Chương 6

Buổi học thứ hai giữa hai đứa tôi còn tệ hại hơn buổi học thứ nhất. Lần này thằng An “phá hoại” buổi học không phải bằng cách dụ tôi coi đá gà như bữa trước, mà bằng những câu đố.

Trước nay, tôi không biết An có cái tài vặt này . Cái thằng, toán thì dốt đặc cái mai mà các câu đố mẹo không biết ở đâu nó lôi ra lắm thế!

Khi thấy tôi ngồi vào bàn, chuẩn bị lật tập ra, An khoát tay:

- Từ từ hãy học! Ngồi chơi chút xíu đã!

Tôi liếc nó:

- Chút xíu là bao lâu ?

- Chừng mười, mười lăm phút thôi! Nghỉ khỏe thì học mới mau hiểu!

Trời ơi, sao bữa nay nó nói một câu dễ thương quá xá vậy không biết! Thực bụng thì tôi không tin nó lắm, nhưng ngẫm ra thấy nó nói cũng có lý. Mới chân ướt chân ráo bước vô nhà nó, học liền cũng mệt. Tôi duỗi người trên lưng ghế, miệng không quên nhắc nhở:

- Nghỉ đúng mười phút thôi nghen!

- Ừ muời phút.

Nói xong, An cũng ngả lưng lên ghế, hệt như tôi . Mắt nó nhìn lên trần nhà, có vẻ suy nghĩ lung lắm. Chẳng biết nó “nghỉ ngơi” thiệt hay đang âm mưu điều gì. Nhưng thôi, kệ nó. Phần tôi, tôi cứ nhắc chằm chặp:

- Còn bảy phút… còn năm phút… còn ba phút…

Đột ngột, An nhỏm người dậy:

- Tao đố mày cái này nè!

Tôi nhướn mắt:

- Cái gì ?

Nó nheo mắt, tinh quái:

- Tao chỉ đọc câu đố một lần thôi . Mày ráng nhớ kỹ nghe!

Tôi sửa lại ghế ngồi, lắng nghe .

- Có một chiếc xe buýt chở năm người . Khi xe ghé trạm thứ nhất, có 3 người xuống xe . Ghé trạm thứ hai, thêm một người xuống và 2 người lên. Ghé trạm kế tiếp, 2 người xuống, 4 người lên…

An cố tình đọc chậm rãi để cho tôi tính. Còn tôi thì vừa lẩm nhẩm trong miệng vừa bật các ngón tay để đếm số người còn lại trên xe, bụng nghĩ: “Bài toán dễ ợt vậy mà nó cũng đem ra đố”.

- … Ghé một trạm nữa, không ai xuống nhưng có 2 người lên. Ghé trạm kế tiếp, 3 người xuống, không ai lên. Ghé trạm nữa …

An cứ thao thao đố còn tôi vẫn tiếp tục đếm. Cuối cùng, nó hỏi:

- Đố mày từ nãy giờ, xe buýt ghé mấy trạm cả thảy ?

Tôi chưng hửng. Tưởng nó hỏi số người, ai dè nó hỏi số trạm.

Trong khi tôi tức điên người vì bị lừa thì An ngồi cười hô hố một cách khoái chí.

Cười đã, An đằng hắng:

- Bây giờ tao đố mày câu khác nè!

Tôi cảnh giác:

- Cũng đố mẹo nữa hả ?

An lắc đầu:

- Không, lần này tao đố đàng hoàng. Nhưng bởi đây là những câu đố đơn giản, do đó khi tao hỏi mày phải trả lời ngay tức khắc, hễ ngập ngừng là coi như thua .

- Được rồi! – Tôi gật đầu .

- Chuẩn bị nè! – An hắng giọng – Một bàn tay có mấy ngón ?

- Năm ngón! – Tôi đáp như một cái máy .

- Hai bàn tay có mấy ngón ?

- Mười ngón!

- Mười bàn tay mấy ngón ?

- Trăm ngón!

An bật ngửa ra ghế, cười sằng sặc.

Tôi ngơ ngác:

- Thì đúng rồi chứ gì nữa!

Nó ngoáy mũi chọc quê tôi:

- Mười bàn tay mà có tới trăm ngón! Hê hê!

Tôi vẫn gân cổ:

- Chứ không trăm ngón thì…

Đang nói, tôi chợt phát hiện ra sai lầm của mình liền im bặt, mặt đỏ tới mang tai .

Lần thứ hai tôi rơi vào bẫy của An:

mười bàn tay chỉ có năm mươi ngón thôi!

Thấy điệu bộ của tôi, thằng An rất khoái chí. Nó hỏi:

- Sao ? Không cãi bướng nữa chứ ?

Đầu óc đang nghĩ cách trả đũa, tôi không màng đến thái độ khiêu khích của nó.

- Đây! – Tôi hào hứng hẳn lên khi nghĩ ra một câu đố hóc búa – Tới lượt tao đố mày! Sẵn sàng nghe chưa!

An nhấp nhổm trên ghế:

- Đố đi!

Tôi nháy mắt:

- Nghe kỹ nghen! Một người đi ra bờ sông câu cá. Ngày đầu ông ta câu được 6 con bị đứt đầu . Ngày thứ hai ông ta câu được 9 con bị đứt đuôi . Ngày thứ ba, câu được 8 con bị đứt đôi . Hỏi tổng cộng trong ba ngày ông ta câu được mấy con cá ?

Tôi nhủ thầm:

Ông cho mày nghĩ nát óc luôn! Ai dè mới nghe xong câu hỏi, nó vọt miệng đáp liền:

- Dễ ợt! Không câu được con nào hết!

Nó nói trúng phóc làm tôi chưng hửng. Hẳn là nó đã nghe câu đố này ở đâu rồi .

Nhưng tôi không chịu công nhận chiến thắng của An một cách dễ dàng:

- Tại sao lại không có con nào ? Mày giải thích nghe coi!

- Thì con số 6 mà bỏ cái móc trên đầu tức thì thành con số 0, con số 9 bị đứt cái đuôi cũng là con số 0, con số 8 bị cắt đôi thành hai con số 0. Đúng chưa ? Câu đố này xưa như trái đất, ai mà chẳng biết!

Nghe cái giọng khi dể của An, tôi tức run cả người:

- Được rồi, – tôi hằm hè – Để tao đố mày câu khác!

Nói vậy nhưng tôi vẫn chưa nghĩ ra một câu đố nào đáng giá đủ sức đánh gục An. Những câu đố kiểu như “cái gì không sơn mà đỏ, không gõ mà kêu …” chắc nó thừa sức trả lời .

Thấy tôi ngồi im re, An nóng ruột:

- Sao ? Đã nghĩ ra câu nào chưa ?

Tôi khoát tay:

- Chờ một chút! Tao sắp nhớ ra rồi!

Thực ra trong đầu tôi vẫn chưa có một chữ nàọ Đang lúng túng, đột nhiên tôi nhớ đến câu đố lúc trước bà tôi đố tôi và nhỏ Ái:

- Bên này cưa ngọn, bên kia cưa ngọn, đố mày là cái gì ?

An nheo mắt:

- Cái gì hay con gì ?

Tôi ấp úng:

- À… à… con gì ?

An cười hì hì:

- Con ngựa chứ con gì! Cưa ngọn tức con ngựa . Những câu đố kiểu nói lái này tao biết hàng đống!

Nó làm tôi xuôi xị . Tôi ngả lưng vào thành ghế như một người bại trận, mất hết nhuệ khí.

Nhưng An vẫn chưa chịu chấm dứt trò chơi . Nó chồm người tới trước:

- Giờ tới lượt tao …

Đang nói, nó chợt ngưng lại . Nó nhìn dáng điệu uể oải của tôi với vẻ dò xét:

- Sao ? Đầu hàng rồi hả ?

- Đố đi! – Tôi bực mình gắt.

- Nghe kỹ nè! – An nói, giọng hồ hởi – Hai vợ chồng dẫn một đứa con đi chơi . Tới một ngã tư đột nhiên đứa con nói: “Bốn chúng ta hôm nay đi chơi vui quá”. Đố mày tại sao đứa con lại nói là “bốn chúng ta” ?

Ra câu đố xong, nó ngồi thu chân trên ghế như một con mèo và nhìn tôi bằng ánh mắt tinh quái .

“Bốn chúng ta hôm nay đi chơi”, tôi nhẩm câu đố trong đầu, loay hoay tìm cách giải .

Hai vợ chồng với một đứa con, tại sao lại hóa thành bốn người được. Tôi vừa nghĩ ngợi vừa nhăn nhó, hệt như lúc an cơm, biết có một hạt sạn trong miệng mà chẳng biết cách nào để lừa ra . Bí quá tôi đáp cầu may:

- Chắc là má nó mang bầu ?

An lắc đầu:

- Không. Má nó bình thường!

- Hay là nó cộng cả ông cảnh sát giao thông ?

- Trật luôn!

Trả lời hai lần đều sai, tôi càng bối rối . Lại thêm thằng An cứ lải nhải bên tai:

- Chịu thua chưa ?

Nghe muốn nỗi điên. Tôi nhướng mắt:

- Sức mấy mà thua!

- Không thua thì nói đi!

Tôi hắng giọng:

- Tao biết cái mẹo của mày rồi . Thằng bé nó nhìn thấy cái bóng của mình chứ gì!

- Hi hi! Bóng đâu mà bóng!

Thằng An nhe răng cười . Nó có vẻ khoái chí trước sự bế tắc của tôi .

Lần này thì tôi nản chí thật sự:

- Thôi, tao chịu thua . Tại sao thằng bé lại nói là bốn người, mày cho biết đi!

An đưa tay xoa cằm:

- Có gì đâu! Bởi vì nó còn nhỏ, nó chưa biết đếm. Ba người mà nó đếm thành bốn!

Đang tựa lưng vào ghế, tôi bật người dậy, tức tối:

- Dẹp mày đi! Ngay từ đầu mày có bảo thằng bé không biết đếm đâu!

- Cần gì bảo! Tự mày phải đoán ra chứ!

Tôi bĩu môi:

- Đoán cái mốc xì! Không ai lại ra câu đố như mày cả!

An nghinh mặt:

- Sao lại không ?

Sự bướng bỉnh của nó làm tôi điên tiết. Chẳng biết làm gì, tôi thò tay cầm cuốn tập trên bàn với vẻ giận dỗi:

- Thôi! Bắt đầu học đi!

Nghe đến chuyện học, An cụt hứng liền. Nó chép miệng:

- Thôi để tuần tới đi!

- Không tuần tới tuần lui gì hết! – Tôi gạt phắt.

- Nhưng bây giờ thì…

- Bây giờ thì sao ? – Tôi liếc nó.

An chưa kịp trả lời tôi thì cái đồng hồ trên tường đã trả lời giùm nó:

- Boong! Boong! Boong! Boong! Boong!

Thế là đã năm giờ. Trong khi tôi nhăn nhó thì An tươi mặt hẳn lên:

- Thấy chưa!

- Thấy gì! Tại mày hết đó!

- Sao lại tại tao ?

- Chứ gì nữa! Tại mày bày ra cái trò đố qua đố lại .

An nhe răng cười:

- Thì giải lao mà lại!

- Tưởng mươi, mười lăm phút, ai dè kéo dài cả hai tiếng đồng hồ! – Tôi cằn nhằn.

Phớt lờ sự cau có của tôi, An phấn khởi một cách lộ liễu:

- Không học bữa nay thì còn bữa khác, lo gì! Để tao lấy mấy trái xoài ra thưởng cho mày!

Trong một thoáng, tôi chợt hiểu mình bị mắc lừa . Cái thằng quỉ quái, không những nó lừa tôi trong những câu đố mà qua những câu đố, nó đã lừa tôi bỏ mất cả một buổi học chung!

Nhìn An đứng lom khom bên tủ lạnh, tôi vừa tức nó lại vừa giận mình. Thế là tối nay tôi phải bỏ chương trình ti-vi để học bài ở nhà mới kịp.

Nhưng không phải chỉ mình tôi mắc bẫy của An.

Có một hôm, tôi và An đang ngồi học, gọi là ngồi học nhưng thực ra lúc đó hai đứa đang chơi chọi dế, thì bất thần thằng Nhuận và nhỏ Dạ Lan ghé vào . Chắc là tụi nó đi kiểm tra việc học chung của hai đứa tôi .

Nhác thấy bóng thằng Nhuận ngoài cổng, An vội đút chiếc hộp giấy trong đó hai con dế đang quần nhau vào ngăn bàn. Còn tôi thì vội vã lật cuốn tập trên bàn ra .

- Chà, hai ông tướng học tập nghiêm chỉnh quá hén!

Cái giọng eo éo của thằng Nhuận vang lên.

An kéo ghế mời hai vị khách quý ngồi .

- Tụi mày đi đâu đây ? – Tôi liếc Nhuận, hỏi với giọng kém thân mật.

Nhuận chưa kịp đáp thì nhỏ Dạ Lan vọt miệng:

- Tụi tôi tính ghé xem hai bạn học như thế nào .

Con nhỏ này lúc nào cũng vậy, nghĩ gì nói nấy, chẳng e dè, nể sợ ai hết. Đụng vào nó như đụng vào bức tường thép. Vả lại hành động của Nhuận và Dạ Lan hoàn toàn chính đáng. Theo dõi, đôn đốc và kiểm tra các đôi bạn cùng tiến là trách nhiệm của Nhuận, tổ trưởng tổ học tập của tôi và An.

Trong hoàn cảnh đó, tôi đành cười giả lả:

- Thì học bình thường thôi chứ có gì đâu!

- An và Nghi đang học bài gì vậy ? – Nhuận đột ngột hỏi .

- Tụi tao học toán. Đang học tới bài này nè!

Vừa đáp, tôi vừa cúi xuống lật tập sột soạt.

Thực ra, từ nãy đến giờ, tôi và An chưa hề đụng tới bài vở. Tôi vừa bước chân qua khỏi ngưỡng cửa, thằng An đã chìa cái hộp giấy ra trước mắt tôi:

- Tao vừa tóm được hai con dế “ác chiến” lắm mày ơi!

Nghe tới dế, tôi lập tức quên bẵng hết mọi thứ trên đời .

Tôi chúi đầu trên chiếc hộp, reo lên:

- A, có một con dế lửa!

An vỗ vai tôi:

- Tao nhường mày con dế lửa đó. Tao lấy con dế than. Đá thử chơi xem ai hơn ai!

Con dế than của An to hơn con dế lửa của tôi nhưng tôi không ngán. Khi lâm chiến, chưa chắc con nào lì hơn con nào . Riêng tôi, trước nay tôi vẫn “mê tín” dế lửa .

Thế là chẳng đứa nào nhắc đến chuyện học hành, tôi và An thò tay vào hộp bắt con dế mình ra . Tôi thò tay lên đầu bứt một sợi tóc, cột vào chân dế, quay vù vù. An cũng làm hệt như vậy . Thậm chí nó còn phun nước bọt phèo phèo vào con dế của nó. Làm như vậy để cho con dế nó “bốc” nó “hăng máu”, tất cả bọn trẻ chúng tôi đều làm điều đó trước khi tiễn các “võ sĩ” của mình ra đấu trường.

An một đầu, tôi một đầu, từ hai phía đối diện trong hộp giấy, chúng tôi lùa hai con dế ra chính giữa võ đài . Vừa đối diện với địch thủ, con dế than ra oai gáy một tràng dài . Không chịu thua, con dế lửa của tôi cũng phồng cánh, gáy một tràng đáp lễ. Dường như thấy nghi thức chào sân như vậy đã đủ, hai võ sĩ xông vào nhau, ẩu đả liền.

Tôi và An đứng ngoài vừa hò hét động viên vừa nhảy chồm chồm theo từng cú đòn diễn ra trong “võ đài”.

Đúng ngay hồi gay cấn nhất thì thằng Nhuận và nhỏ Dạ Lan tới . Thành thử bây giờ nghe Nhuận hỏi, tôi vừa lật tập giả bộ tìm kiếm để hoãn binh, vừa nghĩ cách đối phó.

Trong khi tôi đang loay hoay chưa tìm ra diệu kế thì An thình lình vỗ vai Nhuận:

- À mày, hôm trước tao và Nghi đọc được một bài toán đố trên báo . Bài toán dễ thiệt dễ mà chẳng đứa nào giải ra …

- Toán hình học hay toán đại số ?

- Chẳng phải toán hình học cũng chẳng phải toán đại số! Một bài toán thông thường thôi, giống như toán cấp một vậy .

Nhuận nhìn An nghi ngờ:

- Thiệt không ?

- Thiệt mà.

- Mày còn nhớ đề toán không ?

- Nhớ! – An vừa nói vừa xoay người trên ghế – Bài toán như thế này nè. Có ba người vào khách sạn thuê phòng. Họ thuê chung một phòng với giá 30 đồng. Như vậy, mỗi người chỉ phải trả góp 10 đồng. Tên bồi cầm 30 đồng khách đóng đến nộp cho ông chủ khách sạn. Nhưng ông chủ chỉ lấy 25 đồng và bảo tên bồi đem trả lại cho khách 5 đồng. Cầm lấy 5 đồng, tên bồi nghĩ hoài vẫn không biết làm sao chia đều cho ba người, cuối cùng, nó giấu đi 2 đồng, và với 3 đồng còn lại nó trả đều cho mỗi người khách một đồng…

Nói tới đây, tự nhiên thằng An im bặt.

Thằng Nhuận và nhỏ Dạ Lan nãy giờ đang trố mắt nghe, thấy vậy liền giục:

- Rồi sao nữa ?

An vỗ trán:

- Chờ một chút đi! Để tao nhớ lại phần sau coi!

Ngay từ đầu, tôi đã biết đây là mẹo của An. Nó cố tình làm cho Nhuận và Dạ Lan bị hút vào câu đố để quên đi chuyện kiểm tra việc học tập của tụi tôi . Cũng giống như chiến thuật nó áp dụng với tôi hôm trước. Cả lần này nữa, nó cũng lại thành công.

Nhìn vẻ mặt chăm chú, căng thẳng của Nhuận và Dạ Lan, tôi biết hai đứa đã quên mất mục tiêu “viếng thăm” của mình. Và tôi không nén được một tiếng thở phào nhẹ nhõm. Nếu biết từ nãy đến giờ, tôi và An chơi đá dế thay vì học, chẳng hiểu ngày mai vào lớp, tụi nó sẽ cho tôi “thưởng thức” những món gì. Có khi tụi nó lại báo với cô Nga, giáo viên chủ nhiệm nữa không chừng! Ai chứ thằng Nhuận thì nó chẳng từ một hành động nào .

Thằng An ậm ự một hồi, chờ cho hai vị khách thật sốt ruột mới chịu nói tiếp:

- À, tao nhớ rồi! Như vậy là mỗi người khách chỉ đóng có 9 đồng. Chín đồng nhân với 3 người khách thành 27 đồng, đúng chưa ? Hăm bảy đồng cộng với hai đồng tên bồi giấu đi là 29 đồng cả thảy . Vậy còn 1 đồng nữa biến đi đâu ?

Đúng là một bài toán mẹo hóc búa . Không chỉ có Nhuận và Dạ Lan mà ngay cả tôi cũng bị câu đố thu hút. Đồng thời tôi cũng rất ngạc nhiên về An. Với những trò chơi câu đố của mình, An tỏ ra có một đầu óc rất thích hợp với toán học. Rõ ràng là nó nhớ và rất thích thú với những chi tiết lắc léo, đòi hỏi phải vận dụng trí não đến mức tối đa . Vậy mà khi học hành nghiêm chỉnh, nó lại rất lười học toán. Nói chung là nó lười học tất cả các môn. Có lẽ hình ảnh của anh Dự đã ăn sâu vào suy nghĩ của nó, vì vậy nó chẳng tha thiết gì đến chuyện học tập. Nó đã từng nói với tôi như vậy . Mỗi lần nghĩ đến chuyện này, tôi vừa giận nó lại thương nó.

Nhuận ngồi thừ người trên ghế. Nó nghĩ ngợi đến nhăn cả trán. Nhỏ Dạ Lan thì vừa nghĩ vữa lấy ngón tay vẽ ngang vẽ dọc trên mặt bàn, chốc chốc nó lại nhìn ra ngoài trời . Còn tôi cũng muốn điên cái đầu về đồng bạc bị mất.

Lâu thật lâu chẳng đứa nào lên tiếng.

Chợt nhỏ Dạ Lan chép miệng:

- Hay là đồng bạc bị thằng bồi đánh rơi ?

Tôi “xì” một tiếng:

- Đánh rơi đâu mà đánh rơi!

Nhuận xen vào:

- Không phải đánh rơi đâu . Chắc là có cái mẹo gì đây . Bây giờ mình thử tính lại coi . Ba ông khách đóng 27 đồng, thêm 2 đồng trên người bồi là 29… là 29… Thiếu mất một đồng. Ủa, nhưng còn 25 đồng người chủ khách sạn lấy nữa chi, tổng cộng là 54 đồng…

Tôi cắt ngang:

- Không được. Mày tính nhầm rồi, 25 đồng người chủ khách sạn giữ nằm trong 27 đồng ba người khách đóng, đâu thể cộng thêm vào đó được.

- Ừ hén, – Nhuận gật gù – Nhưng như vậy thì một đồng kia ở đâu ?

Nhỏ Dạ Lan vọt miệng:

- Bây giờ cứ tính mỗi người giữ bao nhiêu tiền thì ra chứ gì!

Sáng kiến của Dạ Lan như một tia chớp lóe lên trong đêm tối . Tôi vỗ tay đôm đốp, tán thưởng một cách lộ liễu:

- Đúng rồi! Đúng rồi!

Còn Nhuận thì reo lên:

- Thật là chí lý! Chúng mình điểm lại coi . Ông chủ khách sạn giữ 25 đồng, người bồi giữ 2 đồng…

- Còn mỗi người khách giữ 1 đồng. Ba người giữ 3 đồng! – Tôi tiếp lời .

Nhuận hắng giọng:

- Như vậy là vừa đủ 30 đồng, đâu có mất đồng nào .

Dạ Lan ngơ ngác:

- Nhưng bài toán lại tính thiếu 1 đồng ?

Nhuận nhíu mày:

- Lạ thật!

Tự nhiên tôi chợt hiểu ra:

- Bài toán cộng sai! Bài toán cộng sai!

Nhuận dòm tôi:

- Sai chổ nào ?

- Đây nè! Ba người khách đóng 27 đồng, phải chưa ? Trong 27 đồng đó, người chủ khách sạn lấy 25 đồng và người bồi lấy 2 đồng. Do đó không thể lấy 27 đồng cộng cho 2 đồng được, vì 2 đồng người bồi giữ đã nằm trong 27 đồng kia rồi . Đúng ra phải lấy 27 đồng cộng với 3 đồng còn lại nơi 3 người khách thì đề toán lại cộng với 2 đồng của người bồi, do đó dẫn đến việc thiếu mất 1 đồng. Đúng không mày ?

Tôi quay nhìn An, vẻ đắc thắng.

Từ nãy đến giờ, trong lúc tụi tôi vắt óc suy nghĩ, An ngồi im lặng, không nói một câu . Bây giờ, thấy cái mẹo của bài toán bị phanh phui, nó gãi đầu cười ruồi:

- Có lẽ đúng! Nhưng bài toán giải được là nhờ Dạ Lan chứ không phải nhờ mày đâu!

Giọng của nó cũng không giấu vẻ đắc thắng. Bởi vì lúc ấy Nhuận đã xô ghế đứng lên:

- Thôi tụi mày học tiếp đi! Tao và Dạ Lan còn phải đi kiểm tra mấy cặp khác!

Chỉ chờ có vậy, thằng An đứng dậy tiễn hai vị khách quý ra cửa bằng nụ cười toe toét.

Tôi ngồi trong nhà rụt cổ nhìn theo, miệng lẩm bẩm: Hú vía!

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện