Phần 04 - Chương 06: Chiến dịch xén lông cừu và cuộc suy thoái nông nghiệp năm 1921 ở Mỹ

6. Chiến dịch xén lông cừu và cuộc suy thoái nông nghiệp năm 1921 ở Mỹ

Ngày 1 tháng 9 năm 1894, chúng ta sẽ đình chỉ tất cả việc kéo dài các khoản vay. Ngày đó, chúng ta sẽ vét lại hết tiền của mình, sẽ tịch thu và phát mãi các tài sản còn chưa thanh toán hết cho chúng ta, sẽ dùng giá do chúng ta định ra để có được hai phần ba đất đai nông nghiệp tính từ sông Mississippi về phía tây và hàng ngàn hàng vạn hec-ta đất đai ở miền đông nước Mỹ. Những nông dân mất đất vì phá sản sẽ biến thành những kẻ làm thuê, chẳng khóc gì ở Anh cả.

Hiệp hội các nhà tài phiệt ngân hàng Mỹ năm 1891 (sưu tầm từ ghi chép của Quốc hội ngày 29 tháng 4 năm 1913).

“Xén lông cừu” (fleecing of the flock) là một thuật ngữ chuyên môn trong nội bộ các nhà tài phiệt ngân hàng, nghĩa là việc lợi dụng cơ hội được tạo ra trong quá trình phát triển và suy thoái kinh tế để có được tài sản của người khác chỉ bằng một phần mấy giá trị thực của tài sản ấy. Khi các ngân hàng đã khống chế được quyền phát hành tiền tệ của Mỹ thì sự tăng trưởng hay suy thoái của nền kinh tế Mỹ đã trở thành quá trình có thể khống chế chính xác. Hành vi “xén lông cừu” lúc này đối với ngân hàng chẳng khác nào giai đoạn chuyển hoá của những người dân du mục từ săn bắt kiếm sống sang sản xuất ổn định nhờ biết chăn nuôi một cách khoa học.

Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã đem đến cho nước Mỹ sự phồn vinh trên diện rộng. Việc mua sắm vật tư chiến tranh với quy mô cực đại đã thúc đẩy sản xuất và dịch vụ của các ngành công nghiệp Mỹ phát triển. Từ năm 1914 đến năm 1920, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã đầu tư những khoản tiền lớn vào lĩnh vực kinh tế. Mức lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang ở New York từ 6% trong năm 1914 giảm xuống còn 3% trong năm 1916, và được duy trì mãi đến năm 1920.

Để cung cấp các khoản vay lớn cho các nước đồng minh, trong vòng hai năm 1917 – 1918, các ngân hàng đã bốn lần tiến hành huy động vốn trên quy mô lớn, gọi là “trái phiếu tự do” (Liberty Bond), lãi suất thì tăng từ 3,5% đến 4 – 5%. Một mục đích hết sức quan trọng của các đợt phát hành trái phiếu này chính là nhằm thu hút lượng tiền tệ và tín dụng mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã phát hành quá nhiều.

Trong chiến tranh, người công nhân được trả lương cao, còn lương thực của nông dân thì bán rất được giá, tình trạng kinh tế của các tầng lớp công nhân thợ thuyền được nâng lên đáng kể. Sau khi chiến tranh kết thúc, do chi phí sinh hoạt và tiêu dùng giảm xuống, nông dân nắm giữ một lượng hiện kim rất lớn, và khoản tài sản khổng lồ này lại không nằm dưới sự khống chế của các ngân hàng phố Wall. Đa số nông dân ở miền Tây và Trung của nước Mỹ thường đem tiền gửi vào ngân hàng địa phương để cất giữ. Vì mâu thuẫn với ngân hàng quốc tế New York, các ngân hàng vừa và nhỏ này vừa không tham gia vào hệ thống ngân hàng Cục Dự trữ Liên bang, vừa không ủng hộ đối với việc cho vay chiến tranh ở châu Âu. Vì thế, các lão làng ở phố Wall muốn tìm cơ hội để “chỉnh đốn” các ngân hàng “nhà quê” này đồng thời chuẩn bị ra tay “xén lông cừu” đối với “bầy cừu” nông dân béo múp.

Các ngân hàng phố Wall trước hết dùng kế “vờ tha để bắt thật”, xây dựng một cơ cấu được gọi là “uỷ ban cho vay Nông nghiệp Liên bang” (Federal Farm Loan Board) chuyên “khuyến khích” nông dân đem những đồng tiền mồ hôi xương máu của mình đầu tư vào việc mua đất đai mới. Tổ chức này chịu trách nhiệm cung cấp những khoản vay dài hạn, và đương nhiên, đối với nông dân thì điều này chẳng khác nào cảnh “buồn ngủ gặp chiếu manh”. Vì thế rất nhiều nông dân đã xin vay vốn dài hạn của các ngân hàng quốc tế dưới sự điều phối của tổ chức này, và nộp khoản chi đầu tiên với tỉ lệ cao.

Những người nông dân có thể chẳng bao giờ ngờ được rằng, họ đã rơi vào cái bẫy được thiết kế hết sức tinh vi.

Trong các tháng 4, 5, 6, 7 của năm 1920, lĩnh vực công nghiệp và thương mại đạt mức tăng trưởng tín dụng cao. Điều này đã giúp các nhà công nghiệp có cơ hội tháo gỡ các khoản vay tín dụng. Riêng chỉ có nông dân là bị từ chối khi muốn vay tín dụng. Đây là một quả bộc phá tài chính được phố Wall thiết kế chính xác! Nó chỉ nhằm tước đoạt tài sản của nông dân và huỷ hoại những vùng đất nông nghiệp của các ngân hàng vừa và nhỏ đã dám cự tuyệt lệnh của Cục Dự trữ Liên bang.

Trong một hội nghị, Owen – Chủ tịch Ngân hàng thượng nghị viện và uỷ ban tiền tệ (cùng ký dự luật Cục Dự trữ Liên bang năm 1913) – đã nói rằng: “Đầu năm 1920, nông dân là những người có cuộc sống sung túc. Họ vay được nhiều tiền để mua nhà cửa ruộng vườn. Cuối năm 1920, việc các ngân hàng siết chặt tín dụng và tiền tệ một cách đột ngột đã khiến cho nông dân phá sản hàng loạt. Sự phá sản của nông dân đã xảy ra trong năm 1920 tương phản hoàn toàn với điều phải xảy ra(20).

Những khoản tín dụng đã được tung ra quá nhiều trong chiến tranh cần phải được giải quyết từng bước trong một khoảng thời gian nhất định. Ngày 8 tháng 5 năm 1920, uỷ ban Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tiến hành một hội nghị bí mật. Họ đã họp kín với nhau suốt một ngày, biên bản hội nghị dày đến 60 trang, và ngày 19 tháng 2 năm 1923, những biên bản này cuối cùng cũng đã xuất hiện trong hồ sơ của thượng nghị viện. Thành viên hội đồng quản trị loại A (Cục Dự trữ Liên bang), thành viên của uỷ ban Tư vấn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tham gia hội nghị này, nhưng các thành viên hội đồng quản trị loại B – những người đại diện cho thương nghiệp, mậu dịch và nông nghiệp thì không được mời. Tương tự, những người thuộc nhóm C đại diện cho người dân Mỹ cũng không được mời dự họp.

Chỉ có những ngân hàng lớn tham gia vào hội nghị bí mật này. Các thành viên hội nghị ngày hôm đó đã đi đến thống nhất chính sách thắt chặt tín dụng, khiến cho thu nhập của Mỹ giảm 15 tỉ đô-la trong năm thứ hai, mấy triệu người thất nghiệp, giá đất đai và trang trại sụt giảm đến 20 tỉ đô-la.

William J. Bryan – Bộ trưởng ngoại giao của tổng thống Wilson – đã nêu ra đích xác căn nguyên của vấn đề: “Ngân hàng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lẽ ra phải là người bảo vệ nông dân, nhưng trên thực tế lại trở thành kẻ thù lớn nhất của nông dân. Việc siết chặt tín dụng đối với nông nghiệp là một tội ác có âm mưu”(21).

Sau khi vui mừng nhờ bội thu từ hành động “xén lông cừu” đối với nông nghiệp, hơn nữa, các ngân hàng nhỏ ngoan cố ở vùng Trung – Tây Mỹ cũng bị quét sạch, Cục Dự trữ Liên bang lại bắt đầu buông lỏng vòng quay lưu chuyển tiền tệ.

----

Chú thích:

(20) Eustace Mullins. Bí mật của Cục Dự trữ liên bang (The Secrets of the Federal Reserve) – Bankers Research Institute, 1985, Chương 9.

(21) Hearst Magazine, 11/1923.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện