mỉm cười với tôi rồi lại liếc xuống cuốn lịch, nơi ngày 10 tháng Sáu - ngày tổ chức lễ cưới - được khoanh vòng nhiều lần bằng nhiều màu mực khác nhau. Thì cũng dễ thông cảm cho tâm trạng háo hức ấy. Trước khi gặp mẹ tôi, Don đã ở vào cái tuổi mà hầu hết bạn bè đã từ bỏ hy vọng mong chờ một đám cưới trong đời ông. Suốt mười lăm năm qua, ông sống một mình trong căn hộ tại một khu phức hợp cao cấp ở ngay trục đường chính của thành phố, dành phần lớn thời gian cho việc bán nhiều xe hơi Toyota hơn bất cứ ai trong bang. Và giờ đây, chỉ trong chín ngày nữa thôi, ông không những cưới được bà Barbara Starr, nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lãng mạn, mà còn có được trọn bộ khuyến mãi đi kèm, là anh Chris và tôi. Thật thú vị làm sao!
Ngay lúc đó, điện thoại nội bộ trên bàn ông reo và một giọng nữ phát ra:
- Thưa ông, Jason có một tám-năm-bảy cần ông hỗ trợ. Tôi có thể để họ vào gặp ông không?
Don đưa mắt nhìn tôi, rồi nhấn nút trả lời:
- Được rồi, cho tôi năm giây.
- Tám-năm-bảy à? - Tôi tò mò.
- Chỉ là mật khẩu làm ăn thôi. - Don nói đơn giản rồi đứng dậy. Ông đưa tay vuốt lại mái tóc, che đi chỏm hói mà tôi chỉ nhìn thấy khi ông ngồi. Phía sau lưng ông, bên kia cửa sổ là gương mặt tươi tắn của người bán hàng đang trao cho người phụ nữ cùng đứa bé ở tuổi chập chững biết đi chùm chìa khóa cho chiếc xe hơi mới của bà. Người phụ nữ nhận lấy, trong khi đứa trẻ cứ kéo kéo váy mẹ, cố gắng bất thành trong việc thu hút sự chú ý của bà.
- Chú chưa muốn con đi, nhưng...
- Cháu cũng nói xong rồi. - Tôi đáp, đút tấm giấy trở lại túi mình.
- Ta thật sự biết ơn những gì con đã giúp, Remy à. - Ông nói khi đi vòng qua bàn, đặt bàn tay lên vai tôi theo kiểu các ông bố thường làm, trong khi tôi cố không hồi tưởng về mấy người cha dượng trước đây của mình. Họ đều có cùng hành động ấy, với cùng một sức nặng và cũng mang chừng ấy ý nghĩa. Họ nghĩ họ sẽ trụ được lâu.
- Dạ, không có gì đâu! - Tôi đáp khi ông buông tay xuống và mở cửa cho tôi. Đợi chúng tôi bên ngoài sảnh là một nhân viên bán hàng, bên cạnh anh ta là tám-năm-bảy, một người phụ nữ thấp bé đang giữ chặt chiếc ví cầm tay và mặc một chiếc áo thun len còn vương ít lông mèo. Tôi lờ mờ đoán ra cái dãy số lạ lùng kia được dùng để ám chỉ những khách hàng còn đang băn khoăn, lưỡng lự.
- Thưa ông Don, - người bán hàng nói nhẹ nhàng, - đây là bà Ruth. Chúng tôi đang nỗ lực để giúp bà ấy có được chiếc Corolla mới ngay hôm nay.
Bà Ruth căng thẳng nhìn Don rồi lại nhìn tôi, rồi quay về phía chú Don nói:
- Tôi chỉ...
- Ô, chị Ruth này, - chú Don mau mắn ngắt lời, - sao ta không cùng ngồi và bàn về những gì chúng tôi có thể làm cho chị. Được không nào?
- Đúng rồi đấy, - người bán hàng đáp ngay, - chúng ta chỉ nói chuyện thôi mà.
- Thôi được. - Bà Ruth ngập ngừng bước vào văn phòng. Khi đi ngang qua tôi, bà nhìn tôi như thể tôi cũng là một trong những người đang cố thuyết phục bà vậy. Tôi cố hết sức để không ngăn bà bước vào trong, bởi bà sẽ không chống lại được nghệ thuật bán hàng siêu đẳng của nơi này.
- Remy, - chú Don nói nhỏ, như thể ông đọc được suy nghĩ của tôi, - gặp con sau nhé!
- Vâng ạ.
Tôi đáp lời và liếc nhìn Ruth khi bà bước vào trong. Người bán hàng dẫn bà tới chiếc ghế dành cho khách hàng, hướng nhìn thẳng ra phía ngoài cửa sổ. Lúc này, bên ngoài cửa sổ có một cặp vợ chồng người châu Á đang leo lên chiếc xe mới mua của họ. Cả hai vừa mỉm cười vừa chỉnh lại ghế ngồi cho thoải mái, hài lòng với nội thất trong xe: người vợ kéo tấm che nắng trước mặt, kiểm tra mặt mình trong tấm gương chiếu hậu. Cả hai cùng hít sâu một hơi để thưởng thức mùi thơm của chiếc xe mới, sau đó người chồng tra chìa khóa xe vào công tắc. Khi lái xe ra, họ đưa tay vẫy chào người bán hàng. Lại cảnh hoàng hôn, đẹp như trong quảng cáo.
Cửa văn phòng Don khép lại, lúc này tôi có thể hình dung ra cách ông ngồi sau bàn giấy và gương mặt ông ra sao khi nói câu xã giao quen thuộc: “Nào chị Ruth, tôi có thể giúp gì cho chị đây?”.
Khi bước ra tới gần giữa phòng trưng bày xe, tôi sực nhớ chuyện nhắc chú Don về buổi tiệc nhẹ tối nay. Mẹ đã nói đi nói lại mấy lần mà tôi vẫn quên mất. Chẳng là vị biên tập mới của mẹ đang trên đường từ Atlanta đi đâu đó nên “nhân tiện” ghé qua chào mẹ một tiếng. Vẻ ngoài thì là thế nhưng tôi đoan chắc lý do chính là do mẹ tôi còn đang nợ nhà xuất bản một cuốn tiểu thuyết. Họ hẳn đã bắt đầu lo lắng về tiến độ nên bà biên tập mới phải nhắc khéo bằng chuyến viếng thăm này đây.
Tôi quay lại văn phòng của chú Don. Cửa phòng vẫn đang đóng, và tôi có thể nghe những tiếng rì rầm từ bên trong.
Chiếc đồng hồ treo trên tường đối diện giống như chiếc vẫn thường thấy ở các trường học - những con số to, rõ, và chiếc kim giây nhích từng chút một. Đã một giờ mười lăm chiều rồi. Ngày đầu tiên sau lễ tốt nghiệp trung học và tôi đang phải ở đây - không phải đang trên đường đến bãi biển hay nằm dài trên giường ngủ nướng cho thỏa thích như mọi người vẫn làm. Tôi đang lo chạy việc cho đám cưới của mẹ, chẳng khác mấy một người làm công ăn lương. Còn mẹ thì đang nằm trên chiếc giường cỡ bự hiệu Sealy Posturepedic, với rèm cửa phủ kín, cố ru lấy giấc ngủ mà bà vẫn cho là rất quan trọng cho quá trình sáng tạo của mình.
Và hình ảnh ấy lại khiến cảm giác khó chịu xuất hiện trong tôi. Đó là cơn nóng từ từ dâng lên trong dạ dày mà tôi luôn cảm thấy mỗi khi nghĩ đến sự thiên lệch của cán cân công bằng luôn nghiêng về phía mẹ. Có thể cảm giác này được gọi là sự ganh tị, hoặc chỉ là do vết loét trong dạ dày của tôi, hoặc cả hai cũng nên. Tiếng nhạc trong phòng vang lên lớn hơn, như ai đó vừa điều chỉnh âm thanh để tôi có thể nghe rõ hơn mấy bài hát của Barbra Streisand vậy. Tôi ngồi vắt chéo chân này qua chân kia, mắt nhắm, những ngón tay bấu chặt lên thành ghế và tự nhủ, chỉ còn vài tuần nữa thôi là tôi sẽ được tự do biến khỏi nơi này.
Đúng lúc ấy, ai đó bỗng thả người rơi phịch xuống ngay chiếc ghế bên trái, khiến tôi ngã bật ngang vào tường, cùi chỏ đập vào thanh gỗ khiến cả bàn tay tôi tê rần như bị điện giật. Tôi nổi cáu. Thực sự cáu. Thật lạ là chỉ cần một cú đẩy đã khiến người ta điên tiết đến thế.
- Cái quái gì vậy?
Tôi quát, bật người ra khỏi tường, sẵn sàng cho gã bán hàng nào đó có ý định làm thân một bài học. Cùi chỏ tay tôi vẫn đang tê, và tôi cảm thấy mặt mình từ từ nóng lên, dấu hiệu của một cơn giận dữ kinh khủng.
Quay sang bên, tôi nhận ra đó không phải là người bán hàng nào cả, mà là một gã tóc xoăn đen, trạc tuổi tôi, mặc áo thun màu cam nhạt. Và hắn đang mỉm cười.
- Này, có sao không? - Hắn ta nói một cách hớn hở.
- Anh bị sao vậy? - Tôi cáu, tay xoa xoa cái cùi chỏ tay mình.
- Bị sao ư? Bị gì cơ?
- Anh vừa làm tôi ngã vào tường này, đồ đần. Hắn nheo mắt:
- Ô, nói năng hay nhỉ.
Tôi nhìn hắn ta, thầm nghĩ: Nhầm ngày rồi, anh bạn. Anh gặp tôi không phải lúc rồi.
- Chuyện là, - hắn ta nói như thể mới vừa trước đó, chúng tôi còn đang cùng bàn luận về thời tiết hay tình hình chính trị thế giới, - tôi đã thấy em bước ra ngoài. Tôi đến trễ cuộc trưng bày lốp xe rồi à?
Tôi giương to mắt. Nhưng hắn vẫn tiếp tục nói:
- Tôi mới bất chợt nhận ra rằng chúng ta có điểm chung nào đấy. Phản ứng tự nhiên ấy mà. Và tôi linh cảm có điều gì đó đặc biệt sẽ xảy đến với chúng ta, như thể chúng ta sẽ ở bên cạnh nhau vậy.
- Anh ngộ ra đến từng ấy thứ ở một cuộc trưng bày lốp xe à? - Tôi hỏi.
- Em không cảm thấy vậy sao? - Hắn ta hỏi ngược lại. Tôi thờ ơ đáp “Không”, và lên giọng nói tiếp:
- Không hề. Điều duy nhất tôi cảm thấy là vừa bị anh xô ngã vào tường.
Hắn ta nhỏ giọng và ngồi sát lại bên tôi:
- Đó chỉ là tai nạn thôi. Chỉ là kết quả không may của việc nóng lòng được nói chuyện với em.
Tôi chỉ nhìn hắn ta, không nói gì. Tiếng nhạc dạo chuyển sang nhạc hiệu của đại lý xe hơi Don Davis, toàn những âm thanh lanh canh, leng keng.
- Anh biến đi chỗ khác đi. - Tôi bảo.
Hắn ta cười, đưa tay vuốt lại mái tóc. Tiếng nhạc vang lên khúc cao trào phía trên đầu chúng tôi, nhưng dàn loa chợt rít lên như thể bị lỗi. Hai chúng tôi hết nhìn lên trần, rồi lại nhìn nhau.
- Em biết không, - hắn nói, chỉ tay lên chiếc loa đang rít lên to hơn cả lần trước, - bài hát này, kể từ bây giờ, sẽ là bài hát của chúng ta.
- Ôi Chúa ơi, - tôi rên lên, và ngay lúc đó tôi được giải cứu. Cánh cửa văn phòng của Don cuối cùng cũng đã mở, và bà Ruth được người bán hàng dẫn ra ngoài. Bà cầm theo một xấp giấy tờ, trên khuôn mặt còn hiện rõ sự ngỡ ngàng lẫn mệt mỏi sau màn “ngoại giao” tuyệt hảo của chú Don, đã khiến bà phải móc hầu bao hàng ngàn đô. Và trên hết, trên tay bà đã cầm chùm chìa khóa mạ vàng của chiếc xe mới.
Tôi đứng lên, và gã trai bên cạnh bật dậy theo:
- Đợi đã, tôi chỉ muốn...
- Chú Don! - Tôi gọi lớn, phớt lờ hắn ta.
- Hãy lấy cái này đã. - Hắn ta nói, chộp lấy tay tôi, lật ngửa lòng bàn tay. Trước khi tôi kịp phản ứng, hắn rút cây viết khỏi túi sau và bắt đầu viết cả tên lẫn số điện thoại lên trên khoảng giữa ngón cái và ngón trỏ của tôi.
- Anh mất trí thật rồi. - Tôi giật tay lại, làm lệch con số cuối cùng và hất luôn cây viết khỏi tay hắn ta. Nó rơi xuống nền nhà, lăn lóc vài vòng đến dưới máy bán kẹo.
- Này, Romeo! - Có tiếng ai đó kêu lên từ phía khu vực trưng bày, rồi sau đó là tràng cười ngặt nghẽo. - Đi thôi nào.
Tôi nhìn hắn ta, vẫn không thể tin được. Nếu nói phản ứng với việc thiếu tôn trọng giới hạn chịu đựng của người khác thì có khi tôi sẽ hất cả ly nước vào mặt gã nào dám chạm nhẹ vào người tôi ở quán bar, chứ đừng nói gì đến việc chộp lấy tay tôi và còn viết cả lên đó.
Hắn ta quay nhìn phía sau, rồi lại nhìn tôi, cười nhăn răng:
- Tôi sẽ gặp lại em sau.
- Xuống địa ngục ấy! - Tôi đáp lại, nhưng hắn ta đã đi vòng qua dãy trưng bày xe tải và xe bán tải để bước qua cánh cửa kính dẫn ra bên ngoài, nơi có một chiếc xe thùng màu trắng đậu ngay lề đường. Cửa sau xe đang mở, và hắn ta chuẩn bị leo lên, nhưng rồi chiếc xe thình lình vọt về trước khiến hắn chới với suýt ngã nhào. Hắn thở dài, chống tay lên hông, mắt hướng nhìn lên trời rồi lại chộp lấy tay nắm cửa để đu người lên trong khi chiếc xe lại một lần nữa vọt lên trước, lần này kèm theo tiếng còi tin tin. Cảnh tượng này lặp lại suốt chiều dài bãi xe khiến người bán hàng trong khu trưng bày tặc lưỡi ngán ngẩm. Rồi có ai đó vươn tay ra từ bên trong cửa xe để hắn nắm lấy nhưng hắn phớt lờ. Mấy ngón tay “lơ lửng” giữa không khí ấy ban đầu chỉ vẫy vẫy nhẹ nhàng, sau trở nên nhanh gấp ra chiều sốt ruột, và cuối cùng hắn cũng chịu chộp lấy, tìm đà nhảy phắt vào trong xe. Cánh cửa đóng sầm lại, tiếng còi vang lên lần nữa, và chiếc xe nặng nề lao ra khỏi bãi xe. Loảng xoảng, xọc xạch suốt quãng đường.
Tôi nhìn xuống tay mình, nơi có dòng mực đen nguệch ngoạc dãy số 933-54... gì gì đó, cùng một cái tên bên dưới. Trời ơi, chữ của hắn thật cẩu thả. Một chữ D viết hoa, còn chữ cuối bị ngoạc lên thành một đường thẳng. Dexter là tên hắn - một cái tên ngớ ngẩn không chịu nổi.
Về tới nhà, điều đầu tiên khiến tôi để ý là tiếng nhạc. Nhạc cổ điển với giai điệu cao vút, tràn ngập cả căn nhà bởi tiếng kèn ô-boa rền rĩ và và tiếng vĩ cầm dìu dặt. Rồi mùi thơm của nến, mùi vani ngọt ngào sực nức khiến ai ngửi thấy đều phải nhăn mặt. Cuối cùng là trò chơi “Truy tìm dấu vết” miễn phí, với những vụn giấy nhàu nát rải rác như vụn bánh mì từ phòng nghỉ, vòng qua bếp và dẫn đến hàng hiên.
Tạ ơn Chúa, tôi thầm nghĩ. Mẹ tôi đã viết trở lại.
Tôi đặt chùm chìa khóa lên chiếc bàn cạnh cửa và cúi xuống nhặt một mẩu giấy đã bị vo tròn nhàu nát ngay dưới chân tôi, vuốt thẳng nó lại khi đi vào bếp. Mẹ tôi rất mê tín trong công việc, chỉ sáng tác trên chiếc máy chữ cũ kỹ mà bà đã từng bê theo khắp nơi từ thời còn là cộng tác viên tự do viết cho chuyên mục âm nhạc của một tờ báo tại San Francisco. Âm thanh của nó rất to, có một tiếng chuông leng keng báo hiệu hết dòng, và trông như thể tàn dư từ thời kỳ đầu của hãng chuyển phát nhanh Pony Express[3]. Thật ra, mẹ cũng có một chiếc máy vi tính đời mới nhất, nhưng bà chỉ dùng nó để chơi game mà thôi.
Tờ giấy tôi vừa nhặt lên được đánh số 1 ở góc trên bên phải, và câu chuyện bắt đầu bằng phong cách quen thuộc của mẹ tôi.
Melanie thuộc tuýp phụ nữ yêu thích thử thách. Từ công việc, tình yêu, đến cả tinh thần, cô luôn kiếm tìm một “cái cớ” để đặt bản thân vào tình trạng “chiến đấu”, để kiểm nghiệm quyết tâm của mình, để mọi thành quả đạt được đều phải xứng đáng với những nỗ lực mà cô đã bỏ ra. Bước vào khách sạn Plaza trong một ngày đông lạnh giá của tháng Mười một ấy, cô kéo khăn choàng ra khỏi đầu và rũ mạnh những hạt mưa còn đọng trên khăn. Việc gặp lại Brock Dobbin không nằm trong kế hoạch. Cô chưa từng gặp lại anh kể từ hồi ở Prague, khi những gì cả hai để lại chỉ là một kết thúc tồi tệ không khác mấy khởi đầu của họ. Nhưng hôm nay, một năm đã trôi qua, và đúng vào lúc đám cưới của cô đang gần kề, anh trở lại. Và cô có mặt ở đây để gặp anh. Lần này, cô sẽ chiến thắng. Cô đã từng...
Cô ta đã từng... gì nhỉ? Một vết mực lem trên chữ cuối cùng và kéo dài dọc suốt trang giấy, nơi nó rõ ràng đã bị xé khỏi máy đánh chữ.
Vừa đi, tôi vừa tiếp tục cúi nhặt những trang giấy bỏ nằm vương vãi khắp sàn nhà và vo chúng lại thành đống. Những thứ này không có giá trị. Ở trang nọ, bối cảnh diễn ra ở Los Angeles thay vì New York. Trong một trang khác, anh chàng Brock Dobbin trở thành Dock Brobbin, để rồi lại bị đảo ngược lần nữa. Những chi tiết nhỏ nhặt này luôn khiến mẹ mất “chút ít” thời gian trước khi thực sự tìm được sự liền mạch cho toàn bộ tác phẩm. Nhưng một khi đã vào guồng, bà viết không ngừng nghỉ. Cuốn sách gần nhất được mẹ hoàn thành chỉ trong ba tuần rưỡi, và nó dày đến nỗi hoàn toàn có thể trở thành một cái chặn cửa hữu hiệu.
Tiếng nhạc và tiếng leng keng của máy đánh chữ càng rõ hơn nữa khi tôi bước vào bếp, nơi anh trai tôi - Chris - đang ủi một chiếc áo sơ mi trên bàn ăn. Những lọ gia vị và hộp khăn giấy bị đẩy dồn hết về một góc bàn.
- Mới về hả?
Anh vừa hỏi vừa lấy tay hất phần tóc mái đang che trước mặt sang một bên. Cái bàn ủi hơi nước rít lên khi anh cật lực chà xát nó thành một đường trên mép cổ áo sơ mi.
- Mẹ bắt đầu lâu chưa anh? - Tôi hỏi, lôi sọt rác dưới bồn rửa chén ra và vứt đống giấy vừa nhặt vào đó.
Chris nhún vai, nhấn nút cho vài tia hơi nước xịt ra rồi duỗi thẳng các ngón tay:
- Chắc cũng được vài tiếng rồi.
Tôi liếc ra phía sau lưng anh, thẳng xuyên qua phòng ăn đến nơi mái hiên mà mẹ đang lom khom ngồi cúi người bên máy chữ, còn bên cạnh là một cây nến đã cháy đến một nửa. Khi sáng tác, mẹ tôi lúc nào trông cũng kỳ quái. Bà ấn mạnh vào từng phím chữ, ném cả sức lực bản thân vào đó, như thể những con chữ hiện lên trên trang giấy vẫn chưa bắt kịp tốc độ suy nghĩ tuôn trào trong bà. Thường bà làm việc một mạch vài giờ đồng hồ, rồi xuất hiện với đôi bàn tay ê ẩm, tấm lưng mỏi nhừ và năm mươi trang viết với chất lượng đủ để người biên tập ở New York hài lòng với công sức chờ đợi của họ.
Tôi ngồi xuống bàn, kiểm sơ qua xấp thư từ trong khi anh Chris lật lại cái áo, đẩy nhẹ bàn ủi lên phần cổ tay. Chris cực kỳ rùa bò trong chuyện là ủi, đến độ đã vài lần tôi phải bỏ ra chỗ khác chứ không thể nào ngồi yên chờ anh ủi xong mớ quần áo. Điều duy nhất mà tôi không thể chịu đựng hơn việc phải chứng kiến một việc đang trên đà sai lầm là phải trông thấy người ta tiến hành công việc với tốc độ của loài rùa.
- Tối nay có lễ tiệc gì quan trọng à? - Tôi hỏi trong khi anh cúi người săm soi cái áo, đặc biệt nơi túi phía trước ngực.
- Jennifer Anne tổ chức tiệc tối nay. Phải mặc gì lịch sự kiểu trí thức một chút. - Anh trả lời.
- Lịch sự kiểu trí thức á?
- Nghĩa là không mặc đồ jean, quần lửng thể thao cũng không. Cà vạt tùy chọn. Đại loại thế.
Anh chầm chậm giải thích, mắt vẫn không rời chiếc áo.
Tôi trợn tròn mắt. Mới sáu tháng trước, ông anh yêu quý của tôi còn không có lấy một khái niệm về cái gọi là trí tuệ chứ đừng nói đến lịch sự. Mười tháng trước nữa, trong ngày sinh nhật lần thứ hai mươi mốt của mình, Chris phải “nhập nha” vì bữa tiệc ăn mừng của anh có dấu hiệu liên quan đến cần sa. Đấy không phải là lần đầu tiên anh trai tôi dính líu tới pháp luật. Suốt thời trung học, anh đã vài lần bị tóm vì những tội như phá hoại và đột nhập trái phép (lời biện hộ được chấp nhận), một lần lái xe trong tình trạng say rượu (bị tước bằng lái xe), và một lần tàng trữ chất kích thích (nhiều giờ lao động công ích kèm một khoản đóng phạt kha khá, và dường như vẫn chưa “xi nhê” gì với anh). Nhưng bữa tiệc sinh nhật đã khiến Chris phải vào trại giam. Chỉ ba tháng, và nó đủ “ghê rợn” để khiến anh bắt đầu tu tâm dưỡng tính và lo tìm kiếm việc làm. Anh vào làm tại hãng Jiffy Lube và gặp được Jennifer Anne khi cô này mang chiếc Saturn của mình tới bảo dưỡng khi quãng đường đi của nó chạm mốc ba mươi ngàn dặm[4].
Jennifer Anne được mẹ tôi đặt biệt danh là “kỳ tích bé nhỏ”. Chị ta không hề tỏ ra e dè gì với mẹ con tôi cũng như chẳng buồn quan tâm tới việc chúng tôi có biết điều đó hay không. Vóc người chị ta nhỏ bé, với mái tóc vàng dày xụ, khá thông minh - dù cả tôi lẫn mẹ đều rất ghét phải công nhận điều này - và đã xuất sắc hoàn thành việc “cải tạo” anh trai tôi chỉ trong vòng sáu tháng với kết quả tuyệt vời hơn hẳn những gì hai mẹ con tôi đạt được trong hai mươi mốt năm ròng rã. Jennifer đã khiến anh tôi ăn mặc chỉnh tề hơn, làm việc chăm chỉ hơn, ăn nói đàng hoàng hơn (bao gồm việc biết sử dụng những thứ thuật ngữ chuyên nghiệp như “networking”, “đa nhiệm” và giờ là “lịch sự kiểu trí thức”).
Hiện, công việc của chị gần với nhân viên tiếp tân cho một hội đồng bác sĩ hơn, nhưng chị ta lại thích mọi người gọi mình là “chuyên viên văn phòng”. Đấy chính là tài năng “hoành tráng hóa” bất kỳ chuyện gì của Jennifer. Tôi đã từng nghe chị ta gọi công việc của anh Chris là “chuyên gia bôi trơn động cơ ô tô”, nghe như thể công ty Jiffy Lube là một cơ quan thuộc NASA ấy.
Giờ thì Chris đang giơ cái áo lên, vừa ngắm nghía vừa giũ nhẹ, trong khi tiếng chuông của máy đánh chữ vẫn leng keng vang lên từ căn phòng nọ.
- Trông được chưa?
- Được rồi, - tôi đáp. - Nhưng còn sót một vết nhăn bên ống tay phải kìa...
Anh nhìn xuống, thở dài.
- Vụ ủi đồ này thật phức tạp quá đi. - Chris nói, đặt lại cái áo xuống bàn. - Anh không hiểu tại sao người ta lại cứ để ý ba cái vết nhăn nheo này nhỉ?
- Vậy sao anh phải bận tâm. - Tôi nhấn giọng. - Mà nhân đây, từ khi nào anh quan tâm đến chuyện phẳng phiu của quần áo như vậy thế? Anh đã từng nghĩ chỉ mặc quần tây thôi đã là chải chuốt quá sức chịu đựng cơ mà.
- Nhóc à, - anh nhăn mặt trêu tôi, - em không hiểu được đâu.
- Phải rồi. Xin lỗi nha, ông anh. Em quên mất anh vốn thông minh, hiểu biết mà.
Chris vuốt thẳng cái áo, không nhìn tôi.
- Ý anh là, - anh nói chậm rãi, - em phải biết đến cảm giác khi mình muốn làm điều gì đó tốt đẹp cho người khác, vì mình quan tâm đến người ấy, vì tình yêu của mình dành cho người ấy.
- Ôi Chúa ôi. - Tôi thốt lên.
- Đúng đấy, - Chris cầm áo lên lần nữa. Vết nhăn vẫn còn ở đó, nhưng tôi không nghĩ tới việc chỉ cho anh ấy nữa. - Anh muốn nói đến điều đó đấy. Tình yêu thương và những mối quan hệ, đó là hai thứ mà thật sự đáng buồn thay, em lại đang thiếu.
- Em là nữ hoàng các mối quan hệ đấy nha. - Tôi bực bội. - Và nói cho anh biết luôn đây, em dành cả buổi sáng nay để lên kế hoạch cho lễ cưới của mẹ đấy. Và đó mới chính là kiểu yêu thương kỳ quặc của em đó.
Chris nhẹ nhàng đặt áo lên trên cánh tay mình:
- Em chưa bao giờ có được cái gọi là sự tận tâm.
- Cái gì cơ?
- Và em cứ hết cằn nhằn lại đến rên rỉ về cái đám cưới này. Anh chẳng thể gọi đó là biểu hiện của tình yêu thương đâu.
Tôi chỉ biết đứng đó, nhìn chằm chằm vào anh trai mình. Anh ấy hoàn toàn không giống như Chris ngày nào, cứ như thể đầu óc đã bị tẩy não bởi một giáo phái nào đó.
- Anh có bị gì không đấy? - Tôi hỏi.
- Tất cả những gì anh muốn nói là anh đang thật sự hạnh phúc. Và anh cũng cầu mong em được hạnh phúc như vậy.
- Em vẫn đang hạnh phúc đấy thôi. - Tôi đốp chát. - Thật sự hạnh phúc đấy. - Tôi cao giọng nhấn mạnh lần nữa.
Chris vươn người tới và vỗ nhẹ vào vai tôi, như thể biết tỏng mọi thứ về tôi.
- Thôi gặp em sau. - Nói đoạn, Chris quay người, tiến về cầu thang bếp dẫn lên phòng, với chiếc áo sơ mi còn đầy những nếp nhăn trong tay. Tôi nhìn theo anh trai và chợt nhận ra hai hàm răng của mình đang nghiến vào nhau, điều mà dạo này tôi vẫn hay vô thức làm.
Keng! Tiếng chiếc máy đánh chữ vang lên từ phòng bên, báo hiệu mẹ đã chuyển sang dòng viết mới. Melanie và Brock Dobbin chắc đã đi được nửa đoạn đường dẫn tới cái đích chia ly. Các tác phẩm của mẹ tôi đều theo kiểu lãng mạn đầy day dứt như vậy. Bối cảnh truyện luôn trải dài qua những địa điểm đẹp đẽ đầy lý tưởng, với những nhân vật tưởng chừng có đủ mọi thứ nhưng thực tế lại chẳng nắm giữ được điều gì. Nói dễ hiểu là họ giàu có về vật chất nhưng lại thiếu thốn tình thương. Đại loại là thế.
Tôi bước tới cánh cửa dẫn ra hiên nhà, cẩn thận tránh làm ồn và lặng lẽ ngắm nhìn mẹ. Khi viết, bà dường như đang ở một thế giới khác. Hồi anh em tôi còn nhỏ, chúng tôi la hét và rượt đuổi nhau lòng vòng khắp phòng khi mẹ đang làm việc. Vậy mà bà vẫn ngồi quay lưng về phía chúng tôi, tiếng bàn phím vẫn leng keng, xen lẫn tiếng bà “suỵt suỵt” ra hiệu cần-yên-tĩnh cho chúng tôi. Cứ như thể chỉ cần có vậy, chúng tôi sẽ trật tự ngay lập tức. Cứ như thể chỉ cần có vậy, chúng tôi sẽ thấy được bất cứ thế giới nào mà mẹ đang đắm chìm trong đấy, tại khách sạn Plaza[5] hay bãi biển Capri[6] vùng Địa Trung Hải, nơi một người phụ nữ xinh đẹp mòn mỏi đợi chờ người đàn ông mà bà đã vĩnh viễn đánh mất.
Hồi tôi và anh Chris học tiểu học, nhà chúng tôi rất nghèo, và luôn trong tình trạng túng thiếu. Lúc đó, mẹ chưa có cuốn tiểu thuyết nào được xuất bản ngoài một vài bài viết âm nhạc không thường xuyên trên báo chí. Đề tài âm nhạc của bà là về những thứ như ban nhạc của bố tôi, hay thể loại âm nhạc thời thập niên 70 mà bây giờ người ta gọi là Classic Rock. Đề tài này mất dần sức hút theo thời gian và đến một ngày, nó bị đánh rơi khỏi làn sóng radio. Những bài báo của mẹ tôi cũng cùng số phận như thế. Vậy là mẹ kiếm sống bằng cách nhận dạy viết văn trong một trường cao đẳng cộng đồng với đồng lương còm cõi chẳng được bao nhiêu.
Lúc bấy giờ, chúng tôi phải sống trong một khu phức hợp nghèo nàn với những cái tên mỹ miều như Rừng thông Ridgewood hay Rừng bên hồ, dù ở đó chẳng có lấy một cái hồ, cây thông hay khu rừng nào cả. Mẹ khi đó thường ngồi viết ngay trên bàn ăn, thường thì đến tận khuya hoặc suốt trắng đêm, thỉnh thoảng vào cả buổi trưa. Nhưng dù thế, các câu chuyện của bà vẫn luôn có nhiều bối cảnh lạ. Bà thu thập những tờ rơi quảng cáo miễn phí ở các đại lý du lịch địa phương và lục tìm tạp chí Gourmet[7] cũ tại trung tâm tái chế để tham khảo, tìm tư liệu viết. Tên anh tôi được đặt theo tên vị thánh mà mẹ yêu thích, còn tên tôi được bà chọn từ tên một thương hiệu rượu cognac[8] nổi tiếng mà bà nhìn thấy trong tạp chí Harper’s Bazaar[9]. Mẹ con tôi chỉ có mì ống và phô mai trong mỗi bữa ăn, suốt ngày này qua ngày khác. Các nhân vật của mẹ thích dùng rượu Cristal[10] với trứng cá muối. Trang phục của chúng tôi là những món đồ rẻ tiền mua từ cửa hàng quần áo cũ. Các nhân vật của mẹ dùng hàng hiệu Dior. Mẹ yêu thích sự sang trọng và hào nhoáng, ngay cả khi điều đó là quá xa vời với bà.
Việc anh Chris và tôi thường xuyên quấy rối trong lúc đang sáng tác khiến mẹ phát điên lên. Cuối cùng, bà tìm ra giải pháp ở khu chợ trời. Một tấm màn treo cửa. Tấm màn kiểu gypsy, được kết bằng những chuỗi hạt ấy được bà treo trên cửa bếp và trở thành dấu hiệu cho anh em tôi: Nếu nó được kéo lên vắt qua một bên cửa, hai đứa chúng tôi được phép chơi đùa thỏa thích trong khu vực đó. Nhưng nếu màn được thả xuống, đó là lúc mẹ làm việc, và chúng tôi phải tự tìm đồ ăn vặt và tìm chỗ khác để chơi.
Lên sáu tuổi, tôi rất thích đứng chơi với tấm màn ấy, thích đưa tay vuốt những dây chuỗi, ngắm nhìn chúng đong đưa như sóng gợn. Những chuỗi hạt đập nhẹ vào nhau, phát ra âm thanh như tiếng chuông reo nhẹ nhàng. Thỉnh thoảng, tôi vẫn có thể ghé mắt qua đó để nhìn ngắm mẹ. Nhưng những lúc mải mê viết, bà trông rất khác, vừa giống một nhà tiên tri, vừa giống một bà tiên - người có thể tạo ra đủ thứ phép màu.
Phần lớn vật dụng trong căn hộ cũ ngày đó của mẹ con tôi hoặc mất đi từ lâu, hoặc được mang cho người khác. Nhưng tấm màn vẫn tiếp tục cuộc hành trình cùng chúng tôi đến Mái-nhà- lớn này (chúng tôi gọi ngôi nhà mới của mình như thế). Nó cũng là một trong những thứ đầu tiên mẹ treo lên, thậm chí còn trước cả những bức tranh anh em tôi vẽ ở trường, trước cả bản sao chép một bức Picasso mà mẹ yêu thích trong phòng khách. Có một cây đinh để giữ tấm màn được vén lên, và giờ thì nó đang được thả xuống, cũ kỹ và xấu xí, nhưng vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ của mình. Tôi vươn người sát vào tấm màn, ghé mắt nhìn mẹ. Bà đang chăm chú làm việc, những ngón tay như nhảy múa trên bàn phím. Tôi nhắm mắt và lắng nghe. Tiếng gõ phím nghe phỏng như giai điệu mà tôi đã nghe trong suốt cuộc đời mình, Khúc hát ru. Tất thảy những phím bấm, cả những con chữ ấy, nhiều từ ngữ quá. Tôi đan ngón tay mình vào những chuỗi hạt ấy. Hình ảnh mẹ sau bức màn như đong đưa trên sóng nước, nhẹ nhàng tan ra, lung linh và huyền ảo, trước khi tất cả lại hội về thành một khối nguyên vẹn.
________________________________________
[1] Car dealership: đại lý phân phối xe hơi. Trong các bộ phim của Mỹ, bạn thường thấy những đại lý này với mặt tiền bên ngoài khu vực văn phòng trông như một bãi đỗ xe rộng với rất nhiều xe hơi, từ cũ xì cho đến mới toanh.
[2] Rehearsal dinner: bữa tiệc được tổ chức vào đêm trước ngày cưới. Đây là một phong tục trong đám cưới ở Bắc Mỹ.
[3] Tức hãng chuyển phát “Đoàn ngựa con tốc hành”. Hãng này dùng ngựa phi tốc hành để chuyển thư và bưu phẩm giữa Sacramento và Saint Joseph, tạo ra bước đột phá trong việc chuyển vận thư tín ở Mỹ. Tuy nhiên, Pony Express chỉ hoạt động được một thời gian rất ngắn, vì dịch vụ của hãng không còn sánh kịp với tốc độ truyền tin của hệ thống đường dây điện tín ra đời 18 tháng sau đó.
[4] Khoảng 48.000 km.
[5] Tên một khách sạn hạng sang nằm ở khu Manhattan, New York, Mỹ.
[6] Tên một đảo thuộc vùng Campania, tỉnh Naples, thuộc nước Ý.
[7] Gourmet Magazine, tạp chí ẩm thực nổi tiếng của Mỹ.
[8] Rémy Martin là một trong bốn nhà sản xuất rượu cognac hảo hạng trên thế giới.
[9] Một trong những tạp chí thời trang hàng đầu thế giới.
[10] Một thương hiệu rượu champagne của nhà sản xuất Louis Roederer.