03.Những người vui tính
Tôi phóng xe như bị ma đuổi, trực chỉ tới chợ An Ðông. Kim đồng hồ trên tay tôi chỉ ngay con số 5 càng khiến lòng tôi như bị lửa đốt. Kiểu này coi bộ nguy to . Hồi sáng trước khi đi làm, vợ tôi dặn tôi đúng bốn giờ chiều ghé chợ đón cô ta về, vậy mà mải cà phê cà pháo với mấy đứa bạn tôi quên béng đi mất, đến khi sực nhớ ra thì đã trễ cả tiếng đồng hồ. Tôi dừng xe trước cổng chợ, ngóng mỏi con mắt nhưng chẳng thấy bóng vợ tôi đâu . Tôi đứng lớ ngớ một hồi, nửa muốn đạp xe về nửa muốn ráng đợi . Biết đâu chiều nay cô ta chẳng rề rà lâu hơn mọi bữa . Nghĩ vậy nên tôi cứ đi tới đi lui lóng ngóng trước cổng chợ, không dám bước đi đâu xa, sợ cô ta ra mà không tìm thấy tôi thì có nước chết! Tới khi đồng hồ chỉ sáu giờ thì tôi biết rằng có đợi nữa cũng vô ích, rằng vợ tôi đã về nhà rồi và rằng cô ta đã cuốc bộ. Tôi biết chắc điều đó bởi một là vợ tôi rất tằn tiện, hai là cô ta không bao giờ đi xích lô trên những chặng đường mà đôi chân con người có thể chinh phục được. Tôi phóng vội về nhà, gió thổi vù vù bên tai, tim đập thình thình trong ngực. Tôi vừa đạp xe vừa nguyền rủa mình thậm tệ: đồ hứa lèo, đồ thất tín, đồ vô dụng và hàng lô những lời tương tự khác, lòng hoang mang nghĩ đến những điều đang chờ đợi tôi ở nhà.
Vừa vô tới cửa, tôi gặp ngay thằng con tôi:
- Mẹ về chưa con?
- Mẹ về rồi!
- Mẹ đang làm gì thế? - Tôi tiếp tục thăm dò.
- Mẹ đang thái mỡ trong bếp.
Tôi bước rón rén xuống bếp, trên môi nở sẵn một nụ cười biết lỗi . Nhưng vô ích, vợ tôi ngồi thái mỡ không ngẩng mặt lên mặc dù tôi cố ý tạo ra những tiếng động lịch kịch để báo hiệu cho cô ta biết.
Không biết làm sao, cuối cùng tôi đành cười giả lả:
- Chiều nay công chuyện bù đầu, không cách gì rứt ra mà đi đón em được...
Im lặng. Vợ tôi hình nhưng không nghe câu nói của tôi .
- Ðến khi anh tới chợ thì em về mất rồi ...
Vẫn im lặng.
Túng quá, tôi bèn ngồi xuống quàng tay qua vai vợ tôi, giọng năn nỉ:
- Thôi cho anh xin lỗi nghen!
Vợ tôi hất mạnh tôi ra . Vì bất ngờ, tôi loạng choạng thiếu điều chổng cẳng lên trời . Thú thật chưa bao giờ tôi thấy vợ tôi mạnh đến thế.
Tôi lồm cồm bò dậy, vừa thẹn vừa tức. Tôi dòm quanh quất, tính làm một việc gì đó cho hả giận. Dòm vô lu nước, thấy lu nước cạn rốc, thế là tôi đùng đùng xách hai chiếc thùng chạy thẳng ra phông-tên đầu đường. Sức tôi vốn yếu, bình thường thì tôi xách mỗi bên nửa thùng. Nhưng đang cơn bực, tôi vặn nước đầy cả hai thùng rồi ì à ì ạch xách về nhà, vừa đi vừa thở hổn hển. Tôi đổ nước vô lu ầm ầm, cố ý cho vợ tôi biết sự bực dọc của mình. Nhưng cô ta vẫn không thèm ngó, cứ cắm đầu cắm cổ thái mỡ, lại còn thẳng tay ném mỡ vô chảo bôm bốp y như ném vô mặt tôi không bằng. Tôi giận cành hông nhưng chẳng biết làm gì ngoài cách khua thùng thiếc ầm ĩ. Vợ tôi vẫn phớt lờ, mặt lạnh như tiền.
Xách tới đôi nước thứ ba thì tôi trượt chân té một cái "oách" giữa đường. Thằng con tôi đang đi theo hộ tống, thấy vậy bèn chạy vù về nhà. Trong khi đó thì tôi không thèm đứng dậy mà cứ nằm "ăn vạ" ngoài đường. Trong thoáng mắt, vợ tôi hớt hơ hớt hải chạy ra . Thấy vẻ mặt thất sắc không còn chút máu của cô ta, tôi nở từng khúc ruột và cố tình lim dim mắt ra cái điều sắp chết đến nơi .
Vợ tôi cúi xuống đỡ tôi dậy, miệng lắp bắp:
- Trời ơi, có sao không anh?
Tôi "ú ớ" nói không ra tiếng.
- Ðã biểu xách lưng lưng thôi, ai mượn xách đầy chi cho té không biết!
Tôi không nói không rằng, cũng không thèm nhìn vợ, chỏi tay ngồi dậy một cách khổ sở.
- Ðể em dìu anh về.
Vợ tôi vừa nói vừa quàng tay qua người tôi . Tôi liền hất mạnh tay cô ta một cách thô bạo . May mà cô ta không ngã. Rồi trước cặp mắt van lơn của vợ tôi, tôi cúi xuống xách hai thùng nước đi cà nhắc về nhà, mặt mày băng giá.
Khi xách thùng quay ra, tôi gặp vợ tôi đi vào . Nhìn cô ta chạy xuống bếp với dáng đi thiểu não, tôi hơi xúc động nhưng nhất quyết không chịu nhượng bộ. Tôi nhủ thầm: Hơi đâu, cứ chịu thua hoài, cô ta được thể làm tới!
Tôi chưa vặn vòi nước máy thì thằng con tôi ở đâu chạy ào tới, miệng la bài hãi:
- Ba ơi ba, mẹ đứt tay chảy máu tùm lum ở nhà kìa!
Tôi cuống lên, vội chụp lấy đôi thùng rỗng, ba chân bốn cẳng vọt về nhà.
Tôi phóng vô bếp như một cơn lốc. Vợ tôi đang ngồi cúi mặt trên tấm thớt, tay này nắm chặt tay kia có vẻ đau đớn lắm.
Thấy vậy, tôi càng quýnh quáng:
- Trời ơi, có hề gì không em? Ðứt chỗ nào đưa cho anh coi!
Tôi vừa cầm lấy tay vợ tôi thì cô ta la lên:
- Trời ơi đau! Ðừng đụng vô người em!
Nhưng không đụng vô người cô ta làm sao được! Thế là mặc cho vợ tôi kêu la, tôi vẫn cúi xuống bế thốc cô ta vô giường nằm. Xong, tôi lục lọi ngăn tủ lấy ra nào là bông băng, thuốc tím, thuốc đỏ. Tôi bê tất cả lại giường và cúi xuống trên những ngón tay của vợ tôi, hấp tấp hỏi:
- Ðâu ? Ðâu ? Chỗ nào đâu ? Chỉ anh băng cho!
Vợ tôi không trả lời vì bận rên rỉ nhưng ngón trỏ tay phải thì chỉ vào ngón trỏ tay trái . Tôi quan sát thật kỹ, thấy trên ngón tay có một vết sướt lờ mờ không biết là sâu hay nông nhưng nhìn vẻ mặt nhăn nhó của vợ tôi thì chắc là sâu lắm, không khéo thì đứt rời ngón tay ra nữa không chừng. Sau khi rửa bằng thuốc tím, tôi bôi thuốc đỏ lên ngón tay vợ tôi rồi buộc chặt lại sau khi lót một lớp bông dày . Xong, tôi lấy gối kê dưới cánh tay vợ tôi và dặn:
- Thôi, em nằm nghỉ đi, để anh thái mỡ cho!
Vợ tôi mặc dù đau đớn vô cùng nhưng vẫn cố lên tiếng ngăn cản:
- Thôi, anh cũng nằm nghỉ đi! Khi nãy em thấy vai anh bầm tím, chắc đau ghê gớm lắm!
Tự dưng tôi rơm rớm nước mắt:
- Ừ, hình như xương vai anh bị nát rồi thì phải! Ðau dễ sợ!
Và tôi nằm vật xuống đi-văng, cảm thấy mình bị hoạn nạn không kém gì vợ.
Trong lúc vợ chồng tôi đang chìm vào cơn đau thập tử nhất sinh như thế thì cả hai bỗng nghe tiếng lạch cạch dưới bếp, không biết là tiếng gì.
Tôi quát to:
- Cái gì lịch kịch dưới bếp đó bây ?
- Con đang thái mỡ! Hai chiến sĩ bị thương rồi thì chiến sĩ thứ ba phải tiếp tục công viếc chớ! - Tiếng con tôi vọng lên.
Trời, té ra ông chiến sĩ Ðiện Biên nhà tôi .
Vợ tôi vội vùng ngay dậy:
- Thôi, thôi, không ai mượn! Con để đó cho mẹ!
Và vợ tôi ba chân bốn cẳng chạy vù xuống bếp, không có vẻ gì là một người sắp sửa đứt lìa ngón tay cả.
Tôi vội vàng chạy theo vợ tôi và níu áo cô ta:
- Em lên nằm nghỉ đi! Em đang đau mà! Làm sao làm việc được!
Vợ tôi mỉm cười:
- Không sao đâu! Bị trầy da có chút xíu, ăn nhằm gì!
Không ăn nhằm gì thì thôi! Tôi liền chộp lấy đôi thùng thiếc.
- Thôi, thôi, anh lên nằm nghỉ đi! Xương vai anh gần nát mà còn xách với xiếc! - Vợ tôi kêu lên.
- Nát đâu mà nát! Té sơ sơ nhằm nhò gì!
Tôi cười hì hì và xách đôi thùng bước ra khỏi nhà.